Phía Đông Nam của Vĩnh Long, về phía hạ lưu sông Cửu Long là tỉnh Trà Vinh. Trà Vinh cũng được bao bọc bởi hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang. Đây là đoạn chót của cù lao ba tỉnh Vĩnh Long Sa Đéc Trà Vinh. Trà Vinh do tiếng Khờ me “Preas Trapeang” có nghĩa là Chủng Tử Phật. Dưới thời Gia Long thì Trà Vinh thuộc trấn Vĩnh Thanh (An Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh). Sau khi chiếm trọn Nam kỳ, tướng Pháp là De la Gradière cho thành lập tỉnh Trà Vinh để tiện việc cai trị. Tuy là tỉnh mới, nhưng Trà Vinh có mức độ phát triển rất nhanh. Đất Trà Vinh cũng nằm giữa hai con sông Tiền giang (Cổ Chiên) và Hậu giang (Ba Thắc), gồm 7 quận: Châu Thành, Càng Long, Cầu Kè, Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Ngang và Duyên Hải. Về vị trí thì Bắc và Đông Bắc giáp Bến Tre, Tây và Tây Bắc giáp Vĩnh Long, Tây Bắc giáp Vĩnh Long và Cần Thơ, Tây và Tây Nam giáp Sóc Trăng, Đông giáp Bến Tre và biển Đông, Đông Nam giáp biển Đông. Về địa thế, Trà Vinh là một dãy đất hình móng ngựa ven bờ biển Đông, bao gồm vùng châu thổ được thành hình lâu đời và vùng đất trẻ mới được bồi đắp sau này. Tuy nằm trên một cù lao và gần biển hơn so với Vĩnh Long, nhưng độ cao trung bình của Trà Vinh tương đối khá cao, từ 2 đến 3 mét so với mực nước biển. Từ trên phi cơ nhìn xuống chúng ta thấy phía Đông Nam Trà Vinh như những vũng nước (những cánh đồng nhỏ hẹp xen lẫn những đầm lầy) được bao bọc xung quanh bởi những giồng đất hay cát khá cao và chạy song song với những đợt sóng của biển Đông. Trà Vinh là một dãy đồng bằng chằng chịt sông kinh rạch và được bao bọc bởi ba phía Đông Nam và phía Nam là biển, với bờ biển dài khoảng 65 cây số, còn phía Đông Bác và Tây Nam là sông Tiền và sông Hậu. Những vùng dọc theo bờ biển Trà Vinh có nơi cát bị gió biển thổi đùn lên thành những đụn cát tạo thành những giồng, xen lẫn với đất phù sa từ hai cửa sông Cổ Chiên và Ba Thắc tạo thành những cánh đồng nhỏ hẹp chạy song song với những giồng cao trông như những lượn sóng biển dọc theo miền duyên hải. Trà Vinh không có núi đồi, mà chỉ có kinh rạch chằng chịt khắp nơi. Hai con sông chính là sông Cổ Chiên và sông Ba Thắt. Sông Cổ Chiên giáp ranh với Bến Tre và đổ ra cửa Cung Hầu, còn sông Ba Thắt giáp ranh với Sóc Trăng và đổ ra cửa Định An. Ngoài ra, Trà Vinh còn có nhiều kinh rạch như kinh Bà Liêu, kinh Ba Túc, kinh Tân Lập, kinh Láng Sắc, kinh Trà Ếch, và một số kinh đào nhỏ ở vùng Bàu Sen, Láng Cháo, Cồn Cù, chạy dài từ kinh Zéro đến kinh 28. Thời Pháp mới chiếm Nam Kỳ và mới thành lập tỉnh, thì diện tích Trà Vinh khoảng 2.000 cây số vuông. Thời Việt Nam Cộng Hòa, diện tích Trà Vinh khoảng 2.226 cây số vuông với dân số khoảng trên 500.000. Tuy nhiên, hiện tại tỉnh Trà Vinh rộng hơn với diện tích khoảng 2.369 cây số vuông, và sau theo thống kê mới năm 1999, dân số Trà Vinh có gần một triệu người. Người Kinh chiếm trên 70 phần trăm, kế đến là người Khmer và người Hoa. Về khí hậu tỉnh Trà Vinh cũng như toàn thể Nam bộ chịu ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới gió mùa, vì nằm gần đường xích đạo nên Trà Vinh nóng và ẩm quanh năm và chia làm hai mùa mưa nắng rõ rệt. Tuy nhiên, vì có những giồng cát ven biển nên mùa khô (từ tháng 12 đến tháng 4) nên Trà Vinh có phần nóng hơn các nơi khác trong vùng. Về mùa mưa (từ tháng 5 đến tháng 11) thường có những đám mưa lớn và dai hơn những nơi khác, lượng nước mưa trung bình vào khoảng từ 1.400 mm đến 1.600 mm. Nhiệt độ trung bình quanh năm từ 25 đến 27 độ C. Trà Vinh nối liền với Vĩnh Long bởi liên tỉnh lộ 7A, dài 66 cây số. Ngoài ra Trà Vinh còn các tỉnh lộ 34, 35, 36 và 37 nối liền tỉnh lỵ Trà Vinh với các quận. Về đất đai, cũng như các vùng lân cận, Trà Vinh được hình bồi đắp bởi phù sa hai con sông Tiền Giang và Hậu Giang. Ven biển có nhiều đụn cát do thủy triều từ xa xưa tạo nên, dồn phù sa lại thành giồng cao hơn những vùng chung quanh. Thêm vào đó Trà Vinh có nhiều kinh rạch chằng chịt nên rất thuận tiện cho việc trồng trọt. Chính vì thế mà về nông nghiệp, Trà Vinh có đến 90% diện tích trồng lúa. Những vùng giáp với Vĩnh Long thì nước ngọt quanh năm và việc canh tác cũng giống như Vĩnh Long, còn những vùng ven biển nơi có nước pha chè (nước lơ lớ nửa mặn nửa ngọt) thì dân chúng thường cất nhà trên những giồng đất cao và làm ruộng ở những vùng đất trũng. Từ Trà Vinh đi Long Toàn, Bàu Sen, Long Khánh, Láng Cháo, Cồn Cù... nông dân thường cấy lúa trong những cánh rừng thấp, đất rất mềm, khỏi cày cuốc chi cả như những khu rừng 13, 14, 15 ở Long Toàn. Về kinh tế, ngoài việc trồng lúa, dân Trà Vinh còn trồng đủ loại cây ăn trái mang lại nhiều lợi tức như dừa, cam, quít, dưa hấu, mảng cầu, ổi, chuối, chanh, dứa, vân vân. Dọc theo các kinh rạch từ các quận Càng Long, Cầu Ngang, Long Toàn, Trà Cú, và Cầu Kè và hai bên bờ sông Cổ Chiên và Ba Thắt, người ta trồng rất nhiều cây thuốc lá và các loại đậu. Bên cạnh đó, dân các vùng liên ranh với tỉnh Vĩnh Long còn chuyên nghề trồng các loại hoa từ trúc đào, vạn thọ, cúc, lan, mộc cẩn, kim phụng, bồ điệp... Khu rừng thấp chạy dài từ Bến Giá, Ba Động, qua Long Toàn, Cồn Cù, Láng Cháo, có rất nhiều khu rừng mắm, giá, đước, vẹt, dừa nước, tràm... Ngoài ra, bờ biển Trà Vinh cũng giúp mang lại cho ngành hải sản một nguồn lợi lớn lao như tôm càng, tôm bạc thẻ, cua, sò huyết, ốc tai voi, rùa... Bên cạnh đó, nhờ có một mạng lưới kinh rạch nên nghề đánh cá và thủy sản ở Trà Vinh cũng rất phồn thịnh. Trà Vinh nổi tiếng về cá trê, cá lóc, cá rô, cá tra, cá mè, cá bống kèo, cá rô phi... Cũng như Mỹ Tho và Bến Tre, Trà Vinh là nơi mà người Triều Châu đến lập nghiệp sớm nhất (có lẽ còn trước cả thời Dương Ngạn Địch xin các chúa Nguyễn vào Mỹ Tho lập nghiệp nữa là khác). Hiện nay tại chợ Trà Vinh hãy còn rất nhiều những khu phố buôn bán của người Hoa. Đến Trà Vinh bạn không thể nào bỏ qua món điểm tâm với cơm xíu mại thật đặc sắc của người Triều Châu. Có thể nói Trà Vinh là vùng đất có nhiều người Khmer nhất ở miền Nam. Trước năm 1975, chánh quyền VNCH đã thống kê Trà Vinh có trên 200 ngôi chùa, gồm trên 140 ngôi chùa Việt, 50 chùa Khmer, và khoảng trên 10 ngôi chùa của người Hoa, có trên 50% dân số trong tỉnh Trà Vinh là người Khmer. Chính vì thế mà Trà Vinh hãy còn rất nhiều di tích văn hóa và lịch sử Khmer. Chùa của người Khmer chẳng những là nơi tín ngưỡng lễ bái theo Phật giáo Theravada, mà còn là trường học dạy chữ Khmer. Hằng năm các chùa Khmer đều tổ chức những lễ hội đặc sắc và độc đáo theo truyền thống Khmer. Tại xã Đa Lộc, về phía Nam thị xã Trà Vinh chừng 6 cây số có chùa Hang đã có gần bốn thế kỷ nay. Chùa còn có tên là chùa Mồng Rầy (Kamponynixprdle), nhưng dân địa phương quen gọi là chùa Hang, vì nó có lối kiến trúc giống như một cái hang. Chùa Angkorett Pali là một trong những ngôi chùa cổ nhất trong hệ thống chùa Khmer ở Trà Vinh. Chùa tọa lạc trên khu đất rộng trên 4 mẫu đất, nằm trong xã Nguyệt Hóa cách thị xã Trà Vinh chừng 7 cây số, ẩn mình trong những hàng cây cổ thụ quanh khuôn viên ao Bà Om. Chùa Nôdol hay chùa Cò (còn gọi là chùa Giồng Lớn), nằm trong ấp Giồng Lớn, thuộc quận Trà Cú, khoảng 40 cây số về phía Nam của Trà Vinh. Vì sân chùa rộng nên chùa là nơi cư ngụ của đủ các loại cò trắng, cò quắm, cò đầu đỏ, cò đầu vàng, cò mỏ vàng, cò mỏ đen, vân vân, vì thế mà dân trong vùng gọi là chùa Cò. Đây là ngôi chùa có nét kiến trúc độc đáo của nền văn hóa người Khmer ở Trà Vinh. Chùa được bao bọc bởi những rặng tre và những hàng cây sao cây dầu cao ngất. Chùa Samrông Ek cũng trong xã Nguyệt Hóa, nghe nói chùa đã được xây vào thế kỷ thứ 7, có thuyết khác cho rằng chùa đã được xây vào năm 1373. Nhưng ngôi chùa cũ đã hư hại hoàn toàn nên ngôi chùa mới được xây năm 1850 và trùng tu vào năm 1944. Trong chùa hãy còn lưu giữ một số tượng cổ Noria bằng đá quý và các bia khắc bằng chữ Khmer, quanh chùa có nhiều tháp mộ. Nói đến Trà Vinh người ta thường nhắc đến những thắng cảnh nổi tiếng như Ao Bà Om. Đây chẳng những là thắng cảnh của Trà Vinh mà còn của cả vùng Nam bộ. Ao nằm trong xã Nguyệt Hóa, quận Châu Thành, cách thị xã Trà Vinh chừng 7 cây số. Ao có hình chữ nhật, dài khoảng 500 mét, rộng khoảng 300 mét, nằm dọc theo quốc lộ 53. Mặt nước ao lúc nào cũng trong và phẳng lặng, xung quanh có gò cát cao với những hàng cây sao cổ thụ rợp bóng mát. Lúc toàn vùng Trà Vinh hãy còn là vùng đất mới, chung quanh có nơi còn đang bồi đắp bởi phù sa, thì ao Bà Om chính là nơi chứa nước ngọt quanh năm. Truyền thuyết kể rằng lúc đào ao Bà Om thì 2 phái nam và nữ tranh chấp (lúc Chân Lạp còn theo chế độ mẫu hệ thì người nữ phải cưới người nam), trong khi phụ nữ thì muốn nam giới phải đi cưới vợ, phải làm rể một thời gian sau ngày cưới, và sau khi cưới phải ở luôn bên nhà vợ; còn phái nam muốn người nữ phải đi cưới chồng, nên hai phía còn tranh chấp nhau mãi không thôi. Về sau thì bên nữ thách bên nam là hai bên sẽ thi đua đào hai cái ao, nếu bên nào đào xong trước thì bên đó thắng. Phái bên nào thua thì từ đó phái đó phải chịu tốn tiền cưới hỏi. Hai bên bắt đầu đào từ đầu hôm khi “sao Hôm” vừa ló dạng, đến rạng đông khi “sao Mai” ló dạng là phải ng ưng tay để chấm điểm hơn thua. Bên phái nam cầm chắc chiến thắng trong tay vì ai nấy đều lực lưỡng, sức đàn bà làm sao qua nỗi, vì thế mà họ khinh địch, không khởi công đào một lượt với bên nữ, ngược lại họ còn tụm năm tụm ba nhăm nhi ba xị đế. Bên phái nữ biết phận mình nên khi trời vừa sụp tối là họ bắt tay ngay vào việc. Đào được một lúc thì bên nữ có bà thủ lãnh tên “Om” đã dùng mỹ nhân kế dụ dỗ cho bên nam xao lãng công việc, vừa đào vừa chơi. Đến rạng sáng khi sao mai vừa mọc thì ao bên nữ đã đào xong một cái ao thật to, còn ao bên nam vẫn còn dở dang. Từ đó phái nam phải đi cưới vợ và phải ở rể. Có người bác bỏ truyền thuyết về người đàn bà tên “Om,” nhưng thôi mình đâu phải là những nhà khảo cổ chính xác. Thôi thì nhận có truyền thuyết bà “Om” cũng được, mà không nhận cũng không sao. Trải qua bao thế hệ, ao Bà Om vẫn còn tồn tại và vẫn giữ được vẻ đẹp, trong khi ao bên đàn ông ở phía bên kia chùa Âng đã bị lấp dần, dầu hiện nay vẫn còn dấu vết (cách chùa Âng chừng 1 cây số).
Ngoài ra, cách bãi biển Mỹ Long, quận Cầu Ngang chừng 3 cây số có một thắng cảnh tuyệt đẹp là Cồn Ngao. Khi thủy triều lên thì toàn bộ cồn cát chìm trong nước biển, khi thủy triều xuống thì cồn mới hiện. Không khí ở đây mát mẻ dễ chịu, đặc biệt ở đây có rất nhiều ngao nước ngọt nên người ta gọi là cồn ngao. Trên cồn có những nhà nghỉ mát được cất cao hơn mực nước biển để phục vụ du khách. Từ Trà Vinh đi khoảng 55 cây số về hướng Long Toàn, qua khỏi Bến Giá một đổi là đến Ba Động. Biển Ba Động nằm trong xã Long Hòa, huyện Duyên Hải, bãi dài khoảng 12 cây số. Không khí ở đây rất trong lành, xa xa có nhiều cồn cát trắng rất đẹp. Vào mùa hè, dân các vùng Sa Đéc Vĩnh Long thường hay về đây nghỉ hè và tắm biển. Có lẽ đây là vùng biển duy nhứt trong vùng biển phía Nam có cát trắng nước xanh. Không khí ở đây rất trong lành, nên thời Pháp thuộc, họ đã cho xây nhà nghỉ mát, dành cho các quan chức đến đây nghỉ mát và tắm biển. Vùng biển Bến Giá, Ba Động, Long Toàn, Giồng Trôm, Cồn Cù, Láng Cháo... còn một thứ đặc sản rất đặc biệt mà không nơi nào khác có được, đó là món “mắm rươi”. Rươi là một loại “rít biển” (nói nôm na theo dân địa phương), rươi thường sống trong những đám dừa nước, đến mùa “rươi” hay mùa nước lớn thì từng đám “rươi” không biết là hàng tỷ tỷ con trôi theo con nước. Dân địa phương chỉ việc dùng vợt để vớt “rươi” rồi bỏ chúng vào những lu nước muối để sẵn dưới ghe, rồi đưa về nhà phơi nắng, phơi khoảng một mùa nắng là ăn được. Người ta còn dùng rươi để nấu nước mắm rất ngọt và thơm, ngon hơn nước mắm cá biển nhiều. Phẩm chất cua và cá kèo Trà Vinh không thua bất cứ vùng nào quanh miền biển Nam Việt. Dân địa phương thường nấu cá kèo với mắm rươi, người ta nói thời Gia Long tẩu quốc thì đây là món mà ông ta thích nhất, nên dân trong vùng còn gọi mắm rươi là “mắm ngự.” Trà Vinh không những là quê hương của đủ loại cá biển, mà nó còn là quê hương của những đìa cá nước ngọt đủ loại từ cá lóc, cá rô, cá trê trắng, trê vàng... và đủ các loại rắn, trăn, rùa, kỳ đà, lươn, chạch. Ngoài ra, ba khía Trà Vinh cũng nhiều và không thua gì ba khía Bạc Liêu hay Cà Mau. Cũng như các vùng khác ở đồng bằng sông Cửu Long, Trà Vinh chằng chịt những kinh rạch nên hầu hết dân chúng trong vùng di chuyển đi lại bằng đường thủy, và lực lượng ghe thuyền của Trà Vinh cũng đáng kể. Tuy nhiên, hệ thống đường bộ của Trà Vinh cũng nhiều. Trà Vinh có đường trải đá và tráng nhựa đi các nơi như tỉnh lộ 35 từ Trà Vinh đi Bắc Trang, tỉnh lộ 36 từ Trà Vinh đi Trà Cú, tỉnh lộ 6 từ Trà Vinh đi Mặc Bắc, liên tỉnh lộ số 7 từ Trà Vinh về Vĩnh Long... Nguồn lợi chủ yếu của Trà Vinh vẫn là lúa gạo, nhưng nghề rẫy và sản xuất rau quả tại đây những vùng đất giồng cũng phát triển mạnh. Ngoài ra, ngành hải sản cá khô, tôm khô, cũng như các loại cua, ghẹ... sản xuất dư dùng trong tỉnh và xuất cảng đi Sài Gòn và các vùng phụ cận. Thị xã Trà Vinh nằm bên bờ rạch Trà Vinh, cách bờ sông Cổ Chiên (sông Tiền Giang) khoảng 3 cây số. Từ Trà Vinh đi Vĩnh Long khoảng 66 cây số. Từ Trà Vinh đi Sài Gòn qua ngã Vĩnh Long là 202 cây số, tuy nhiên, nếu đi ngã Bến Tre và Mỹ Tho, Trà Vinh chỉ cách Sài Gòn có 110 cây số mà thôi. Trà Vinh là vùng cây cối xanh tươi quanh năm, kênh rạch dọc ngang chằng chịt, với những giồng cát liên tiếp nhau như sóng biển, vì thế mà phong cảnh Trà Vinh rất hữu tình và thơ mộng với ruộng đồng chen lẫn vườn cây, đụn cát chạy dài trên các giồng. Đây là vùng đất mà trên đó ba sắc dân Việt, Khmer và Hoa sống với nhau rất hài hòa. Chính vì thế mà lễ hội ở Trà Vinh cũng mang một sắc thái đặc biệt hơn những nơi khác. Người Việt và người Hoa thường sống chen lẫn nhau tại thành thị, còn người Khmer thường sống quanh các chùa, trong các thôn làng có nhiều cây to. Dân tộc Khmer có những lễ hội rất đặc sắc quanh năm, như lễ đón năm mới (Chôl Chnam Thmây), tức là Tết của cộng đồng người Khmer, được tổ chức vào giữa tháng 4 dương lịch. Lễ cúng ông bà (lễ Đôlta), cũng là một torng những lễ lớn của người Khmer, được tổ chức vào 3 ngày mỗi năm từ ngày 29 tháng 8 đến mồng 1 tháng 9 âm lịch. Lễ cúng trăng (lễ Ooc Om Bok) và hội đua ghe ngo vào ngày 15 tháng 10 âm lịch. Người Khmer tổ chức lễ cúng trăng để tưởng nhớ đến công ơn của mặt trăng, vì họ coi mặt trăng như một vị thần điều tiết mùa màng, đã giúp họ làm ăn khá giả trong suốt năm, trong lễ cúng trăng người Khmer còn tổ chức lễ đua ghe ngo rất hào hứng. Mỗi khi Phum hay Sóc cần xây dựng cầu, đường, chùa chiền hay trường học, hoặc các công trình lợi ích chung khác, họ thường tổ chức lễ dâng bông để quyên góp tiền bạc của dân chúng trong vùng. Thường thì các sư sãi đứng ra làm chủ lễ cầu nguyện, và các địa phương thường rước các đám hát về giúp vui cho dân địa phương. Người Việt chúng ta có đám cúng giỗ kỵ để tưởng nhớ người thân đã qua đời, thì người Khmer cũng có lễ dâng phước. Bên cạnh những lễ hội của người Khmer, người Việt và người Hoa có lễ hội cúng biển Mỹ Long (quận Cầu Ngang) hay lễ hội Nghinh Ông. Hằng năm lễ cúng biển được tổ chức tại Miếu Bà Chúa Xứ trong ba ngày, từ mồng 10 đến 12 tháng 5 âm lịch. Trong ba ngày này rất nhiều nghi lễ được tiến hành rất trang trọng, như lễ nghinh Ông Nam Hải (trên thuyền là những vị thần hóa trang Quan Công, Châu Xương, Quan Bình), lễ rước Bà Chúa Xứ, lễ rước Cậu, lễ Nghinh Ông (rước cá ông để tỏ lòng biết ơn đã cứu vớt tàu thuyền khi lâm nạn), lễ tế Thần Nông, lễ chánh tế, lễ nghinh ngũ phương đi bộ vòng quanh thị trấn, và nhiều trò chơi dân gian như nhẩy bao, kéo dây, bắt cá kèo hay cá bống. Lễ hội được kết thúc với việc đưa tàu thuyền ra biển. Lễ cúng biển được bắt đầu từ năm 1937, do dân làm nghề biển tổ chức, với mục đích cầu an. Nhưng về sau này, lễ cúng biển đã lôi kéo nhiều người từ các địa phương xa khác trong tỉnh, nên càng ngày lễ hội càng thêm náo nhiệt và có tính cách đại chúng hơn. Dưới đây là một số hình chụp tại tỉnh Trà Vinh của một số nhiếp ảnh gia người Pháp từ năm 1925 đến năm 1945 sưu tập được từ các Công Báo Hành Chánh Nam Kỳ từ năm 1862 đến năm 1945 (Bulletin Administratif de la Cochinchine 1862-1945). Dầu hình ảnh không được rõ ràng, nhưng người viết bài này vẫn mong rằng đây là những hình ảnh kỷ niệm những sinh hoạt của một thời còn dưới sự cai trị của người Pháp
***
Để tiện theo dõi "Về Miền Tây", kính mời Quí Vị mở Link bên dưới:
http://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_60.html
http://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_60.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét