Thứ Sáu, 30 tháng 12, 2016

Vương Quốc Phù Nam Phần 2




 
Lịch Sử Vương Quốc Phù Nam

Ngày nay ai trong chúng cũng đều biết lịch sử của vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Bộ bắt đầu từ khoảng những năm đầu thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch với sự thành lập của một vương quốc cổ nhất mang tên Phù Nam. Theo thự tịch cổ đời nhà Lương thì Hỗn Điền (Kaundinya) truyền ngôi cho con trai là Hỗn Bàn Huống (Hun P’ang Huang), vị vua nầy từ trần lúc 90 tuổi; Hỗn Bàn Huống truyền ngôi cho con là Bàn Bàn (P’an P’an); Bàn Bàn truyền ngôi lại cho một vị bộ tướng là Phạm Nam (Fan Man). Theo thư tịch cổ đời nhà Tề (Nam Triều), Phạm Nam tức là Phạm Sử Nam (Fan Shi Man). Trong khi theo thư tịch cổ đời nhà Hán, thì ngày xưa có một vị giáo sĩ người Ấn Độ tên là Kaundinya (Hỗn Điền), thuộc dòng dõi Bà La Môn (Brahman), được thần linh chỉ đường nên dong buồm về phía đông nam vùng biển Ấn Độ Dương. Sau một cuộc hành trình đầy gian truân, qua hàng tháng trời dong ruổi trên biển cả mênh mông, thuyền của Hỗn Điền đổ bộ lên đất liền, vùng đất mà bây giờ là đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, đoàn quân của Hỗn Điền bị nữ vương tên Soma (Liễu Diệp) của thổ dân tại đây chặn đánh không cho họ đổ bộ lên bờ. Sau một trận thư hùng, quân của Liễu Diệp bị quân Hỗn Điền đánh bại. 

Nữ vương Liễu Diệp cầu hòa, rồi Liễu Diệp và Hỗn Điền kết hôn để cùng nhau cai trị vùng đất nầy. Dòng dõi Hỗn Điền và Liễu Diệp truyền ngôi cho nhau được trên 200 năm. Hỗn Điền truyền ngôi cho con trai là Hỗn Bàn Huống, Hỗn Bàn Huống truyền ngôi cho con là Bàn Bàn... Lúc đó khi vị hoàng đế đầu tiên của nhà Tấn lên ngôi, quan Thứ Sử Trung Hoa ở Giao Châu có đệ sớ tâu lên nhà vua rằng quốc vương Lâm Ấp, với sự trợ lực của vương quốc Phù Nam đã khởi quân tấn công Nhật Nam. Dầu thế nào đi nữa thì những thư tịch cổ của Trung Hoa cũng cho chúng ta một khái niệm sơ lược về vương quốc Phù Nam. Từ ngày thành lập đến khi tàn lụn vương quốc nầy đã truyền được 13 đời vua. Qua đến những thế kỷ thứ II và thứ III thì vương quốc Phù Nam đã phát triển mạnh mẽ và hoàn chỉnh một triều đại lớn, đó là triều đại Sri Mara (Sư Man), trị vì vương quốc nầy trong khoảng từ năm 225 đến 230 sau Tây lịch(17). Đây cũng là thời kỳ hưng thịnh nhất của dân tộc Phù Nam, vị vua nầy đã chinh phục các lân quốc và mở rộng lãnh thổ của Phù Nam. 

Chỉ trong vòng 5 năm (225-230) mà vua Sri Mara đã cho đóng nhiều chiến thuyền để vượt biển đánh chiếm các nước nhỏ ngoài hải đảo. 

Đến năm 230 sau Tây lịch thì biên cương của vương quốc Phù Nam đã trải rộng từ đồng bằng sông Cửu Long đến tận Ménam về phía Tây(18), và về phía Nam và Đông Nam xuống tận đến các hải đảo thuộc Nam Dương và Mã Lai ngày nay, về phía tây bắc lên đến Trung Lào, về phía đông bắc kiểm soát các trục lộ giao thông đến tận vùng Khánh Hòa(19). Nghĩa là 300 năm sau ngày lập quốc vương quốc nầy đã hoàn chỉnh hệ thống hành chánh và thương mãi, đã có một hạm đội chiến thuyền và quân lực hùng mạnh. 

Thời nầy vương quốc nầy đã chinh phục được hầu hết các nước quanh vùng, từ Mã Lai, Thái Lan, Cao Miên, Nam Lào và Nam Miến Điện. Từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ VI, coi như vương quốc Phù Nam đã kiểm soát hoàn toàn đường hàng hải của các thương thuyền đi từ Trung Hoa qua Ấn Độ và Âu châu. Kinh đô Vyadhapura (Mục Đặc) của vương quốc Phù Nam hồi nầy rất phồn thịnh, với sự hiện diện của sứ thần cũng như thương nhân của nhiều quốc gia khác từ Âu châu qua Ấn Độ, và Trung Hoa... 



Căn cứ theo các sử liệu của Trung Hoa, từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VI, Phù Nam đã phát triển thành một đế chế lớn mạnh nhất tại vùng Đông Nam châu Á. Thư tịch cổ đời nhà Lương ghi rất rõ: “Sau khi vị vua cuối cùng của dòng họ Hỗn Điền băng hà, một bộ tướng tên là Phạm Sử Nam (Fan-Che-Nan), được dân chúng tôn lên làm vua, trị vì khoảng từ năm 205 đến năm 225 sau Tây lịch. Phạm Sử Nam là một vị quốc vương tài giỏi và tiếng tăm lừng lẫy. Chính vị hoàng đế nầy đã liên tục thôn tính hơn 10 thuộc quốc lân cận nằm trên bán đảo Mã Lai và vùng thung lũng sông Mê Nam như các xứ Đô Côn, Cửu Trì, Đốn Tốn, Xích Thổ, Bàn Bàn, Đan Đan, Cát Miệt (Chân Lạp), vân vân.” Tuy nhiên, trên bản đồ thế giới ngày nay, chúng ta không còn thấy tên của bất cứ vương quốc nào vừa kể trên nữa, nhưng chắc chắn những vương quốc nầy phải nằm trong vùng thung lũng sông Cửu Long, chạy dài từ vùng Tonlé Sap xuống miền Nam Việt Nam ngày nay kể cả vùng từ Đồng Nai đến Cam Ranh, Phan Rang và Nha Trang, nơi mà sau nầy người ta tìm thấy tấm bia đá tại vùng Võ Cạnh; hoặc vùng đất chạy dài từ thung lũng Mé Nam đến tận vùng bán đảo Malacca của Mã Lai Á ngày nay. 

Như vậy, vào giữa thế kỷ thứ III vương quốc Phù Nam đã kiểm soát hầu hết các yếu điểm trên bán đảo Đông Dương lên đến vùng Khánh Hòa ngày nay, và bán đảo Mã Lai xuống tới Malacca. Vào thời đó vương quốc nầy đã khống chế tất cả các hải trình từ Ấn Độ Dương qua Thái Bình Dương và ngược lại. Thư tịch cổ đời nhà Lương đã quả quyết rằng Phạm Sử Nam (Fan Shih Man) tử trận giữa những năm 205-210, trong lúc ông đang chỉ huy tướng sĩ đi chinh phục vùng Chin Lin(20). Trong khi thư tịch cổ nhà Nam Tề lại ghi: “Vua Phạm Sử Nam là một vì vua quả cảm và có tài. 

Ông đã từng chinh phục các nước láng giềng và bắt các nước nầy phải thần phục Phù Nam và tôn xưng ông là Phù Nam đại vương. Năm 225, Phạm Sử Nam tử trận trong một cuộc viễn chinh tại miền Bắc bán đảo Mã Lai.” Theo Finct, một nhà khảo cổ học người Pháp, thì Sri Mara là một chư hầu thuộc vương quốc Phù Nam. Riêng giáo sư G.E. Hall đã ghi lại trong quyển ‘Đông Nam Á Sử Lược’ như sau: “Dù sao chúng ta cũng rất khó xác định được niên đại liên hệ của các quốc vương hay các biến chuyển trong thời sơ khai của lịch sử Phù Nam.” Trong khi đó, theo nhà khảo cổ học người Pháp khác tên Coedès, thì Phạm Sử Nam (Fan Shih Man) chính là vua Sri Mara, được ghi trên bia đá bằng Phạn ngữ, được tìm thấy tại vùng Võ Cạnh, thuộc vùng Nha Trang, nguyên là đất của vương quốc Champa. Bia đá ghi rằng Sri Mara là chúa tể đạo Phật và dùng Phạn ngữ trong triều. Coedès còn cho rằng truyền thuyết về Hỗn Điền (Kaundinya) xảy ra sau thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch, vì trong thời kỳ Phạm Chiêu (Fan-Tchao), người nối ngôi vua Phạm Sử Nam (Fan Shih Man), nhờ sự liên lạc giữa Phù Nam, Ấn Độ và Trung Hoa, nên những niên đại được ghi lại rất đáng tin cậy. Theo Coedès thì Phạm Chiêu bị một người cháu tên Phạm Chấn(21) giết chết để đoạt ngôi, rồi trị vì ở ngôi được 20 năm, cho đến khi bị em trai vua Phạm Chiêu (Fan Tchao) giết chết để trả thù cho anh mình. Theo Coedès thì chính Phạm Chấn, chứ không phải Phạm Chiêu, người đã tiếp đãi một du khách Ấn Độ và được vị du khách nầy tường thuật về đất Ấn, khiến nhà vua mê say về những huyền bí sông Hằng đến đỗi khoảng những năm từ 240 đến 245 sau Tây lịch, ông đã cử một sứ đoàn đi từ hải cảng Takola ở bán đảo Mã Lai, theo đường biển đi ngược dòng sông Hằng, đến triều đình Ấn Độ, mà theo nhà khảo cổ Sylvain Lévi, đó là triều đình vua Marunda. Sau khi Phạm Sử Nam băng hà, con trai là Phạm Chiêu (Fan-Tchao) lên ngôi và trị vì đến năm 245. 

Theo học giả người Pháp tên P. Pelliot, dưới thời vua Phạm Chiêu nhà vua đã phái sứ thần sang Ấn Độ và được vua Murunda tiếp đón rất nồng hậu. Trong khi theo Ngô Thư của Trung Hoa thời Tam Quốc, thì vào năm 243, Phạm Chiêu sai sứ sang cống nhạc công và phẩm vật quý cho vua nhà Ngô. Sau khi Phạm Chiêu băng hà, một tùy tướng tên Phạm Tần (Fan-Tsan) lên nối ngôi và trị vì từ năm 245 đến năm 287. Dưới thời vua Phạm Tần, hoàng đế nhà Ngô của Trung Hoa cũng đã sai sứ sang Phù Nam và đã được quốc vương của xứ nầy tiếp đón hết sức long trọng. 

Ông Khương Thái trong sứ đoàn Trung Hoa đã kể lại chuyện gặp gỡ với sứ giả của vua Marunda của Ấn Độ đang lưu lại kinh đô của Phù Nam. Trong khoảng thời gian từ năm 268 đến năm 287, có nhiều sứ đoàn của Phù Nam được phái sang Trung Hoa. Nhờ có các sứ đoàn lui tới Phù Nam nên mối giao hảo giữa vương quốc Phù Nam với các nước lớn trong vùng rất tốt đẹp, nhất là với các nước Trung Hoa và Ấn Độ. Tuy nhiên, kể từ năm 270 sau Tây lịch trở về sau nầy thì mối bang giao giữa Phù Nam với Trung Hoa không còn tốt đẹp như trước nữa, vì vào năm 270 sau Tây lịch, vua Phạm Tần (Fan-Tsan) của Phù Nam liên kết và yểm trợ vị vua của nước Lâm Ấp để gây chiến tranh với đất Giao Châu trong suốt mười năm, từ năm 270 đến năm 280 sau Tây lịch. 

Vào đời nhà Tấn bên Trung Hoa, về phía Nam quận Nhật Nam, có một vị thượng quan địa phương tên Khu Liên, lợi dụng trong lúc suy yếu của nhà Hán trong khoảng những năm từ 206 đến 221 sau Tây lịch, đã ly khai với quận Nhật Nam và lập nên xứ Tượng Lâm(22). Về sau người ta gọi vương quốc nầy là vương quốc Champa, kinh đô được đặt tại vùng Mỹ Sơn, Trà Kiệu, thuộc tỉnh Quảng Nam ngày nay. Theo thư tịch cổ đời nhà Tấn, vị hoàng đế đầu tiên của nhà Tấn lên ngôi, quan thứ sử Trung Hoa ở đất Giao Châu có đệ sớ tâu lên nhà vua rằng với sự trợ giúp của vương quốc Phù Nam, quốc vương xứ Lâm Ấp đã khởi binh tấn công quận Nhật Nam. 

Nhưng sử ký nhà Tiền Tống chép về những tài liệu lịch sử khác vào những năm 434, 435 và 438 thì lại ghi rằng vua Phù Nam không thuận giúp vua Lâm Ấp cất quân đi đánh đất Giao Châu. Như vậy, dầu ngày nay chúng ta không còn nhiều tài liệu lịch sử của riêng vương quốc Phù Nam, nhưng hầu như tất cả những thư tịch cổ của Trung Hoa kể từ thế kỷ thứ II đến thế kỷ thứ VI đều có nói về vương quốc nầy. 

 Sau đó từ khoảng năm 287 đến 375(23), không thấy nói gì đến vương quốc Phù Nam nữa. Như vậy, nếu căn cứ theo các sử liệu Trung Hoa, thì khoảng hơn một thế kỷ nầy vương quốc Phù Nam phải trải qua nhiều lủng củng nội bộ, mặc dầu vương quốc nầy vẫn tiếp tục phát triển và lớn mạnh. Mãi đến đời nhà Lương mới đề cập đến phái bộ Phù Nam do quốc vương Chan Tan hay Chiên Đàn (Chandana) hướng dẫn đến triều cống Lương triều. 

Các sử gia nhà Lương ghi chép Chan Tan như một người Ấn Độ, và chữ Chan Tan theo Phạn ngữ là Chandana, tước vương của triều đại Kanishka. Vị vua nầy trị vị ở ngôi từ năm 375 đến 470. Điều đặc biệt là nền văn minh Ấn Độ đã từng lan tràn qua vùng Đông Nam châu Á nầy từ hơn 20 thế kỷ nay, nhưng trải qua hơn 2 ngàn năm chưa có một triều vua nào của Ấn Độ hoặc sử sách của Ấn Độ ghi chép lại về sự việc nầy. Mãi đến giữa thế kỷ thứ 20, sau khi lấy lại nền độc lập từ tay của người Anh, chánh phủ và nhân dân Ấn Độ mới bắt đầu quan tâm đến vùng đất mà nền văn minh Ấn Độ đã có mặt từ lâu. Ngược lại với người Ấn, người Trung Hoa luôn cho rằng các quốc gia xung quanh Trung Hoa đều thuộc vùng ảnh hưởng của Thiên Triều Trung Quốc, bằng chứng là khi viết bộ “Thủy Kinh Chú” vào những năm đầu kỷ nguyên Tây lịch, người Hoa đã mặc nhiên xem các vùng phía Nam Trung Hoa là của họ. Họ cử sứ giả đi kinh lý và điều tra những con sông, những điều mắt thấy tai nghe, những phong tục tập quán, và những nền văn hóa phương Nam. 

Nghĩa là từ hơn 2.000 năm nay, người Trung Hoa luôn xem vùng biển và lãnh địa phương Nam thuộc ảnh hưởng của họ. Ngay từ nhiều thế kỷ trước Tây lịch, các vương quốc trong vùng Đông Nam Á đều phải có liên hệ ngoại giao với Trung Hoa qua những hình thức triều cống và cầu phong. Đối với Trung Hoa, họ cho rằng họ là thiên triều và mặc nhiên có quyền can thiệp vào nội bộ của các vương quốc trong vùng nếu cần. Tuy nhiên, nhờ vậy mà ngày nay chúng ta còn có những sử liệu quí giá về các vương quốc cổ trong vùng. Giữa thế kỷ thứ III đến đầu thế kỷ thứ VI, Phù Nam đã có mối quan hệ ngoại giao với các nước lớn thời bấy giờ như Trung Hoa, Ấn Độ và La Mã. 

Dù cho tới bây giờ người ta vẫn chưa phác họa được diện mạo của người Phù Nam, nhưng qua sử liệu của các xứ Ấn Độ và Trung Hoa, phải nói Phù Nam là một cường quốc đầu tiên xuất hiện trong lịch sử vùng Đông Nam Á. Vào khoảng giữa thế kỷ thứ III, các triều vua thời nhà Hán bên Trung Hoa đã nhiều lần sai sứ đi kinh lý vương quốc Phù Nam. Dưới thời Chan Tan, từ năm 375 đến 470 từ năm 375 đến 470 mối giao hảo với nhà Lương bên Trung Hoa rất tốt, điều nầy phù hợp với những điều được ghi trong Lương Thư: “Những năm 431 và 432, nước Lâm Ấp muốn cất quân sang đánh Giao Châu nên có yêu cầu vua Phù Nam giúp sức, nhưng đã bị vua Phù Nam là Chan Tan từ chối.” Thời vua Chan Tan, chẳng những Phù Nam có mối giao hảo rất tốt với Trung Hoa mà với cả Ấn Độ nữa. Thời vua Chan Tan là gia đoạn đánh dấu sự phục hồi của ảnh hưởng Ấn Độ tại xứ sở nầy, vì vào thế kỷ thứ ba sau Tây lịch, Phù Nam có liên hệ mật thiết với triều đại Ca Nị Sắc Ca ở Ấn Độ, nghĩa là vào lúc cực thịnh, khoảng thế kỷ thứ 3, lúc bấy giờ lãnh thổ vương quốc Phù Nam bao gồm vùng phía Nam nước Cao Miên, toàn bộ vùng Nam Kỳ lục tỉnh, và có lẽ chạy dài đến tận bán đảo Malacca, thuộc Mã Lai. Họ là giống dân Úc Á, đến định cư tại bán đảo Đông Dương vài mươi thế kỷ trước Tây lịch. Người Phù Nam chịu ảnh hưởng bởi nền văn hóa Ấn Độ thời cổ, dùng chữ Bắc Phạn (Sanskrit), theo luật pháp Ấn Độ. Đa số cư dân theo đạo Bà La Môn và đạo Phật, có lẽ hai tôn giáo nầy được du nhập vào vương quốcPhù Nam cùng lúc vào khoảng thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch. 

Các nhà khảo cổ học đã khai quật và tìm thấy rất nhiều những biểu tượng của Bà La Môn như những ‘linga’ bằng đá, tượng thần Vishnu có kích cỡ như người thật. Bên cạnh đó, họ cũng tìm thấy rất nhiều tượng Phật bằng gỗ, đá và đồng tại các vùng Rạch Giá, Đồng Tháp Mười, Cần Thơ, Vũng Tàu. Vào khoảng thế kỷ thứ II, vương quốc Phù Nam phát triển rất cao trên địa bàn miền Tây Hậu Giang và được mở rộng qua khỏi bờ Tiền Giang. Theo những khám phá mới về những đường kinh từ núi Sập qua Đồng Tháp Mười, chứng tỏ thời đó nền canh nông của người Phù Nam đã phát triển khá cao. Ngoài canh nông, họ còn làm thương mại và buôn bán với các dân tộc ở vùng Đông và Nam Á, cũng như các nước Ấn Độ, Trung Quốc, Mã Lai, và có lẽ ngay cả với những quốc gia ở Âu châu nữa. Từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VI, bờ biển của vùng Nam Kỳ bây giờ là vùng Óc Eo. 

Theo các sứ thần của Trung Quốc thì vào thế kỷ thứ III, Óc Eo đã là một hải cảng lớn trong vùng. Vào khoảng thế kỷ thứ III đã có những nhà ngoại giao Trung Hoa thời nhà Ngô đến đây và được vua xứ Phù Nam tiếp kiến. Đây là một trong những sự kiện lịch sử xác đáng và được ghi nhận trong thư tịch cổ Trung Hoa như một sự kiện lịch sử về ngoại giao giữa hai nước Trung Hoa và Phù Nam. Cũng theo các nhà ngoại giao Trung Hoa thời nhà Ngô thì thời kỳ huy hoàng nhất của vương quốc Phù Nam là vào khoảng thế kỷ thứ III này, lúc ấy toàn bộ các lãnh thổ vùng phía Đông của nước Xiêm, bán đảo Malacca(24), một phần đất của Miến Điện, Chân Lạp, Nam Lào và Nam Kỳ đều nằm trong lãnh địa Phù Nam. Chính vào thời kỳ này, vương quốc Phù Nam hùng mạnh và kiểm soát toàn bộ hải trình buôn bán Đông Tây từ Thái Bình Dương qua Ấn Độ Dương. Cũng theo các thư tịch cổ của Trung Hoa thì một trong những vị vua đã đưa vương quốc Phù Nam đến chỗ mạnh nhất vào thế kỷ thứ V là vua Xà Da Bạt Na(25). 



Năm 484 vua Phù Nam cất quân đánh Chiêm Thành, đồng thời cho sứ giả sang giao thương với Trung Hoa (nhà Tống) và yêu cầu nước này yểm trợ. Ngài được xem là vị vua mạnh nhất trong những năm cuối thế kỷ thứ V. Ngài theo đạo Phật, mặc dù đạo Bà La Môn đang có ảnh hưởng rất lớn trong vương quốc Phù Nam. Đặc biệt, ngài rất tôn sùng Đức Quán Thế Âm Bồ Tát vì ngài tin rằng nhờ sự che chở của vị Bồ Tát này mà toàn cõi thần dân trong vương quốc của ngài luôn được an cư thịnh vượng. Về ngoại giao, vương quốc Phù Nam dưới thời vua Jayavarman giao hảo rất thân thiện với các nước Âu châu, Ấn Độ và Trung Hoa. 

Khoảng năm 480, vua Jayavarman phái nhiều thương gia sang buôn bán ở Quảng Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Trên đường về, đoàn tàu chở theo một vị thiền sư người Ấn Độ tên Cakya Nagasena(26). Năm 484, vua Jayavarman phái vị thiền sư ấy trở lại Trung Hoa dâng sớ, nói rõ về hiện tình của vương quốc Phù Nam và sư mong muốn giữ được mối giao hảo bền vững với Trung Hoa, lúc đó nhà Tề đang cai trị. Vị thiền sư ấy cũng đạo đạt lời thỉnh cầu của vua Xà Da Bạt Na(25) xin Trung Hoa gửi quân tiếp viện Phù Nam đánh Lâm Ấp, nhưng vua Trung Hoa từ chối. Theo lá sớ của vua Xà Da Bạt Na trình lên triều đình Bắc Kinh thì tôn giáo thịnh hành ở Phù Nam thời bấy giờ là Phật giáo Tiểu Thừa. Khoảng cuối thế kỷ thứ V, nhà Tề gửi quốc thư yêu cầu vương quốc Phù Nam phái 2 nhà sư gốc người Phù Nam tên Mandrasena(27) và Sanghapala(28) sang Trung Quốc phiên dịch kinh điển từ Phạn ngữ và văn tự Phù Nam ra Hoa ngữ. Tuy nhiên, khi 2 nhà sư này đến Trung Quốc thì nhà Tề đã bị nhà Lương tiêu diệt. Dầu triều đình Bắc Kinh từ chối không gửi viện quân sang giúp Phù Nam, nhưng vào năm 503, theo Lương Thư, vua Lương Võ Đế đã ban chiếu khen vua Phù Nam: “Vua Xà Da Bạt Na đệ nhất và các đời vua trước trị vì ở phương Nam xa xăm, tuy ở xa nhưng họ vẫn tỏ rõ lòng trung thực và tính hòa hiếu, nhiều lần họ đã sai sứ mang lễ vật sang tặng. Bởi vậy, cần phải tưởng lệ bằng cách phong cho danh hiệu: Bình Nam Tướng Quân, Phù Nam Đại Vương.” 

Đến năm 506, vua Lương Võ Đế chính thức yêu cầu 2 sư phiên dịch kinh điển. Trong thời kỳ nầy, Xà Da Bạt Na đệ nhất cho dựng lên đền thờ Thần Vishnu tại khu vực Đồng Tháp Mười ngày nay, gọi là Đền Chakratirthasvamin. Tuy nhiên, mãi đến ngày nay người ta không tìm được bia đá nào nói về vua Xà Da Bạt Na đệ nhất và triều đại của ông ta, chỉ có hai tấm bia khắc chữ Phạn, ghi lại việc hoàng hậu hạ sanh thái tử Gunavarman và việc khai khẩn vùng đất sình lầy nầy mà thôi. 

Năm 514, vua Xà Da Bạt Na đệ nhất băng hà để lại cho dân tộc Phù Nam một vương quốc hùng mạnh với nhiều công trình thủy lợi trong khu vực ven vùng biển cạn Tháp Mười và Óc Eo ngày nay, biến những vùng trũng ngập mặn thành những cánh đồng phì nhiêu trù phú. Theo thư tịch cổ của nhà Lương, thì vua Lưu Bà Bạt Ma (Rudravarman) là con của một bà thứ phi của vua Xà Da Bạt Na đệ nhất. Lưu Bà Bạt Ma đã giết chết người con trưởng thuộc dòng chánh là thái tử Gunavarman để cướp ngôi và trị vì Phù Nam từ năm 514 đến năm 550. 

Cũng theo cổ thư Trung Hoa thì đây là vị vua cuối cùng của vương quốc Phù Nam còn quan hệ với Trung Hoa. Vua Lưu Bà Bạt Ma (Rudravarman) cũng muốn nối chí vua cha củng cố mối giao hảo với Trung Hoa, bằng chứng là vào năm 517, vua Rudravarman phái một đoàn sứ giả dưới sự hướng dẫn của một vị tu sĩ Bà La Môn sang Nam Kinh dâng sớ và cống lễ lên hoàng đế nhà Lương. 

Rồi đến năm 518, vua Rudravarman (514-539) lại phái một đoàn sứ giả khác sang dâng một tượng Phật bằng gỗ bạch đàn ở Ấn Độ và nhiều lá bồ đề được mang về từ nơi cây Bồ Đề nơi Đức Phật thành đạo. Phái bộ Phù Nam còn cho triều đình nhà Lương biết là hiện còn lưu giữ một lọn tóc xá lợi của Đức Phật tại vương quốc Phù Nam. Cũng chính trong khoảng thời gian nầy các vị cao tăng Phật giáo người Phù Nam đã phiên dịch bộ Vimutti Magga(29) sang Hán văn. 

Hiện bộ kinh nầy chỉ còn lại bản chữ Hán, trong khi bản chữ Phạn đã bị thất lạc. Năm 535, sử nhà Lương còn ghi lại về việc một phái đoàn sứ giả Trung Hoa được gửi sang Phù Nam để thỉnh kinh Phật, đồng thời yêu cầu vua Rudravarman của vương quốc Phù Nam cho dời các sư sãi sang Trung Hoa. Vua Rudravarman liền cử thiền sư người Ấn tên Gunaratna, đang hành đạo tại đây, mang 240 bộ kinh sang Trung Hoa. Sư Gunaratna đến Nam Kinh vào năm 546, nhưng sử Trung Hoa không nói rõ sư lưu lại đây bao lâu và dịch được những bộ kinh nào nữa. 



Tuy nhiên, lúc đó uy tín và thế lực của Phù Nam đã hết nên sau đó vương quốc Phù Nam bị tiêu diệt. Có lẽ chính việc soán ngôi của vua Lưu Bà Bạt Ma (Rudravarman) mà các quan lại và thần dân không phục, nên vào khoảng năm 550, một số người còn tưởng nhớ đến người con trưởng vua Xà Da Bạt Na nổi lên đánh chiếm kinh thành Đặc Mục. Cũng theo thư tịch cổ thời nhà Lương, khi vua Lưu Bà Bạt Ma (Rudravarman) băng hà, vào năm 550, tại vương quốc Phù Nam đã xảy ra một cuộc nội loạn, có lẽ do một người cháu vua Rudravarman tên là Bhavavarman lãnh đạo(30) đánh chiếm kinh đô Đặc Mục, đã lật đổ được vương triều Phù Nam thời bấy giờ, và cuối cùng đã hợp nhất lãnh thổ Phù Nam với Chân Lạp làm một. Quốc vương đương thời của Phù Nam phải bỏ chạy và lập triều đình lưu vong tại vùng Na Phất Na Khái(31). Như vậy sau một thời vàng son rực rỡ, vương quốc Phù Nam trở nên suy sụp vào giữa thế kỷ thứ VI. Thấy thế mới biết vào thời mà Việt Nam chúng ta chỉ là một quận huyện của Trung Hoa thì vương quốc Phù Nam đã là một vương quốc rất lớn và rất mạnh ở phương Nam. 



Kinh Đô Đặc Mục (Vyadhapura) Của Vương Quốc Phù Nam: 

Các nhà cổ sử đều đồng ý rằng kinh đô Phù Nam đặt tại thành Đặc Mục, tiếng Phạn là Vyadhapura, có nghĩa là thành phố của những thợ săn(32). Theo các nhà nghiên cứu cổ sử kinh đô nầy nằm gần gần thị trấn Banam, gần ngọn núi Ba Phnom ngày nay, thuộc tỉnh Prey Veng của Cao Miên ngày nay. Theo các nhà cổ sử thì đây là một trong những đô thị trù phú vào bật nhất trên thế giới, vì nó tọa lạc trên một vùng núi không xa đồng bằng mà cũng không xa biển, rất thuận tiện cho việc giao thương và nông nghiệp. Theo Hán sử của người Trung Hoa thì đô thị nầy cách bờ biển khoảng 120 lý(33), nằm trên tuyến hải hành giữa Trung Hoa và Ấn Độ. 

Kinh đô Vyadhapura được xây dựng bằng gạch và đá rất kiên cố, chung quanh có hệ thống kinh đào vừa được dùng để dẫn thủy nhập điền, vừa được dùng để thuyền bè có thể đi xuyên qua lãnh thổ của của vương quốc. Hải quân của Phù Nam rất hùng mạnh, vào khoảng giữa thế kỷ thứ ba sau Tây lịch, vương quốc nầy đã có một đội chiến thuyền và quân lực hùng mạnh nhất trong vùng. Họ đã kiểm soát cả trên bộ lẫn dưới biển trên một tuyến đường hàng hải của các thương thuyền giữa Trung Hoa và Ấn Độ. Chính vì vậy mà khoảng 300 năm sau ngày thành lập họ đã chinh phục hầu hết các bộ tộc trên một phạm vi rất lớn từ Mã Lai, Malacca, Thái Lan, Miến Điện, Kambuja, và Lão Qua. Lãnh địa của vương quốc nầy trải rộng từ phía Nam Trung Việt hiện nay và toàn vùng Nam Phần, ở phía tây sang tận đến thung lũng sông Menam thuộc Thái Lan, phía Bắc đến tận vùng Trung Lào, và phía Nam đến tận bán đảo Malacca (Mã Lai). Ngày đó hầu như các tiểu quốc nằm trên bán đảo Malacca và quần đảo Nam Dương ngày nay như Sri Vijaya ở Palembang, Sailendra ở Java... đều nằm dưới quyền kiểm soát của Phù Nam. Để có thể khắc phục những vùng nê địa chạy từ vùng cảng Óc Eo đến kinh đô Đặc Mục (Vyadhapura). Đây có thể nói là một trong những vùng nê địa khắc nghiệt nhất, vì hàng năm cứ đến mùa mưa là bị lũ lụt, còn vào mùa nắng là đồng khô cỏ cháy, không còn lấy một giọt nước. Vì thế, người Phù Nam đã đào rất nhiều kinh chạy từ Angkor Borei ra Vịnh Thái Lan, vừa làm đường giao thông thủy, mà cũng vừa làm hệ thống thoát nước và dẫn thủy nhập điền(34). Đến khi vương quốc Phù Nam sụp đổ, người Chân Lạp cũng tiếp tục đào kinh thoát nước, như kinh Cái Bác từ ngọn Cái Bác đến sông Vàm Cỏ Tây. Bên cạnh đó, để khắc phục việc thiếu nước về mùa khô, người Chân Lạp đã cho đào nhiều hồ nước lớn ở rải rác khắp nơi, như ao Bà Om ở Trà Vinh, hồ Tịnh Tâm ở Sóc Trăng, và những hồ nước lớn ở vùng Tịnh Biên (Châu Đốc). Theo các nhà khảo cổ và nhân chủng học nghiên cứu về Phù Nam, thì Óc Eo là hải cảng quan trọng nhất của Phù Nam từ khi mới lập quốc(35) cho mãi đến thế kỷ thứ VI sau Tây lịch. Nền kinh tế nghiêng về thương mãi của Phù Nam đã phát triển mạnh nhờ vị trí thuận tiện của Phù Nam. Trong lúc kỹ thuật hàng hải chưa tiến bộ, các nước đi từ Ấn Độ Dương qua Biển Đông, đến Nhật Bản và Trung Hoa đều phải ghé lại hải cảng Óc Eo của Phù Nam. Chính nhờ vậy mà ngành thương mãi của Phù Nam phát triển rất nhanh. Tuy nhiên, từ sau khi thế giới có những tiến bộ về kỹ thuật hàng hải, thuyền buôn có thể đi xa bờ và không cần phải ghé lại những hải cảng không cần thiết nữa, nên nhu cầu ghé lại cảng Óc Eo của các tàu buôn đi từ các xứ Ấn-Âu đến Trung Hoa không còn nữa, vì vậy mà nền thương mãi của Phù Nam suy sụp một cách nhanh chóng. 



Hải Cảng Óc Eo Của Vương Quốc Phù Nam: Từ tháng 2 đến tháng 4 năm 1942, nhà khảo cổ học người Pháp tên Louis Malleret đã tiến hành khai quật nhiều địa điểm khác nhau quanh khu vực Núi Sập(36). Đồng thời, người Pháp cũng cho chụp nhiều không ảnh từ phía Campuchia xuống tận các vùng duyên hải của miền Nam Việt Nam. Sau khi hoàn tất một số khai quật trên cánh đồng Óc Eo, nhà khảo cổ học Louis Malleret đã cho công bố kết quả những bằng chứng về vương quốc cổ Phù Nam(37). Kết quả của những cuộc khai quật nầy đã làm chấn động và thay đổi những hiểu biết về vương quốc Chenla(38), vì từ trước người ta luôn cho rằng Phù Nam là tiền thân của Chân Lạp. Theo Louis Malleret thì khu hải cảng Óc Eo nằm cách bờ biển khoảng 25 cây số, nhưng ông Malleret quả quyết rằng cách đây 20 thế kỷ, hải cảng nầy phải nằm sát bờ biển. Qua tài liệu và những không ảnh thu thập được, cũng như sự quan sát tại chỗ của ông, ông Malleret đã kết luận diện tích của thành phố nầy khoảng 450 mẫu. Toàn vùng chia thành nhiều ô nhỏ, chứng tỏ ngày xưa đô thị nầy tọa lạc gần biển với số lượng dân cư rất đông. Vùng di tích quanh núi Ba Thê có phạm vi rộng lớn, tập trung nhiều di tích thờ phụng và lăng mộ. Bên cạnh đó, di tích nầy còn cho thấy đây là vùng trung tâm, nơi qui tụ nhiều tinh hoa kỹ thuật và nghệ thuật của nền văn hóa mang tên Óc Eo. Cũng theo ông Louis Malleret, qua những gì mà đoàn khảo cổ của ông đã khai quật được cũng đủ cho thấy Óc Eo chẳng những là trung tâm kinh tế và thương mại, mà nó còn là trung tâm quyền lực chính yếu của vương quốc Phù Nam. Ngoài ra, những pháthiện nầy còn cho phép các nhà khảo cổ thời đó thấy được vai trò của thành phố cảng Óc Eo trong nền văn hóa cổ của Phù Nam. Óc Eo là hình ảnh tiêu biểu cho nền văn minh của một quốc gia cổ đã thành hình sớm nhất trong vùng Đông Nam Châu Á. Theo không ảnh chụp được vào năm 1942, phải nói Óc Eo(39) là một trong những hải cảng lớn trên thế giới thời bấy giờ. Óc Eo có hình chữ nhật, dài khoảng 3 cây số và rộng khoảng 1.5 cây số. Chung quanh cảng có 5 con đê cao và 4 hào rộng ở bốn cạnh, với diện tích bên trong cảng Óc Eo ít nhất phải trên 450 mẫu. Điều nầy chứng tỏ cách nay gần 2 ngàn năm, người Phù Nam đã có khả năng đắp những con đê chận biển giống như kiểu ‘Amsterdam’ của Hòa Lan ngày nay. Từ năm 1942 đến năm 1944, Louis Malleret tiếp tục tiến hành khai quật khu Núi Sập (Ba Thê), hy vọng tìm thêm dấu vết của vương quốc Phù Nam. Tuy nhiên, sau năm 1945, chiến tranh bùng nổ tại Đông Dương nên những cuộc khai quật của ông Louis Malleret phải bị gián đoạn. Sau năm 1975, các nhà khảo cổ học Việt Nam tiếp tục khai quật nhiều địa điểm, không chỉ quanh quẩn vùng Óc Eo, mà những cuộc khai quật sau nầy có qui mô rải khắp miền Nam Việt Nam. Ngoài những di cốt của con người được tìm thấy trong các khu lăng mộ và chum mộ, người ta còn tìm thấy dưới những hố khai quật rất nhiều di cốt của những con vật được nuôi trong nhà như chó, heo, mèo, gà, vân vân. Đặc biệt, người ta cũng tìm thấy rất nhiều hình voi được khắc trên các vật dụng, điều nầy chứng tỏ cư dân Phù Nam đã thuần dưỡng được loài voi để làm phương tiện giao thông trong sinh hoạt hằng ngày cũng như trong chiến tranh của họ. Điều nầy cũng cho thấy về mặt tâm lý học, người Phù Nam đã phát triển đến một trình độ rất cao(40). Sau nhiều cuộc khai quật, người ta thấy hình ảnh của vương quốc Phù Nam ngày càng hiện lên rõ nét, không chỉ tại Óc Eo, mà hầu quanh vùng Óc Eo và khắp cả miền Nam đâu đâu cũng có di tích hay phế tích của vương quốc cổ Phù Nam, như Cạnh Đền(41), Gò Tháp(42), Vĩnh Long, Tiền Giang, Gò Năm Tước và Gò Rộc Chanh(43), Sài Gòn, Cát Tiên (thuộc vùng Đồng Nai ngày nay), và Vũng Tàu. Đó là dấu tích của những gì mà các nhà khảo cổ đã khai quật được, nhưng chắc chắn các nhà khảo cổ sẽ không dừng lại ở đó. Trong tương lại, nếu được sự hợp tác của các nước Campuchia và Thái Lan, chắc chắn hình ảnh của vương quốc Phù Nam sẽ hiện lên ngày càng rõ nét hơn. Riêng những phát hiện phong phú hiện có về khu di chỉ Óc Eo cũng đủ chứng tỏ vai trò quan trọng của nó đối với vương quốc Phù Nam. Đây là một đô thị rộng lớn, một hải cảng có tầm cỡ thời bấy giờ với những sinh hoạt nhộn nhịp, một trung tâm kinh tế và thương mại phồn thịnh và sống động với những chứng cứ về mối quan hệ giao thương giữa Phù Nam và nhiều xứ Âu Á khác. Óc Eo là một di tích hết sức đặc biệt về vương quốc Phù Nam, vì nó chẳng những tiêu biểu cho nền văn minh của của vương quốc cổ nầy, mà nó còn gợi lại cho chúng ta hình ảnh của một nền văn minh thành hình sớm nhất trong vùng Đông Nam châu Á. Ngoài ra, theo kết quả của những cuộc khai quật sau năm 1975, người ta còn tìm thấy những mẫu lúa ở các di tích Nền Chùa, Óc Eo có dạng hạt tròn và người ta cũng tìm thấy dấu tích của những hạt lúa ma(44). Theo quyển ‘Con Đường Lúa Gạo’ của Watabe, trong những di tích gạch Óc Eo có chứa những vỏ trấu hạt dài. Đây là loại lúa có tên là lúa Tiên, thuộc hệ Bengal, được du nhập từ Ấn Độ vào khoảng những thế kỷ đầu Tây lịch. Qua những phát hiện về lúa, cộng với những phát hiện về hệ thống những kinh đào, nhà khảo cổ học Việt Nam Nguyễn Xuân Hiển đã đưa ra quan điểm về việc trồng lúa nước của vương quốc Phù Nam như sau: “Nghề trồng lúa ở Óc Eo thuộc dạng đầm lầy, đã sử dụng dạng kênh rạch để hỗ trợ cho cây lúa, và không xa nơi trồng lúa, còn bạt ngàn cả từng vạt lúa hoang dại.” Ngoài những phát hiện về nông nghiệp người ta cũng tìm thấy dấu tích thủ công nghiệp, nổi bậc nhất là những tượng Phật, tượng Thần và tượng những linh vật, cũng như những đồ thờ cúng, đồ trang sức và đồ gia dụng đủ kích cỡ, mà vật liệu xây dựng được dùng từ vãng, bạc, đồng, sắc, đá quí, gỗ quí, đất nung, và thủy tinh nhiều màu sắc. Bên cạnh những di vật nầy người ta còn phát hiện rất nhiều dụng cụ chế tác cũng như dấu vết của những lò nung, những nguyên liệu, phế liệu, những quặng nung chảy, những con lăn, bàn nghiền, cối, chày vồ, nồi nấu, khuôn đúc, bàn mài, vân vân. Có nhiều ngành nghề thủ công không phải của dân bản địa đã được thiết lập tại chỗ để sản xuất cho nhu cầu nội địa và cho cả việc xuất khẩu đi nơi khác nữa. Theo thư tịch cổ của Trung Hoa về đời nhà Lương: “Xứ Phù Nam xuất cảng vàng, đồng, thiết, trầm hương, ngà voi, công, chim thằng chài, vẹt ngũ sắc. Dân Phù Nam tìm thấy kim cương rất nhiều dưới sông và trên núi đá. Dân chúng lặn xuống nước mó kiếm rất dễ dàng.” Bên cạnh những phát hiện về công kỹ nghệ nội địa, các nhà khảo cổ học cũng tìm thấy những tấm huy chương của các vương triều La Mã, những miếng gương bằng đồng dưới thời nhà Đông Hán, những tượng Phật thời Bắc Ngụy, cùng những tượng thần Ấn Độ giáo, cho đến những đồ trang sức và vật dụng ngoại nhập... cho thấy ngành ngoại thương của vương quốc Phù Nam đã phát triển rất mạnh. Ngày nay, hầu hết các nhà khảo cổ đều đồng ý với ông Louis Malleret rằng Óc Eo chẳng những là trung tâm kinh tế và thương mại, mà nó còn là trung tâm quyền lực chính yếu của vương quốc Phù Nam. Gunarvarman – Vị Hoàng Tử Đã Khai Phá Vùng Đồng Tháp Mười: Gunarvarman là con của quốc vương Jayavarman, trị vì vương quốc Phù Nam từ năm 470 đến 514 sau tây lịch. Đáng lý chàng phải ở lại vùng kinh đô Đặc Mục hay hải cảng Óc Eo với đầy đủ những tiện nghi vật chất của hoàng gia, nhưng vì sự phát triển đất nước chàng đã vâng lệnh vua cha đi đến khai phá vùng Prasat Pram Loven, nay là vùng Đồng Tháp Mười(45). Thuở đó Tháp Mười là một vùng đầm lầy hoang vắng, không một bóng người. Theo ý phụ vương, hoàng tử Gunarvarman và đoàn tùy tùng đã khai khẩn toàn vùng và xây tại đây một ngôi đền, mà về sau nầy người ta đã tìm thấy bia văn mà vị hoàng tử đã khắc lên để ca ngợi tinh thần của vua cha. Vào đầu thế kỷ thứ XX, những nhà khoa học khảo cổ người Pháp đã tìm thấy tại ngôi tháp nầy một tấm bia, mà người đứng chủ là Gunarvarman. Bên cạnh đó, người cũng tìm thấy hai tấm bia khác trong vùng Tà Keo bên Campuchia, gần biên giới Việt Nam, một của hoàng hậu Kulaprabhavati, vợ vua Jayavarman, và một của chính vị vua Jayavarman, nói về việc xây dựng một khu đền mà người đứng chủ là ông và con của ông, vị vua kế vị có tên là Rudravarman. Dựa vào những bia văn tại những nơi nầy cũng như những thư tịch cổ của Trung Hoa, một số những nhân vật lịch sử và những biến cố chánh trị tại vương quốc nầy tuần tự được phơi bày ra ánh sáng. Theo lời kể trong bia văn, tuy còn rất trẻ nhưng Gunarvarman hội tụ cả phẩm hạnh và giá trị, đã được quyền cai quản một xứ sở gồm những người sống bằng lộc thánh trên đất khai khẩn từ bùn lầy. Họ đã dựng một ngôi đền thờ thần ở Pram Loven, ngôi đền đã được dâng cúng bởi nhiều vị thần Ấn Giáo thông hiểu kinh kệ. Họ tin rằng ngôi đền sẽ che chở cho Gunarvarman và những người đến đây qua lời văn trong đoạn cuối của bia văn: “Cầu cho con người sùng kính (vị thần nầy) của Guanarvarman đức hạnh, sùng tín, khoáng đạt. Cũng cầu cho ai đến lễ nơi đây, cũng sẽ được đến nơi ngự trị tối thượng của Visnu, tâm linh thoải mái, giải thoát khỏi xấu xa.” Khi mà những vùng đất phía đông nam và tây nam như Gò Công, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu và Cà Mau hãy còn là những vùng ngập nước quanh năm, nhờ công lao của hoàng tử Gunarvarman mà khu vực quanh ngôi đền Tháp Mười thời đó chính là nơi tập trung cư dân đầu tiên của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, nội dung của các bia văn cũng cho thấy những uẩn khúc của hoàng tộc Phù Nam trong giai đoạn cuối của vương quốc nầy. Kulaprabhavati là hoàng hậu, vợ của vua Jayavarman, phải ẩn tu nơi vùng Tà Keo hẻo lánh; trong khi đó con trai dòng chính của bà và vua Jayavarman là thái tử Gunarvarman lại phải tìm về nơi đầm lầy xa hẳn kinh đô Đặc Mục, nhưng vẫn không thoát khỏi nanh vuốt của con của một bà thứ phi là vua Rudravarman. Không bao lâu sau đó vương quốc Phù Nam cũng bị người Chân Lạp từ bình nguyên Korat tiến chiếm. Và từ thế kỷ thứ VII trở đi người ta không còn nghe nhắc đến vương quốc Phù Nam nữa. 



Cư Dân Và Nếp Sống Của Người Phù Nam: Ngay từ đầu thế kỷ thứ nhất vương quốc nầy đã có thư viện với nhiều sách vở được viết bằng chữ Phạn. Ngôn ngữ và chữ viết chánh của vương quốc Phù Nam là Phạn ngữ (Sanskrit). Dù phái đoàn kinh lý không nói gì đến hệ thống hành chánh, nhưng họ mô tả hệ thống luật lệ và thuế má của Phù Nam thời bấy giờ không thua gì tại Trung Quốc. Bên cạnh đó, nông nghiệp và ngoại thương của xứ nầy rất phồn thịnh. Sứ thần Trung Hoa đã tỏ ra khinh khi người Phù Nam khi họ cho rằng dân Phù Nam là một dân tộc man di, da đen, xấu xí, tóc quăn, đa số đều ở truồng và đi chân không. Sau khi sứ thần Trung Quốc than phiền với vua Phù Nam thì nhà vua liền ra lệnh cho tất cả thần dân phải quấn vải vào thân mỗi khi có sứ thần nước khác đến. Các nhà cổ sử cho rằng có lẽ đây là tiền thân của chiếc xà rông mà các dân tộc Thái Lan, Mã Lai, Cao Miên và Lào thường mặc ngày nay. Tuy nhiên, những điều nầy ngược lại với những báo cáo của các thương nhân ngoại quốc. Họ ghi lại rằng giới quí tộc Phù Nam ăn mặc màu mè sặc sỡ với vô số đồ trang sức làm bằng ngọc ngà châu báu. Chính Khương Thái đã ghi lại như sau: “Vị vua đầu tiên của Phù Nam, có lẽ là một người thuộc dòng dõi quý tộc ở Ấn Độ hay là một Tăng lữ Bà La Môn, tên là Hỗn Điền (Kaundinya). Cũng theo Khương Thái thì vương quốc Phù Nam có nhiều đô thị, có tường cao bao quanh và bên trong có nhà ở. Người Phù Nam có nước da màu đen, tóc quăn, xấu xí và sống khỏa thân. Nếp sống của họ rất đơn giản nhưng trong xã hội của họ không có trộm cắp. Đa số làm nghề nông theo lối cổ xưa. Họ rất khéo chạm trổ trên đá và trên gỗ. Trong cung đình, đa số chén dĩa đều làm bằng vàng, bạc, trân châu. Trong khi đó đồ dùng của thường dân thì đa phần được làm bằng đất nung. Tại kinh đô, có văn khố và thư viện lớn với rất nhiều sách vở bằng chữ Phạn. Họ dùng chữ viết gần giống như loại chữ viết của các dân tộc ở vùng Trung Á, có nguồn gốc từ chữ Phạn của Ấn Độ.” Ngay từ những năm đầu Tây lịch, người Phù Nam đã biết dùng chữ viết trong công việc hành chánh và thương mãi rồi. Họ chiêm ngưỡng và sùng bái các tượng Thần làm bằng đồng, chạm hình người 2 mặt 4 tay, hoặc 4 mặt 8 tay. Về nghi thức ma chay, gia đình nào có người chết thì những người đàn ông trong gia đình đều cạo hết râu tóc. Thường thì họ thủy táng(46) người chết, hoặc hỏa táng(47). Một số cư dân khác tại các vùng ngập nước thì theo phương cách ‘điểu táng’(48). Ông Khương Thái(49) đã ghi nhận là cư dân trong vùng không sử dụng nước giếng, mà họ thường đào những cái ao lớn cho cả xóm xài chung. Tục lệ đào những cái ao lớn cho cả sóc ngày nay vẫn còn tại một số địa phương như Trà Vinh, Sóc Trăng hay Tri Tôn (Châu Đốc). Theo truyền thuyết thì chính Khương Thái là người đã thuyết phục nhà vua Phạm Tần (Fan-Tsan) ra sắc luật bắt buộc mọi người phải mặc quần áo. Từ đó dân chúng lấy tấm vải quấn tròn quanh người, giống như họ quấn xà rông (sarong) ngày nay. Theo thư tịch cổ đời nhà Lương, người Phù Nam rất thích dùng voi trong mọi công tác vận chuyển, có lẽ thời bấy giờ vùng nầy rất nhiều voi, nên chẳng những nhà vua và triều thần dùng voi, mà hầu như cung nữ và những thương gia tại kinh đô đều sử dụng voi làm phương tiện đi lại. Hầu hết những dữ kiện liên quan đến vương quốc và cư dân cổ Phù Nam đều được dựa theo cổ sử Trung Hoa và những di vật khai quật từ các nhà khảo cổ học cho thấy dân Phù Nam thờ thần 2 tay hay thần bốn tay (theo Ấn giáo), nhưng cũng thờ Phật. Họ đã có tổ chức hành chánh, quân sự và kinh tế rất vững vàng. Những dữ kiện nầy phản ảnh một thực tế lịch sử thực tế về nguồn gốc của người Khmer. Dầu theo cổ sử thì vương quốc Chân Lạp chỉ mới được thành lập vào thế kỷ thứ VII sau Tây lịch, nhưng người Cao Miên ngày nay luôn xem Hỗn Điền là vị Bành Tổ của họ, vì họ cho rằng chính Hỗn Điền là người đã sáng lập ra đất nước của họ và mang đến cho họ văn hóa Ấn Độ mà họ luôn hãnh diện. Chính vua Hỗn Điền là người đã mang lại cho họ một nền văn hóa với đỉnh cao Angkor Wat và Angkor Thom. Chính nhờ vị vua nầy mà phụ nữ biết may mặc y phục một cách kín đáo, chính nhờ vị vua nầy mà dân tộc Khmer có được ngôn ngữ riêng cho chính họ, dù họ vẫn lấy chữ Phạn làm chữ viết. Theo họ thì chính hoàng đế Hỗn Điền đã du nhập vào xứ sở của họ tôn giáo, luật pháp, cũng như chế độ chánh trị từ Ấn Độ. Cũng theo Khương Thái trong chuyến đi kinh lý vương quốc Phù Nam, đã ghi lại trong sách “Phù Nam Phong Thổ” như sau: “Vị vua đầu tiên của Phù Nam, có lẽ là một người quí tộc đến từ Ấn Độ, hay là một tăng lữ Bà La Môn tên Hỗn Điền (Kaundinya).” Theo ‘Phù Nam Phong Thổ’ thì thời đó dân Phù Nam đã biết cách luyện kim và kỹ thuật luyện kim của họ đã lên đến trình độ rất cao. Theo thư tịch cổ đời nhà Tề, vương quốc Phù Nam dưới thời vua Xà Da Bạt Na(25), dân chúng Phù Nam chuyên nghề thương mãi và rất giỏi nghề đi biển. Họ thường tổ chức những chiến thuyền đi đến cướp phá các vùng lân cận. Cung điện nhà vua thường rất uy nghi lộng lẫy, xây nóc bằng, bên trong được trang trí bằng nhiều ngọc ngà châu báu. Thường dân thì cư trú trong những ngôi nhà sàn lợp bằng lá tre, có rào cây bao quanh. Người Phù Nam rất giỏi về canh tác nông nghiệp. Mỗi khi có lễ hội hay những lúc rảnh rỗi họ thường tụ tập lại để coi đá gà, hoặc xem trâu, bò, heo cắn lộn giống như những bộ tộc man di khác. Đối với người Trung Hoa, họ luôn xem những dân tộc không phải là Hán tộc đều là những dân tộc man di, nên lời lẽ trong các nhựt ký hoặc cổ thư có vẻ khinh miệt. Nhưng theo lời kể hoặc nhựt ký của thương nhân các nơi khác, họ tỏ vẻ thán phục nền văn minh và sự cường thịnh của người Phù Nam. Theo họ, dân tộc Phù Nam phải là một dân tộc văn minh lắm mới có thể biết cách luyện kim và kỹ thuật luyện kim của họ đã lên đến trình độ rất cao. Riêng về lãnh vực thủ công đồ trang sức và kim hoàng, người Phù Nam thời đó có khả năng chế tác ra đủ loại đồ trang sức bằng châu báu, vàng bạc hay những thứ đá quí. Vương quốc Phù Nam suy yếu kể từ sau năm 539 và bị buộc phải triều cống cho vương quốc Chân Lạp, một phiên quốc của Phù Nam trước đây. Đến năm 627, vua Chân Lạp là Bhavavarman xóa tên vương quốc Phù Nam trên bản đồ Đông Nam Á. Lúc đó thần dân Phù Nam bị sáp nhập và ép buộc phải sống chung với người Chân Lạp. Những ai không chịu khuất phục phải rút sâu vào rừng núi phía đông bắc, hoặc dong buồm sang tị nạn tại các đảo Sumatra, Java, và Borneo... Theo các nhà sử học, khảo cổ học và nhân chủng học, rất có thể những hậu duệ của hoàng gia Phù Nam nầy đã dựng lên triều đại Sailendra huy hoàng trên quần đảo Nam Dương, và cũng rất có thể họ đã kết hôn với những ông hoàng bà chúa tại vùng Nam Đảo nầy, nên các giới quí tộc hiện nay tại các vùng Mã Lai, Nam Dương, Malacca... có thể đều có liên hệ huyết thống với người Phù Nam. Riêng những người Phù Nam còn ở lại vùng Nam Bộ, bị ép buộc phải cộng sinh với người Khmer, họ dần dà biến thành một dân tộc sống trong lục địa và mất dần khả năng hàng hải của cha ông ngày trước. 
(Mời Xem Tiếp Phần 3)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét