Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2018

Từ Đất Phiên Trấn Đến Tỉnh Gia Định P4






Tín Ngưỡng Của Cư Dân Gia Định:
Tưởng cũng nên nhắc lại, trước khi người Phù Nam đến lập vương quốc của họ trên vùng đất Gia Định, thì ở đây đã từng có cư dân cổ của các bộ tộc Stiêng(19), Mnông, Cơ Ho, Chu Ru, và Mạ. Họ sống tại các vùng Prei Nokor, Gia Định, Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Hậu Nghĩa... và nói tiếng Môn-Khmer. Như vậy trước khi ảnh hưởng của Ấn Độ được lan truyền đến vương quốc Phù Nam, thì vùng nầy đã có tín ngưỡng của cư dân bản địa cổ. Họ là những người thuộc đa thần giáo, họ tin đủ loại thần như thần nước, thần sông, thần ao chằm, thần núi, thần rừng, vân vân. Ngoài ra, họ còn tin nơi đồng bóng, và kinh vì quỷ thần. Đến khi người Phù Nam đến đây, họ mang cả hai luồng tư tưởng về tín ngưỡng đến vùng đất nầy từ Ấn Độ, đó là Phật giáo và Ấn Độ giáo. Sau khi vương quốc Phù Nam bị tiêu diệt, người Chân Lạp thay chân họ tại vùng đất nầy, và cũng như người Phù Nam, đa số người Chân Lạp theo Phật giáo và Ấn Độ giáo. Tuy nhiên, sau thế kỷ thứ XI, hầu như toàn bộ vương quốc Chân Lạp đều theo Phật giáo (Nam Tông). Đến khi người Việt tới đây, đa số họ là lưu dân đến từ các vùng Thuận Hóa và ngũ Quảng, và vào thời đó các chúa Nguyễn rất chuộng Phật giáo, nên người Việt đã đem đến đây Phật giáo (Bắc Tông), cũng như những tín ngưỡng địa phương của các vùng Thuận Hóa và ngũ Quảng. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, người Gia Định chuộng đạo Phật, tin việc đồng bóng, kính trọng các vị nữ thần như Bà Chúa Ngọc, Bà Chúa Động, Bà Hỏa Tinh, Cô Hồng, Cô Hạnh, vân vân. Kỳ thật, việc kính trọng các vị nữ thần của dân gian Gia Định và miền Nam nói riêng, nói chung dân gian cả vùng Đông Nam Á đã từng theo chế độ mẫu hệ, nên đi đâu đến đâu chúng ta cũng thấy người ta lập miếu thờ các ‘Bà’, như Bà Thiên Hậu, Bà Đen, Bà Chúa Xứ, vân vân. Người Gia Định nói riêng, người miền Nam nói chung, rất tin sự hiển linh của các đình miếu. Mỗi khi có việc gì cần giải quyết là họ mang nhau ra miếu để ‘thề’; ghét ai, họ cũng ra miếu để ‘trù ếm’. Cũng theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, người ở nông thôn mỗi khi có thù hiềm nhau, họ bèn tới chỗ miếu xưa hoặc chỗ ngã ba đường, chặt cây chuối rồi trồng ngược đầu, rồi xé con gà đặt lên trên, đem tên họ của kẻ thù ra mà ‘rủa’. Ngoài ra, người Gia Định, nhứt là cư dân các vùng ven biển như Cần Giờ(20), cũng thờ Nam Hải Đại Tướng Quân (cá Ông Voi), hoặc thờ Hà Bá Thủy Quan, vân vân. Họ tin rằng ‘Nam Hải Đại Tướng Quân’ được trời phái xuống giúp dân chài ven biển, giúp người gặp nạn ngoài biển, giúp đưa người bị chìm tàu ngoài biển vào bờ. Chính vì vậy mà không riêng gì nhân dân Gia Định, mà nhân dân các vùng từ Thuận Hóa và Nam rất tôn kính, gọi cá ông là ‘Nam Hải Đại Tướng Quân’(21). Mỗi khi gặp cá ông chết là họ tổ chức chôn cất rất trọng thể. Bên cạnh đó, dân gian Việt Nam rất kính trọng các vị văn thần võ tướng, nên họ đã thần linh hóa những vị nầy, rồi lập miếu thờ. Chẳng hạn như miếu thờ quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh ở khắp nơi tại miền Nam, và dĩ nhiên là nhân dân Gia Định cũng lập miếu thờ ngài, vì ngài chính là người đã lập giấy khai sinh cho vùng đất nầy. 

Ngoài ra, người Gia Định hãy còn giữ tín ngưỡng của cư dân bản địa, tin tưởng nơi các vị thần như thần sông, thần ao chằm, thần mộc... Có nhiều nơi người ta không dám đốn những cây cao, hoặc cây lâu năm vì họ tin sự hiển linh của các ‘Thọ thần’. Người Gia Định còn tin tưởng nơi ngày tốt ngày xấu; họ cũng tin cả sự khắc kỵ và tương hợp của những con giáp nữa. Không riêng gì dân Gia Định, mà cả miền Nam đều thuộc lòng câu ca dao “Mồng năm, mười bốn, hăm ba; đi chơi cũng lỗ huống là đi buôn.” Nói như vậy không có nghĩa là trong ba ngày ‘mồng năm, mười bốn, hăm ba’ người dân miền Nam không làm gì hết, họ chỉ không làm những việc quan trọng, chứ họ vẫn làm những việc vặt vãnh trong nhà. Hoặc tứ hành xung trong 12 con giáp như sau: “‘Dần, thân, tỵ, hợi’, ‘Tý, ngọ, mẹo, dậu’, ‘Thìn, tuất, sửu, mùi’,” vân vân. Thí dụ như người có tuổi ‘dần’ không nên khởi động công việc làm ăn buôn bán, hay quan hôn tang tế vào các ngày hay các giờ ‘thân, tỵ, hợi’ và cũng như vậy người có tuổi ‘thân’ không nên khởi động công việc làm ăn buôn bán, hay quan hôn tang tế vào các ngày hay các giờ ‘dần, tỵ, hợi’, và cứ tiếp tục như vậy...

Sinh Hoạt Văn Hóa-Xã Hội Của Vùng Đất Gia Định:  


Khi xứ Đàng Trong mở cõi về phương Nam thì vùng đất Gia Định hãy còn là một vùng đất rộng với toàn rừng là rừng, nhưng rải rác đó đây cũng có những cư dân bản địa sinh sống bằng phương cách bán du mục. Trước khi những người Phù Nam đến đây thành lập vương quốc, thì nơi đây đã có những người bản địa lâu đời như những người Mạ, Châu Ro, Chu Ru, Stiêng, vân vân. Rồi sau đó người Khmer thế chân người Phù Nam, và cuối cùng là những lưu dân Việt Nam và Minh Hương đã đến đây khẩn hoang lập ấp và phát triển miền Nam thành ra một vùng đất trù phú như ngày hôm nay. Tưởng cũng nên nhắc lại một số tập tục trong sinh hoạt hằng ngày của những cư dân cổ, đã sinh sống trên vùng đất Gia Định trước khi người Việt đến đây. Người Mạ có tục cà răng căng tai, thoạt trông tưởng họ dữ dằn lắm, nhưng bản tánh họ rất hiền lành, thường bị người Miên và người Stiêng bắt đem đi bán làm nô lệ. Họ thường để tóc dài rồi bới ra phía sau, đeo bông tai bằng ngà. Người Stiêng có tục xâm mặt và xâm mình, đàn bà thì mặc vái còn đàn ông thì đóng khố. Trước khi lưu dân Việt Nam tời đây, Gia Định hãy còn rất nhiều người Khmer trú ngụ, nhưng đến khi những lưu dân người Việt đến đây thì cộng đồng người Khmer tại đây bỏ đi về phía biên giới Kampuchia và Tây Ninh. Hiện tại vùng Sài Gòn Gia Định có rất ít người Khmer sinh sống. 
Chính vì tánh cộng sinh của cư dân vùng Gia Định ngay từ những thời xa xưa, mà chúng ta thấy rõ cách sinh hoạt văn hóa và xã hội tại Gia Định vẫn còn rõ nét ở hai hệ thống, một là truyền thống bản địa và hai là lối sinh hoạt đã được Việt hóa từ khi các lưu dân Việt Nam tới đây. Nói là Việt hóa, kỳ thật đây là sự hòa quyện giữa văn hóa Việt và văn hóa bản địa, từ phong tục, tập quán, tín ngưỡng, ngôn ngữ, đến cách sinh sống, và cách ăn mặc, vân vân. Trước khi cư dân Phù Nam tới đây, chúng ta không có sử liệu nói về phong tục tập quán của cư dân bản địa, nhưng qua cách sinh hoạt vừa kể trên, có lẽ những cư dân bản địa nầy cũng tổ chức ‘quan, hôn, tang, tế’ theo một phong cách nào đó của họ, nhưng chắc chắn họ cũng chia làm hai giai tầng: quí tộc và thường dân. Về sau nầy, khi người Việt tới đây, họ mang theo với họ phong cách nghi lễ từ miền Trung vào, chẳng hạn như về cưới gả cũng có hai cách: quí tộc và thường dân. Với tầng lớp quí tộc, gia đình họ vẫn giữ đủ tất cả các lệ trong cưới hỏi(22), trong khi người bình dân thì chỉ giữ hai lễ: lễ hỏi và lễ cưới mà thôi. Về tang tế, dù thuộc tôn giáo nào đi nữa, người ta vẫn còn thấy đa phần dân Gia Định tổ chức tang lễ theo nghi thức Nho giáo hay Phật giáo, nghĩa là ngay cả những người theo Thiên chúa giáo, họ vẫn làm lễ chịu tang(23) và làm lễ cúng cơm. Tuy nhiên, với người theo Phật giáo thì họ tổ chức lễ cúng cơm trong 49 ngày, mỗi 7 ngày một lần, vì họ tin rằng trong vòng 49 ngày đó hương linh của người mất vẫn còn lẩn quẩn đâu đó chứ chưa đi đầu thai. Về mặt tín ngưỡng, tuy phần lớn người Việt và người Hoa trên vùng đất nầy theo đạo Phật, nhưng chúng ta thấy nhan nhản khắp nơi những đình miếu theo phong cách Thuận Hóa, hoặc ngay cả những ngôi miếu có phong cách Cao Miên như miếu Ông Tà ở các vùng gần biên giới mà ngày nay đã thuộc tỉnh Tây Ninh; hoặc những ngôi miếu mang phong cách tổng hợp giữa Việt-Hoa-Miên như miếu Bà Chúa Xứ ở Núi Bà Đen(24). Về mặt giáo dục, dầu đa số người Việt và người Hoa tại đây theo Phật giáo, nhưng xứ Gia Định một thời đã được Nguyễn Ánh đặt là Kinh Gia Định khi ông ta đang trốn chạy quân Tây Sơn, nên Nho Giáo rất thịnh hành, và ‘Tứ thư ngũ kinh’ luôn là những tài liệu giáo dục hàng đầu dưới thời các chúa Nguyễn. Trong đó phải nói đến các bậc thầy của hàng sĩ phu miền Nam thời đó như Võ Trường Toản(25), Đặng Đức Thuật, một thời được người Gia Định tôn xưng là ‘Đặng gia sử phái’, Phạm Đăng Long (cha của Phạm đăng Hưng) được người Gia Định tôn xưng là ‘Kiến Hòa Tiên Sinh’.
***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét