Thứ Tư, 18 tháng 6, 2014

Điển Hay Tích Lạ Phần Cuối


Tuyệt Anh Hội

Thắng trận, Sở Trang vương đời Xuân Thu truyền bày tiệc liên hoan, gọi là "Thái bình yến". Phàm các quan văn võ bất cứ cấp nào đều được tham dự.Khi mặt trời gần lặn, tiệc rượu còn đương vui say, Sở Trang vương truyền đốt đèn lên, lại cho một nàng hầu yêu tuyệt đẹp là Hứa Cơ đi mời khắp quan triều thần, mỗi người một chén rượu.
Được mỹ nhân chuốc rượu, các quan lấy làm vui vẻ thích thú đều đứng dậy đón lấy rượu uống. 
Bỗng có một ngọn gió to, bao nhiêu nến thắp ở trên điện tắt phụp cả. 
Điện tối mò. Bọn nội thị còn đương loay hoay đi châm lửa chưa đến. Trong hàng quan đại phu có một người trông thấy Hứa Cơ đẹp, nhân lúc tối tăm, đưa tay nắm lấy vạt áo của nàng. 
Hứa Cơ tay trái giằng vạt áo, tay mặt chụp được dải mũ của người ấy.Dải mũ đứt, người ấy sợ lắm vội buông tay ra. 
Hứa Cơ lấy được dải mũ, rón rén đến trước Sở Trang vương, ghé tâu:
- Thiếp vâng mạng đại vương ra mời các quan uống rượu, thế mà có người vô lễ dám nhân lúc tắt đèn, nắm lấy vạt áo thiếp. Nay thiếp đã bứt được cái dải mũ của người ấy, vậy xin đại vương giục thắp nến mà xét xem.
Nhưng Sở Trang vương lại truyền cho bọn nội thị chớ thắp nến vội, đoạn bảo các triều thần:
- Ngày nay ta bày tiệc mong cùng các quan mua vui. Vậy các ngươi nên bứt đứt dải mũ cả đi, rồi cùng ta uống rượu thật say. Nếu ai không bứt đứt dải mũ thì chưa được vui lắm.Nghe lịnh dạy, tất cả triều thần đều bứt đứt dải mũ của mình. 
Bấy giờ Sở Trang vương mới cho thắp đèn lại. Thành ra không ai biết người nào làm ẩu, níu lấy vạt áo mỹ nhân cả.
Tiệc xong trở về cung, Hứa Cơ tâu với Sở Trang vương:
- Thiếp nghe nói kẻ trai gái phải có sự phân biệt, huống chi là vua tôi. Đại vương sai thiếp mời các quan uống rượu là để tỏ lòng mến, nay người ấy nắm lấy vạt áo thiếp mà đại vương không trị tội, thì còn ra thể thống gì nữa.
Sở Trang vương cười bảo:
- Ta bày tiệc rượu này là muốn các quan đều được cùng vui. Rượu say sinh ra chớt nhã chẳng qua cũng là lẽ thường tình. Nếu ta trị tội một người mà làm cho các quan không được vui thì ta không muốn.
Hứa Cơ nghe nói, phục là người có lượng.
Một hôm Sở Trang vương đem quân đánh nước Trịnh, có một viên phó tướng tên Đường Giao xin đem 100 thủ hạ đi mở đường.Đường Giao cố sức xông pha.
 Quân nước Trịnh không ai đương nổi. Vì thế, đại binh của Sở Trang vương tiến thẳng đến địa giới của nước Trịnh một cách mau lẹ. 
Sở Trang vương thấy quân tiền bộ đi được nhanh chóng như thế, mới triệu Đường Giao đến, toan trọng thưởng. 
Đường Giao thưa:
- Tôi chịu ơn đại vương to lắm. Ngày nay gọi chút báo đền, có đâu lại dám lãnh thưởng.
Sở Trang vương ngạc nhiên hỏi:
- Ta có biết nhà ngươi bao giờ mà nhà ngươi bảo là chịu ơn ta.
Đường Giao thưa:
- Trong tiệc rượu có người nắm áo Hứa Cơ và bị đứt dải mũ, tức là tôi đó. Đại vương rộng lượng tha, không giết mà còn tìm cách làm tôi không phải bị nhục, vậy tôi cố sức phải báo đền.
Sở Trang vương truyền ghi công ấy để về sau phong thưởng.
 Nhưng Đường Giao nói với bằng hữu:
- Tội ta đáng chết mà đại vương không giết, vậy ta nên cố sức báo đền. Nay đã nói rõ sự thực rồi, chẳng lẽ ta là người có tội mà còn chờ đợi phong thưởng hay sao?
Ngay đêm hôm ấy, Đường Giao bỏ trốn.
Tiệc rượu "Bứt đứt dải mũ" gọi là "Tuyệt anh hội". Về sau này, nó có ý nghĩa chỉ tấm lòng đại lượng của kẻ bề trên đối với kẻ bề dưới. Và, lòng đại lượng ấy bao giờ cũng đem đến một kết quả tốt đẹp.

Đào Hoa Phu Nhân


Đời Xuân Thu, Sái Hầu và Tức Hầu cùng lấy gái nước Trần làm phu nhân.Tức phu nhân là nàng Tức Vĩ nhan sắc tuyệt vời. Nhân khi về thăm cố quốc, ngang qua nước Sái, Sái Hầu mời vào cung thết đãi. Trong lúc tiệc rượu, Sái Hầu tỏ vẻ chớt nhả. Tức Vĩ giận lắm bỏ đi. Và khi ở nước Trần trở về nước Tức, nàng không đi ngang nước Sái nữa.Tức Hầu nghe Sái Hầu trổ mòi "xấu" với vợ mình như thế, mới nghĩ cách báo thù, sai sứ vào cống nước Sở, và mật cáo với Sở Văn vương: 
- Sái Hầu cậy thế có Tề, không chịu phục Sở. Bây giờ quý quốc giả cách đem quân sang đánh nước tôi, nước tôi sang cầu cứu nước Sái. Sái Hầu là người nông nổi, tất nhiên vội vàng sang cứu. Bấy giờ nước tôi cùng quý quốc hợp binh đánh thì có thể bắt được Sái Hầu. 
Sở Văn vương mừng lắm. Quả thực bắt được Sái Hầu. Muốn giết đi nhưng nhờ quần thần can gián mới tha, cho Sái Hầu đầu hàng. Sái Hầu biết mắc mẹo của Tức Hầu nên lấy làm tức lắm. Một hôm, Sở Văn vương mở tiệc tiễn Sái Hầu về nước. Trong bữa tiệc có đoàn nữ nhạc ra múa hát. Trong đó có một con hát ngồi gảy đàn, nhan sắc đẹp lắm. Sở Văn vương liền bảo con hát ấy đến mời Sái Hầu một chén rượu. Sái Hầu uống xong, đoạn tự rót lấy rượu, hai tay dâng chén lên để chúc thọ Sở Văn vương. Vua Sở tiếp lấy cười, hỏi: 
- Hiền hầu xưa nay có được trông thấy một người con gái nào đẹp lắm không? 
Sái Hầu sực nhớ đến cái thù của Tức Hầu trước kia xúi Sở đánh Sái, mới đáp: 
- Gái đẹp trong thiên hạ, tôi tưởng không ai bằng Tức Vĩ. Thật là một tiên nữ trên trời. 
Sở Văn vương hỏi: 
- Người đẹp thế nào?
 Sái Hầu nói một mạch:
 - Mắt như sóng thu, má tựa hoa đào, người tầm thước, dáng yểu điệu. Thật mắt tôi chưa từng thấy đến người thứ hai. 
Sở Văn vương nghe nói lấy làm thích quá, bảo:
 - Nếu vậy thì ta có được trông thấy Tức Vĩ mới thỏa tấm lòng. 
Sái Hầu lại chêm vào: 
- Lấy uy linh của đại vương trí dẫu Tề Khương, Tống Tử cũng chẳng khó huống chi là một người đàn bà trong vòng thế lực của mình. 
Sở Văn vương muốn chiếm Tức Vĩ, mượn tiếng tuần du, đem quân sang nước Tức. 
Tức Hầu ra đón rồi mở tiệc thết đãi. Tức Hầu bưng ly rượu chúc mừng Sở Văn vương. Sở Văn vương đỡ lấy, cười tủm tỉm nói:
 - Ngày trước ta cũng có một chút công với quý phu nhân, nay ta đến đây, quý phu nhân lại không đáng mời ta một chén rượu hay sao? 
Tức Hầu sợ uy nước Sở, không dám trái ý, vâng vâng dạ dạ, truyền vào trong cung gọi Tức Vĩ ra. 
Một lúc Tức Vĩ trang điểm tuyệt đẹp bước ra, sụp lạy Sở Văn vương.Sở Văn vương đứng lên. Tức Vĩ lấy chén bằng ngọc, rót đầy rượu vào, đoạn dâng lên Sở Văn vương. Tay trắng cùng với sắc ngọc lẫn màu với nhau. 
Sở Văn vương trông thấy ngồi ngẩn người ra, toan đưa tay đỡ lấy chén rượu. Nhưng Tức Vĩ lại khoan thai trao chén rượu cho cung nhân để đệ lên Sở Văn vương. Đoạn, nàng cáo từ, lui vào cung. Vua Sở nhìn theo, thần hồn mê mẩn như muốn quyện theo gót son của con người ngọc. 
Trở về quán xá, Sở Văn vương ngồi đứng chẳng yên, nằm không an giấc, trước mắt cứ thấp thoáng hình dáng tha thướt yểu điệu của giai nhân. 
Hôm sau, Sở Văn vương bày tiệc ở quán xá, cho giáp sĩ phục cả chung quanh, rồi mời Tức Hầu đến dự tiệc. 
Tiệc đến nửa chừng, Sở Văn vương giở giọng say bảo Tức Hầu: 
- Ta có công với quý phu nhân nhiều lắm, nay quân ta tới đây, quý phu nhân lại không đáng vì ta mà khao thưởng hay sao? 
Tức Hầu thưa:
 - Nước tôi bé nhỏ lắm, khó lòng mà khao thưởng cho đủ. Đại vương dạy như vậy, xin hãy để cho chúng tôi bàn nhau. 
Sở Văn vương vỗ bàn, quát mắng: 
- Đứa thất phu này dám bội ân, lại giở giọng nói khéo để lừa ta. Quân sĩ đâu hãy bắt lấy nó. 
Tức Hầu chưa kịp nói gì thì quân sĩ đổ ra bắt trói. 
Sở Văn vương đem quân thẳng vào cung, tìm bắt Tức Vĩ. Tức Vĩ nghe tin chồng bị bắt, đau đớn nói:
 - Dắt hổ sói về nhà thì còn nói gì nữa!
 Đoạn chạy ra sau vườn, toan đâm đầu xuống giếng. 
Tướng nước Sở là Đấu Đan vội chạy đến, nắm lấy vạt áo, nói: 
- Phu nhân không muốn cho Tức Hầu được toàn tính mạng sao? Tội gì mà hai vợ chồng cùng chịu chết!
 Đấu Đan bắt đem nộp cho Sở Văn vương.
 Thành công một cách dễ dàng, Sở Văn vương nhìn giai nhân hân hoan vô cùng, rồi tức khắc phong làm phu nhân, và an trí Tức Hầu ở Nhữ Thủy. Tức Hầu tức giận mà chết.Tức Vĩ má tựa hoa đào nên người thường gọi là "Đào hoa phu nhân". Nàng được Sở vương cực kỳ yêu quý. Trong ba năm, sinh được hai con. 
Tuy ở suốt ba năm trong cung nước Sở nhưng tuyệt nhiên, nàng không nói với Sở vương một lời nào cả. Sở Văn vương cố hỏi tại sao không nói chuyện, Tức Vĩ sa nước mắt gầm mặt xuống mà không đáp lại.
Vua càng gạn hỏi, nàng bảo:
 - Một thân này phải thờ hai chồng, đã không biết giữ tiết mà chết, lại còn mặt mũi nào nói chuyện với ai nữa!


Mắt xanh, mắt trắng


Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, lúc Từ Hải gặp Kiều ở thanh lâu, Từ Hải nói với Kiều, có câu:
Bấy lâu nghe tiếng má đào,
Mắt xanh chẳng để ai vào có không?
"Mắt xanh" do chữ "Thanh nhãn", tức là mắt ở giữa là tròng đen (hoặc xanh) hai bên tròng trắng.
Nguyên Nguyễn Tịch, người đời nhà Tấn, là người rất ưu rượu và đàn. Làm quan rồi cáo bịnh về nhà, kết bạn cùng Kê Khang, Lưu Linh, Nguyễn Hàn, Sơn Đào, Hướng Tú và Vương Nhung, người thường gọi là "Trúc lâm thất hiền" (bảy người hiền ở rừng trúc).Có giai thoại về ông.
Được biết trong bộ Binh có người bếp cất rượu rất ngon, trữ 300 hũ mỹ tửu, ông liền xin vào làm một chức nhỏ ở đây để được thưởng thức! Có lần ông say luôn 60 ngày, vua Tấn muốn nói chuyện với ông mà không được.Người ta cho ông là "cuồng túy".
Ông là người chán đời, thích tiêu diêu trong vũ trụ. Thơ của ông phần nhiều tả tình, hoặc than cho thói đời đen bạc, hoặc chán cho thế sự thăng trầm, hoặc ngao ngán cảnh phú quý công danh như phù vân...Tư tưởng của ông có lúc lại kỳ dị. Như trong bài văn xuôi "Đại nhân tiên sinh truyện", ông ví con người trong vũ trụ như con rận trong quần.
Ông phản đối Nho giáo. Ông bảo: "Không có vua thì vạn vật ổn định; không có bề tôi thì mọi việc được trị; không có kẻ sang thì kẻ hèn không oán; không có kẻ giàu thì kẻ nghèo không tranh của. Ai nấy đều đủ ăn mà không cầu gì nữa". Thật là một tư tưởng "vô chính phủ" nhưng cũng lạ là vua Tấn vẫn để ông ở yên. Nguyễn Tịch lại có một thái độ lạ lùng. Khi tiếp khách hễ là hạng quân tử, là hạng người vừa lòng mình thì Nguyễn Tịch nhìn thẳng bằng tròng mắt xanh; trái lại khách là kẻ tầm thường, người không vừa lòng mình thì ông nhìn bằng đôi tròng trắng.
Do điển đó, sau này người ta dùng chữ "Mắt xanh" để chỉ sự bằng lòng, vừa ý. Cũng như câu của Từ Hải: "Mắt xanh chẳng để ai vào có không?" là ý muốn hỏi: nàng chưa thấy ai là người vừa ý phải không? Tức là nàng chưa tiếp ai bằng mắt xanh.


Ninh Thích, người chăn trâu ở Dao Sơn


Ninh Thích, người nước Vệ đời Xuân Thu. Người có tài kinh bang tế thế. Lúc còn hàn vi, chưa gặp thời, mình mặc áo cộc, đầu đội nón rách, đi chân không, thường gõ vào sừng trâu mà hát ở núi Dao Sơn.
 Lúc bấy giờ Tề Hoàn Công đem binh đánh Tống. Tể tướng nước Tề là Quản Di Ngô (Quản Trọng) đi trước. Ngồi trên xe nghe tiếng hát, biết không phải là người thường mới sai quân sĩ đem tặng cơm rượu. Ninh thích nói: 
- Tôi muốn được yết kiến quan Tể tướng. 
Quân sĩ nói: 
- xe quan Tể tướng đã đi khỏi. 
Ninh Thích nói: 
- Tôi có một câu này nhờ người đọc lại cho quan Tể tướng nghe. Ấy là câu: "Nước trong leo lẻo..." 
Quân sĩ theo kịp xe Quản Di Ngô, thuật cả lại cho nghe. Di Ngô không hiểu được ý câu nói ấy ra sao. Có người thiếp yêu là Tĩnh Nương vốn thông minh học rộng thường được theo hầu. Di Ngô hỏi, nàng nói: 
- Thiếp nghe cổ giả có bài thơ "Nước trong". Có câu: "Nước trong leo lẻo, cá lượn giữa dòng; người đến triệu ta, ta cũng bằng lòng". 
Ý chừng người chăn trâu muốn ra làm quan đó. 
Di Ngô lập tức dừng xe lại, cho người mời. Ninh Thích đến chào mà không lạy. Di Ngô hỏi qua họ tên, thân thế và học thức, Ninh Thích đối đáp thông suốt như nước chảy. 
Di Ngô khen tài, bảo: 
- Kẻ hào kiệt lúc chưa gặp thời, không có người tiến dẫn thì sao cho rõ tài được. Đại binh của chúa công ta đi sau, chẳng bao lâu cũng đến đây, ta viết cho nhà thầy một bức thư để cầm đưa cho chúa công ta, tất chúa công trọng dụng.
 Ninh Thích cầm lấy thư trở lại Dao Sơn. Ba hôm sau, đại binh Tề Hoàn Công kéo đến. Ninh Thích gõ vào sừng trâu, cất tiếng hát:

Kìa sông Thương Lang, đá trắng lởm chởm, 
Có con cá chép dài một thước hơn. 
Nghiêu Thuấn thái bình đã không được gặp,
 Áo cộc che thân độ đến ngang lưng, 
Ta cho trâu ăn từ tối đến đêm. 
Đêm tối mờ mờ, bao giờ thấy sáng!
           Bản dịch của Nguyễn Hoài Nam. 

Nguyên văn: 

Thương lang chi thủy, bạch thạch lạn, 
Trung hữu lý ngư trường xích bán. 
Sinh bất phùng Nghiêu dữ Thuấn thiện, 
Đoản hạt đan y tài chí cán. 
Tùng hôn phạn ngưu chí dạ bán. 
Trường dạ man man, hà thời đán. 

Tề Hoàn Công nghe thấy lấy làm giận, sai quân đòi đến. Hoàn Công hỏi họ tên rồi bảo: 
- Nhà ngươi là đứa chăn trâu, sao dám gièm chê việc chính trị?Ninh Thích đáp: 
- Tôi có dám gièm chê chính trị đâu. 
Hoàn Công nói: 
- Ngày nay trên thì có thiên tử nhà Chu trị vì, dưới thì các chư hầu theo lịnh. Nhân dân vui vẻ, cây cỏ tốt tươi, dẫu đời Nghiêu Thuấn thái bình chẳng qua cũng chỉ như thế. Vậy mà nhà ngươi dám bảo rằng: "Nghiêu Thuấn thái bình đã không được gặp", 
lại bảo: 
"Đêm tối mờ mờ, bao giờ thấy sáng". Thế không phải gièm chê chính trị là gì? 
Ninh Thích thưa: 
- Tôi nghe nói đời Nghiêu Thuấn mưa gió thuận hòa, dân gian không phải lo sợ gì, chỉ việc cày ruộng mà ăn, đào giếng mà uống. Đời bây giờ trái lại, giềng mối đổ nát, giáo hóa suy đồi, thế mà bảo "Nghiêu Thuấn thái bình" thì thật tôi không hiểu được. Vả lại đời Nghiêu Thuấn trừ bốn kẻ hung ác mà thiên hạ được yên. Từ bấy giờ không phải nói mà dân tin, không phải giận mà dân sợ. Nay chúa công mới hội chư hầu, đã thấy nước Tống bội ước, nước Lỗ hiếp thề, chinh chiến quanh năm. Tôi lại nghe nói vua Nghiêu bỏ con là Đan Chu mà nhường thiên hạ cho ông Thuấn, Thuấn không chịu nhận bỏ trốn ra Nam Hà, trăm họ rủ nhau mà theo Thuấn. Bấy giờ ông Thuấn bất đắc dĩ mới lên nối ngôi. Nay chúa công giết anh ruột mà cướp nước, lại mượn uy thiên tử để sai khiến các chư hầu. Vậy thì tôi không biết có phải là lối vái nhường nhau như vua Nghiêu, vua Thuấn ngày xưa không? 
Tề Hoàn Công nổi giận, quát: 
- Đứa thất phu dám nói càn! 
Liền truyền quân sĩ dẫn ra chém. Ninh Thích bị trói dẫn đi, nhưng vẫn nghiễm nhiên, không sợ hãi, ngửa mặt lên trời nói:
 "Ngày xưa vua Kiệt giết Long Bàng, vua Trụ giết Tỷ Can, nay tôi cùng với hai ông ấy kể là ba người". 
Quan Đại phu là Thấp Bằng thưa với Tề Hoàn Công:
 - Người ấy không xu phụ quyền thế, không sợ uy nghiêm, chẳng phải là kẻ chăn trâu tầm thường đâu. Chúa công chớ nên giết. 
Hoàn Công nguôi cơn giận, truyền mở trói. Ninh Thích bấy giờ mới đem bức thư giới thiệu của Quản Di Ngô dâng lên. Tề Hoàn Công xem xong, mỉm cười bảo: 
- Đã có bức thư của Trọng Phụ, sao không đưa ngay. 
Ninh Thích thưa: 
- Tôi nghe nói vua hiền chọn người mà dùng, tôi hiền chọn chúa mà thờ. Nếu chúa công ghét người thẳng, ưa người nịnh mà nhân lên cơn giận giết tôi, thì tôi thà chết đi, chớ quyết không đưa thư của quan Tể tướng làm gì nữa. 
Tề Hoàn Công bằng lòng lắm, truyền cho ngồi một chiếc xe sau. 
Tối hôm ấy, khi đóng quân lại nghỉ, Hoàn Công sài thắp đèn lên tự đi tìm mũ áo. Có tên cận thần là Thụ Điêu hỏi: 
- Chúa công cho tìm mũ áo có phải muốn phong cho Ninh Thích chăng?
 - Phải. 
Thụ Điêu thưa: 
- Từ nước ta sang Vệ cũng chẳng xa bao nhiêu, sao chúa công không cho người sang hỏi dò xem. Nếu thực là hiền, bấy giờ sẽ phong tước cho, có chi mà vội. 
Tề Hoàn Công nói:
 - Người này là một bực đại tài không câu nệ những điều nhỏ nhặt. Hoặc giả khi ở nước Vệ, cũng có vài điều lỗi nhỏ, nếu dò hỏi biết những điều lỗi ấy chẳng lẽ lại phong tước cho. Còn nếu bỏ đi không dùng thì đáng tiếc lắm.Nói xong, ngay đêm hôm ấy phong cho Ninh Thích làm quan Đại phu, để cùng với Quản Di Ngô trông coi quốc chính.


Thanh Minh trong tiết tháng ba


Thanh Minh là tên một thời tiết, tức là một khoảng thời gian phân định sẵn trong lịch Tàu.Lịch cổ nước Tàu chia một năm ra làm 8 tiết, gọi là "Bát tiết": lập Xuân, lập Hạ, lập Thu, lập Đông, Xuân phân, Thu phân, Hạ chí và Đông chí.
Lịch Kim (tức là lịch đời Hán trở lại) của Tàu thì chia năm ra làm 24 Khí hoặc Tiết. Cứ ba ngày là một Hậu; 5 Hậu là một Khí hoặc Tiết. Một năm có 24 Khí hoặc Tiết. Mỗi tháng chia làm 2 Khí. Khí nhằm vào những ngày đầu tháng thì gọi là Tiết Khí. Khí nhằm vào giữa tháng thì gọi là Trung Khí. Tiết Khí và Trung Khí thường gọi tắt là Tiết và Trung.Đầu thời Hán lấy tiết Kinh trập làm "Chính nguyệt trung" (tức là khí vào giữa tháng giêng), lấy Vũ thủy làm "nhị nguyệt tiết" (tức là khí vào đầu tháng hai). Cuối đời Hán, Lưu Hầm làm Tam thống đổi Kinh trập làm "Nhị nguyệt tiết" (khí vào đầu tháng hai), Vũ thủy làm "Chính nguyệt trung" (khí vào giữa tháng giêng), Cốc vũ là "Tam nguyệt tiết" (khí đầu tháng ba); Thanh minh làm "Tam nguyệt trung" (khí giữa tháng ba).Lịch Tàu ngày nay tức là sau đời nhà Hán thì chia Thanh minh làm Tam nguyệt tiết (khí vào đầu tháng ba).Hai mươi bốn tiết khí trong một năm là:Mùa xuân: Lập Xuân, Vũ thủy, Kinh trập, Xuân phân, Thanh minh, Cốc vũ.Mùa hạ: Lập Hạ, Tiểu mãn, Mang chủng, Hạ chí, Tiểu thử, Đại thử.Mùa thu: Lập Thu, Xử thử, Bạch lộ, Thu phân, Hàn lộ, Sương giáng.Mùa đông: Lập Đông, Tiểu tuyết, Đại tuyết, Đông chí, Tiểu hàn, Đại hàn.Trong tác phẩm "Đoạn trường tân thanh" của cụ Nguyễn Du, đoạn tả cảnh Thanh minh có câu:
Thanh minh trong tiết tháng ba,
Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh.
"Thanh minh trong tiết tháng ba" là do câu "Thanh minh tam nguyệt tiết" nghĩa là: Tiết thanh minh đầu tháng ba.Theo cách dùng thuật ngữ của Tàu thì chỉ nói "Tiết tháng ba" hay "Tam nguyệt tiết" tức "Tam nguyệt khí tiết" là người ta hiểu ngay là nói đầu tháng ba. Vì tiết đây là tiết khí nói tắt, mà tiết khí nghĩa là thời tiết nhằm đầu tháng. Vậy thì "trong tiết tháng ba" có nghĩa là "vào đầu tháng ba".Tục Tàu, nhân tiết Thanh minh, người ta tổ chức lễ thăm mộ gọi là "Lễ tảo mộ", tức là lễ quét tước sửa sang mồ mả. Và, nhân lễ tảo mộ ngoài đồng, mà tự nhiên có hội gọi là "hội đạp thanh" tức là hội giẵm trên đám cỏ xanh ở ngoài đồng. 
Cổ thi của Tàu có bài: 
Xuân du thanh thảo địa,
Hạ thưởng lục hà trì.
Thu ẩm huỳnh hoa tửu,
Đông ngâm bạch tuyết thi
  
HẾT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét