Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2018

Từ Tổng Bình An Đến Tỉnh Bình Dương Phần 6


Tỉnh Bình Dương Sau Năm 1975:

Tên tỉnh Bình Dương mới nầy đã có từ năm 1957, dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Tháng 9 năm 1975, chánh quyền mới cho sáp nhập các tỉnh Bình Long, Phước Long và Thủ Dầu Một làm tỉnh Bình Thủ, nhưng tên gọi Bình Thủ chỉ tồn tại từ tháng 9 năm 1975 đến đầu năm 1976 mà thôi. Đến tháng 2 năm 1976, chánh quyền mới quyết định thành lập tỉnh Sông Bé(60) trên lãnh thổ của 3 tỉnh Bình Dương, Bình Long và Phước Long, cộng thêm phần đất của hai huyện Tân Uyên và Dĩ An của Biên Hòa. Tỉnh Bình Dương ngày nay nằm trọn trong địa phận của huyện Bình An dưới thời vua Gia Long. Thời nầy, tỉnh Sông Bé, gồm có thị xã Thủ Dầu Một và 7 huyện: Thuận An, Tân Uyên, Bến Cát, Đồng phú, Lộc Ninh, Phước Long, và Bù Đăng, với tổng dân số khoảng 1.177.874 người. Đến ngày 6 tháng 11 năm 1996, chánh quyền lại tách tỉnh Sông Bé ra làm hai tỉnh: Bình Phước và Bình Dương. Khi mới được tách ra khỏi tỉnh Sông Bé, tỉnh Bình Dương chỉ gồm thị xã Thủ Dầu Một và 3 huyện: Bến Cát, Thuận An và Tân Uyên. Đến ngày 23 tháng 7 năm 1999, chánh quyền tỉnh Bình Dương lại tách đôi mỗi huyện ra để có được 6 huyện như hiện nay. Phú Giáo tách ra từ Tân Uyên, Dĩ An tách ra từ Thuận An, và Dầu Tiếng tách ra từ Bến Cát. Hiện nay, tỉnh Bình Dương có tổng diện tích khoảng 2.696 cây số vuông, và tổng dân số khoảng 720.800 người, gồm có thị xã Thủ Dầu Một, và các huyện Dầu Tiếng, Bến Cát, Phú Giáo, Tân Uyên, Dĩ An, và huyện Thuận An. Về vị trí, phía đông bắc giáp tỉnh Bình Phước, tây nam giáp thành phố Hồ Chí Minh, đông nam giáp tỉnh Đồng Nai, và tây bắc giáp tỉnh Tây Ninh. Theo Tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam năm 2009, tỉnh Bình Dương có tổng diện tích khoảng 2.695,5 cây số vuông và tổng dân số khoảng 863.400 người, gồm có thị xã Thủ Dầu Một và 6 huyện: Bến Cát, Dầu Tiếng, Dĩ An, Phú Giáo, Tân Uyên và Thuận An. Thị xã Thủ Dầu Một có diện tích khoảng 87,9 cây số vuông, dân số khoảng 159.900 người, mật độ trung bình là 2.468 người trên một cây số vuông. Huyện Bến Cát có diện tích 588,4 cây số vuông, dân số 119.700 người, mật độ trung bình là 202 người trên một cây số vuông. Huyện Dầu Tiếng có diện tích là 719,8 cây số vuông, dân số 92.600, mật độ trung bình là 129 người trên một cây số vuông. Huyện Dĩ An có diện tích là 60,3 cây số vuông, dân số 136.500, mật độ trung bình là 2.264 người trên một cây số vuông. Huyện Phú Giáo có diện tích là 541,5 cây số vuông, dân số 67.300, mật độ trung bình là 124 người trên một cây số vuông. Huyện Tân Uyên có diện tích là 613,4 cây số vuông, dân số 123.400, mật độ trung bình là 201 người trên một cây số vuông. Huyện Thuận An có diện tích là 84,3 cây số vuông, dân số 164.600, mật độ trung bình là 1953 người trên một cây số vuông.

Với vị trí như hiện nay, tỉnh Bình Dương có 3 con sông lớn chảy qua địa phận là sông Bé, sông Sài Gòn và sông Đồng Nai; cùng nhiều kinh rạch nhỏ khác, khiến cho giao thông đường thủy rất thuận tiện. Từ Sài Gòn người ta có thể đi dọc theo sông Sài Gòn để đến các vườn trái cây nổi tiếng trên Lái Thiêu, Cầu Ngang và Thủ Dầu Một, hoặc ngay cả đến hồ Dầu Tiếng. Trong khi bên phía sông Đồng Nai, người ta có thể dùng đường thủy đi dọc theo quốc lộ 13, qua liên tỉnh lộ 741, để đến các thắng cảnh Thác Mơ, núi Bà Rá, Bù Đăng, Bù Đốp, và hồ Sóc Xiêm, vân vân. Bên cạnh đó, nhờ hệ thống sông ngòi nầy mà đa số ruộng đất của tỉnh Bình Dương đều được dẫn thủy nhập điền, ruộng vườn xanh tươi quanh năm. Riêng thị xã Thủ Dầu Một, nằm trên tả ngạn sông Sài Gòn, chỉ cách Sài Gòn chưa đầy 30 cây số đường bộ, khiến cho sự giao thương giữa Sài Gòn-Thủ Dầu Một rất nhanh chóng. Sự đi lại giữa Sài Gòn-Thủ Dầu Một nhanh đến độ nhiều người có cảm tưởng Thủ Dầu Một chỉ là một mảnh sân sau của Sài Gòn. Dầu hiện nay, trong vùng Lái Thiêu và Búng hãy còn nhiều đồng ruộng và vườn cây ăn trái nổi tiếng như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, dâu, bòn bon, mít,, xoài, mận, ổi, vân vân, nhưng trong một tương lai rất gần, một khi kinh tế vùng Sài Gòn phát triển mạnh và cần mở rộng thêm, thì chắc chắn vùng đất Bình Dương sẽ bị Sài Gòn lấn dần với những chương trình đô thị hóa các vùng Dĩ An và Thuận An. Phải nói, hiện nay tỉnh Bình Dương là một trong những tỉnh có mức độ phát triển kinh tế nhanh nhất ở Việt Nam, khoảng 8 phần trăm mỗi năm. Hiện nay, Bình Dương là tỉnh thuộc vùng phát triển kinh tế trọng điểm của các tỉnh phía Nam (vùng nầy bao gồm Sài Gòn, Đồng Nai, và Bà Rịa-Vũng Tàu). Hiện tại, tỉnh Bình Dương có hai khu công nghiệp lớn, đó là khu công nghiệp Việt Nam-Singapore(61), chiếm một diện tích trên 100 mẫu đất, do công ty mậu dịch xuất khẩu Sông Bé và công ty liên công nghiệp nghiệp Việt Nam-Singapore liên doanh; khu công nghiệp Việt Hưng, chiếm một diện tích trên 45 mẫu đất, với trên 23 nhà máy sản xuất đang hoạt động. Theo thống kê năm 2005, tỉnh Bình Dương chỉ chiếm 0,8 phần trăm tổng diện tích và 1 phần trăm tổng dân số cả nước; tuy nhiên, chỉ khoảng không đầy 8 năm sau ngày được thành lập tỉnh (1997 đến 2005), tỉnh đã chiếm đến 8 phần trăm ngân sách của toàn quốc. Đây là một trong những tỉnh có có tốc độ phát triển hàng đầu ở miền Nam Việt Nam.


Chú Thích: 
 

(1) Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, tr. 58-59, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, Sài Gòn tái bản năm 1973.
(2) Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Lý Việt Dũng dịch, NXB Tổng Hợp Đồng Nai 2006, tr.121.

(3) Cần Thơ.

(4) Bạc Liêu và một phần của Sóc Trăng ngày nay.

(5) Thuộc quận Gò Vấp.

(6) Nay là xã An Phú Đông.

(7) Đại Nam Nhất Thống Chí đã ghi: “Năm Mậu Thân 1698, Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu

Cảnh đem xứ Đồng Nai đặt thành huyện Phước Long và đặt dinh Trấn Biên thuộc phủ Gia Định, và mộ dân từ Quảng Bình trở vô đến ở, chia đặt thôn ấp...”

(8) Bình Chánh có 50 thôn xã, và An Thủy có 69 thôn xã.

(9) Sáu tỉnh đó là: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Kể từ đó miền Nam còn được dân gian gọi là Nam Kỳ Lục Tỉnh.

(10) Nghĩa An gồm 5 tổng với 58 xã thôn, nay là vùng Thủ Đức.

(11) Tức tổng Dương Hòa Hạ mà về sau nầy là huyện Dầu Tiếng.

(12) Nằm trong thôn Tường An.

(13) Nằm trong thôn An Thạnh.

(14) Từ khi xây Kinh Gia Định năm 1790 đến nay.

(15) Nằm trong địa phận tỉnh Bình Dương ngày nay.

(16) Dọc theo sông Sài Gòn.

(17) Mỗi mẫu tây có thể trồng khoảng 2.400 cột dây tiêu với năng suất khoảng 3 kí lô trên mỗi dây.


(18) Bình Dương là tên cũ của một tổng trong huyện Tân Bình, thuộc phủ Gia Định. Khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, địa danh Bình Dương không còn được nhắc tới nữa. Họ đặt tên cho tỉnh mới là Thủ Dầu Một. Mãi tới năm 1956, chánh quyền Đệ Nhất Cộng Hòa mới lấy lại tên Bình Dương để đặt cho tỉnh Thủ Dầu Một, nhưng tên tỉnh Bình Dương nầy không dính dấp gì đến địa danh tổng Bình Dương của huyện Tân Bình ngày trước.
(19) Thuộc tỉnh Biên Hòa, nay là tỉnh Đồng Nai.

(20) Mãi đến ngày nay vẫn còn nhiều người cho rằng không có nơi nào có trái sầu riêng ngon như sầu riêng Lái Thiêu. Có thể đây chỉ là ý kiến chủ quan; tuy nhiên, đứng về mặt khoa học mà nói, khi các nhà truyền giáo đưa giống sầu riêng qua Việt Nam, thì chỉ có đất Lái Thiêu là thích hợp cho cây sầu riêng, nên nó đã được trồng đầu tiên ở đây. Lái Thiêu là vùng đất bưng, có phù sa mềm với độ lưu huỳnh cao, rất thích hợp cho sự phát triển của cây sầu riêng.

(21) Chạm lộng là nghệ thuật dùng loại cưa lộng để khoét thành những tác phẩm nghệ thuật rất tinh xảo.

(22) Miền Bắc và miền Trung.

(23) Ngày nay thuộc huyện Thuận An.

(24) Làng sơn mài Tương Bình Hiệp cách thị xã Thủ Dầu Một khoảng 2 cây số. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Tương Bình Hiệp thuở xưa chỉ là một thôn nhỏ, chuyên nghề làm tranh cổ. Trước khi tới làng người ta đã nghe tiếng thợ đục đẽo thật đều nhịp. Nhà nhà đều làm nghề cưa gỗ vẽ tranh rồi sơn mài. Sau khi cưa xẻ ván xong, họ phết lên ván một thứ sơn có màu đen rồi vẽ thêm hình núi non sông nước, hay cây cảnh... Sau đó, họ mài ra nhiều lần với những kỹ thuật đặc biệt, tạo nên một lớp men đen bóng, trông rất đẹp mắt.
(25) Khoảng những năm từ năm 1950 đến năm 1975.

(26) Sơn mài Việt Nam không sử dụng nguyên liệu ngoại quốc, mà chỉ toàn là nguyên liệu từ cây sơn của Việt Nam. Cây sơn là một trong những loại cây có mũ trắng, ngày xưa chúng mọc thành rừng ở phía bắc Thủ Dầu Một, ngày nay cây sơn được trồng rất nhiều trong tỉnh Bình Dương, chỉ nhằm phục vụ cho tranh sơn mài mà thôi. Nhựa cây sơn rất tốt, nếu biến chế đúng phương pháp có thể bảo vệ những bức tranh trên gỗ rất lâu. Thường thì người ta đục những lỗ trên cây để hứng nhựa, sau khi đem nhựa về người ta đổ nhựa vào một cái ‘sải’ được đan bằng tre, rồi đậy bên trên bằng một lớp giấy, cho tới khi nhựa sơn đã rỏ hết nước ra, người ta mới lấy ra từng lớp nhựa sơn, lớp trên cùng gọi là mũ loại một, có màu sẫm như màu cánh gián, sau đó người ta đổ lớp sơn nầy vào thùng rồi khuấy liên tục trong 3 ngày, mũ sơn sẽ có màu trong, sau đó người ta đem trộn nó với một ít nhựa thông cho có nước bóng. Sau cùng, nếu muốn cho mũ sơn có màu đen huyền hay xám thì người ta chỉ việc cho bột màu vào rồi khuấy thật đều là mũ sơn đã sẵn sàng cho một bức tranh sơn mài.

(27) Một loại đất sét trắng được sử dụng trong việc chế tác đồ gốm sứ.

(28) Trong bài viết ‘Người Bình Dương’ trích trong “Miền Đông Nam Bộ Lịch Sử và Phát Triển”, nhà văn Sơn Nam cho rằng sau khi lò gốm ở Cây Mai trong vùng Chợ Lớn bị giải thể vào khoảng năm 1880 do sự phát triển đô thị, toàn bộ chủ và thợ tại lò gốm sứ Cây Mai đã dời về Lái Thiêu, nơi có rạch Lái Thiêu, rất thuận tiện cho việc chuyên chở sản phẩm, đồng thời vùng phụ cận Tân Uyên hãy còn rất nhiều trữ lượng đất sét. Tuy nhiên, những lò gốm sứ ở Cây Mai là những cơ sở sản xuất gốm sứ của những người Minh Hương đã từ cù lao Phố chạy về đó vào khoảng năm 1776, sau khi bị quân Tây Sơn đánh đuổi, sản phẩm của họ chuyên về gốm trang trí các đình chùa của người Hoa với sắc thái Trung Quốc. Trong khi đó, do nhu cầu gốm sứ gia dụng của các lưu dân đi tiên phong trong việc khẩn hoang lập ấp ở miền Đông, nên các lò gốm sứ Lái Thiêu và Thủ Dầu Một đã ra đời và họ chỉ sản xuất đồ gốm gia dụng với phong thái hoàn toàn Việt Nam. Như vậy, những lò gốm sứ ở Lái Thiêu có lẽ đã tồn tại ngay từ khi những lưu dân đầu tiên của Việt Nam vào đây khẩn hoang lập ấp, rồi sau nầy khi các lò gốm sứ của người Hoa ở vùng Cây Mai bị giải thể, họ đã dời về Lái Thiêu và các vùng khác ở Thủ Dầu Một. Và như chúng ta thấy, ngày nay

gốm sứ Lái Thiêu-Thủ Dầu Một đã trở thành những sản phẩm mang phong thái của cả Việt lẫn Hoa được sản xuất với qui mô lớn.

(29) Trường phái Phúc Kiến thường sử dụng màu men đen và màu da lươn, hoa văn trang trí đơn giản trên các khạp, lu và hũ... Trường phái Quảng Đông thường sử dụng loại men có nhiều màu sắc, đặc biệt là loại men màu xanh của ten đồng trên các tượng, các chậu hoa hay các đôn có hình voi... Trường phái Triều Châu thường dùng loại men xanh trắng tạo hình sơn thủy, con gà, cây đa, cây tùng, rồng bát tiên, bát bửu... trên những đồ gia dụng hằng ngày như tô, chén, dĩa, bình bông, vân vân. Thường thì trên mỗi sản phẩm người ta đều phụ họa bằng những hoa văn chữ Hán ghi lại xuất xứ của món đồ như tên lò sản xuất, tên xóm, ấp, làng xã, ngay cả đến công dụng hay những lời chúc lành đến với người sử dụng sản phẩm. Tuy nhiên, đồ gốm sứ vùng Lái Thiêu-Thủ Dầu Một khác hẳn với gốm sứ Biên Hòa ở chỗ không thấy có đường viền và đề tài về con người trên các sản phẩm gốm sứ Bình Dương.
(30) Nguyên liệu dùng làm đồm gốm.

(31) Nghề gốm sứ có lẽ đã du nhập vào vùng đất Bình Dương vào cuối thế kỷ thứ XVII, theo chân những người Minh Hương. Ban đầu, những người Minh Hương nầy định cư tại vùng Cù Lao Phố, họ chỉ lo khai hoang lập ấp, chứ chưa phát triển ngành gốm sứ. Sau năm 1779, cù lao Phố bị tàn phá trong chiến tranh giữa quân Tây Sơn và Nguyễn Ánh, những người Minh Hương nầy chạy về vùng Cây Gõ và Chợ Lớn. Tại đây hãy còn dấu tích của những lò gốm bị giải thể vào khoảng năm 1880, khi vùng Chợ Lớn được chỉnh trang. Từ đó, ngành gốm sứ tại Chợ Lớn phải dời về vùng Lái Thiêu, rồi lần hồi phát triển rộng rãi khắp vùng Bình Dương. Lúc bấy giờ các lò gốm sứ lớn tại Bình Dương đã chia ra hẳn hòi các bang Quảng Đông chuyên về các ghế đôn, Triều Châu chuyên về tô, chén, dĩa gia dụng, Phước Kiến chuyên về lu, khạp, hũ...
(32) Theo nhà văn Sơn Nam trong bài viết ‘Người Bình Dương’ trích trong “Miền Đông Nam Bộ Lịch

Sử và Phát Triển”

(33) Ngựa Xích Thố nguyên trước kia là của Đổng Trác, tặng cho con nuôi là lữ Bố. Khi Lữ Bố mất, ngựa thuộc về Tào Tháo và chính Tào Tháo đã tặng nó cho Quan Vân Trường. Từ đó đến hết đời Quan Vân Trường, ông đã cùng ngựa Xích Thố đánh nam dẹp bắc. Theo La Quán Trung, tác giả bộ ‘Tam Quốc Chí Diễn Nghĩa’, sau khi Quan Vân trường chết, thì ngựa Xích Thố cũng bỏ ăn mà chết theo chủ. Chính vì vậy mà trong các chùa thờ Quan Thánh Đế, người ta luôn thờ ngựa Xích Thố ngay trước tiền điện.

(34) Quan Công, tức Quan Thánh Đế Quân, là thánh hiệu của Quan Vũ, tự Quan Vân trường, quê ở Giải Châu, Hà Đông, nay thuộc tỉnh Sơn Tây, trung Quốc. Ngài là anh em kết nghĩa mà cũng là một vị tướng của Hán Đế Lưu Huyền Đức, tức Lưu Bị. Ngài sanh năm 162 và mất năm 220, lúc mới 58 tuổi khi bị bộ tướng của Ngô Tôn Quyền phục kích giết chết. Vì ngài là người trung tín nhân nghĩa, nên khi qua đời người Trung Hoa tin rằng ngài đã hiển Thánh. Đến đời nhà Tống, ngài được tôn phong làm Quan Thánh Đế Quân, Quan Phu Tử hay Sơn Tây Phu Tử... Tuy nhiên, người ta hay gọi ngài là Quan Công.
(35) Lưu Bị.

(36) Trương phi.

(37) Con nuôi của Quan Công.

(38) Bộ tướng đã cùng chết theo Quan Công.

(39) Sách Sơ Thảo Phật Giáo Bình Dương của tỳ kheo Thích Huệ Thông, xuất bản năm 2000, có ghi:

“Vào năm Tân Dậu 1741, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Khoát, thiền sư Đại Ngạn trên bước đường vân du truyền đạo, ngài đến ngọn đồi thuộc làng Bình An, huyện Phước Long, dinh Trấn Biên, lập am tu hành. Sau một thời gian, am tranh được xây dựng thành chùa Hội Khánh.”
(40) Được biết ngài Minh Tịnh đã tu học tại Tây Tạng từ năm 1935 đến năm 1937.

(41) Trong Mật Tông, lại có trường phái Kim Cang ở Tây Tạng, thờ Bất Không Thành Tựu Như Lai, Đa Bảo Như Lai, A Di Đà Như Lai, Tỳ Lô Giá Na Như Lai, A Súc Bệ Như Lai, và Bảo Sanh Như Lai.

(42) Nay là tỉnh lộ 747.

(43) Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, bản dịch của Tu Trai Nguyễn Tạo, tập thượng Biên Hòa-Gia Định, tái bản tại Sài Gòn năm 1973, núi Chiêu Thới tục gọi là Châu Thới, ở phía nam huyện Phước Chánh 21 dặm, từng núi cao tít làm bình phong cho tỉnh thành. Khoảng giữa núi Chiêu Thới có am Vân Anh là nơi ni cô Lượng tĩnh tu, di chỉ nay vẫn còn. Đột khởi một gò cao bằng phẳng và rộng rãi, ở bên có hang hố và khe nước chảy quanh. Trên có chùa Hội Sơn, là chỗ thiền sư Khánh Long tu hành. năm Bính Thân, quân Nghĩa Hòa là Lý Tài chiếm cứ vùng núi nầy. Đến năm Tự Đức thứ 3, tức năm 1850, núi nầy được liệt vào tự điển. Sách Gia Định Thành Thông Chí cũng ghi: “Núi Chiêu Thới... từng núi cao xanh, cây cối lâu đời rậm tốt, làm tấm bình phong triều về Trấn Thành. Ở hang núi có hang hố và khe nước, dân núi ở quanh theo, trên có chùa Hội Sơn là chỗ thiền sư Khánh Long sáng tạo để tu hành, ngó xuống đại giang, du khách leo lên thưởng ngoạn có cảm tưởng tiêu dao ra ngoài cửa tục.”

(44) Lỵ sở huyện Phước Chính, tức là quận lỵ Tân Uyên ngày nay.

(45) Cách núi Long Ẩn khoảng trên 1 cây số.

(46) Theo các bô lão địa phương thì tên của ngôi đình là Bến Thuế, vì đây là một trong 5 bến ghe vận chuyển lúa thuế của địa phương về nộp cho thành Gia Định.

(47) Bình Phú nằm ở ngoại ô thị xã Thủ Dầu Một.

(48) Cách Thủ Dầu Một khoảng 12 cây số, theo tỉnh lộ 742 lên Phú Chánh.

(49) Sa Huỳnh là vùng đất nằm giữa Quảng Ngãi và Qui Nhơn ngày nay, còn Đông Sơn là tên của một làng nằm bên bờ sông Mã, thuộc tỉnh Thanh Hóa. Từ năm 1924 đến năm 1929, trường Viễn Đông Bác Cổ đã khai quật di chỉ đồ đồng Đông Sơn, rồi người ta lấy địa danh Đông Sơn mà đặt tên cho nền văn hóa ‘Đồng Thau’ nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam, mà còn cả khu vực Đông Nam Á nữa.
Những hiện vật tìm thấy ở Đông Sơn gồm có trống đồng, rìu đồng, vân vân.

(50) Dụng cụ dùng để đựng nước.

(51) Trước đây là xã Tân Khánh.

(52) Trong xã Bình Chính, thuộc huyện Thuận An.

(53) Tại Bình Dương, các lò gốm sứ thường dùng củi bằng lăng, củi dầu, củi xăng, và củi điều vv... để làm nhiên liệu nung gốm.

(54) Sông Búng là một nhánh của sông Sài Gòn.

(55) Dân địa phương gọi là lò chén Chòm Sao, vì trước đây nơi nầy có một cây sao cổ thụ, 3 người ôm không xuể.

(56) Giống như lu nhưng miệng nhỏ hơn.

(57) Kể từ tả ngạn sông Sài Gòn ra đến bờ biển Đông.

(58) Kể từ hữu ngạn sông Sài Gòn tới sông Vàm Cỏ Đông.

(59) Phần đất 8 xã còn lại của quận Củ Chi trước đây được cắt ra để thành lập quận Phú Hòa, thuộc tỉnh Bình Dương.

(60) Sở dĩ có tên Sông Bé, vì họ lấy tên con sông chảy qua giữa tỉnh để đặt tên cho tỉnh. Sông Bé là một trong những phụ lưu lớn nhất của sông Đồng Nai, phát nguyên từ vùng cao nguyên Đắc Lắc, trên những ngọn đồi cao trên 800 mét, sông dài khoảng 370 cây số, chảy trong tỉnh Đắc Lắc theo hướng đông tây, vào địa phận tỉnh Sông Bé theo hướng bắc nam, và chảy qua các vùng Phước Long, Lộc Ninh, Bình Long, Đồng Phú, Bến Cát, Tân Uyên, rồi đổ vào sông Đồng Nai ở vùng Hiếu Liêm.

(61) Dự tính trong vòng 8 năm sẽ phát triển ra thành 500 mẫu, với khoảng 300 nhà máy sản xuất công nghiệp.

---------------------

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét