Thứ Sáu, 3 tháng 5, 2019

Tây Ninh Phần 3



Di Tích Lịch Sử Trong Tỉnh Tây Ninh:
Về di tích lịch sử thì Tây Ninh hãy còn rất nhiều dấu tích của người Miên, cách Gò Dầu Hạ chừng 10 cây số có tháp Prey Prasath Onkong (Ông Công), tại 2 xã Long Khánh và Long Thuận còn 4 ngôi tháp cổ, tại Hiệp Ninh có một nền tháp cổ, tại Phước Thành còn dấu vết của thành phố Miên. Ngoài ra, rải rác khắp nơi trong tỉnh Tây Ninh hãy còn rất nhiều di tích khác. Tây Ninh còn là nơi chứng kiến cảnh hàng năm quan quân Cao Miên mang phẩm vật sang triều cống chúa Nguyễn, nên dân địa phương còn gọi con đường từ Soài Riêng qua Tây Ninh là “Con Đường Sứ.” Hiện nay con đường này vẫn còn lại một vài đoạn đường đất với nhiều cây cổ thụ hai bên. Tại Châu Thành Tây Ninh bây giờ hãy còn ngôi chùa Ông Gia Ninh là nơi mà chúa Nguyễn phúc Thuần và cháu là Nguyễn Ánh đã từng bôn tẩu trốn lánh quân Tây Sơn. Trên núi Bà Đen trong xã Hiệp Ninh có một mạch giếng thiên nhiên, chảy mãi không cạn, dân trong vùng thường tới đây lấy nước vào mùa nắng hạn, khi các vùng khác đã cạn nguồn nước.
Hiện nay tại rạch Sóc Om, cách Tây Ninh chừng 25 cây số, hãy còn ngôi mộ của ông Huỳnh công Nghệ, người đã có công đánh Miên để bảo vệ dân địa phương. Theo sử liệu triều Nguyễn, vào khoảng năm Kỷ Tỵ 1749, chúa Nguyễn phái các quan đại thần là ba anh em họ Huỳnh là Huỳnh Công Giản, Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ vào trấn nhậm vùng đất Tây Ninh. Chính ba vị đại quan nầy đã đi tiên phong trong việc chiêu mộ lưu dân đến Tây Ninh để khẩn hoang lập ấp và trấn giữ vùng biên cương hiểm yếu nầy của đất nước. Sau khi mất, quan lớn Huỳnh Công Giản, tức Quan Lớn Trà Vông, được dân chúng an táng tại ấp Trà Hiệp, xã Trà Vông, huyện Tân Biên. Về sau, nhân dân khắp nơi trong tỉnh Tây Ninh đã lập đền thờ thờ ba quan lớn nầy để tưởng nhớ công ơn của các ngài đối với vùng đất nầy. Dân địa phương quen gọi là ‘Đền Thờ Quan Lớn Trà Vông’. Hiện nay, đền thờ ‘Đền Thờ Quan Lớn Trà Vông’ được xây dựng ở nhiều nơi như Tân Phong, Trà Vông nằm trong huyện Tân Biên, Cầy Xiêng và Đồng Khởi thuộc huyện Châu Thành, Thái Vĩnh Đông và phường 1 thuộc thị xã Tây Ninh, và Thạnh Tân thuộc huyện Hòa Thạnh. Riêng tại xã Thái Vĩnh Đông, thuộc thị xã Tây Ninh, đền thờ quan lớn được xây dựng trên một gò đất cao, có nhiều cây dầu cổ thụ. Tại xã Mõ Công, đền thờ quan lớn được dân chúng gọi là ‘Dinh Ông Lớn Trà Vông’, được xây dựng trên xây dựng cạnh quốc lộ 22B, gần trung tâm xã Mõ Công. Bên trong đền có bức hoành phi viết bằng chữ Hán: ‘Quan Lớn Trà Vông’, ‘Long Phi Niên Đinh Dậu’, ‘Quan Đại Thần Chuyển Binh’. Tại xã Thái Bình, thuộc huyện Châu Thành, cũng cập quốc lộ 22B, cách thị xã Tây Ninh chừng 5 cây số về hướng Tây Bắc, ngôi đền ‘Quan Lớn Trà Vông’ được xây dựng cách nay trên 100 năm. Bên trong đền có pho tượng đứng của quan lớn, cao khoảng 1 mét, đeo gươm trận, trông rất uy nghi lẫm liệt. Sát cạnh Núi Bà Đen cũng có một ngôi đền của ‘Quan Lớn Trà Vông’, được xây dựng dưới chân núi Bà Đen từ lâu lắm, tương truyền chính nơi đây ngày trước quan lớn đã luyện tập binh mã. Đến năm 1995, dân chúng địa phương đã trùng tu lại ngôi đền và trở thành ngôi đền ‘Quan Lớn Trà Vông’ lớn nhất trong tỉnh Tây Ninh. Tập tục thờ cúng ‘Quan Lớn Trà Vông’ đã trở thành một trong những lễ hội dân gian của cư dân Tây Ninh. Hàng năm vào các ngày 16 và 17 tháng 3 âm lịch, tại các đền người ta tổ chức lễ cúng tưởng nhớ Quan Lớn Trà Vông rất trang trọng. Ngoài ra, khắp nơi trong tỉnh Tây Ninh còn có đền thờ của các quan Huỳnh Công Thắng và Huỳnh Công Nghệ. Tại khu Vàm Bảo, xã Hảo Đước, huyện Châu Thành, có ngôi mộ và đền thờ của quan lớn Huỳnh Công Nghệ. Tại Gò Dầu, thuộc xã Cẩm Quang có đền thờ quan lớn Huỳnh Công Thắng.
Tại vùng Ấp Bàu, xã Long Giang, huyện Bến Cầu, cách tỉnh lỵ Tây Ninh khoảng 10 cây số về hướng Tây Nam có ngôi đình Long Giang. Đình được người dân địa phương xây dựng cách nay trên 150 năm để tưởng nhớ đến quan Lãnh Binh Két, người đã tổ chức kháng chiến chống thực dân Pháp vào năm 1862. Theo chánh sử triều Nguyễn, khoảng năm 1852, Lãnh Binh Két được triều đình Huế bổ nhậm đi trấn giữ và bảo vệ dân chúng vùng Tây Ninh. Sau năm 1862, thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông, Lãnh Binh Két và nghĩa sĩ cùng dân chúng trong vùng lập căn cứ chống Pháp. Ông đã cho xây đắp nhiều thành lũy bằng đất chạy dài từ Bến Cầu, Gò Dầu đến Trảng Bàng, và nghĩa binh đã tổ chức nhiều cuộc phục kích lính Tây trong khu vực sông Vàm Cỏ Đông. Hiện tại, cách ngôi đình khoảng 500 mét, vẫn còn một đoạn thành lũy gần như nguyên vẹn. Sau khi quan Lãnh Binh qua đời, nhân dân đã xây dựng ngôi đền để tưởng nhớ đến ơn đức của ngài. Trong ấp Phước Hội, xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu có một ngôi đình cổ tên là Đình Phước Hội(32). Đình được xây dựng vào đầu thế kỷ thứ 19, có lẽ dưới thời vua Thiệu Trị nguyên niên (1840). Thời kỳ ngôi đình được xây dựng thì địa phương nầy trực thuộc xã Phước Hội, tổng Hàm Ninh Thượng, sau năm 1975, xã Phước Hội được đổi tên thành xã Suối Đá, nên dân chúng trong vùng còn gọi là Đình Suối Đá. Đình được dân chúng trong vùng xây dựng từ khoảng năm 1842, thời vua Thiệu Trị, để thờ một vị quan chức do triều đình bổ nhiệm tới là ông Phạm văn Điển và một vị hậu hiền khai cơ tên Đào văn Chữ, người đã kế tục ông Phạm văn Điển trong công cuộc khai hoang lập ấp và bảo vệ sự an cư của dân chúng trong vùng. Theo chánh sử nhà Nguyễn, quan Võ Tín Hầu Phạm văn Điển quê ở huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên (Huế ngày nay), làm quan trải qua ba đời vua(33). Đức Tả Quân Phạm văn Điển chẳng những là một võ quan tài ba với nhiều chiến công hiển hách, mà còn là một quan văn với tài kinh bang tế thế tuyệt luân. Dưới thời vua Minh Mạng, vào năm 1838, ông được bổ làm Tổng Đốc Thanh Hóa. Ngay sau khi vua Thiệu Trị lên ngôi, năm 1841, nhà vua cử ông vào Nam làm Tổng Đốc An Hà(34). Có sách nói là vào năm 1820, vua Minh Mạng đã bổ nhậm Tả Tướng Quân Võ Tín Hầu Phạm văn Điển vào trấn nhậm vùng biên thùy Tây Ninh, sau đó ít lâu Võ Tín Hầu qua đời tại đây (?). Sau khi đức Tả Quân Phạm văn Điển qua đời thì ông Đào văn Chữ kế tục công việc bảo vệ vùng biên địa Tây Ninh. Dân chúng địa phương nhớ ơn ông nên lập miếu thờ hai ông Phạm văn Điển và Đào văn Chữ, vì cả hai đều có công trong việc bảo vệ biên cương và chiêu mộ dân chúng khai hoang lập ấp trong vùng. Năm 1842, vua Thiệu Trị sắc phong cho Võ Tín Hầu làm Thành Hoàng Bổn Cảnh tại Phước Hội. Như vậy, đình Phước Hội đã có trên 150 năm tuổi, là một trong những ngôi đình cổ nhất trong tỉnh Tây Ninh. Hiện nay hậu duệ của ngài Võ Tín Hầu Tả Quân Phạm văn Điển vẫn còn nhiều ở Huế, Tây Ninh và Nha Trang. Được biết quan Tả Quân Phạm văn Điển có gả một người con gái cho Tuy Lý Vương Miên Trinh, như vậy gia đình của ông ở Huế phải là một trong những gia đình có uy thế thuộc hàng hoàng thân-quốc thích. Sau khi Đức Tả Quân Phạm văn Điển qua đời, ông được vua Thiệu Trị sắc phong làm Thành Hoàng Bổn Cảnh tại đình Suối Đá. Hiện tại, linh vị của đức Tả Quân Phạm văn Điển đang được khắc trên bia đá ngay trước Võ Miếu Huế, chung với 20 vị võ tướng nổi tiếng khác của triều Nguyễn.
Tại thị trấn Gò Dầu có ngôi đình cổ mà dân địa phương quen gọi là đình Gò Dầu, kỳ thật đây là đình Thanh Phước. Theo các bô lão địa phương kể lại thì trung tâm Thanh Phước ngày trước là cả một vùng đất bao la rộng lớn, nằm cả hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, trên các gò đất cao với vô số cây dầu cổ thụ. Về sau, vùng nầy chia làm hai khu vực: Gò Dầu Thượng(35), và Gò Dầu Hạ(36). Hiện nay, trong huyện Gò Dầu có một ngôi đình rất cổ tên là đình Thanh Phước, còn có tên là đình Gò Dầu. Đây là một trong những ngôi đình cổ nhất trong tỉnh Tây Ninh. Đình được xây dựng trên một gò đất cao có nhiều cây dầu cổ thụ, trên một khuôn viên rộng trên 10.000 mét vuông, với diện tích đình khoảng 820 mét vuông, gồm tiền đình, chánh đình và hậu đình. Có lẽ đình được khởi xây từ thời những lưu dân Việt nam đầu tiên đến khai khẩn vùng đất Gò Dầu, Bình Tịnh, Phước Lộc, An Hòa và Gia Bình, chạy dài xuống Thanh Phước. Thời đó vùng Thanh Phước nằm cả hai bên bờ sông Vàm Cỏ Đông và có nhiều gò cao, trên những gò nầy có rất nhiều cây dầu cổ thụ, có lẽ vì vậy mà dân chúng còn gọi vùng nầy là Gò Dầu. Về sau, khu vực An Thạnh và Bến Cầu được gọi là Gò Dầu Thượng, và khu vực Thanh Phước được gọi là Gò Dầu Hạ. Theo các bô lão trong vùng, các linh thần đã được thờ trong miếu Thanh Phước từ bao đời nay, về sau được chuyển đến ngôi đình ở cặp bờ sông Vàm Cỏ Đông, lâu ngày bờ sông bị sạt lở nên người ta dời ngôi đình vào vị trí ngày nay để xây dựng một ngôi đình khang trang hơn. Hiện đình Thanh Phước được xây dựng trên một gò đất cao với những hàng cây dầu cổ thụ. Chính vì vậy mà đình còn có tên là đình ‘Gò Dầu’. Đình có một khuôn viên rộng với tổng diện tích trên 10 ngàn mét vuông, và diện tích bên trong ngôi đình vào khoảng 820 mét vuông, với lối kiến trúc hình chữ Tam, mặt chánh qua ra hướng Tây, nhìn ra sông Vàm Cỏ. Bên trong có tiền đình, chánh điện và hậu đình. Đây là một trong những ngôi đình cổ nhất tại tỉnh Tây Ninh. Phải nói Tây Ninh là vùng đất rất phong phú về tín ngưỡng dân gian, có lẽ vào thời những người tiên phong đi mở cõi, rừng thiêng nước độc đã giết chết quá nhiều lưu dân, nên họ phải hướng tâm linh của mình về một đấng thiêng liêng nào đó để được bớt đi những lo âu trong cuộc sống hàng ngày. Chính vì vậy mà những cư dân người Việt đến khai khẩn vùng đất Tây Ninh từ những thế kỷ xa xưa đã tụ tập lại thành những làng, xóm, hay thôn ấp. Phần nhiều trong mỗi thôn ấp và làng xã đều có ít nhất là một ngôi đình hay ngôi miếu. Miếu thì thờ những vị thần mà dân chúng cho là linh thiêng, còn đình thì thờ những vị thành hoàng bổn cảnh hay những bậc tiền hiền khai hoang và hậu hiền khai cơ. Khi thực dân Pháp đánh chiếm miền Nam, ông Đặng văn Châu đã tổ chức nghĩa binh Gò Dầu kháng chiến chống Pháp, nhưng sau đó ông bị Pháp bắt và đày đi Côn đảo. Sau khi được thả về ông vẫn tiếp tục tổ chức kháng chiến chống Pháp, sau khi ông qua đời dân chúng nhớ ơn đem linh vị của ông thờ trong đình. Về sau vua Tự Đức sắc phong cho ông làm thành hoàng bổn cảnh Thanh Phước và được dân chúng tiếp tục thờ phụng trong đình Gò Dầu cho đến ngày nay. Hàng năm dân chúng trong vùng qui tụ về đây tổ chức những ngày lễ vía hay kỳ yên rất trang nghiêm và long trọng, và ngay cả đến ngày nay hàng năm những ngôi miếu và đình trong tỉnh vẫn luôn qui tụ rất nhiều khách thập phương đến lễ bái và thờ phượng. Trong nghi lễ, ngoài việc tín ngưỡng người ta luôn tỏ lòng nhớ ơn và ca tụng công lao của những thành hoàng bổn cảnh được thờ trong các đình miếu. Ngoài ra, tại những đình làng còn lưu giữ được sắc phong của vua vẫn còn tập tục rước sắc thần, như tại các đình Gia Lộc và Hiệp Ninh.
Năm 1886, hội Nghiên Cứu Đông Dương phát hiện tại xã Bình Thạnh, quận Trảng Bàng, một ngôi Tháp cổ, tháp được xây bên dòng sông Vàm Cỏ Đông, vào thế kỷ thứ 8, theo kiến trúc Ấn Độ với tên Khmer là Parasatongkong. Đây là ngôi tháp còn khá nguyên vẹn khi được khám phá, và được chánh phủ xếp vào di tích lịch sử. Với hàng trăm di chỉ khảo cổ khai quật được, cho thấy đây là dấu tích của sự chuyển tiếp từ văn hóa Đồng Nai tới văn hóa Óc Eo của người Phù Nam. Tây Ninh còn là cái nôi đã khai sanh ra đạo Cao Đài, còn được gọi là Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Cách thị xã Tây Ninh khoảng 4 cây số về phía Đông, Tòa Thánh Cao Đài Tây Ninh là một trong những công trình kiến trúc đặc sắc, được xây dựng trên một khu đất rộng trên 1 cây số vuông. Kiến trúc Tòa Thánh là sự kết hợp giữa Đông và Tây, thoạt nhìn thì đây là kiến trúc của một ngôi giáo đường, nhưng quan sát kỹ từ bên trong thì rõ ràng là kiến trúc Á Đông với những hàng cột hình rồng rực rỡ với các mái vòm và hoa văn trang trí rất khéo léo và tinh xảo. Tuy thờ “Thiên Nhãn” (Một Mắt), nhưng giáo lý Cao Đài rất hài hòa trong tinh thần Tam Giáo Đồng Nguyên. Lễ lớn nhất ở Tòa Thánh là lễ Vía Đức Chí Tôn vào ngày mồng 9 Tết âm lịch. Đạo Cao Đài thờ phượng cả Thượng đế, Phật, chúa Giê Su, và Mahomet; đồng thời họ cũng thờ những bậc hiền triết như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Victor Hugo, Tôn Dật Tiên, vân vân. Khách quan mà nhận xét, thì sau khi Đức hộ pháp Phạm Công Tắc khai sáng nền đạo Cao Đài vào năm 1926 thì rất nhiều dân địa phương ở đây theo đạo này. Và khi nói đến Tây Ninh mà không nói về tòa thánh Tây Ninh với lối kiến trúc thật đặc sắc của nơi này quả là điều thiếu sót, vì Tòa Thánh Tây Ninh không chỉ là một Thánh thất lớn của một tôn giáo, mà nó còn là một công trình kiến trúc uy nghi với nhiều màu sắc tôn giáo và mỹ thuật. Tòa Thánh Tây Ninh được xây dựng vào năm 1933(37), trên một khoảnh đất rộng trên 1 cây số vuông, thuộc huyện Hòa Thành, các thị xã Tây Ninh chừng 5 cây số. Mãi đến năm 1955 mới khánh thành. Đây là một trong những kiến trúc độc đáo nhất chẳng những trong lịch sử Việt Nam, mà còn cả thế giới nữa, vì nó không do một kiến trúc sư nào thiết kế, mà chỉ là tác phẩm tập thể do giáo chủ Phạm Công Tắc thiết kế và xây dựng trong ròng rã trên 20 năm dài(38). Nhìn từ xa, chúng ta đã thấy hai cột tháp đồ sộ của Thánh Thất. Từ xa nhìn lại, Tòa Thánh Tây Ninh trông giống như một tòa lâu đài lộng lẫy, uy nghi với những sắc màu rực rỡ, với những đỉnh đài cao, được trang trí với những hình thể đặc sắc như Đài Bạch Ngọc Chung, Đài Lôi Âm Cổ, Đài Bát Quái, Đài Nghinh Phong, vân vân. Càng đến gần chúng ta sẽ nhận ra Thánh Thất Cao Đài Tây Ninh quả là một kiến trúc vô cùng độc đáo, có một không hai của Việt Nam, với sự kết hợp hài hòa giữa hai nền kiến trúc Đông và Tây. Phía trước Tòa Thánh là pho tượng Xa Nặc đang theo Đức Phật Thích Ca và cây Bồ Đề có tuổi trên trăm năm và có nguồn gốc từ Ấn Độ. Khách hành hương thường qui tụ dưới gốc cây Bồ Đề để cầu nguyện. Hai bên Tòa Thánh là hai khu rừng với những cây cổ thụ, cành lá xum xuê, và nhiều loại bông hoa ngát hương cả một góc trời. Bước vào bên trong, chúng ta sẽ thấy Thánh Thất là một tòa nhà có hai tầng, với hai cầu thang lên xuống, chính giữa là khoảng không lên đến tận mái. Có hai dãy lan can chạy dọc theo tường. Bên trong Thánh Thất có hàng chục trụ cột màu hồng, trên đó là những thân rồng vàng uốn khúc. Từ ngoài vào trong, nền Thánh Thất nổi lên từng đợt, mỗi đợt là một khoảng vuông rộng, cao hơn nhau chừng vài tấc. Trước khu nội điện, có một bức rèm vàng rực rỡ buông xuống. Tại đây có bàn thờ, bên trên có quả địa cầu thật lớn, mang ‘Thiên Nhãn’. Trên bệ thờ còn có nhiều tượng, như tượng Phật Thích Ca, tượng đức Chúa Trời, tượng Thái Thượng Lão Quân, tượng Quan Thánh Đế Quân, vân vân, cũng như nhiều bài vị, nhiều đồ thờ, trông giống như một ngôi chùa chứ không giống cung điện. Trên tường Thánh Thất, ngay cửa vào có rất nhiều chân dung lộng kiến của văn hào Victor Hugo, nhà thơ Lý Bạch, cụ Trạng Trình... Đứng bên trong Thánh Thất, người ta có cảm giác như toàn thể nội điện đều được làm bằng pha lê, xa cừ, mã não, hay vàng bạc, kim cương vậy. Quả là một cảnh tượng trang nghiêm Theo thống kê của chánh quyền Đệ Nhất Cộng Hòa vào năm 1956, lúc nầy tín đồ đạo Cao Đài lên tới 2 triệu người. Theo truyền thống, các tín hữu Cao Đài hội tụ về Tòa Thánh Tây Ninh để thường tổ chức những ngày lễ lớn, như ngày lễ Vía Đức Chí Tôn, nhằm ngày mồng 8 tháng giêng, lễ Vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu vào ngày rằm tháng tám âm lịch, vân vân. Ngày nay Tòa Thánh uy nghi sừng sững ngay tại trung tâm thành phố và hiện hữu qua nhiều thập kỷ và nhiều chế độ như một thách thức của sự tự do tín ngưỡng ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Hàng năm Tòa Thánh Tây Ninh tổ chức lễ Vía Đấng Chí Tôn vào ngày mồng 8 tháng giêng âm lịch, và lễ Vía Đức Diêu Trì Kim Mẫu vào ngày rằm tháng 8 âm lịch.
Hiệp Long Cổ Tự(39) là một trong những ngôi chùa cổ nhất trong tỉnh Tây Ninh, nằm trong phường 3, cạnh quốc lộ 22B, tọa lạc trên một khu gò cao, với một diện tích trên 10.000 mét vuông. Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc cổ, gồm 3 gian, mặt tiền chạy suốt 3 lớp nhà được xây bằng gạch, mái lợp ngói âm dương, với những cột gỗ tròn. Bên trong chùa hãy còn lưu giữ nhiều bức tượng cổ và đồ thờ tự quí hiếm, cùng những bức hoành phi và những câu đối sơn son thếp vàng, chạm khắc rất tinh xảo.
Cách thị xã Tây Ninh chừng 15 cây số, tại ấp Cẩm Thắng, xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu, cạnh quốc lộ 22B có ngôi chùa cổ tên Cẩm Phong Tự (thuộc hệ Nam Truyền, phái Cổ Sơn Môn. Vào cuối thế kỷ thứ 18, Cẩm Giang là lỵ sở của Tây Ninh, lúc đó có hai huyện là Quang Hóa, tức Cẩm Giang và Tân Ninh, tức thị xã Tây Ninh ngày nay). Chùa đã được xây dựng vào năm Tự Đức thứ 2 (1848), còn có tên là chùa Quan Huế, vì chùa được một trong những vị quan của triều đình Huế được nhà vua bổ về trấn nhậm vùng đất nầy, sau khi nghỉ hưu đã xây dựng lên để tịnh tâm tu hành. Sau nầy người ta còn gọi là chùa Cẩm Phong, vì chùa nằm ven sông Vàm Cỏ Đông, nơi có những dề lục bình bông tím thẳm nở quanh năm. Hiện nay khuôn viên chùa rộng khoảng 2.000 mét vuông, mặt ngó về hướng Đông Nam, phía sau giáp sông Vàm Cỏ Đông. Trong khuôn viên nhà chùa có 3 tháp thờ tro cốt của những vị tổ như Quan Huế, Minh Lộc, và Cửu An...
Tại trung tâm thị trấn Trảng Bàng, cạnh quốc lộ 22A, đối diện với sân vận động Trảng Bàng, có ngôi chùa Phước Lưu. Chùa được xây dựng lên từ giữa thế kỷ thứ 19, ban đầu chỉ là một cái am nhỏ gọi là Am Bà Đồng. Về sau, do nhu cầu tín ngưỡng của dân chúng địa phương, người ta cất lên tại đây một ngôi chùa lớn gọi là Chùa Bà Đồng. Năm 1900, Hòa Thượng Trường Lục(40) đã vận động dân chúng trong vùng trùng tu, sửa chữa và mở rộng, rồi đổi tên thành chùa Phước Lưu. Hiện nay, trong chùa còn lưu giữ được nhiều pho tượng Phật cổ và những đồ thờ quí hiếm. Ngoài tượng Phật Di Lặc, còn có tượng Di Đà Tam Tôn bằng gốm sứ nung thếp vàng, cùng với 15 tượng Phật khác cũng bằng đồ gốm sứ thếp vàng(41). Chùa Phước Lưu được xếp vào danh sách những ‘Danh Lam Cổ Tự’ của Việt Nam. Ngay tại ‘Gò Kén’, cạnh quốc lộ 22B, thuộc xã Hiệp Tân, huyện Hòa Thành, có ngôi Từ Lâm Tự, mà dân địa phương quen gọi là Chùa Gò Kén (cách thị xã Tây Ninh chừng 5 cây số trên đường đi về hướng Sài Gòn). Chùa được Hòa Thượng Giác Hải xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 19. Từ quốc lộ 22B có con đường đất đỏ dẫn vào chùa với hai hàng cây xanh mát. Chùa được xây dựng trên một khuôn viên rộng trên 20 ngàn mét vuông với nhiều cây ăn trái. Chánh điện, ngoài đức Phật Thích Ca, còn có bệ thờ đức Phật A Di Đà, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Ca Diếp, A Nan. Hai bên vách thờ Thập Bát La Hán, Tổ Bồ Đề Đạt Ma và Địa Tạng cùng cảnh Thập Điện. Mặc dầu chùa cũng có 3 gian với hai dãy Đông Lang và Tây Lang, nhưng có lẽ đây là ngôi chùa duy nhất ở Tây Ninh có lối kiến trúc mang dáng dấp Tây phương.
Trên Núi Bà Đen còn có ngôi chùa có tên là Linh Sơn Tiên Thạch, hay Linh Sơn Thánh Mẫu, mà người địa phương quen gọi là Chùa Bà. Chùa nằm trong phạm vi xã Ninh Sơn, huyện Hòa Thành. Khoảng năm 1793, thiền sư Thiện Hiếu, phái Liễu Quán đã đến đây xây dựng lên ngôi chùa nhỏ để tu hành. Chùa Bà ở cao độ khoảng 600 mét, cùng với các chùa khác tại đây như Chùa Hang hay Linh Sơn An Phước Tự, Chùa Trung hay Linh Sơn Phước Trung Tự... là những ngôi chùa nổi tiếng nhất trên núi Bà Đen. Về sau nầy, trải qua nhiều đời trụ trì, chùa đã được trùng tu nhiều lần. Hiện nay, hàng năm có hàng trăm ngàn Phật tử khắp nơi đến đây hành hương vãng cảnh. 
Quanh khu vực Núi Bà Đen, nhất là các vùng thuộc xã Tân Thành, huyện Hòa Thành, hãy còn rất nhiều phum sóc của người Khmer, mặc dầu không đông cư dân như các vùng của người Việt, nhưng người Khmer tại đây vẫn còn giữ riêng cho mình bản sắc văn hóa truyền thống lâu đời từ cha anh để lại. Riêng tại ấp Khe Đon có một ngôi chùa Miên rất khang trang. Điểm đặc biệt của người Khmer là nhà cửa của họ có thể sơ sài nhưng ngôi chùa của họ là nơi che chở hồn dân tộc, nên phải là nơi khang trang và uy nghiêm. Chùa Khmer ở Khe Đon bị chiến tranh tàn phá trước năm 1975. Sau khi chiến tranh chấm dứt, người ta xây dựng ngôi chùa lại ngay trên nền cũ. Cũng như các chùa Khmer khác ở miền Nam, được xây cất bằng gạch, lợp ngói, với lối kiến trúc có nhiều lớp mái dốc. Tuy nhiên, nó không cầu kỳ như những ngôi chùa Miên ở Trà Vinh và Sóc Trăng, ngược lại nó đơn giản. Hàng năm từ ngày 13 đến 15 tháng 4 âm lịch, người ta tổ chức lễ Chôl Thnam Thmây rất long trọng. Đây là một trong những lễ hội lớn của người Khmer, cầu nguyện cho phong vũ điều hòa, cây cối xanh tươi, và con người khỏe mạnh. Tại khu phố 4, phường 2, thị xã Tây Ninh có ngôi Miếu Quan Đế hay Chùa Ông, do người Hoa xây dựng từ lâu đời. Tương truyền, sau khi mặt trận cù lao Phố giữa nghĩa binh Tây Sơn và Nguyễn Ánh đến hồi khốc liệt vào những năm từ 1773 đến 1776, những người Hoa tại cù lao Phố do ngả theo Nguyễn Ánh đánh lại Tây Sơn nên bị Nguyễn Nhạc giết hại và đánh đuổi ra khỏi vùng nầy. Những người còn sống sót, đa số chạy về vùng Bến Nghé để xây dựng lên khu Chợ Lớn ngày nay, một số nhỏ chạy qua những vùng rừng rậm của Bình Dương và Tây Ninh để lẩn trốn. Riêng tại Tây Ninh, cộng đồng người Hoa không dám sống co cụm như cha ông của họ trước đây tại vùng cù lao Phố nữa, mà họ sống rải rác khắp các vùng rừng núi Tân Biên, qua Tân Châu, xuống Hòa Thành, Gò Dầu Bến Cầu, Trảng Bàng và thị xã Tây Ninh. Tại thị xã Tây Ninh, người Hoa đã xây dựng ngôi Chùa Ông để thờ Quan Công. Quan Công tức là Quan Thánh Đế, một nhân vật biết trọng chữ tín và trọng nhân nghĩa dưới thời Tam Quốc bên Trung Hoa, tượng trưng cho ‘Đức-Trí-Dũng’, được hầu hết người Hoa xem như là người ‘Vạn cổ nhất nhân’, nghĩa là từ xưa đến nay chỉ có một. Chùa Ông tại thị xã Tây Ninh được xây dựng theo kiến trúc cổ truyền Trung Hoa. Chính giữa miếu là bàn thờ đức Quan Công, một tay vuốt râu, một tay cầm quyển sách. Hàng năm cứ đến ngày rằm tháng giêng và ngày 26 tháng 4 âm lịch, dân chúng khắp nơi đổ xô về đây dự lễ cúng bái Quan Công rất trọng thể. Tại huyện Bến Cầu còn có ngôi đình rất cổ có tên là Đình Long Giang. Đình tọa lạc trong Ấp Bàu, xã Long Giang, được xây dựng từ khi những lưu dân Việt Nam đầu tiên vào khai phá hai phủ Phước Long và Tân Bình. Vào giữa thế kỷ thứ XVIII, vùng Long Giang bên bờ phía Tây sông Vàm Cỏ Đông được cụ Trần văn Thiện khai phá. Người đời sau lập đình để thờ ông. Tuy nhiên, dân địa phương lại cho rằng ngôi đình nầy được dựng lên để thờ lãnh binh Két, người được triều đình cử đi trấn nhậm vùng nầy để chăm lo và bảo vệ cư dân cũng như khai hoang lập ấp. Sau năm 1862, thực dân Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ, Lãnh Binh Két tập hợp nghĩa binh địa phương lập nên căn cứ chống Pháp tại đây. Ông đã cho xây đắp thành lũy, hiện tại cách ngôi đình khoảng 500 mét vẫn còn dấu tích của một đoạn bờ thành gần như nguyên vẹn. Sau khi Lãnh Binh Két qua đời, nhân dân trong vùng nhớ ơn nên lập miếu thờ ông. Đình Long Giang được xây dựng 3 lớp: tiền đình, chánh đình và hậu đình, nhưng đã bị chiến tranh tàn phá, ngày nay chỉ còn lại phần hậu đình mà thôi, riêng phần tiền đình và chánh đình chỉ còn trơ lại nền đất và những đá tảng dùng để kê cột. Hiện trong đình vẫn còn những đồ thờ như trang thờ, bát bửu, rùa, hạt, chiêng trống. Dầu đình Long Giang đã được triều đình Huế sắc phong, nhưng đã bị thất lạc trong chiến tranh. 
Phạm văn Điển là Tả Tướng Quân Võ Tín Hầu, được vua Minh Mạng cử vào trấn nhậm Phước Hội, sau khi qua đời, được vua Thiệu Trị phong làm thành hoàng bổn cảnh(42). Đình được xây dựng trên một khu đất rộng trên 5.000 mét vuông, diện tích ngôi đình khoảng 300 mét vuông, gồm 3 dãy tiền đình, chánh đình và hậu đình. Trải qua hơn 150 năm tuổi, ngôi đình đã nhiều lần bị chiến tranh tàn phá, nhưng cũng được nhân dân địa phương trùng tu lại nhiều lần. 
Ngoài ra, Tây Ninh còn rất nhiều đình cổ, thường trên một trăm năm như đình Thái Bình, đình Hiệp Ninh, đình Thạnh Đức (quận Hiếu Thiện), đình Gia Lộc (quận Trảng Bàng). Tây Ninh còn là quê hương của họ đạo Tha La của Thiên Chúa giáo. Tưởng cũng nên nhắc lại, một nhạc sĩ thời VNCH đã sáng tác tại đây một bài hát mang tựa đề “Tha La Xóm Đạo” rất nổi tiếng. Hiện tại Tây Ninh hãy còn rất nhiều ngôi chùa cổ như Phước Lâm Cổ Tự ở châu thành Tây Ninh, Thiền Lâm Cổ Tự ở xóm Chùa, Cao Sơn Cổ Tự (Phước Trạch), Chùa Ông Phước Kiến.

***
Để tiện theo dõi Đất Phương Nam 1, Mời Bạn xem các phàn 1,2,3..ở cột danh mục hai bên.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét