Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2018

Từ Đất Mô Xoài Đến Bà Rịa-Vũng Tàu Phần 1


Địa Danh Bà Rịa-Vũng Tàu:

Vũng Tàu là một thành phố biển, nằm cách Sài Gòn khoảng 125 cây số. Thành phố nầy nằm trên một mũi đất nhô ra biển cho nên ba phía đều giáp biển, và quanh năm đều có gió biển. Mặc dầu nằm sát biển nhưng thành phố nầy cây cối luôn xanh tươi quanh năm, có lẽ nhờ nhiệt độ không quá nóng, khoảng 28o C và lượng nước mưa trung bình 1.500 mm mỗi năm. Mãi đến ngày nay, người ta vẫn chưa biết đích xác xuất xứ của địa danh Bà Rịa. Theo sách Tân Đường Thư thì nước Bà Lị ở thẳng phía đông nam Chiêm Thành, từ cửa biển Giao Châu vượt biển trải qua các nước Xích Thổ, Đan Đan mới tới được. Đất ấy có bãi rộng, có nhiều ngựa, nên cũng gọi là Mã Lễ. Dân những nước nầy có tục hay xâm lỗ tai đeo ngọc, dùng một mảnh vải cát bối (vải bông gòn) cuốn ngang lưng. Phía nam có nước Thù Nại, sau đời Vĩnh Huy bị nước Chân Lạp thôn tính. Theo Trịnh Hoài Đức, một học giả hàng đầu người Minh Hương về Nam Kỳ vào đầu thế kỷ thứ XIX, đã viết: “Bà Rịa ở đầu biên giới trấn Biên Hòa, là đất có danh tiếng, nên dân xứ Bắc Hà thường nói “Cơm Nai-Rịa, cá Rí-Rang” là lấy xứ Đồng Nai và Bà Rịa đứng đầu bao gồm cả Bến Nghé, Sài Gòn, Mỹ Tho, Long Hồ cũng ở vào trong đó.” Trịnh Hoài Đức cũng chú thích thêm : “Theo chánh văn thì chữ “Lợi” âm là lục địa, đọc trại là “Lịa” hay “Lị”, vậy nghi rằng chữ Bà Rịa tức là nước Bà Lợi(1) xưa. Trong khi những âm Thù Nại, Đồng Nai hay Nông Nại thì không mấy sai khác.” Còn theo quyển “Địa Chí Bà Rịa 1902” do Hiệp Hội Nghiên Cứu Đông Dương (Société des Études Indochinoises) biên soạn thì Bà Rịa tên là Nguyễn thị Rịa, gốc người Phú Yên, theo gia đình vào Nam lập nghiệp vào khoảng năm 1789. Gia đình bà vào khai khẩn vùng Phước Liễu. Sau đó bà hợp sức với nhân dân trong vùng lập vườn và xây dựng làng mạc. Tương truyền khi quan quân chúa Nguyễn đi ngang qua vùng Phước Lễ thì bị trận lụt cuốn trôi hết cầu, và hệ thống đường sá đã bị hư hại nặng. Bà Rịa đã hợp cùng với dân địa phương tu sửa đường sá, bắt cầu mới, bồi lộ cũ cho quân của chúa đi qua. Cảm kích trước tấm lòng của Bà Rịa với đất nước, chúa Nguyễn đã sắc phong cho Bà Rịa là “Hàm Nghè” và cho bà được mang quốc tính. Từ đó danh tiếng bà ngày càng vang dội xa hơn. Bà mất năm 1803 và tất cả những điền sản của bà đều hiến cho nhà nước để cấp phát cho dân nghèo. Dân làng nhớ ơn bà nên cùng nhau lập miễu thờ bà trong địa phận xã Tam Phước, huyện Long Đất ngày nay. Đến khoảng năm 1900, trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp đã cho xây lại ngôi mộ của Bà Rịa, hiện vẫn còn ở cạnh hương lộ đi từ An Ngãi đến Phước Hải. Tuy nhiên, theo thiển ý, ai trong chúng ta cũng đều biết rằng khi quan Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược hai vùng đất Phước Long và Tân Bình thì vùng Mô Xoài-Bà Rịa đã có rất nhiều cư dân người Việt rồi, nghĩa là trước năm 1698 vùng nầy đã là cuối vùng Biên Trấn của xứ Đàng Trong, chứ không phải đợi đến năm 1789 như đã ghi lại trong quyển “Địa Chí Bà Rịa 1902” của viện Viễn Đông Bác Cổ. Trong khi đó theo Đại Nam Nhất Thống Chí, địa danh Bà Rịa và Đất Đỏ đã được ghi vào danh mục các họ đạo của xứ Đồng Nai từ năm 1747, trong danh mục ghi rõ Bà Rịa có 140 giáo dân và Đất Đỏ có 350 giáo dân. Như vậy địa danh Bà Rịa phải có trước năm 1747(2). Theo nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret, địa danh Bà Rịa có lẽ được đọc trại từ tiếng Khmer “Phrey”, tên của một cái bàu gần vùng Long Điền ngày nay. Mãi cho đến ngày nay, chưa có bằng chứng xác thực nào cho những giả thuyết về địa danh Bà Rịa, tuy nhiên có lẽ nguồn gốc đáng tin cậy nhất vẫn là từ sách Tân Đường Thư, vì đó là nguồn sử liệu, một sự kiện lịch sử có thật của một nước có một lịch sử lâu đời như Trung Hoa. Thời đó Tân Đường Thư đã viết rất rõ về tên của một nước Bà Lị và vị trí của nó nằm thẳng về phía đông nam Chiêm Thành. Rồi Tân Đường Thư cũng viết tiếp là muốn đến nước Bà Lị phải đi từ cửa biển Giao Châu, rồi vượt biển trải qua các nước Xích Thổ, Đan Đan mới tới được. Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phủ nhận hết tất cả những giả thuyết khác vì theo thiển ý, tất cả những truyền thuyết về vùng đất nầy đều góp phần không nhỏ trong lòng tự hào của chúng ta về tiền nhân đã dày công mở cõi về phương Nam. Rất có thể về sau nầy, những người Môn-Khmer tại đây đã lấy tên của nước Bà Lị mà đặt cho cái bàu “Phrey” gần vùng Long Điền ngày nay. Hoặc rất có thể mãi đến cuối thế kỷ XVIII, có một người đàn bà đến đây ra sức giúp đở dân địa phương để họ có cuộc sống an cư lạc nghiệp, nhưng họ không biết tên tộc của bà, đến lúc bà qua đời họ vô cùng nhớ ơn bà, và mỗi lần nhắc đến bà người ta chỉ còn cách lấy tên của vùng đất nầy là Bà Lị để gọi bà một cách hết sức tôn kính, vân vân và vân vân.

Còn về địa danh Vũng Tàu, có người cho rằng chỉ xuất hiện sau khi người Pháp chiếm Việt Nam mà thôi. Tuy nhiên, cũng có giả thuyết cho rằng địa danh Vũng Tàu đã có từ trước khi Pháp vào Việt Nam. Vào những thế kỷ XV và XVI, khi các nhà thám hiểm Âu châu dong buồm xuyên các vùng biển để tìm đất mới và thị trường thương mãi thì vùng Chân Bồ(3), Mô Xoài và Bà Rịa chỉ là một vùng đất biển hoang vu. Đến khi những người lưu dân Việt Nam đầu tiên đổ bộ lên vùng đất nầy thì nó vẫn còn chìm trong hoang vu. Mãi đến cuối thế kỷ thứ XVII, vùng Chân Bồ chỉ là một làng đánh cá nhỏ thuộc xứ Đàng Trong. Mặc dầu cảnh trí hồi đó hãy còn thanh u hoang vắng, nhưng tại đây có một cái vịnh tương đối sâu, nên tàu bè của người ngoại quốc thường hay ghé lại, vừa tránh giông bão, vừa tiếp tế thêm nước ngọt rồi đi tiếp, hoặc ghé lại chờ thủ tục được ngược dòng sông Nhà Bè vào thương cảng Sài Gòn. Chính vì thế mà người dân trong vùng gọi nó là “Vũng Tàu.” Trong khi người Bồ Đào Nha lại gọi là “Cap Saint Jacques” vì họ tưởng đã tìm ra một mũi đất mới nên lấy tên vị Thánh mà họ tôn kính để đặt tên cho mũi nầy. Về sau nầy các bản đồ hàng hải quốc tế đều ghi điểm nầy là Cap Saint Jacques(4). Ngày nay tàu bè không còn phải ghé lại đây chờ như trước nữa và người ta không còn biết vị trí đích xác của “Vũng Tàu” nơi tàu ghe đậu chờ trước khi đi vào giang cảng Sài Gòn hiện giờ nằm ở đâu nữa. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, quyển 5 nói về Lục Tỉnh Nam Việt, về phía đông nam huyện Phước An 20 dặm, phủ Phước Tuy, tỉnh Biên Hòa. Nơi đầu gành thường có rái biển bơi lặn ở đấy, nên gọi là Lái Ky. Ngày xưa vùng vịnh nầy có tên là Gành Rái, vì ‘Lái’ có nghĩa là con rái cá, còn ‘Ky’ có nghĩa là một đống đá. Lái Ky có nghĩa là một ghềnh đá có hình con rái cá nổi lên trong nước. Tại đây có ba hòn núi đá đứng sững như trụ biển ở giữa biển, làm tiêu chỉ cho ghe thuyền qua lại. Đầu núi làm cửa hữu chỗ Ngọc Tỉnh, đuôi núi làm ngoại hình cho Cần Giờ, ở trong có vũng lớn, gọi là Vũng Tàu. Vũng nầy bảo vệ cho ghe thuyền đến đậu nghỉ. Trên núi lại có suối nước ngọt, dưới chân núi có dân chài đông đúc, làm tăng vẻ đẹp cho cửa biển. Đất Vũng Tàu vừa đẹp, vừa thơ mộng và an toàn cho du khách đến thăm viếng và tắm biển nên có người nói Vũng Tàu là Đồ Sơn của Nam Phần, vì tại Vũng Tàu vừa có biển đẹp, mà cũng vừa có núi non hùng vĩ, với gió biển Đông luôn thổi vào làm dịu mát lòng người. Theo các sách Đại Nam Nhất Thống Chí triều Nguyễn và Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, thì xứ Mô Xoài là vùng biên trấn địa đầu khi những lưu dân người Việt đầu tiên đặt chân đến đất phương Nam vào đầu thế kỷ thứ XVII. Vũng Tàu không phải là một hải cảng, nhưng nó là cửa ngỏ quan trọng đi vào Sài Gòn.

Vị Trí Địa Lý, Cấu Tạo Địa Chất, Núi Non Và Sông Ngòi Của Vùng Bà Rịa-Vũng Tàu:

Về phương diện vị trí địa lý, Bà Rịa-Vũng Tàu nằm sát nách về phía tây của tỉnh Bình Thuận, nhưng nó thuộc Nam Kỳ. Ngày trước, có lẽ người ta đã vạch một đường ranh giới gần như thẳng giữa các tỉnh Ban Mê Thuộc với Bình Phước, Lâm Đồng với Bình Thuận và Đồng Nai, và Bình Thuận với Vũng Tàu Bà Rịa để làm ranh giới giữa miền Trung và miền Nam. Về cấu trúc địa chất, tại thị xã Vũng Tàu, trong lúc đào các công trình xây dựng sâu xuống khoảng 20 mét, người ta đã gặp rất nhiều vỏ ốc, vỏ hào và vỏ sò lẫn lộn trong cát. Điều nầy cho thấy cũng như những vùng khác của bán đảo Đông Dương nói chung và của Nam Phần nói riêng, trải qua nhiều ngàn năm nay, vùng Bà Rịa-Vũng Tàu đã chịu nhiều đợt biển tiến và biển lùi của Biển Đông, trước khi vùng biển nầy đạt tới mực nước biển hiện nay. Chính vì vậy mà rất nhiều cảnh “tang điền thương hải” đã xãy ra trên vùng đất nầy. Về phương diện địa lý cũng như địa chất học, vùng Mô Xoài được xếp chung với các tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Đây là vùng tiếp giáp giữa các tỉnh cao nguyên đất đỏ như Lâm Đồng và Bảo Lộc, và đây cũng là vùng đồi núi thấp gần sát bờ biển. Đây là vùng đất chủ yếu của miền hạ lưu sông Đồng Nai và các phụ lưu của nó. Vì là vùng chuyển tiếp của cao nguyên Trung Phần nên Bà Rịa-Vũng Tàu có địa hình thấp dần từ Bắc xuống Nam và các cửa sông ở vùng tây nam. Tuy nhiên, vùng nầy vẫn còn ảnh hưởng của cao nguyên, nên ngoài những doi cát và những vùng ngập mặn trên một bờ biển dài khoảng 100 cây số, Bà Rịa-Vũng Tàu còn có nhiều suối, hồ và đồi thấp bên trong đất liền. Tuy vùng Bà Rịa-Vũng Tàu không phải là vùng hoàn toàn đất đỏ như các vùng Đồng Nai, Bình Long, Phước Long, nhưng nó cũng nằm trong vùng đất đỏ với một nét đặc sắc riêng biệt của vùng chuyển tiếp từ vùng rừng núi của cao nguyên Nam Trung Phần sang vùng đồng bằng sông nước miền Nam. Trên mười ngàn năm nay, vùng này được bồi đắp bởi phù sa đất đỏ của sông Đồng Nai lên vùng nham thạch cổ của một vùng núi lửa đã ngưng hoạt động từ lâu. Đây tuy không phải là vùng bạt ngàn những rừng cao su và những núi đồi ngút ngàn, nhưng vùng nầy cũng có những dòng sông ngắn với đỏ ngầu phù sa, và đất đỏ bụi mù về mùa nắng, nhưng lầy lội về mùa mưa.

Bà Rịa-Vũng Tàu là vùng địa đầu của Nam Kỳ Lục Tỉnh, trước thời Nam Kỳ Lục Tỉnh, Bà Rịa-Vũng Tàu có tên là Mô Xoài-Bà Rịa. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Bà Rịa-Vũng Tàu dựa lưng vào núi, mặt ngó ra biển Đông. Thời kỳ mới mở cõi về phương Nam, mỗi khi nói đến vùng Mô Xoài-Bà Rịa là chúng ta muốn nói đến một vùng đất bao la bạt ngàn của toàn thể miền Đông Nam Kỳ, một vùng đất đỏ, với đồi núi chập chùng, chạy dài từ biên giới Việt Miên đến biển Đông, từ Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, nay thuộc tỉnh Bình Phước(5), qua vùng Bình Dương, Đồng Nai cho đến Bà Rịa và Vũng Tàu. Từ ngoài biển khơi nhìn vào người ta có thể nhận ra ngay hai ngọn núi của Vũng Tàu, đó là Núi Lớn và Núi Nhỏ. Hai ngọn núi nầy còn có tên là núi Tương Kỳ và núi Tao Phùng, nằm về phía tây nam của thị xã Vũng Tàu. Núi Tương Kỳ cao khoảng 245 mét và núi Tao Phùng cao khoảng 170 mét. Trên Núi Lớn, chung quanh sườn núi, cao hơn mặt biển khoảng 40 hoặc 50 mét có đường vòng dài khoảng 10 cây số. Hai bên bờ đường cây cối rậm rạp và quanh co như rắn bò. Nếu đi một vòng trên con đường nầy người ta có thể đi qua Hòn Trâu, Bãi Dứa, Núi Gành Rái, Bến Đá, Tượng Đức Mẹ, Thích Ca Phật Đài và Bến Đình. Ngày nay con đường này xe cộ ngược xuôi tấp nập, trong khi đó hai bên đường là phố sá buôn bán rất náo nhiệt, chứ không còn vắng vẻ như trước đây nữa. Bên phía Núi Nhỏ, sau khi chiếm xong Vũng Tàu, thực dân Pháp đã cho xây con đường vòng dài khoảng 6 cây số, ôm sát chân núi. Khởi đầu con đường nầy là ty Bưu Điện, chạy quanh đến mũi Nghinh Phong, rồi đến Bãi Sau (Thùy Vân). Từ trên đường vòng Núi Nhỏ nầy người ta có thể thấy được toàn cảnh trời biển bao la và không khí trong lành từ đại dương thổi vào. Ngay từ thời Pháp thuộc, chánh quyền thuộc địa đã cho đặt trên đỉnh Núi Lớn hai trụ phát tuyến rất cao mà người ta có thể trông thấy rất rõ từ xa. Họ cũng xây dựng tại đây một hải đăng để giúp tàu bè qua lại dễ dàng về ban đêm. Ngoài hai ngọn núi khá lớn nầy, vùng Bà Rịa-Vũng Tàu còn nhiều đồi thấp và rất nhiều đồi cát nằm song song với bãi biển. Bên phía bãi Thùy Vân có dãy đồi dài khoảng 10 cây số chạy từ Núi Nhỏ đến Cửa Lấp, có độ cao từ khoảng 4 đến 32 mét. Chính nhờ dãy đồi nầy mà những nhà làm rẫy phía bên trong không bị ảnh hưởng nhiều bởi những luồng gió mạnh thổi vào từ biển Đông. Nói về sông ngòi và kinh rạch, phía bắc-tây bắc của vùng này có các con sông lớn như Sài Gòn, Đồng Nai, và sông Bé, chảy qua miền đất đỏ mang nét đặc sắc riêng biệt là sự pha trộn chuyển tiếp từ miền núi đồi đất đỏ của cao nguyên Trung phần đến những cánh đồng bạt ngàn của miền Tây. Tuy nhiên, trong địa phận Bà Rịa-Vũng Tàu, về phía đông bắc của thị xã Vũng Tàu có rạch Cây Khế dài khoảng 6 cây số. Con sông lớn nhất là sông Dinh nằm về phía tây bắc, dài khoảng 11 cây số, chảy theo hướng bắc nam từ vùng Láng Lớn xuống Suối Nghệ, ngang qua Bà Rịa, trước khi đổ ra vùng Cát Lở của Vũng Tàu bề ngang sông Dinh ngày càng rộng. Vừa qua khỏi Bà Rịa, sông Dinh chia làm hai nhánh lớn, một chảy ra Cát Lở, và một chảy về hướng Phước Tĩnh của huyện Long Điền. Trong huyện Đất Đỏ có sông Bà Đáp chảy theo hướng tây-đông gặp hai sông Lồ Ô Nhỏ và sông Ray rồi đổ ra biển tại vùng Lộc An. Huyện Xuyên Mộc không có nhiều sông, vùng giáp với Phan Thiết chỉ có sông Tà Răng, theo hướng bắc-tây bắc, chảy qua suối Đu Đủ và suối Chùa trước khi đổ ra vùng bãi biển Thanh Bình. Bên trong nội địa huyện Xuyên Mộc có suối Đá và suối Dốc chảy vào hồ Sông Kinh trước khi chảy vào sông Ray để đổ ra biển. Ngoài ra, vùng Xuyên Mộc còn có Bàu Ngựa và hồ Xuyên Mộc cũng có khả năng cung cấp nước ngọt cho dân trong vùng. Huyện Châu Đức, giáp với Đồng Nai, không có sông, nhưng từ bắc xuống nam có các hồ Kim Long, Đạt Long, Suối Rao và Đá Bàng với một số con suối nhỏ. Về phía tây bắc Bà Rịa là huyện Tân Thành, phần đất giáp với vùng Long Thành của Đồng Nai và Cần giờ của TPHCM là sông Thị Vải.
 
----------------

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét