Thứ Ba, 10 tháng 1, 2023

Chuyện Thơ Cũ và Thơ Mới

Khoảng thế kỷ 19 trở về trước, ở nước ta có hai dòng thơ, thứ nhất là của Ta đó là dạng thơ truyền khẩu Ca Dao, thứ hai là của Tàu gồm dạng thơ Cổ Phong, thơ Đường Luật ...

Vào thập niên 30 của thế kỷ 20, nhà thơ Phan Khôi nổ phát súng mở đầu cho dòng Thơ Mới với bài Tình Già. Thế là một làn sóng mới với nhiều nhà thơ, như Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Huy Thông, Nguyễn Vỹ...
Từ đó trở đi, hai trường phái Cũ và Mới đã đối chọi nhau kịch liệt trên các diễn đàn thi ca, cũng như trên mặt báo chí.

Vũ Đình Liên qua bài Ông Đồ, ngụ ý Thơ Cũ đã hết thời. Tản Đà với bài Tống Biệt cho rằng Thơ Mới cũng chỉ là Thơ Cũ mang tên khác mà thôi.
Sau khi chiếm ưu thế, các nhà thơ thuộc phong trào Thơ Mới đã mạnh dạn tuyên bố Thơ Mới đã làm nên một cuộc cách mạng văn chương và Thơ Cũ đã cáo chung.

Ai đúng ai sai? Hãy cùng tìm hiểu thực tế qua những bài thơ của 2 trường phái.

Để dễ dàng nhận xét, chúng ta thử tìm hiểu về hình thức của Thơ Cũ và Thơ Mới, có tương quan gì với nhau chăng.

1/ Số Câu và Số Chữ Trong Bài Thơ

Ở Thơ Mới, số chữ cũng như số câu không giới hạn. Còn Thơ Cũ, ngoại trừ thơ Đường Luật ra, các thể loại Thơ Cũ khác, có số chữ số câu không bắt buộc theo quy định khắc khe nào, kể cả Thơ Lục Bát.

Thí dụ:

Sơn Bình Kẻ Gốm không xa
Cách một cái quán với ba quãng đồng
Bên dưới có sông
Bên trên có chợ
Ta lấy mình làm vợ nên chăng
Tre già để gốc cho măng.
                            (Ca Dao)

2/ Cách gieo Vần

a- Gieo Vần Cách Câu

- Thơ Mới:

Tuổi già thêm bệnh hoạn
Kháng chiến thấy thừa ta
Khối sầu như tóc bạc
Cứ cắt lại dài ra.
                 (Hớt Tóc -Phan Khôi)

- Thơ Cũ:

Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất kiến lai giả.
Niệm thiên địa chi du du
Ðộc sảng nhiên nhi thế .
            (Đăng U Châu Đài Ca - Trần Tử Ngang)

b- Gieo Vần 3 Câu

- Thơ Mới:
Mơ rồi! Mơ rồi! Ta mơ rồi!
Xạc xào chỉ có lá vàng rơi
Quanh mình bóng tối mênh mang cả
Thấp thoáng đôi hồi lửa đóm soi
                    (Trích Mơ Trăng Chế Lan Viên)

- Thơ Cũ:

Bố mẹ sinh ra vốn áo sồi
Chốn nghiêm thăm thẳm một mình ngồi
Chép miệng năm ba con kiến gió
Nghiến răng chuyển động bốn phương trời.
                         (Con Cóc - Lê Thánh Tôn)

c- Gieo Vần Kề

-Thơ Mới:
...
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc
Con nai vàng ngơ ngác
Đạp trên lá vàng khô. 

               (Tiếng Thu - Lưu Trọng Lư)

- Thơ Cũ:

Nghe vẻ nghe ve
Nghe vè đánh bạc
Đầu hôm xao xác
Bạc tốt như tiên
Đêm khuya không tiền
...
                           (Ca Dao)

Tầm Dương giang đầu dạ tống khách
Phong diệp địch hoa thu sắt sắt
Chủ nhân há mã khách tại thuyền
Cử tửu dục ẩm vô quản huyền
Tuý bất thành hoan thảm tương biệt
Biệt thời mang mang giang tẩm nguyệt.
...
                           (Tỳ Bà Hành - Bạch Cư Dị)

d- Gieo Vần Giữa Câu:

- Thơ Mới:

Ta tìm ai đã bao năm đăng đẳng
Mà bao năm vẫn vắng bóng say sưa
...
               (Tìm Lý Tưởng - Huy Thông)

-Thơ Cũ:
                          Rượu Phù Li chuốc để hai hàng
           Phụ mẫu anh uống trước phụ mẫu nàng uống sau.

                                                                 Ca Dao

Thơ Mới phóng khoáng, được gọi là Mới, nhưng có rất nhiều bài sử dụng thơ 5 hoặc 7 chữ, giống như những bài thơ Tứ Tuyệt Đường Luật ghép lại nhau:

    Thí dụ:
Trăng nhập vào đây cung nguyệt lạnh
Trăng thương trăng nhớ hỡi trăng ngần.
Đàn buồn đàn lặng ôi đàn chậm
Mỗi giọt rơi tàn như lệ ngân.

Mây vắng trời trong đêm thuỷ tinh
Lung linh bóng sáng bỗng rung mình
Vì nghe nương tử trong câu hát
Đã chết đêm rằm theo nước xanh.
                (trích Nguyệt Cầm của Xuân Diệu)

Qua một vài thí dụ trên, chúng ta nhận thấy Thơ Mới chưa hẳn là mới, dường như chỉ là ngoài mới trong cũ.

Theo Học giả Nhà giáo Lê Văn Hòe, thơ của thi sĩ Tây phương thường sử dụng hàng tá câu chữ, chỉ để nói lên một đôi ý mà thôi. Trái ngược hoàn toàn với thi sĩ Tàu và Ta, dùng lời ít vẫn nói lên nhiều ý.

Thí dụ bài thơ L'isolement của thi hào Lamartine, phải sử dụng tất cả 52 câu thơ gồm mấy trăm chữ, chỉ để nói Vũ trụ vắng ngắt vì tâm trạng vắng người yêu. Trong khi Thi hào Nguyễn Du chỉ dùng 6 chữ đủ nói lên cả không gian, thời gian và quang cảnh:
                     Lặng khuya ngất tạnh mù khơi
hay chỉ với 14 chữ đã tả được toàn bộ cảnh quan như một bức tranh sơn thủy:
                        Long lanh đáy nước in trời
            Thành xây khói biếc non phơi bóng vàng


Đôi lúc, khi đọc một bài Thơ Mới, chúng ta phải đọc liền một mạch. Nếu đọc riêng từng câu, câu thơ sẽ không có nghĩa (ngoại trừ những bài thơ làm theo lối Thơ Cũ). Trong khi Thơ Cũ mỗi câu đã tròn nghĩa ý. Đây là sự khiếm khuyết và khác biệt của Thơ Mới với Thơ Cũ.

- Thí dụ Thơ Mới:

...
Ta muốn nâng
Tấm khăn hồng lau mắt lệ cho ai.
Vì ta sợ má đào kia phai,
Cũng như ta đã ca
Khuyên ngày vui trở lại
Cùng với ánh quanh minh còn mãi.
Cho người vui cảnh quên già.
           (trích Tiếng Trúc Tuyệt vời của Thế Lữ)
...
Em đã vô tình đâm phải mũi
Kim vào tay trái rật mình đau
...
       (trích trong tập thơ Tình Em của Nguyễn Nhuệ Thủy)...

- Thí dụ Thơ Cũ
...
Dừng chân đứng lại trời non nước
Một mảnh tình riêng ta với ta.
            (trích Qua Đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan)
...
Khăng khít thớt em nương thớt chị
Vững vàng hòn cháu đỡ hòn ông....
           (trích Chơi Hòn Chồng của Quách Tấn)

Qua vài thí dụ trên, chúng ta nhận thấy Thơ Mới lời nhiều ý ít . Thơ Cũ thì ngược lại. lời ít ý nhiều. Có lẽ chính vì điều này mà giới hâm mộ Thơ Mới cho rằng Thơ Cũ quá khó hiểu. Còn giới Thơ Cũ thì nói Thơ mới thiếu sâu sắc.

Tóm lại, khi các Nhà Thơ Mới tuyên bố Thơ Cũ đã đi vào dĩ vãng, thế hệ xưa không còn, giờ chỉ có Thơ Mới và thế hệ mới mà thôi, với sự khẳng định của Vũ Đình Liên:

Năm nay đào lại nở
Không thấy ông đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?

Chuyện các Nhà Thơ Mới chê bai Thơ Cũ, đồng thời tuyên bố chiến thắng trên các diễn đàn lúc bấy giờ, có quá cường điệu chăng? Trong khi chúng ta vẫn thấy đâu đó bóng dáng của Thơ Cũ ẩn bên trong Thơ Mới.
Thời gian đã giải đáp cho chúng ta. Không thơ nào chiến thắng hay chiến bại cả.
Ngày nay người làm thơ không còn quan trọng hóa chuyện Thơ Mới hay Thơ Cũ. Các Nhà Thơ sáng tác tùy theo hứng thú, tùy theo sở thích mà thôi.

Huỳnh Hữu Đức

Theo:
- Việt Nam Thi Nhân Tiền Chiến của Nguyễn Tấn Long & Nguyễn Hữu Trọng
- Việt Nam Văn Học của Dương Quảng Hàm
- Thi Thoại của Văn Hạc

1 nhận xét: