Thứ Sáu, 24 tháng 5, 2019

Đồng Tháp Mười phần 2


Di Tích Lịch Sử Vùng Đồng Tháp Mười:

Hầu như không một người miền Nam nào mà không biết hay nghe nói đến địa danh “Đồng Tháp Mười,” tuy nhiên, vì tình trạng chiến tranh và đường sá không thuận tiện nên trước năm 1975 ít ai có cơ hội đặt chân lên vùng đất thân yêu và đầy kỳ bí của đất nước này. Về mùa nước nổi, từ trên phi cơ nhìn xuống toàn cảnh Đồng Tháp Mười không khác gì một cái biển cạn, vì cả một vùng bao la bạt ngàn nầy đều chìm trong biển nước. Về phương diện lịch sử, Đồng Tháp Mười là khu di tích đặc biệt đối với dân tộc Việt Nam, vì nó đã in lại dấu ấn của nhiều nhân vật lịch sử. Đồng Tháp Mười là nơi trú ẩn an toàn thời Gia Long tẩu quốc, và là chiến khu bất khả xâm phạm của người dân miền Nam. Thời Nguyễn Ánh trốn chạy sự săn đuổi của đại quân Tây Sơn, ông đã nhiều lần lẩn trốn trong vùng Đồng Tháp. Thời đó vùng Sa Đéc và Cao Lãnh, mặc dầu chỉ là vùng ven bìa Đồng Tháp, nhưng hãy còn rất âm u. Ngày đó chưa có đường bộ từ Giáo Đức lên Hồng Ngự như ngày nay nên đây là nơi ẩn trốn rất tốt cho những nhà cách mạng. Ngày nay tại vùng Nước Xoáy, xã Long Hưng, vẫn còn sự tích Cây Đa Bến Ngự. Vào năm 1787, Nguyễn Ánh cho xây tại đây một cái đồn nơi mà ông thường ngồi câu cá kiểu Khương Tử Nha mong tìm mưu chước giành giựt lại chiếc ngai vàng cho dòng họ Nguyễn. Cũng tại đây Nguyễn Ánh được một phú nông tên Nguyễn văn Hậu hỗ trợ rất đắc lực. Vì thế mà vào năm 1807, vua Gia Long tức Nguyễn Ánh thời bôn tẩu đã cho xây Lăng Ông Bõ Hậu để tưởng nhớ đến một người mà ông xem như là cha đỡ đầu.

Bè qua rạch Cái Nứa lên Cai Lậy rồi vô Ấp Bắc. Ngày đó, các ông Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều tuy thế yếu nhưng vẫn quyết đánh giặc đến hơi thở cuối cùng, dẫu không thành công cũng thành nhân. Hiện tại, tại vùng Gò Tháp vẫn còn có đền thờ hai vị anh hùng chống giặc Tây là Đốc Binh Kiều và Thiên Hộ Dương, với hai câu liễn đối thật oai hùng:

“Gò Tháp địa linh nối chí hùng anh giữ Tổ Quốc 
Tháp Mười nhân kiệt giương cờ đại nghĩa dựng quê hương.”
 
Sau khi giặc Pháp chiếm xong ba tỉnh miền Đông, anh hùng Trương Công Định và Thiên Hộ Dương rút quân về “Đám Lá Tối Trời” ở Gò Công để tiếp tục kháng Pháp.
Sau khi anh hùng Trương Công Định tử trận, ngài Thiên Hộ Dương ra lệnh cho nghĩa quân tiến vào Đồng Tháp lập căn cứ tiếp tục kháng chiến chống Pháp. Sau khi ổn định chiến khu, ngài Thiên Hộ Dương tung nghĩa quân ra đánh du kích khắp các miền từ Vĩnh Long, đến Sa Đéc, Cần Thơ, Long Xuyên, Châu Đốc, Hà Tiên, Rạch Giá, Long An, Mỹ Tho. Ngày 15 tháng 4 năm 1865, nghĩa binh phục kích giặc Pháp tại Cái Thia đánh một trận quyết liệt. Sau đó Pháp cho viện binh vào vây hãm chiến khu Đồng Tháp, nhưng không cách gì tiêu diệt được nghĩa quân. Về sau vì thiếu lương thực và thuốc men, nghĩa quân lớp bệnh lớp bỏ ngũ, ngài Thiên Hộ Dương thì mắc bệnh kiết lỵ mà qua đời nên nghĩa quân tàn lụi dần dần. Tuy nhiên, một thuộc tướng của Thiên Hộ Dương là Đốc Binh Kiều, rút sâu vào Đồng Tháp chiêu mộ nghĩa quân từ các tỉnh Sa Đéc, Vĩnh Long, Long Xuyên, Châu Đốc và Cao Lãnh đến lập chiến khu tiếp tục chống Pháp. Theo truyền thuyết thì ngài Đốc Binh cho xây một cái tháp cao mười tầng(22) dùng làm đài quan sát. Phế tháp với một nền gạch hiện vẫn còn nằm bên cạnh mộ của ngài Đốc Binh trong quận Mỹ An, sát bên kinh Tháp Mười. Con đường tiếp tế duy nhất cho nghĩa quân là con đường Cần Lố đi vào. Súng đạn và lương thực từ các tỉnh miền Tây(23) được dân quân kháng chiến chở vào bằng con đường này. Ngày đó Tây muốn vào Tháp Mười chỉ có hai đường duy nhất là từ Cần Lố bên phía Hồng Ngự đi vào, hoặc Cái Nưa từ phía Mỹ Tho đi lên. Trên mỗi lối đi vào, ngài Đốc Binh cho xây nhiều đồn binh kiên cố nhằm bảo vệ và thông tin cho nghĩa quân bên trong, trong đó có hai đồn lớn là Đồn Tả và Đồn Hữu. Về sau này giặc Pháp tìm cách đi từ gò Bắc Chiên(24) (Mộc Hóa) đi xuống, nên ngài Đốc Binh cho xây thêm Đồn Tiền để án ngữ giặc. Mỗi tiền đồn có từ 200 đến 300 nghĩa quân với 10 khẩu súng thần công(25) và 50 súng bắn đá. Ngoài ra tại gò Bắc Chiên và ấp Lý ngài Đốc Binh cho dựng tiền đồn với khoảng 100 đến 150 nghĩa quân, được trang bị 25 súng bắn đá. Như vậy nếu giặc Pháp không cấp thời đánh chiếm ba tỉnh miền Tây, ắt hẳn chúng sẽ không yên với nghĩa quân trong Đồng Tháp Mười. Tháng 7 năm 1865, nghĩa quân cho đốt chợ Trà Mỹ, sau đó tấn công Cái Bè, Mỹ Quí... Chính những trận đánh này đã làm cho giặc Pháp lo âu nên đầu năm 1866 chúng sai Thủy Sư Đô Đốc De La Grandière trở qua Việt Nam để tấn công và ổn định vùng Đồng Tháp Mười. Với sự trợ giúp của những tên Việt gian như Quản Tấn(26) và Huyện Lộc(27), giặc Pháp đã phá hủy chiến lũy Đồng Tháp vào cuối năm 1866.
Năm 1958, chánh quyền Đệ Nhất Cộng Hòa cho xây dựng ngôi đền thờ cho ngài Đốc Binh Kiều ngay trên khu Gò Tháp. Ngày nay hàng năm đến các ngày 15 và 16 tháng 11 âm lịch các bô lão địa phương cũng như những vùng phụ cận tề tựu về đây tổ chức ngày lễ giỗ cho ngài Đốc Binh Kiều. Trong các buổi lễ người ta thường tổ chức cầu an cho bá tánh và đọc bài văn điếu ngài một cách long trọng và trang nghiêm với nhạc lễ theo nghi thức cổ truyền. Ngoài ra, các ngày lễ này còn có tổ chức hát bội, đấu võ, đốt lửa trận, vân vân. Tuy nhiên, nghi thức chính vẫn là cầu mong các vị thần đã từng hy sinh giữ yên bờ cõi tiếp tục hộ trì cho con dân đất phương Nam được quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt. Trong thời chiến tranh Việt Nam từ năm 1960 đến 1975, Đồng Tháp Mười từng là nơi có những cuộc giao tranh ác liệt giữa hai phe Quốc Cộng. Quân Cộng Sản đã lợi dụng thế đầm lầy của Đồng Tháp làm an toàn khu cho họ, thêm vào đó tại Việt Nam thời đó Mỹ chỉ phát động một cuộc chiến tranh nhằm trong chiến lược giựt sập hệ thống Cộng Sản Sô Viết, nên họ đã không thực tâm với những người Việt Nam quốc gia, và kết quả là quân Cộng Sản đã chiếm toàn bộ miền Nam vào năm 1975 trong sự ngỡ ngàng của nhân dân hai miền Nam Bắc.

Di Tích Khảo Cổ Trong Vùng Đồng Tháp Mười:
 
Về phương diện khảo cổ học, Đồng Tháp Mười hãy còn cất chứa rất nhiều những di chỉ đáng được khai quật về một nền văn hóa mang tên Óc Eo và một vương quốc mang tên Phù Nam. Hiện nay vị trí khu di tích Gò Tháp thuộc ấp 4 xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười. Khoảng hai mươi thế kỷ về trước, Đồng Tháp Mười là trung tâm lãnh địa của vương quốc Phù Nam. Ngày đó địa hình của vùng Đồng Tháp không khác mấy với địa hình của Đồng Tháp ngày nay. Vùng Đồng Tháp Mười thì bát ngát bao la, nhưng vùng di tích Gò Tháp lại nằm giữa Cao Lãnh và Long An. Quần thể Gò Tháp gồm có 5 di tích tiêu biểu tính từ lộ Mỹ Hòa đi vào là Gò Tháp Mười, Tháp Cổ Tự, mộ và đền thờ Đốc Binh Kiều, Gò Minh Sư, và Miễu Bà Chúa Xứ. Các di tích trong Gò Tháp(28) mang nhiều giá trị văn hóa, nhờ khai quật những khu di tích nầy mà chúng ta biết được đặc tính cũng như tiến trình phát triển và bị tiêu diệt của những dân tộc đã từng là chủ nhân ông vùng đất này trước chúng ta. Quang cảnh trong Đồng Tháp vào mùa nước nổi không khác gì một biển nước với những hòn hay những gò đất cao(29) nằm rải rác đó đây. Những gò đất nầy được cấu tạo bằng những lớp cát và đất sét. Nếu quan sát từ đông sang tây phần Đồng Tháp Mười bên phía Việt Nam chúng ta sẽ thấy dọc theo hai con sông Vàm Cỏ(30) là phần thung lũng phù sa; kế đó xám, nâu, đen, và xanh... chen nhau bởi những khu vực cỏ khô, cỏ khô đã bị đốt cháy thành tro đen, và những cánh đồng năng lát, bàng, lau sậy, và đầm sen, vân vân.
Vào hậu bán thế kỷ thứ XIX đến đầu thế kỷ thứ XX, một số nhà khảo cổ học người Pháp đã đến vùng Đồng Tháp Mười để khảo sát vào nghiên cứu. Sau những khai quật về dấu tích những kiến trúc cổ, tượng thờ, bia đá và văn tự cổ, người ta đã công bố những phát hiện quan trọng về vùng Gò Tháp hay khu di tích Gò Tháp(31).
Chung quanh gò cát là một cánh đồng bao la, cây cối um tùm, lau sậy chằng chịt. Ngày trước muốn đi vào Tháp Mười phải đi bằng ngả Cần Lố(32), hai bên bờ toàn là lau sậy. Từ quốc lộ 4(10), gần sông Tiền Giang, đi về phía Tây Bắc khoảng 36 cây số là thị xã Cao Lãnh, từ thị xã Cao Lãnh đi về phía Đông Bắc khoảng 43 cây số là đến xã Tân Kiều, trước năm 1975 thuộc thị xã Cao Lãnh, sau này thuộc huyện Tháp Mười, là khu di tích Gò Tháp. Nhiều nhà khảo cổ học và học giả người Pháp đã đến đây khảo sát và đã đạt được những kết quả quan trọng. Phải nói vùng nầy chẳng những gợi lên sự tò mò cho những nhà khảo cổ địa chất học, mà ngay cả viên Thanh Tra Cai Lậy người Pháp tên Sylvestre, làm việc từ năm 1869 đến năm 1878 cũng đã nhiều lần đến viếng Chùa Tháp Mười. Chùa được xây trên một gò đất cao khoảng bốn hay năm thước tây, đường kính khoảng trên 60 thước. Nền chùa được xây bằng đá ong với tháp hình ngũ giác mà người Miên gọi là Prasah Préam Loveng(33), nhưng người Việt thì gọi là Tháp Mười. Ông Sylvestre đã lấy từ ngôi tháp nầy một phiến đá có chạm trổ hình bánh xe Pháp Luân còn nguyên vẹn với 12 căm bánh xe và gởi về tặng cho Viện Bảo Tàng Musée Municipal de Rochefort sur Mer ở Pháp. Sau đó các nhà khảo cổ học nổi tiếng như Étienne Aymonier và Henri Parmentier thuộc trường Viễn Đông Bác Cổ đều đến viếng thăm Tháp Mười và họ đã tìm ra một số dấu tích kiến trúc cổ, tượng thờ, bia đá và văn tự cổ tại đây, có lẽ có trước thời người Phù Nam làm chủ nhân của mảnh đất này. Về sau người Chân Lạp thấy khu đất khá cao nên cho trùng tu lại những phế tháp để thờ thần Siva(34). Theo các nhà khảo cổ và nhân chủng học thì những di vật văn hóa cổ được đào xới lên trong khu vực này cho thấy trên 2.000 năm trước đây đã từng có những bộ lạc cổ sinh sống tại khu vực này, trong đó đa phần là những dấu tích của nền văn minh Óc Eo của người Phù Nam, có niên đại từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ 6. Vì địa điểm ngôi Tháp Cổ tọa lạc tại một nơi xa xôi hẻo lánh nên ít có ai lui tới tham quan nghiên cứu. Theo kết quả khảo cổ học từ các di vật khai quật được thì Tháp Mười được cấu trúc toàn bằng những tảng đá xanh ở trên một gò cát. Phía trước Tháp Mười có một tượng sư tử và một trụ đá lớn mà người Khmer gọi là “Linga” ở trạng thái đầy sinh lực. Theo Ấn Độ giáo thì thần Shiva-Bhadresvara tượng trưng bằng “linga”, biểu hiện của sự sinh tồn của nhân loại. Ngoài ra, tại đây người ta còn tìm thấy nhiều tượng Phật, và các tượng thờ khác bằng đá hay đồng đen. Hiện các cổ vật nầy được lưu trữ tại Bảo Tàng Viện Sài Gòn(35).
Theo truyền thuyết thì ngôi tháp cổ này do ngài Thiên Hộ Dương xây dựng làm tháp canh cho chiến khu Đồng Tháp hơn 100 năm về trước. Tuy nhiên, theo sự đào xới và nghiên cứu của các nhà khảo cổ vào những năm 1942 và 1944 thì ngôi tháp mà Thiên Hộ Dương xây dựng chỉ tình cờ nằm bên trên của một nền tháp rất cổ của vương quốc Phù Nam. Sở dĩ có tên Tháp Mười là lấy từ tên của vị vua thứ 10 của vương quốc Phù Nam. Cũng theo truyền thuyết thì ngày xưa, khoảng gần 2000 năm trước, vùng Tháp Mười là một đô thị phồn thịnh của vương quốc Phù Nam, nhưng rồi một cơn đại hồng thủy xảy ra tại đây vào khoảng thế kỷ thứ VI đã cuốn trôi tất cả, từ đô thị, phố xá đến cả con người. Khi nước rút chỉ còn trơ lại ngôi tháp đã được vị vua thứ 10 của Phù Nam xây dựng mà thôi. Ôi ngậm ngùi thay:

“Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo, 
Nền cũ lâu đài bóng tịch dương.”

Ngày trước vùng Đồng Tháp Mười là một vùng châu thổ rất đặc biệt, nó trải rộng từ bờ sông Tiền đến tận vùng châu thổ hai sông Vàm Cỏ. Nó nhận phù sa từ ba con sông lớn là sông Tiền Giang, Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Hiện tại vùng Đồng Tháp Mười vẫn còn một diện tích khá lớn, gồm một phần của tỉnh Long An, một phần của tỉnh Mỹ Tho(36) và một phần lớn thuộc hai tỉnh Mộc Hóa(37) và Kiến Phong(38). Sau năm 1975, chánh quyền mới cho sáp nhập ba tỉnh Long An, Hậu Nghĩa và Mộc Hóa làm một thành tỉnh Long An. Trong khi đó hai tỉnh Kiến Phong và Sa Đéc nhập lại thành tỉnh Đồng Tháp. Như vậy hiện nay Đồng Tháp Mười nằm trọn trong hai tỉnh Long An và Đồng Tháp.
Từ con lộ Mỹ Hòa đi vào, di tích khu Gò Tháp gồm có Gò Tháp Mười, tháp Cổ Tự, mộ và đền Đốc Binh Kiều, gò Minh Sư... Ngôi tháp mà chúng ta tìm thấy trong khu Gò Tháp(39) là ngôi tháp thứ mười nên gọi là Tháp Mười, nằm trên một khu gò dạy học tại trường Pétrus Ký, sau làm quản thủ Viện Bảo Tàng Sài Gòn, rồi được thăng chức Viện Trưởng trường Viễn Đông Bác Cổ. Ông Louis Malleret đã bỏ ra nhiều công sức nghiên cứu về Tháp Mười và văn hóa Óc Eo. Chính ông Louis Malleret là tác giả của bộ sách nhan đề “Le Delta du Mékong”(40), trong đó quyển thứ IV là quyển riêng nói về “Le Cisbassac”(41). Ông đã mang về Bảo Tàng Viện Sài Gòn những viên gạch di tích Tháp Mười, hiện vẫn còn được lưu giữ tại đây. Theo ông L. Malleret, khu Gò Tháp Mười là một trong những kiến trúc văn minh Óc Eo. Trên khu gò chính có nhiều gò phụ chung quanh. Tuy nhiên, Gò Tháp là gò lớn nhất với đỉnh cao nhất khoảng trên 5 mét. Gò có hình dáng gần như vuông, với diện tích khoảng 4.500 mét vuông. Trên mặt và dưới chân gò có rất nhiều khối đá lớn, cũng như những vật thờ và bệ thờ thần Visnu. Đây là một khu di tích lớn nhất được tìm thấy trong vùng Đồng Tháp Mười. Louis Malleret cho rằng giáp chân Gò Tháp là khu cư trú nhà sàn, được dựng ở địa hình thấp. Trên gò cao được đắp bằng cát và đất sét nung. Đây cũng là khu di tích của những đền thờ hay mộ hỏa táng. Nhiều di vật làm bằng đá hoa cương và sa thạch được thu thập vào năm 1944, như những tấm lót, cột trụ, chân trụ, bệ thờ và vật thờ theo Ấn Độ giáo, có niên đại Óc Eo, vào khoảng thế kỷ thứ III hay thứ IV sau Tây lịch. Hiện còn 3 cây cột lớn bằng đá hoa cương, mặt cắt ngang hình vuông, cạnh 0,48 mét, dài từ 1,10 mét, 1,42 mét, và 1,56 mét; một đầu có chốt và đầu kia có mộng để ghép nối theo chiều cao. Kiến trúc mà người ta có thể thấy rõ nhất là kiến trúc qui mô nhất trên gò, được xây bằng gạch, chiều dài theo hướng đông-tây khoảng 17,30 mét và chiều rộng theo hướng bắc-nam khoảng 12 mét. Lại có những tượng Phật bằng gỗ, niên đại Óc Eo và hậu Óc Eo, khoảng thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 9. Người ta cho rằng những tượng Phật có niên đại hậu Óc Eo là những di vật của người Chân Lạp mang đến khi họ là chủ nhân ông của vùng này. Phần lớn tượng Phật trong vùng được dân chúng phát hiện một cách ngẫu nhiên khi đào đìa hay khi làm ruộng. Các nhà khảo cổ cho rằng sở dĩ trong vùng Đồng Tháp có quá nhiều tượng Phật bằng gỗ có lẽ vào những thế kỷ đầu Tây lịch, khu vực nầy rất dồi dào về nguồn nguyên liệu gỗ, nhất là gỗ mù u, đây là một trong những loại gỗ rất tốt trong vùng nhiệt đới và sức chịu đựng mưa nắng của nó rất cao. Mặc dầu niên đại của những pho tượng cách nay gần 15 thế kỷ, nhưng nét mỹ thuật và nghệ thuật tạc tượng cũng như chạm trổ của người Phù Nam thời đó rất cao. Những tượng Phật tìm thấy trong vùng đã minh chứng một cách mạnh mẽ rằng đây có thể là giai đoạn đỉnh cao của nghệ thuật điêu khắc Phật giáo của cư dân bản địa thời đó. Sau năm 1975, các nhà khảo cổ Việt Nam tiếp tục khai quật và những di vật tìm thấy gồm những mảnh gốm bình ấm có vòi, một số những mảnh vỡ của ‘Yoni’, tượng Vishnu, khuôn đút, đặc biệt nhất là 2 tượng Vishnu rất đẹp, tuy không còn được nguyên vẹn. Nếu so sánh với những khu di tích khác thuộc văn hóa Óc Eo thì qui mô khu di tích Gò Tháp khá lớn với nhiều loại hình di tích khác nhau. Tại đây người ta cũng tìm thấy dấu tích của một số đường nước cổ(42) rất nhiều di tích khác trong vùng Đồng Tháp như khu Gò Đế, khu Gò Hàng, khu Gò Bảy Liếp, khu Đìa Tháp, và khu Gò Vĩnh Châu A(43), vân vân.
Năm 1931, quận trưởng Cao Lãnh là ông Trần văn Mãng đã mời nhà khảo cổ người Pháp tên Parmentier đến khu Gò Tháp để quan sát, nghiên cứu và đã tìm ra được nhiều tấm bia cổ. Trong số các bia đá cổ tìm thấy trên vùng Gò Tháp, có một tấm bia mang ký hiệu K5, được các nhà nghiên cứu xác định niên đại vào thế kỷ thứ 5 sau Tây lịch. Nội dung của văn bia cho thấy rõ nét tinh thần của thần Vishnu trong Ấn Độ giáo, song hành với Phật giáo trong văn hóa Óc Eo. Văn bia nầy cũng còn cho biết rằng đây chính là vùng đầm lầy mà vua Phù Nam Jayavarman đã chinh phục và giao cho con trai mình là Gunavarman cai quản. Một tấm bia cổ khác được viết từ thời vua Chân Lạp, Jayavarman VII (1181-1281). Tấm bia cho thấy ngôi tháp này đã được vua Jayavarman dựng lên vào thế kỷ thứ XII. Về sau ông bị bệnh phong cùi nên ông rất thương cảm thần dân trong vương quốc của mình. Sau đó nhà vua cho xây dựng rất nhiều ngôi tháp thờ ngài Bồ Tát Avalokitesvara(44) để hộ trì cho thần dân của ngài. Ngài lại cho xây rất nhiều trạm xá và trạm chẩn bần cho người nghèo. Lúc nào nhà vua cũng cho lương y túc trực để chăm lo sức khỏe cho dân nghèo.
Trên gò là chùa Tháp Mười mà theo các bô lão trong vùng thì dân chúng quen gọi là Chùa Tháp hay Tháp Cổ Tự. Nói là chùa chứ ở đây người ta thờ cả Phật lẫn thần(45). Khi nhà văn Nguyễn Hiến Lê đến thăm vào năm 1939 thì ngôi chùa này vẫn còn là một ngôi chùa lợp lá rất đơn sơ, bên trong có bệ thờ và vài bức tượng Phật bằng gỗ không sơn phết chi cả. Bên trong chùa không có đôi liễn hay bức hoành nào cả. Theo nhà văn Nguyễn Hiến Lê thì ông có lưu lại chùa và đàm đạo với sư ông trụ trì tại chùa. Đến năm 1957, chánh quyền Đệ Nhất Cộng Hòa cho dời ngôi chùa đi xa nền cũ khoảng 100 mét, để xây một ngôi tháp 10 tầng ngay trên nền chùa cũ. Hiện nay ngôi phế tháp 10 tầng vẫn còn lưu lại dấu tích tàn phá của chiến tranh. Theo truyền thuyết trong dân gian thì ngay phía sau ngôi tháp là mộ của Hoàng Cô, em gái của Nguyễn Ánh, đã đến đây để trốn chạy nghĩa quân Tây Sơn và mất tại đó.
Sau năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tiến hành khai quật nhiều lần tại khu Gò Tháp, và kết quả cho thấy những gì mà ông Louis Malleret nhận xét trước đây là đúng(46). Năm 1984, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khai quật một kiến trúc khá lớn nằm trong lòng gò, đây là dấu tích của ngôi miếu cổ mà ngày nay là khu vực miếu Bà Chúa Xứ(47), dài khoảng 20,90 mét, rộng khoảng 13,40 mét, gồm 24 đường biên móng và 36 cấu trúc, tương đối cân xứng giữa hai phần Bắc và Nam. Phần nền móng có những ô vuông xây gạch, có chỗ dày đến 1,40 mét. Phần kiến trúc bên trên đã bị phá hủy gần hết; tuy nhiên, căn cứ vào dấu tích của nền móng và những mảnh đá kiến trúc còn sót lại, chúng ta có thể nhận biết đây là một đền thờ Ấn Độ giáo, được xây khá chuẩn mực, và có niên đại vào thế kỷ thứ VI sau Tây lịch. Người ta còn tìm thấy rải rác trên gò những viên gạch cổ, một số vật thờ cũng như tượng thờ thần Visnu. Ngày nay ngôi chùa Tháp chỉ mở hội khi Miễu Bà Chúa Xứ mở hội(48). ai chịu ghé qua tham quan Chùa Tháp, dù ngôi chùa ấy cách ngôi miễu kia không xa lắm. Nói chung, từ xa xa khu Gò Tháp trông như một dãy thảo mộc xanh nổi bật trên đường chân trời với một vài rặng cây lớn về phía Nam và chung quanh là màu xanh của ruộng. Đây là một dãy đất pha cát, dài trên một cây số, rộng trên 300 mét, chạy theo hướng đông bắc-tây nam. Trên mặt gò là tập họp một số gò nhỏ, nơi cao nhất khoảng gần 4 mét.
Bên cạnh đó, các nhà khảo cổ còn khai quật được trong vùng Đồng Tháp Mười tại các Gò Rộc Chanh và Gò Bún rất nhiều di vật cổ và những kiến trúc đền đài theo Ấn giáo của dân tộc Phù Nam. Gò Rộc Chanh nằm trong xã Vĩnh Thạnh, thị xã Cao Lãnh, nay thuộc xã Tân Thạnh, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, còn gọi là Gò Ông Tà hay Gò Lớn, gò dài khoảng 60 mét, rộng khoảng 30 mét, và cao hơn mặt ruộng chừng 1 mét. Theo dân chúng địa phương thì chưa bao giờ gò này bị ngập nước, kể cả những mùa nước lũ cao nhất. Trên gò có nhiều gạch cổ, đỉnh gò bị dân địa phương đào xới để lộ nhiều lớp gạch cổ bên dưới. Sau khi các nhà khảo cổ đào xới, người ta tìm thấy khu Gò Rộc Chanh có hai quần thể kiến trúc khác nhau là quần thể phía Đông và quần thể phía Tây, niên đại của nền gạch cho thấy cả hai quần thể đều được xây vào khoảng thế kỷ thứ VII hay thứ VIII sau Tây lịch, theo kiến trúc Ấn Độ giáo. Từ tháng 2 năm 2001 đến tháng 4 năm 2003, người ta đã khởi động ba lần khai quật, sau những khai quật nầy, các nhà khảo cổ học Việt Nam cho biết qui mô và tính chất của khu di tích Gò Tháp gồm ba loại hình khác nhau là di chỉ cư trú, di tích kiến trúc, và di tích mộ táng(49). Người ta đã phát hiện một khu cư trú cùng mộ táng có địa tầng còn nguyên vẹn cách chân Gò Minh Sư khoảng 120 mét về phía đông nam. Dấu tích mộ táng phân bố dưới chân gò và dấu tích cư trú trên những gò thấp dưới những khu ruộng chung quanh. Trong cuộc khai quật nầy người ta tìm thấy hơn 18.000 mảnh vỡ gốm sứ, bình, vò nồi, rất nhiều mảnh có thể ráp lại được. Riêng nhóm hiện vật bằng vàng tại khu Gò Tháp có tới 321 mảnh, với những chạm khắc hình tượng các vị thần, các linh vật, và hoa văn thuộc văn minh Ấn Độ, có niên đại từ khoảng thế kỷ thứ VI trước Tây lịch đến khoảng thế kỷ thứ VI sau Tây lịch. Đặc biệt người ta phát hiện trong vùng Đồng Tháp Mười rất nhiều pho tượng Phật bằng gỗ mà đa số có niên đại từ thế kỷ thứ V đến thế kỷ thứ VII sau Tây lịch, điều nầy cho thấy nghệ thuật tạc tượng của vùng Gò Tháp(28) nói riêng, và văn hóa Óc Eo nói chung còn cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long nữa. Khoảng gần hai mươi thế kỷ về trước, những cư dân cổ trong vùng Đồng Tháp Mười cũng phải cố gắng thích nghi với môi trường sinh sống bằng cách xây dựng khu cư trú bằng những khu nhà sàn trên những vùng trũng quanh những gò; còn trên gò thì họ xây những những khu đền đài, tháp mộ, vân vân, nhằm phục vụ cho tín ngưỡng và đời sống tâm linh của họ. Về thực phẩm thì chắc chắn phải dồi dào và phong phú hơn nhiều nơi khác nhiều lắm(50).
Chính vì vậy mà khi cha anh của chúng ta vào đến đây mới có câu ca dao: “Ai ơi về miệt Tháp Mười, cá tôm sẵn bắt lúa trời sẵn ăn.” Thật vậy, mãi đến ngày nay mà vùng Tháp Mười vẫn còn vô số các loại động vật và thực vật nơi đầm lầy đìa trũng, trong đó sen, súng, và lúa ma hãy còn rất nhiều. Tại khu Gò Tháp, bên cạnh những di vật thuộc văn minh Óc Eo, người ta còn tìm thấy nhiều di vật của các nền văn minh khác, có thể thuộc thời kỳ ‘Tiền Óc Eo’ hay ‘Tiền Sử’. Điều nầy cho thấy cư dân cổ trong vùng Gò Tháp mà ngay nay thuộc Đồng Tháp Mười không chỉ có mối quan hệ với văn hóa Óc Eo(51), mà họ còn có nhiều mối quan hệ với các nền văn hóa khác nữa.

------------

Để tiện theo dõi Đất Phương Nam 1, Mời Bạn xem các phàn 1,2,34..ở cột danh mục hai bên.


***


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét