Thứ Sáu, 4 tháng 11, 2016

Đất Phương Nam - Công Nghiệp của Các Chúa Nguyễn Đối Với Vùng Đất Nam Kỳ- P.1


1. Công Nghiệp Của Các Chúa Nguyễn Đối Với Vùng Đất Nam Kỳ 

Tổng Quan Về Công Cuộc Nam Tiến Của Dân Tộc Việt Nam: 
 Theo truyền thuyết thì Việt Nam là một trong một trăm bộ tộc Việt (Bách Việt), sống rải rác từ bờ Nam sông Dương Tử đến tận vùng Thanh Nghệ Tỉnh của Trung Việt bây giờ. Như vậy nguồn gốc dân tộc và văn hóa của dân tộc Việt Nam không phải như lịch sử Trung Hoa thường bóp méo rằng Việt tộc là man di mọi rợ, là một nhóm thổ dân sống chen lẫn với Hán tộc. Những cuộc xung đột giữa Si Vưu với Hán tộc cho chúng ta thấy được đại bộ phận Bách Việt đã từng bị sức ép lớn từ một dân tộc vô cùng hiếu chiến đến nỗi trong số đó có những bộ tộc Việt phải cam chịu hòa nhập hay bị đồng hóa bởi Hán tộc, hoặc phải gia nhập vào dòng chính sinh hoạt của Trung Hoa với những cái tên Ngô, Sở, Việt, vân vân. 
Trong tiến trình đồng hóa này của Trung Hoa, có nhiều dân tộc phải chịu cảnh xóa sổ như dân Đại Lý hay Nam Chiếu về phía Vân Nam, và dân tộc Kim về phía Bắc của bán đảo Triều Tiên. Trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước gần năm ngàn năm, tổ tiên chúng ta đã liên tục chống xâm lăng phương Bắc để giành lấy nền độc lập cho dân tộc, và dân tộc Việt Nam luôn bị áp lực từ phương Bắc, nên muốn sinh tồn Việt Nam không có con đường nào khác hơn là mở đất về phương Nam. Tiền nhân và cha anh chúng ta đã chiến đấu anh dũng và hàng hàng lớp lớp đã ngã gục nơi chiến trường để bảo vệ quê hương. 
Theo cổ sử của cả Việt Nam lẫn Tàu thì nhiều thế kỷ trước Tây lịch, đất đai nội thuộc nhà Tần về miền cực Nam có Tượng Quận, giáp với vương quốc Phù Nam. Đối chiếu giữa các bản đồ cũ và mới, chúng ta thấy Tượng quận bao gồm cả vùng Bắc Việt và Trung Việt ngày nay. Lúc nầy Thục Phán An Dương Vương đã đánh bại Văn Lang để lập thành nước Âu Lạc, đóng đô ở Loa Thành(1). Năm 214 trước Tây lịch, sau khi gồm thâu lục quốc, Tần Thủy Hoàng sai Đồ Thư cất quân đi đánh các bộ tộc Bách Việt. Sau đó, Tần Thủy Hoàng lại chia đất Bách Việt và Âu Lạc ra làm 3 quận là Nam Hải, Quế Lâm và Tượng quận.

Đến đời Nhị Đế nhà Tần bắt đầu suy yếu, quan Úy Nam Hải là Nhâm Ngao muốn thôn tính các vùng lân cận để thành lập một quốc gia độc lập riêng cho chính mình, nhưng ý đồ chưa đạt thì Nhâm Ngao qua đời. Triệu Đà lên thay, lo chỉnh đốn quân sự nhằm chuẩn bị đánh Âu Lạc, và cuối cùng đánh bại được Thục Phán. Vì còn bận bịu nhiều việc trong nước nên Nhị Tần Đế bèn cắt ba quận và phong vương cho Triệu Đà. Năm 111 trước Tây lịch, đời Hán Vũ Đế, vua sai Phục Ba tướng quân Lộ Bát Đức và Dương Bộc đem quân sang đánh chiếm Nam Việt, rồi đổi làm Giao Chỉ Bộ, gồm 7 quận: Hợp Phố và Nam Hải, nay là Quảng Đông; Thương Ngô và Uất Lâm, nay là Quảng Tây; Giao Chỉ và Cửu Chân, nay là Bắc Việt và một số tỉnh miền Bắc Trung Việt; và quận Nhật Nam, nay là toàn miền Trung kéo dài đến đèo Cả. 

Đặt quan Thứ Sử Giao Chỉ Bộ làm thống đốc tất cả. Đến năm 100 trước Tây lịch, Hán Vũ Đế lại đem đảo Hải Nam lập thêm 2 quận nữa nhập vào Giao Chỉ Bộ, đó là Châu Nhai và Đạm Nhĩ, nay là đảo Hải Nam. Bấy giờ Tượng Quân được chia làm 5 huyện, trong đó huyện Tượng Lâm ở về phía cực Nam. Như vậy theo thư tịch cổ Trung Hoa thì từ năm 111 trước Tây lịch, nước Tàu đã thôn tính những vùng xa hơn về phương Nam của lãnh thổ Giao Chỉ thời bấy giờ. 
Theo Nam sử thì huyện Tượng Lâm chỉ bao gồm nước Lâm Ấp mà thôi. Có những giai đoạn vô cùng đen tối như cả ngàn năm nội thuộc Tàu, những tưởng đất đai mà tổ tiên để lại đã biến thành quận huyện của Tàu, những tưởng tên tuổi Việt Nam đã bị xóa đi trên bản đồ thế giới, nhưng dân tộc ta vẫn quật khởi và cuối cùng vào năm 939 Ngô Quyền đã giành lấy độc lập vĩnh viễn cho đất nước. Hướng về đất phương Nam, dân tộc Việt Nam đã được thiên nhiên ưu đãi với khí hậu ẩm ướt và sức nóng gay gắt của vùng nhiệt đới, cũng như những khu rừng rậm hoang vu với sơn lam chướng khí đã là những nhân tố chính làm cản trở bước tiến của những toán quân hiếu chiến từ phương Bắc.
Khi nhà Ngô(2) giành lại độc lập năm 939, đất nước ta bắt đầu mở ra một kỷ nguyên độc lập với các triều đại nối tiếp về sau này như Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần... Lúc đó tổ tiên chúng ta còn ở quanh vùng Bắc Việt, khoảng từ Thanh Hóa trở ra. Không đầy nửa thế kỷ sau ngày Ngô Quyền tuyên bố độc lập, vua Lê Đại Hành của Đại Việt đã bắt đầu cuộc Nam tiến của dân tộc, ngài đã mang quân sang tấn công Chiêm Thành khi nước nầy muốn liên kết với Trung Hoa nhằm đánh phá Đại Việt, nhưng vua Lê Đại Hành chỉ chinh phạt chứ không chiếm đóng, vì thế sau khi hạ được kinh đô Đồng Dương(3), nhà vua cho chiếm lấy vàng bạc châu báu, rồi rút quân về nước. Tuy nhiên, không đầy 2 thế kỷ sau đó, Việt Nam đã tiến xuống Quảng Bình và Quảng Trị vào năm 1069. 
Đến năm 1307, vua Trần Anh Tông gả công chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân của xứ Champa và Chế Mân đã dâng hai châu Ô và Lý(4) lên nhà vua để làm lễ cưới. Như vậy hai lần mở cõi về phương Nam đầu tiên nầy cha ông chúng ta không phải tốn xương tốn máu do bởi các vua Chiêm tự nguyện hiến dâng. Sau đó, nhờ Chiêm Thành đất rộng người thưa và sự phòng ngự rất lỏng lẻo, nên các triều đại Việt Nam luôn tìm cách tiến dần về phương Nam khi có cơ hội. Năm 1471, Đại Việt tiến chiếm cửa Thị Nại, hạ thành Đồ Bàn, bắt vua Chiêm là Trà Toàn đem về Thăng Long và cho đổi tên vùng đất mới chiếm được ra làm phủ Hoài Nhơn, nay thuộc tỉnh Qui Nhơn. Như vậy đến năm 1471, người Việt chúng ta đã đặt chân tới đèo Cù Mông, nằm giữa hai tỉnh Bình Định và Phú Yên ngày nay. 

Ngày nay, khi nhìn lại bức tranh mở cõi gian khổ về phương Nam của cha anh, chúng ta thấy bên cạnh những xương máu đổ ra, cha anh chúng ta cũng có những may mắn, những cơ hội thâu tóm đất đay không đổ máu. Và điều lạ lùng là hình như tiến trình Nam Tiến đã được sắp sẵn từ trước với những cái mốc lịch sử rất rõ rệt. Trong cuộc Nam Tiến, các chúa Nguyễn cũng áp dụng một phương cách giống như các triều đại trước đó. Thường thì trước tiên dân sơ tán gồm những người Việt nghèo khổ phiêu lưu về phía Nam tìm sinh lộ, rồi sau đó các chúa phái quân đến đóng đồn, lập đồn điền để khai phá đất đai, vừa lập thôn làng vừa phòng thủ vùng đất vừa mới khai phá được. Trong các đồn điền có đủ thành phần từ quân lính, đến dân tình nguyện và các tù phạm đều cùng sống chung khai phá đất hoang. Trong số nầy, thành phần tích cực nhất vẫn là thành phần dân nghèo, không có đất đai hoặc những người có óc phiêu lưu mạo hiểm vào vùng đất mới đầy hứa hẹn nầy.

(Chúa Nguyễn Hoàng)

Năm 1570, Theo lời đề nghị của Trịnh Kiểm, Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông bổ nhiệm vào Nam cai quản vùng đất Thuận Quảng. Sau đó hai họ Trịnh Nguyễn liên tiếp kình chống nhau trên 200 năm. Trong cuộc nội chiến giữa hai họ Trịnh Nguyễn, để có được một hậu cứ vững vàng, các chúa Nguyễn của xứ Đàng Trong đã phải từng bước khéo léo qua giao thiệp và ngay cả chiến tranh nếu cần để tiến về phương Nam. Lúc đầu lãnh thổ xứ Đàng Trong chỉ gồm hai trấn Thuận Thành và Quảng Nam mà thôi, phía Bắc là lãnh thổ xứ Đàng Ngoài hay Bắc Hà của vua Lê và chúa Trịnh, phía Nam giáp với Chiêm Thành, và xa nữa về phương Nam là lãnh thổ của xứ Thủy Chân Lạp. Để có đủ tài nguyên và nhân lực chống lại chúa Trịnh ở phương Bắc, dầu chưa thu phục xong Chiêm Thành, các chúa Nguyễn Đàng Trong đã gấp rút tiến về phương Nam bằng cách nhảy vọt, vượt qua khỏi vùng biên địa phía Nam của Chiêm Thành để đi sâu vào phần đất Thủy Chân Lạp. 

Năm 1578, chúa Tiên Nguyễn Hoàng cử Trương văn Chánh làm Trấn Biên Quan, chiêu tập lưu dân đến khẩn hoang vùng đất Ba Đài, nằm về phía Nam đèo Cù Mông khoảng 10 cây số. Đây là vùng đất xa xôi nhất của xứ Đàng Trong vào thời đó, nhưng khí hậu quá khắc nghiệt nên quan quân Đại Việt lại phải rút về phía Bắc đèo Cù Mông. Lúc nầy công cuộc Nam tiến phải dừng lại tại Qui Nhơn trong một thời gian khá lâu vì lúc nầy chúa Tiên Nguyễn Hoàng một mặt nơm nớp lo sợ sự đe dọa của chúa Trịnh từ phương Bắc, mặt khác vào năm 1593 nhân khi về Thăng Long để chúc mừng vua Lê Thế Tông hồi kinh sau khi Trịnh Tùng đánh đuổi được nhà Mạc thì ông lại bị Trịnh Tùng kềm giữ lại Bắc Hà cho đến năm 1600 nhân đi dẹp loạn ở Nam Định, ông cho thuyền xuôi thẳng về Nam. Chính vì thế mà người Việt phải dừng lại tại phía Bắc đèo Cù Mông đến gần 150 năm.        

Về đến Thuận Quảng, Nguyễn Hoàng quyết chí xây dựng một xứ Đàng Trong thật hùng mạnh để chống lại họ Trịnh, nên vào năm 1611 nhân vụ người Chiêm quấy phá vùng Cù Mông, Nguyễn Hoàng cho quân phủ Hoài Nhơn tiến đến núi Thạch Bi, chiếm Phú Yên. Chúa Nguyễn cho đặt thành phủ Phú Yên, trực thuộc dinh Quảng Nam. Phủ Phú Yên gồm 2 huyện Đồng Xuyên và Tuy Hòa. Tuy Hòa nằm về phía Nam đèo Cù Mông khoảng 50 cây số. Chúa Tiên lại bổ nhiệm Chủ Sự Văn Phong làm Lưu Thủ phủ Phú Yên. Lúc nầy Trấn Biên Quan Trương văn Chánh lại tiếp tục chiêu mộ lưu dân đến khai khẩn vùng đất thuộc phủ Phú Yên. 

Năm 1629, phủ Phú Yên được đổi thành Dinh Trấn Biên. Và cuối cùng, cuộc Nam Tiến dưới thời các chúa Nguyễn, khởi đầu từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, đã được chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát hoàn thành khi tiến đến Mũi Cà Mau và thu phục trấn Hà Tiên.

Năm 1613 Nguyễn Hoàng từ trần, con là Nguyễn Phúc Nguyên lên thay. Khi chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên lên ngôi thì Chiêm Thành đang có mối giao hảo rất tốt với người Bồ Đào Nha, bên cạnh đó các nước Âu châu luôn tìm cách gây hấn với xứ Đàng Trong(5). Chính vì vậy mà chúa Nguyễn Phúc Nguyên thấy cần phải có mối hòa hảo với cả Chiêm Thành lẫn Chân Lạp, nên vào năm 1620, chúa Sãi gã con gái của mình là công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Vạn cho vua Chân Lạp Chey Chetta II, và sau đó vào năm 1631 (?) chúa lại gã luôn công nữ Nguyễn Phúc Ngọc Khoa cho vua Chiêm là Pô Ro Mê, với kế hoạch rảnh tay về phương Nam để có đủ nhân lực chống đỡ với quân chúa Trịnh về phương Bắc. Đến đời chúa Nguyễn Phúc Tần, nhân vụ vua Chiêm là Bà Thấm (Po Nraup) mang quân sang tấn công Phú Yên, chúa sai Cai Cơ Hùng Lộc tiến quân đánh chiếm các vùng đất còn lại về phía Nam của Chiêm Thành. 

Năm 1653 quân chúa Nguyễn tiến đến Nha Trang và Phan Rang. Chúa cho đổi vùng đất mới chiếm được ra làm hai phủ Thái Khang(6) và Diên Ninh(7). Ba năm sau đó (1623), chúa Nguyễn Phúc Nguyên cử sứ thần sang Oudong mượn đất Prei Nokor và Kas Kobey(8) để thiết lập trạm thâu thuế. Năm 1648, trong cuộc chiến tranh lần thứ 4 với quân Trịnh ở phía Bắc, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần (1648-1687) bắt được 30 ngàn tù binh, chúa bèn cho số tù binh nầy vào khai khẩn đất đai từ phủ Thăng Hoa(9) đến Phú Yên. Cứ 50 người thì cho làm thành một ấp, và số còn lại được đưa vào khai khẩn vùng đất Khánh Hòa(10). Như vậy tính đến năm 1653, biên giới phía nam của xứ Đàng Trong là sông Phan Rang(11). Chúa Nguyễn cho lấy đất từ Phú Yên đến sông Phan Rang để thành lập dinh Thái Khang, tức vùng Khánh Hòa-Nha Trang ngày nay. Dinh Thái Khang gồm 2 phủ Thái Khang và Diên Ninh. Năm 1658, quân đội xứ Đàng Trong tiến đến vùng Tam Phan(12) lập thành trấn Thuận Thành, rồi sau đó đổi lại làm phủ Bình Thuận. Cùng năm 1658, Chân Lạp xin thần phục chúa Nguyễn(13). Tuy nhiên, cũng kể từ đó, xứ Đàng Trong ngày càng can thiệp sâu vào nội tình Chân Lạp. Tháng ba năm 1674(14), Chân Lạp có nội loạn, chúa Nguyễn Phúc Tần lại sai Cai Cơ Nguyễn Dương Lâm sang bình định, giúp đưa Nặc Thu lên làm vua và Nặc Nộn làm Phó Vương tại Prei Nokor. 

Năm 1679, chúa Nguyễn chính thức cho nhóm quan quân lưu vong của nhà Minh bên Tàu khai khẩn vùng đất Đồng Nai. Quan Tổng Binh Long Môn là Dương Ngạn Địch cùng Phó Tướng Hoàng Tiến được chúa cho vào vùng Đại Phố Mỹ Tho. Trong khi đó, quan Tổng Binh các châu Cao, Lôi, Liêm Trần Thượng Xuyên cùng Phó Tướng Trần An Bình được chúa cho vào vùng Đông Phố, nhóm quân binh nầy định cư từ vùng cù lao Cù Châu và Bàn Lân(15) để khẩn hoang lập ấp. Chẳng bao lâu sau đó, cả vùng rừng rậm hoang vu tại Mỹ Tho và Đông Phố đã biến thành những khu phố phồn thịnh, buôn bán với thuyền buôn ngoại quốc như Trung Hoa, Nhật Bản, Mã Lai và ngay cả với người Âu châu nữa. Đến vào khoảng năm 1775 thì hai vùng Cù Lao Phố và Đại Phố Mỹ Tho đã biến thành những khu thị tứ sầm uất nhất của xứ Đàng Trong. 
 Năm 1693 nhân vụ vua Chiêm là Bà Tranh tấn công phủ Diên Ninh nên chúa Nguyễn Phúc Chu sai quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống Binh và Văn Chức Nguyễn Đình Quan làm Tham Mưu, đem quân chinh phạt. Năm 1694, Nguyễn Hữu Cảnh bắt được Bà Tranh và quân chúa Nguyễn tiến chiếm Phan Thiết. Mặc dầu chúa Nguyễn Phúc Chu vẫn để cho người Chiêm(16) cai trị phần đất còn lại của họ, nhưng lúc nầy vương quốc Chiêm Thành chỉ còn lại một vùng đất thật nhỏ hẹp thuộc phủ Bình Thuận. Năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Cai Cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Kinh Lược đất Đồng Nai(17), lấy đất Đồng Nai lập thành huyện Phước Long, đặt dinh Trấn Biên, và lấy xứ Sài Gòn lập thành huyện Tân Bình, đặt dinh Phiên Trấn. Đồng thời, chia đất Đông Phố ra làm dinh huyện để tiện việc cai trị. Ông lấy đất Đông Phú để lập ra huyện Phước Long, Biên Hòa lập ra dinh Trấn Biên, và đặt Sài Gòn là huyện Tân Bình. Sau đó đặt ra 2 dinh là Trấn Biên (Biên Hòa) và Trấn Phiên (Gia Định). Mỗi dinh đều có quân đội trấn đóng và đặt các quan Lưu Thủ, Cai Bạ, và Ký Lục cai trị. Hai dinh nầy thời đó đất đai ngàn dặm, nhưng dân số chỉ vào khoảng 4 vạn hộ dân. Chính vì vậy mà chúa Nguyễn cho chiêu mộ thêm dân xứ Ngũ Quảng vào Gia Định với nhiều dễ dãi và ưu tiên. 

Cuộc Nam Tiến kể từ năm 1611 đến năm 1698 không gặp sự chống cự đáng kể nào. Dưới thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng, binh lính vào trấn thủ đèo Cù Mông(18) được ca dao bình dân mô tả rất cảm động: “Tiếng ai than khóc nỉ non; là vợ chú lính trèo hòn Cù Mông.” Năm 1708, Mạc Cửu(19) dâng đất Hà Tiên, chúa Nguyễn chỉ nhận trên danh nghĩa, nhưng vẫn để cho dòng họ Mạc trấn giữ đất Hà Tiên.

 

Năm 1753, nhân cơ hội vua Chân Lạp là Nặc Ông Nguyên lấn hiếp người Côn Man, chúa Nguyễn bèn sai Nguyễn Cư Trinh vào dàn xếp và lãnh lệnh chúa Nguyễn ở lại tiếp tục khai khẩn đất hoang và lập khu dinh điền mới. Từ đó coi như phần lớn đất đai của xứ Thủy Chân Lạp đã nằm dưới sự kiểm soát của Việt Nam. Trong khi đó Mạc Cửu và con là Mạc Thiên Tứ tiếp tục khai khẩn những vùng Hà Tiên, Phú Quốc, Long Xuyên(20), Rạch Giá, Trấn Giang(21) và Trấn Di(22). 

Năm 1757, vua nước Chân Lạp là Nặc Nguyên băng hà, người chú họ là Nặc Nhuận đem hai xứ Trà Vinh và Ba Thắc dâng cho chúa Nguyễn để được chúa chấp nhận cho lên ngôi vua. Nhưng ngay sau khi lên ngôi, Nặc Nhuận bị con rể là Nặc Hinh giết chết để đoạt ngôi, con của Nặc Nhuận là Nặc Tôn chạy sang Hà Tiên cầu cứu với xứ Đàng Trong. Chúa Nguyễn sai Thống Suất Trương Phúc Du sang bình định Chân Lạp, bắt giết Nặc Hinh rồi đưa Nặc Tôn lên ngôi vua. Nặc Tôn bèn dâng luôn vùng đất còn lại của Thủy Chân Lạp là phủ Tầm Phong Long cho chúa Nguyễn. Sau đó Nặc Tôn còn cắt thêm 5 phủ Hương Úc, Cần Bột, Chân Sum, Sài Mạc và Linh Quỳnh để tạ ơn Mạc Thiên Tứ đã hết lòng giúp đỡ. Mạc Thiên Tứ cho đặt những vùng đất mới nầy vào hai đạo Kiên Giang và Long Xuyên, trực thuộc trấn Hà Tiên. Coi như đến năm 1757, mặc dầu trấn Hà Tiên vẫn còn được con cháu họ Mạc cai quản, nhưng trên danh nghĩa, lãnh thổ xứ Đàng Trong đã là một dãy đất bao la với một bờ biển dài hơn bờ biển Bắc Hà rất nhiều, chạy dài từ sông Linh Giang đến mũi Cà Mau, vòng lên Hà Tiên và tiến sâu hơn nữa về phía Kompong Som, ngày nay là Sihanoukville.

 

Đến năm 1780 thì Mạc Thiên Tứ chính thức dâng đất Hà Tiên(23). Đến đây coi như cuộc Nam tiến đến chót mũi Cà Mau và Hà Tiên đã hoàn tất. Rất may mắn cho dân tộc Việt Nam, vì sau khi cuộc Nam Tiến vừa kịp chấm dứt thì triều đại các chúa Nguyễn khủng hoảng và suy thoái trầm trọng, khiến nhân dân nhứt là nhân dân miền Trung phải đứng lên dựng cờ khởi nghĩa như phong trào Tây Sơn ở Qui Nhơn. Rồi Nguyễn Huệ đã đánh Nam dẹp Bắc, để cuối cùng chính vị hoàng đế áo vải nầy đã vẽ ra một bức tranh Việt Nam thống nhất trong tương lai, mặc dầu dưới thời Tây Sơn, Nguyễn Nhạc vẫn tự coi mình là vua của xứ Đàng Trong trong khi Nguyễn Huệ đã chính danh xưng đế trước khi kéo quân ra Bắc tiêu diệt quân Thanh. Rồi sau đó khi phong trào Tây Sơn chìm xuống sau cái chết của Đại Hoàng Đế Quang Trung thì Nguyễn Ánh có cơ hội thâu tóm toàn bộ đất nước từ Ải Nam Quan đến Mũi Cà Mau vào năm 1802, để rồi chỉ hơn nửa thế kỷ sau, đất nước phải rơi vào tay của thực dân Pháp.        

Công Lao Của Các Chúa Nguyễn Đối Với Vùng Đất Nam Kỳ:  

 Nếu nói về cuộc Nam Tiến mà không kể đến công lao của Chúa Nguyễn Hoàng và các chúa nối nghiệp của ngài cũng như của các bậc khai quốc công thần sau này quả là một thiếu sót lớn. Các chúa Nguyễn, các bậc khai quốc công thần, cũng như những lưu dân đầu tiên đi mở cõi về phương Nam... là những người đã đi tiên phong trong việc bình định loạn lạc, hoạch định bám đất, khẩn hoang lập ấp, tổ chức làng xóm, đào sông, xẻ núi, mở đường, xây dựng phố xá, và bảo vệ sự an cư lạc nghiệp cho những người đến sau. Ngày nay trên khắp các vùng đất của miền Nam, đi đâu đến đâu chúng ta cũng đều thấy đền thờ của các vị khai quốc công thần như Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Cư Trinh, Lê văn Duyệt, Nguyễn văn Thoại, vân vân. 

Tuy nhiên, trong phạm vi hạn hẹp của quyển sách này, chúng tôi chỉ nói phớt qua về các Chúa và chỉ nói nhiều đến những bậc có công lao trực tiếp với xứ Nam Kỳ Lục Tỉnh mà thôi. Tổ tiên của dòng họ Nguyễn là Nguyễn Công Duẫn, người Gia Miêu, huyện Tống Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Nguyễn Duẫn đã theo Lê Lợi đánh dẹp quân Minh. Con là Nguyễn Đức Trung làm quan đến chức Điện Tiền Chỉ Huy Sứ dưới thời vua Lê Nhân Tông. Sau đó Đức Trung đã cùng với Nguyễn Xí dẹp tan nghịch đảng trong triều để đưa vua Lê Thánh Tông lên ngôi. Đến đời vua Lê Uy Mục, trên 200 người họ Nguyễn đang làm quan trong triều đều bị cách chức và đuổi về quê. Con của Nguyễn Đức Trung là Văn Lãng đang làm chức Thủy quân Vệ Chỉ Huy Sứ bèn tập hợp quân Thanh Hóa về triều hạ bệ Uy Mục và tôn Lê Tương Dực lên ngôi. Con của Văn Lãng là Nguyễn Hoằng Dũ làm Đô Đốc có công đánh dẹp giặc giã khắp nơi. Lúc nghe tin Trần Cảo nhơn cơ hội Trịnh Duy Sản sát hại vua Lê Tương Dực rồi kéo quân về kinh đô soán ngôi vua, Nguyễn Hoằng Dũ kéo binh về triều đánh dẹp. Sau đó triều đình trở nên rối rắm, vua Chiêu Tông mới 14 tuổi mà triều thần ai cũng muốn hùng cứ một phương, Nguyễn Hoằng Dũ thì kéo quân về trấn giữ Thanh Hóa. Khi Trịnh Tuy âm mưu phế bỏ Chiêu Tông để lập vua khác lên ngôi, vua Chiêu Tông triệu Hoằng Dũ về cứu giá, nhưng sau đó Hoằng Dũ mất, An Hưng Vương Mạc Đăng Dung và Trịnh Tuy bức hiếp vua Lê Chiêu Tông, gây thành một cuộc cướp ngôi từ tay vua Lê, chấm dứt triều đại nhà Hậu Lê (1428-1527), và lập nên nhà Mạc (1527-1593). 
Năm 1527, nhiều triều thần nhà Lê không chịu phục tùng nhà Mạc, bỏ lên rừng núi thay tên đổi họ ở ẩn, có người bỏ trốn ra nước ngoài như Lào và Trung Hoa, có người nổi lên chống lại nhà Mạc. Sau khi Mạc Đăng Dung đã soán ngôi vua Lê, con của Nguyễn Hoằng Dũ là An Thành Hầu Nguyễn Kim(24), đang giữ chức Hữu Vệ Điện Tiền Tướng Quân của vua Lê, đưa gia đình và binh sĩ bản bộ qua Sầm Châu, nay là Sầm Nứa thuộc Ai Lao để tránh nạn và mưu cầu khôi phục nhà Lê.

Nguyễn Hoàng Và Sự Phát Triển Của Xứ Đàng Trong: 

 

Sau khi Nguyễn Kim chết vào năm 1545 thì nhà Hậu Lê lại rơi vào tình trạng khủng hoảng, quyền bính rơi vào tay của con rể ông là Trịnh Kiểm. Năm 1556, vua Lê Trung Tông băng hà, nhưng không có con trai nối ngôi nên Trịnh Kiểm có ý muốn soán ngôi nhà Lê. Tuy nhiên, Trịnh Kiểm vẫn còn e dè triều thần và dân chúng, nên cử Phùng Khắc Khoan bí mật ra Hải Dương hỏi mưu chước của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Trạng Trình chỉ nói: “Năm nay mất mùa vì lúa giống không tốt, mang thóc giống cũ mà gieo lại.” Trạng Trình còn sợ sứ giả chưa hiểu ý nên bảo tiểu đồng quét dọn bàn Phật để lễ Phật và bảo: “Giữ chùa thờ Phật thì được ăn oản.” Sứ giả về báo lại, Trịnh Kiểm hiểu ý nên sai người đi tìm con cháu của vua Lê xưa để tôn lên làm vua, còn mình thì xưng chúa. Sau đó Trịnh Kiểm tìm được Lê Duy Bang tại vùng Thanh Hóa, cháu bốn đời của Lam Quốc Công Lê Trừ, anh của vua Lê Thái Tổ. Trịnh Kiểm bèn cho rước Lê Duy Bang về Tây Đô và tôn lên ngôi, hiệu là Lê Anh Tông (1557-1573). Và để củng cố quyền bính Trịnh Kiểm bất chấp mọi hành động, ngay cả việc sát hại em vợ của mình là Lãng Quận Công Nguyễn Uông. Nguyễn Hoàng thấy anh mình bị hãm hại, bèn cáo bệnh xin xuôi về phương Nam để lánh nạn. Và từ câu sấm của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm “Hoành Sơn Nhất Đái, Vạn Đại Dung Thân” mà Nguyễn Hoàng đã dựng nên cơ nghiệp cho dòng họ Nguyễn, cũng như góp phần không nhỏ trong công cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt Nam. Sau khi cho người vào vấn kế với Trạng Trình, Nguyễn Hoàng nhờ chị mình là Ngọc Bảo xin với Trịnh Kiểm cho về phương Nam làm Trấn Thủ Thuận Hóa. Một công hai việc, vừa rảnh tay vừa khỏi phải mang tiếng là sát hại thêm một người em vợ nữa nên Trịnh Kiểm bằng lòng ngay, vì đây là vùng đất mới chiếm lại được từ tay nhà Mạc vào năm 1554, nên một mặt lòng dân chưa hẳn đã phục tòng vua Lê và chúa Trịnh, mặt khác nhà Mạc luôn cho người khuấy động và phá rối với âm mưu chiếm lại vùng đất nầy. Ngoài ra, đất Thuận Quảng lại là vùng đất mới sáp nhập từ vương quốc Champa, với rừng núi hiểm trở, sơn lam chướng khí, nên Trịnh Kiểm tự nghĩ một khi Nguyễn Hoàng vào đây thì khó lòng có thể mang quân trở ra Tây Đô để tranh quyền với mình được. Như vậy, nếu vua Lê chấp thuận cho Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Quảng, thì chẳng những Trịnh Kiểm không sợ bị tranh quyền, mà còn có người tài giỏi trấn thủ vùng hiểm địa. Chính vì thế mà Trịnh Kiểm dâng biểu lên xin vua Lê cho Nguyễn Hoàng vào Nam. Vua Lê Anh Tông đồng ý cử Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng vào làm trấn thủ Thuận Hóa và được toàn quyền quyết định mọi việc tại địa phương(25). 

Năm 1558, Nguyễn Hoàng từ giã chị mình để ra đi trấn thủ đất Thuận Hóa. Khi vào trấn thủ Thuận Quảng, mặt ngoài thì Nguyễn Hoàng có vẻ hòa hiếu với Trịnh Kiểm, nhưng bên trong thì Chúa Nguyễn tìm cách thu phục lòng người ở phương Nam và âm thầm gầy dựng nên cơ nghiệp nhà Nguyễn. Nguyễn Hoàng  đem toàn bộ gia quyến lên đường bất chấp cái lạnh giá rét của mùa đông. Nguyễn Hoàng rất khôn khéo trong việc cai trị ở phương Nam nhằm thu phục nhân tâm; ông rất chăm lo cho dân chúng, nên chẳng bao lâu sau đó, vùng Thuận Hóa đã trở nên trù phú thịnh vượng. Đồng thời để tránh sự nghi ngờ của Trịnh Kiểm và vua Lê, năm 1569, ông đã đích thân ra chầu vua Lê ở An Trường. Nhờ vậy mà ở phương Nam ông được lòng dân, còn trong triều ông được cả vua Lê và chúa Trịnh tin tưởng. Chính vì thế mà vào năm 1570, vua Lê Anh Tông lại cho Nguyễn Hoàng trấn thủ luôn vùng đất Quảng Nam(25), mỗi năm chỉ nộp thuế cho triều đình 400 cân bạc và 500 tấm lụa mà thôi. Nguyễn Hoàng là một vị chúa nhân từ, một vị tướng có tài thao lược, một nhà kinh tế và xã hội xuất chúng(26)... nên chẳng bao lâu sau đó, cả hai vùng Thuận-Quảng đều trở nên thái bình thịnh vượng, trong khi các vùng khác của Đại Việt vẫn còn quá nghèo nàn đói kém. 

Khi Nguyễn Hoàng đến Thuận Hóa, Luân Quận Công Tống Phước Trị bèn đem hết sổ sách Thuận Hóa ra trao nạp và xin ở lại giúp ông trấn giữ phần đất này. Trấn Thuận Hóa thời ấy gồm có 2 phủ là Tiên Bình và Triệu Phong. Nguyễn Hoàng cho binh sĩ lui binh vào sâu và đóng lại tại Ái Tử. Tuy tình hình Thuận Hóa lúc ấy vô cùng phức tạp vì nhân dân tại đây chỉ có một số là chí thú chăm lo cày cấy, số còn lại thì một phần chỉ biết lo ăn chơi, phần khác lại nhận tiền bạc của nhà Mạc gây mất trật tự trị an trong vùng. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều tù biệt xứ, hoặc dư đảng của các nghịch đảng phiêu bạt về đây. Lại thêm quân sĩ phạm tội hay bất mãn với chúa Trịnh chạy vào dung thân. 

Khi về bái kiến vua Lê Anh Tông vào năm 1569, ông được vua Lê cho giữ thêm chức tổng trấn Quảng Nam. Từ đó về sau ông được gọi là Tổng Trấn Tướng Quân. Đời Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng, vùng đất Thuận Hóa và Quảng Nam chạy dài từ sông Linh Giang đến Hoài Nhân. Lúc nầy quyền uy của ông thật to lớn, nhưng ông càng tỏ ra nhân hậu với tướng sĩ và khoan dung với thần dân nhiều hơn. Tuy nhiên, về mặt chánh trị và quân sự thì ông là người mưu lược và có uy phong. Ông chỉ huy quân đội rất nghiêm minh, nhưng cai trị dân rất nhân hậu. Chính vì vậy mà hào kiệt bốn phương đều náo nức qui tụ về đây phò tá ông(27). 

Tháng 2 năm Quí Dậu, 1573, vua Lê Trang Tông băng hà, Lê Thế Tông lên ngôi sai người vào Thuận Hóa sắc phong cho Nguyễn Hoàng chức Thái Phó, hàng năm nộp thuế 400 cân vàng và 500 tấn lúa. Năm 1593, khi xứ Đàng Ngoài đang chuẩn bị đánh dẹp dư đảng họ Mạc, Nguyễn Hoàng đã đem quân ra giúp Trịnh Tùng, đồng thời còn đem tiền bạc và lúa thóc ra giúp vua Lê chiếm lại Thăng Long. Sau khi dẹp xong dư đảng họ Mạc ông đem quân ra yết kiến vua Lê, vua Lê khen ngợi công lao trấn giữ đất Thuận Hóa của ông và phong cho ông làm Trung Quân Đô Đốc Phủ Tả Đô Đốc Chưởng Phủ Sự Thái Úy Đoan Quốc Công, nhưng vẫn để cho ông lãnh đạo Thuận Hóa và Quảng Nam như cũ. Sau đó, Nguyễn Hoàng phụng mệnh vua Lê mang quân đi đánh dẹp tàn quân nhà Mạc ở các vùng Hải Dương, Cao Bằng và Lạng Sơn. Nguyễn Hoàng từng lưu lại kinh đô đến 7 năm, trong thời gian đó, ông có công rất lớn trong việc hỗ trợ xa giá chúa Trịnh Tùng đi chinh phạt giặc giã tại các vùng Lạng Sơn, Hải Dương và Tuyên Quang. Tuy nhiên, sau đó ông thấy Trịnh Tùng có ý muốn ám hại mình nên vào năm 1600, ông bỏ trốn về Thuận Hóa(28) trong lúc vua Lê Thế Tông băng hà. Mặc dầu có ý không trở ra Đông Đô nữa, nhưng để tỏ ra hòa hoãn, ông đã gả con gái mình là Ngọc Tú cho Trịnh Tráng, nhưng kể từ đó về sau không có một vị chúa Nguyễn nào còn tiếp tục ra Bắc để chầu vua Lê nữa; tuy nhiên, Nguyễn Hoàng luôn giữa quan hệ tốt với vua Lê bằng cách hàng năm vẫn nộp thuế má đầy đủ. Như vậy có thể nói kể từ năm 1600, Nguyễn Hoàng đã bắt đầu toàn tâm toàn ý quyết chí trở về Thuận Hóa để chăm lo khẩn hoang lập ấp, phát triển kinh tế và phúc lợi cho nhân dân để tăng cường tiềm lực quốc gia và để xây dựng một giang sơn cho riêng dòng họ Nguyễn ở phương Nam với đầy đủ mọi mặt, từ tổ chức hành chánh, đến sinh hoạt xã hội và phát triển kinh tế. Nguyễn Hoàng là người mến mộ Phật giáo nên một loạt những ngôi chùa đã được xây dựng tại vùng Thuận Hóa. Dân chúng ngoài Bắc nghe tin về sự phồn thịnh ở phương Nam cũng dong buồm xuôi Nam theo về với Nguyễn Hoàng. Ngay cả một nhà thông thái và nhà sử học nổi tiếng đương thời của xứ Đàng Ngoài là Lê Quí Đôn cũng đã phải ca ngợi Đoan Quận Công Nguyễn Hoàng trong ‘Phủ Biên Tạp Lục’ như sau: “Đoan Quận Công có uy lược, xét kỹ nghiêm minh, không ai dám lừa dối... chính sự khoan hòa, việc gì cũng thường làm ơn cho dân, phép tắc công bằng, quân kỷ nghiêm minh, cấm kẻ hung bạo. Quân dân hai xứ Thuận-Quảng đều mến yêu kính phục. 

Đoan Quận Công luôn thay đổi những phong tục xấu, ai ai cũng cảm ơn và mến đức. Trong chợ không có hai giá, trong dân gian không có trộm cướp, đêm ngủ không phải đóng cổng; thuyền buôn ngoại quốc tới buôn bán, việc giao dịch phân minh, ai củng cố gắng, toàn cõi nhân dân an cư lạc nghiệp. Dân chúng hàng năm ai cũng đều nộp thuế má đúng hạn kỳ để giúp việc quân, việc nước, nên triều đình cũng được nhờ.” Đất Thuận Hóa là một vùng đất hết sức đặc biệt, về phía Bắc có núi Hoành Sơn (đèo Ngang), trong khi về phía Nam có đèo Hải Vân, vừa cao vừa hiểm trở. Đây là hai bức vách kiên cố cho bước đầu khởi nghiệp của Nguyễn Hoàng. 

Năm 1602, để củng cố thế lực dòng họ Nguyễn ở xứ Đàng Trong, Nguyễn Hoàng sai con là Nguyễn Phúc Nguyên làm trấn thủ Quảng Nam. Đến năm 1611, quân Nguyễn lại thu phục thêm vùng đất Phú Yên, rồi chia làm 2 huyện là Đồng Xuân và Tuy Hòa.  Tính đến năm 1611 thì xứ Đàng Trong đã liền một dãy từ Quảng Trị đến Phú Yên.  Như vậy sau khi chúa Tiên Nguyễn Hoàng đặt nền hành chánh tại vùng Phú Yên thì nước Chiêm Thành chỉ còn lại một vùng lãnh thổ rất nhỏ tương ứng với ba tỉnh Khánh Hòa, Phan Rang và Phan Thiết ngày nay. Chúa Nguyễn Hoàng mất năm 1613, ở ngôi chúa 56 năm, thọ 89 tuổi. Sau này triều Nguyễn truy tôn ông là Thái Tổ Gia Dụ Hoàng Đế. 
Trước khi qua đời, chúa Nguyễn Hoàng đã triệu tập quần thần lại mà căn dặn: “Vì muốn dựng lên nghiệp lớn mà bấy lâu nay ta với các ông đã cùng nhau kham khổ. Nay ta để gánh nặng lại cho con ta, các ông nên cùng lòng giúp đỡ cho đến thành nghiệp.” Sau đó Nguyễn Hoàng kêu người con thứ 6 là Nguyễn Phước Nguyên lại mà căn dặn: “Làm con phải hiếu, làm tôi phải trung, anh em phải thương yêu nhau. Phải ráng mà giữ lời ta dặn. Đất Thuận Quảng phía bắc có Hoành Sơn và sông Gianh hiểm trở, phía nam có núi Hải Vân và núi Đá Bia vững bền. Núi sẵn vàng sắt, biển sẵn cá muối, thật đúng là đất dụng võ của người anh hùng. Nếu biết dạy dân luyện binh để chống chọi với họ Trịnh thì đủ sức gây dựng sự nghiệp muôn đời. Ví bằng yếu thế, thì cố giữ lấy đất đai mà chờ cơ hội, chứ đừng bỏ qua lời dặn của ta.” Đây quả là một bản tuyên ngôn muôn đời cho dòng họ Nguyễn. Và đây cũng chính là kim chỉ nam cho các chúa Nguyễn về sau nầy trong việc ứng phó với quân Trịnh ở phương Bắc: kiên quyết chống chọi với họ Trịnh đến kỳ cùng. Hai thế kỷ sau đó, dầu việc triệt tiêu họ Trịnh không trực tiếp do hậu duệ của ông, nhưng sự nghiệp giữ lấy đất đai và mở cõi về phương Nam quả là một công lao to lớn với đất nước và nhân dân Việt Nam.
(Mời xem tiếp Phần Hai)
***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét