1 - Huyền Thoại
Câu chuyện cảm động lòng người từ cổ chí kim truyền lại về chuyện tình
ngang trái của đôi nam nữ trên cung đình, dựa trên các ngôi sao có thật
trên bầu trời. Nhân dịp sắp đến ngày mùng 7 tháng 7 âm lịch, chúng ta
hãy tìm hiểu về câu chuyện này và các ngôi sao này trên bầu trời nhé
Ngưu Lang - Chức Nữ hay Ông Ngâu - Bà Ngâu là câu Truyện Cổ Tích, có hai phiên bản, một của Việt Nam và một của Trung Quốc. Truyện cổ tích này có liên quan đến các sao Chức Nữ(Vega) và sao Ngưu Lang (Altair), dãy Ngân Hà và hiện tượng mưa Ngâu diễn ra vào đầu tháng Bảy âm lịch ở Việt Nam. Trong truyện cổ tích Trung Quốc cũng có nhắc tới Ngưu Lang (牛郎) vàChức Nữ (織女) nhưng nội dung câu chuyện cũng như các dị bản thì không giống với truyện của Việt Nam.
Phiên bản Trung Quốc
Chàng
chăn bò trẻ tuổi có tên gọi Ngưu Lang (chàng chăn bò, là sao Ngưu Lang)
nhìn thấy bảy cô tiên xinh đẹp đang tắm trong hồ và đang đùa giỡn vui
vẻ với nhau. Được cổ vũ bởi người bạn đồng hành tinh quái là một con bò
đực, chàng đã lấy trộm váy áo của họ và chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra.
Các nàng tiên đã cử cô em út và xinh đẹp nhất có tên gọi là Chức Nữ (hay
cô gái dệt vải) ra để lấy lại váy áo. Nàng đành phải làm theo, nhưng do
Ngưu Lang đã nhìn thấy thân thể trần tục của Chức Nữ nên nàng đành chấp
thuận lời cầu hôn của chàng (đúng như câu "Nam nữ thụ thụ bất thân" của
lễ giáo phong kiến). Nàng đã chứng tỏ mình là một người vợ tuyệt vời,
còn Ngưu Lang là một người chồng tốt và họ đã sống bên nhau hạnh phúc.
Nhưng Thiên Hậu (trong một số dị bản là mẹ Chức Nữ) nhận ra rằng một kẻ
tầm thường (tức Ngưu Lang) lại dám cưới một nàng tiên đẹp và bà đã điên
tiết (trong các dị bản khác, Thiên Hậu bắt Chức Nữ quay lại làm công
việc dệt các đám mây ngũ sắc trên bầu trời vì nàng đã không làm công
việc đó kể từ khi lấy chồng). Rút cái kẹp tóc của nàng ra, Thiên Hậu đã
vạch ra một con sông rộng trên bầu trời để chia cắt đôi tình lang mãi
mãi (vì thế tạo ra sông Ngân và trên thực tế người ta nhìn thấy các sao
Ngưu Lang và Chức Nữ nằm ở hai bên của Ngân Hà).
Chức
Nữ phải vĩnh viễn ngồi trên một bờ sông, buồn bã dệt vải, còn Ngưu Lang
chỉ nhìn thấy vợ mình từ xa và phải chịu trách nhiệm nuôi hai con (tức
hai ngôi sao bên cạnh nó là Aquila -β và -γ).
Nhưng
có một ngày, tất cả các con quạ cảm thấy thương hại họ và chúng bay lên
trời để làm cầu (Ô kiều) để đôi vợ chồng có thể gặp nhau trong một đêm,
là đêm thứ 7 của tháng 7 âm lịch .Tuy nhiên vì thương tiếc cho đôi vợ
chồng Ngọc Hoàng đã đặc xá cho Ngưu Lang và Chức Nữ mỗi tháng được gặp
nhau một lần và đồng thời cũng trong thời gian đó Ngưu Lang đã tìm được
quả "Hoa Tiên" (là quả mà Hằng Nga đã từng ăn) vì vậy Ngọc Hoàng cùng
với Vương Mẫu đã cho Ngưu Lang và chức Nữ cùng ở bên nhau nuôi con mãi
mãi không bao giờ chia lìa. Truyền thuyết này có thể là gốc cho thành
ngữ Tắm Tiên
(theo Wikipedia)
Truyện Cổ Việt Nam
Truyện Cổ Việt Nam
Ngưu
Lang là vị thần chăn trâu của Ngọc Hoàng Thượng đế, vì say mê một tiên
nữ phụ trách việc dệt vải tên là Chức Nữ nên bỏ bê việc chăn trâu,
để trâu đi nghênh ngang vào điện Ngọc Hư. Chức Nữ cũng vì mê
tiếng tiêu của Ngưu Lang nên trễ nải việc dệt vải. Ngọc Hoàng giận dữ,
bắt cả hai phải ở cách xa nhau, người đầu sông Ngân, kẻ cuối sông
Sau
đó, Ngọc Hoàng thương tình nên ra ơn cho hai người mỗi năm được gặp
nhau một lần vào đêm mùng 7 tháng Bảy âm lịch. Khi tiễn biệt nhau, Ngưu
Lang và Chức Nữ khóc sướt mướt. Nước mắt của họ rơi xuống trần hóa thành
cơn mưa và được người dưới trần gian đặt tên là mưa ngâu.
Thời
bấy giờ sông Ngân trên thiên đình không có một cây cầu nào cả nên Ngọc
Hoàng mới ra lệnh cho làm cầu để Ngưu Lang và Chức Nữ được gặp nhau. Các
phường thợ mộc ở trần thế được vời lên trời để xây cầu. Vì mạnh ai nấy
làm, không ai nghe ai, họ cãi nhau chí chóe nên đến kỳ hạn mà cầu vẫn
không xong. Ngọc Hoàng bực tức, bắt tội các phường thợ mộc hóa kiếp
làm quạ lấy đầu sắp lại làm cầu cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau. Vì
thế cứ tới tháng bảy là loài quạ phải họp nhau lại để chuẩn bị lên trời
bắc Ô kiều. Khi gặp nhau, nhớ lại chuyện xưa nên chúng lại lao vào cắn
mổ nhau đến xác xơ lông cánh. Ngưu Lang và Chức Nữ lên cầu, nhìn xuống
thấy một đám đen lúc nhúc ở dưới chân thì lấy làm gớm ghiếc, mới ra lệnh
cho đàn chim ô thước mỗi khi lên trời làm cầu thì phải nhổ sạch lông
đầu. Từ đó, cứ tới tháng bảy thì loài quạ lông thì xơ xác, đầu thì rụng
hết lông.
Có dị bản khác cho rằng tên gọi của Ô kiều là cầu Ô Thước do chim Ô (quạ) và chim Thước (chim Khách) kết cánh tạo ra.
2 - Trên Thực Tế
Hình chụp quầng khí quanh sao Chức Nữ
Sao Chức Nữ (α Lyr / α Lyrae / Alpha Lyrae hay Vega hoặc Vêga)
là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Thiên Cầm (Lyra), và là sao sáng
thứ 5 trên bầu trời đêm. Nó là sao sáng thứ 2 ở bầu trời phía bắc
sau Arcturus, và thông thường có thể nhìn thấy ở gần thiên đỉnh khi quan
sát ở các vĩ độ trung bình (40-50) về mùa hè ở bắc bán cầu.
Nó là "ngôi sao gần" cách hệ Mặt Trời chỉ có 25,27 năm ánh sáng, và cùng với Arcturus và sao Thiên Lang (Sirius), là những ngôi sao "hàng xóm" của Mặt Trời sáng nhất. Sao Chức Nữ là một đỉnh của Tam giác mùa hè.
Lớp
quang phổ của nó là A0V (Sao Thiên Lang là A1V, tức là ít mãnh liệt hơn
một chút) và nó là sao thuộc chuỗi chính với các phản ứng hạt
nhân chuyển hiđrô thành heli trong lõi của nó. Vì các sao càng mạnh thì
sử dụng nguồn nguyên liệu nhiệt hạch càng nhanh, thời gian đang tồn tại
của sao Chức Nữ chỉ khoảng 1 tỷ năm, bằng 1/10 của Mặt Trời. Sao Chức Nữ
có bán kính 2,5 lần lớn hơn, 3 lần nặng hơn và 50 lần bức xạ mạnh hơn
Mặt Trời.
So sánh kích thước Sao Chức Nữ bên trái và Mặt Trời
Sao
Chức Nữ có một lớp bụi và khí hình chiếc đĩa vây quanh nó, được phát
hiện bởi IRAS vào giữa những năm thập niên 1980. Nó hoặc là dấu hiệu của
sự hiện diện của các hành tinh hoặc là các hành tinh của nó sẽ sớm được
tạo ra. Đĩa mẫu hành tinh, như có thể suy ra từ tên gọi của nó, được
tin là sẽ dẫn đến sự hình thành của các hành tinh nhưng cũng có thể tồn
tại một thời gian dài sau khi các hành tinh đã hình thành nếu không có
các hành tinh khí khổng lồ giống như sao Mộc.
Vào
khoảng năm 14.000, sao Chức Nữ sẽ trở thành Sao Bắc cực, do hiện
tượng tuế sai của các điểm phân. Xem bài Polaris để có thêm thông tin.
Các
nhà thiên văn học chuyên nghiệp sử dụng sao Chức Nữ để xác định
thang độ sáng tuyệt đối. Khi thang độ sáng được quy định thì giá trị
cường độ sáng của sao Chức Nữ rất gần với 0. Vì thế độ sáng biểu
kiến của Chức Nữ, theo định nghĩa, được chọn là bằng 0 trên mọi bước
sóng (nó không được sử dụng gần đây do độ sáng biểu kiến ngày nay chủ
yếu được định nghĩa theo thuật ngữ của thông lượng chiếu xạ từ sao). Nó
cũng có phổ điện từ tương đối phẳng trong vùng ánh sáng (các bước sóng
từ 350 đến 850 nanomét, phần lớn các bước sóng này mắt người có thể cảm
nhận được), vì thế thông lượng là xấp xỉ bằng 2000-4000 Jy. Thông lượng
bức xạ của Chức Nữ giảm nhanh chóng trong khu vực hồng ngoại, và nó xấp
xỉ 100 Jy ở bước sóng khoảng 5 micromét.
Sao
Chức Nữ là chủ thể của nhiều cái 'đầu tiên' trong Thiên văn học;
năm 1850 nó là ngôi sao đầu tiên được chụp ảnh, năm 1872 nó là ngôi sao
đầu tiên có quang phổ được ghi lại. Nó cũng được tranh cãi có phải ngôi
sao đầu tiên được đo lại biến đổi vị trí góc của mình, trong các thực
nghiệm đầu tiên của Friedrich Struve năm 1837. Cuối cùng, nó là ngôi sao
đầu tiên có loại xe ô tô được đặt tên theo, khi Chevrolet sản xuất xe
'Vega' năm 1971.
Trong tiếng nước ngoài, tên gọi Vega có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập - từ waqi có nghĩa là "rơi rụng", trong thành ngữ نسر الواقع an-nasr al-wāqi‘ có
nghĩa là "chim kền kền rơi". Là một phần của chòm sao Thiên Cầm (Lyra)
nó tượng trưng cho chuỗi ngọc quý trên thân cây đàn cầm.
Sao Chức Nữ ở tọa độ 18h 36m 56.3364s, +38° 47′ 01.291″ đấy nhé
... thế còn phu quân của ngôi sao này thì thế nào nhỉ ?
... thế còn phu quân của ngôi sao này thì thế nào nhỉ ?
Sao Ngưu Lang (α Aql / α Aquilae / Alpha Aquilae / Atair) là ngôi sao sáng nhất trong chòm sao Thiên Ưng (Aquila) và là sao sáng thứ 12 trong bầu trời đêm, với độ sáng biểu kiến 0,77.
Thể
tích của Ngưu lang lớn gấp đôi mặt trời! Bề mặt Ngưu lang nóng tới
9.000 độ C (mặt trời: 7.000 độ C) và cường độ ánh sáng mạnh gấp 10 lần
của mặt trời. Cách Chúng ta khoảng 16 năm ánh sáng
Sao
Ngưu Lang là một đỉnh của Tam giác mùa hè. Nó là sao dạng "A" hay sao
trắng cách Trái Đất 17 năm ánh sáng và là một trong những sao gần nhất
có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Trong
một số ngôn ngữ nước ngoài, chẳng hạn như trong tiếng Anh, nó có tên là
"Altair" hay "Atair" có nguồn gốc từ tiếng Ả Rập để chỉ "con chim đang
bay", từ thành ngữ نسر الطائر an-nasr aţ-ţā?ir "đại bàng bay".
Đáng
chú ý nhất của sao Ngưu Lang là tốc độ tự quay cực nhanh của nó; bằng
cách đo độ rộng các quang phổ vạch của nó, người ta đã xác định là ở khu
vực xích đạo của nó thì nó tự quay một vòng hết khoảng 6 1/2 giờ (các
tài liệu khác đôi khi cho là 9 hay 10,4 giờ). So sánh với ngôi sao của
chúng ta, tức Mặt Trời, thì nó phải mất hơn 25 ngày một chút để tự quay
hết một vòng. Với sự tự quay nhanh như vậy, sao Ngưu Lang có lẽ có hình
cầu dẹt: đường kính tại xích đạo ít nhất khoảng 14% lớn hơn so với đường
kính tính theo hai cực.
Sao
Ngưu Lang, cùng với Beta Aquilae và Gamma Aquilae, tạo thành một đường
nổi tiếng các sao, đôi khi được nói đến như là mỏ của con đại bàng (tức
chòm sao Thiên Ưng).
So sánh kích cỡ sao Ngưu Lang và Mặt Trời
SaoNgưu Lang ở tọa độ 19h 50m 46.9990s, +08° 52′ 05.959″ nhé
Đôi nam nữ này cùng với Sao Deneb tạo nên một tam giác mùa hè đấy. Vậy tam giác mùa hè là gì nhỉ ? Tìm hiểu thêm luôn nào
Tam Giác Mùa Hè là một mảng sao (asterism) gồm các sao tạo ra một tam giác tưởng tượng của bầu trời nửa Bắc bán cầu, với các sao ở đỉnh là sao Ngưu Lang (Altair), sao Deneb, và sao Chức Nữ (Vega). Tam giác này nối ba ngôi sao sáng nhất của ba chòm sao: chòm sao Thiên Ưng (Aquila), chòm sao Thiên Nga (Cygnus) và chòm sao Thiên Cầm (Lyra).
Thuật
ngữ tiếng Anh này được nhà thiên văn Anh Patrick Moore phổ biến trong
những năm của thập niên 1950, mặc dù ông không phát minh ra điều
này. Nhà thiên văn Áo, Oswald Thomas, miêu tả các sao này như một Tam
Giác Lớn (Grosses Dreieck) vào cuối thập niên 1920, về sau ông gọi là Tam Giác Mùa Hè (Sommerliches Dreieck) vào năm 1934. Mảng sao này (asterism)
đã được Joseph Johann Littrow để ý đến, ông miêu tả nó như là "tam giác
dễ thấy" trên các tài liệu trong bản đồ của ông (năm 1866), và Johann
Elert Bode đưa chùm sao này vào sách bản đồ của ông năm 1816, mặc dù
chưa có tên gọi.
Tam
Giác Mùa Hè vào các tháng hè, nằm trên đỉnh đầu của người quan sát đứng
ở Bắc bán cầu tại các vĩ độ bắc 40-50 độ, nhưng cũng có thể nhìn thấy
vào mùa xuân hay mùa thu. Từ nửa Nam bán cầu, nó xuất hiện phía trên,
lộn ngược trên bầu trời, nhưng rất thấp trong các tháng mùa đông.
Và đây là hình ảnh tưởng tượng về các chòm sao tam giác mùa hè nè
(Trích theo http://thienvanhoc.jimdo.com)
(vutrutrongtamtay.com)
Kết luận
Qua
những bài sưu tầm trên, nếu theo huyền thoại của Trung Hoa, Ngưu Lang
và Chức Nữ sau thời gian xa cách, lại được gần nhau mãi mãi. Còn trên
thực tế, Chàng Ngưu và Ả Chức cách nhau đến 16,5 triệu năm ánh sáng. Nếu
cả hai muốn đến với nhau bằng tốc độ của ánh sáng, cũng phải mất hơn 8
năm mới gặp nhau. Còn nếu cả hai di chuyển với vận tốc 100 km/giờ thì
than ơi phải gần 60 triệu năm mới gặp lại nhau. Như thế thì tội nghiệp
cho hai kẻ yêu nhau quá phải không Quý Vị. Thôi thì chúng ta đồng ý cho
Ngưu Lang và Chức Nữ vẫn có phép tiên, để mỗi năm hai người được gặp
nhau một lần như truyện cổ tích Việt Nam, cho những nhà thơ còn thả hồn
vào chuyện tình mưa ngâu tháng 7. Một chuyện tình đẹp, buồn trong hồn
thơ Việt.
Huỳnh Hữu Đức Tổng Hợp và Biên Soạn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét