Những Diễn Tiến Trong Lịch Sử Khai Khẩn Của Vùng Đất Mang Tên Bình Dương:
Do công cuộc khai khẩn ruộng đất của lưu dân người Việt nên vào khoảng thế kỷ thứ XVIII, nghĩa là không đầy một thế kỷ sau khi những lưu dân người Việt bắt đầu đặt chân đến vùng đất nầy, cả một vùng rừng rậm hoang vu biến thành một trung tâm sản xuất nông nghiệp và buôn bán phồn thịnh. Dầu không được các chúa Nguyễn xem là vùng đất quan trọng nên hầu như không có cơ chế chánh quyền thời phong kiến nào ở Bình Dương. Tuy nhiên, trong tiến trình Nam Tiến, vùng đất nầy đã từng là cái nôi cho sự lưu giữ và bảo tồn các ngành nghề thủ công nghệ truyền thống Việt Nam, và đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế của vùng Gia Định nói riêng, và cho cả miền Nam nói chung. Về mặt hành chánh, địa phận tỉnh Bình Dương ngày nay nguyên là tổng Bình An thuộc dinh Trấn Biên. Bình Dương nằm ngay giữa hai vùng đô hội là cù lao Phố và Bến Nghé ngày xưa. Thời đó huyện Bình Dương có 2 tổng là tổng Bình Trị và tổng Dương Hòa, huyện Tân Long có 2 tổng là tổng Tân Phong và tổng Long Hưng, huyện Phước Lộc có 2 tổng là tổng Phước Điền và tổng Lộc Thành, và huyện Thuận An có 2 tổng là tổng Bình Cách và tổng Thuận Đạo. Mặc dầu đất đai vùng nầy không tốt bằng đất đai các vùng Mỹ Tho, Long Hồ (vùng đất mà bây giờ là các tỉnh Vĩnh Long và Bến Tre), Trấn Giang(3), Trấn Di(4), nhưng tiếng tăm của nó vẫn còn vang vọng đến ngày nay: “Gạo Cần Đước, nước Đồng Nai.” Vào đầu thế kỷ thứ XVIII thì vùng Mười Tám Thôn Vườn Trầu đã có nhiều cư dân hơn tất cả các vùng khác. Đến giữa thế kỷ thứ 18, toàn vùng trực thuộc phủ Tân Bình như các vùng phía bắc và đông bắc của Sài Gòn Gia Định ngày nay, bao gồm Gò Vấp, Hanh Thông(5), Giồng Ông Tố, Phú Thọ, Hóc Môn, chạy dài lên Bình Dương, Trảng Bàng, Khê Lăng, vân vân đã trở thành những vùng đứng đầu về sản xuất nông nghiệp, nhứt là trong canh tác lúa nước. Đến đầu thế kỷ thứ XIX, hầu như đa phần các vùng đất chuyên canh đã được định hình tại các vùng trực thuộc phủ Tân Bình, như các vùng Hanh Thông và Hanh Phú(6) đã từng nổi tiếng là những xứ trồng cau của dinh Phiên Trấn. Người dân địa phương đã có kỹ thuật lấy hột cau thật nhanh và thật gọn bằng cách cứ để cho cau già và khô trên cây, rồi bóc lấy hột đem xuất cảng sang Trung Hoa và Tân Gia Ba. Tại Trung Chánh và Tân Thới Trung thuộc huyện Hóc Môn là hai nơi trồng trầu nhiều nhất trong xứ Gia Định. Theo Gia Định Thành Thông Chí thì dân ở đây đều có sản nghiệp về trầu và cau. Ngày ngày đều có từng đoàn người gánh trầu và cau xuống bán tại các chợ trong vùng Bến Nghé.
Từ năm 1698 đến nay, địa giới và địa danh Bình Dương đã thay đổi qua nhiều thời kỳ. Từ năm 1698 đến năm 1808, Bình Dương là tổng Bình An, phủ Phước Long, dinh Trấn Biên. Vào năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu mới sai Thống Suất Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược vùng đất nầy, lấy đất Nông Nại lập ra phủ Gia Định, lấy xứ Sài Gòn đặt làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn, lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên, đặc các chức giám quân, cai bạ và ký lục để cai trị. Về mặt hành chánh, mặc dầu vùng đất ngày nay chúng ta gọi là Bình Dương nằm gần Phiên Trấn, nhưng ngày đó nó thuộc tổng Bình An, trực thuộc Dinh Trấn Biên. Do vị trí tọa lạc ngoài rìa của vùng Cù Lao Phố-Bến Nghé-Gia Định, nên mãi đến cuối thế kỷ thứ XVII, Bình Dương chưa bao giờ được làm một huyện lỵ hay phủ lỵ, nên hiện nay, ngoại trừ một vài di tích văn hóa của người Minh Hương, vùng đất nầy có rất ít những thiết chế văn hóa chính thống của triều Nguyễn. Vì nằm trong vùng rừng cao nên dân cư tổng Bình An thời nầy rất thưa thớt, chỉ khoảng vài ngàn người mà thôi(7).
Từ năm 1809 đến năm 1867, Bình Dương được nâng lên thành huyện Bình An, vẫn thuộc phủ Phước Long, dinh Trấn Biên. Đúng 110 năm sau ngày quan Chưởng cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh khai sanh ra vùng Phước Long-Tân Bình, vào năm 1809, vua Gia Long cho tổng Bình An được nâng lên làm huyện Bình An(8), với 2 tổng Bình Chánh và An Thủy, gồm 119 thôn xã. Đến năm 1832, sau khi dẹp xong Lê văn Khôi, vua Minh Mạng bãi bỏ Gia Định Thành và chia miền Nam ra làm 6 tỉnh(9). Đến năm 1836, vua Minh Mạng cho lập sổ địa bạ cho tất cả các thôn làng ở miền Nam, lúc nầy huyện Bình An bao gồm những xã Phú Lợi, Phú Long, Tân Khánh, Tân Thới, Tân An, An Mỹ, Hưng Định, An Nhất Thuyền, An Thạnh, và Bình Nhan, thuộc địa phận tỉnh Biên Hòa. Đến năm 1837, vua Minh Mạng lại chia huyện Bình An ra làm hai huyện: Bình An và Nghĩa An(10). Huyện Bình An mới nầy gồm hai tổng Cửu An và Quản Lợi, địa phận nầy được giữ nguyên cho đến khi người Pháp chiếm miền Nam, vào năm 1889, ho đã lấy toàn bộ địa phận huyện Bình An để thành lập tỉnh Thủ Dầu Một. Kỳ thật, các đơn vị hành chánh và tên gọi ‘Bình Dương’ chỉ mới xuất hiện và hoàn chỉnh trên bản đồ hành chánh vào cuối thế kỷ thứ XIX mà thôi. Từ năm 1867 đến năm 1869, sau khi thực dân Pháp chiếm trọn miền Nam, họ đã chia tỉnh Biên Hòa ra làm 5 hạt, trong đó Bình An được nâng lên làm ‘Hạt’, tương đương với hạt Biên Hòa. Như vậy, kể từ năm 1867, Bình An đã hoàn toàn được tách rời ra khỏi Biên Hòa. Thời nầy, hạt Bình An có 7 tổng với 71 thôn xã, và tổng dân số khoảng 47.825 người. Đến năm 1869, thực dân Pháp sáp nhập tổng Bình Thanh Thượng(11) vào hạt Bình An và cho đổi ra làm hạt Thủ Dầu Một, lỵ sở được đặt ở thôn Phú Cường. Lúc nầy trong hạt Thủ Dầu Một có 4 ngôi chợ lớn, đó là chợ Thủ Dầu Một, chợ Mới(12), chợ Lái Thiêu, và chợ Búng(13). Thực dân Pháp lại xây dựng 4 đồn binh phòng vệ trong hạt: Thủ Dầu Một, Bến Súc, Thị Tính và Chơn Thành. Đến ngày 20 tháng 12 năm 1889, hạt Thủ Dầu Một được đổi ra làm tỉnh Thủ Dầu Một, một trong 20 tỉnh miền Nam thời đó. Thời nầy, phía Bắc tỉnh Bình Dương giáp Cao Miên. Theo Tổng Niên Giám Đông Dương vào năm 1910, diện tích tỉnh Thủ Dầu Một khoảng 2.500 cây số vuông, gồm 12 tổng, 127 xã, tổng dân số khoảng 108.631 người. Thường thì người kinh sống tập trung tại các thị trấn quan trọng như Thủ Dầu Một, Lái Thiêu, Chơn Thành, Thị Tính, Bến Súc và Bến Cát. Đến năm 1951, sau khi tái chiếm Việt Nam, thực dân Pháp cho sáp nhập quận Bà Rá của tỉnh Biên Hòa vào Thủ Dầu Một, rồi đổi tên thành quận Sông Bé. Đến năm 1953, Pháp lại chia quận Sông Bé ra làm hai quận: Sông Bé và Bù Đốp. Lúc nầy, Thủ Dầu Một gồm thị xã Thủ Dầu Một và 6 quận: Hớn Quản, Bến Cát, Dầu Tiếng, Lái Thiêu, Sông Bé, và Bù Đốp.
Tỉnh Bình Dương Ngày Nay Có Quan Hệ Gì Với Huyện Bình Dương Dưới Thời Nhà Nguyễn?
Đất Bình Dương xưa nằm trên hữu ngạn sông Sài Gòn, ngày xưa thuộc vùng đất Gia Định, đã có trên 300 năm lịch sử. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, năm 1698, chúa Nguyễn sai quan Thống Suất Chưởng Cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược đất Nông Nại, lấy đất ấy đặt làm phủ Gia Định, lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Ngay từ khi miền đất Đồng Nai mới được khai sinh thì Bình Dương đã nhanh chóng trở thành một trong 4 huyện của phủ Tân Bình. Cũng theo Đại Nam Nhất Thống Chí, năm 1790, Nguyễn Ánh ra lệnh đắp thành Bát Quái trên gò Tân Khai, tổng Bình Dương, gọi là ‘Kinh Gia Định’. Như vậy, cái tên Bình Dương đã có từ hơn 300 năm nay (1698-2010), hoặc ít nhất cũng khoảng 220 năm nay(14). Tuy nhiên, vùng đất mang tên Bình Dương cũ có dính dáng gì đến tỉnh Bình Dương ngày nay hay không? Xem xét lại tất cả những bản đồ xưa và nay, bản đồ hành chánh Miền Nam thời Việt Nam Cộng Hòa, kể cả Tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam vừa xuất bản năm 2009, chúng ta thấy phần lớn địa phận của tỉnh Bình Dương trước năm 1975 và tỉnh Bình Dương được thành lập năm 1997 đều nằm trong địa phận tổng Bình An của vùng Biên Trấn ngày trước. Tổng Bình An, nằm bên tả ngạn sông Sài Gòn, đã có từ thời quan Thống Suất Chưởng Cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Đồng Nai vào năm 1698, rồi đến năm 1808 được vua Gia Long nâng lên làm huyện, cũng thuộc Biên Trấn. Vùng đất nầy cũng gần giống với địa giới của tỉnh Thủ Dầu Một từ năm 1889 đến năm 1956. Trong khi đó, vùng Bình Dương, một trong 4 huyện của phủ Tân Bình, lại nằm bên hữu ngạn của sông Sài Gòn. Huyện Bình Dương thuộc phủ Tân Bình cách Thủ Dầu Một một khoảng cách ít nhất là 30 cây số. Như vậy hai vùng đất nầy hoàn toàn khác nhau và không dính líu gì nhau về cả hai mặt địa lý và lịch sử. Cái tên Bình Dương mà chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa đã dùng để đặt cho một tỉnh mới vừa được thành lập vào năm 1957 chỉ là một cái tên trùng hợp với tên Bình Dương bên phủ Tân Bình mà thôi. Tuy nhiên, những vùng địa giới của các tỉnh nằm về phía bắc Sài Gòn liên tục thay đổi từ khi vùng đất nầy mới được khai sinh đến nay, nên một phần đất của huyện Bình Dương thuộc phủ Tân Bình ngày xưa thì bây giờ lại trực thuộc tỉnh Bình Dương như vùng Dầu Tiếng; và vùng Nghĩa An(15) mà trước năm 1837 được tách ra từ huyện Bình An thì bây giờ là vùng Thủ Đức, một trong những quận ngoại thành của thành phố Hồ Chí Minh ngày nay.
Giao Thông Vận Tải Trong Tỉnh Bình Dương:
Về giao thông, Thủ Dầu Một đã một thời nổi tiếng với những chiếc xe thổ mộ trong thời khẩn hoang. Hồi nầy, ngoài việc đi bộ thì phương tiện giao thông bằng đường bộ duy nhất là chiếc xe ngựa. Trong quyển ‘Tự Điển Tiếng Việt Miền Nam’, Vương Hồng Sển đã giải thích về chiếc xe thổ mộ như sau: “Xe thổ mộ là chiếc xe do một ngựa kéo, dùng chở hàng hóa cho khách bộ hành vùng ngoại ô Sài Gòn, Chợ Lớn, Lái Thiêu.” Có người cho rằng cái tên gọi ‘thổ mộ’ xuất xứ từ cái tên ‘thủ dầu một’ vì người miền Nam muốn nói nhanh và nói gọn. Hiện nay vẫn còn dấu tích của những nơi sản xuất xe thổ mộ tại các vùng trong tỉnh Bình Dương, như Hóc Môn, Gò Vấp, Thủ Dầu Một và Lái Thiêu. Như vậy, ngay từ thời khẩn hoang, đường sá tại Bình Dương, nhất là đường bộ, đã được xây dựng khá tươm tất hơn các nơi khác. Đến cuối thế kỷ thứ 19, Bình Dương là nơi mà các ngành nghề thủ công phát triển rất mạnh, và người ta bắt đầu khai thác nhiều phẩm vật trong vùng Thủ Dầu Một, như gỗ trên rừng và khoáng sản, vân vân, nên chánh quyền địa phương đã phải xây đắp thêm đường sá nhằm vận chuyển hàng hóa từ đây về Sài Gòn-Gia Định. Ngày nay, tuy Bình Dương không còn nhiều xe thổ mộ nữa, nhưng âm hưởng một thời của nó vẫn còn vang vọng trong tâm tư của những người cố cựu miền Nam. Bên cạnh đó, Bình Dương rất thuận lợi về giao thông đường thủy nhờ các con sông khá lớn như sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Bé, cộng thêm những kinh rạch nối liền các con sông này, tuy không chằng chịt như vùng miền Tây, cũng khiến cho giao thông đường thủy toàn vùng rất thuận tiện và dễ dàng. Quốc lộ 1A nối liền Sài Gòn-Bình Dương-Đồng Nai, rồi sau đó đi Bà Rịa-Vũng Tàu. Ngoài ra, vùng Bình Dương còn nằm trên hai quốc lộ 13 và 14. Bình Dương là đầu cầu nối Sài Gòn với các tỉnh vùng Tây Nguyên. Quốc lộ 13 đi từ Sài Gòn lên Thủ Dầu Một, Bến Cát, ngã tư Chơn Thành, rồi lên Bình Long (An Lộc) và Phước Long, đến cửa khẩu Hoa Lư, qua Campuchia. Từ Sài Gòn đi khoảng 20 cây số, qua ngã ga Bình Triệu trên quốc lộ 13 là đến Lái Thiêu. Trên quốc lộ 13, từ Thủ Dầu Một rẽ phải qua tỉnh lộ 742, đi từ Thủ Dầu Một lên Tân Uyên, sau đó là tỉnh lộ 741 đi từ Tân Uyên lên Phú Giáo, Đồng
Xoài, Bình Long, Phước Long, Đa Kia, và Bù Đốp; và tỉnh lộ 747 đi từ Tân Uyên đến Uyên Hưng. Trên quốc lộ 13, từ Thủ Dầu Một, rẽ trái là tỉnh lộ 744(16), đi từ Thủ Dầu
Một lên Bến Súc, Dầu Tiếng, lên Tây Ninh. Trong thời chiến tranh Nam Bắc, các
vùng phía bắc Bình Dương là cửa ngỏ của Thủ đô Sài Gòn nên đã xãy ra nhiều trận đánh lớn làm tổn hại vô số nhân mạng, nhà cửa và mùa màng của dân chúng trong vùng. Đến Bình Dương chúng ta có thể đi đường liên tỉnh 741 đến các thắng cảnh của vùng Bình Long Phước Long như Lộc Ninh, Thác Mơ, núi Bà Rá, Bù Đốp, và khu hồ Sóc Xiêm, vân vân. Cũng như các vùng khác ở miền Nam, Bình Dương tuy có ít người Hoa nhưng ảnh hưởng kinh tế của họ rất lớn. Họ nắm gần hết các vựa trái cây, rau quả và lúa thóc. Họ làm chủ gần 90 phần trăm số tiệm buôn và quán ăn ở các thị tứ.
Sự Phát Triển Của Vùng Đất Bình Dương:
Tỉnh Bình Dương gồm có hai vùng đất khác nhau rõ rệt: vùng đất đỏ trồng cao su và cà phê, và vùng đất xám là nơi có đồng cỏ chăn nuôi và trồng hoa màu. Trong nhiều thế kỷ trước, những người tiên phong đi mở cõi về phương Nam không phát triển được vùng đất đỏ, nên vùng đất nầy đã ngủ yên cho đến cuối thế kỷ thứ XIX, khi một dược sĩ người Pháp tên Racoul đã mang khoảng 2.000 cây cao su từ Tích Lan về Việt Nam. Một ít được trồng thử Vườn Bách Thảo (Sài Gòn), khoảng 500 cây được trồng ở Nha Trang, khoảng 1.000 cây được trồng tại Thủ Dầu Một. Người ta nhận thấy rằng cây cao su trồng ở miền Nam còn tốt hơn cả cao su ở Tích Lan, nên từ đó các chủ đồn điền Pháp bắt đầu chuyên canh cây cao su tại vùng đất đỏ Thủ Dầu Một nầy. Ngày nay, cây cao su được coi như là một trong những loại cây công nghiệp hàng đầu của Việt Nam nói chung, của vùng Bình Dương nói riêng. Ngoài ra, dọc theo tỉnh lộ 741, người ta còn thấy rất nhiều đồn điền trồng dây tiêu(17). Vùng đất xám là vùng đồng bằng bồi đắp bởi phù sa từ các con sông Sài Gòn, Đồng Nai và Sông Bé chạy dài trên 100 cây số, tạo nên các vườn cây ăn trái và những cánh đồng màu mỡ tại vùng Lái Thiêu, nổi tiếng miệt vườn của miền Đông với các loại trái cây như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, mít, xoài, mãng cầu, vân vân. Ngoài những con sông Sài Gòn, Đồng Nai, và sông Bé chảy qua, Bình Dương còn có rất nhiều kinh rạch, tuy không chằng chịt như miền Tây, cũng đủ cung cấp nước tưới cho đồng ruộng và giao thông đường thủy. Cũng như toàn miền Đông, Bình Dương có khí hậu nhiệt đới gần miền xích đạo, nắng nóng, mưa nhiều, có hai mùa rõ rệt là mùa khô và mưa, mùa khô từ tháng 11 đến tháng 4 và mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 10, về cuối mùa mưa thường xảy ra những cơn giông rất lớn, nhưng ít bị bão tố như các tỉnh miền Tây Nam Phần. So với các tỉnh miền Tây Nam Phần, mùa mưa ở Bình Dương thường đến sớm hơn, và cường độ tia nắng và biên độ nhiệt độ cũng cao hơn, lượng nước mưa trung bình hàng năm từ 1.800 đến 2.000 mili lít. Về mùa mưa thường có gió thổi lên từ hướng tây nam hoặc nam tây nam; còn trong mùa khô thường có gió bắc. Nói chung, khí hậu Bình Dương tương đối ôn hòa, nhiệt độ trung bình quanh năm chỉ vào khoảng 27 độ C.
Trong thời kỳ kiến tạo vỏ trái đất trong vùng Đông Nam Á lại có các hoạt động của núi lửa, phun trào lên các dung nham bazan ở miền Trung bán đảo tràn xuống phía Nam kết hợp với các vật liệu rửa trôi theo tạo nên những thềm phù sa cổ thấp dần từ bắc xuống nam. Các vật liệu rửa trôi từ các thềm phù sa cổ lại được những sông suối nầy vận chuyển đến các vùng thung lũng trũng thấp khác để lập nên các vùng trầm tích và những bãi bồi, tạo nên những cánh đồng khá bằng phẳng, những bãi cát sỏi dọc theo sông Đồng Nai trong vùng Tân Uyên, cũng như những lớp đất sét trắng, đỏ và xám mà chúng ta thấy ở các vùng Lái Thiêu ngày nay. Chính nhờ các hoạt động kiến tạo của vỏ trái đất nầy đã làm lắng tụ rất nhiều lớp khoáng sản góp phần không nhỏ cho sự phát triển kinh tế của vùng đất Bình Dương ngày nay, như kaolin (cao lanh), đất sét, đá xanh, cát, sỏi, và than bùn, vân vân. Vùng Lái Thiêu đã từng nổi tiếng với đồ gốm sứ cổ truyền cũng nhờ lớp đất sét sẵn có tại đây. Hiện tại, Lái Thiêu có một trữ lượng đất sét rất lớn và có chất lượng rất tốt, từ đất sét tạp để làm gạch ngói, đến loại đất sét tốt hơn để làm các loại gốm sứ cao cấp hơn. Theo các nhà địa chất từ thời Pháp thuộc, Bình Dương có trên 100 triệu tấn Kaolin (cao lanh) chạy dài từ Tân Uyên, Bến Cát, Thuận An và Thủ Dầu Một. Đây là một loại đất sét trắng với nhiều công dụng, bao gồm sản xuất đồ gốm sứ trắng và các vật liệu cách điện rất tốt. Riêng về đất sét để làm gạch ngói thì Bình Dương đã nổi tiếng từ trước thời Pháp thuộc với những loại gạch Thủ Dầu Một và gạch Lái Thiêu có màu đỏ rực và sức chịu đựng rất cao. Bên cạnh những khoáng sản vừa kể, phải nói Bình Dương có một trữ lượng nước ngầm rất lớn. Đây là một trong những nguồn lợi vô giá của vùng đất Bình Dương vì nó chẳng những giúp giải quyết được nhu cầu nước cho dân chúng, mà nó còn giúp cho thềm thực vật trên mặt đất được xanh tươi trong mùa nắng hạn. Trên khắp các miền đất Bình Dương, hễ đào xuống khoảng vài thước tây là có nước tốt, chứ không bị lắng phèn như các giếng nước trong vùng Tháp Mười và Cần Giuộc.
Vào thời Pháp thuộc, tỉnh Bình Dương còn có tên là Thủ Dầu Một(18). Trước năm 1975, chánh quyền VNCH đổi lại là Bình Dương, nằm sát nách Sài Gòn và Đồng Nai, bao gồm các vùng đất chạy dài từ Thuận An, Bến Cát, Thủ Dầu Một, Tân Uyên, Phú Giáo, và Dầu Tiếng là phần đất của 2 huyện Bình An và Phước Chánh(19). Tỉnh Bình Dương tọa lạc về phía Đông của tỉnh Tây Ninh, là vùng đất nằm dọc theo dòng sông Sài Gòn, mà ngày trước còn có tên là sông Tân Bình, khi gần tới biển nó lại gặp sông Đồng Nai để biến thành nơi giao thủy tại khúc sông Nhà Bè ‘Nhà Bè nước chảy chia hai, ai về Gia Định Đồng Nai thì về’. Các thôn xã cặp theo hai bên bờ sông Sài Gòn cũng như các nhánh sông của nó đã được thành lập từ rất sớm. Tuy nhiên, thời trước, vùng Bình Dương không có địa thế thuận tiện cho việc phát triển thành một đô thị lớn như ở Cù Lao Phố, nên mãi đến thời Pháp thuộc, Bình Dương vẫn còn chìm trong hoang vu. Phải thật tình mà nói, dầu đất Bình Dương là quê hương của ‘Miệt Vườn’ trên cánh đồng miền Đông, nhưng Bình Dương không có những đồng lúa bạt ngàn và nghề trồng lúa nước ở Bình Dương chỉ là nghề phụ so với miệt đồng bằng sông Cửu Long. Đối với cư dân Bình Dương, sản vật từ những núi rừng bao la mới là đáng kể.
-------------------
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
-------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét