Thứ Năm, 12 tháng 2, 2015

Xuân Vãn - Trần Nhân Tông

Nhân Tông (陳仁宗; ), tên thật là Trần Khâm (陳昑) là vị vua thứ ba của Nhà Trần.
Ông là con trai trưởng của vua Trần Thánh Tông với Nguyên Thánh Thiên Cảm hoàng thái hậu Trần Thị Thiều, sinh ngày 11 tháng 1 âm lịch năm Mậu Ngọ, niên hiệu Thiệu Long năm thứ 1 (tức 7 tháng 12 nă 1258).
 
Ông ở ngôi 15 năm (1278 - 1293) và làm Thái Thượng hoàng 15 năm.
Ông là người đã thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy pháp hiệu là Đầu đà Hoàng giác Điều ngự. Ông được sử sách ca ngợi là một trong những vị vua anh minh nhất trong Lịch Sử Việt Nam , có vai trò lãnh đạo quan trọng trong cuộc kháng chiến chống Nguyên-Mông lần thứ 2 và lần thứ 3.

Trừ việc chiến-tranh với Mông-cổ ra, để sau sẽ nói, trong đời vua Nhân-tông lại còn giặc Lào, thường hay sang quấy-nhiễu ở chỗ biên-thùy, bởi vậy năm canh-dần (1290) vua Nhân-tông lại phải ngự giá đi đánh Lào.
Đời vua Nhân-tông có nhiều giặc-giã, tuy vậy việc văn-học cũng hưng-thịnh lắm. Xem bài hịch của Hưng-đạo-vương 興 道 王, thơ của ông Trần quang Khải 陳 光 啓 và của ông Phạm ngũ Lão 范 五 老 thì biết là văn-chương đời bấy giờ có khí-lực mạnh-mẽ lắm.
Lại có quan Hình-bộ Thượng-thư là ông Nguyễn Thuyên 阮 詮 khởi đầu dùng chữ Nôm mà làm thơ-phú. Ông Nguyễn Thuyên là người Thanh-lâm 青 林, tỉnh Hải-dương, có tiếng tài làm văn như ông Hàn Dũ 韓 愈 bên Tàu ngày xưa, bởi vậy vua cho đổi họ là Hàn 韓. Về sau người mình theo lối ấy mà làm thơ, gọi là Hàn-luật.
Năm quí-tị (1293) Nhân-tông truyền ngôi cho Thái-tử tên là Thuyên 烇, rồi về Thiên-trường làm Thái-thượng-hoàng.
Sau khi nhường ngôi cho con trai là Trần Anh Tông, ông xuất gia tu hành tại Cung Vũ Lâm Ninh Bình, sau đó rời đến Yên Tử (Quảng Ninh) tu hành và thành lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử lấy đạo hiệu là Điều Ngự Giác Hoàng (hay Trúc Lâm đầu đà). Ông là tổ thứ nhất của dòng Thiền Việt Nam này. Về sau ông được gọi cung kính là “Phật Hoàng” nhờ những việc này.
Ông mất ngày 3 tháng 1 năm Mậu Thân (tức 16 tháng 12 năm 1308), được an táng ở lăng Quy Đức, phủ Long Hưng, xá lỵ cất ở bảo tháp am Ngọa Vân; miếu hiệu là Nhân Tông, tên thụy là Pháp Thiên Sùng Đạo Ứng Thế Hóa Dân Long Từ Hiển Hiệu Thánh Văn Thần Võ Nguyên Minh Duệ Hiếu Hoàng Đế.
 
Trần Nhân Tông là vị vua anh minh, quyết đoán, được sử sách ngợi ca là vị anh hùng cứu nước. Sau 15 năm làm vua, Nhân Tông nhường ngôi cho con là Anh Tông rồi làm Thái thượng hoàng và đi tu, trở thành thủy tổ phái Thiền Trúc Lâm Yên Tử, một phái thiền để lại dấu ấn đặc sắc trong lịch sử tư tưởng Việt nam. Nhân Tông thực sự là một triết gia lớn của Phật học, giúp triết học Phật giáo Việt Nam phát triển rực rỡ.

         春晚                           Xuân Vãn
              陳仁宗                        Trần Nhân Tông
 年少何曾了色空     Niên thiếu hà tằng liễu sắc không,
一 春心在百花中     Nhất xuân tâm tại bách hoa trung.
如今勘破東皇面      Như kim khám phá đông hoàng diện,
禪板蒲團看墜紅      Thiền bản bồ đoàn khán truỵ hồng.

Dịch Nghĩa: Chiều Xuân

Lúc nhỏ chưa hề biết thế nào là Sắc với Không
Nên mỗi khi xuân về, khiến lòng xao động
gởi vào trong trăm hoa .
Ngày nay đã hiểu rõ được bộ mặt chúa xuân, 

Khi ngồi trên tấm thảm cỏ nơi thiền phòng, tâm vẫn lặng khi thấy những cánh hồng rơi rụng.

Dịch Thơ: Chiều Xuân

Lúc trẻ nào tường sắc với không
Xuân về hoa nở ngất ngây lòng
Nhưng nay mặt chúa xuân đà rõ
Tâm tịnh dù rơi mấy cánh hồng.

                          Quên Đi

***
1 -    Chiều Xuân Cảm Tác
                  
Ông Vua trẻ nói sắc và không,
Nào thấu hoa Xuân ngắm thật lòng.
Hòang Thượng nhìn ra Xuân rõ mặt,
An nhiên, rả cánh đóa hoa hồng !
               
2 - Lại Chiều Xuân

Tuổi ngọc hồn nhiên chẳng sắc,không
Trăm hoa rực rỡ cũng xao lòng
Chúa Xuân xuất hiện vua liền hiểu
Tịnh tọa an nhiên,rớt cánh hồng

                      Mai Xuân Thanh
***
              Chiều Xuân
Sắc không lúc trẻ chẳng tinh tường ,
Xuân đến hoa cười dạ vấn vương .
Mặt thật chúa xuân nay khám phá ,
Thiền phòng tịnh tọa ngó rơi hường .

                                 
2
  Sắc không niên thiếu chưa rành lắm ,
     Xuân đến rộn rã cánh hoa lòng .
     Chúa xuân mặt thật nay thông ,
An nhiên tịnh tọa nhìn hồng rụng rơi !

                                        Mailoc

***
            Chiều Xuân

Lúc nhỏ hiểu gì sắc với không
Trăm hoa xuân thắm gửi tâm lòng
Chúa xuân hiện mặt cho đời hiểu
Thảm tịnh nhìn xuân rụng cánh hồng. 
                     Nguyễn Đắc Thắng
***
         Chiều Xuân 

1 Thơ dại hiểu gì sắc với không
Hoa xuân hé nở xuyến xao lòng
Chúa xuân ngự đến nay tường tận
Tâm lặng chẳng dao bởi sắc hồng

2
Sắc không thơ dại hiểu gì đâu
Xuân đến lòng hoa đẹp sắc màu
Bản chất Chúa xuân nay đã rõ
Hoa rơi tĩnh tọa chẳng vương sầu


                        Kim Oanh
***
           Cuối Xuân

Tuổi trẻ sắc không sao khỏi vướng,
Lòng xuân quyến luyến mãi trăm hoa.
Nhưng nay đà tỏ nàng xuân muộn,
Hoa rụng lòng thiền chẳng xót xa !

                         Đỗ Chiêu Đức.
             
***
           Chiều Xuân

Sắc Không nào hiểu thiếu niên thời
Xao xuyến hoa lòng xuân lả lơi
Mặt thật Chúa xuân nay đã tỏ
Thiền phòng tâm tịnh mặc hoa rơi
                       Kim Phượng
***
            Chiều Xuân

Trẻ chẳng am tường chữ sắc không
Xuân sang rạo rực ngắm muôn hồng
Nay đà thấu hiểu trong tâm thức
Hoa rụng kề bên chẳng động lòng.

                      Phương Hà phỏng dịch
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét