Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2018

Từ Đất Phiên Trấn Đến Tỉnh Gia Định P5


Chánh Sách Khai Khẩn Ruộng Đất Của Các Chúa Nguyễn:

Chính sách khuyến khích dân chúng khai hoang lập ấp và dễ dãi trong tư hữu vẫn còn được các vua triều Nguyễn áp dụng về sau nầy, như vào năm 1830, vua Minh Mạng ra chỉ dụ qui định tất cả những đất hoang, chưa được khai khẩn, từ rừng núi, gò đống, bờ sông, bờ suối, vân vân, đều có thể được cấp cho làm tư hữu. Đến năm 1831, vua Minh Mạng lại ban tiếp một chỉ dụ dễ dãi hơn trong việc tư hữu ruộng đất: “Quan lại các cấp khắp nơi trong nước đều phải ra sức khiến toàn dân và binh lính, bất kể chính hộ hay khách hộ, hãy làm đơn trình xin khai khẩn cày trồng theo thổ ngơi thích hợp, tất cả những chỗ đất nào còn hoang vu. Dù trước đó những chỗ đất nầy là công hay là tư, ai xin lãnh trước thì được. Sau 3 năm tính từ ngày nộp đơn, các quan sở tại kiểm tra thực tình rồi làm tờ trình lên tỉnh. Ba năm tiếp theo nữa, đối với các ruộng đất trồng lúa, bắp, đậu, vừng thì không kể trước đó là công hay tư đều cho người khai khẩn làm của riêng, cho theo hạng ruộng đất từ bắt đầu thu thuế để tỏ lòng khuyến khích.” Tuy nhiên, cũng do nơi chính sách dễ dãi trong tư hữu ruộng đất này mà đến năm 1840, theo lời trình tấu của tỉnh Gia Định, vùng nầy đã có quá nhiều người giàu có chiếm hữu đa số ruộng đất trong tỉnh, điều nầy đã tạo ra hai giai tầng cách biệt: một là giai tầng giàu có, chiếm hữu tất cả ruộng đất; hai là giai tầng nghèo khổ, trong tay không có một mảnh đất cắm dùi: “Trong hạt không có ruộng công, các nhà giàu bao chiếm ruộng tư đến ngàn trăm mẫu, dân nghèo không được nhờ cậy.”

Kinh Gia Định Dưới Thời Nguyễn Ánh Từ Năm 1788 Đến Năm 1802: 
Kinh Gia Định là nơi lên ngôi chúa của Đông Cung Nguyễn Phúc Dương, cũng là nơi Nguyễn Phúc Thuần lên làm Thái Thượng Vương, và cũng là nơi Nguyễn Ánh được quần thần suy tôn làm Đại Nguyên Soái. Số là vào năm 1775, sau khi bị nghĩa quân Tây Sơn đánh bại tại thành Phú Xuân, Duệ Tông Nguyễn Phúc Thần và quần thần bỏ chạy vào Quảng Nam. Lúc ấy Tả quân Nguyễn hữu Dật khuyên Duệ Tông nên lập hoàng thân Nguyễn Phúc Dương làm Đông cung để cùng Duệ Tông mưu đồ khôi phục lại vương triều nhà Nguyễn. Duệ Tông bèn lập Hoàng tôn Dương làm Đông Cung(26), cho trấn thủ Quảng Nam, kiêm tổng lý các việc trong ngoài. Đến năm 1776, Đông cung Phúc Dương cũng trốn vào Gia Định, nhân lúc quân Hòa Nghĩa của Lý Tài làm phản chống lại quân Đông Sơn của Đỗ thành Nhơn, Đông cung Dương bèn xin với Duệ Tông được đi chiêu dụ Lý Tài(27). Sau khi gặp Đông cung Dương, nhóm Lý Tài bèn kéo quân về Sài Gòn ép buộc Duệ Tông phải nhường ngôi cho Đông cung. Quần thần không còn sự lựa chọn nào khác, bèn lập Đông cung Dương làm Tân Chánh Vương và Duệ Tông làm Thái Thượng Vương. Lý Tài được phong làm ‘Bảo Giá Đại Tướng Quân’(28). Sự việc nầy chẳng những đã gây mâu thuẫn cho triều đình xứ Đàng Trong, mà còn làm cho quân đội của xứ Đàng trong chia rẽ một cách trầm trọng nữa. Năm 1777, nghĩa quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy vào đánh quân Hòa Nghĩa của Tân chánh vương tại vùng Hóc Môn, Nguyễn Phúc Thận từ Cần Giuộc đem quân cứu viện, nhưng quân Hòa Nghĩa lại tưởng là quân Đông Sơn kéo tới, nên tự tan vỡ, sau đó lại bị quân Tây Sơn đánh cho tan tác, Tân Chánh vương được Phúc Thận hộ giá chạy về Rạch Chanh. Trong khi đó, Thái Thượng vương Phúc Thuần cùng Nguyễn Ánh đem 4.000 quân Đông Sơn tới đóng tại Giồng Tài. Phúc Thuần bảo với Phúc Dương, “ta cáng đáng Giồng Tài, mặt Rạch Chanh thì vương tự đảm đang.” Kết quả của sự mâu thuẫn nầy đưa đến việc cả hai đều bị nghĩa quân Tây Sơn bắt giết. Trong thời gian Thái Thượng Vương Nguyễn Phúc Thuần và Tân Chánh Vương Nguyễn Phúc Dương bị nghĩa quân Tây Sơn bắt giết, quần thần suy tôn Nguyễn Ánh lên làm ‘Đại Nguyên Soái’. Tuy đây là giai đoạn phong ba bão táp nhất trong cuộc đời bôn tẩu trốn Tây Sơn của Nguyễn Ánh, nhưng đây cũng chính là cơ may rất lớn đối với dòng họ Nguyễn Phúc, vì nếu người bị Tây Sơn bắt là Nguyễn Ánh, thì cục diện miền Nam nói riêng và Việt Nam nói chung đã hoàn toàn khác hẳn. 
Trong khi triều đình xứ Đàng Trong tan rã, kinh tế Gia Định bị tàn phá, quân đội xứ Đàng Trong lúc nầy là một đội quân tạp nhạp, được kết nạp từ nhiều nhóm khác nhau, như nhóm Đông Sơn(29), nhóm Hòa Nghĩa(30), vân vân. Lúc ấy, Nguyễn Ánh lại còn quá nhỏ, không đủ khả năng tổ chức một bộ máy hành chánh vốn dĩ đã thối nát, cũng không đủ khả năng đoàn kết các nhóm tạp nhạp trong quân đội, và lại càng không có khả năng vực dậy nên kinh tế đã suy thoái một cách trầm trọng tại vùng Gia Định vì những cuộc chiến tranh liên tiếp nhau. Trong khi đó, dĩ nhiên Tây Sơn cũng có một số chính sách quản lý kinh tế Gia Định, nhưng tất cả đều nhằm mục đích phục vụ cho mục tiêu quân sự của nghĩa quân Tây Sơn, nên dân Gia Định vốn dĩ đã không thích Tây Sơn, lại càng căm ghét Tây Sơn nhiều hơn. Một thí dụ điển hình là thời Đô Đốc Tây Sơn là Nguyễn Trấn đang trấn giữ thành Gia Định, khoảng những năm 1784 đến 1785, vì sợ bị các thế lực chống đối tập kích nên ông đã dời trung tâm Sài Gòn đến vùng Cầu Sơn(31), nhưng vùng nầy chỉ thuận tiện về mặt quân sự chứ không thuận tiện cho việc buôn bán thương mãi, nên dân chúng chỉ vì sợ mà miễn cưỡng phải dời đến đó, chứ trong thâm tâm họ không phục, nên càng ngày họ càng tỏ ra bất mãn và chống đối nhiều hơn. Đây chỉ là một trong những thí dụ điển hình về sự can thiệp không hợp lý vào việc phát triển kinh tế của Tây Sơn đã dẫn tới sự bất mãn của nhiều tầng lớp xã hội tại miền Nam. Do đó, lợi dụng lúc Nguyễn Huệ đang bận rộn đối phó với quân Thanh ở phương Bắc, vào năm 1788, Nguyễn Ánh đã kéo quân về đánh chiếm thành Gia Định không mấy khó khăn. Sau khi chiếm xong Gia Định, Nguyễn Ánh nhứt định cho chỉnh đốn Thành Gia Định thành một hậu cứ vững chắc cho công cuộc chiến tranh với Tây Sơn về sau nầy. Từ năm 1788 đến năm 1802, Gia Định trở thành kinh đô của Nguyễn Ánh, và ông đã cho đổi tên ra làm ‘Kinh Gia Định’. Nguyễn Ánh đã thay đổi từ thượng tầng đến hạ tầng cơ sở của Kinh Gia Định. Ông đã cho xây lại hệ thống thành lũy, dinh thự công sở, kho lẫm và trại súng của chính quyền. 
Tháng 3 năm 1790, Nguyễn Ánh đã nhờ 2 người Pháp tên Olivier và Le Brun đứng ra xây thành bảo vệ Kinh Gia Định để thay thế cho thành cũ ở Tân Khai. Thành mới được đắp theo hình ‘Bát Quái’, có tám cửa, ở giữa là cung điện, bên trái dựng nhà Thái miếu, phía sau là kho tàng, bên phải đặt xưởng chế tạo, xung quanh là doanh trại của quân túc vệ. Thành nầy Nguyễn Ánh gọi là ‘Kinh Thành Gia Định’. Chu vi ngoại thành là 794 trượng. Về kiến trúc, thành Gia Định là sự mô phỏng của công sự ‘Vauban’ xuất hiện từ thế kỷ thứ XVII. Bên ngoài là đường phố và chợ búa, hai bên đường đều có trồng cây. Nhưng đến tháng 10 năm 1790, Nguyễn Ánh lại đổi trở lại làm ‘Thành Gia Định’, vì lúc đó 30 ngàn dân phu và binh lính bị sung công vào việc xây ‘Kinh Gia Định’ đã công phẫn nổi dậy tìm giết 2 người Pháp đã bày vẽ cho Nguyễn Ánh xây Kinh thành nầy, nên Nguyễn Ánh đã phải đình chỉ việc xây ‘Kinh Gia Định’. Năm 1791, Nguyễn Ánh cho khởi công xây dựng tiếp trường Hải quan để thu thuế các thuyền buôn ngoại quốc. Đồng thời, Nguyễn Ánh cũng cho xây dựng xưởng ‘Chu Sư’ chế tạo vũ khí, cũng đóng và sửa chữa chiến thuyền. Sau đó, Nguyễn Ánh cũng cho thiết lập các trại súng và kho thuốc súng, trại và kho được lợp ngói và đóng vách bằng ván. Phải thành thật mà nói, với lòng căm thù Tây Sơn đến tận xương tủy, đã khiến Nguyễn Ánh dùng đủ mọi thủ đoạn, mọi phương tiện hầu đạt được mục đích giành lại chiếc ngai vàng cho dòng họ Nguyễn. Trong cuộc chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, phải nói nhân dân Nam Kỳ đã hy sinh quá nhiều xương máu cho từng kế hoạch của Nguyễn Ánh, mỗi kế hoạch mà Nguyễn Ánh đưa ra đều được thực hiện bằng những ‘núi xương sông máu’ của nhân dân Việt Nam nói chung, nhưng cái ‘họa người’ giáng từ tay Nguyễn Ánh lên đầu lên cổ nhân dân Nam Kỳ là không bút mực nào có thể tả xiết được.





***



Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét