Thứ Ba, 6 tháng 12, 2016

Đất Phương Nam I - Tiến Trình Nam Tiến phần 3


Chú Thích: 

(1) Nước Xích Quỷ là một trong những quốc gia cổ nhất trong vùng, phía bắc giáp Động Đình Hồ, thuộc tỉnh Hồ Nam, phía nam giáp nước Hồ Tôn, tức Champa; phía tây giáp Ba Thục, thuộc tỉnh Tứ Xuyên ngày nay; phía đông giáp biển Nam Hải, tức Biển Đông ngày nay.  (2) Theo Trần Quang Trân trong “Nghiên Cứu Về Việt Nam Trước Công Nguyên,” TPHCM: NXB Thanh Niên 2001, tr. 33, khoảng 2000 năm trước tây lịch, Việt tộc là cư dân của vùng đồng bằng sông Âu trong tỉnh Triết Giang của trung Hoa ngày nay.Tại đây có thật nhiều chim chóc, trong đó có một giống thật quí, đó là chim ‘Lạc’, có lẽ vì vậy mà bộ tộc nầy có tên là Lạc Việt. Duy có điều nơi trang 35, tác giả Trần Quang Trân phủ nhận Lạc Việt không nằm trong nhóm Bách Việt (?), ông khuyến cáo rằng đừng ai nhầm lẫn người Lạc Việt là thành phần của nhóm Bách Việt. Ông cho rằng nguyên nhân chữ Lạc Việt xuất phát từ tiếng kêu của loài chim Lạc, con chim có mối quan hệ mật thiết với tộc người tiền sử mà sau nầy là người Giao Chỉ. Ông lại viện dẫn thêm là nhóm Bách Việt chỉ phát sinh những năm 334 trước tây lịch, trong khi người Lạc Việt đã có mặt ở Giao Chỉ từ năm 2000 trước tây lịch, do vậy ông khẳng định người Lạc Việt không hề có liên quan gì đến nhóm Bách Việt (trang 37). Còn theo tác giả Trương Thái Du trong “Cổ Sử Việt Nam-Một Cách Tiếp Cận Vấn Đề”, TPHCM: NXB Lao Động, 2007, tr. 8-11, nhà nước Văn Lang sơ khai của người Lạc Việt được hình thành tại Động Đình Hồ, thuộc tỉnh Hồ Nam Trung Hoa ngày nay, khoảng năm 1199 trước tây lịch. Các vị vua Hùng cuối cùng đã chạy giặc Sở xuống đồng bằng Tây Giang, tỉnh Quảng Tây và dựng lại phiên bản một nước Văn Lang tại đây. Đến năm 179 trước tây lịch, Thục Phán thôn tính Văn Lang để dựng lên nước Tây Âu Lạc. Đến đời Hán Vũ Đế, Tây Âu Lạc biến thành quận Hợp Phố. Người Lạc Việt ở Hợp Phố thời trước có thể là người Tráng của tỉnh Quảng Tây ngày nay vì họ cũng xem trống đồng là bảo vật linh thiêng như người Lạc Việt trên đồng bằng sông Hồng sau nầy. Địa bàn của người Lạc Việt cổ gồm Hồ Nam, Quảng Tây, Quảng Đông, Bắc Việt Nam và đảo Hải Nam. Do đó Lạc Việt chính là nước Việt hay Việt Thường Quốc. Người Lạc Việt ủng hộ Triệu Đà lập nên nước Nam Việt có kinh đô tại Phiên Ngung, cũng gọi nơi đó là Âu Lạc. Từ đây sanh ra từ Tây Âu Lạc tương đương với Tây Âu, nghĩa là vùng đất phía tây Phiên Ngung. Do đó không tồn tại quốc gia Âu Lạc tại đồng bằng sông Hồng trước tây lịch. Sau năm 179 trước tây lịch, người Lạc Việt chạy giặc Triệu Đà xuống đồng bằng Bắc Việt đã dung hòa pha trộn với người anh em cùng cội rễ Lạc Việt từ Động Đình Hồ. Theo Bình Nguyên Lộc trong “Nguồn Gốc Mã Lai của dân tộc Việt Nam”, Los Alamitos: NXB Xuân Thu, 1997, về nguồn gốc dân tộc Việt Nam có mấy giả thuyết như sau: 1) Người Việt Nam là người Trung Hoa thuần chủng. Ông Nguyễn Phương trong cuốn “Việt Nam Thời Khai Sinh”, Huế 1965, viết: “Dân Việt Nam là người Trung Quốc di cư sang trong thời Bắc thuộc, hết đợt nầy đến đợt khác, sang thực dân tại đây, và cuối cùng khi mọi sự đã tỏ ra thuận lợi, đã đứng dậy, lập một nước riêng, nước Việt Nam.” Theo một số học giả Âu châu thì người Việt Nam là người hợp chủng Hoa-Việt, người Hoa Nam tràn xuống châu thổ sông Hồng đồng hóa dân Indonesian rồi biến thành Việt Nam. Còn theo Bình Nguyên Lộc thì người Việt Nam thuộc nhóm dân tộc “Cổ Mã Lai”, tức là giống Indonesian. Theo ông cách nay khoảng 5.000 năm, chủng tộc “Cổ Mã Lai” không rõ xuất phát từ đâu và không rõ vì lý do gì đã di cư đợt I đến các vùng Triều Tiên, Nhật Bản, miền Nam Trung Hoa, Đài Loan, Việt Nam, Lào, Cao Miên, Đông Ấn, Miến và Thái. Sau đó cách nay khoảng 2.500 năm, cũng chủng tộc “Cổ Mã Lai” nầy đã di cư đợt II từ miền Nam Trung Hoa đến Mã Lai Á, Nam Dương, Phi Luật Tân và Madagascar. Khoa khảo cổ học cho thấy các giống người Miến, Cao Miên, Thái, Chăm, Mã Lai và Việt Nam đều có sọ Mã Lai, đều đồng ngôn ngữ Mã Lai. Trong khi đó theo Đào Duy Anh trong “Đất Nước Việt Nam Qua Các Đời”, NXB Văn Hóa Thông Tin, 2005, tr. 17-22, dầu chỉ là truyền thuyết nhưng nước Văn Lang là nước ta đời xưa, bao gồm hết các miền Giang Nam và Lãnh Nam của Trung Hoa cho đến dãy Hoành Sơn ở phía nam, tức là đất Bách Việt xưa, và nhóm Lạc Việt chính là nhóm Việt tộc ở miền Bắc Việt Nam ngày nay. Nhóm nầy có văn hóa đồ đồng đến hồi cực thịnh từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ IV trước tây lịch. Theo G.S. Phạm Cao Dương trong “Lịch Sử Dân Tộc Việt Nam”, California, USA, NXB Truyền Thống, 1987, tr. 37, nước Văn Lang tương truyền rất rộng, phía đông giáp Nam Hải, phía tây giáp Ba Thục, phía bắc giáp Động Đình Hồ và phía nam giáp nước Hồ Tôn, tức nước Chiêm Thành sau nầy. Tuy nhiên, cương giới này bị các nhà khảo cứu xưa cũng như nay cho là không thể có được. Theo Đào Tố Uyên-Phan Ngọc Huyền-Nguyễn thị Thu Thủy-Nguyễn Thu Hiền trong “Lịch Sử Việt Nam”, Tập I, TPHCM: NXB Trẻ, 2008, tr. 10-11, cách ngày nay khoảng 475.000 năm đã có dấu vết con người ở các hang Thẩm Khuyên và Thẩm Hai (Lạng Sơn). Con người xuất hiện cùng với sự hình thành xã hội ở đây đã bắt đầu lịch sử dân tộc Việt Nam. Sau hàng chục vạn năm lao động gian khổ và sáng tạo, nhân dân Việt Nam dần dần hình thành một lãnh thổ chung, đó là nhà nước Văn Lang trong thời kỳ cuối văn hóa Đông Sơn vào khoảng thế kỷ thứ VII-VI trước tây lịch. Nhà nước Văn Lang là quốc gia cổ đầu tiên với bộ máy cai trị khá hoàn chỉnh. Từ năm 214 đến 208 trước tây lịch, người Việt đã kháng chiến chống quân Tần và giết chết tướng Đồ Thư. Sau đó hai bộ tộc Lạc Việt và Tây Âu đã kết hợp lại để dựng lại quốc gia Âu Lạc vào khoảng thế kỷ thứ III trước tây lịch. Đến năm 179 trước tây lịch, Âu Lạc rơi vào ách thống trị của nhà Triệu. Từ đó đến đầu thế kỷ thứ X nước ta bị nội thuộc Trung Hoa. 



(3) Theo Chiêm Toàn Hữu trong “Văn Hóa Nam Chiếu Đại Lý”, TPHCM: NXB Văn Hóa Thông Tin, 2004, tr. 32, khu vực duyên hải rộng lớn về phía đông nam Trung Hoa trải dài từ Quảng Tây, qua Triết Giang đều thuộc các bộ tộc Bách Việt, trong đó có cả Lạc Việt. Theo Lý Côn Thanh, giám đốc viện bảo tàng Vân Nam thì nền văn hóa Bách Việt thời đồ đá mới gồm nhiều bộ tộc phân bố trong tỉnh Vân Nam như sau: Đông Điền, Đông Điền Bắc, và các vùng phục cận thuộc văn hóa người Liêu; trong khi các khu Đông Điền Nam, Quảng Tây và Việt Nam thuộc nền văn hóa Lạc Việt. Chủ nhân của những nền văn hóa thời kỳ đồ đá mới nầy chính là những người thuộc những tộc hệ khác nhau của bộ tộc Bách Việt. Theo “Lĩnh Nam Chích Quái” của Trần Thế Pháp, Sài Gòn: Khai Trí, 1960, tr. 88, Nam Chiếu là hậu duệ của vương triều Triệu Đà. Sau khi Triệu Đà mất rồi thì con cháu tản mác mỗi người một nơi. Cuối đời nhà Tấn thiên hạ đại loạn, có người thổ tù tên Triệu Ông Lý, dòng dõi Triệu Đà, theo về với Nam Chiếu. Về sau được nước Bà Dạ chia cho một cương vực rộng lớn từ mé biển lên tận đầu nguồn gồm hai lộ, trên từ Quì Châu đến Diễn Châu làm lộ Nhứ Hoàn, dưới từ Cầm Châu đến Hoan Châu làm lộ Lâm An đem giao lộ nầy cho Nam Chiếu do Triệu Ông Lý thống trị.  (4) Ngày nay thuộc hải phận Ninh Bình và Nam Định.  (5) Bây giờ là vùng Mỹ Sơn-Trà Kiệu.  (6) Lý Thường Kiệt đã mang quân Đại Việt đánh về phương Bắc, chiếm cứ toàn bộ vùng Vân Nam và Lưỡng Quảng, bao gồm các châu Khâm và Liêm của nhà Tống). Sau khi đã đánh chiếm 72 thành trì của nhà Tống, vua quan nhà Lý của Đại Việt đã quyết định lui binh vì biết chắc con đường tiến lên phía Bắc của dân tộc Việt Nam quả là thiên nan vạn nan. Có lẽ kể từ đó, hầu hết các vương triều Đại Việt đều nhìn về phương Nam như một phương cách sinh tồn duy nhất cho dân tộc.  (7) Đầu thế kỷ thứ XV, tướng của Hồ Quý Ly là Đỗ Mãn đã đem quân vào đánh Champa, vua Champa đánh không lại, bèn dâng đất Chiêm Động và Cổ Lũy để cầu hòa.  (8) Theo Li Tana trong “Xứ Đàng Trong”, TPHCM: NXB Trẻ, 1999, tr. 24-25.  (9) Thanh Hóa ngày nay.  (10) Vùng đất phía Bắc và phía Đông của Quảng Tây bây giờ. (11) Bao gồm Quảng Đông và đảo Nam Hải ngày nay.  (12) Tức là cả vùng Bắc Việt ngày nay.  (13) Mân Trung là vùng nằm trong tỉnh Phúc Kiến ngày nay.  (14) Theo Phan Khoang trong “Việt Sử Xứ Đàng Trong”, TPHCM: NXB Văn Học, 2000, tr. 14-30, người Trung Hoa gọi các vùng Quảng Đông và Quảng Tây là đất Lục Lương, vì thời nhà Tần đất nầy toàn là rừng núi, và nhà Tần cũng xem cư dân ở đây là những người dữ tợn chưa được khai hóa. Lúc mới lập quốc, người Trung Hoa chỉ quần tụ sinh sống chung quanh lưu vực sông Hoàng Hà, nghĩa là khoảng vĩ tuyến 38 đến vùng phía bắc sông Dương Tử mà thôi. Năm Đinh Hợi 214 trước Tây lịch, Tần Thủy Hoàng sai các tướng Đồ Thư và Sử Lộc lấn chiếm đất đai của các bộ tộc Bách Việt ở phía nam sông Dương Tử và chia vùng đất nầy ra làm 3 quận là Quế Lâm (nay là vùng phía bắc và đông của tỉnh Quảng Tây), Nam Hải, tức tỉnh Quảng Đông ngày nay, và Tượng Quận, vùng Bắc Việt ngày nay. Sau đó Đồ Thư bị dân địa phương giết chết, Tần Thủy Hoàng bèn cử Nhâm Ngao đến làm Hiệu Úy Nam Hải và Triệu Đà làm huyện lệnh Long Xuyên, thủ phủ của quận Nam Hải. Triệu Đà đã nhiều lần mang quân tấn công vua của xứ Cổ Việt là An Dương Vương Thục Phán nhưng đều thất bại. Sau đó, nhờ mưu kế kết thân với mưu đồ thôn tính Cổ Việt bằng cách cho con trai mình là Trọng Thủy cưới con gái của Thục Phán, nên đến năm 208 trước tây lịch, Triệu Đà thôn tính Cổ Việt. Từ đó Cổ Việt bị Trung Hoa đô hộ trong suốt gần 1.000 năm. Trong khoảng thời gian gần mười thế kỷ nầy, hầu hết các bộ tộc Bách Việt phía nam sông Dương Tử đều bị người Tàu đồng hóa, chỉ có Lạc Việt là thoát ra khỏi ách đô hộ nầy để trở thành một nước độc lập vào năm 939 sau tây lịch. Tuy nhiên, kể từ đó đến nay, người Tàu đã không ngừng tìm cách đánh chiếm Việt Nam lần nữa dầu lần nào họ cũng phải nếm mùi thất bại, và mãi cho đến ngày nay, người Tàu chưa bao giờ từ bỏ ý đồ xâm chiếm Việt Nam.  (15) Sau gần 1.000 năm Bắc thuộc từ năm 110 trước Tây lịch đến năm 939 sau Tây lịch.  (16) Theo Trần Gia Phụng trong “Câu Chuyện Việt Sử”, California – USA: NXB Văn Mới, 2005, tr. 22-25.  (17) Theo Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi, thời Ngô Quyền có 3.100.000, nhà Tiền Lê 5.006.500, thời Lý 5.300.100, nhà Trần 7.004.300, nhà Hậu Lê 7.009.940.  (18) Năm 1527, sau khi Mạc Đăng Dung soán ngôi nhà Lê, một đại thần của nhà Lê là Nguyễn Kim đã đem quân rút vào Nghệ An, sau đó đưa vua Lê Trung Tông lên ngôi vào năm 1533 tại Lam Kinh, mà nhà Lê gọi là Tây Đô. Sau đó ông tiếp tục đánh nhau với quân nhà Mạc đang chiếm đóng kinh đô Thăng Long, mà nhà Lê gọi là Đông Đô.  (19) Ngọc Tú là con gái lớn của Nguyễn Kim, được ông gả cho Trịnh Kiểm trước đó. (20) Con trai của Trịnh Kiểm.  (21) Vào thế kỷ thứ X, phía tây Đại Việt là các bộ tộc miền núi đã co cụm lại để thành lập nước Lão Qua, tiền thân của nước Lào ngày nay. Vào năm 1290, vua Trần Nhân Tông đã mang quân sang đánh Ai Lao, nhưng sau trận đánh nầy, nhà vua đã nhận xét rằng nước nầy ngăn cách với Đại Việt bởi những dãy núi cao chạy từ phía nam Thanh Hóa vào đến tận cao nguyên nam Trung Phần ngày nay, nên sau đó Đại Việt còn nhiều lần mang quân sang đánh Ai Lao vào những năm 1294, 1297, và 1301, nhưng không chiếm đóng mà chỉ gom góp chiến lợi phẩm mang về nước. Có lẽ toàn cõi Ai Lao là một vùng rừng thiêng nước độc mà không một người Việt Nam nào muốn lưu lại. Như vậy, trong cuộc mở cõi vì sức ép của người Tàu từ phương Bắc, Đại Việt không có ý định Tây Tiến.  (22) Vào cuối thế kỷ thứ X, sau khi Đại Việt thâu hồi nền tự chủ, lúc đó phía nam của Đại Việt là một vương quốc Champa hùng mạnh. Lãnh thổ của vương quốc nầy chạy dài từ Quảng Bình đến Bình Thuận. Mặc dầu Champa cũng có dãy Trường Sơn chạy qua, nhưng họ cũng có đồng bằng và một bờ biển khá dài. Tính chung, diện tích của Champa thời đó vào khoảng 110.000 cây số vuông. Dầu Champa không có những con sông dài, nhưng vương quốc nầy cũng có rất nhiều sông chảy theo hướng tây-đông, từ dãy Trường Sơn chảy ra biển Đông. Nói chung, đất đai Champa cằn cỗi chứ không được mầu mỡ như đồng bằng sông Hồng của Đại Việt; tuy nhiên, có nhiều nguyên nhân khiến Đại Việt phải mở cõi về phương Nam: thứ nhất, dầu sau năm 939, Đại Việt đã thâu hồi nền độc lập, nhưng không lúc nào người Tàu ở phương Bắc chấm dứt ý đồ xâm chiếm Đại Việt; thứ nhì, về phía nam Champa lại thường xuyên mang quân sang quấy nhiễu vùng biên giới với Đại Việt. Bên cạnh đó, còn một nguyên nhân nữa khiến Đại Việt phải mở cõi về phương Nam, vì thời đó mỗi lần Đại Việt bị Tàu xâm lấn từ phía bắc, thì về phía nam vương quốc Champa thường liên kết với Trung Hoa, hoặc cho Trung Hoa mượn đường, hoặc mang quân sang quấy nhiễu vùng biên giới phía nam, khiến cho Đại Việt phải phân tán lực lượng đánh đuổi quân xâm lược phương Bắc (năm 982, lúc quân Đại Việt đang chuẩn bị đánh đưởi quân Tống, thì vương quốc Champa đã ngang nhiên bắt giữ sứ giả của tướng Lê Hoàn và đồng thời mang quân sang đánh phá vùng biên giới phía nam). Để tránh tình trạng lưỡng đầu thọ địch, Đại Việt không còn lựa chọn nào khác hơn là phải tìm cách tiến đánh Champa để tạo sự yên ổn trong vùng biên giới phía nam. Thêm vào đó, dân số Đại Việt không ngừng tăng trưởng, theo Dư Địa Chí của Nguyễn Trải (1380-1442), dưới thời nhà Ngô Đại Việt có khoảng 3.100.000 dân, nhà Tiền Lê khoảng 5.006.500, nhà Lý 6.300.100, nhà Trần và nhà Hậu Lê khoảng 7.004.300. Chính vì vậy mà các vua Đại Việt trải qua các triều đại đều phải tìm cách nầy hay cách khác thâu tóm những vùng đất mới, và đây cũng chính là những duyên cớ cho công cuộc mở cõi về phương Nam.  (23) Vào thời Lê Mạt, Đại Việt đã kinh qua một biến cố chánh trị hết sức đặc biệt, đó là sự tiếm ngôi nhà Lê của Mạc Đăng Dung vào năm 1527. Quan Hữu Vệ Điện Tiền Tướng Quân Nguyễn Kim bèn đưa gia quyến chạy sang Ai Lao, mong có ngày khôi phục lại nhà Lê. Nguyễn Kim được vua Ai Lao cho trú ngụ tại Sầm Châu. Tại đây, ông chiêu mộ hào kiệt và tổ chức dân quân lên tới vài ngàn người. Nguyễn Kim bèn tôn phù con cháu nhà Lê, mong ngày mang quân trở về tiêu diệt họ Mạc. Năm 1533, Nguyễn Kim tìm được người con trai của vua Lê Chiêu Tông, tên là Ninh, bèn tôn lên làm vua, niên hiệu là Nguyên Hòa, đó là vua Lê Trang Tông. Nguyễn Kim được phong làm Thượng Phụ, Thái Sư, Hưng Quốc Công, trông coi hết thảy mọi việc trong ngoài của triều đình lưu vong nầy. Trong số những quan binh dưới quyền Nguyễn Kim, có Trịnh Kiểm, người Sóc Sơn, trông coi Mã Quân, được Nguyễn Kim gả con gái Ngọc Bảo và xin với vua Lê phong làm Tướng Quân. Đến năm 1542, Nguyễn Kim tiến chiếm Thanh Hóa, thanh thế quân đội dưới quyền Nguyễn Kim hồi nầy rất lừng lẫy. Sau đó, ông cho rước vua Lê Trang Tông ra Tây Đô để chuẩn bị tiến quân đánh nhà Mạc tại Thăng Long. Trước tình thế nguy kịch nầy, nhà Mạc sai Tổng trấn Thanh Hóa là Dương Chấp Nhất trá hàng để mưu hại Tể Tướng Nguyễn Kim. Tháng 5 năm 1545, Dương Chấp Nhất đã dâng cho Nguyễn Kim một quả dưa hấu tẩm thuốc độc. Kết quả là Nguyễn kim trúng độc mà chết, được vua Lê tặng là Chiêu Huân Tĩnh Công. Sau khi Nguyễn Kim mất, vua Lê phong cho con trai trưởng là Nguyễn Uông làm Lãng Xuyên Hầu, con thứ nhì là Nguyễn Hoàng là Hạ Khê Hầu, sai chỉ huy quân sĩ.  (24) Sau khi anh mình là Nguyễn Uông bị hại, chắc chắn Nguyễn Hoàng đã tự biết phải làm gì nếu không muốn trở thành nạn nhân kế tiếp của Trịnh Kiểm. Chính vì lý do đó mà Nguyễn Hoàng xin chị mình là Ngọc Bảo, nói giúp với Trịnh Kiểm tâu với vua Lê cho mình được vào trấn thủ đất Thuận Hóa. Việc Nguyễn Hoàng ra đi khỏi kinh thành Thăng Long chẳng những có lợi cho Nguyễn Hoàng, mà đối với Trịnh Kiểm là một mối lợi về mặt đạo đức, vì ông sẽ không tốn công tốn sức hạ thủ thêm một đối thủ đáng ngại của mình. Chính vì vậy mà Trịnh Kiểm tâu ngay với vua Lê cho Nguyễn Hoàng ra đi.  (25) Thuận Quảng bao gồm Thuận Hóa và Quảng Nam. Khi Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa thì Trấn Quốc Công Bùi Tá Hán đang làm tổng trấn Quảng Nam. Năm 1568, Bùi Tá Hán mất, Nguyên Quận Công Tổng Binh Nguyễn Bá Quýnh được bổ nhiệm thay thế. Sau năm 1570, vua Lê phong cho Nguyễn Hoàng kiêm nhiệm trấn thủ Thuận Hóa, và Nguyễn Bá Quýnh được triệu về trấn thủ Nghệ An.  (26) Trà Bát cách Ái Tử chừng 2 cây số về phía Nam; chỗ nầy bây giờ là xứ Cồn Dinh.  (27) Nhân dịp nầy Nguyễn Hoàng cũng dâng nạp sổ sách, binh lương, của cải, vàng bạc, châu ngọc và kho tàng của hai trấn Thuận-Quảng lên vua Lê. Vua Lê phủ dụ rằng: “Ông trấn thủ hai xứ, dân chúng đều được yên ổn, công ấy lớn lắm”, rồi tấn phong cho ông làm Trung Quân Đô Đốc Phủ Tả Đô Đốc, chưởng phủ sự, Thái Úy Đoan Quốc Công. Dầu nhà Lê đã tái chiếm Thăng Long, nhưng tàn quân nhà Mạc hãy còn rất mạnh. Cuối năm 1593, Nguyễn Hoàng cùng với hai con là Tả Đô Đốc Lỵ Quận Công Nguyễn Hán, và Tả Đô Đốc Hào Quận Công Nguyễn Diễn, phải mang quân đi đánh dẹp. Trong trận nầy Tả Đô Đốc Lỵ Quận Công Nguyễn Hán bị tử trận. Tháng 5 năm 1594, Nguyễn Hoàng lại đem quân đánh dẹp Mạc Ngọc Liễn ở núi Yên Tử. Đến tháng 10 năm 1594, Nguyễn Hoàng lại xuất chinh dẹp quân phản loạn của tướng Võ Đức Cung ở Sơn Tây. Sau đó phải xuống Hải Dương dẹp giặc Thủy-Quỳnh-Thụy. Trong trận nầy Tả Đô Đốc Hào Quận Công Nguyễn Diễn tử trận. Như vậy, trong các trận đánh tiễu trừ tàn quân họ Mạc, hai người con trai của Nguyễn Hoàng đã tử trận. (28) Có sách viết là do ông âm mưu xui các tướng làm phản để được đem quân đi đánh dẹp.  (29) Thư Trịnh Tùng gửi cho Nguyễn Hoàng có nội dung như sau: “Đại thần và nhà nước, theo nghĩa, phải cùng vui, cùng lo. Cậu đối với nước là kẻ bề tôi đã nhiều đời lập huân công, nói về nhà thì là nghĩa chí thân. Vừa rồi họ Mạc làm loạn, quốc vận gặp cơn bỉ cực, tiên tổ là Thái Tể Hưng Quốc Chiêu Huân Tỉnh Công Nguyễn Kim đã lập nên đại nghĩa giúp nhà Lê. Vua Trang Tông nhờ đó mà danh phận mới được chánh đáng trở lại. Tiên tổ qua đời, Tiên Khảo Minh Hương Thái Vương Trịnh Kiểm được giao phó trọng trách lo việc nước, đối với cậu có tình thân thế phủ, ủy cho việc binh việc chánh hai xứ Thuận Quảng. Từ khi lãnh mạng, cậu đã vổ an nhân dân địa phương, thật là có công. Cháu từ khi giữ việc binh việc chính, vẫn để cậu ở chức cũ, có đưa thư xin chở tài phú đến để giúp quốc dụng, cậu thường lấy cớ đường biển khó khăn hiểm trở để từ chối. Đến khi kinh thành khôi phục, thiên hạ đã định, cậu mới theo về. Triều đình đã ưu đãi cho cậu lãnh thêm phủ Hà Trung và bảy huyện ở Sơn Nam, cũng như trao cho chức Hữu Tướng. Đến khi được cử đi đánh dẹp bọn nghịch thần Phan Ngạn, Bùi văn Khuê và Ngô đình Nga, chẳng ngờ cậu không đợi mệnh lệnh của triều đình, lại tự ý bỏ về Thuận Quảng, làm dao động lòng người, không biết ấy là ý của cậu, hay là mắc kế bọn kia. Nay bọn Bùi văn Khuê và Phan Ngạn đều bị giết cả, ấy mới biết đạo trời sáng tỏ, họa xảy đến ngay. Cậu chắc cũng biết vậy. Việc đã như thế, nếu cậu giác ngộ, ăn năn hối lỗi cũ, nghĩ lại huân nghiệp của tổ tiên, thì nên sai người đem thư đến hành tại bái bẩm, góp tài phú để cung quốc dụng, lấy công chuộc lỗi, triều đình sẽ có diễn biến, và huân nghiệp của cậu ngày trước cũng được hoàn toàn, huân danh, sự nghiệp các đời mãi mãi không mất. Nếu không như thế thì lấy kẻ thuận đánh kẻ nghịch, triều đình dùng binh sẽ có danh nghĩa, khi ấy danh tiết của cậu sẽ ra sao? Trong việc dụng binh, cậu thường lưu tâm đến kinh sử, xin hãy xét nghĩ lại, đừng để hối hận về sau.”  (30) Khi Nguyễn Hoàng mất, các con trai cả là Hà, con thứ hai là Hán, thứ ba là Thành và thứ tư là Diễn đều đã tử trận, trong khi người con thứ năm là Hải vẫn còn làm con tin ở xứ Đàng Ngoài.  (31) Chính việc tiến quân của Nguyễn Khải vào cửa Nhật Lệ đã khiến chúa Nguyễn Phước Nguyên tức giận và quyết định ly khai vĩnh viễn với triều đình nhà Lê.  (32) Thụy Quận Công đã nói với sứ giả rằng: “Hai xứ Thuận Quảng mấy năm liền không được mùa, dân gian thiếu ăn, vì vậy không nỡ thu thuế, đợi khi khác được mùa, sẽ chở ra nạp cũng không muộn.” ( 33) Nay là xã Phước Yên, quận Quảng Điền, tỉnh Quảng Trị.  (34) Bây giờ là Sài Gòn-Chợ Lớn.  (35) Thành Long Úc, thuộc tỉnh Kompong Luông ngày nay.  (36) Lúc nầy quân Chân Lạp có sự trợ giúp của quân đội xứ Đàng Trong.  (37) Ngày nay, Srekatrey là vùng Biên Hòa, Prei Nokor là vùng Chợ Lớn, Kas Krobei tức vùng Bến Nghé là vùng trung tâm Sài Gòn. (38) Nay là huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.  (39) Khi sứ giả đến yết kiến Nguyễn Phước Nguyên, ông đã bảo sứ giả “Việc nầy là ý riêng của họ Trịnh, chứ hoàng đế nhà Lê nhân từ, há lại quên con cháu công thần hay sao? Vả lại, binh dân, của cải và thuế má của Thuận Quảng làm sao sánh tày với 4 trấn ở phương Bắc? Nếu nghĩ đến công tổ tông của ta, nên cắt thêm đất Nghệ An cho ta nữa, huống chi là đất Thuận Quảng!” Nói rồi chúa ra lệnh hậu đãi sứ giả trước khi tiễn họ về xứ Đàng Ngoài. (40) Trịnh Tráng mượn danh vua Lê gửi cho Nguyễn Phúc Nguyên một sắc dụ răn đe họ Nguyễn đã lỗi đạo thần tử, đồng thời đem quân từ Thăng Long vào đánh xứ Đàng Trong, nhưng không đánh được vì quân Nguyễn cố thủ quá kiên cố tại lũy sông Nhật Lệ.  (41) Theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Lê Đại Nhậm còn đòi Thụy Quận Công cho con trai ra Thăng Long chầu vua Lê với 30 thớt voi đực, 30 chiếc thuyền đi biển để dùng vào lệ cống nhà Minh. Thụy Quận Công cười nói: “Lệ cống nhà Minh chỉ có vàng và kì nam mà thôi, nay họ Trịnh đòi thêm ngoài các món ấy, ta không dám nghe theo; còn con trai ta đương sắm quân khí, sửa sang việc phòng bị ở biên giới, xin vài năm nữa ra chầu cũng không muộn.”  (42) Thuộc huyện Bố Trạch ngày nay.  (43) Nguyễn Phước Trăn là con thứ 2 của chúa Nguyễn Phước Tần, được đưa lên nối ngôi vì con cả của chúa là Nguyễn Phước Diễn đã mất sớm. Được chúa Nguyễn Phúc Tần phong làm Tả Thủy Dinh Phó Tướng Hoằng Ân Hầu.  (44) Nguyễn Phúc Chu là công tử cả của chúa Nguyễn Phúc Trăn, được phong làm Tả Bính Dinh Phó Tướng, Tộ Trường Hầu, làm phủ đệ ở cơ Tả Bính.  (45) Tức Bình Thuận bây giờ. (46) Theo Đặng Duy Phúc trong “Việt Nam Biên Niên Sử”, Hà Nội: NXB Hà Nội, 2009, tr. 224.  (47) Biên Hòa và Gia Định. (48) Biên Hòa ngày nay.  (49) Xứ Sài Gòn-Chợ Lớn ngày nay.  (50) Vùng Gia Định ngày nay.  (51) Cù lao Cái Sao hay Cây Sao vùng Long Xuyên, mang tên quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh. (52) Trong bộ “Đất Phương Nam”, hai từ Prei Nokor và Kas Krobei cùng chỉ địa danh mà ngày nay là Sài Gòn-Chợ Lớn.  (53) Tên Khmer là Ang Em, con của Nặc Nộn, Nhị vương tại Prey Nokor trước đây.  (54) Dân chúng tại đây đặt tên là cù lao Ông Chưởng để tưởng nhớ công ơn của Nguyễn hữu Cảnh.  (55) Theo Gia Định Thành Thông Chí, tập Thành Trì Chí, sau khi thắng trận ở Nam Vang, quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh kéo quân về đóng ở cồn Cây Sao, lúc đó thuộc đạo Tân Châu, gặp lúc mưa to gió lớn. Đêm ấy ông nằm mộng thấy một người cao lớn, mặc áo gấm, tay cầm búa vàng, mặt đỏ như son, râu mày trắng toát, đến trước mặt ông mà nói rằng: “Tướng quân nên về gấp, không nên lưu lại nơi ác địa nầy.” Khi thức giấc, ông cảm thấy buồn buồn vì việc sắp đặt tại biên phòng chưa được yên ổn, tàn quân giặc vẫn còn quanh quẩn. Lúc ông còn đang phân vân thì quân lính lại phát bệnh dịch, chính ông cũng bị nhiễm bệnh. Đến Tết Đoan Ngọ năm Canh Thìn, 1700, ông cố gắng làm lễ khao thưởng binh sĩ, sau đó bệnh ông trở nặng nên ngày 14 tháng 5 năm Canh Thìn, ông cho rút quân về Gia Định, nhưng đến Sầm Giang thì ông qua đời.  (56) Tên Khmer là Thommo Reachea, con trai của Nặc Thu.  (57) Tưởng cũng nên nhắc lại, vào năm 1700, Nặc Yêm phối hợp cùng với người Lào tại vùng Bati và dân chúng Khmer tại các vùng Angkor và Kompong Thom để chống lại với triều đình Nặc Thâm. Mặt khác, Nặc Yêm cho người sang Gia Định cầu cứu với chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn sai quan Chánh Thống Cai Cơ Nguyễn Cửu Vân, con của Nguyễn Cửu Dực, đem quân sang giúp Nặc Yêm.  (58) Tân An và Gò Công ngày nay.  (59) Ngày nay thuộc vùng Biên Hòa-Đồng Nai. 
(60) Long An ngày nay. (61) Tên Cao Miên là Péam, tên Việt Nam là Hà Tiên.  (62) Theo Đại Nam Liệt Truyện Tiền Biên, tháng 8 năm Mậu Tý 1708, đời chúa Nguyễn Phúc Chu, Mạc Cửu cùng Trương Cầu, Lý Xá mang lễ vật đến kinh đô gặp chúa Nguyễn xin dâng đất Hà Tiên. Tuy nhiên, theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, thì Mạc Cửu chỉ sai bộ tướng là Trương Cầu và Lý Xá đến Thuận Hóa dâng biểu và lễ vật, xin cho mình làm Hà Tiên Trưởng, chứ Mạc Cửu không đi Thuận Hóa lần nầy.  (63) Chúa Nguyễn Phúc Trú là công tử cả của chúa Nguyễn Phúc Chu, văn võ song toàn, được trao chức Cai Cơ Đỉnh Thịnh Hầu, rồi sau đó thăng chức Chưởng Cơ, làm phủ đệ tại cơ Tả Súng trước khi lên ngôi chúa.  (64) Vào năm 1731, để thống nhất sự lãnh đạo trong quân đội xứ Đàng Trong tại Chân Lạp, chúa cho lập Sở Điều Khiển ở Gia Định. Đến năm 1732, được tin lưu dân Việt Nam bị quân Chân Lạp tấn công tại vùng Prei Nokor, chúa Nguyễn Phúc Trú sai Trương Phúc Vĩnh đem quân vào bình định. Nặc Tha bèn dâng lên chúa Ninh Vương hai vùng đất Meso và Long Ghor. Chúa bèn lấy đất Long Ghor lập châu Định Viễn và đặt dinh Long Hồ, còn Mỹ Tho vẫn giữ nguyên tình trạng cũ.  (65) Nguyễn Phúc Khoát là công tử cả của chúa Nguyễn Phúc Trú, được phong làm Chưởng Dinh dinh Tiền Thủy, làm phủ đệ tại cơ Tiền Dực ở Dương Xuân. Lúc chúa Nguyễn Phúc Trú băng hà, ông lên kế vị và được các quan tôn làm Tiết Chế Thủy, Bộ chư dinh, kiêm tổng nội, ngoại, Bình Chương Quân, Quốc Trọng Sự, Thái Bảo, Hiểu Quận Công. (66) Đây là các vùng Cà Mau, Rạch Giá, Cần Thơ và Bạc Liêu ngày nay. (67) Phía bên trái của thành phố Huế ngày nay.  (68) Để thuận tiện cho quan dân địa phương, hễ tới kỳ nạp thuế là dân địa phương chỉ việc mang đến kho tại địa phương mà nạp, gọi là “Trường Biệt Nạp”.  (69) Con của Nặc Thâm.  (70) Người Côn Man là những người Champa, sau khi đất đai bị nội thuộc vào Việt Nam, họ đã chạy sang lưu cư trên đất Chân Lạp.  (71) Ngày nay là vùng Trà Vinh và Sóc Trăng.  (72) Ngày nay là các vùng Sa Đéc, Cao Lãnh, Long Xuyên, Châu Đốc và một phần của Rạch Giá. (73) Thiên Tứ đem dâng cho chúa Nguyễn, chúa bèn cho sáp nhập 5 phủ nầy vào trấn Hà Tiên cho Thiên Tứ cai quản. Đến đời vua Tự Đức, nhà vua trao trả 5 phủ nầy về cho Chân Lạp.  (74) Nguồn gốc của các bộ tộc Thái được biết xuất phát từ tỉnh Vân Nam bên Trung Hoa, từ đầu thế kỷ thứ VII họ đã thiên di về phía đồng bằng sông Ménam. Tuy nhiên, cũng có người nói rằng các bộ tộc Thái bắt nguồn từ đồng bằng sông Ménam Chao Phya, từ đó họ đi ngược lên mạn Nam Trung Hoa và thành hình vương quốc Đại Lý, đến thế kỷ thứ XII, hoàng đế Hốt Tất Liệt của đế quốc Mông Cổ tiến hành tiêu diệt nước Đại Lý, nên các bộ tộc Thái lại phải thiên di về phương Nam. Theo những di chỉ khảo cổ khai quật được tại làng Ban Chiang gần Udon Thani, các đồ sành, sắt, đồng... có niên đại trên 3.600 năm, điều nầy chứng tỏ thời đại đồ đồng của các bộ tộc Thái còn đi trước cả nền ăn minh của thung lũng Tigris và Euphrates bên Iraq nữa. Đến thế kỷ thứ XII sau khi bị hoàng đế Hốt Tất Liệt của đế quốc Mông Cổ tiến hành tiêu diệt nước Đại Lý, các bộ tộc Thái đã tỏa đi khắp nơi, nhóm Thái Yai, còn gọi là Shan hay Thái Lớn, định cư ở miền Bắc Miến Điện, nhóm Thái Ahom thì định cư tại vùng Assam, nhóm khác đi vào đất Lào, nhóm khác nữa chạy qua đảo Hải Nam. Riêng nhóm Thai Noi, còn gọi là Thái Nhỏ thì định cư tại miền Bắc của Thái Lan ngày nay. Khi các bộ tộc Thái Noi thiên di về đồng bằng sông Ménam thì tại đây đã có những người thuộc các bộ tộc MônKhmer định cư trước rồi. Trong số nầy, nhóm Thai Noi phát triển mạnh nhất, họ thiết lập những khu định cư chung quanh Chiang Saen, rồi vào năm 1238 họ thành lập một quốc gia nhỏ, có kinh đô là Sukhothai. Ban đầu họ bị người Khmer lấn lướt và xem họ như nô lệ. Có thể đế đô Angkor Wat và Angkor Thom của vương quốc Khmer đã được xây dựng bởi những người Thái nô lệ nầy. Vào thế kỷ thứ XIII, vương quốc Sukhothai phát triển cực mạnh và bắt đầu lấn lướt vương quốc Chân Lạp. Năm 1281 họ tiến tới Chiang Rai và đến Chiang Mai vào năm 1296. Đến thế kỷ thứ XV, vương quốc Xiêm La đã tiến tới vùng bán đảo Mã Lai. Vào thế kỷ thứ XVII, vương quốc Xiêm La đã chiếm cứ trên 5 tỉnh của Chân Lạp, nhưng họ vẫn chưa vừa ý, nên các vương triều Xiêm La luôn dòm ngó về phía Nam bán đảo Đông Dương. Trong khoảng thời gian từ cuối thế kỷ thứ XVII đến cuối thế kỷ thứ XVIII, Xiêm La đã nhiều lần xâm chiếm vùng Mang Khảm (Hà Tiên ngày nay). Các bộ tộc Thái đã tiến hành cuộc Nam Tiến trên các vùng đất giữa hai xứ Miến Điện và Chân Lạp một cách dễ dàng, vì sức kháng cự của người Môn-Khmer rất yếu ớt. Tuy nhiên, khi tiến về phía Đông để đến vùng phía Nam của bán đảo Đông Dương, người Thái đã bị sức tấn công như vũ bão của người Việt, nên họ đành phải rút lui trong thất bại. (75) Theo Tạ Chí Đại Trường trong “Việt Nam Thời Tây Sơn Lịch Sử Nội Chiến 1771-1802”, NXB CAND, TPHCM, 2007, tr. 49-96

***
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

***


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét