Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019

Đồng Tháp Mười Phần 3


Lúa Ma Đồng Tháp:

Về mùa nước nổi, toàn vùng Đồng Tháp không đơn thuần chỉ là một biển nước, mà thấp thoáng đó đây là những khu rừng tràm ngập nước quanh năm mà bên dưới những đám tràm là những khu rừng kín quanh năm(52), những đầm sen súng đang khoe mình với trời với nước như đang thử thách cùng thiên nhiên, và những đồng cỏ năn đang vươn mình cao theo con nước. Bên cạnh đó, Đồng Tháp Mười còn rất nhiều những thảm cỏ dại, hễ nước dâng lên cao quá thì chúng chết, mà nước vừa rút đi là chúng lại tái sanh và biến vùng Đồng Tháp thành một tấm thảm xanh, rồi kịp đến mùa khô thì chúng lại biến thành những đám cỏ khô chờ người dân đốt đồng biến chúng thành phân, tiếp tục vun bón cho cả vùng Đồng Tháp. Ngoài ra, vùng Đồng Tháp còn một loài thực vật rất đặc biệt, đó là loại “Lúa Ma”(53). Đây là loại lúa không ai gieo, không biết hạt giống đầu tiên mọc lên từ đâu, cây lúa cứ vươn lên theo mực nước, mực nước càng lên cao thì cây lúa càng cao. Hàng năm vào khoảng tháng tư âm lịch khi trời bắt đầu vào mùa mưa thì cũng là lúa ‘ma’ mọc lên rất nhiều, thân lúa rất cứng, có màu tim tím. Cây lúa ‘ma’ chỉ phát triển và cho hột nhờ vào lượng nước mưa và sương gió, chứ đất bên dưới chỉ là đất phèn mặn mà thôi. Lưu dân trong Đồng Tháp cứ chống xuồng vô đồng, dùng cây dầm mà đập các cọng lúa cho hột rớt vô xuồng. Hột nào vô xuồng được thì vô, còn hột nào rớt ra ngoài lại tiếp tục nẩy mầm lên cây và tiếp tục cho hột nữa. Lúa ‘ma’ Đồng Tháp phát triển mạnh và trổ bông vào mùa nước nổi. Nước nổi lên tới đâu là cây lúa vượt khỏi mặt nước tới đó. Có nhiều nơi trong Đồng Tháp mực nước cao đến 4 hay 5 thước, như vậy thân cây “Lúa Ma” cũng cao đến 4 hay 5 thước. Thường thì “Lúa Ma” mọc trong các đầm lầy, có nơi “Lúa Ma” cũng mọc dọc theo hai bên bờ kinh. Theo lời kể của cư dân trong vùng Đồng Tháp thì trong khoảng từ rằm tháng 9 đến rằm tháng 10 âm lịch là lúc lúa ‘ma’ chín. Có vùng trong Đồng Tháp người ta đi cắt lúa ‘ma’ rất khoa học, thường là vào buổi sáng sớm và phải cần một chiếc xuồng nhỏ với hai người, một người cầm sào chống xuồng lướt trên mặt nước, giữa những đám lúa, còn người kia ngồi ở mũi quay mặt về phía người chống sào, hai tay cầm hai cần đập quét ngang trên đầu ngọn lúa về phía bên trong xuồng, thế nào lúa cũng rớt vào một tấm phên thật mỏng ngăn đôi lòng xuồng theo chiều dọc, như vậy là những hạt lúa phải chịu rớt xuống lòng xuồng chứ không bị rớt xuống nước. Cũng theo lời kể lại của cư dân Đồng Tháp, trước kia vùng sâu trong Đồng Tháp, những gia đình đông người cùng đi đập lúa ma, một ngày có thể thâu hoạch được 4 hoặc 5 giạ là chuyện thường. Để có nồi cơm lúa ‘ma’ ngon dẻo, sau khi gặt lúa về người ta thường ngâm nước khoảng 3 ngày cho phần cứng đuôi lúa rụng đi, rồi mới đem phơi nắng cho thật khô. Đầu năm 1974, tôi có dịp ghé lại vùng Long Khốt và được bà con ở đây cho ăn một bữa cơm ‘lúa ma’ thật thơm, ngon và dẻo. Nếu như khi lúa chín tới mà không có ai cắt thì hột sẽ rụng và ghim xuống bùn, nằm đó cho đến khi nước rút, rồi kịp đến mùa mưa là cây lúa lại bắt đầu đâm chồi và phát triển thật nhanh. Dù năng suất rất thấp, chưa tới nửa tấn một héc ta, nhưng đây lại là nguồn sống chính cho lưu dân Đồng Tháp. Phải nói lúa ‘ma’ là một đặc sản mà thiên nhiên đã ưu đãi cho nhân dân Đồng Tháp. Tuy nhiên, sau chiến tranh, lưu dân Đồng Tháp giảm dần và cư dân có khuynh hướng định cư vĩnh viễn nên đất đai Đồng Tháp ngày càng được khai thác đúng mức với những đồng lúa hai hay ba mùa vụ mỗi năm, vì vậy mà tính đến năm 2005, giống “Lúa Ma” gần như mai một hay hoàn toàn bị tiêu diệt. Họa hoằng lắm nếu chúng ta đi vào khu Vườn Quốc Gia Tràm Chim ở Tam Nông, chúng ta mới thấy được những đám lúa ‘ma’ dọc theo bờ kinh rạch. Thôi thì luật tiến hóa của vũ trụ là phải vậy! Ở đây chỉ muốn nhắc lại cho các thế hệ mai sau biết được là từ nhiều trăm năm về trước, vùng Đồng Tháp nầy đã từng có những cây lúa ‘ma’ không trồng mà mọc và chính những cây lúa ‘ma’ ấy đã nuôi sống các bậc tiền nhân đến đây mở cõi.

Những Cư Dân Bất Đắc Dĩ Trở Thành Dân Cố Cựu Của Đồng Tháp:

Vào khoảng đầu năm 1974, tôi có dịp ghé qua những vùng Mộc Hóa, Cái Cái và Long Khốt. Tại đây tôi cũng có dịp hầu chuyện với một số bô lão trong vùng, mới biết ra các cụ là đàn hậu duệ của hai ba thế hệ lưu dân trước đây đến Tháp Mười từ các vùng Cần Thơ, Long Xuyên, Rạch Giá, Vĩnh Long, và Sa Đéc. Họ đến đây vì nhiều lý do khác nhau, có người ở thôn quê vì mùa màng thất bác, có người ở thành thị vì không có công ăn chuyện làm, có người trốn thuế thân, vân vân, nên vợ chồng con cái chèo chống đến vùng nầy, chỉ với một mục đích duy nhất là mong sao cho có được cuộc sống dễ chịu hơn. Nhưng khi đến nơi thì họ mới vỡ lẽ đây là một vùng ma thiêng nước độc, khi vỡ lẽ như vậy thì mọi chuyện đã lỡ làng hết rồi, họ đâu còn chỗ nào nữa để mà quay về, nên đành một liều ba bảy cũng liều, họ tiếp tục chèo chống đi sâu hơn nữa vào Đồng Tháp. Vào mùa nước nổi Đồng Tháp là một biển nước bao la, chỉ còn trơ lại vài cái gò hoặc giả vài cái giồng cao hơn mặt nước. Họ dừng lại cắm sào ngay bất cứ gò nào mà họ tới, rồi thì vợ chồng con cái khiêng vác đồ đạc lên gò, đốn vài chục tràm làm cột, cắt vài trăm lá dừa nước làm nóc và vách, thế là vài ba ngày sau đó họ đã cất xong một cái nhà, không có cửa nẻo, cũng không phân chia thành buồng hay phòng ốc chi cả. Mãi đến trước năm 1975, ruộng đất Tháp Mười có nhiều nơi vẫn còn vô chủ, nên khi họ đến đây, họ không phải mướn ruộng, cũng không phải làm tá điền cho ai, chỉ cần phát cỏ rồi gieo mạ bỏ đó, đến mùa lúa chín thì cắt. Nếu thu hoạch đủ ăn đủ mặc thì họ tiếp tục ở lại, nếu không thì vợ chồng con cái lại khiêng vác đồ đạc xuống xuồng đi tìm chỗ khác. Theo lời các bô lão trong vùng kể lại: Ngày trước ngoài nạn ủng phèn ra, vùng nầy còn đủ thứ trở ngại khác, như nạn chuộc ăn lúa chín, cua cắn lúa non, rồi nạn chim chóc phá hại mùa màng quanh năm. Đến thời ông Diệm thì người ta cho đào kinh An Long Đồng Tiến và nhiều kinh nhỏ khác nên đất cũng được thuần hóa đi nhiều. Cả vùng Đồng Tháp nầy cũng giống như một cái chậu rộng cá thật lớn, là một vùng trũng nơi những cơn mưa tạo nên những đầm nước ngọt giúp ích cho sự sống của con người và dinh dưỡng cho biết bao sinh vật dưới nước khác. Mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, nguồn nước khổng lồ từ thượng nguồn sông Mékong đổ về, tràn ngập lên đồng, cá tôm theo nước sinh sản, lớn lên và trú ngụ lại tại các đầm nước ngọt trong mùa khô. Thành thử mấy cậu thấy mặc dầu dân chúng miền nầy còn nghèo, nhưng cái ăn cái mặc cũng đỡ lắm rồi. Dầu hèn cũng thể, mùa nào chúng tôi cũng thâu hoạch dư ăn dư để. Còn nói về thực phẩm thì miệt Đồng Tháp nầy luôn dư thừa, nào là đủ loại cá đồng như cá lóc, cá trê, cá rô, rồi tôm càng xanh, rắn, rùa, ếch, kỳ đà, vân vân. Bây giờ ở đây hễ mùa lúa thì người ta trồng lúa, sau khi gặt xong thì người ta đốt đồng rồi làm rẫy, trồng khoai, trồng bắp và nhiều thứ hoa màu phụ khác. Cũng chính vì vậy mà mấy cậu thường nghe những câu ca dao nói về cá tôm và thức ăn trong vùng Đồng Tháp hay những vùng ven Đồng Tháp:

“Bao phen quạ nói với diều
Cù lao Ông Chưởng có nhiều cá tôm”

hay:

“Muốn ăn bông súng mắm kho 
Thì về Đồng Tháp ăn cho đã thèm.”

Mấy cậu thấy từ xa xa ngoài đồng có những vùng phản chiếu ánh sáng mặt trời lấp lánh đó không? Đó là những vùng “phèn lừng”, tại vì đất trong cánh đồng nầy chứa rất nhiều phèn. Thường thì những vùng đất thấp ở gần biển mà chưa được khai phá chứa rất nhiều muối và phèn, nên có câu “đồng chua nước mặn” là vậy. Theo ông bà mình kể lại thì ngày trước từ Hà Tiên qua vùng nầy thẳng đến Tây Ninh và núi Bà Phnom bên Miên là bờ biển, với những dãy hòn “Thất Sơn”, xuống “Hòn Khoai”, “Hòn Đất”(54). Về sau đất bồi lần lần biến cả một vùng Tháp Mười rộng lớn nầy thành một cái vũng trũng khổng lồ. Tại những vùng nầy cho tới bây giờ người ta vẫn còn đào thấy những cột buồm hay những đám dừa nước đã biến thành than, vùi sâu dưới đất đến vài ba thước tây. Hiện nay toàn vùng Đồng Tháp chỉ cao hơn mực nước biển từ 5 tấc đến 1 thước tây mà thôi. Mấy cậu thấy đó, ngay như nước trong kinh Đồng Tiến nầy cũng là một loại nước phèn, có màu đỏ đục ngầu, vì loại phèn nầy có chứa nhiều chất sắt. Mấy cậu lên những vùng ‘Cái Bác’, ‘Mộc Hóa’ và ‘Tuyên Nhơn’ sẽ thấy nước trong xanh, đó cũng là một loại nước phèn, nhưng là loại phèn chứa nhiều chất nhôm (aluminum). Dù là phèn đỏ hay phèn xanh, khó lòng có loại thảo mộc nào có thể sinh sống được, ngoại trừ những loại cỏ chịu phèn như năng, bàng, đưng, lác, vân vân.”
Đồng Tháp Mười chẳng những nhiều bông súng, mà nói về bông sen thì chắc không nơi nào của đất nước có thể vượt qua được Đồng Tháp. Nhiều nơi trong Đồng Tháp, nhất là về mùa khô, nước rút xuống, các đầm lớn trong vùng Đồng Tháp đều là những đầm sen đủ màu, trắng, vàng, đỏ, hường, vân vân. Bên cạnh đó, vùng Đồng Tháp Mười còn nổi tiếng về các thiếu nữ đẹp. Theo truyền thuyết của người Khmer thì vùng ven bờ sông Tiền từ Sa Đéc xuống Nha Mân và Cái Tàu Hạ... rất nổi tiếng về các thiếu nữ đẹp. Thời vùng đất nầy còn trực thuộc Chân Lạp, các vua Miên thường cho người đến đây để tuyển chọn hoàng hậu và cung phi mỹ nữ.
Nếu chúng ta đáp trực thăng bay ngang qua vùng Đồng Tháp vào mùa nước chưa rút hoàn toàn chúng ta sẽ thấy một thảm thiên nhiên tuyệt đẹp. Trước năm 1975, có lần tôi ghé lại vùng Tràm Chim, dọc theo bờ kinh An Long Đồng Tiến, thấy một cậu bé dùng một cây vợt nhỏ, đi dọc theo bờ kinh Đồng Tiến vợt cá. Cậu bé chỉ bắt cá to, còn cá vừa vừa thì thả lại dòng kinh. Thấy vậy tôi bèn đề nghị: “Để chú đi theo xách giỏ cho cháu, cá lớn thì cháu bắt, còn những con vừa vừa thì cho chú.” Thế mà chỉ trong vòng khoảng 15 phút sau, tôi không xách nổi cái giỏ đầy cá nầy nữa. Thế mới biết cá tôm vô số của vùng Đồng Tháp! Chính vì vậy mà ngay từ giữa thế kỷ thứ 19, khi nói tổng quát về vùng Gia Định, Trịnh Hoài Đức đã ghi trong Gia Định Thành Thông Chí: “Đất Gia Định nhiều sông hồ, đầm bãi, cứ 10 người thì có đến 9 người thông thạo việc đi thuyền, biết bơi lội, thích ăn mặn. Có người đánh đố đã ăn hết 20 cân mắm trong một bữa ăn.” Bên cạnh vô số cá tôm và những loài thủy sản khác, Đồng Tháp Mười còn là vùng trú ẩn của vô số chim muông. Nếu nói Đồng Bằng Sông Cửu Long là thánh địa của các loài chim, thì Đồng Tháp Mười chính là trung tâm của thánh địa ấy.

Lũ Lụt Và Ảnh Hưởng Của Các Kinh Rạch Trong Vùng Đồng Tháp:

Đối với người dân Đồng Tháp thì rõ ràng là họ quan niệm ‘nắng mưa là chuyện của trời’, chuyện của mình là phải sống chung với lũ lụt một cách lạc quan yêu đời.

Mà thật vậy, chỉ có những ai đã từng đi sâu vào Đồng Tháp, thấy cảnh sinh hoạt của cư dân ở đó mới thấy được người Đồng Tháp sống chung với lũ như thế nào. Vào cuối năm 1973, ngay mùa nước nổi, tôi có dịp ghé lại vùng kinh An Long-Đồng Tiến và có cơ hội nói chuyện với một số bô lão trong vùng mới thấy sự lạc quan sống với hiện thực của người Đồng Tháp. Mấy cụ nói: “Cậu ơi, riết rồi cũng quen. Mà nước nổi hay lũ lụt thì đã sao? Ở đây nước nổi không gây nguy hiểm như ở miền Trung của mình, vì nước ở đây lên rất từ từ mà xuống cũng rất từ từ, nên mình có thì giờ chuẩn bị mọi thứ. Trong đầu người dân Đồng Tháp lúc nào cũng phải nhớ là mỗi năm mình phải có mấy tháng sống chung với lũ nên đã cụ bị đủ thứ, từ gạo muối đến thức ăn khô. Còn nói về rau cỏ mùa nước nổi thì khỏi phải lo, đã có ông Trời lo. Chỗ khác thì tụi tôi hổng biết, chứ miệt Đồng Tháp mùa nước nổi không thiếu gì rau cỏ, chỉ riêng bông sen, bông súng, và bông điên điển cũng dư sức cho bà con ăn cho tới khi nước rút.”
Về phương diện kinh tế, tiềm năng của vùng Đồng Tháp Mười thật to lớn. Nhờ có một hệ thống kinh đào chằng chịt nên dù trong Đồng Tháp không có những con sông lớn, việc di chuyển bằng đường thủy cũng rất thuận tiện. Những con kinh nhân tạo trong Đồng Tháp đã được đào thời xa xưa, có lẽ ngay từ thời còn vương quốc Phù Nam, rồi đến vương quốc Chân Lạp. Ngày nay qua không ảnh người ta vẫn còn nhận dạng ra được những con kinh lạn. Có những con kinh đã cạn và được nạo vét lại như kinh Cái Bác chảy từ hố Cái Bác đến ngọn sông Vàm Cỏ Tây. Ngay từ thời xa xưa, có lẽ người Phù Nam và Chân Lạp đã thấy được điều nầy nên họ đã thực hiện đào những kênh rạch thủy lợi như Rạch Cái Bác chạy từ ngọn Cái Bác đến ngọn sông Vàm Cỏ Tây, và rất nhiều kênh rạch mà nay đã cạn hay đứt khúc. Đến thời Nam Tiến, các chúa Nguyễn cũng cho đào nhiều kinh, nhưng ngày nay đã bị cạn và không còn lưu lại dấu tích. Đến thời Pháp thuộc, người Pháp đã cho đào rất nhiều kinh rạch với mục đích vừa dẫn thủy nhập điền mà cũng vừa tiện lợi trong việc chuyên chở lúa gạo từ Đồng Tháp về Sài Gòn và cũng nhằm kiểm soát các nhà cách mạng như các kinh Lagrange(56) và kinh “Bốn Bis”, có bề rộng khoảng 20 mét. Vào những năm hãy còn chiến tranh từ năm 1946 đến 1975, Đồng Tháp Mười chưa được khai khẩn đúng mức. Tuy nhiên, chính quyền Việt Nam Cộng Hòa cũng cho đào rất nhiều kinh rạch thoát phèn và dẫn thủy nhập điền, như những kinh An Long, Đồng Tiến, Hồng Ngự, vân vân, có bề rộng lên đến gần cả trăm mét. Những kinh này dẫn nước ngọt từ sông Tiền chảy đến các vùng trũng tại vùng trung tâm Đồng Tháp. Chính quyền cũng khuyến khích người dân định cư tại các vùng này để khai khẩn và phát triển kinh tế. Sau chiến tranh 1975, diện tích canh tác tăng dần(57); tuy nhiên, cư dân vùng Đồng Tháp Mười phải đương đầu với cơn nước lũ hàng năm. Phần lớn Đồng Tháp Mười vào mùa nước lũ đều chìm sâu trong biển nước mênh mông, có chỗ sâu đến 4 hoặc 5 thước. Nước lũ ở đây không rút nhanh như nước lũ miền Trung, mà nó ứ lại có khi đến hằng tháng trời, khiến cho cây cối trong vùng gần như chết sạch. Ngược lại, vào mùa nắng, cả vùng Đồng Tháp biến thành đồng khô cỏ cháy, không có lấy một miếng nước để ăn uống, tắm giặt, huống là nước tưới cây. Đồng Tháp Mười còn là giang sơn gần như bất khả xâm phạm của các loài ếch, nhái, cua, tôm dưới nước, còn trên trời thì không biết cơ man nào mà kể cho hết những loài chim rừng. Hiện nay đa phần đất đai vùng Đồng Tháp đã được khai khẩn thành khoảnh và có chủ nhân hẳn hòi. Tuy nhiên, đây vẫn còn là một vùng đất ủng phèn và năng suất rất thấp cho việc trồng cây lúa nước.

Sếu Đầu Đỏ Trong Vùng Tràm Chim:

Cái tên Tràm Chim Tháp Mười cũng đủ nói lên ý nghĩa của nó, mà tại Đồng Tháp có trên cả chục nơi được gọi là tràm chim. Chỉ riêng ‘Tràm Chim Tam Nông’ thì đã nổi tiếng khắp thế giới, và đã trở thành ‘Vườn Quốc Gia Tràm Chim’ kể từ năm 1998, với tổng diện tích lên đến trên 7.600 mẫu tây đất. Đây là vườn quốc gia ngập nước đầu tiên của Việt Nam, mà cũng là một trong những nơi sót lại cuối cùng của hệ sinh thái vùng lau sậy ngập nước. Vào năm 1985, theo cơ quan Bảo Vệ Thiên Nhiên trên thế giới, Đồng Tháp Mười hiện vẫn còn trên 130 loài thực vật, 120 loài cá nước ngọt đủ loại, 40 loài bò sát, và trên 200 loài chim trong đó có 16 loài được coi như quý hiếm. Đồng Tháp là nơi có hàng trăm loài chim bản địa cũng như các loài chim di trú khác cùng cộng cư. Chúng sống tập trung tại các nơi mà người dân địa phương thường gọi là ‘tràm chim’, ‘mảng chim’, ‘vườn chim’ hay ‘sân chim’. Theo các nhà sinh vật học thì vùng Đồng Tháp Mười là quê hương của rất nhiều loài chim từ thông thường đến quý hiếm, đặc biệt là loài “Sếu Đầu Đỏ” (Grus antigone) đã được Liên Hiệp Quốc liệt kê là loài đang có nguy cơ diệt chủng. Đây là một trong 15 loài sếu còn tồn tại trên thế giới. Riêng loài sếu đầu đỏ của vùng Đồng Tháp phải nói là giống sếu quý hiếm hiện còn rất ít trên thế giới. Vì loài sếu đầu đỏ hiện chỉ còn một số ít sinh sống tại Việt Nam nên người Tây phương gọi chúng là hạc Đông Phương. Các nhà sinh vật học thì cho rằng sếu là một trong những loài tương cận của loài hạc, chúng có dáng vẻ cao lớn nhất trong tất cả các loài chim, với đôi chân thật dài, có con cao đến gần 2 mét, đầu đỏ, với đôi cánh thật rộng. Sếu đầu đỏ có tuổi thọ trung bình khoảng từ 40 đến 50 năm, và tuổi thành thục về sinh dục từ lúc lên 4 hoặc 5 năm tuổi. Theo lời cư dân ở đây kể lại thì từ sau năm 1987, mỗi năm cứ từ tháng 3 đến tháng 7 từng đàn sếu bay về Tràm Chim Tam Nông. Tại sao loài sếu nầy chỉ sống trong các vùng rừng tràm trong vùng Tràm Chim Tam Nông, thuộc tỉnh Đồng Tháp ngày nay, mà không tìm thấy ở những khu rừng khác tại Việt Nam? Theo các nhà chuyên môn về loài chim hạc, thì loài sếu thích sống ở những nơi có môi trường sinh thái cân bằng như Tràm Chim Tam Nông. Hiện tại toàn vùng Tràm Chim vẫn còn chìm ngập trong vùng trũng phèn mặn với tổng diện tích chừng 7.612 mẫu. Cũng theo các nhà sinh vật học, thì dưới thời vương quốc Phù Nam vùng Đồng Tháp có rất nhiều sếu, nhiều vô số kể và sếu tồn tại đến cuối tiền bán thế kỷ thứ 20 tại khu vực này. Đến khoảng năm 1952 thì đột nhiên chúng biến mất, gần như tuyệt chủng tại đây. Tuy nhiên, đến giữa thập niên 1980s, khoảng những năm 1987 và 1988, thì từng bầy sếu lại bay về các khu rừng tràm Đồng Tháp. Có lẽ trước đây chúng không chịu nổi sự khai phá đất hoang của con người, và có lẽ về sau này, khi đất nước không còn chiến tranh, các rừng tràm được trồng trở lại nên nhiều bầy sếu lại kéo về đây trú ngụ. Điều nầy cho thấy nơi nào có sự cân bằng nhất về môi trường sinh thái là thì loài sếu nầy mới chịu về, chẳng hạn như vùng thiên nhiên đất ngập nước Tràm Chim nầy. Theo cơ quan bảo vệ sinh vật hiếm quý thì sếu Đồng Tháp là loài sếu rất hiếm vì dường như chúng chỉ còn xuất hiện ở các xứ Đông Nam Á Châu, chúng có đầu trụi lông màu đỏ, toàn thân khoát một màu lông xám, thường cao từ 1.6 đến 1.8 mét, với sải cánh khoảng 2,5 mét; tuy nhiên, cũng có con cao đến gần 2 mét, nặng từ 10 đến 15 kí lô. Thức ăn chính của loài sếu là củ năn và những loài vật nhỏ như cua, ốc, hến, vân vân.

Ngay khi người ta phát hiện về sự có mặt của loài sếu đầu đỏ tại vùng Tràm Chim, các chuyên gia Nhật, Mỹ và Trung Hoa đã có một cuộc hội thảo quốc tế về bảo vệ loài sếu nầy tại Trung Quốc. Tất cả những con sếu đầu đỏ trong vùng Tam Nông đều được gắn máy định vị vào lưng để người ta có thể theo dõi qua vệ tinh nơi cư trú của đàn sếu sau khi chúng rời khỏi Tràm Chim. Tuy nhiên, từ năm 1988 đến nay con số sếu đầu đỏ ở Đồng Tháp đã giảm thiểu đáng quan ngại. Năm 1988 có trên một ngàn con (1052), năm 1996 còn khoảng 631 con, năm 2004 khoảng 154 con, và năm 2006 chỉ còn lại 90 con. Mãi cho đến hôm nay những chuyên gia Mỹ Nhật của tổ chức Hạc Quốc Tế vẫn tiếp tục giúp đở trong việc theo dõi sự sinh hoạt của loài sếu này bằng những chiếc vòng điện tử. Tháng 2 năm 1994, chánh quyền Việt Nam đã chính thức ra quyết định biến khu Tràm Chim làm khu ‘Bảo Tồn Thiên Nhiên Quốc Gia’ với những biện pháp thiết thực nhằm khả dĩ có thể bảo vệ loài chim quý hiếm này. Sếu đối với người châu Á được coi như là biểu tượng của sự may mắn, trung thực và hạnh phúc. Riêng đối với người Việt Nam chúng ta, sự bảo vệ những đàn chim sếu còn sót lại mang một ý nghĩa đặc biệt hơn nữa, vì hãy nhìn vào những trống đồng từ thời các vua Hùng, chúng ta sẽ thấy ngay những hoa văn đẹp rực rỡ với những đàn hạc chim Việt bay chung quanh mặt trời. Ngày nay, dường như sếu đầu đỏ chỉ còn xuất hiện ở vùng Đông Nam Á mà thôi, mong rằng những người có trách nhiệm tiếp tục đưa ra những biện pháp thiết thực nhằm bảo vệ loài chim quí hiếm nầy.

------------

Để tiện theo dõi Đất Phương Nam 1, Mời Bạn xem các phàn 1,2,3, 4..ở cột danh mục hai bên.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét