Thứ Tư, 4 tháng 4, 2018

Quanh Quẩn Chuyện Thơ Đường Luật


Đây là lá thư tôi gởi cho một Nữ Độc Giả của trang huynhhuuduc.blogspot.com, thể hiện những suy nghĩ của tôi về Luật và Lỗi trong Thơ Đường Luật. Kính  giới thiệu đến quý Độc Giả.

***
Thưa Chị,
Xin được xưng hô như thế vì chúng ta chưa biết nhau và cũng chỉ mới lần thứ hai trao đổi Email.
Trong email trước, tôi đề nghị Chị xem những bài viết liên quan đến Thơ Đường Luật của tôi trên huynhhuuduc.blogspot.com.
Hôm nay, nhận được email của Chị, Chị cho biết là càng thêm rối: "...Thơ Đường Luật được hình thành như thế nào...đã có Luật còn thêm Lỗi, sao mà khắc khe quá, như thế muốn làm bài thơ Đường Luật vừa đúng Luật, vừa tránh Lỗi, như thế thật khó cho những người yêu thích và học làm Thơ Đường Luật như tôi. Mong anh có những chia sẻ..."  
         
Cám ơn Chị tin tưởng, tôi sẽ cố tổng hợp, phân tích theo những hiểu biết của mình, để chia sẻ cùng Chị.

A - Diễn Tiến Hình Thành Thơ Đường Luật

1- Dạng Thơ Từ Triều Đại Nhà Tấn Trở Về Trước

Vào thời kỳ này, dạng thơ trong Kinh Thi là tiêu biểu. Số câu không nhất định. Số chữ cũng tùy, thường kết hợp giữa 3, 4, và 6 chữ, thông dụng là 4 chữ. Còn về gieo vần, cũng không bó buộc, chỉ cầu nghe êm mỗi khi ngâm nga là được.

Thí dụ:

 摽有梅             Phiếu Hữu Mai                 Mai đã rụng      

摽有梅              Phiếu Hữu Mai               Mai đã rụng
其實七兮          Kỳ thực thất hề               Nhưng còn đến bảy phần
求我庶士          Cầu ngã thứ sĩ,                Các chàng có muốn cưới ta               
迨其吉兮。      Đãi kỳ cát hề.                  Phải chọn ngày tháng tốt
摽有梅              Phiếu Hữu Mai                Mai đã rụng           
其實三兮          Kỳ thực tam hề                Chỉ còn có ba phần thôi           
求我庶士          Cầu ngã thứ sĩ                  Các chàng có muốn cưới ta                       
迨其今兮。      Đãi kỳ kim hề.                  Đem lễ cưới liền hôm nay            
摽有梅              Phiếu Hữu Mai                 Mai đã rụng   
頃筐塈之          Khuynh khuông k‎ý chi     Nghiêng giỏ mà lượm thôi        
求我庶士          Cầu ngã thứ sĩ,                 Chàng nào còn muốn cưới ta
迨其謂之。      Đãi kỳ vị chi.                    Chỉ cần lời nói là được rồi.      

2- Dạng Thơ Từ Triều Tấn Đến Cuối Triều Đại Nhà Tùy

Bắt Đầu triều đại Nhà Tấn, đã thấy xuất hiện thơ 5 chữ, sang đời Tùy, xuất hiện dạng thơ 7 chữ.  Tuy nhiên thơ cũng phóng khoáng trong cách gieo vần, cũng như số câu trong bài thơ.

Khen Trần Bình Trọng

Giỏi thay Trần Bình Trọng!
Dòng dõi Lê Đại Hành
Đánh giặc dư tài mạnh
Thờ vua một tiết trung.
Bắc vương sống mà nhục,
Nam quỉ thác cũng vinh
Cứng cỏi lòng trung nghĩa
Ngàn thu tỏ đại đanh

                  Phan Kế Bính

3-  Thơ Đường Luật

Vào đời Tùy, xuất hiện thuyết "Tứ Thanh Bát Bệnh" của Thẩm Ước, mục đích của ông là điều chỉnh âm thanh của câu, sao cho cân bằng giữa thanh Bằng và thanh Trắc khi làm thơ, để nghe có độ trầm bổng, du dương hơn. Thuyết này được các nhà thơ thời bấy giờ tán thưởng và đón nhận.
Dựa vào "Tứ Thanh Bát Bệnh" của Thẩm Ước, các nhà thơ cuối đời Tùy và Sơ Đường đã áp dụng vào thơ 5 và Thơ 7 chữ đời Tùy, để cho ra đời một thể Thơ Mới, đó là thơ Đường Luật. Cũng chính vì điều này nên Đường Luật Thi còn có tên gọi khác là "Thơ Cận Thể".

B - Luật và Lỗi Trong Thơ Đường Luật

1- Luật

Trải dài từ Hậu Tùy đến Sơ Đường, Luật Thơ Đường Luật xem như hoàn chỉnh. Luật thơ Đường Luật rất nghiêm khắc, gồm 5 luật: Niêm, Đối, Thanh, Vần và Bố Cục.
Nếu theo chính Luật, khi làm một bài thơ Đường Luật, rắc rối nhất là Luật ThanhLuật Đối.
Trong luật Thanh, người làm thơ phải theo đúng Bằng Trắc của Chính Luật. Do quá gò bó, nên giới Tài Tử đã du di với câu đối 5 chữ:

Nhất Tam Ngũ Bất Luận
Nhị Tứ Lục Phân Minh.

Còn Luật Đối, mới đây, tôi được biết, có một số ít trong một diễn đàn thơ đề nghị đơn giản hóa luật này. Nhưng xét ra, Đối là nét độc đáo của Đường Luật Thi, đồng thời cũng có nhiều cách đối, nên không thể bỏ được.

2- Lỗi Trong Thơ Dường Luật

Trong thời gian gần đây, giới làm thơ Đường Luật rộ lên phong trào suy diễn rộng từ thuyết Tứ Thanh Bát Bệnh, và đề nghị thêm một số điều cần tránh khị làm Thơ Đường Luật, với tiêu đề "Bệnh và Lỗi Trong Thơ Đường Luật". Số lượng Bệnh và Lỗi này không nhất định tùy theo quan điểm của người viết, người thì cho rằng 8, kẻ cho là 12, hay 20 hoặc 24...
Thú thật với Chị, tôi cũng rối luôn.
Theo Quan Điểm của một số người, có 12 Lỗi nên tránh:

1. Lạc vận 2. Thất Luật 3. Thất niêm 4. Thất đối 5. Khổ độc 6. Điệp thanh 7. Điệp điệu 8. Điệp âm 9. Trùng vận 10. Trùng từ/điệp từ 11. Trùng ý /Hiệp Chưởng 12. Phạm đề/Mạ đề

Ta thấy trong 12 lỗi này, có 4 lỗi từ 1=>4  và Lỗi thứ 9 Trùng Vận thuộc về Chính Luật trong thơ Đường Luật. Chúng ta cùng phân tích 7 lỗi còn lại .

* Khổ độc: Chữ thứ 4 và thứ 7 cùng Thanh, Có thêm ý kiến nữa là chữ thứ 3 và 5.

Thương kiếp bọt bèo trơ trọi giòng...

...Một mảnh tình riêng ta với ta

Câu trên đọc nghe trái tai, nhưng câu dưới lại không.

* Điệp Thanh: Trong câu có 3 từ liền nhau cùng Thanh:

Đứa mắc ghẻ ruồi đứa lác voi
Bao nhiêu xiêm áo cũng trơ mòi...
           (Hát Bội- Phan Văn Trị)

* Điệp Điệu: hai câu liền kề ngắt nhịp giống nhau:

...Lơ thơ / dưới núi / tiều vài chú
Lát đát / bên sông / chợ mấy nhà...

* Điệp Âm: Trong câu có 2 - 3 Từ cùng âm:

...Cỏ cây chen đá lá chen hoa...
...Thương nhà mỏi miệng cái gia gia...

Ao thu lạnh lẽo nước trong veo...
 * Điệp Tự: Trong bài thơ có hai chữ trùng nhau:

Cỏ cây chen đá lá chen hoa

Hay:
...
Lác đát bên sông chợ mấy nhà...
...
Thương nhà mở miệng cái gia gia...

* Điệp Ý: Thường bị lỗi này ở các cặp Thực và Luận:

Đánh tan tục niệm hồi chuông sớm
vỡ trần gian tiếng trưa

* Phạm Đề: Trong các câu Thực và Luận có sử dụng từ giống trên tựa của Bài Thơ
...
Ấy đã theo đuôi thời phải hít 
Còn đâu nên tấm nữa mà vơ... 
Bài Thơ: Theo Voi Ăn Bã Mía - Tản Đà. Câu 5 ( câu đầu của cặp Luận) có chữ "theo" đã dùng trên tựa bài thơ.

C- Kết Luận

Về Luật Thơ, Tiền Mộc Yêm tác giả sách "Đường Âm Thẩm Thể" nói rằng: "...Luật thơ cũng giống như kỷ luật dụng binh, pháp luật hình án, nghiêm ngặt chặt chẽ, không được vi phạm..."
Nên chúng ta không thể bỏ luật.

Về Lỗi thì thế nào?
- Trước hết ta nói về Khổ Độc. Chỉ nghe chói tai khi chữ thứ 4 và thứ 7 là Trầm Bình Thanh (thanh Bằng mang dấu huyền). Chúng ta cần tránh.
- Điệp Thanh và Phạm Đề: hai điều này không ảnh hưởng đến ý thơ, cũng như khi đọc lên vẫn có giai điệu êm ái.
- Điệp Điệu: Mọi người đều cho rằng nhịp thơ Đường Luật là nhịp 4-3. Như thế lỗi Điệp Điệu ở đây thật vô lý.
- Điệp Âm : Qua thí dụ từ Thơ của Bà Huyện Thanh Quan và Nguyễn Khuyến ở trên, Chúng ta thấy lỗi này cũng không ảnh hưởng gì.
- Điệp Ý: Có thể làm giảm cái hay trong phép Đối. Có thể bị phê bình là hạn chế từ ngữ.
- Điệp Tự: Lỗi này có thể do suy diễn từ Điệp Vận (Luật Vận trong Chính Luật). Chúng ta thấy các tiền nhân không coi đây là lỗi, nên thơ của các vị thường xuất hiện Điệp Tự. Ngày nay, chúng ta thấy có dạng thơ Song Điệp, trong một câu thơ có Từ lập lại hai lần hay là dạng thơ Nhất Thủ Thanh...vả lại, Điệp Tự còn làm rõ ý của bài thơ, và đôi khi làm câu thơ thêm hay.

Theo quan điểm của tôi, trong các Lỗi mới được biết sau này, khi làm thơ Đường Luật, chỉ nên tránh Khổ Độc và Điệp ý. Vì những điều này liên quan trực tiếp đến trầm bổng cũng như ý Thơ

Tóm lại, khi đã làm thơ Đường Luật, chúng ta chấp nhận cuộc chơi thì phải tuân theo Luật, cho dù chỉ để vui chơi hay giải trí hoặc giao lưu. Còn Lỗi trong thơ, nếu chúng không làm ảnh hưởng tới ý hay làm kém độ trần bổng du dương của thơ thì không cần phải tránh né. Thơ Đường Luật là thơ khắc khe và gò bó nhất trong các thể thơ, tại sao phải tin vào những điều vẻ vời thêu dệt thêm, như thế sẽ làm Thơ càng cứng nhắc khô khan hơn.

Thưa Chị,
Qua những gì tôi trình bày bên trên, hy vọng Chị sẽ bớt rối, và có thể mạnh dạn tập làm Thơ Đường Luật theo những gì Chị biết và hiểu.

Kính Chào Chị
Huỳnh Hữu Đức

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét