Thứ Hai, 8 tháng 9, 2014

Đêm Trung Thu Không Trăng Thơ Nôm Đời Hồng Đức

  "ĐÊM TRUNG THU KHÔNG TRĂNG"  
Một bài thơ Nôm thời Hồng Đức 

Sách Công Dư Tiệp Ký của Vũ Phương Đề ghi chép về Bảng nhãn Nguyễn Toàn An, có đoạn viết:  

Ông người làng Thời Cử, huyện Đường An (nay thuộc huyện Mỹ Văn, tỉnh Hải Hưng), thuở hàn vi phải sung làm lính cắt cỏ nuôi ngựa trong cấm cung.  
Một đêm trung thu, vua Lê Thánh Tông cùng quần thần hội họp trước sân điện đón trăng. Chẳng ngờ đêm ấy trăng thu không tỏ, nhà vua bèn ra đề: “Đêm Thu Vô Nguyệt” (Đêm trung thu không trăng), sai các quan ngâm vịnh. Bữa ấy Nguyễn Toàn An đến phiên hầu tiệc, ông cảm xúc nảy nở ra tứ thơ, bèn mạnh dạn dâng lên. Bài thơ có hai câu thơ kết là:  
“Mạc bả kim phiên nhàn kiến nguyệt. 
Lai thu vọng nguyệt, nguyệt di cao”. 

Phần cuối tác giả cho biết, bài thơ nguyên làm bằng quốc âm, ở đây dịch ra Hán văn.  Nguyên văn là: 

“Chớ thấy phen này mà rẻ nguyệt. 
Thu sau trông nguyệt, nguyệt càng cao”. 

Nhờ bài thơ này Nguyễn Toàn An được vua ban thưởng cho rất hậu, lại cho giải ngũ về nhà theo việc đèn sách. Năm Nhâm Thìn niên hiệu Hồng Đức thứ 3 (1472) ông thi đỗ Bảng nhãn. Các sách biên soạn đời sau như Liệt Huyệt Đăng Khoa Lục, Hải Dương Phong Vật Chí, Tam Khôi Bí Lục, Giai Thoại Văn Học Việt Nam… đều chép theo như vậy. 

Đêm thu vô nguyệt 

Lề la vặc vặc rạng tơ hào, 
Phải mịt mù nay vì cớ sao? 
Nhân bởi hắc vân(2) ngất phủ, 
Há rằng ngọc thỏ(3) hèn sao. 
Hằng nga(4) chiếm lấy làm song viết(5) 
Thục đế tuồng ni(6)dám ước ao, 
Mựa dắng(7) đêm nay trăng thấy nguyệt, 
Thu qua đông đến quế(8) càng cao.

                            Nguyễn Toàn An 

 CHÚ THÍCH 

(1) Hiện ở Thư viện Hán Nôm có bản chép tay, ký hiệu A.640 
(2) Hắc vân: mây đen. 
(3) Ngọc Thỏ: Chỉ mặt trăng. Tương truyền trên cung trăng có con thỏ ngọc giã thuốc, nên thơ văn cổ thường dùng hình tượng con thỏ để chỉ mặt trăng. 
(4) Hằng nga: Tên nhân vật trong truyền thuyết cổ đại của Trung Quốc. Tương truyền Hậu Nghệ, chồng của Hằng nga được tiên cho viên thuốc trường sinh bất lão, dự định sẽ cùng vợ chia hưởng. Chẳng dè, một hôm Hậu Nghệ đi vắng, Hằng Nga lấy trộm thuốc của chàng uống vào rồi bay lên cung trăng. 
(5) Song viết: Chưa rõ nghĩa. Ở đây là phiên âm Hán Việt theo một chữ. 
(6) Thục đế tuồng ni: nguyên bản viết là 蜀 帝 從 尼 chúng tôi chưa rõ là nói về điều gì, tạm phiên theo mặt chữ. 
(7) Mựa dắng: Tiếng cổ có nghĩa là “chớ nên bảo rằng”. 
(8) Quế: Chỉ mặt trăng. 

Nguyễn Đăng

Nguồn: Tạp chí Hán Nôm số 2/1988

------  


Huỳnh Hữu Đức Sưu Tầm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét