Thứ Ba, 3 tháng 2, 2015

Họ Hồng Bàng - Nhà Thục

M Ụ C - L Ụ C
______________
Trang
Tựa vii  xii
Nước Việt Nam 1  8

THƯỢNG-CỔ THỜI-ĐẠI
Chương I. Họ Hồng-bàng 11  16
Chương II. Nhà Thục 17  20
Chương III. Xã-hội nước Tàu 21  26
Chương IV. Nhà Triệu 29  34

BẮC-THUỘC THỜI-ĐẠI
Chương I. Bắc-thuộc lần thứ nhất 37  38
Chương II. Trưng-vương 39  40
Chương III. Bắc-thuộc lần thứ hai 41  51
Chương IV. Nhà Tiền-Lý 53  56
Chương V. Bắc-thuộc lần thứ ba 57  68
Chương VI. Kết-quả của thời-đại Bắc-thuộc 71  78

TỰ-CHỦ THỜI-ĐẠI
Chương I. Nhà Ngô 81 —   83
Chương II. Nhà Đinh 85 —   88
Chương III. Nhà Tiền-Lê 89 —   92
Chương IV. Nhà Lý 93  107
Chương V. Nhà Lý ( tiếp theo ) 109  118
Chương VI. Nhà Trần ( Thời-kỳ thứ nhất ) 119  132

Trang
Chương VII. Giặc nhà Nguyên — I 133  150
Chương VIII. Giặc nhà Nguyên — II 151  162
Chương IX. Nhà Trần ( Thời-kỳ thứ hai ) 163  172
Chương X. Nhà Trần ( Thời-kỳ thứ ba ) 173  188
Chương XI. Nhà Hồ 189  197
Chương XII. Nhà Hậu-Trần 199  206
Chương XIII. Thuộc nhà Minh 211  216
Chương XIV. Mười năm đánh quân Tàu 217  245
Chương XV. Nhà Lê 247  276
Phụ-lục. Phiên âm bài Bình Ngô đại-cáo 277  280
Những-sách soạn-giả dùng để kê-cứu 281

CHƯƠNG I
HỌ HỒNG-BÀNG
鴻 龐 氏
(2879-258 tr. Tây-lịch)

1. Họ Hồng-bàng
2. Nước Văn-lang
3. Truyện cổ-tích về đời Hồng-bàng:
Phù-đổng Thiên-vương; Sơn-tinh Thủy-tinh
1. HỌ HỒNG-BÀNG. Cứ theo tục truyền thì vua Đế-minh là cháu ba đời của vua Thần-nông, đi tuần-thú phương nam đến núi Ngũ-lĩnh (thuộc tỉnh Hồ-nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau, đẻ ra người con tên là Lộc Tục 祿 續. Sau Đế-minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế-Nghi làm vua phương bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương nam, xưng là Kinh-dương-vương 涇 陽 王, quốc-hiệu là Xích-quỷ 赤 鬼.
Bờ-cõi nước Xích-quỷ bấy giờ phía bắc giáp Động-đình-hồ (Hồ-nam), phía nam giáp nước Hồ-tôn (Chiêm-thành), phía tây giáp Ba-thục (Tứ-xuyên), phía đông giáp bể Nam-hải.
Kinh-dương-vương làm vua nước Xích-quỷ vào quãng năm nhâm-tuất (2879 trước Tây-lịch?) và lấy con gái Động-đình-quân là Long-nữ đẻ ra Sùng Lãm 崇 纜, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc-long-quân 駱 龍 君.
Lạc-long-quân lấy con gái vua Đế-lai tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai[1]. Lạc-long-quân bảo Âu Cơ rằng: « Ta là dòng-dõi Long-quân, nhà ngươi là dòng-dõi thần-tiên, ăn ở lâu với nhau không được; nay được trăm đứa con thì nhà ngươi đem 50 đứa lên núi, còn 50 đứa ta đem xuống bể Nam-hải ».
Gốc-tích truyện này có lẽ là từ Lạc-long-quân về sau, nước Xích-quỷ chia ra những nước gọi là Bách-Việt. Bởi vậy ngày nay đất Hồ-quảng (tỉnh Hồ-nam, tỉnh Quảng-đông và tỉnh Quảng-tây) còn xưng là đất Bách-Việt 百 越. Đấy cũng là một điều nói phỏng, chứ không có lấy gì làm đích-xác được.
2. NƯỚC VĂN-LANG. Lạc-long-quân phong cho người con trưởng sang làm vua nước Văn-lang 文 郎, xưng là Hùng-vương 雄 王.

Cứ theo sử cũ thì nước Văn-lang chia ra làm 15 bộ:
1. Văn-lang 文 郎 (Bạch-hạc, tỉnh Vĩnh-yên)
2. Châu-diên 朱 鳶 (Sơn-tây)
3. Phúc-lộc 福 祿 (Sơn-tây)
4. Tân-hưng 新 興 (Hưng-hóa – Tuyên-quang)
5. Vũ-định 武 定 (Thái-nguyên - Cao-bằng)
6. Vũ-ninh 武 寧 (Bắc-ninh)
7. Lục-hải 陸 海 (Lạng-sơn)
8. Ninh-hải 寧 海 (Quảng-yên)
9. Dương-tuyền 陽 泉 (Hải-dương)
10. Giao-chỉ 交 趾 (Hà-nội, Hưng-yên, Nam-định, Ninh-bình)
11. Cửu-chân 九 真 (Thanh-hóa)
12. Hoài-hoan 懷 驩 (Nghệ-an)
13. Cửu-đức 九 德 (Hà-tĩnh)
14. Việt-thường 越 裳 (Quảng-bình, Quảng-trị)
15. Bình Văn 平 文 (?)
Hùng-vương đóng đô ở Phong-châu 峰 州 (bây giờ ở vào địa-hạt huyện Bạch-hạc, tĩnh Vĩnh-yên), đặt tướng văn gọi là Lạc-hầu 駱 侯, tướng võ gọi là Lạc-tướng 駱 將, con trai vua gọi là Quan-lang 官 郞, con gái vua gọi là Mị-nương 媚 娘, các quan nhỏ gọi là Bồ-chính 蒲 正 [2]. Quyền chính-trị thì cứ cha truyền con nối, gọi là phụ-đạo 父 道.
Về đời bấy giờ, sử Tàu có chép rằng năm tân-mão (1109 tr. Tây-lịch), đời vua Thành-vương nhà Chu 周 成 王, có nước Việt-thường 越 裳 ở phía nam xứ Giao-chỉ sai sứ đem chim bạch-trĩ sang cống, nhà Chu phải tìm người làm thông-ngôn mới hiểu được tiếng, và ông Chu-công Đán 周 公 旦 lại chế ra xe chỉ-nam để đem sứ Việt-thường về nước. Vậy đất Việt-thường và đất Giao-chỉ có phải là đất của Hùng-vương lúc bấy giờ không?
Họ Hồng-bàng làm vua được 18 đời, đến năm quí-mão (158 trước Tây-lịch) thì bị nhà Thục lấy mất nước.
Xét từ đời Kinh-dương-vương đến đời Hùng-vương thứ 18, cả thảy 20 ông vua, mà tính từ năm nhâm-tuất (2879) đến năm quí-mão (258 trước Tây-lịch) thì vừa được 2622 năm. Cứ tính hơn bù kém, mỗi ông vua trị-vì được non 150 năm! Dẫu là người đời thượng-cổ nữa, thì cũng khó lòng mà có nhiều người sống lâu được như vậy. – Xem thế thì đủ biết truyện đời Hồng-bàng không chắc là truyện xác thực.
3. TRUYỆN CỔ-TÍCH VỀ ĐỜI HỒNG-BÀNG. Sử chép rằng đời Hùng-vương thứ nhất, người nước Văn-lang làm nghề chài lưới, cứ hay bị giống thuồng-luồng làm hại, vua mới bắt dân lấy chàm vẽ mình để những giống ấy tưởng là đồng loại không làm hại nữa[3]. Sử lại chép rằng thuyền của ta ở đằng mũi thường hay làm hai con mắt, cũng có ý để cho các thứ thủy-quái ở sông ở bể không quấy-nhiễu đến.
Trong đời Hùng-vương lại có hai truyện mà ngày nay người ta thường hay nói đến, là truyện Phù-đổng Thiên-vương và truyện Sơn-tinh, Thủy-tinh.
Phù-đổng Thiên-vương. Đời Hùng-vương thứ 6 có đám giặc gọi là giặc Ân, hung-mạnh lắm, không ai đánh nổi. Vua mới sai sứ đi rao trong nước để tìm người tài giỏi ra đánh giặc giúp nước. Bấy giờ ở làng Phù-đổng, bộ Võ-ninh (nay là huyện Võ-giàng, tỉnh Bắc-ninh), có đứa trẻ xin đi đánh giặc giúp vua. Sứ giả về tâu vua, vua lấy làm lạ, cho đòi vào chầu. Đứa trẻ ấy xin đúc cho một con ngựa và cái roi bằng sắt. Khi ngựa và roi đúc xong thì đứa trẻ ấy vươn vai một cái, tự-nhiên người cao-lớn lên một trượng, rồi nhảy lên ngựa cầm roi đi đánh giặc.
Phá được giặc Ân rồi, người ấy đi đến núi Sóc-sơn 朔 山 thì biến đi mất. Vua nhớ ơn, truyền lập đền thờ ở làng Phù-đổng, về sau phong là Phù-đổng Thiên-vương 扶 董 天 王 [4].
Truyện này là truyện tục truyền như vậy, chứ không có lẽ tin làm sự thực được. Họa chăng đời bấy giờ có người tướng giỏi, đánh được giặc, về sau người ta nhớ ơn làm đền thờ thì hợp lẽ hơn. Hiện bây giờ có đền thờ ở làng Gióng tức làng Phù-đổng. Năm nào đến mồng 8 tháng tư cũng có hội vui lắm, tục gọi là đức Thánh Gióng.
Truyện Sơn-tinh, Thủy-tinh. Tục truyền rằng vua Hùng-vương thứ 18 có người con gái tên là Mỵ-nương, nhan-sắc tuyệt trần. Sơn-tinh và Thủy-tinh đều muốn hỏi làm vợ. Hùng Vương hẹn rằng ngày hôm sau ai đem đồ lễ đến trước thì gả cho người ấy. Ngày hôm sau Sơn-tinh đến trước lấy được Mỵ-nương đem về núi Tản-viên (tức là núi Ba-vì ở tỉnh Sơn-tây).
Thủy-tinh đến sau, thấy Sơn-tinh lấy mất Mỵ-nương, tức giận vô cùng, mới làm ra mưa to gió lớn, rồi dâng nước lên đánh Sơn-tinh. Sơn-tinh ở trên núi không việc gì: hễ nước lên cao bao nhiêu, thì Sơn-tinh làm núi cao lên bấy nhiêu. Sơn-tinh lại dùng sấm-sét đánh xuống, Thủy-tinh phải rút nước chạy về. Từ đó Sơn-tinh và Thủy-tinh thù nhau, mỗi năm đánh nhau một lần, dân-gian thật là cực-khổ.
Truyện này là nhân vì ở Bắc-Việt năm nào đến tháng 6, tháng 7 cũng có nước lũ ở trên mạn ngược chảy xuống tràn vào trong đồng-áng, ngập mất cả ruộng đất. Người ta không hiểu là tại lẽ gì, mới tưởng tượng mà đặt ra câu chuyện Sơn-tinh Thủy-tinh đánh nhau vậy.
Tóm lại mà xét, nước ta khởi đầu có quốc-sử từ cuối thập-tam thế-kỷ: đến đời vua Thánh-tông nhà Trần, mới có quan Hàn-lâm học-sĩ là Lê văn Hưu 黎 文 休 soạn xong bộ Đại-Việt sử-ký 大 越 史 記, chép từ Triệu Võ-vương 趙 武 王 đến Lý Chiêu-hoàng 李 昭 皇. Hai trăm rưỡi năm về sau lại có ông Ngô Sĩ-Liên 吳 士 連, làm quan Lễ-bộ tả-thị-lang đời vua Thánh-tông nhà Lê, soạn lại bộ Đại-Việt sử-ký: chép từ họ Hồng-bàng đến vua Lê Thái-tổ. Nghĩa là từ ông Ngô Sĩ-Liên, ở về thập-ngũ thế-kỷ trở đi, thì sử ta mới chép truyện về đời Thượng-cổ. Xem thế thì đủ biết những truyện về đời ấy khó lòng mà đích-xác được. Chẳng qua nhà làm sử cũng nhặt-nhạnh những truyện hoang-đường tục-truyền lại, cho nên những truyện ấy toàn là truyện có thần-tiên quỉ-quái, trái với lẽ tự-nhiên cả.
Nhưng ta phải hiểu rằng nước nào cũng vậy, lúc ban đầu mờ-mịt, ai cũng muốn tìm cái gốc-tích của mình ở chỗ thần-tiên để cho vẻ-vang cái chủng-loại của mình. Chắc cũng bởi lẽ ấy mà sử ta chép rằng họ Hồng-bàng là con tiên cháu rồng v.v...
Nay ta theo sử cũ mà chép mọi truyện, người xem sử nên phân-biệt truyện nào là truyện thực, truyện nào là truyện đặt ra, thì sự học mới có lợi vậy.
   



Chú thích cuối trang

  1. Có sách chép là Âu Cơ đẻ ra một trăm cái trứng nở ra một trăm con.
  2. Bây giờ có nơi gọi chánh-tổng là Bồ-đinh, chắc là bởi Bồ-chính mà ra.
  3. Sử chép rằng người Việt-nam ta có thói vẽ mình mãi đến đời vua Anh-tông nhà Trần mới bỏ.
  4. Có người chép truyện này nói rằng: Giặc Ân là quân của nhà Ân bên Tàu sang đánh nước ta. Nói như thế thật là một điều lầm. Về đời nhà Ân nước Tàu chỉ ở vào mạn sông Hoàng-hà là đất tỉnh Hà-nam, Trực-lệ, Sơn-tây và Thiểm-tây bây giờ mà thôi. Còn những đất ở bên này sông Trường-giang là man-di hết cả. Từ Trường-giang sang đến Bắc-Việt ta xa cách bao nhiêu đường đất. Dẫu lúc ấy ở bên ta có họ Hồng-bàng làm vua nữa, thì chắc cũng chưa có kỷ-cương gì, có lẽ cũng giống như một người làm quan-lang trên Mường mà thôi, như thế thì đã có giao-thiệp gì với nhà Ân mà đánh nhau. Vả lại, sử Tàu cũng không có chỗ nào chép đến truyện ấy. Vậy thì lẽ gì mà nói rằng giặc Ân là người nhà Ân bên Tàu     

    CHƯƠNG II
    NHÀ THỤC
    蜀 氏
    (257-207 tr. Tây-lịch)
    1. Gốc-tích nhà Thục
    2. Nước Âu-lạc
    3. Nhà Tần đánh Bách-Việt
    4. Nhà Thục mất nước
    1. GỐC-TÍCH NHÀ THỤC. Nhà Thục chép trong sử nước ta không phải là nước Thục bên Tàu, vì rằng cứ theo sử nước Tàu thì đời bấy giờ đất Ba-thục 巴 蜀 (Tứ-xuyên) đã thuộc về nhà Tần 秦 cai-trị rồi, thì còn có vua nào nữa. Vả, sử lại chép rằng khi Thục-vương Phán 蜀 王 泮 lấy được nước Văn-lang thì đổi quốc hiệu là Âu-lạc 甌 駱, tức là nước Âu-lạc gồm cả nước Thục và nước Văn-lang. Song xét trong lịch-sử không thấy đâu nói đất Ba-thục thuộc về Âu-lạc. Huống chi lấy địa-lý mà xét thì từ đất Ba-thục (Tứ-xuyên) sang đến Văn-lang (Bắc-Việt) cách bao nhiêu đường đất và có bao nhiêu núi sông ngăn-trở, làm thế nào mà quân nhà Thục sang lấy nước Văn-Lang dễ-dàng như vậy? Sử cũ lại có chỗ chép rằng An-dương-vương họ là Thục 蜀 tên là Phán 泮. Như vậy chắc hẳn Thục tức là một họ nào độc-lập ở gần nước Văn-lang, chứ không phải là Thục bên Tàu. Sách « Khâm-định Việt-sử » cũng bàn như thế.
    2. NƯỚC ÂU-LẠC. Sử chép rằng Thục-vương 蜀 王 hỏi con gái của Hùng-vương 雄 王 thứ 18, là Mị-nương 媚 娘 không được, trong bụng lấy làm tức giận, dặn con cháu ngày sau đánh báo-thù lấy nước Văn-lang. Hùng-vương bấy giờ cậy mình có binh cường tướng dũng, bỏ trễ việc nước, chỉ lấy rượu chè làm vui thú. Người cháu Thục-vương tên là Phán 泮 biết tình-thế ấy, mới đem quân sang đánh lấy nước Văn-lang. Hùng-vương thua chạy, nhảy xuống giếng mà tự-tử.
    Năm giáp-thìn (275 tr. Tây-lịch), Thục-vương dẹp yên mọi nơi rồi, xưng là An-dương-vương 安 陽 王, cải quốc-hiệu là Âu-lạc 甌 駱, đóng đô ở Phong-khê 封 溪 (nay thuộc huyện Đông-anh, tỉnh Phúc-an). Hai năm sau là năm bính-ngọ (255 tr. Tây-lịch), An-dương-vương xây Loa-thành 螺 城. Thành ấy cao và từ ngoài vào thì xoáy trôn-ốc, cho nên mới gọi là Loa-thành. Hiện nay còn dấu-tích ở làng Cổ-loa, huyện Đông-anh, tỉnh Phúc-an.
    3. NHÀ TẦN ĐÁNH BÁCH-VIỆT. Khi An-dương-vương làm vua nước Âu-lạc ở bên này, thì ở bên Tàu vua Thỉ-hoàng nhà Tần 秦 始 皇 đã nhất-thống thiên-hạ. Đến năm đinh-hợi (214 tr. Tây-lịch) Thỉ-hoàng sai tướng là Đồ Thư 屠 雎 đem quân đi đánh lấy đất Bách-Việt 百 越 (vào quãng tỉnh Hồ-nam, Quảng-đông và Quảng-tây bây giờ). An-dương-vương cũng xin thần-phục nhà Tần. Nhà Tần mới chia đất Bách-Việt và đất Âu-lạc ra làm ba quận, gọi là: Nam-hải 南 海 (Quảng-đông), Quế-lâm 桂 林 (Quảng-tây) và Tượng quận 象 郡 (Bắc-Việt).
    Người bản-xứ ở đất Bách-Việt không chịu để người Tàu cai-trị, trốn vào rừng ở. Được ít lâu quân của Đồ Thư, vốn là người ở phương bắc, không chịu được thủy-thổ, phải bệnh rất nhiều. Bấy giờ người Bách-Việt thừa thế nổi lên giết được Đồ Thư.
    4. NHÀ THỤC MẤT NƯỚC. Chẳng được bao lâu thì nhà Tần suy, nước Tàu có nhiều giặc-giã, ở quận Nam-hải có quan úy là Nhâm Ngao 壬 嚣 thấy có cơ-hội, muốn mưu đánh lấy Âu-lạc để lập một nước tự-chủ ở phương nam. Nhưng công-việc chưa thành, thì Nhâm Ngao mất. Khi sắp mất, Nhâm Ngao giao binh-quyền lại cho Triệu Đà 趙 佗 để thay mình làm quan úy 尉 quận Nam-hải.
    Năm quí-tị (208 tr. Tây-lịch) là năm thứ 50 đời vua An dương-vương. Triệu Đà đem quân sang đánh lấy nước Âu-lạc, lập ra nước Nam-việt 南 越 [1].
    Tục truyền rằng khi An dương-vương xây Loa-thành, có những yêu-quái quấy-nhiễu, xây mãi không được. An-dương-vương mới lập đàn lên cầu-khấn, có thần Kim-qui hiện lên bày phép cho vua trừ những yêu-quái đi, bấy giờ mới xây được thành. Thần Kim-qui lại cho An-dương-vương một cái móng chân, để làm cái lẫy-nỏ. Lúc nào có giặc thì đem cái nỏ ấy ra bắn một phát, giặc chết hàng vạn người.
    Cũng nhờ có cái nỏ ấy cho nên Triệu Đà đánh không được An-dương-vương. Triệu Đà dùng kế, cho con là Trọng Thỉ 仲 始 sang lấy Mị Châu 媚 洙 là con gái An-dương-vương, giả kết nghĩa hòa thân để do thám tình thực.
    Trọng Thỉ lấy được Mị Châu rồi, hỏi dò vợ rằng: « Bên Âu-lạc có tài gì mà không ai đánh được? » Mị Châu nói chuyện cái nỏ, và lấy cho chồng xem. Trọng Thỉ bèn lấy cái móng của Kim-qui đi, làm cái lẫy giả thay vào, rồi định về báo tin cho cha biết. Khi sắp ra về, Trọng Thỉ hỏi Mị Châu rằng: « Tôi về, mà nhỡ có giặc-giã đánh-đuổi, thì rồi tôi biết đâu mà tìm? » — Mị Châu nói rằng: « Thiếp có áo lông ngỗng, hễ khi thiếp có chạy về đâu, thiếp sẽ lấy lông ấy mà rắc ra ở dọc đường thì rồi sẽ biết ».
    Trọng Thỉ về kể lại với Triệu Đà tình đầu mọi sự, Triệu Đà bèn khởi binh sang đánh Âu-lạc. An-dương-vương cậy có cái nỏ, không phòng-bị gì cả, đến khi quân giặc đến gần chân thành mới đem nỏ ra bắn, thì không thấy hiệu-nghiệm nữa. An-dương-vương mới đem Mị Châu lên ngựa mà chạy về phía nam. Chạy đến núi Mộ-dạ 墓 夜 山 (thuộc huyện Đông-thành, tỉnh Nghệ-an) gần bờ bể, vua thấy giặc đuổi kíp quá, mới khấn Kim-qui lên cứu, Kim-quy lên nói rằng: « Giặc ngồi sau lưng nhà vua đấy! » An-dương-vương tức giận quá, rút gươm ra chém Mị Châu đi, rồi nhảy xuống bể mà tự tận[2].
    Trọng Thỉ theo dấu lông ngỗng của vợ rắc, đem binh đuổi đến núi Mộ-dạ, thấy xác vợ chết nằm đó, thương-xót vô cùng, vội-vàng đem về cấp-táng, xong rồi, nhảy xuống cái giếng ở trong Loa-thành mà tự-tử.
    Nay ở làng Cổ-loa trước đền thờ An-dương-vương có cái giếng tục truyền là Trọng Thỉ chết ở giếng ấy. Tục lại truyền rằng Mị-Châu bị giết rồi, vì nỗi tình thực mà phải thác oan, cho nên máu nàng ấy chảy xuống bể, những con trai ăn phải hóa ra có ngọc trân-châu. Hễ ai lấy được ngọc ấy đem về rửa vào nước cái giếng ở trong Loa-thành là chỗ Trọng Thỉ đã tự-tử, thì ngọc ấy trong và đẹp thêm ra.
       


    Chú thích cuối trang

  5. Xin đừng lầm nước Nam-việt ngày xưa với Nam-Việt của nước Việt-nam hiện nay.
  6. Nay ở trên núi Mộ-dạ, gần xã Cao-ái, huyện Đông-thành, tỉnh Nghệ-an, có đền thờ An-dương-vương. Ở đấy có nhiều cây-cối và có nhiều chim công, cho nên tục gọi là đền Công hay Cuông.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét