Tóm lại, trong quá trình dựng nước và giữ nước, cha anh chúng ta đã hy
sinh quá nhiều xương máu mới để lại cho chúng ta một dãy giang sơn gấm
vóc như ngày hôm nay. Tuy nhiên, trong tiến trình Nam tiến, dân tộc Việt
Nam đã gặp rất nhiều thuận lợi trong việc thu phục Chiêm Thành và Thủy
Chân Lạp. Biên giới phương Nam thời kỳ nhà Ngô thu hồi nền độc lập là
vùng núi non tỉnh Thanh Hóa, đến năm 1069, vua Lê Đại Hành đã thu phục
các vùng Hà Tĩnh, Quảng Bình và phía Bắc Quảng Trị, đến năm 1306 Đại
Việt làm chủ phần đất Quảng Nam và Quảng Ngãi, năm 1402 làm chủ Qui
Nhơn, năm 1471 làm chủ Phú Yên, 1611 làm chủ Khánh Hòa, 1653 làm chủ
Phan Rang, 1693 làm chủ Phan Thiết, và cuối cùng năm 1757, xác lập chủ
quyền trên toàn cõi Nam Kỳ, nhưng chiếm được đất là một việc, còn giữ
được bờ cõi đất đai và có dân lại là việc khác, bằng chứng là hai dân
tộc Phù Nam và Chân Lạp đã không làm được chuyện nầy, ít nhất là tại
vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Phần. Tuy nhiên, với chánh sách
khôn khéo và mềm dẻo mà chỉ trong vòng chưa đầy một thế kỷ, các chúa
tiền triều nhà Nguyễn đã thu phục toàn bộ đất Thủy Chân Lạp.
Người Việt Nam tiến về phương Nam rất chậm nhưng rất chắc chắn. Trong
khi các vương quốc Phù Nam, Chiêm Thành, Lào và Chân Lạp chủ trương tiến
đánh các lân quốc và cướp lấy tù binh về làm nô lệ; nhưng Việt Nam chưa
bao giờ bắt giữ tù binh làm nô lệ, ngược lại nếu phải lâm chiến với các
lân quốc thường thì họ thả hết tù binh sau chiến trận, mà họ chỉ giữ
lấy đất đai để khai khẩn và trồng trọt. Người Việt Nam phát động cuộc
Nam Tiến một cách rất ôn hòa, thường thì các lưu dân người Việt là những
người đi tiên phong khai phá rồi sau đó binh lính mới tới để bảo vệ lưu
dân của họ. Bên cạnh đó, các lưu dân Việt Nam thường là những người tự
nguyện hoặc những tù phạm lưu xứ, hoặc là dân nghèo sơ tán sau các vụ
thiên tai, hoặc ngay cả bọn cướp hết thời muốn hoàn lương, vân vân, nên
sinh khí của lưu dân đi khẩn đất phương Nam rất cao. trong tiến trình mở
cõi của Việt Nam.
Hình như tiến trình mở cõi của dân tộc Việt Nam vẫn còn đang âm ỉ ngay
trên những vùng đất đang trực thuộc Cao Miên và Lào ngày nay vì tại đó
cũng đang có những lưu dân người Việt sanh sống. Họ là những người bình
dân sống rất âm thầm bên cạnh những cư dân bản địa, nhưng phải thành
thật mà nói sức sống và sức chịu đựng của họ mãnh liệt hơn dân bản địa
nhiều. Sức sống và sức chịu đựng của lưu dân Việt Nam mạnh mẽ đến độ dù
họ phải sống chung với nhiều nhóm lưu dân hay dân bản địa khác như Lào,
Miên, Tàu, Mạ, Stiêng, Cho Ro, vân vân, họ vẫn luôn giữ được cho người
Việt Nam tại đây tính thuần nhất và không bị bất cứ dân tộc nào đồng
hóa.
Sau nhiều thế kỷ trải qua nhiều triều đại, đến năm 1757, cuộc Nam Tiến
coi như kết thúc, chủ quyền vùng Nam Kỳ ngày nay hoàn toàn thuộc về xứ
Đàng Trong. Chúa Nguyễn Phúc Khoát mất năm 1765, ở ngôi 27 năm, thọ 52
tuổi. Về sau này đến đời chúa Nguyễn Phúc Thuần thì triều đình nhà
nguyễn đã quá bệ rạc. Ngoài biên cương thì cây cột trụ Nguyễn Cư Trinh
cũng vừa qua đời năm 1767, ngoài ra không còn tướng giỏi, trong triều
thì Trương Phúc Loan lộng quyền, thay vì lập Hoàng Tôn Dương(78) hoặc
Nguyễn Phúc Luân(79), thì Trương Phúc Loan lại lập Nguyễn Phúc Thuần(80)
lên ngôi chúa lúc mới 12 tuổi, gây nên cảnh náo loạn trong triều và
sinh linh đồ thán bên ngoài dân gian. Trải qua 9 đời chúa, đến đây nhà
Nguyễn bị nạn quyền thần lấn lướt. Lợi dụng Nguyễn Phúc Thuần còn nhỏ,
Trương Phúc Loan nắm hết các nguồn lợi chủ yếu của xứ Đàng Trong như
thuế sản vật, cũng như các mỏ vàng ở Thu Bồn, Đồng Hương, Trà Sơn, Trà
Vân, vân vân. Chính vì vậy đã đưa đến cuộc khởi nghĩa của nhà Tây Sơn
vào năm 1774. Nguyễn Nhạc đã cầm đầu cuộc khởi nghĩa, thanh thế ngày
càng lừng lẫy vì được nhiều người ủng hộ. Bên cạnh đó, quân Trịnh ngoài
Bắc lại kéo vào đánh phá với khẩu hiệu tiễu trừ lộng thần Trương phúc
Loan. Tháng 12 năm 1774, quân Trịnh chiếm đóng Phú Xuân và đặt quan lại
cai trị vùng Thuận Hóa, trong số đó có Lê Quí Đôn (1776).
Rất may cho nhân dân và đất nước Việt Nam, vì vào thời điểm nầy công
cuộc Nam Tiến coi như đã hoàn tất. Cũng kể từ thời điểm nầy, nhà Nguyễn
chẳng những không góp được công lao gì nữa cho đất nước, mà ngược lại
chỉ một bề dốc công dốc sức, ngay cả đến việc rước voi về dày mã tổ, để
giữ cho bằng được chiếc ngai vàng cho dòng họ Nguyễn. Phải thành thật mà
nói rằng, kể từ chúa Nguyễn Phúc Khoát trở về trước, nhà Nguyễn có công
với đất nước bao nhiêu, đã bị các vua chúa nhà Nguyễn về sau nầy đánh
mất bấy nhiêu. Quả là một bất hạnh cho đất nước!!!
Nguồn Lực Khởi Nghiệp Của Các Chúa Nguyễn:
Khi được vua Lê sắc phong cho vào trấn nhậm Thuận Hóa, chúa Tiên Nguyễn
Hoàng cũng như những đời chúa về sau nầy biết rất rõ sản vật vùng Thuận
Hóa chưa có gì, ruộng đất khô cằn, không thể nào vùng đất nầy có khả
năng cung ứng được tiềm lực quân sự cho xứ Đàng Trong. Chính vì thế mà
ngay từ buổi ban đầu, các chúa đã chủ trương mở cửa thị trường trong
nước cho thương gia nước ngoài vào làm ăn và đẩy mạnh việc giao thương
với ngoại quốc. Từ năm 1600 đến 1613, chúa Nguyễn Hoàng đã chủ trương
lôi kéo tối đa các thương nhân Nhật Bản, Cao Miên, Trung Hoa, Phi Luật
Tân, Ấn Độ, Hòa Lan, cũng như các thương nhân Âu châu khác vào làm ăn ở
xứ Đàng Trong. Các phố Hội An và Bao Vinh(81) ra đời từ đó và nhanh
chóng trở thành những thương cảng phồn thịnh có tầm cỡ quốc tế.
Những nơi nầy sớm trở thành những trung tâm vận chuyển hàng hóa từ Đông
Bắc Á xuống Đông Nam Á và ngược lại. Năm 1613, chúa Nguyễn Phúc Nguyên
đã cho phép các thương nhân Hòa Lan mở thương điếm tại Hội An. Sau đó
các chúa còn gửi thơ mời các thương nhân xứ khác đến đây làm ăn. Riêng
tại Thanh Hà (Huế), đích thân các chúa tiếp đón tàu bè ghé lại đây, rồi
còn chúc phúc và ban thưởng tiền, vàng, bạc, lụa... khi họ sắp sửa trở
về nước(82). Bên cạnh đó, chúa Nguyễn cho phép cư dân người Việt từ khắp
nơi tự do về Hội An làm ăn.
Nhờ vậy mà người từ Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Ngãi... đến Hội An sinh
sống và lập nghiệp rất đông. Trong khi người Nhật và người Hoa cũng được
tự do lập phố như Phố Nhật, phố Khách, vân vân. Chúa Nguyễn cho phép
người ngoại quốc đến xứ Đàng Trong lập cơ sở sản xuất và xuất cảng, miễn
là đóng thuế đầy đủ cho triều đình Thuận Hóa. Đồng thời, nhiều đoàn
thương thuyền Việt Nam cũng được chúa cho phép ra nước ngoài làm ăn,
miễn là đóng thuế đầy đủ. Tại Hội An chúa Nguyễn đã cho thiết lập nhiều
sở thu thuế, và dùng người Hoa trong việc thu thuế nầy. Chính nhờ nguồn
thu thuế, lợi tức buôn bán đã trở thành chỗ dựa lớn nhất về kinh tế cho
các chúa Nguyễn. Tuy nhiên, đến sau đời chúa Nguyễn Phúc Khoát, đặc biệt
là các vị vua triều Nguyễn đã hoàn toàn đi ngược lại với chính sách của
các tiên đế, chánh sách đã từng giúp cho các chúa Nguyễn có được một
nguồn lợi kinh tế đáng kể khi phải đương đầu với chúa Trịnh ngoài Bắc.
Kể từ vua Gia Long, sau năm 1802, chánh sách bế quan tỏa cảng được triệt
để áp dụng. Từ đó chẳng những những vùng đất trù phú bậc nhất như Hội
An và Thanh Hà mất dần tánh cách quan trọng của một thương cảng, một
trung tâm vận chuyển hàng hóa quốc tế, mà kinh tế Đại Việt cũng suy
thoái, tạo điều kiện thuận lợi cho các nước Tây phương có cớ xâm chiếm
Việt Nam.
Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.
Chú Thích:
(1) Phong Khê.
(2) Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán tại sông Bạch Đằng giành lại độc
lập cho dân tộc sau hơn 1.000 năm Bắc thuộc, từ năm 110 trước Tây lịch
đến năm 939 sau Tây lịch.
(3) Tức là cổ thành Indrapura bây giờ thuộc tỉnh Quảng Nam.
(4) Bây giờ là vùng phía Bắc tỉnh Thừa Thiên.
(5) Năm 1642, công ty Đông Ấn tưởng xứ Đàng Trong đã đánh giết thủy
thủ của họ nên đã cho tàu đổ bộ lên đánh Đà Nẳng. Lúc đó Nguyễn Phúc Tần
còn là Thế Tử đã đưa quân ra đánh dẹp, đốt cháy thuyền giặc và giết
chết thuyền trưởng Vanliesvelt.
(6) Vùng Ninh Hòa ngày nay.
(7) Nay là Diên Khánh.
(8) Vùng Sài Gòn ngày nay.
(9) Nay là quận Điện Bàn.
(10) Nay là vùng Nha Trang.
(11) Còn có tên là sông Krong Pha hay sông Đa Nhim.
(12) Đó là Phan Rang, Phan Rí và Phan Thiết.
(13) Mùa hè năm 1658 vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân đưa quân sang đánh
phá vùng Prei Nokor. Chúa Nguyễn Phúc Tần sai Nguyễn Phúc Yến vào đánh
dẹp và bắt được Ông Chân, nhưng sau đó chúa tha cho về tiếp tục làm quốc
vương xứ Chân Lạp.
(14) Khoảng tháng hai âm lịch năm Giáp Dần.
(15) Thuộc vùng đất Biên Hòa ngày nay.
(16) Kế Bà Tử làm khám lý và các con của Kế Bà Ân làm đô đốc.
(17) Như vậy đến năm 1698 quan Thống Suất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu
Cảnh đã chính thức tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên miền đất Thủy
Chân Lạp với đầy đủ những thủ tục hành chánh mà chưa có dân tộc nào đã
làm trước đây, như đặt địa danh, kiểm tra dân số và thiết lập bộ máy
hành chánh cho đến ngày nay.
(18) Ngày nay thuộc tỉnh Bình Định.
(19) Mạc Cửu vốn quê ở Lôi Châu thuộc Trung Hoa, vì bất mãn với nhà
Mãn Thanh nên đưa toàn bộ gia nhân và thuộc hạ sang xin vua Chân Lạp cho
khai khẩn vùng đất Hà Tiên. Sau niều lần bị quân Xiêm La đánh phá mà
không nhận được sự trợ giúp nào từ vua Chân Lạp, nên ông bèn xin nội
thuộc xứ Đàng Trong.
(20) Ngày nay là vùng Cà Mau.
(21) Ngày nay là vùng Cần Thơ.
(22) Ngày nay là vùng Sóc Trăng và Bạc Liêu.
(23) Bấy giờ bao gồm các vùng Hà Tiên, Phú Quốc, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cần Thơ.
(24) Theo Đại Nam Việt Sử Toàn Thư và Nguyễn Phúc Tộc Thế Phả, Nguyễn
Kim là con trai trưởng của Trừng Quốc Công Nguyễn văn Lựu, một công
thần đời Hậu Lê. Nguyễn Kim sanh năm Mậu Tý 1468, được cha truyền dạy
cho văn võ song toàn. Đời vua Lê Chiêu Tông ông được ban tước An Thành
Hầu và phong chức Tả Vệ Điện Tiền Tướng Quân, trấn nhậm vùng Thanh Hóa
ngày nay. Năm Đinh Hợi, sau khi Mạc Đăng Dung giết Lê Cung Hoàng để soán
ngôi nhà Lê, Nguyễn Kim không phục nên đem hết binh tướng vùng Thanh
Hóa chạy qua Ai Lao. Tại đây ông chiêu mộ thêm binh tướng rồi trở về
đánh họ Mạc để khôi phục nhà Lê, nhưng thất bại nên ông phải chạy sang
Ai Lao lần nữa. Năm Quý Tỵ 1533, ông tìm được dòng dõi con cháu nhà Lê
là Lê Ninh, con vua Lê Chiêu Tông, ông bèn tôn Lê Ninh lên ngôi lấy hiệu
là Lê Trang Tông. Cũng tại Ai Lao, Trịnh Kiểm đến ra mắt Nguyễn Kim và
được ông gả con gái là Ngọc Bảo và phong cho làm Tướng quân. Vua Lê
Trang Tông về Thanh Ba, nay là Thanh Hóa, chiêu mộ binh sĩ, rồi cho
người sang Ai Lao gọi Nguyễn Kim về điều binh khiển tướng. Vua Lê phong
cho ông chức Thái Tể Đô Tướng Tiết Chế tướng sĩ chư dinh thủy bộ. Từ đó
binh tướng nhà Lê đánh đâu thắng đó khiến quân nhà Mạc phải rút lui về
cố thủ Thăng Long. Trong khi sự nghiệp khôi phục Thăng Long đang ở trong
tầm tay thì vào tháng 5 năm Ất Tỵ 1545, ông bị hàng tướng của nhà Mạc
là Dương Chấp Nhất đầu độc chết. Ông được vua Lê truy tặng tước Chiêu
Huân Tổng Công, mộ táng trên núi Thiên Tôn, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh
Hóa. Về sau nhà Nguyễn tôn ông là Triệu Tổ Tĩnh Hoàng Đế. Nguyễn Kim có
ba người con, con gái lớn là Ngọc Bảo, con trai kế là Nguyễn Uông, và
con trai út là nguyễn Hoàng. Sau khi Nguyễn Kim qua đời, vua Trang Tông
phong cho con trưởng của Nguyễn Kim là Lãng Xuyên Hầu Nguyễn Uông làm
Tả Tướng, và con thứ là Hạ Khê Hầu Nguyễn Hoàng làm Đoan Quận Công, lại
phong cho Dực Quận Công Trịnh Kiểm làm Lượng Quốc Công. Năm 1554, Trịnh
Kiểm đưa quân vào đánh nhà Mạc và chiếm lại hai xứ Thuận Hóa và Quảng
Nam.
(25) Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, Ủy Ban Dịch Thuật Bộ Giáo
Dục VNCH, 1972, tập I, quyển nhất, tr. 69, năm Mậu Ngọ, tức năm 1558 sau
Tây Lịch, tức đầu niên hiệu Chính Trị vua Lê Anh Tông sai Đoan Quận
Công Nguyễn Hoàng đem quân lính tại bản dinh vào trấn thủ Thuận Hóa, để
đề phòng bọn giặc cướp phương Đông. Nguyễn Hoàng cùng với trấn thủ Quảng
Nam là Trần Quận Công Bùi Tá Hán cứu tế viện trợ cho nhau mỗi khi cần
đến. Mọi việc ở hai địa phương ấy, không kể việc lớn hay nhỏ, đều được
ủy thác cho hai quan trấn thủ. Năm thứ 11 niên hiệu Chính Trị, tức năm
Mậu Thìn 1568 sau Tây Lịch, Trần Quận Công Bùi Tá Hán qua đời, triều
đình cử Nguyên Quận Công Nguyễn Bá Quýnh thay chức trấn thủ Quảng Nam.
Đến năm 1570, vua Lê Anh Tông triệu hồi Nguyễn Bá Quýnh về kinh đô, rồi
sai Nguyễn Hoàng kiêm hành trấn thủ hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam.
(26) Theo Đại Nam Thực Lục, Nguyễn Hoàng là con trai út của Nguyễn
Kim và bà Nguyễn thị Mai. Ông là em của bà Nguyễn thị Ngọc Bảo và Nguyễn
Uông. Khi cha ông được vua Lê Trang Tông giao cho điều khiển binh
quyền, ông bèn xin theo cha đánh nhà Mạc. Ngay từ lúc đó ông đã được
binh sĩ dưới quyền kính mến. Sau khi cha ông bị Dương Chấp Nhất đầu độc,
binh quyền lọt vào tay Trịnh Kiểm. Dầu đã nắm hết binh quyền trong tay,
Trịnh Kiểm vẫn nơm nớp lo sợ tài trí của hai anh em Nguyễn Uông và
Nguyễn Hoàng, nên ít lâu sau đó Trịnh Kiểm đã hại chết Nguyễn Uông một
cách mờ ám. Sau đó lại tìm cách ám hại luôn Nguyễn Hoàng, nhưng Nguyễn
Hoàng đã được lời khuyên của cậu là Nguyễn Ư Kỷ cũng như lời đoán vận
mạng của cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn Nhất Đái, Vạn Đại
Dung Thân”, ông bèn xin chị là Ngọc Bảo nói giúp với Trịnh Kiểm cho ông
được vào trấn nhậm vùng Thuận Hóa. Trịnh Kiểm đồng ý ngay vì nghĩ rằng
Thuận Hóa là vùng đất mới với đầy sơn lam chướng khí, lại nữa nơi đó
đang có quan quân nhà Mạc trấn giữ, nghĩ rằng Nguyễn Hoàng chẳng làm gì
được, lại muốn mượn tay họ Mạc giết Nguyễn Hoàng để tránh tiếng cho
mình. Chính vì thế mà Trịnh Kiểm vội vàng tâu lên vua Lê xin cho Nguyễn
Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa. Chẳng bao lâu sau khi vào trấn nhậm Thuận
Hóa, Nguyễn Hoàng đã hoàn toàn thu phục lòng người, ông đã chiêu hiền
đãi sĩ, ban bố hiệu lệnh nghiêm minh, giảm sưu giảm thuế cho dân chúng,
vân vân. Chính vì vậy mà chẳng bao lâu sau đó, những bậc hiền tài đã tìm
đến giúp ông rất đông. Từ khi ông vào đây Ái Tử đã nhanh chóng trở
thành một nơi đô hội, dân sống ấm no hạnh phúc và tôn xưng ông là Chúa
Tiên. Theo Đại Nam Việt Sử Toàn Thư: “Nguyễn Hoàng trị nhậm xứ Thuận
Quảng mấy chục năm, chính lệnh khoan hòa, thưởng ban ân huệ, dùng pháp
luật công bình, biết khuyên răn bản bộ, cấm trấp những kẻ hung ác. Dân
hai trấn Thuận Hóa và Quảng Nam đều cảm lòng, mến đức. Vùng Thuận Quảng
từ khi được Nguyễn Hoàng trấn nhậm, đã thay đổi phong tục, chợ búa không
nói thách, dân không trộm cắp, nhà không cần đóng cửa; thuyền buôn nước
ngoài đến buôn bán tấp nập, giá cả phải chăng, khác buôn ngoại quốc
không bị chèn ép giá cả. Quân lệnh nghiêm cẩn. Mọi người đều đồng lòng
ra sức giúp chúa. Từ đó, nhà Mạc không dám dòm ngó. Khắp trong cõi người
người đều được yên ổn làm ăn.” Trong khi đó sách Phủ Biên Tạp Lục của
Lê Quí Đôn có viết thêm: “Hằng năm đều nộp thuế má để giúp việc dân việc
nước, triều đình vua Lê chúa Trịnh cũng được nhờ.” Năm 1573, vua Lê Thế
Tông mới lên ngôi, phong cho Nguyễn Hoàng chức Thái Phó. Ngoài mặt thì
như vậy, nhưng trong lòng thì Nguyễn Hoàng chăm lo củng cố quân sự để
bắt đầu công cuộc xây dựng đế nghiệp cho dòng họ Nguyễn. Năm thứ 14 niên
hiệu Hoằng Định, năm Quý Sửu, tức năm 1613 sau Tây Lịch, Nguyễn Hoàng
qua đời, tại vị 56 năm, hưởng thọ 89 tuổi.
(27) Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, Ủy Ban Dịch Thuật Bộ Giáo
Dục VNCH, 1972, tập I, quyển nhất, tr. 71, Nguyễn Hoàng là người có oai
phong và mưu lược, mật xét người rất nghiêm minh, nên người ta không thể
lừa dối được. Hơn nữa, Nguyễn Hoàng thi hành chánh sự một cách khoan
dung hòa nhã, tiết chế quân đội rất nghiêm minh và kính cẩn, cho nên
quân đội cũng như nhân dân hai xứ Thuận Quảng đều tín phục ông. Hằng
năm, Nguyễn Hoàng cho chuyển vận thuế khóa ra giúp cho quân nhân và nhà
nước, triều đình được nhờ rất nhiều.
(28) Năm Kỷ Hợi, 1599, vua Lê Thế Tông băng hà, vua Kính Tông lên nối
ngôi và phong cho ông làm chức Hữu Thừa Tướng. Tuy ông rất được vua Lê
kính trọng, nhưng lúc nào cũng lo sợ âm mưu của họ Trịnh. Về phía Trịnh
Tùng, mặc dầu gọi ông bằng cậu, nhưng lúc nào cũng muốn giữ ông lại
Thăng Long chứ không muốn thả hổ về rừng, nên đã tìm đủ mọi cách giam
lỏng ông ở Thăng Long. Năm Canh Tý, 1600 nhân có vụ khởi loạn của nhóm
Phan Ngạn, Bùi văn Khuê, và Ngô Đình Nghĩa ở Đàng Trong, ông tâu với vua
Lê cùng Trịnh Tùng cho ông đem quân vào dẹp loạn. Và để Trịnh Tùng khỏi
nghi ngờ, ông bèn gả con gái Ngọc Tú cho con của Trịnh Tùng là Trịnh
Tráng, đồng thời ông cũng để hai con là Nguyễn Hải và Nguyễn Hắc ở lại
làm con tin. Nghĩ rằng Nguyễn Hoàng khó mà làm phản được, với lại lúc đó
ngoài Nguyễn Hoàng ra không ai có khả năng đi vào Đàng Trong dẹp loạn
nên Trịnh Tùng chấp thuận cho ông mang quân đi. Lần ra đi nầy ông nhứt
quyết không trở lại nữa. Tuy nhiên, theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí
Đôn, Ủy Ban Dịch Thuật Bộ Giáo Dục VNCH, 1972, tập I, quyển nhất, tr.
73, năm đầu niệu Thận Đức vua Lê Kính Tông, tức năm Canh Tý 1600 sau Tây
Lịch, Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng âm mưu xui khiến thủy quân Phan Ngạn,
Bùi văn Khuê và Ngô đình Nghĩa làm phản ở cửa biển Đại An, để có cớ tự
mình xin đi đánh giặc. Nhưng đến nơi, Nguyễn Hoàng giả vờ đánh giặc
không thắng, rồi do đường biển trở về Thuận Hóa [vì Nguyễn Hoàng đã thấy
rõ Trịnh Tùng quá kiêu hoạnh và xảo trá, nên nhứt quyết không hợp tác
với họ Trịnh, và tìm cách trở về Thuận Hóa để rồi chống lại họ Trịnh].
(29) Khang Lộc, Lệ Thủy và Minh Linh.
(30) Võ Xương, Hải Lăng, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang và Điện Bàn.
(31) Lệ Giang, Hà Đông và Hy Giang.
(32) Bình Sơn, Mộ Hóa và Nghĩa Giang.
(33) Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn.
(34) Chúa Nguyễn Phước Nguyên đã tỏ ra thông minh, kiệt xuất và tài
trí hơn người ngay từ thuở nhỏ. Lớn lên ông đã chứng tỏ tài năng của
mình và luôn theo cha đánh nam dẹp bắc. Ông luôn luận bàn với các tướng
sĩ về việc quân binh, và thường những ước đoán về binh bị của ông đều
đúng. Chính vì thế mà Nguyễn Hoàng rất an lòng khi giao phó đại nghiệp
cho Nguyễn Phước Nguyên. Mà thật vậy, chúa Nguyễn Phước Nguyên đã không
phụ lòng tin của cha mình, ông cũng tỏ ra là một người toàn tâm toàn ý
lo cho đại nghiệp như cha, nhứt là việc xây dựng cho xứ Đàng Trong một
vương triều hoàn toàn độc lập với xứ Đàng Ngoài và tạo nên mối giao hảo
tốt đẹp với các lân quốc phương Nam như Champa và Chân Lạp. Ngay sau khi
lên ngôi chúa xong, thấy dinh chúa cũ đóng ở Vũ Xương chật hẹp lại thêm
địa thế trống trải, nên chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã cho dời vào xã Phước
Yên, huyện Quảng Điền để lập dinh mới. Chúa Nguyễn Phúc Nguyên vẫn tiếp
tục chính sách chiêu hiền đãi sĩ của cha mình, nhờ vậy mà ông đã gặp
được Đào Duy Từ, một thiên tài quân sự của xứ Đàng Trong thời đó. Theo
sách sử ghi lại thì Đào Duy Từ nguyên là con nhà xướng ca nên không được
đi thi để ra làm quan ở xứ Đàng Ngoài. Chính vì vậy mà ông bất mãn bỏ
xứ ra đi. Nghe nói xứ Đàng Trong trọng đãi người hiền bất kể giai cấp
nào, nên ông đã lên đường vào Nam, được chúa Nguyễn Phúc Nguyên trọng
vọng nên ông đã hết lòng phục vụ chúa Nguyễn. Có lẽ hơn ai hết, chúa
Nguyễn Phước Nguyên hiểu rõ mục tiêu hàng đầu của cha mình khi quyết
định vào Nam với lời khuyên của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm ‘Hoành Sơn
Nhất Đái -- Vạn Đại Dung Thân’. Cũng như cha mình, trong lúc quân đội
xứ Đàng Trong còn trong giai đoạn chuẩn bị và củng cố, chúa Nguyễn Phước
Nguyên rất khéo léo và kín đáo trong mọi chuyện để tránh sự hoài nghi
của chúa Trịnh ở xứ Đàng Ngoài, vì trên danh nghĩa và cả trên thực tế,
tước vị của cả Nguyễn Hoàng và Nguyễn Phước Nguyên đều do vua Lê, chúa
Trịnh tấn phong. Các ông vẫn là những vị tướng tiên phong của triều đình
bổ nhậm đi trấn giữ mặt Nam nhằm ổn định dư đảng của nhà Mạc ở phía Nam
như các vùng Sơn Nam và Hải Dương...Chính vì vậy mà dù bên trong có ý
ly khai với Đàng Ngoài, ngoài mặt chúa Nguyễn Hoàng vẫn luôn giữ hòa
khí, vì sự xây dựng xứ Đàng Trong tuy đã có cơ sở trong bước đầu, nhưng
sự tồn tại của vương triều xứ Đàng Trong hồi nầy rất mong manh. Và đây
cũng chính là điều mà chúa Tiên Nguyễn Hoàng rất quan ngại, nên trước
khi qua đời ông đã trăn trối rất kỹ càng với triều thần và ngay cả với
Nguyễn Phước Nguyên. Để thực hiện lời trăn trối của cha mình, chúa
Nguyễn Phước Nguyên đã từng bước ly khai với xứ Đàng Ngoài và cuối cùng
cắt hẳn quan hệ bằng cách không nộp thuế, cũng không về chầu vua Lê. Kết
quả là chúa Trịnh của xứ Đàng Ngoài đã cất quân Nam chinh vào năm 1627,
nhưng đã thất bại trước quân lực đang lớn mạnh của xứ Đàng Trong. Kể từ
năm 1627 đến năm 1672, quân đội xứ Đàng Ngoài đã 6 lần tấn công vào
Nam, và một lần quân xứ Đàng Trong đánh ra Bắc. Đây là cuộc nội chiến ác
liệt và bất phân thắng bại, nhưng phải thành thật mà nói sau 6 lần tấn
công với những tổn thất nặng nề, phần thất bại đã nghiêng hẳn về miền
Bắc. Tháng 10 năm Ất Hợi, đầu niên hiệu Dương Hòa vua Lê Thần Tông, tức
năm 1635 sau Tây Lịch, Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên qua đời, tại vị được
22 năm, thọ 73 tuổi. Sau khi qua đời, ông được truy tặng Hy Tông Hiếu
Văn Hoàng Đế.
(35) Khi nhậm chức trấn thủ đất Quảng Nam, Nguyễn Phước Nguyên đã
nhận ra vị trí hết sức đặc biệt của vùng mà trước đây đã từng mang tên
là Chiêm Động nầy, vì trong phạm vi của vùng đất nầy chẳng những có đế
đô của vương quốc Champa trong vùng Trà Kiệu-Mỹ Sơn, mà bờ biển cát
trắng với nhiều voi vịnh rất tốt cho việc xây dựng một hải cảng như Đà
Nẳng, Hội An, vân vân. Khi ông về đây trấn nhậm thì dinh Quảng Nam đã là
một vùng đất tốt, cư dân đông đúc và sản vật giàu có rồi. (36) Chúa
Nguyễn đã ra lệnh cho cảng Hội An phải tiếp đón tất cả tàu buôn ngoại
quốc, không phân biệt xuất xứ. Nhờ vậy mà vào thế kỷ thứ 17, Hội An đã
trở thành một trong những thành phố cảng lớn trong vùng Đông Nam Châu Á.
Tập nhật ký của một giáo sĩ người Ý tên Christoforo Borri đã ghi lại
như sau về Hội An: “Hải cảng đẹp nhất, nơi tất cả người ngoại quốc đều
tới và cũng là nơi có hội chợ danh tiếng, chính là hải cảng thuộc tỉnh
Quảng Nam... Chúa Đàng Trong xưa kia cho người Nhật, người Hoa chọn một
địa điểm và nơi thuận tiện để lập một thành phố cho tiện việc buôn bán
như chúng tôi đã nói. Thành phố nầy gọi là Faifo, một thành phố lớn đến
độ người ta có thể nói được là có hai thành phố trong đó, một phố người
Hoa và một phố người Nhật. Mỗi phố có một khu vực riêng, có quan cai trị
riêng, và sống theo tập tục riêng. Người Hoa có luật lệ và phong tục
của người Hoa và người Nhật cũng vậy.” Hiện tại Hội An vẫn còn tồn tại
một khu phố cổ của người Nhật.
(37) Năm 1627, để có cớ đánh chiếm xứ Đàng Trong, Trịnh Tráng sai sứ
giả bộ phụng chỉ vua Lê sắc phong cho chúa, nhưng âm mưu nầy bị Đào Duy
Từ phát hiện. Tuy nhiên, Đào Duy Từ khuyên chúa cứ việc nhận sắc chỉ rồi
tương kế tựu kế. Chúa nhận sắc phong và hứa sẽ hàng năm nộp thuế tuế
cống như trước đây. Theo Nguyễn Khắc Thuần trong “Việt Sử Giai Thoại”,
Tập 6, TPHCM: NXB Giáo Dục, 2003, tr. 72-76, đây là lần hiến kế đầu tiên
của Đào Duy Từ vào năm 1630. Nghe lời khuyên của Đào Duy Từ, sau khi
phái đoàn sứ giả họ Trịnh về Bắc, chúa cho luyện tập binh sĩ và cho quân
trấn giữ nơi hiểm yếu. Chúa còn ra lệnh cho Đào Duy Từ xây dựng các lũy
Trường Dục, Nhật Lệ và Trường Sa một cách kiên cố. Năm Chanh Ngọ, 1630,
chúa sai làm một cái mâm hai đáy, bên trên để phẩm vật, còn bên dưới để
sắc phong cùng một bài thơ bốn câu với ngụ ý là chúa muốn trả lại sắc
phong cho vua Lê (Dư bất thụ sắc), rồi sai Lại Văn Khuông đi sứ ra Thăng
Long. Sau khi phái bộ của Văn Khuông đã lên đường trở về Nam thì chúa
Trịnh mới phát giác ra là mâm có hai đáy, ngụ ý chúa Nguyễn muốn trả lại
sắc phong cho vua Lê. Năm 1633, chúa Trịnh Tráng rước vua Lê Nam chinh
nhưng bị xứ Đàng Trong đánh bại phải rút lui về bên kia sông Linh Giang
(tức sông Gianh). Từ đó hai bên phân tranh và coi nhau như hai nước thù
địch, nên cả hai bên đều xây dựng hào lũy để phòng thủ tại đây. Trong
khi đó, về tình hình xứ Đàng Ngoài thời đó, theo Alexandre DeRhodes
trong “Lịch Sử Vương Quốc Đàng Ngoài”, Hồng Nhuệ Việt dịch, TPHCM,
1994, tr. 17, từ dân số đông đúc có lợi cho nhà chúa, vì khi cần, chúa
có thể thành lập nhiều sư đoàn quân sĩ như chúa muốn và như chúa đã làm
cách đây không lâu khi chúa đưa quân giao chiến với chúa Đàng Trong ở
ngay bên cạnh, chủ ý khôi phục lại những lãnh thổ đấng tiên vương đã
chiếm cứ được trước đây, bây giờ là lãnh thổ của Đàng Trong. Khi chuẩn
bị như vậy chúa Đàng Ngoài dự tính chỉ trong thời gian ba hoặc bốn tháng
là chúa Đàng Trong phải ra hàng và trao trả lãnh thổ cho chúa hoặc ra
khỏi đất nước. Thế nhưng đụng phải sức kháng cự lâu dài và quyết liệt
nên chúa Đàng Ngoài đành phải rút quân vì sợ đạo binh chết đói. Công
cuộc khôi phục Đàng Trong dĩ nhiên phải bỏ một cách nhục nhã. Chúa đã
thất bại vì mộ quân quá nhiều nên không đủ lương thực nuôi họ cho cuộc
đánh chiếm xứ Đàng Trong.
(38) Tức vùng Sài Gòn ngày nay.
(39) Em trai của vua Chey Chetta II.
(40) Theo Cristophoro Borri trong quyển “Xứ Đàng Trong Năm 1621”,
TPHCM: NXB TPHCM, 1998. Nơi trang 19, ông đã ghi lại như sau: “Nước lụt
làm cho đất đai mầu mỡ và phì nhiêu nên mỗi năm có ba vụ lúa, đầy đủ và
dồi dào đến nỗi không ai phải lam lũ vất vả để sinh sống, ai cũng sung
túc.” Từ trang 19 đến trang 27, ông đã đề cập đến đủ thứ trái cây ngon
từ cam, chanh, chuối, thanh long, đủ loại dưa, bí, ngô, mít, sầu riêng,
lê, mận, trầu cau, dừa, và đủ thứ rau tươi, vân vân. Về gia súc thì có
trâu, bò, dê, heo, gà, vịt, vv... Ngoài ra còn có đủ loại chim, bồ câu,
ngỗng, sếu, thịt thơm ngon mà mấy xứ khác ở châu Âu không có. Ngành ngư
nghiệp rất thịnh vượng và cá ở đây có hương vị tuyệt diệu và rất đặc
biệt mà không nơi nào có thể so sánh được với xứ Đàng Trong.
Nơi trang 31, ông đã ghi lại như sau: “Còn về tất cả những gì thuộc
đời sống hằng ngày, xứ Đàng Trong cũng rất đầy đủ. Thứ nhất là áo mặc,
họ có rất nhiều tơ lụa đến nỗi dân lao động và người nghèo cũng dùng
hàng ngày. Vì thế đã hơn một lần tôi rất thích thú khi thấy đàn ông, đàn
bà khuân vác đá, đất, vôi và những vật liệu tương tự mà không hề cẩn
thận giữ cho áo đẹp và quí để họ mặc khỏi rách hay bẩn. Điều nầy không
có gì lạ nếu biết rằng có những cây dâu cao lớn trong những thửa ruộng
rộng lớn người ta hái để nuôi tằm. Số lượng tơ tằm xứ Đàng Trong dư dùng
mà còn bán sang cho Nhật Bản và Lào. Thứ lụa nầy tuy không mịn nhưng
bền và chắc hơn lụa Tàu. Nhà cửa đền đài, mặc dầu chỉ bằng gỗ, nhưng
không thua kém bất cứ nước nào vì gỗ xứ nầy là gỗ quí nhất hoàn cầu.”
Nơi trang 36, ông đã ghi lại như sau: “Sau cùng, xứ Đàng Trong có rất
nhiều mỏ kim khí quí và nhất là vàng. Các thương gia Âu châu đã cả quyết
rằng xứ Đàng Trong có nhiều của cải hơn Trung Quốc và rất dồi dào về
mọi thứ.” Nơi trang 88, ông đã nói xứ Đàng Trong có rất nhiều thứ thuận
lợi cho sinh hoạt con người, vì thế mà dân xứ nầy không ưa và không có
khuynh hướng đi đến các nơi khác để buôn bán, cũng như không bao giờ họ
đi xa ra biển khơi. Cuối cùng nơi trang 91, ông viết: “Còn về hải cảng
thì thật là lạ lùng, chỉ trong khoảng hơn một trăm dặm mà người ta đếm
được hơn sáu mươi cảng, tất cả đều rất thuận tiện để cập bến và lên đất
liền.”
(41) Năm Ất Hợi, 1635, được tin chúa Sãi băng hà, người em của Nguyễn
Phúc Lan là Dương Nghĩa Hầu Nguyễn Phúc Anh đang trấn giữ Quảng Nam,
kéo quân ra mưu toan phản nghịch. Để thực hiện âm mưu của mình, trước đó
Phúc Anh đã cho người ra Bắc xin thần phục chúa Trịnh và yêu cầu chúa
Trịnh đem quân vượt sông Linh Giang đánh vào còn y sẽ kéo quân từ Quảng
Nam đánh ra, khiến cho quân của chúa Nguyễn phải phân tán làm đôi, ắt là
chiến thắng. Ban đầu chúa Nguyễn Phúc Lan muốn nhường ngôi chúa lại cho
Phúc Anh, nhưng sau khi nghe chú là Phúc Khuê nói rõ tội của Phúc Anh
đã cấu kết với họ Trịnh, chúa Nguyễn Phúc Lan bèn cử chú là Nguyễn Phúc
Khuê cùng với Nguyễn Phúc Yên đem quân đánh dẹp và bắt được Phúc Anh.
Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, Ủy Ban Dịch Thuật Bộ Giáo Dục
VNCH, 1972, tập I, quyển nhất, tr. 80, năm 1635, khi Nhân Lộc Hầu Nguyễn
Phúc Lan lên nối nghiệp, bấy giờ Nguyễn Phúc Anh, nguyên là trấn thủ
Quảng Nam nổi lên làm loạn. Phúc Anh xây đắp lũy tại cửa biển Câu Đê và
dàn thủy quân tại cửa biển Đà Nẳng. Nguyễn Phúc Lan sai đem bộ binh đánh
lũy Câu Đê và thủy binh lặn qua khỏi vũng Sơn Trà giao chiến với thủy
quân của Phúc Anh. Sau đó quân binh tiến về Quảng Nam bắt sống Phúc Anh.
(42) Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, Ủy Ban Dịch Thuật Bộ Giáo
Dục VNCH, 1972, tập I, quyển nhất, tr. 83, năm 1653, Phúc Tần truyền
lệnh cho các tướng hiệu phải sửa sang khí giới, đạn dược, quân nhu,
chiến cụ; và hạn cho đến cuối tháng ba phải đem tới xã An Cựu để chúa
kiểm điểm duyệt xét, đặng biết rõ sự đủ, thiếu, bền, hư như thế nào mà
định việc thưởng phạt các tướng hiệu. Cũng trong năm ấy, người nước
Chiêm Thành xâm phạm và quấy nhiễu tỉnh Phú Yên, chúa Nguyễn Phúc Tần
sai Hùng Lộc Hầu làm chức Tổng binh, Xá Nhân là Chiêu Võ Hầu Nguyễn Hữu
Dật làm chức Tham mưu đem ba ngàn quân đi đánh dẹp. Khi quân chúa Nguyễn
đến Phú Yên vào ngày mồng 3 tháng 4, đang đêm leo qua núi Thạch Bia và
đèo Bố Dương, rồi gấp rút đem quân đến trại vua Bà Tranh (Bà Chiêng)
phóng hỏa tấn công. Khi vua Chiêm chạy đến sông Yên Triều thì sai con là
Xác Bà Ân dâng lễ vật và xin đầu hàng. Chúa Phúc Tần ưng thuận, rồi cho
chia lại cương giới. Chúa Nguyễn lấy phần đất từ phía đông sông Yên
Triều đến Phú Yên, thiết lập hai phủ Thái Khang và Diên Ninh, rồi đặt
trấn thủ tại Thái Khang. Về phía tây sông Yên Triều là nước Chiêm
Thành.
(43) Theo Đại Nam Thực Lục, Tập I, tr. 63, Năm Ất Mùi, 1655, tướng
của chúa Trịnh là Trịnh Đào cho quân vượt sông Gianh cướp phá vùng phân
ranh. Trấn thủ dinh Bố Chính là Phù Dương cấp báo về. Tháng 11, năm
1655, chúa Nguyễn Phúc Tần phong cho Nguyễn Hữu Tiến làm Tiết Chế và
Nguyễn Hữu Dật làm Đốc Chiến, dẫn đại quân vượt sông Gianh tấn công phía
bắc Bố Chính. Quân của xứ Đàng Trong đánh rất mạnh nên chỉ trong một
thời gian ngắn đã chiếm được 7 huyện. Tuy nhiên, nhận thấy xứ Đàng Ngoài
cũng quyết tâm lấy lại 7 huyện vừa mất, nên quân đội xứ Đàng Trong đã
rút về bờ Nam sông Gianh. Đây là lần tấn công duy nhất của chúa Nguyễn
ra đất Bắc.
(44) Có sách viết là Tôn Thất Yến.
(45) Tuy nhiên, theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, Ủy Ban Dịch
Thuật Bộ Giáo Dục VNCH, 1972, tập I, quyển nhất, tr. 88, năm 1658, vua
xứ Chân Lạp là Nặc Ong Chân xâm phạm biên cảnh của ta, nên chúa Phúc Tần
sai Trấn biên dinh phó tướng Yến Võ Hầu, Cai Đội Xuân Thắng Hầu, Minh
Lộc Hầu làm Tham mưu đem ba ngàn quân đi đánh Cao Miên. Chỉ trong vòng
hai mươi ngày, quân đội xứ Đàng Trong đã tới thành Nam Vang, bắt sống
Ong Chân cùng các thổ tù các bộ lạc đưa về Quảng Bình. Sau đó chúa tha
cho Ong Chân trở về Cao Miên.
(46) Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, Ủy Ban Dịch Thuật Bộ Giáo
Dục VNCH, 1972, tập I, quyển nhất, tr. 97, Chúa Nguyễn Phúc Tần trị vì
được 39 năm (1648-1687), hưởng thọ 68 tuổi, tư thụy là “Đại Nguyên Soái
Tổng Quốc Chính Dũng Triết Vương”.
(47) Theo Đại Nam Thực Lục và Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim thì
viết tên chúa là Nguyễn Phúc Trăn, trong khi Phủ Biên Tạp Lục lại viết
tên chúa là Nguyễn Phúc Trân. Ngược lại, theo Nguyễn Phúc Tộc Gia Phả
thì ghi chúa Nghĩa là Nguyễn Phúc Thái, không có tên nào là Nguyễn Phúc
Trăn, mà chỉ có Nguyễn Phúc Trân, em kế của chúa, tước Cương Quận Công. Ở
đây chúng tôi dựa theo tài liệu của Đại Nam Thực Lục, vì tài liệu nầy
là tài liệu lịch sử đáng tin cậy nhất của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn.
Theo Đại Nam Thực Lục, Tập I, tr.96, chúa Nguyễn Phúc Trăn sanh năm
1649, dầu là con thứ hai, nhưng người con cả của chúa Nguyễn Phúc Tần đã
mất, nên Phúc Trăn rất được sự tin yêu của chúa Nguyễn Phúc Tần. Năm 20
tuổi, Phúc Trăn đã được phong làm Tả Thủy Dinh Phó Tướng Hoằng Âm Hầu.
Lúc chúa Nguyễn Phúc Tần mất, ông lên nối ngôi năm 39 tuổi. Theo Phủ
Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, Ủy Ban Dịch Thuật Bộ Giáo Dục VNCH, 1972,
tập I, quyển nhất, tr. 97, khi lên ngôi, chúa Nguyễn Phúc Trân tự xưng
là “Tiết Chế Thủy Bộ Chư Dinh Kiêm Tổng Nội Ngoại Bình Chương Quốc Trọng
Sự Thái Phó Hoằng Quốc Công”.
Chúa Nguyễn Phúc Trân là người khoan hòa và hay chuộng kẻ sĩ.
(48) Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, sau khi giết tướng
Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến di quân sang đóng ở Nan Khê, nay là vùng
Kiến Hòa và cho đắp lũy, đúc thêm súng đạn và đóng thêm tàu thuyền chuẩn
bị chiến tranh với xứ Đàng Trong. Tuy nhiên, theo Phủ Biên Tạp Lục của
Lê Quí Đôn, Ủy Ban Dịch Thuật Bộ Giáo Dục VNCH, 1972, tập I, quyển nhất,
tr. 98, sau khi giết tướng Dương Ngạn Địch, Hoàng Tiến dời đồn đến Lạch
Than, nơi hiểm hóc chỉ để đi cướp bóc mà thôi.
(49) Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, Ủy Ban Dịch Thuật Bộ Giáo
Dục VNCH, 1972, tập I, quyển nhất, tr. 98, vua nước Cao Miên cũng cho
xây đắp một cái lũy ở về phía nam cầu ngã ba Khu Bích, thuộc thành phố
Nam Vang, và làm một cái bè nổi có khóa sắt để ngăn chặn ngang cửa biển.
Nặc Thu còn tạo chiến thuyền, đúc đại bác, và ngăn cấm những khách buôn
bán qua lại nơi đây.
(50) Mặc dầu Hoàng Tiến đã giết chủ tướng là Dương Ngạn Địch, nhưng
chúa Nguyễn Phúc Tần vẫn còn muốn lợi dụng sức mạnh của quân Long Môn để
đánh Nặc Thu trước khi trị tội Hoàng Tiến.
(51) Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, Ủy Ban Dịch Thuật Bộ Giáo
Dục VNCH, 1972, tập I, quyển nhất, tr. 98, quân của chúa Nguyễn vào đến
cửa Mỹ Tho, quan quân đóng tại Lạch Sầm, khiến người dụ dỗ Hoàng Tiến
đến hội họp với bên địch ở giữa sông, rồi phát phục binh tấn công phá
được lũy ở phíc nam cầu Ngã Ba. Hoàng Tiến bỏ chạy rồi chết. Các tướng
sĩ thừa thắng xông lên vây hãm thành Nam Vang. Nặc Thu khiến sứ thần ra
đầu hàng. Về sau chúa Nguyễn đồng ý để cho Nặc Thu dâng lễ triều cống
hàng năm.
(52) Đồ triều cống bao gồm 30 thớt voi, 150 lạng vàng, 600 lạng bạc, và 6 con tê giác.
(53) Tên thụy hiệu là “Đại Nguyên Soái, Tổng Quốc Chính Hoằng Nghĩa Vương”.
(54) Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, Ủy Ban Dịch Thuật Bộ Giáo
Dục VNCH, 1972, tập I, quyển nhất, tr. 101, Nguyễn Phúc Chu sanh năm
1675, tước hiệu là Tộ Phúc Hầu Quốc Công. Ông là con trưởng của chúa
Nguyễn Phúc Trăn, lên nối ngôi chúa khi mới 17 tuổi. Khi lên ngôi ông tự
xưng là “Tiết Chế Thủy Bộ Chư Dinh Thái Phó Tộ Quốc Công”. Ông có tánh
ham học và chữ viết rất tốt, lại có văn võ tài lược, tự hiệu là “Thiên
Túng Đạo Nhân”.
(55) Tức Bình Thuận bây giờ. (56) Nay là vùng Bà Rịa.
(57) Nay là vùng Đồng Nai-Biên Hòa.
(58) Cù lao Phố-Biên Hòa.
(59) Nay là vùng Mỹ Tho.
(60) Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, Ủy Ban Dịch Thuật Bộ Giáo
Dục VNCH, 1972, tập I, quyển nhất, tr. 102, chúa Nguyễn Phúc Chu sai
Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh mang quân vào làm Kinh Lược xứ
Đồng Nai, đặt phủ Gia Định. Còn hai huyện Phước Long và Tân Bình thì
được thiết lập làm dinh Trấn Biên và Phiên Trấn.
(61) Ngày nay là vùng Biên Hòa.
(62) Ngày nay là vùng Gia Định.
(63) Tức vùng chợ Thủ của Long Xuyên ngày nay.
(64) Cù lao mang tên quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh.
(65) Nặc Ông Thâm nghi Nặc Ông Yêm làm phản, nên đem quân đánh dẹp.
Sau đó Nặc Ông Thâm lại cầu viện với quân Xiêm La giúp mình để chống lại
quân của chúa Nguyễn. Nặc Ông Yêm chạy về Gia Định. Chúa Nguyễn sai Cai
Cơ Nguyễn Cửu Vân hành quân sang Nam Vang để đánh đuổi quân Xiêm La, và
đưa Nặc Ông Yêm trở về thành La Bích. Từ đó về sau nầy, thỉnh thoảng
Nặc Ông Thâm cứ kéo quân Xiêm La về đánh phá thành La Bích.
(66) Theo Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, quyển 2, tr. 82, trong
khi nhà Thanh cướp ngôi của nhà Minh, một người Quảng Đông tên là Mạc
Cửu đã bỏ sang Chân Lạp, thấy ở phủ Sài Mạt có nhiều người từ các nước
đến buôn bán, bèn mở sòng đánh bạc, rồi lấy tiền chiêu mộ những lưu dân
để lập ra 7 xã, gọi là Hà Tiên. Đến khi Mạc Cửu mất, chúa Nguyễn lại
phong cho con Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ làm chức đô đốc, tiếp tục trấn giữ
đất Hà Tiên. Mạc Thiên Tứ đắp thành, xây lũy, mở chợ, làm đường và rước
thầy về dạy Nho Học để khai hóa đất Hà Tiên.
(67) Trước khi qua đời, chúa Nguyễn Phúc Chu đã tự đặt thụy hiệu là “Đại Nguyên Soái, Tổng Quốc Chính Tĩnh Uyên Vương”.
(68) Có sách viết là Nguyễn Phúc Trú, tuy nhiên, theo Nguyễn Phúc Tộc
Gia Phả, không có người con nào của chúa Nguyễn Phúc Chu tên là Phúc
Trú hay Phúc Chú cả, mà chỉ có Nguyễn Phúc Thụ thôi. Trong khi đó, theo
Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, Ủy Ban Dịch Thuật Bộ Giáo Dục VNCH,
1972, tập I, quyển nhất, tr. 107, chúa Nguyễn Phúc Chu có 46 người con,
Nguyễn Phúc Chú là con trưởng lên nối nghiệp. Ông sanh năm 1696, lúc đầu
giữ chức Cai Cơ Đỉnh Thịnh Hầu, đến năm 1715 được thăng chức Chưởng Cơ.
Khi lên ngôi, ông tự xưng là “Tiết Chế Thủy Bộ Chư Dinh Thái Phó Đỉnh
Quốc Công”, có biệt hiệu là “Vân Tuyền Đạo Nhân”. Ninh Vương Nguyễn Phúc
Chú lên ngôi lúc 30 tuổi, là người có văn võ song toàn. Năm 1731, vua
Cao Miên là Nặc Tha sai quân Chân Lạp tiến đánh vùng Gia Định. Chúa sai
Thống Suất Trương Phúc Vinh cùng Nguyễn Cửu Triêm chia làm hai mặt tiến
đánh Chân Lạp, Nặc Tha thua chạy. Năm 1732, quân xứ Đàng Trong tiến
chiếm Sài Côn, rồi sau đó tiến lên vây hãm Nam Vang, Nặc Tha xin dâng
đất Long Hor (Long Hồ) và Mesa (Mỹ Tho) cho Trần Đại Định, lập nên Dinh
Long Hồ.
(69) Trước khi qua đời, chúa tự đặt thụy hiệu là “Đại Nguyên Soái, Tổng Quốc Chính Tuyên Đạt Vương.”
(70) Chúa Nguyễn Phúc Khoát sanh ngày 18 tháng 8 năm Giáp ngọ, 1714,
con trai trưởng của chúa Ninh Nguyễn Phúc Trú và bà Trương thị Thơ, được
phong làm Chưởng Dinh Dinh Tiền Thủy Chính Hầu, làm phủ đệ tại Cơ Tiền
Dực ở Dương Xuân. Năm 1738, sau khi chúa Nguyễn Phúc Trú mất, ông lên
nối ngôi lúc mới 25 tuổi. Khi lên ngôi, chúa tự xưng là “Tiết Chế Thủy
Bộ Chư Dinh Thái Phó Hiểu Quốc Công”, lại có biệt hiệu là “Từ Hàng Đạo
Nhân”. Sau khi lên ngôi, chúa Nguyễn Phúc Khoát đã cho sửa sang cung
điện, cải cách nội tri, ngoại giao và phong tục tập quán. Võ Vương
Nguyễn Phúc Khoát còn tìm mọi cách để mở rộng bờ cõi về phương Nam. Nhân
khi nội tình Chân Lạp rối ren, Võ Vương cho quân xứ Đàng Trong sang
giúp đở ổn định. Để nhớ ơn, các vua Chân Lạp dâng hiến đất đai cho ngài
nhiều nhất so với các đời chúa khác. Nặc Nguyên hiến vùng Tầm Bôn Lôi
Lạp năm 1756. Năm 1757, Nặc Nhuận hiến vùng Preah Trapeang và Bassac,
tức vùng Trà Vinh, Sóc Trăng và một phần của Bạc Liêu ngày nay. Cùng năm
đó, Nặc Tôn lại dâng phủ Kompong Luông, tức vùng đất Tầm Phong Long,
một dãy đất bao la bạt ngàn từ Châu Đốc, Thất Sơn, An Giang, Sa Đéc, và
một phần của Vĩnh Long nằm dọc theo bờ sông Hậu. Tuy nhiên, vào cuối đời
Võ Vương, ngài lại vướng vào tửu sắc, bỏ bê triều chánh, nên quyền hành
rơi vào tay lộng thần Trương Phúc Loan, đưa đến việc quân Trịnh dẫ dàng
tiến vào đánh chiếm Phú Xuân và việc Tây Sơn khởi nghĩa sau nầy.
(71) Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, Ủy Ban Dịch Thuật Bộ Giáo
Dục VNCH, 1972, tập I, quyển nhất, tr. 104, năm 1753, nhân cơ hội vua
Chân Lạp là Nặc Ông Nguyên lấn hiếp người Côn Man, chúa Nguyễn bèn sai
Thiện Chánh Hầu làm Thống suất và Nghi Biểu Hầu Nguyễn Cư Trinh làm Ký
Lục, đem quân sang đánh Chân Lạp. Mùa đông năm 1754, quân của chúa
Nguyễn chia ra làm hai đạo, Nguyễn Cư Trinh đốc suất đạo cơ binh, do con
sông phía đông tiến vào Cao Miên. Đạo quân nầy đi đến đâu cũng được
nhân dân lướt theo như ngọn cỏ bị lướt theo cơn gió. Bốn phủ thuộc nước
Cao Miên là Xuy Lạp, Tầm Đôn, Ba Cầu và Nam Vang đều đầu hàng quan quân
của chúa Nguyễn. Đạo quân của Nguyễn Cư Trinh sau đó họp lại với quân
của Thiện Chánh Hầu ở xứ Lê Yêm thuộc nước Cao Miên. Vua nước Cao Miên
là Nặc Ong Nguyên phải chạy trốn vào phủ Tầm Trị Thu.
(72) Những vùng nầy bao gồm Phú Quốc, Long Xuyên (Cà Mau), Rạch Giá, Trấn Giang (Cần Thơ) và Trấn Di (Sóc Trăng và Bạc Liêu).
(73) Tức vùng Tân An và Gò Công ngày nay.
(74) Ngày nay là vùng Trà Vinh và Sóc Trăng.
(75) Theo Châu Đạt Quan trong “Chân Lạp Phong Thổ Ký”, TPHCM: NXB Văn
Nghệ, 2007, tr. 21-25, phần Tổng Tự, nước Chân Lạp (Tchen La) cũng gọi
là Chiêm Lạp. Ông Châu Đạt Quan đã ghi lại như sau: “Rời bến Ôn Châu ở
Triết Giang và hướng thẳng Đinh Vị chúng tôi đi qua hải cảng của các
châu Phước Kiến, tỉnh Quảng Đông và hải ngoại. Chúng tôi vượt biển Bảy
Hòn Đảo. Đây là ranh giới của Trung Hoa với An Nam, đi ngang qua xứ An
Nam và đến xứ Chiêm Thành. Ở đấy nhờ thuận gió, trong vòng mười lăm ngày
ta có thể đến thị trấn Chân Bồ, đó là biên giới xứ Chân Lạp. Đoạn, từ
Chân Bồ theo hướng Khôn Thân chúng tôi đi ngang qua biển Côn Lôn và vào
cửa sông. Sông nầy có hàng chục ngả, nhưng ta chỉ có thể vào được cửa
thứ tư, các ngả khác có nhiều bãi cát thuyền lớn không đi được. Nhìn lên
bờ chúng tôi thấy toàn là cây mây cao vút, cổ thụ, cát vàng, lau sậy
trắng, thoáng qua không dễ gì biết được lối vào, thế nên các thủy thủ
cho rằng rất khó mà tìm đúng cửa sông. Từ đó, thuận dòng nước tiến lên
hướng bắc chừng mười lăm ngày, chúng tôi vào một lãnh thổ tên là Tra Nam
(Tch’a-Nan), một trong những lãnh thổ của Chân Lạp. Ở Tra Nam, chúng
tôi sang một chiếc thuyền nhỏ, thuận dòng đi qua thôn Bán Lộ và Phật
thôn (Pursat), vượt biển nước ngọt Đạm Dương (Biển Hồ), hơn mười ngày
đến một nơi gọi là Can Bàn, cách châu thành năm mươi lý. Khoảng từ ngày 1
đến ngày 19 tháng 8 năm 1296 chúng tôi triều kiến quốc vương Chân Lạp
và trở về thuyền nhổ sào trong tháng 6 năm 1297, và ngày 30 tháng 8 năm
1297, chúng tôi cập bến Tứ Minh.” Ông cũng nói thêm: “Không chắc rằng
chúng tôi biết rõ tất cả chi tiết về phong tục và sự việc xãy ra trong
quốc gia nầy, nhưng ít nhất chúng tôi cũng có thể phân biệt được những
điểm đại lược.” Năm thế kỷ sau đó, những chi tiết nầy cũng được khẳng
định bởi sử gia Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục. Theo Phủ Biên Tạp Lục
của Lê Quí Đôn, được viết vào khoảng năm những năm 1776-1778, vùng rừng
rậm hoang vu nầy là vùng cư trú của nhiều nhóm dân tộc thiểu số mà
người Việt gọi họ là người “Man”, hay người “Mọi”. Những dân tộc nầy gồm
nhiều bộ tộc khác nhau như Mạ, Stiêng, Mnông, Cơ Ho, và Chu Ru...Họ chỉ
sinh sống tại các vùng cao ráo, còn các vùng khác hầu như bị bỏ hoang.
Từ các cửa biển đi vào như Cần Giờ, Soài Rạp... toàn là những đám rừng
hoang vu, đầy thú dữ. Chính vì thế mà các chúa Nguyễn cho phép cư dân
thời đó được quyền tự do khai khẩn và sở hữu đất đai, cũng như thâu nhận
những người “Mọi” làm đầy tớ trong việc khai khẩn và phát triển “điền”
của mình.
(76) Vùng Hà Tiên bấy giờ bao gồm các vùng Cần Bột, Linh Quỳnh, Sài
Mạt, Hương Úc, Hà Tiên, Phú Quốc, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cần
Thơ.
(77) Biên giới đầu tiên của xứ Đại Việt với Champa là vùng giữa Nghệ
An và Hà Tĩnh. Đến năm 1069, vua Lý Thánh Tôn tiếp nhận 3 châu Địa Lý,
Ma Linh và Bố Chính, nay thuộc các vùng giữa Quảng Bình và Quảng Trị.
Năm 1306, vua Trần Anh Tông tiếp nhận hai châu Ô và Lý, nay là các vùng
Thuận Châu và Hóa Châu của Thừa Thiên. Năm 1402, Hồ Quý Ly chiếm đất
Chiêm Động, nay thuộc tỉnh Quảng Nam và đất Cổ Lũy, nay thuộc vùng Quảng
Ngãi. Năm 1470, vua Lê Thánh Tôn chiếm kinh đô Đồ Bàn, và sáp nhập Đồ
Bàn và Đại Chiêm vào đất Cỗ Lũy, vùng giữa Bình Định và Phú Yên ngày
nay. Năm 1611, chúa Nguyễn Hoàng chiếm vùng Phú Yên. Năm 1623, chúa
Nguyễn Phúc Nguyên cho phép lưu dân vào khai khẩn vùng Prei Nokor tức
Sài Gòn sau nầy. Năm 1653, chúa Nguyễn Phúc Tần chiếm vùng Khánh Hòa.
Năm 1679, chúa Nguyễn cho phép các cựu thần nhà Minh vào khai khẩn các
vùng Biên Hòa và Mỹ Tho. Năm 1693, chúa Nguyễn Phúc Chu chiếm các vùng
Phan Rí và Phan Rang. Từ đó vương quốc Champa coi như mất hẳn. Năm 1698,
chúa Nguyễn Phúc Chu sai ông Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược hai vùng
Phước Long và Tân Bình. Năm 1708, Mạc Cửu dâng đất Hà Tiên. Năm 1732,
Nặc Tha chính thức dâng lên chúa Ninh Vương hai vùng đất Meso và Long
Ghor, nay là Mỹ Tho và Vĩnh Long. Năm 1756, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ
dâng lên chúa chúa Võ Vương các vùng Tầm Bôn và Lôi Lạp, tức là Tân An
và Gò Công ngày nay. Năm 1757, Nặc Nhuận, vì muốn lên ngôi vua nên đem
dâng hai xứ Preah Trapeang và Bassac, ngày nay là vùng Trà Vinh và Sóc
Trăng. Năm 1759, Nặc Tôn dâng đất Tầm Phong Long, ngày nay là các vùng
Sa Đéc, Cao Lãnh, Long Xuyên, Châu Đốc và một phần của Rạch Giá.
(78) Con trai của hoàng thái tử Hiệu.
(79) Thái tử thứ hai của chúa Nguyễn Phúc Khoát.
(80) Con trai thứ 16 của Nguyễn Phúc Khoát. (81) Nay là vùng Thanh Hà thuộc Huế.
(82) Theo Li Tana trong Xứ Đàng Trong, Lịch Sử Kinh Tế và Xã Hội Thế
Kỷ 17 và 18, số tàu buôn Trung Hoa đến Hội An nhiều gấp đôi số tàu buôn
của nước nầy đến Nam Dương, và gấp ba lần ghe tàu của xứ nầy đến xứ Đàng
Ngoài. Hàng năm từ tháng 2 đến tháng 5, các chúa Nguyễn còn cho mở Hội
Chợ Quốc Tế tại Hội An. Vào thời đó, nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lục,
đồ gốm sứ, gỗ, và thủ công mỹ nghệ cũng phát triển cực thịnh.
***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét