Thứ Sáu, 25 tháng 8, 2017

Từ Vùng Đất Biên Đến Tỉnh Biên Hòa-Đồng Nai - P1 (Đất Phương Nam TT)

                                             Ga Biên Hoà

Tổng Quan Về Vùng Biên Hòa Của Xứ Đàng Trong:

Năm 939, dưới thời nhà Ngô thì vùng biên trấn của Đại Việt là vùng Thanh Hóa. Đến năm 1069, vùng biên trấn xuống đến Quảng Bình và Quảng Trị. Năm 1307, sau khi nhà Trần gả công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm thì vùng địa đầu biên trấn của Việt Nam được thêm hai châu Ô-Lý, mở rộng đến Thừa Thiên. Năm 1425, đến Thuận Hóa. Năm 1471 đến Qui Nhơn. Năm 1611 đến Phú Yên(1). Năm 1653 đến Nha Trang. Vào năm 1658, dưới thời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, quốc vương Cao Miên là Nặc Ong Chân đem quân qua đóng tại Mô Xoài, tức vùng Bà Rịa sau nầy, nằm về phía Nam của vương quốc Champa thời đó, gần tới thành Khánh Hòa, Phú Yên. Từ thành Mô Xoài, quân của Ông Chân liên tục xâm phạm vùng biên trấn Phú Yên, chúa Hiền bèn sai Phó tướng quân Yến Vũ Hầu, Tham mưu Minh Lộc Hầu, Tiên phong Cai Đội Xuân Thắng Hầu đem 3.000 quân đi trong 2 tuần là đến thành Mô Xoài (Bà Rịa) của nước Cao Miên. Quân ta phá thành và bắt sống Nặc Ong Chân, giải về Quảng Bình. Tuy nhiên, chúa Hiền ra chỉ dụ xá tội cho Ong Chân, phong làm Cao Miên Quốc Vương, rồi cho quan quân đưa về Chân Lạp. Đến năm 1674, theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, vua nước Cao Miên là Nặc Ong Nộn bị Nặc Ong Đài đánh đuổi phải chạy sang lánh nạn ở xứ Đàng Trong. chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần bèn sai tướng Dương Lâm Hầu ở dinh Thái Khang, làm Thống suất và Tham mưu Diên Phái Hầu làm Hiệp lý biên vụ, đưa quân tiến đánh Chân Lạp. Vào mùa hè năm 1674, quân ta phá được 3 thành: Sài Côn, La Bích và Nam Vang. Nặc Ong Đài thua chạy vào rừng rồi chết ở đó. Nặc Ong Thu(2) xin hàng với xứ Đàng Trong. Tháng 6 năm 1674, chúa Hiền nghị sự với triều đình và phê chuẩn cho Nặc Thu làm Chính vương Cao Miên, vì là dòng đích. Nặc Thu đóng dinh tại thành Vũng Luông; trong khi Nặc Nộn được làm Phó vương, đóng dinh tại thành Sài Côn. Đến năm 1693 thì vùng địa đầu biên trấn của Việt Nam được mở rộng xuống đến Bình Thuận. Tuy nhiên, trước đó vào năm 1680, chúa Nguyễn đã ưng thuận cho các di thần nhà Minh đi khẩn hoang tại các vùng hoang địa của vùng Đồng Nai và Mỹ Tho.
Theo Đại Nam Nhất Thống Chí thì Biên Hòa có lẽ là nước Bà Lị ngày xưa, sau là Bà Rịa và Đồng Nai. Trong Đường Thi, nước Bà Lị nằm về phía nam của Chiêm Thành về sau bị Chân Lạp thôn tính. Trong lịch sử Nam Tiến, hai sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử Nam Tiến vào thế kỷ thứ XVII(3) đã làm thay đổi hoàn toàn cục diện của cả vùng đất phương Nam. Thứ nhất là công nữ ngọc Vạn về làm hoàng hậu xứ Chân Lạp vào năm 1620; và thứ nhì là quan Thống Suất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược hai xứ Đồng Nai và Gia Định vào năm 1698. Sau hai biến cố lịch sử nầy, xứ Đàng Trong bắt đầu chính thức thiết lập bộ máy hành chánh trên vùng đất nầy. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, năm 1620 sau khi đoàn tùy tùng theo công nữ Ngọc Vạn về Oudong thì những lưu dân người Việt từ các tỉnh miền Trung cũng bắt đầu xuôi Nam lập nghiệp. Riêng sử Khmer đã ghi lại một cách không mấy thân thiện rằng sau khi lên ngôi vua Chey Chetta II đã cho xây cung điện nguy nga tại Oudong rồi cử hành lễ cưới long trọng với một nàng công nữ xinh đẹp của Việt Nam. Hoàng hậu Sam Đát, tên Khmer của công nữ Ngọc Vạn, người đã đem theo nhiều đồng hương sang Cao Miên. Trong số nầy có người làm quan trong triều, có người làm nghề thủ công, có người buôn bán, vân vân. Theo hồi ký của giáo sĩ người Ý tên Christofo Borri, đã từng sống tại Qui Nhơn từ năm 1618 đến năm 1622, chúa Nguyễn đã viện trợ cho vua Chân Lạp cả tàu thuyền và binh lính để chống lại quân Xiêm. Christofo Borri cũng chép lại cuộc tiễn đưa công nữ Ngọc Vạn sang Oudong như sau: “Sứ bộ gồm khá đông người, cả quan lẫn lính, vừa nam vừa nữ, chuyên chở trên những chiếc thuyền lớn bị vũ khí và bày trí lộng lẫy. Khi sứ bộ tới kinh đô Oudong, thì dân chúng Khmer, thương nhân Bồ Đào Nha, Nhật Bản và Trung Hoa đã tụ họp đông đảo để đón tiếp và hoan nghênh.” Hai năm sau, tức vào năm 1623, vua Chey Chetta II chấp thuận cho xứ Đàng Trong thiết lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor và Kas Krobei(4). Đây chính là hai tụ điểm quan trọng trong việc khai sanh ra Biên Trấn Biên Hòa sau nầy. Khi những lưu dân Việt Nam phiêu lưu đến đây thì vùng nầy đã có những bộ tộc cổ cư trú tại đây, đông nhất là bộ tộc Stiêng, thuộc họ Nam Á, nhưng thuộc nhóm Môn-Khmer(5). Các bộ tộc Mạ, Cho Ro, M’Nông(6). Ngoài ra, còn có người Champa, Chu Ru và Raglai, thuộc họ Nam Đảo, sống rải rác từ cao nguyên Lâm Đồng qua Bình Phước. Để rồi đến năm 1698, đời vua Lê Hy Tông, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh vào làm Kinh Lược, lấy xứ Lộc Dã, tức Đồng Nai lập thành huyện Phúc Long (Phước Long), đặt dinh Trấn Biên, chiêu mộ lưu dân của các vùng Quảng Bình trở vào Nam vào lập thôn ấp. Đối với lịch sử Nam Tiến của Việt Nam, từ “Biên Trấn” có một ý nghĩa rất đặc biệt. “Biên Trấn” là vùng đất địa đầu nơi biên địa. Như vậy kể từ năm 1698, vùng đất Biên Hòa Nông Nại biến thành vùng địa đầu biên trấn của Đại Việt.

Cấu Tạo Địa Chất Vùng Đồng Nai-Biên Hòa:

Hồi đó xứ Đồng Nai hay huyện Phước Long hoặc dinh Trấn Biên là một vùng đất bao la bạt ngàn chạy dài từ Biển Đông, tức vùng Bà Rịa đến bên bờ tả ngạn sông Sài Gòn, tức sông Tân Bình ngày đó. Về phương diện địa chất học, vùng Đồng Nai-Biên Hòa được xếp vào các tỉnh miền Đông Nam Kỳ. Vùng Đồng Nai-Biên Hòa là vùng đất tiếp giáp giữa miền Nam cao nguyên Trung Phần và Nam Phần. Đây là vùng tiếp giáp giữa các tỉnh cao nguyên đất đỏ như Lâm Đồng và Bảo Lộc. Đây là vùng đất chủ yếu của miền hạ lưu sông Đồng Nai và các phụ lưu của nó. Vì là vùng chuyển tiếp của cao nguyên Trung Phần nên vùng Đồng Nai-Biên Hòa có địa hình thấp dần từ Bắc đến Nam và các cửa sông ở vùng Tây Nam. Tuy vùng vùng Đồng Nai-Biên Hòa không phải là vùng hoàn toàn đất đỏ như các vùng Bình Long và Phước Long, nhưng nó cũng nằm trong vùng đất đỏ với một nét đặc sắc riêng biệt, vì đây là vùng chuyển tiếp từ vùng rừng núi của cao nguyên Nam Trung Phần sang vùng đồng bằng sông nước miền Nam. Trên mười ngàn năm nay, vùng này được bồi đắp bởi phù sa đất đỏ của sông Đồng Nai lên vùng nham thạch cổ của một vùng núi lửa đã ngưng hoạt động từ lâu. Đây tuy không phải là vùng bạt ngàn những rừng cao su và những núi đồi ngút ngàn, nhưng vùng nầy cũng có những dòng sông ngắn với đỏ ngầu phù sa, và đất đỏ bụi mù về mùa nắng, nhưng lầy lội về mùa mưa. Tuy có địa hình tương đối bằng phẳng nhưng về phía Bắc Đồng Nai hãy còn nhiều ngọn núi mồ côi(7) và có khuynh hướng thấp dần theo hướng Bắc Nam. Riêng các vùng đất nằm về phía Bắc như Phú Lý, Cát Tiên và Núi Tượng giữa các sông Mã Đà, Sà Mách, Đồng Nai và La Ngà... Ngoài núi Tượng, vùng nầy còn có những ngọn núi khác có độ cao từ 200 đến 800 mét. Đây là phần núi cuối cùng còn sót lại của dãy Trường Sơn, nằm rải rác giữa Lâm Đồng và Tân Phú, cũng như trong các vùng Định Quán và Xuân Lộc. Đây là vùng đất đỏ, một vùng đồi núi chạy dài từ biên giới Việt Miên đến Long Thành, Phước An và ra tận biển Đông, từ Phước Chánh qua Bình An(8), qua vùng Đồng Nai cho đến Bà Rịa và Vũng Tàu. Vùng này có các con sông lớn như Sài Gòn, Đồng Nai, và sông Bé, chảy qua miền đất đỏ mang nét đặc sắc riêng biệt là sự pha trộn chuyển tiếp từ miền núi đồi đất đỏ của cao nguyên Trung phần đến những cánh đồng bạt ngàn của miền Tây. Miền Đông với những rừng cao su bạt ngàn, những núi đồi chạy dài với những dòng sông đỏ ngầu đất phù sa. Đây còn là một vùng đất đầy sức sống của dân tộc Việt Nam trong những ngày đầu Nam tiến. Bắt đầu từ Đồng Nai, mảnh đất có chiều dài lịch sử mới hơn 300 năm nhưng mang đầy vết chân kiêu hùng của những người đi mở nước. Toàn vùng phía Bắc và Đông Bắc của vùng Đồng Nai-Biên Hòa có loại đất đen và đất đỏ với độ màu mỡ cao, chiếm khoảng 39,1 phần trăm diện tích toàn vùng, rất thích hợp cho các loại cây công nghiệp như cao su, trà, cà phê và hạt tiêu... Càng về phía Nam, địa hình đất đai càng trở nên thấp dần với những đồi núi thấp với độ cao từ 20 đến 200 mét. Phần lớn đất đai của vùng nầy được bồi đắp bởi lớp phù sa cổ có màu đỏ vàng và xám. Dọc theo các bờ sông, địa hình đất đai chỉ có độ cao từ 5 đến 10 mét, hoặc có nơi chỉ cao từ 2 đến 5 mét mà thôi. Thế đất nầy trũng dần giữa các nhánh sông và tạo thành từng dãy đất hẹp có chiều rộng thay đổi từ vài chục mét đến vài cây số. Về phía Nam của vùng Biên Hòa như các vùng Long Thành và Nhơn Trạch... là vùng trũng nằm trên trầm tích đầm lầy của vùng biển cổ, có nơi thấp hơn cả mực nước biển trung bình. Đất ở đây có màu bùn đen(9). Đây là loại đất thích hợp cho việc trồng các loại cây như đậu, mè, và cây hạt điều... Riêng đất đai về phía Nam, dọc theo các bờ sông Mã Đà, Sà Mách, Đồng Nai và La Ngà thuộc vùng phù sa mới, đất cát... rất thích hợp cho việc trồng các loại cây lương thực, rau quả và các cây hoa màu khác. Nói chung, đa phần địa hình của vùng Đồng Nai-Biên Hòa có độ dốc khoảng 15 độ, chỉ có khoảng dưới 8 phần trăm có độ dốc trên 15 độ mà thôi. Vùng Đồng Nai-Biên Hòa có nhiều nhóm đất khác nhau, như đất xám chiếm khoảng 40 phần trăm diện tích toàn vùng; đất đen chiếm 22 phần trăm; đất đỏ chiếm 19 phần trăm. Ngoài ra, còn khoảng 5 phần trăm đất phù sa bùn dọc theo các bờ sông.

Những Người Minh Hương Tiên Phong Đi Khai Phá Vùng Nông Nại:

Tưởng cũng nên nhắc lại, đến năm 1693 thì vùng địa đầu biên trấn của Việt Nam được mở rộng xuống đến Bình Thuận. Tuy nhiên, trước đó vào năm 1679, chúa Nguyễn đã ưng thuận cho các di thần nhà Minh đi khẩn hoang tại các vùng hoang địa của vùng Đồng Nai và Mỹ Tho. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức: “Tháng 4 năm 1679, quan Tổng binh thủy lục trấn thủ các xứ ở Long Môn, thuộc hai tỉnh Quảng Tây và Quảng Đông của nước Đại Minh là Dương Ngạn Địch và Phó tướng Hoàng Tiến; quan Tổng binh trấn thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thắng Tài, cùng Phó tướng là Trần An Bình, dẫn quân binh và gia nhân hơn 3.000 người cùng 50 chiến thuyền vào kinh bằng hai cửa Tư Dung và Đà Nẳng(10). Sớ tâu lên rằng những người nầy tự xưng là người nhà Minh bỏ trốn đi, họ thề quyết tận trung với nước, nhưng nay đã thế cùng lực tận, vận nhà Minh đã dứt, họ không thể thần phục Thanh triều, nên chạy sang nước Nam, nguyện được làm dân mọn. Lúc ấy hư thực chưa rõ, vả lại, họ ở xa mới đến, y phục và ngôn ngữ bất đồng, nhất thời thật khó giải quyết. Nhưng họ đang cùng quẫn mà chạy sang, lại bày tỏ lòng trung thực, về nghĩa cũng không thể từ chối được. Vả lại, xứ Đông Phố đất đai màu mỡ có đến ngàn dặm, mà triều đình chưa rảnh rỗi để lo liệu, chi bằng tận dụng sức lực của họ, giao cho họ khai hoang đất đai để ở, ấy cũng là một cách làm mà được nhiều điều lợi. Nghĩ vậy, triều đình mới tổ chức khao đãi ân cần, rồi chuẩn y cho giữ nguyên chức hàm, phong cho quan tước rồi lệnh cho tới Nông Nại(11) làm ăn, gắng sức khai thác đất đai. Mặt khác, triều đình còn hạ chỉ dụ cho quốc vương Cao Miên biết việc nầy để không xảy ra chuyện ngoài ý muốn.(12) Đến năm 1698, một biến cố lịch sử quan trọng đã xãy ra khi chúa Nguyễn sai quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh(13) làm quan kinh lược tại vùng Mô Xoài Bà Rịa. Nghĩa là năm 1698, Nguyễn Hữu Cảnh chính thức khai sanh vào sổ địa bạ của xứ Đàng Trong toàn thể vùng đất Gia Định xưa vốn thuộc vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VI, rồi sau đó trực thuộc vương quốc Chân Lạp. Kỳ thật, trên thực tế đây là vùng đất đã bị bỏ hoang ngay từ khi vương quốc Phù Nam vừa bị tiêu diệt cho đến cuối thế kỷ thứ XVI, đầu thế kỷ thứ XVII, khi những lưu dân cùng khổ người Việt lác đác đến đây tìm lẽ sống, rồi sau đó là cuộc Nam Tiến của dân tộc Việt Nam. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức: “Gia Định xưa nguyên là đất của Chân Lạp (Chenla)(14). Đây là vùng đất phì nhiêu màu mỡ, địa lợi có đủ ruộng đồng, đầm phá, sông biển; muối, lúa, đậu rất nhiều. Các tiên hoàng liệt thánh triều ta chưa rảnh để mưu tính việc xa nên tạm để đất nầy cho Cao Miên ở, đời đời xưng là Nam Phiên, lo việc triều cống không bao giờ dứt.” Đây cũng là lần đầu tiên xứ Đàng Trong thiết lập bộ máy hành chánh trên vùng đất nầy. Năm 1698 cũng là năm vùng đất Biên Hòa Nông Nại biến thành vùng địa đầu biên trấn của Đại Việt. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, năm 1620 sau khi đoàn tùy tùng theo công nữ Ngọc Vạn về Oudong thì những lưu dân người Việt từ các tỉnh miền Trung cũng bắt đầu xuôi Nam lập nghiệp. Riêng sử Khmer đã ghi lại một cách không mấy thân thiện rằng sau khi lên ngôi vua Chey Chetta II đã cho xây cung điện nguy nga tại Oudong rồi cử hành lễ cưới long trọng với một nàng công nữ xinh đẹp của Việt Nam. Hoàng hậu Sam Đát, tức công nữ Ngọc Vạn, đã đem theo nhiều đồng hương sang Cao Miên. Có người làm quan trong triều, có người làm nghề thủ công, có người buôn bán, vân vân. Theo hồi ký của giáo sĩ người Ý tên Christofo Borri, đã từng sống tại Qui Nhơn từ năm 1618 đến năm 1622, chúa Nguyễn đã viện trợ cho vua Chân Lạp cả tàu thuyền và binh lính để chống lại quân Xiêm. Christofo Borri cũng chép lại cuộc tiễn đưa công nữ Ngọc Vạn sang Oudong như sau: “Sứ bộ gồm khá đông người, cả quan lẫn lính, vừa nam vừa nữ, chuyên chở trên những chiếc thuyền lớn có trang bị vũ khí và bày trí lộng lẫy. Khi sứ bộ tới kinh đô Oudong, thì dân chúng Khmer, thương nhân Bồ Đào Nha, Nhật Bản và Trung Hoa đã tụ họp đông đảo để đón tiếp và hoan nghênh.” Hai năm sau, tức vào năm 1623, vua Chey Chetta II chấp thuận cho xứ Đàng Trong thiết lập hai đồn thu thuế tại Prei Nokor và Kas Krobei(4). Đây chính là hai tụ điểm quan trọng trong việc khai sanh ra Biên Trấn Biên Hòa sau nầy.

***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html
*** 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét