Thứ Sáu, 28 tháng 9, 2018

Từ Đất Phiên Trấn Đến Tỉnh Gia Định P3


Cư Dân Trên Vùng Đất Gia Định:
Phải nói hai tiếng ‘Gia Định’ đối với người Việt Nam có một ý nghĩa bao quát cho cả một vùng đất miền Nam. Khi nói đến Gia Định, người ta liên tưởng ngay đến Sài Gòn. Thậm chí, khi nói đến Gia Định, có người liên tưởng ngay đến cả vùng đất Nam Kỳ. Mà cũng phải, vì ngay từ khi quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lý, thì cả vùng đất nầy chỉ có hai phủ Gia Định và Phước Long mà thôi. Chính vì vậy mà khi nói đến cư dân trên vùng đất Gia Định, người ta cũng liên tưởng ngay đến cư dân của cả vùng Đồng Nai-Cửu Long, nghĩa là cả miền Nam, từ Đồng Nai, Biên Hòa, đến Sài Gòn, Gia Định, rồi xuống tận Long An, Mỹ Tho, Vĩnh Long, Cần Thơ, An Giang, Hà Tiên, vân vân. Có phải trước khi những lưu dân Việt Nam đến khai phá vùng đất Nam Kỳ thì nó hãy còn hoang vu theo như lời kể của Châu Đạt Quan trong Chân Lạp Phong Thổ Ký hay không? Đúng như vậy, khi xứ Đàng Trong mở cõi về phương Nam thì vùng đất nầy hãy còn là một vùng đất rộng với toàn rừng là rừng, nhưng rải rác đó đây cũng có những cư dân bản địa sinh sống bằng phương cách bán du mục. Theo các nhà khảo cổ học thì đất Gia Định vào thế kỷ thứ I vốn là vùng thị tứ sầm uất của vương quốc Phù Nam, nhưng không biết vì lý do gì mà sau đó họ lại bỏ đi về miền Tây, đến các vùng Đồng Tháp và Óc Eo. Ngày nay chúng ta không có nhiều sử liệu về vương quốc Phù Nam nên khó mà biết được họ đã rời bỏ vùng Gia Định vì lý do gì, rất có thể họ không thể sống hòa đồng với những người bản địa lâu đời tại đây như những người Mạ, Châu Ro, Chu Ru, Stiêng, vân vân, nên họ bỏ đi giống như bản chất của những người Khmer nối gót họ về sau nầy, mỗi lần có điều gì xích mích với người Việt thì họ chửi rủa rồi bỏ đi. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, từ các cửa biển như cửa Cần Giờ và Soài Rạp, vân vân, đi vào toàn là rừng rậm hoang vu, đây là vùng cư trú của nhiều nhóm dân tộc thiểu số mà người Việt gọi họ là người “Man”(4). Vào thời đó địa bàn cư trú của các nhóm người nầy, đặc biệt là người Mạ chạy dài từ vùng Đồng Nai xuống tận Meso (Mỹ Tho). Người Mạ hay người Mọi Bà Rịa, nói tiếng Môn-Khmer, đã có cuộc sống đồng cư lâu đời tại đây, họ thường làm các nghề dệt vải thổ cẩm rất đẹp, ở nhà sàn, thường là những dãy nhà liền nhau. Họ có tục cà răng căng tai, thoạt trông tưởng họ dữ dằn lắm, nhưng bản tánh họ rất hiền lành, thường bị người Miên và người Stiêng bắt đem đi bán làm nô lệ. Tuy nhiên, vào thế kỷ thứ XVII, khi những lưu dân Việt Nam đến đây thì tệ nạn nầy cũng chấm dứt. Hiện tại người Mạ chỉ còn khoảng trên 20 ngàn người sinh sống trong các vùng phía Nam cao nguyên Lâm Đồng và Đắc Lắc. Người Stiêng, còn gọi là Mọi Đồng Nai hay Mọi Cà Răng, sống tại các vùng Tây Ninh, Thủ Dầu Một, Biên Hòa, Hậu Nghĩa... nói tiếng Môn-Khmer, rất gần với ngôn ngữ của các bộ tộc Mnông, Cơ Ho, và Mạ. Họ thường để tóc dài rồi bới ra phía sau, đeo bông tai bằng ngà. Người Stiêng có tục xâm mặt và xâm mình, đàn bà thì mặc vái còn đàn ông thì đóng khố. Hiện nay người Stiêng còn khoảng trên dưới 40 ngàn người, sinh sống trên các vùng cao tại miền biên giới Tây Ninh và Kampuchia. Ngay từ trước thế kỷ thứ XVII, nghĩa là trước khi đất Gia Định trực thuộc xứ Đàng Trong, vùng đất nầy cũng có rất ít người Khmer cư trú. Đến khi những lưu dân người Việt đến đây thì cộng đồng người Khmer tại đây bỏ đi về phía biên giới Kampuchia và Tây Ninh. Hiện tại vùng Sài Gòn Gia Định có rất ít người Khmer sinh sống.
Vào cuối thế kỷ thứ XIX, qua những khai quật khảo cổ, người ta đã tìm thấy những di chỉ từ thời đại đồ đá cũ và rất nhiều di chỉ thời đồ đá mới sang đến thời đại kim khí, vân vân. Như vậy vùng Sài Gòn Gia Định đã có cư dân từ thời nguyên thủy đến văn minh Óc Eo, hậu óc Eo, được nối tiếp với văn minh Việt Nam mang đến từ những lưu dân đi khai khẩn vùng đất nầy từ thế kỷ thứ XVII. Về phương diện địa chất học, vùng Phiên Trấn nằm trên hai vùng phù sa cổ và mới. Khu vực phù sa cũ chạy dài từ Tây Ninh xuống Sài Gòn, có cấu trúc địa chất giống như miền Đông Nam Phần. Trong khi vùng phía Nam Sài Gòn, từ Sài Gòn chạy dài xuống Nhà Bè là một vùng đất thấp với cấu trúc phù sa mới. Đây là vùng sình lầy, trũng nước, ngập mặn quanh năm, chịu ảnh hưởng thủy triều và gió mùa giống như miền tây Nam Phần. Như vậy vùng Phiên Trấn vừa có cấu trúc địa chất cổ đại mà cũng vừa cận đại. Và cư dân cũng tuần tự lan tràn trong vùng theo sau sự hình thành và cấu trúc địa chất, nghĩa là ở đâu đất đai được thành hình là ở đó có cư dân. Ngay từ thời nguyên thủy của vùng đất nầy đã có cư dân trú ngụ, đến những thế kỷ sau Tây lịch, vùng đất nầy đã có một nền văn minh rực rỡ, đó là văn minh Óc Eo, rồi hậu Óc Eo sau khi chủ nhân của nền văn hóa Óc Eo đột nhiên biến mất khỏi vùng đất nầy. Sau đó người Khmer đã tràn xuống cư ngụ trên vùng đất nầy cho mãi đến thế kỷ thứ XVII. Nhưng trên thực tế, theo Chân Lạp Phong Thổ Ký của Châu Đạt Quan, Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn và Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, từ thế kỷ thứ XIV cho mãi đến đầu thế kỷ thứ XVII, hầu hết vùng đất nầy hãy còn hoang vu, với cây rừng rậm rạp, đầm lầy ẩm thấp, lại thêm sơn lam chướng khí và thú dữ hoành hành. Ngay tại vùng mà bây giờ thuộc huyện Hóc Môn, vào cuối thế kỷ thứ XVII hãy còn rất nhiều cọp và cá sấu dữ, thường xuyên bắt hay ăn thịt người, nên có câu “dữ như cọp vườn trầu” hay “ác như sấu Vũng Gấm” vân vân. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, vào Năm 1698, quan Kinh Lược Nguyễn Hữu Cảnh lấy đất Nông Nại đặt làm phủ Gia Định, lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên; lập xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn. Nghĩa là quan Kinh Lược Nguyễn Hữu Cảnh đã thành lập một vùng cương vực rộng lớn từ Phước Long, Bình Long, Bình Dương, Tây Ninh, Tân Bình, Vũng Tàu, Sài Gòn và xuống tận Long An bây giờ. Mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ và ký lục để cai trị. Nói như vậy không có nghĩa là trước đây vùng đất nầy chưa từng có cư dân nào trú ngụ. Kỳ thật, theo các di chỉ khảo cổ thì vùng dinh Phiên Trấn cũng như các vùng phụ cận từ lâu lắm đã có nhiều bộ tộc của các cộng đồng cư dân cổ trú ngụ. Họ là những bộ tộc người Stiêng, Mạ, và Chu Ru, vân vân. Họ chia thành những bộ lạc, gần giống như các tiểu vương bên Mã Lai Á ngày nay. Họ sinh sống rải rác từ vùng Mô Xoài, Bà Rịa, Biên Hòa, Tây Ninh, Bình Dương, xuống tận đến các vùng Meso và Long Ghor(16), kể cả các tiểu vương trên các vùng từ lưu vực sông La Ngà lên đến cao nguyên Di Linh và khu vực Lâm Đồng ngày nay. Tuy họ phải triều cống các vua Chân Lạp, nhưng sinh hoạt trong các bộ lạc nầy vẫn được độc lập tự do. Văn hóa của họ có liên hệ tới văn hóa đá cũ tìm thấy tại các vùng Xuân Lộc, Lộc Ninh, Định Quán; văn hóa Hòa Bình Bắc Sơn tìm thấy tại vùng Suối Chồn; văn hóa đá mới tìm thấy tại vùng Cầu Sắt; văn hóa đồng tìm thấy tại núi Gốm, Bến Đò; văn hóa đồng sắt tìm thấy tại các vùng Suối Chồn, Rạch Núi; văn hóa Đông Sơn tìm thấy tại Bình Phú, Vũng Tàu, Lộc Ninh, Phú Chánh; cũng như nhiều di chỉ tìm thấy trong vùng có liên quan đến văn hóa Óc Eo và hậu óc Eo. Mặc dầu các vương quốc Phù Nam và Chân Lạp đã từng có cư dân trên vùng đất nầy, nhưng về phương diện chánh quyền và xã hội, cả hai vương quốc nầy chưa từng tổ chức thành làng mạc, thôn ấp, cũng chưa từng xác lập lãnh thổ hay cương vực rõ ràng. Chính vì thế mà những cư dân bán du mục của hai vương quốc nầy chỉ đến đây canh tác một thời gian rồi bỏ đi khi đất đai không còn mầu mỡ nữa.
Mãi đến ngày nay vẫn chưa có tài liệu lịch sử nào xác nhận về những cư dân người Việt đầu tiên đi vào khai khẩn vùng nầy, nhưng theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, có thể họ là những lưu dân từ các vùng Thuận Quảng đến đây ngay từ thời Nguyễn Hoàng mới vào trấn thủ Thuận Hóa. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí triều Nguyễn thì xứ Mô Xoài Bà Rịa là vùng địa đầu của Biên Trấn, tức là vùng người lưu dân Việt Nam đầu tiên đặt chân vào để khai phá mở mang từ các tiên hoàng đế triều Nguyễn. Có lẽ họ vào Nam bằng những thuyền buồm hay những ghe bầu, dọc theo đường biển, vào các cửa Cần Giờ, Soài Rạp, Tiểu, Đại, vân vân, nhưng chỉ một số tiến lên được đến vùng Mô Xoài Bà Rịa mà thôi vì vào thời đó các cửa Soài Rạp, Tiểu và Đại hãy còn là những bãi đất cạn chứ không thông thương như bây giờ. Phủ Gia Định được quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh lập ra theo lệnh của chúa Nguyễn Phúc Chu vào năm 1698, có diện tích khoảng 30.000 cây số vuông và gồm hai huyện Phước Long(17) và Tân Bình(18). Lúc đó dân số không vượt quá con số 200.000 người, nghĩa là dân cư rất thưa thớt. Chính vì vậy mà quan Kinh Lược Nguyễn Hữu Cảnh phải xin phép các chúa Nguyễn cho chiêu mộ cư dân cố cựu từ các phủ Điện Bàn, Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Qui Nhơn đến đây khai hoang lập ấp với quy chế thật dễ dãi. Về việc nầy chính Trịnh Hoài Đức đã ghi lại trong Gia Định Thành Thông Chí như sau: “Nông Nại nguyên xưa có nhiều ao chằm rừng rú. Lúc đầu thiết lập ba dinh, một dân đến ở, có đất ở hạt Phiên Trấn mà kiến trưng làm đất ở hạt Trấn Biên, hoặc có đất ở hạt Trấn Biên mà kiến trưng làm đất ở hạt Phiên Trấn, như vậy cũng tùy theo dân nguyện, không ràng buộc gì cả, cốt yếu là khiến dân mở đất khẩn hoang, chia thành điền, lập thành thôn xã mà thôi.” Mãi đến thế kỷ thứ XVIII, thì đa phần đất Gia Định vẫn còn rất hoang vu. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn: “Ở phủ Gia Định, đất Đồng Nai toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm, họ Nguyễn trước kia lấy được đất ấy, rồi chiêu mộ dân từ các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn di cư đến khai hoang lập ấp trên vùng đất mầu mỡ, họ chiếm lấy vườn trồng cau, làm nhà ở. Lại mua con trai con gái người Mọi ở các đầu nguồn đem bán làm nô tỳ... cho chúng lấy nhau, sinh con đẻ cái, nuôi nấng chúng cho lớn lên để làm việc phá rừng cày ruộng, vì lẽ đó mà lúa thóc tại vùng nầy rất nhiều. Tại các địa phương, mỗi nơi có 40, 50 hoặc 20, 30 nhà giàu, mỗi nhà đều có từ 50 đến 60 điền nô, từ 300 đến 400 trâu bò, cày cấy, gặt hái rộn ràng không lúc nào rảnh rỗi, hàng năm đến tháng 11, tháng chạp, giã gạo, sàng gạo, bán lấy tiền để dùng vào lễ chạp, lễ tết, sau tháng giêng trở đi, không làm việc xay giã nữa. Họ đem nông sản bán ra các vùng Phú Xuân để đổi lấy hàng từ miền Bắc như tơ lụa, lãnh, trừu, và áo quần tốt đẹp.” Thật vậy, ngay từ đầu thế kỷ thứ XVIII, việc mua bán lúa gạo tại vùng Nông nại đã đóng một vai trò hết sức quan trọng cho xứ Đàng Trong. Lúa gạo được chở từ cảng Nông Nại ra Quảng Nam, Phú Xuân, ngay cả các vùng Tân Gia Ba và Malacca nữa. Theo giáo sĩ Halbont tại vùng Thuận Hóa thì mỗi năm từ Đồng Nai, vùng đất phì nhiêu, có hàng ngàn chiếc ghe đến từ vùng nầy mang lại sự đầy đủ và nỗi vui mừng cho dân chúng.

-----------------

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét