Chùa Quan Đế Bạc Liêu
Đất Trấn Di ngày trước là một trong những vùng đất
mà dòng họ Mạc ở Hà Tiên đã dày công khai phá. Chính vì vậy mà chúng ta có thể
nói mà không sợ bị sai lầm là người Hoa, nhất là những người Triều Châu, chính
là những người đầu tiên đến đây khai phá vùng đất nầy. Như chúng ta đã biết, đa
số các địa danh có sẵn tại miền Nam đều được
đọc trại ra từ tiếng Khmer. Riêng với địa danh Bạc Liêu hay “Pó Lẻo” được đọc trại ra từ tiếng Triều Châu, có nghĩa là
xóm nghèo, làm nghề chài lưới, hay đi biển, cũng đủ nói lên ảnh hưởng của người
Triều Châu trên vùng đất nầy như thế nào. Lịch sử thiên di của người Hoa đến
vùng đất Nam Kỳ có nhiều nhóm trong nhiều thời điểm khác nhau. Nhóm thứ nhất là
những người Hoa tháp tùng theo các tướng Trần Thượng Xuyên và Dương Ngạn Địch,
được chúa Nguyễn cho vào khai phá các vùng Cù Lao Phố ở Biên Hòa và Đại Phố Mỹ
Tho. Sau khi cù lao Phố bị tàn phá vì chiến tranh giữa nghĩa quân Tây Sơn và
Nguyễn Ánh thì những người Hoa bỏ về vùng Prei Nokor (về phía tây nam của vùng
Bến Nghé) để lập nên vùng Chợ Lớn ngày nay. Sau một thời gian trên dưới nửa thế
kỷ thì những người Hoa ở vùng Mỹ Tho Đại Phố đã vượt sông Tiền và sông Hậu để
đi đến khai phá vùng Trấn Di. Đồng thời tại Hà Tiên, Mạc Cửu cũng phái nhiều
đoàn đến khai phá những vùng đất phía Nam Hà Tiên. Phải nói đây là những người
Minh Hương thuộc nhóm thứ hai, họ đi theo đường biển từ Hà Tiên vòng xuống Long Xuyên (Cà Mau ngày nay), hoặc
từ Mỹ Tho họ đi lần theo các kinh rạch qua Bến Tre, Trà Vinh, và Ba Thắc. Đi
đâu đến đâu họ cũng cất chòi, lập trại, và xây dựng làng xã và đi lần đến vùng
Trấn Di (Bạc Liêu ngày nay). Đây chính là những người Hoa đi tiên phong trên
vùng đất nầy. Những lớp người Hoa đến Việt Nam đầu tiên nầy hầu hết là thanh
niên trai tráng, họ cưới vợ Việt Nam hay Khmer và nhận nơi nầy làm quê hương.
Con cháu của họ về sau nầy chính là những người mà chúng ta gọi là người Minh
Hương. Thế nhưng vào thời các chúa Nguyễn, vùng Trấn Di không được xem trọng
cho lắm vì thứ nhất là đường sá xa xôi trắc trở, thứ nhì đa số đất đai chỉ là
những hoang địa chưa được khai phá. Chính vì thế mà các chúa Nguyễn đã cậy tay
người Hoa làm những người dẫn đạo và chỉ huy trong công cuộc khai phá hoang địa
phương Nam thời đó. Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên(28), năm 1790, chúa Nguyễn hạ lệnh cho bốn dinh sửa
lại sổ tiêu bạ, kể cả những người Đường(29) thuộc các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Thượng Hải và Hải Nam
ngụ ở trong hạt. Chúa Nguyễn cũng ra lệnh cho quan Khâm sai chưởng cơ dinh
trung quân quản đạo Toàn Dũng là Trần Công Dẫn (người Hoa) cai quản toàn bộ
người Đường mới và cũ. Đến năm 1790, chúa Nguyễn sai Lâm Ngũ Quan làm tổng phủ
phủ Ba Thắc và Lư Việt Quan là tổng phủ phủ Trà Vang; đồng thời chúa Nguyễn
cũng hạ lệnh cho bốn dinh sửa lại sổ tiêu bạ, kể cả những người Đường (người
Hoa) thuộc các tỉnh Quảng Đông, Phúc Kiến, Triều Châu, Thượng Hải và Hải Nam
ngụ ở trong hạt. Lại ra lệnh cho quan Khâm sai chưởng cơ dinh trung quân quản
đạo Toàn Dũng là Trần Công Dẫn (người Hoa) cai quản toàn bộ người Đường mới và
cũ. Đến năm 1791, sai Lâm Ngũ Quan làm tổng phủ phủ Ba Thắc và Lư Việt Quan là
tổng phủ phủ Trà Vang. Hồi nầy cộng đồng người Minh Hương chẳng những góp phần
lớn trong việc khẩn hoang lập ấp, mà các chúa
Nguyễn còn sử dụng nhiều nhân tài trong những cộng
đồng Minh Hương nầy trong việc đi sứ sang Trung Hoa. Theo Đại Nam Thực Lục Tiền
Biên(30), chúa
Nguyễn Phúc Chu sai bọn Hoàng Thần và Hưng Triệt đem quốc
thư và cống phẩm sang Quảng Đông để cầu phong. Bên cạnh đó, chính những cộng
đồng người Minh Hương nầy đã cung cấp cho quân đội triều Nguyễn rất nhiều những
viên quan tài ba lỗi lạc, cả văn lẫn võ. Ngoài các vị Đô đốc tài ba như Dương
Ngạn Địch, Trần Thượng Xuyên, Mạc Cửu, Trần An Bình, Trần Đại Định, Mạc Thiên
Tứ, còn có nhiều lắm những vị quan nổi tiếng thời đó như các quan Điều khiển
Trần Công Chương, Trần Đĩnh, quan tổng binh Trần Ứng, Lâm Hức; quan Tham tướng
Mạc Tử Sanh; các quan Đại tướng quân Hà Hỉ Văn, Lương văn Anh; quan Khâm sai
tổng binh Chu Viễn Quyền, quan thống binh Trương Bát Quan, quan hiệp trấn thành
Gia Định Trịnh Hoài Đức, vân vân.
Dưới thời Thiệu Trị và Tự Đức, Nguyễn tri Phương có
đến kinh lược vùng đất nầy với chánh sách sở hữu ruộng đất rất dễ dãi, nhưng
rồi cũng không thu hút được nhiều người. Mãi đến năm 1882 khi lần đầu tiên
người Pháp làm thống kê dân số tại Bạc Liêu thì trên tổng số 25.000 dân, đã có
tới gần 5.000 Hoa kiều. Nhiều người Hoa, nhất là người Triều Châu, đều cư ngụ tại chợ Bạc Liêu và nắm vai trò chủ
động trong việc buôn bán, nên ngôn ngữ chính của vùng chợ Bạc Liêu vào thế kỷ
thứ 19 là tiếng Triều Châu. Ngay cả người Việt hay người Khmer ở bạc Liêu cũng
phải biết tiếng Tiều, nếu không thì khó lòng giao dịch trong thương mại được.
Một số không nhỏ người Triều Châu ở Bạc Liêu làm ruộng rẫy và khai thác những
vùng đất ven biển như các vùng Rẫy Chệt và Trà Ban, vân vân. Kể từ khi Bạc Liêu
được nâng lên làm tỉnh vào năm 1882 thì không những thương mãi tại đây phát
triển rất nhanh, mà các ngành nông ngư nghiệp cũng phát triển vượt bực. Chính
vì vậy mà vào khoảng thập niên 1930, những tàu buôn Hải Nam đã đưa một số không
nhỏ những thanh niên người Hoa, đủ các sắc tộc từ Hải Nam, Phúc Kiến đến Quảng
Đông và Triều Châu...đến làm lao động tại chợ Bạc Liêu. Đến năm 1964,
theo thống kê của chánh phủ VNCH, Bạc Liêu đã có gần 22 ngàn người Hoa sinh
sống, đó là chưa kể đến rất nhiều thương nhân hay những người sống trên những
ghe buôn. Rồi đến năm 1997, số người Hoa tại đây đã lên đến trên 32 ngàn người.
Cộng Đồng Người Minh Hương Tại
Các Vùng Khác:
Chùa Ông Phường 5 TP Vĩnh Long
Ngoài những cộng đồng lớn của người Minh Hương tại
các vùng Đồng Nai, Chợ Lớn, Mỹ Tho và Hà Tiên mà sự liệu còn ghi lại, chắc hẳn
hãy còn nhiều cộng đồng người Minh Hương trong những vùng khác ở Nam Kỳ, nhưng
không có tầm cỡ như những khu vực vừa kể trên. Vài năm sau khi tướng Dương Ngạn
Địch đến Mỹ Tho thì những người Minh Hương đã ổn định và an cư lạc nghiệp tại
vùng Mỹ Tho Đại Phố, tuy nhiên, sau vụ phó tướng Hoàng Tấn nổi lên giết chết
chủ tướng Dương Ngạn Địch, rồi đem quân đi đánh phá khắp nơi, một số không nhỏ
trong cộng đồng người Minh Hương trong vùng Mỹ Tho Đại Phố đã một lần nữa phải
ra đi tìm chỗ khác an toàn hơn để sinh sống. Họ đã chia làm nhiều nhóm đi về nhiều hướng, một
nhóm đi về phía đông để đến tái định cư tại vùng Lôi Lạp, nay là Gò Công(31), một nhóm đi về phía tây qua định cư tại vùng mà ngày nay là Sa
Đéc, nhóm khác đi về phía nam để tới định cư tại dinh Long Hồ(32), và một nhóm nữa đi về phía bắc để lên vùng Tầm Bôn (vùng Tân An ngày nay). Cũng như tại các vùng khác, đa số họ làm
nghề buôn bán ở các phố chợ, và tôn giáo chính của họ là Phật giáo Bắc tông.
Người Việt gốc Hoa có một đặc điểm là dù họ ở đâu, họ cũng mở trường dạy tiếng
Hoa cho con cháu của họ và dù làm gì đi nữa bên ngoài xã hội, đến khi về nhà họ
chỉ nói tiếng Hoa chứ không nói tiếng Việt. Người Việt gốc Hoa ở Vĩnh Long và
Bến Tre cũng như hầu hết người Việt gốc Hoa ở các nơi khác, họ sống co cụm
thành nhóm và lập thành những bang hội, mỗi bang có một bang trưởng lãnh đạo.
Họ sống rất đoàn kết, nếu cần thì bang của họ có thể đứng ra giúp đỡ về tài
chánh để họ cùng làm ăn vươn lên vớinhau. Chính vì vậy mà đa phần họ làm kinh tế rất mạnh. Theo Gia Định
Thành Thông Chí(33), ngoài các vùng Biên Hòa, Mỹ Tho và Hà Tiên là những địa điểm thu hút gần như toàn bộ những người Minh Hương vào giữa
thế kỷ thứ XVII, lưu dân Minh Hương còn sống rải rác khắp mìn Tây Nam Phần, từ
Mộc Hóa, Tân An, Vĩnh Long, Sa Đéc, Trà Vinh, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu
Đốc, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, vân vân. Họ đã tạo nên những cộng đồng thịnh
vượng và sinh động trong hầu hết các đô thị tại miền Nam.
Ngay từ năm 1705, sau khi Nguyễn Cửu Vân đã nạo vét
xong kinh Vũng Gù, hai nhóm lưu dân Việt và Hoa đã đổ xô đến định cư tại các
vùng ven sông Hưng Hóa(34), vùng Trường Tàu(35), vùng cửa biển Ba Lai, vùng cửa biển Mỹ Thanh(36), khu vực núi Linh Quỳnh và khu vực cảng Cần Bộ (Kampot), cách lỵ trấn Hà Tiên khoảng
165 dặm về phía tây. Năm 1731, nhân vụ quân Chân Lạp từ vùng Tầm Bôn (Tân An)
kéo lên quấy phá lưu dân ở Gia Định nên chúa Nguyễn Phúc Chu tức giận bèn xua
quân đánh chiếm các vùng Định Tường và Long Hồ và sáp nhập Định Tường vào dinh
Trấn Phiên (Gia Định), đồng thời thành lập thêm dinh Long Hồ. Cũng năm này thủ
phủ của tỉnh Định Tường tại Cái Bè được dời về bên bờ rạch Bảo Định. Năm 1753,
chúa Võ Vương cho lập đạo Trường Đồn gồm đất Mỹ Tho và Cao Lãnh, rộng đến biên
giới Cao Miên bây giờ. Từ sau những biến cố nầy, cả một vùng đất bao la bạt
ngàn về phía bắc, phía tây và phía nam của Mỹ Tho Đại Phố đã được mở ra ngay
trước mắt những người Minh Hương thích phiêu lưu nầy. Năm 1756, sau khi hai
vùng Tầm Bôn và Lôi Lạp chính thức được sáp nhập vào xứ Đàng Trong, rất nhiều
người Hoa nữa từ vùng Chợ Lớn đi xuống và từ vùng Mỹ Tho Đại Phố đi lên để tìm
đất sinh nhai tại vùng đất mới Tầm Bôn, và họ đã thành lập tại đây một cộng
đồng người Minh Hương, dầu không lớn như tại vùng Mỹ Tho và Chợ Lớn, nhưng cũng
đủ lớn để nắm hầu hết các cơ cấu thương mãi tại đây. Như vậy, tính đến năm
1757, khi vùng đất còn lại cuối cùng của Thủy Chân Lạp là phủ Tầm Phong Long
vừa được sáp nhập vào xứ Đàng Trong thì cộng đồng của người Minh Hương cũng đã
phát triển và lớn mạnh trên khắp các vùng đất phương Nam.
(Còn Tiếp)
--------------
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét