Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2019

Đất Phương Nam 1 - Những Tỉnh Không Còn Tên Phần 3


Từ Bắc Cái Bè, Bắc Mỹ Thuận, Đến Cầu Mỹ Thuận
Những Chuyến “Đò Ngang”:

Ngược dòng thời gian hơn ba thế kỷ về trước, khi những lưu dân Việt Nam đầu tiên bắt đầu khai phá vùng Nam Kỳ thì đã có nhu cầu nối liền đôi bờ Tiền Giang cũng như đôi bờ Hậu Giang để tiện việc đi lại từ Gia Định Thành xuống các vùng xa xôi của miền Tây. Theo các bô lão kể lại thì ngày đó khoảng cách hai bên bờ sông Tiền Giang cũng như Hậu Giang hãy còn ngắn, ngắn trong vòng “ới” đò của khách qua sông, nên chỉ cần những con đò nhỏ là có thể đưa khách từ bờ nầy qua bờ kia dễ dàng. Nhưng theo dòng thời gian, cùng với sự gia tăng nhiệt độ của địa cầu khiến nhưng tảng băng tuyết trên Hy Mã Lạp Sơn tan rã nhiều hơn, nên lưu lượng của dòng Cửu Long có phần lớn hơn, do đó mà sức chảy của nó cũng có phần mạnh hơn trước nhiều. Thế rồi dòng chảy cứ khiến con sông bên lở bên bồi, bên bồi thì ít mà bên lở thì nhiều, nên thoáng một cái mà khoảng cách đôi bờ đã trở nên mênh mông, bờ nầy không còn “ới” đò bờ bên kia một cách dễ dàng nữa, mà người ta phải xuống những chuyến đò ngang, chờ cho đầy khách mới đi qua bên kia bờ. Trước khi Pháp chiếm Nam Kỳ thì ngay tại những vùng phía Nam Cái Tàu Hạ đến phía Bắc Cái Bè đã có những bến đò, đò dọc cũng có mà đò ngang cũng có. Đò ngang thì đưa khách từ bờ bên nầy qua bờ bên kia sông Tiền, còn đò dọc thì đưa khách đi từ Cái Bè qua Cái Tàu Hạ, Sa Đéc, Tân Vĩnh Hòa, Tân Hưng, vân vân, hoặc từ Cái Bè đi Long Hồ, Mỹ An, Măng Thít... Dưới thời các vua chúa triều Nguyễn, ngoài những chiếc đò ngang dân sự, các quan sở tại địa phương còn phái những chiếc đò lớn hơn chỉ chuyên lo việc đưa quân từ bờ nầy sang bờ kia.

Từ Bắc Cái Bè Đến Bến Bắc Mỹ Thuận:
Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, vì nhu cầu vận chuyển lương thực và quân trang quân dụng từ Gia Định xuống các tỉnh miền Tây nên khoảng đầu thế kỷ XX, người Pháp đã cho tăng cường một số phà nhỏ đến Cái Bè. Ban đầu phà chỉ dành cho hoạt động quân sự mà thôi, mãi đến ngày 7 tháng 11 năm 1920, bến phà dân sự Cái Bè mới bắt đầu hoạt động, những chiếc phà có thể chở được một chiếc xe hơi mới được chính thức đưa đến hoạt động tại bến Bắc Cái Bè. Tuy nhiên, ngày đó đoạn đường từ Sài Gòn đi Cần Thơ, nếu không bị kẹt “Bắc”, phải mất hết 6 tiếng đồng hồ. Nếu bị kẹt “Bắc” thì có thể mất 12 tiếng đồng hồ như không. Riêng thời gian trôi nổi trên mỗi chuyến phà phải mất hơn một tiếng rưỡi đồng hồ. Lúc đó lộ trình từ Sài Gòn đi Tây Đô như sau: Xe lửa chạy Sài gon Mỹ Tho (Ngã Ba Trung Lương), đi xe hơi từ Ngã Ba Trung Lương đến Cái Bè, từ Cái Bè qua phà đi qua Vĩnh Long, rồi từ Vĩnh Long đi xe hơi đến Cái Vồn, sau đó xuống phà Cái Vồn qua Tây Đô. Khúc sông tại bến phà Cái Bè qua Vĩnh Long quá xa, có khi phải mất trên hai tiếng đồng hồ mới qua đến bờ Vĩnh Long, vì phải đi vòng qua cù lao An Thành, nên mười năm sau ngày bến phà Cái Bè hoạt động, người Pháp đã phải tìm một bến “Bắc” mới. Khoảng năm 1921, bến “Bắc” được dời về khu Cổ Cò trong vùng Giáo Đức để xây bến Bắc mới.
Mỹ Thuận là tên của một ngôi làng nhỏ, nằm bên tả ngạn sông Tiền Giang, thuộc tỉnh Định Tường(1), cách thành phố Sái Gòn khoảng 127 cây số. Đến ngày 26 tháng 12 năm 1925, để cải thiện thời gian qua phà Mỹ Thuận, chánh quyền thuộc địa đã ký một nghị định sửa đổi điều 3 của nghị định ngày 20 tháng 6 năm 1921(2). Nếu không được chọn làm bến bắc, chắc chắn Mỹ Thuận cũng chỉ là một trong nhiều địa danh của miền Nam, sẽ ít được ai biết đến. Sở dĩ người Pháp chọn Mỹ Thuận làm bến bắc, vì nơi đây lòng sông hẹp mà sâu, nước lại không chảy xiết, nên rất thuận tiện cho việc xây dựng một bến bắc vào tiền bán thế kỷ thứ XX. Tại khúc sông nầy, sông chỉ rộng khoảng 800 mét mà thôi, là nơi hẹp nhất trong suốt chiều dài của dòng Cửu Long khi chảy vào địa phận Việt Nam. Như vậy, bắt đầu từ tháng giêng năm 1936, bến bắc Cái Bè chính thức được dời về Mỹ Thuận, và từ đó danh xưng ‘Bắc Mỹ Thuận’ trở nên quen thuộc với người dân miền Nam, nhất là dân miền Tây. Theo lời cụ An Thiện, nhân viên sở Trường Tiền Vĩnh Long kể lại thì hồi bến “Bắc” mới hoạt động, vì chưa có điện nên việc đi lại về ban đêm là cả một vấn đề. Về đêm, các trưởng đò phải cho đốt đèn dầu làm bằng những cái tĩn nước mắm. Như vậy mà cụ An Thiện bảo là về đêm bến “Bắc” cũng thiệt là vui. Cụ bảo nhiều khi ban đêm phà không dám chạy, phải đợi đến trời sáng tỏ mới bắt đầu chạy, xe cộ và khách bộ hành phải nghỉ lại ở hai bên bến “Bắc” nên sinh hoạt ban đêm tại bến “Bắc” thời đó rất nhộn nhịp. Đến những năm đầu của thập niên 1940s nhà đèn mới bắt đầu cung cấp điện thường xuyên cho bến “Bắc”. Hồi nầy Bắc Mỹ Thuận đã có những chiếc phà cỡ trung, có thể chở được vài ba chiếc xe hơi loại nhỏ. Mãi đến sau 1965, Bắc Mỹ Thuận mới có hai chiếc phà loại M100, loại trọng tải 100 tấn. Hồi nầy dầu đa phần hàng hóa được vận chuyển bằng đường thủy, từ Cần Thơ qua Trà Ôn, vượt qua kinh Măng Thít, rồi đi ngả sông Bảo Định lên Sài Gòn, nhưng nhu cầu vận chuyển hàng hóa của miền Tây cũng đã khá cao nên chuyện kẹt xe tại bến Bắc vài ba ngày là chuyện thường, có khi xe cộ ứ đọng hai bên bờ bến Bắc đến cả tuần lễ. Tuy nhiên, cũng chính nhờ hoàn cảnh sinh hoạt nầy mà dân cư hai bên bờ Bắc Mỹ Thuận làm ăn khấm khá, chẳng mấy chốc mà ai cũng xây được nhà tường. Đến khoảng cuối thập niên 60, vì tình hình an ninh kém nên sự vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy cũng giảm dần, nên con đường bộ huyết mạch từ Sài Gòn đi Tây Đô trở nên bận rộn, mỗi ngày có khoảng trên 10.000 xe cộ và khoảng trên dưới 200.000 lượt khách bộ hành qua lại Bắc Mỹ Thuận. Trong suốt 80 năm Bến Bắc Mỹ Thuận hoạt động, dân chúng hai bên bến dù không hẳn giàu có nhưng mỗi người, mỗi gia đình đều sống nhờ vào sự tấp nập và phồn thịnh của Bến Bắc. Dầu biết rằng việc xây cầu nối liền hai bên bờ sông là việc thiết yếu tất nhiên nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của xã hội, nhưng người viết bài nầy vẫn cảm thấy một niềm xúc cảm vui buồn lẫn lộn, vui vì kể từ nay sự vận chuyển sẽ hanh thông hơn, nhưng cũng buồn vì những hình ảnh đẹp về Bến Bắc sẽ không còn nữa.

Cầu Mỹ Thuận:

Đối với người Việt Nam, cầu Mỹ Thuận là chiếc cầu của thế kỷ XXI, hoàn tất vào năm 2000, do chánh phủ Úc Đại Lợi xây dựng và tặng cho nhân dân Việt Nam. Bến phà Mỹ Thuận tấp nập năm xưa nay đã trở thành dĩ vãng. Rồi đây trong thập niên đầu thế kỷ thứ XXI, chiếc cầu Cần Thơ sẽ được khánh thành, và như vậy con đường xuyên Việt từ Hà Nội đi Cà Mau sẽ nối liền một mạch. Tuy vậy, trong lòng đa số con dân miền Nam vẫn không quên được hình ảnh của những chuyến phà Mỹ Thuận năm xưa. Để được thuận tiện trong vấn đề di chuyển và kiểm soát toàn vùng nên thực dân Pháp đã cho xây dựng hai bến phà lớn vào bậc nhất của miền Nam là phà Mỹ Thuận và Cần Thơ. Bên cạnh đó còn có rất nhiều những bến phà nhỏ hơn như phà Rạch Miễu từ Mỹ Tho qua Bến Tre, phà Vàm Cống từ Sa Đéc qua Long Xuyên, phà Cao Lãnh từ Sa Đéc qua Cao Lãnh. Dù mục đích của người Pháp có như thế nào đi nữa, thì những chuyến phà miền Nam cũng đã trở thành một trong những nét văn hóa hết sức đặc thù của nhân dân miền Nam trong suốt hơn một thế kỷ qua. Chỉ có những ai đã từng có kỷ niệm với những chuyến phà miền Tây mới thấy được sự tiện nghi vượt bực của chiếc cầu. Tôi còn nhớ hồi nhỏ những lần theo ngoại lên Sài Gòn, khi đến bến phà về phía bên Giáo Đức, dù chỉ còn cách nhà khoảng 9 hay 10 cây số, nhưng có khi xe bị kẹt phà đến hàng năm sáu tiếng đồng hồ, với những đoàn xe dài thậm thượt, nên khi qua được bên kia phà ai cũng có cảm giác như vừa được hồi sinh trên vùng đất mới.
Sông Cửu Long chẳng những là huyết mạch của các nước trong vùng như Trung Hoa, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cao Miên và Việt Nam, mà còn là máu huyết của toàn vùng Đông Á, không có nó thì cả vùng này chỉ là một vùng sa mạc hoang vu không hơn không kém. Có nó mà một trong những quốc gia có liên hệ trực tiếp với nó không biết bảo quản và chăm sóc nó, thì sẽ có một ngày nào đó nó cạn dòng hoặc đổi hướng đi về một nẻo khác, chừng đó toàn vùng lại cũng sẽ biến thành một sa mạc hoang vu. Sau nhiều nghiên cứu và thử nghiệm về địa điểm cũng như khu vực dòng sông bị xoáy mòn lòng sông và sự sạt lở bờ sông, ngay từ giữa thập niên 1950, chánh quyền Đệ Nhất Cộng Hòa đã nghĩ tới việc xây cầu Mỹ Thuận và Cần Thơ, nhằm mục đích rút ngắn thời gian đi từ Sài Gòn về miền Tây. Đầu năm 1957, Ủy Ban Quốc Tế về sông Mékong được thành lập, gồm 4 thành viên là Thái Lan, Lào, Cam Bốt và Nam Việt Nam. Ủy ban đã đề ra những nguyên tắc chung là không một quốc gia nào có thể xây dựng những công trình trên dòng sông có thể làm trở ngại cho tàu bè của một trong bốn quốc gia di chuyển từ trong nội địa ra biển. Do đó, dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận của Việt Nam Cộng Hòa phải được Ủy Ban chấp thuận. Cũng vào năm 1957, chánh phủ Nam Việt Nam đưa ra dự án đầu tiên cho chiếc cầu Mỹ Thuận với dự tính khoảng cách lúc thủy triều lên cao nhất cách sàn cầu khoảng 25 thước. Tuy nhiên, khi chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa vừa bắt đầu lập dự án xây dựng cầu Mỹ Thuận đã bị vua Miên phản đối quyết liệt. Vua Miên yêu cầu Liên Hiệp Quốc can thiệp và lúc đầu Sihanouk buộc Việt Nam phải xây cầu cao trên 50 mét, nhưng sau đó ông ta đồng ý để cho Việt Nam chỉ xây cao khỏi mặt nước lúc lên cao nhất là 41 thước. Rồi sau đó, qua nhiều lần thương thảo, Ủy Ban sông Mékong đồng ý cho khoảng cách nầy xuống còn 37,5 mét. Mặc dầu Ủy Ban Sông Mékong đã đồng ý dự án xây cầu Mỹ Thuận của Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1957, nhưng vua Cao Miên là Sihanouk vẫn không đồng ý vì lý do chánh trị nào đó. Trong khi đó, về phía Việt Nam, một phần vì chánh phủ Cộng Hòa mới được thành lập, cần ngân quỹ cho nhiều kế hoạch khác cấp thiết hơn, phần vì phải lo xây dựng lại đất nước sau gần một thế kỷ bị Tây đô hộ nên nếu phải xây cầu cao như vậy thì không thể trang trải nổi kinh phí nên Chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa đã phải trì hoãn dự án. Sau đó vào thập niên 1960, Việt Nam Cộng Hòa đã đơn phương tiến hành dự án xây cầu Mỹ Thuận. Nhiều công ty nổi tiếng trên thế giới đã đệ nạp đồ án cầu Mỹ Thuận, và cuối cùng công ty Nippon của Nhật Bản đã được chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa chọn lựa. Công ty nầy đã hoàn thành đồ án cầu Mỹ Thuận vào năm 1965. Đến khi bắt đầu chương trình xây cầu thì chiến tranh tàn phá bắt đầu leo thang, những cây cầu khác trong vùng đồng bằng sông Cửu Long bị giật sập chỉ trong nháy mắt, nên kế hoạch bị đình hoãn đến đầu năm 1970, nghĩa là sau Tết Mậu Thân 1968, chương trình xây cầu Mỹ Thuận mới khởi công. Công trình xây cầu Mỹ Thuận được thành lập, dưới sự điều hành của Bộ Công Chánh và Giao Thông. Dầu chiến tranh từ năm 1970 đến năm 1975 ngày càng trở nên khốc liệt, nhưng Công trình xây cầu Mỹ Thuận vẫn được tiến hành. Bộ Công Chánh Việt Nam Cộng Hòa đã cho giải tỏa những khu lộ giới và đắp xong nền đường cho việc xây cầu và đường dẫn vào cầu, vân vân. Tuy nhiên, công trình xây dựng cầu Mỹ Thuận đã bị đình hoãn ngay sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. Đến năm 1991, đơn xin tái gia nhập Ủy Ban Quốc Tế về Mékong của Cao Miên được chấp thuận với điều kiện tiên quyết của Thái Lan là phải hủy bỏ các nguyên tắc của Ủy Ban Quốc Tế về Mékong vào năm 1957. Năm 1992, Ủy Hội Sông Mékong (Mekong River Commision) được thành lập, thay thế cho Ủy Ban Quốc Tế về Mékong 1957, theo đó các thành viên được hoàn toàn tự do thực hiện các dự án của mình. Và đến năm 1993, chánh phủ đương thời của Việt Nam yêu cầu Úc Đại Lợi trợ giúp trong việc xây cầu Mỹ Thuận Đến gần cuối thập niên 1990s, chánh phủ Úc Đại Lợi tài trợ về tiền bạc, kỹ thuật và cả nhân lực giúp cho nhân dân Việt Nam xây dựng cầu Mỹ Thuận. Hai công ty Snowy Mountains Engineering Corporation và Maunsell Engineering thiết lập đồ án kỹ thuật và công ty Baulderstone Hornibrook Engineering đảm trách thi công. Vị trí cầu Mỹ Thuận được chọn cách bến bắc Mỹ Thuận khoảng 1 cây số về phía thượng nguồn. Sau khi chọn xong địa điểm, người ta phải xây dựng những kè đá bằng bê tông cốt sắt ở phía thượng lưu sông Cửu Long để tránh sự thay đổi của lòng sông trong tương lai. Lần nầy không thấy chánh phủ Kampuchia phản đối Việt Nam trong việc xây cầu, mặc dầu các tiêu chuẩn trong dự án của Việt Nam vào năm 1995 cũng không khác với dự án của Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1957. Như vậy là cầu được chính thức khởi công xây dựng vào tháng 6 năm 1997, và dự tính hoàn thành vào tháng 7 năm 2000. Và sớm hơn dự tính, cầu Mỹ Thuận được khánh thành vào ngày 1 tháng 5 năm 2000. Chân cầu nằm về phía đông nam bến bắc cũ chừng một cây số. Cầu có chiều dài 1.535 thước, bề ngang cầu 23 thước, có 4 lằn xe cho xe chạy hai chiều, và 2 lề đường cho người đi bộ. Lúc thủy triều lên cao nhất vẫn cách sàn cầu khoảng 37,5 thước, nghĩa là không gây trở ngại gì cho việc giao thông đường thủy dưới cầu. Cầu được xây dựng theo lối cầu treo với 128 dây treo, nhưng chỉ có hai trụ bê tông cốt sắt hình chữ H cao 121 thước. Chi phí cho việc xây dựng toàn bộ chiếc cầu Mỹ Thuận lên đến 72 triệu Mỹ kim(3). Như vậy sau nhiều năm bàn cãi cầu Mỹ Thuận đã chính thức nối liền hai bờ sông Tiền Giang vào ngày 1 tháng 5 năm 2000. Tuy nhiên, bên cạnh chiếc cầu tối tân này, miền Tây vẫn còn mang một sắc thái thật đặc sắc của những chiếc cầu tre lắt lẻo qua các sông rạch toàn miền. Không nói đâu xa, hãy qua vùng cù lao An Thành và vùng Hòa Ninh, hoặc vùng Tân Quới, Tân Lược, Tân Phú, vân vân, bóng dáng những chiếc cầu tre vẫn còn ung dung đâu đó, đưa dân quê xuôi ngược đó đây.
Cầu Mỹ Thuận không phải là chiếc cầu duy nhất bắc qua sông Cửu Long. Kỳ thật, từ trên thượng nguồn tới Mỹ Thuận đã có nhiều chiếc cầu khác như cầu Cảnh Hồng bên Vân Nam, cầu Mittaphap bắt qua Vạn Tượng, cầu Lao-Nippon bắc qua Champasak, rồi đến cầu Kompong Cham trong tỉnh Kompong Cham của Cam Bốt. Tuy nhiên, phải nói cầu Mỹ Thuận là chiếc cầu đẹp nhất và tráng lệ nhất trên dòng Cửu Long. Từ trên phi cơ nhìn xuống, nó giống như một chiếc vòng nạm ngọc tuyệt đẹp. Nếu từ xa nhìn lại, hình dáng chiếc cầu Mỹ Thuận trông rất tao nhã với những sợi dây cáp hình rẻ quạt và hai trụ tháp giữa sông. Nếu đứng trên cầu nhìn xuống các vùng chung quanh, hai bờ sông Tiền hình như nhỏ lại, và bên dưới chúng ta là một cảnh quang bao quát tuyệt mỹ của các vùng Hòa Hưng bên phía Tiền Giang, và Tân Hòa bên phía Vĩnh Long.

Chú Thích:
(1) Tỉnh Định Tường dưới thời VNCH, nay thuộc tỉnh Tiền Giang.
(2) Bulletin Administratif de la Cochinchine, 1926, No 6, p. 381-383. 
(3) Úc Đại Lợi đài thọ hai phần ba, chi phí còn lại do chính phủ Việt Nam đài thọ.
Công Ơn Của Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt Trên Vùng Đất Phương Nam 

 
Tiểu Sử Và Công Nghiệp Của Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt:
Lê văn Duyệt sanh năm 1764 và mất năm 1832. Ông đã theo Nguyễn Ánh từ năm 17 tuổi và lập được rất nhiều chiến công. Ông là một danh tướng trung thành và hiển hách nhất vào thời nhà Nguyễn. Lê văn Duyệt vốn gốc ở làng Bồ Đề, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi; từ đời nội tổ dời về Nam lập nghiệp ở làng Hòa Khánh thuộc tỉnh Định Tường, gần vàm Tà Lọt, làng Hòa Khánh, châu Định Viễn, thuộc dinh Long Hồ. Qua đến đời cha ông thì lại dời đến ở vùng Rạch Gầm, nay thuộc làng Long Hưng, gần chợ ông Hổ(1) cũng trong tỉnh Mỹ Tho. Tại đây Lê văn Duyệt chào đời vào năm 1764. Ông là người có sức khỏe, rất thông minh, và rất ham võ nghệ. Khi Nguyễn Ánh chạy trốn quân Tây Sơn đến Rạch Gầm, đã gặp và chiêu nạp Lê văn Duyệt làm bộ hạ. Ông là người có công lớn trong việc giúp Nguyễn Ánh giành giựt lại giang sơn từ tay ấu chúa Tây Sơn. Vào năm 1780, Nguyễn Ánh xưng vương tại thành Gia Định, bổ ông vào chức Thái Giám Nội Đình(2). Sau đó ít lâu, ông bị quân Tây Sơn bắt, nhưng trốn thoát, trở về được thăng chức Cai Cơ. Ông đã hai lần phò tá Nguyễn Ánh chạy trốn sang Xiêm. Đến năm 1789, nhân lúc toàn quân Tây Sơn phải kéo về Bắc để dẹp giặc Thanh, ông giúp Nguyễn Ánh đánh thành Gia Định, ông được phong chức Thuộc Nội Vệ Úy Quần Thần Sách. Như vậy, kể từ năm 1789, Lê văn Duyệt đã bắt đầu đứng trong hàng tướng lãnh cao cấp của quân đội Nguyễn Ánh. Năm 1793, Lê văn Duyệt cùng với các tướng Nguyễn văn Trương, Nguyễn huỳnh Đức, Nguyễn văn Thành, Võ di Nguy và Võ Tánh theo Nguyễn Ánh ra đánh thành Qui Nhơn. Sau đó, năm 1795 ông lại có công trong việc tiếp viện hạ thành Qui Nhơn nên được phong chức Vệ Úy Diệu Võ, lại đổi làm Chánh Thống Tả Đồn Thuộc Quân Thần Sách, lãnh Trấn thủ thành Diên Khánh. Đầu năm Kỷ Mùi, án ngữ tại đèo Bình Đê, ngăn lối viện binh của Tây Sơn, khiến Tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu và Võ văn Dũng phải bỏ thành rút lui. Sau khi Nguyễn Ánh lấy Qui Nhơn rồi giao cho Võ Tánh và Ngô Tòng Châu trấn giữ. Năm 1799, quân Tây Sơn kéo vào vây Bình Định, nhờ tài dụnh binh và phép hỏa công của Lê văn Duyệt mà Nguyễn Ánh thắng trận này. Đến năm 1800, ông đã giúp Nguyễn Ánh đốt phá đội Thủy Quân của Tây Sơn tại Qui Nhơn. Sau khi Nguyễn Ánh chiếm Phú Xuân, ông lại cùng Nguyễn văn Trương và Lê Chất tiến quân đánh ra Bắc Hà. Sau khi lên ngôi, Nguyễn Ánh phong cho ông là Khâm Sai Chưởng Tả Quân Dinh Bình tây Tướng Quân, cử ông và Lê Chất mang quân ra đánh Bắc Hà. Sau đó vua Gia Long cử ông giữ chức Kinh Lược xứ Thanh Nghệ. Từ năm 1803 đến năm 1808, ông lãnh sứ mạng dẹp giặc “Mọi Đá Vách” ở Quảng Ngải. Năm Quí Dậu 1813, tại Cao Miên có nội loạn, các em của vua Nặc ông Chân sang Xiêm cầu cứu để cướp ngôi, ông phụng mệnh làm Tổng Trấn Gia Định Thành và cất quân dẹp được loạn lạc cho xứ Cao Miên và đưa Nặc ông Chân về ngôi vị cũ. Sau đó, ông được bổ nhậm vào chức Tổng trấn thành Gia Định, chịu trách nhiệm luôn cả trấn Bình Thuận từ năm 1813. Đến năm Bính Tý 1816 ông được vua Gia Long triệu về Kinh để nghị bàn về việc lập ngôi Thái Tử. Đến năm Canh Thìn (1820) vào năm Minh Mạng nguyên niên, ông lại được cử vào làm Tổng Trấn Gia Định để dẹp giặc Miên nổi lên cướp phá các tỉnh miền Nam. Dẹp xong giặc, ông vẫn tiếp tục ở lại làm Tổng Trấn cho đến khi ông mất vào ngày 30 tháng 7 năm Nhâm Thìn (1832), thọ 70 tuổi. Khi làm Tổng trấn Gia Định Thành, uy danh ông lừng lẫy không chỉ trong nước mà còn lan ra các xứ lân cận. Các nước Cao Miên, Xiêm La và Diến Điện đều nễ vì và thường gọi ông là “Cọp Gấm Đồng Nai”.
Người đương thời liệt ông vào năm vị hổ tướng của miền Nam(3).

Lê Văn Duyệt, Một Danh Tướng Và Một Nhà Chánh Trị Tài Ba:
Phải thành thật mà nói, lịch sử Việt Nam nói chung và lịch sử miền Nam thời khẩn hoang nói riêng, Lê văn Duyệt không những là một danh tướng, mà còn là một nhà chánh trị tài ba. Trong suốt thời gian giữ chức Tổng Trấn Gia Định Thành, Tả Quân Lê văn Duyệt đã đem lại sự thanh bình, ấm no và thịnh vượng cho dân chúng trong toàn vùng. Ông đã hết lòng lo việc cho dân cho nước, ban bố một đường lối ngoại giao hết sức sáng suốt, một đường lối cai trị hết sức nhân đạo và công bằng. Do đó dân gian trong vùng gọi ông là Đức Thượng Công. Tuy nhiên, đường lối ngoại giao cởi mở và cai trị nhân hậu của ông hoàn toàn đi ngược lại với chánh sách bế quan tỏa cảng và cai trị hà khắc của vua quan nhà Nguyễn thời bấy giờ, nên Minh Mạng không ưa gì Lê văn Duyệt, ngặt vì uy danh và công trạng của ông quá lớn nên Minh Mạng không dám đụng đến ông lúc còn sống. Ngoài ra, Lê văn Duyệt còn là một nhà ngoại giao khôn khéo, có óc thức thời, luôn chuộng tiến bộ, chứ không khư khư thủ cựu như đám sĩ phu đương thời. Ngài hết lòng giúp Nguyễn Ánh đánh Nam dẹp Bắc để lấy lại giang sơn, lập nên Nhà Nguyễn. Ngài là một trong những đệ nhất công thần của Nguyễn triều, được hưởng đặc quyền vào chầu vua không phải lạy, và được quyền tiền trảm hậu tấu ở biên cương. Thế nhưng không vì thế mà Ngài lạm quyền tiếm vị, không vì thế mà Ngài hống hách hay hà hiếp dân chúng. Dù không ưa gì Minh Mạng và cũng không bao giờ chủ trương tôn Minh Mạng lên nối ngôi, vì lúc nào Ngài cũng chủ trương tôn con Hoàng Tử Cảnh, tức cháu đích tôn của Gia Long lên ngôi tức vị. Tuy nhiên, ngài luôn giữ dạ trung thành đối với Nhà Nguyễn, khi Minh Mạng đã lên ngôi, ngài không vì thế mà hiềm khích. Ngược lại, ngài luôn hết lòng phò trợ vua Minh Mạng cho đến hết đời mặc dầu trong lòng ngài không một chút kính phục vị vua nầy. Trong khi đó, Minh Mạng thì luôn nhớ tới chuyện xưa, chuyện Ngài không tôn phù ông, nên luôn tìm cách hãm hại ngài, nhưng không thể hại ngài được lúc sanh tiền vì uy danh của ngài trải khắp miền Nam và cả nước. Tuy vậy, lúc mới lên ngôi Minh Mạng rất cần sự trợ giúp của ngài nên đã không ngần ngại ân thưởng ngọc đái cho ngài, một thứ mà từ xưa đến giờ trong hoàng thân quốc thích cũng chưa được ân thưởng.
Đức Thượng Công là một người luôn giàu lòng từ thiện nhân ái đối với những kẻ yếu đuối cô thế, lúc nào Ngài cũng sẵn sàng đem hết tài sức mình ra giúp đỡ bảo vệ họ, chống lại sự chèn ép, hà hiếp, áp bức của những kẻ mạnh, ỷ quyền, cậy thế. Ngài vốn hết sức thanh liêm, đi tới đâu là thẳng tay trừng trị bọn quan lại tham tàn bốc lột, bức hiếp dân lành tới đó. Ngài không lòn cúi nịnh bợ ai bao giờ, Ngài rất ghét đám quan lại đội trên đạp dưới. Ngài rất sáng suốt trong chánh sách trị loạn. Ngài biết rõ sở dĩ dân lành phải nổi loạn vì họ không còn sống nổi dưới ách cai trị áp bức tàn nhẫn của bọn quan lại tham lam ích kỷ cho nên muốn bình định cho hữu hiệu thì phải quét sách hết đám quan lại tham nhũng kia đi. Ngài đến đâu là đem lại sự an bình thịnh vượng cho người dân đến đó. Nơi nào được đặt dưới sự cai trị của ngài, dứt khoát nơi đó không chấp nhận tham quan ô lại. Ngài sẳn sàng chặt đầu những tên tham quan ô lại hống hách với dân chúng, ngay cả khi người đó là cha vợ của nhà vua. Chính vì thế mà quan quân từ trên xuống dưới rất có kỷ luật và rất nể phục uy danh của ngài. Lúc làm Tổng trấn Gia Định Thành, chẳng những ngài là một vị quan hết mực thanh liêm, mà ngài còn bỏ tiền bổng lộc của chính mình ra để giúp đở dân nghèo. Lúc đó, ngài đã cho thành lập trong thành Gia Định hai cơ quan từ thiện, thứ nhất là “Anh Hài” để rèn luyện võ nghệ cho những trẻ thích kiếm cung, thứ nhì là “Giáo Dưỡng” để giúp cô nhi quả phụ học nghề nghiệp hay văn chương. Chính nhờ vậy mà đa số dân chúng trong phạm vi lãnh thổ của thành Gia Định đều được an cư lạc nghiệp.
Tưởng cũng nên nhắc lại về đức độ của ngài đối với những người nổi loạn. Mỗi khi được triều đình cử đi dẹp loạn, khi đến nơi việc đầu tiên ngài làm là điều tra về hành vi của các quan lại địa phương. Sau khi tìm hiểu rõ vấn đề, nếu cần ngài chỉ cần ra tay diệt trừ bọn cường hào ác bá tại địa phương là không còn ai muốn nổi loạn nữa. Bằng chứng cụ thể là từ năm 1803 đến năm 1808, ngài lãnh sứ mạng dẹp giặc “Mọi Đá Vách” ở Quảng Ngãi, ngài đã không cần đánh dẹp đâu xa mà chỉ đánh dẹp bọn cường hào ác bá tại địa phương, ngài đã cho xử trảm Chưởng cơ Lê Quốc Huy, vì tội tham nhũng và bức hiếp dân chúng. Kết quả là những người làm loạn trở về với triều đình, thế là hết loạn và dân chúng trong vùng trở lại cảnh an cư lạc nghiệp. Đến năm Quí Dậu 1813, tại Cao Miên có nội loạn, các em của vua Nặc ông Chân sang Xiêm cầu cứu để cướp ngôi. Khi ngài phụng mệnh làm Tổng Trấn Gia Định Thành, nhờ tài năng và đức độ, sau khi cất quân đến đất Cao Miên, ngài đã giải quyết việc loạn lạc cho xứ Cao Miên và đưa Nặc ông Chân về ngôi vị cũ. Đến năm 1819, ngài được vua Gia Long cử đi kinh lược hai trấn Thanh Hóa và Nghệ An. Tại đây ngài đã thẳng tay trừng trị bọn tham quan ô lại, rồi chiêu dụ những kẻ làm loạn về với triều đình. Sau đó ngài cho những người làm loạn thành lập 3 đội lính ‘Hồi Lương’ với các tên An Thuận, Bắc Thuận và Thanh Thuận. Chính nhờ ở tài năng và đức độ của ngài mà ngài đã trị an được nhiều nơi loạn lạc một cách hữu hiệu mà không gây tổn thất cho quân triều đình cũng như phía làm loạn.
Công lao lớn nhất của Ngài mà người dân miền Nam phải đời đời mang ơn tôn kính là công khai phá, mở mang, phát triển vùng đất Gia Định xưa chạy dài từ Bình Thuận đến Cà Mau nơi Ngài đã từng hai lần làm Tổng Trấn. Ngài biết rõ hơn ai hết cuộc chiến giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn đã gây bao nhiêu điêu tàn đổ vở cho Miền Nam trên đường phát triển, gây trở ngại lớn lao cho dân chúng Miền Nam trên đường gầy dựng sự nghiệp. Đâu đâu dân chúng cũng mong đợi cảnh hòa bình, cuộc trị an, cơ hội thuận lợi để làm ăn xây dựng lại cuộc đời, xây dựng lại nền an ninh thịnh vượng cho xứ sở. Những mong ước chính đáng đó của người dân Đồng Nai Cửu Long đã được đáp ứng sau khi Gia Long thống nhất đất nước và nhất là khi Đức Thượng Công Lê Văn Duyệt hai lần vào làm Tổng Trấn Gia Định, một chức vụ rất quan trọng thời đó, được xem như là Phó Vương, chỉ dưới quyền của vua mà thôi. Sau khi nhậm chức Tổng trấn lần thứ hai(4), ngài đã lo xây đắp thành trì nhằm phòng bị nếu có chiến tranh với Chân Lạp hay Xiêm La. Đến năm 1830 thì thành Gia Định đã xây xong, tường thành rất cao được xây bằng đá ong, bên ngoài có hào sâu. Để làm an lòng dân chúng cũng như thị uy các nước lân cận, hàng năm ngài đều cho diễn binh biểu dương sức mạnh quân sự của nước Nam.
Đức Tả Quân Thượng Công Lê văn Duyệt là một người có tài chẳng những về quân sự, mà còn về chánh trị và kinh tế nữa. Có thể nói trong lịch sử của Miền Nam từ trước tới giờ chưa ai có được tấm lòng nhân, có tinh thần nhân bản, có sự sáng suốt trong việc cai trị bằng Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt. Ở địa vị Tổng Trấn Gia Định, xem như một Phó Vương cai quản cả Miền Nam nước Việt, với tất cả quyền hành trong tay, Ngài đã đem lại cho người dân Miền Nam một nền hòa bình thịnh vượng chưa từng có trong lịch sử nước nhà. Chính vì thế mà lúc đương thời Ngài được dân chúng kính phục, đến lúc qua đời thì được dân chúng thương mến kính trọng như một vị Thần. Người Xiêm và ngay cả người Hoa và người Tây phương cũng rất trọng nể uy danh của Ngài. Về đối ngoại, ngài đã giúp đỡ, bảo vệ cho Cao Miên làm cho nước này phải chịu thần phục triều đình Nhà Nguyễn. Ngài làm cho Xiêm La nể sợ không còn dám dòm ngó phá phách Việt Nam. Ngài chấp nhận giao thương với các nước Tây phương cũng như Trung Hoa, Miến Điện chớ không nhắm mắt theo lệnh triều đình đóng cửa rút cầu không cho người ngoại quốc vào nước mình buôn bán. Ngài không thi hành lệnh cấm đạo của Minh Mạng, làm ngơ để cho các giáo sĩ được tự do truyền giáo ở trong Nam. Ngài chủ trương tôn giáo nào cũng tốt, cũng có nền đạo đức luân lý giúp con người sống lành mạnh tốt đẹp. Ngài bảo “Đạo Thiên Chúa nước nào không có. Người ta đâu có ngăn cấm, sao nước mình lại đặt ra cái chỉ dụ kỳ cục vậy, gây cảnh nồi da xáo thịt để mang tội với đời sau.” Thay vì bế môn tỏa cảng theo lệnh của triều đình thì Ngài lại sẵn sàng đón nhận các phái bộ ngoại quốc đến xin tiếp xúc giao thương. Thay vì xem nhẹ việc buôn bán(5), Ngài lại khuyến khích thương mại để đem nhiều quyền lợi về cho quốc gia dân tộc. Về đối nội, ngài làm cho dân chúng được yên ổn làm ăn, lại tạo ra cơ hội để người dân góp phần phát triển kinh tế trong vùng. Ngài cho đào kinh, làm đường sá để cho sự giao thông trong nước cũng như giữa Việt Nam và Cao Miên được dễ dàng. Ngài khuyến khích người dân khẩn hoang lập ấp, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp. Ngài tạo điều kiện tốt cho các giống dân khác(6) sống ở đây hội nhập vào xã hội Việt Nam mới này để cùng chung sức làm cho đất nước được phồn thịnh. Về xã hội, nghĩ đến những người đã hy sinh vì nước để vợ con bơ vơ thiếu thốn, Ngài cho thiết lập hai cơ quan từ thiện là “Anh Hài” và “Giáo Dưỡng” để lo cho vợ con các chiến sĩ vị quốc vong thân. Tuy xuất thân là một võ quan, Ngài vẫn chú trọng đến việc phát triển văn hóa. Ngài dùng tiền do triều đình ban thưởng cho cá nhân Ngài để xây Văn Thánh Miếu khích lệ việc học của các sĩ tử. Chính vì chánh sách nhân bản và khai phóng của Ngài đối với nhân dân miền Nam mà sau này Minh Mạng đã vin vào đó để làm tình làm tội Ngài, dù lúc đó Ngài đã ra người thiên cổ chỉ nhằm thỏa mãn những tức giận đã chất chứa trong lòng từ bấy lâu nay.
Tấm lòng của Ngài đối với vùng đất Gia Định và người dân Đồng Nai Cửu Long thật như trời biển. Ngài đúng là bậc “Phụ Mẫu Chi Dân”, tức là cha mẹ dân, luôn luôn thương dân như con đẻ. Có thể nói đối với Ngài “dân vi quí, xã tắc thứ chi”.
Ngài thương dân Gia Định cũng như đất Gia Định vô cùng. Ngài đã đem tất cả tài sức giúp dân, giúp quê hương xứ sở. Tấm lòng của Ngài đối với dân Đồng Nai Cửu Long và mảnh đất thân yêu này thật là vô bờ bến. Chính vì vậy mà người dân Gia Định mang ơn Ngài, tôn sùng Ngài hơn cả vua chúa, hơn cả những vị anh hùng dân tộc thường được lịch sử ca tụng từ trước đến giờ.
Trong lần hội kiến với Ngài tại Gia Định thành, Phan Thanh Giản đã hết sức kính phục thố lộ: “Gia Định này thật có phúc mới gặp được một Tổng Trấn như đại quan.
Tôi ở Kinh Thành, ở Bắc Thành vào Gia Định thấy như đi qua một nước khác. Ở dọc sông thì trên bến dưới thuyền, ghe thuyền san sát, lúa gạo nghìn nghịt. Vải vóc, đồ thau, đồ đồng, đồ sứ, đồ gốm, thảo mộc quý, quế, trầm, hồi thật là không thiếu thứ gì. Trên đất liền, nhà cửa phố xá san sát, khang trang. Đường đi lại lát gạch, lát đá sạch sẽ mát mắt. Cảnh dân theo đạo Thiên Chúa trốn chui trốn nhủi như ở ngoài Bắc Thành, Kinh Thành, ngoài Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, vào đây không thấy. Cha truyền giáo vẫn đi lại bình thường trên đường phố. Tôi thật mừng. Mình làm quan thấy dân vui là mình vui. Làm quan chỉ biết vui phần mình thật đáng trách.”
Năm 1822 một phái đoàn Anh do ông Crawfurd dẫn đầu có đến yết kiến Ngài Tổng Trấn. Trong dịp này Crawfurd đã thú nhận trong nhật ký của mình như sau:
“Đây là lần đầu tiên tôi tới Saigun (Sài Gòn) và Pingeh (Bến Nghé). Và tôi bất ngờ thấy rằng nó không thua gì kinh đô nước Xiêm. Về nhiều mặt trông nó còn sầm uất hơn, không khí mát mẻ hơn, hàng hóa phong phú hơn, giá cả hợp lý hơn và an ninh ở đây rất tốt, hơn nhiều kinh thành mà chúng tôi đã đi qua. Tôi có cảm giác như đây là một vương quốc lý tưởng...Dinh Tổng Trấn khá đồ sộ và uy nghiêm. Các thành trì nằm ở bờ sông An Thông hà. Nơi đây buôn bán sầm uất. Dân xiêu tán tới đây được Tổng Trấn cho nhập hộ tịch, qua một hai đời đã trở thành người Gia Định. Đông nhất nơi đây là dân Trung Hoa. Các dân tộc nơi đây được nhà nước bảo hộ và họ đều có nghĩa vụ như nhau. Tất cả đều được sống trong bầu không khí an lành. Trộm cướp không có. Người ăn mày rất hiếm. Tổng trấn rất nhân từ, tha cả bọn giặc, bọn phỉ, bọn trộm cướp ăn năn. Nhưng ông lại rất tàn bạo với bọn cố tình không chịu quy phục triều đình. Chưa ở đâu kỷ cương phép nước được tôn trọng như ở đây... Ở đây chúng tôi mua được rất nhiều lúa gạo, ngà voi, sừng tê giác, các hàng tơ lụa thật đẹp. Từ các nơi, dân đi thuyền theo các kênh rạch lên bán cho chúng tôi. Nhìn dân chúng hân hoan vui vẻ, chúng tôi biết dân no đủ. Nhiều người rất kính trọng vị Tổng Trấn của họ. Con người này ít học, nhưng lạ lùng thay là có được cái nhìn cởi mở hơn nhiều những đại thần và cả nhà vua học rộng, làu thông kinh sử của Khổng giáo. Ngài sống thanh liêm, muốn mở mang đất Gia Định này trù phú hơn mọi quốc gia khác ở trong vùng biển Đông.”

Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt Và Công Trình Đào Kinh Vĩnh Tế:
Phải thành thật mà nói, không phải ngẫu nhiên mà chúng ta có được một vùng đất phương Nam trù phú và thịnh vượng như ngày nay. Ngược lại, cha anh chúng ta đã đổ ra không biết bao nhiêu là mồ hôi, nước mắt, máu, và ngay cả sinh mạng để biến một vùng rừng rậm hoang vu thành một mảnh đất phì nhiêu mầu mỡ với một hệ thống sông rạch chằng chịt như mạng nhện và một hệ thống kinh mương cũng dầy đặc không kém. Dầu miền Nam có những con sông lớn như sông Tiền, sông Hậu, Vàm Cỏ Tây, Vàm Cỏ Đông, Đồng Nai, Nhà Bè, La Ngà, vân vân, nhưng vẫn không đủ sức xả phèn từ các vùng xa xôi như Đồng Tháp, khu tứ giác Long Xuyên, và vùng Miệt Thứ, vân vân. Chính vì vậy mà ngay từ những ngày đầu mở cõi, cha anh chúng ta đã thấy được tầm quan trọng của việc đào những con kinh vừa quan trọng trong việc dẫn thủy nhập điền mà cũng vừa cấp thiết cho việc giao thông đường thủy nữa, như những dòng kinh Chợ Gạo, An Long, Đồng Tiến, Tháp Mười, Phước Xuyên, Thần Nông, Mang Thít, Lấp Vò, Xà No, Quản Lộ Cà Mau, Cán Gáo, Ngan Dừa, Thoại Hà, và Vĩnh Tế, vân vân. Trong số đó phải nói đến kinh Vĩnh Tế, một trong những dòng kinh mang tầm chiến lược quan trọng vào bậc nhất trong vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chắc hẳn là các vua tiền triều nhà Nguyễn phải thấy được tầm chiến lược quan trọng của kinh Vĩnh Tế nên mới cho khắc trên bộ Cao Đỉnh để thờ vua Gia Long.
Nếu nói Nguyễn văn Thoại có công rất lớn trong việc khẩn hoang, lập ấp, đào kinh, đắp đường, mở mang và bảo vệ vùng đất phương Nam, thì không thể không nói đến công ơn của đức Tả Quân Lê văn Duyệt trong công cuộc dự thảo và chỉ huy cho đến ngày hoàn thành tất cả những dòng kinh quan trọng ở miền Nam, đặc biệt là dòng kinh Vĩnh tế. Kinh Vĩnh Tế là một trong những dòng kinh chiến lược tối quan trọng của miền Nam trong mọi thời kỳ. Chính Lê văn Duyệt là người chủ xướng và đề nghị với vua Gia Long trong việc đào những dòng kinh chiến lược cho miền Nam, như các kinh Thoại Hà, Đông Xuyên, và Vĩnh Tế. Riêng việc đào kinh Vĩnh Tế ở vùng biên giới Miên Việt chẳng những là một thủy lộ quan trọng, một phương án xả nước phèn ra vịnh Thái Lan, mà còn là vị trí phòng thủ chiến lược rất quan trọng. Vùng này không có biên giới thiên nhiên như phía Bắc giáp với Trung Hoa hay phía Tây giáp với Lào được ngăn bởi núi non. Tại đây hai bên chỉ cắm cột móc giữa ruộng. Chính vì vậy mà vào năm 1819, vua Gia Long hạ chiếu cho khởi công đào kinh Vĩnh Tế. Kinh dài gần 100 cây số(7), rộng trên 20 trượng, sâu 18 trượng(8), chạy dài từ bờ hữu ngạn sông Hậu bên phía Châu Đốc chảy qua Giang Thành, rồi đổ ra vịnh Thái Lan ở vùng Hà Tiên. Tuy nhiên, ngày nay bề rộng của con kinh đã lỡ ra trên 50 mét, trong khi bề sâu cạn dần nên chỉ còn sâu khoảng 6 mét mà thôi. Hiện nay, dòng kinh nằm song song về phía Nam của biên giới Việt-Miên chừng 2 cây số. Chính vì tầm quan trọng của dòng kinh nên trước khi đào, vua Gia Long đã xuống chiếu phủ dụ đồng bào trong trấn Vĩnh Thanh như sau: “Đào con sông nầy công việc rất khó nhọc. Kế sách của triều đình, mưu hoạch về biên thùy, đều quan hệ không nhỏ. Các ngươi nay khó nhọc, mà thực có lợi muôn đời. Vậy nên bảo nhau đừng sợ khó nhọc.”(9). Trong khi đó, vua Gia Long cũng nhắn với sứ thần nước Cao Miên như sau: “Trẫm sắp đào sông Châu Đốc để thông tới Hà Tiên, lợi của nước người cũng là lợi cho nông thương. Về bảo với chúa ngươi nên hiểu ý ấy.”(10). Thời đó Châu Đốc đạo còn là một trong những đạo mới thành lập trực thuộc Trấn Vĩnh Thanh(11) do Nguyễn văn Thoại làm Quan Trấn Thủ. Đây là một công trình vĩ đại trong tiến trình khai khẩn đất hoang ở miền Nam. Kinh Vĩnh Tế chẳng những là con kinh thiết yếu hàng đầu cho việc khai khẩn vùng đất hãy còn hoang vu mà nó còn là con kinh chiến lược, ngăn chận bất cứ dự tính chiếm cứ lại bất cứ phần đất nào ở phương Nam của Miên vương thời bấy giờ. Chính vì thế mà quan Tổng Trấn Lê Văn Duyệt đã nhiều lần tâu lên vua Gia Long xin được tiến hành đào cho bằng được dòng kinh nầy. Trong các sớ tâu về triều, đức Tả Quân đã khẳng định với nhà vua rằng ngoài việc dẫn nước từ sông Hậu đi vào những vùng ủng phèn giữa Châu Đốc và Giang Thành ra, dòng kinh nầy còn mang ý nghĩa quốc phòng, vì nó vừa là đường phòng thủ mà cũng là đường tiến công khi có biến. Bên cạnh đó, vùng đồng bằng sông Cửu Long lại là phên dậu của Thành Gia Định nên cần phải được chuẩn bị trong việc phòng thủ một cách chu đáo. Trước khi được nhà vua cho phép khởi công, Tổng Trấn Lê Văn Duyệt đã nhiều lần hội ý với quan trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Nguyễn văn Thoại về việc đào một con kinh gần nhất để quân Nam có thể tiến về Hà Tiên một cách nhanh chóng mỗi khi có biến, vì ngày đó đa phần những cuộc xâm lăng của quân Xiêm La đều nhắm vào đất Hà Tiên, mà đây lại là con đường độc đạo từ trấn Hà Tiên qua trấn Vĩnh Thanh. Ngoài tầm chiến lược về quân sự ra, dòng kinh Vĩnh Tế còn đem lại nguồn lợi kinh tế không nhỏ cho dân chúng vùng nầy, thứ nhất ghe thuyền từ Hà Tiên có thể qua Châu Đốc một cách dễ dàng, thứ nhì nước ngọt từ sông Hậu sẽ cuốn hết những phèn ủng từ bấy lâu nay đem ra vịnh Thái Lan. Ngoài ra, dòng kinh nầy còn làm công việc điều hòa lưu lượng nước giữa mùa khô và mùa mưa, giúp làm giảm bớt hạn hán cũng như lũ lụt cho cả một vùng bao la bạt ngàn giữa Châu Đốc và Hà Tiên. Chính Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí đã nói: “Dân chúng trong vùng sẽ hưởng sự tiện lợi vô cùng.”(12).Công việc đào kinh Vĩnh Tế kéo dài 5 năm từ năm 1819 đến năm 1824. Trong năm năm gian khổ với công cuộc đào dòng kinh này, dĩ nhiên là hàng vạn người dân đất phương Nam đã phải chịu đựng biết bao nhiêu gian nan khổ nhọc, nhưng chính nhờ tài ba chỉ huy của những vị tướng tài thời đó mà công cuộc mới được hoàn thành một cách mỹ mãn. Phải nói trong việc hoàn thành dòng kinh Vĩnh Tế, chẳng những Nguyễn văn Thoại, Mạc Công Du(13), và quan Điều Bát Nguyễn văn Tồn phải lao nhọc, mà người lo lắng nhiều nhất là người đứng đầu chỉ huy và theo dõi, chính là đức Tả Quân Lê Văn Duyệt. Tưởng cũng nên nhắc lại, quan Điều Bác Tướng Quân Nguyễn văn Tồn là một người Việt gốc Miên chủ trương và chỉ huy. Trong khi Thoại ngọc Hầu và phu nhân Châu thị Tế trực tiếp đôn đốc ngoài hiện trường, thì đức Tả Quân Lê văn Duyệt đã phải vận dụng hết khả năng của mình để huy động và chỉ huy gần 80.000 dân binh từ năm 1820 đến khi kinh được hoàn tất vào năm 1824, với biết bao khó khăn gian khổ, nhất là khi đào vào vùng Thất Sơn, lúc gặp phải đá cứng, vì vào thời đó không có máy móc và chất nổ để phá đá. Khi gặp những tảng đá lớn, ông phải huy động hàng ngàn người đập cho nát ra thành từng mảng nhỏ, rồi tiện thể đem những viên đá nhỏ ấy lên đắp đường dọc theo bờ kinh. Thời đó chưa có máy móc nên toàn bộ công tác đào kinh đều phải làm bằng tay. Chưa có máy móc ngắm và chỉnh cho việc đào kinh được thẳng, ban đêm người ta phải đốt đuốc trên những cây sào thật cao rồi cứ nhắm theo đường mà cắm cây. Thoạt đầu chỉ có 5.000 dân binh của Thoại ngọc Hầu, sau đó quan Điều Bác Nguyễn văn Tồn huy động thêm 5.000 người Miên lên trợ lực. Đến năm 1822, Tả Quân Tổng Trấn Gia Định Lê văn Duyệt(14) gửi thêm gần 40.000 người Việt, cộng thêm trên 16.000 dân phu người Miên ở các tỉnh vùng biên giới tới trợ lực. Thời đó dân phu đào kinh mỗi người được lãnh 6 quan tiền và một vuông gạo mỗi tháng. Thật tình mà nói, dù công trình đào kinh Vĩnh Tế không vĩ đại như Vạn Lý Trường Thành, nhưng trong suốt một thời gian dài gian khổ ấy đã có biết bao người bỏ xác lại bên bờ kinh vì đủ thứ nạn, nạn rừng thiêng nước độc, sơn lam chướng khí, mùa mưa thì lạnh lẽo vô cùng mà mùa nắng thì vừa nắng cháy người, vừa thiếu nước. Bên cạnh đó lại thêm nạn rắn rít, nạn nhện độc, hùm beo. Và ngay tại Vàm Nao, cá mập đã ăn không biết bao nhiêu người bỏ trốn lội qua Vàm vì không chịu nổi sự khổ cực ở đây. Họ là những anh hùng không tên tuổi, đã đem máu xương của chính mình hòa quyện vào những dòng kinh tưới mát ruộng đồng và vĩnh viễn để lại sự lợi ích này cho con cháu muôn đời của họ. Nhìn chung, trong việc hoàn thành kinh Vĩnh Tế, Nguyễn văn Thoại là người điều động dân quân và chỉ huy trực tiếp việc đào kinh, cũng như thảo ra phương án phải đào xới như thế nào, với sự góp sức đắc lực của quan Điều Bát Tướng Quân Nguyễn văn Tồn. Tuy nhiên, hai người chỉ huy tối cao của công tác này là Tổng Trấn Gia Định Thành, quan Thượng Công Lê văn Duyệt và Phó Tổng Trấn Trương Tấn Bửu. Ngày nay, từ trên phi cơ nhìn xuống, dòng kinh Vĩnh Tế như một lằn vạch ngăn cách Cao Miên và Việt Nam, hiên ngang nằm đó như hồn thiêng của các anh linh của các bậc tiền nhân đi khai mở đất nước, như thách thức bất cứ sự xâm phạm nào từ bên kia dãy núi Đậu Khấu. Phải nói việc đào kinh Vĩnh Tế là một công trình lớn lao mãi mãi có giá trị, chẳng những về kinh tế mà còn về quân sự và chính trị nữa. Riêng về mặt kinh tế và thủy lợi, dòng kinh Vĩnh Tế vừa mang nước tưới thắm một khoảng ruộng đồng bao la từ Châu Đốc, Long Xuyên qua Hà Tiên và Rạch Giá vào mùa nắng hạn, mà chúng còn giúp toàn vùng rừng rậm hoang vu xưa xả bỏ hàng triệu triệu mét khối nước ủng phèn từ bao thế kỷ nay. Bên cạnh đó, dòng kinh này còn mang lại không biết bao nhiêu cá tôm từ vùng Châu Đốc Long Xuyên đổ về vùng Thất Sơn, làm thực phẩm mỗi ngày cho nhân dân toàn vùng. Đất nước Việt Nam chúng ta có được vùng Châu Đốc Long Xuyên xinh đẹp và trù phú hôm nay, phần lớn nhờ vào công lao khai khẩn và xây dựng của tiền nhân năm xưa. Ngay sau khi con kinh vừa được đào, nước ngọt vừa được mang đến những cánh đồng ngập phèn, và sức chảy của con kinh bắt đầu đẩy phèn ra biển thì lưu dân khắp nơi bắt đầu quy tụ về đây khẩn hoang lập ấp. Chẳng những vậy mà mãi cho đến hôm nay, Vĩnh Tế vẫn còn là con kinh chiến lược hàng đầu tại vùng này về cả kinh tế lẫn quân sự.
Có người đặt nghi vấn về việc đức Tả Quân Lê Văn Duyệt có công trong việc đào kinh Vĩnh tế. Phải nói rõ ràng thời đó ông là Tổng Trấn Thành Gia Định, ông chịu trách nhiệm toàn bộ miền Nam với triều đình Huế. Mỗi lần về chầu vua ở Huế, ông có nhiệm vụ phải tâu lên vua những điều nên làm và những điều không nên làm, và dĩ nhiên ông đã tâu lên vua những điều có lợi cho thành Gia Định, trong đó có việc đào kinh Vĩnh Tế trước khi được nhà vua chuẩn thuận. Thời đó Lê văn Duyệt là một trong những khai quốc công thần rất được vua Gia Long tín cẩn, nghĩa là đa số những điều ông tâu lên vua đều được nhà vua chuẩn thuận. Một khi nhà vua đã chuẩn thuận và giao trách nhiệm cho Thoại Ngọc Hầu, chắc hẳn nhà vua cũng không quên nhắc Lê văn Duyệt phải luôn thị sát công trình quan trọng nầy. Vậy thì còn ai vào đây nếu không phải đức Tả quân Lê văn Duyệt là người đã cùng với Thoại Ngọc Hầu phác họa ra chương trình đào kinh Vĩnh Tế? Tưởng cũng nên nhắc lại, đức Tả Quân Lê Văn Duyệt làm Tổng Trấn Gia Định Thành hai lần, lần thứ nhất là vào thời Gia Long, từ năm 1813 đến năm 1816; và lần thứ nhì là khi Minh Mạng lên ngôi, nhà vua lại bổ nhiệm ông vào chức Tổng Trấn Gia Định, từ năm 1820 đến khi ngài qua đời vào năm 1832. Đại Nam Liệt Truyện Chánh Biên đã viết về Lê văn Duyệt như sau: “Minh Mạng năm thứ 1, Duyệt ra lãnh chức Tổng Trấn Gia Định Thành, tất cả việc thăng giáng quan lại, dấy lợi trừ hại, việc thành, và mưu kế ngoài biên, đều được tiện nghi làm việc.”(15).
Như vậy, mặc dầu Thoại Ngọc Hầu là người trực tiếp đứng ra đốc thúc dân phu tại hiện trường, nhưng Lê Văn Duyệt mới đích thực là vị chỉ huy tối cao nhất trong công cuộc đào kinh nầy, vì năm 1822 khi vua Chân Lạp là Nặc Ông Chân đưa thư đến Gia Định, xin đem dân binh hợp sức với Thoại Ngọc Hầu để tiếp tục đào kinh Vĩnh Tế. Lê văn Duyệt đã tâu lên triều đình. Vua Minh Mạng đã xuống chỉ khen ngợi quan Tổng Trấn Lê văn Duyệt và sau đó sai ông làm qui hoạch cho chương trình tiếp tục đào kinh nầy. Sau khi nhận lệnh nhà vua, ông đã huy động 40 ngàn dân phu từ các trấn Vĩnh Thanh, Định Tường và đồn Uy Viễn, hợp cùng với 16 ngàn dân binh của Cao Miên để tiếp tục đào kinh. Theo Đại Nam Thực Lục, chính vua Minh Mạng đã ra chỉ dụ cho Lê văn Duyệt như sau: “Đường sông Vĩnh Tế liền với một lộ Tân Cương, xe thuyền được lợi rất nhiều. Hoàng Khảo Thế Tổ Cao Hoàng Đế ta mưu sâu tính kỹ, để ý đến việc biên cương, buổi đầu đã một lần đào, công việc chưa xong. Trẫm noi theo chí trước, dốc lo làm sao một lần khó nhọc để thong thả lâu dài, khanh nên tính toán thế nào, hẹn ngày tâu công, để xứng ý trẫm. Vả chăng sông ấy không phải lợi cho Chân Lạp, vua Phiên xin thế vị tất là do thực tình. Ngày nào dụ đến nơi, họ tất sẽ có lời ngăn trở. Song việc làm quả quyết thì nên, dùng dằng thì hỏng. Trẫm đã định trước, họ không đáng kể.”(16). Đến tháng 2 năm 1823, dầu chỉ còn lại khoảng 1.700 trượng trên tổng số 10.500 trượng, nhưng do tiết trời quá khắc nghiệt, ban ngày thì quá nóng, ban đêm thì lạnh cóng, với lại khi hai nhóm dân công gần giáp mí nhau tại phía bắc vùng Ba Chúc thì gặp phải nhiều khối đá lớn, nên công việc bị chậm lại. Thậm chí đến mùa hè có quá nhiều dân công bị bệnh, nên công việc đào kinh có lúc phải ngưng lại. Vua Minh Mạng đã xuống chiếu phủ dụ Lê văn Duyệt như sau: “Trẫm nghĩ khanh xưa nay theo vua đã có công lao, giữ hết lòng trung, cho nên Hoàng khảo ta dặn lại giúp trẫm. Trước nhân đất Gia Định ở giáp nước Phiên, nên sai khanh làm Tổng trấn. Từ khi khanh giữ việc đến nay thì dẹp yên giặc Chân Lạp, tiếp đến tra xét đinh lậu, thêm lên hơn vạn hộ khẩu. Nay lại tự mình đốc suất việc đào sông để thành cái chí noi theo việc trước của trẫm.”(17). Đến năm 1824, Tổng trấn Lê văn Duyệt đưa thêm gần 25 ngàn dân binh nữa từ Chân Lạp và trên thành Gia Định xuống thay thế cho những dân công bệnh hoạn. Nhờ đó mà công việc đào kinh được hoàn tất vào cuối năm 1824.
Tóm lại, phải thành thật mà nói, theo thiển ý, sau khi thống nhất đất nước, đức Tả Quân Lê văn Duyệt là một trong những vị khai quốc công thần rất được lòng tín cẩn của vua Gia Long. Chính Gia Long đã ban cho ông đặc quyền “Tiền trảm hậu tấu”, một đặc quyền mà rất ít người trong triều đình thời bấy giờ có được. Lê văn Duyệt chắc hẳn là người đã từng đề xuất với vua Gia Long ý tưởng đào một con kinh chiến lược trong vùng Châu Đốc-Hà Tiên nhằm bảo vệ thành Gia Định ngay từ thời ông làm Tổng trấn Gia Định lần thứ nhất từ năm 1813 đến năm 1816. Sau đó, vua Gia Long đã triệu hồi ông về Huế để nghị bàn về ngôi Thái Tử. Chính thời gian nầy Lê văn Duyệt đã có nhiều dịp gần gũi với vua Gia Long để nói lên những thao thức của mình về việc phòng thủ đất phương Nam khi ông còn ở chức Tổng trấn Gia Định Thành. Nhờ vậy mà lúc gần cuối đời, vua Gia Long đã chuẩn thuận và xuống chỉ cho khởi công đào kinh Vĩnh Tế. Ngay sau khi vua Gia Long băng hà vào năm 1820, vua Minh Mạng liền bổ nhậm ông về Nam trấn nhậm Gia Định Thành từ năm 1820 cho đến khi ông qua đời vào năm 1832. Phải nói, lúc đầu khi nạo vét phần sông Châu Đốc, vì công việc tương đối dễ dàng nên chỉ có một mình quan Thống Chế Thoại Ngọc Hầu chỉ huy. Tuy nhiên, từ năm 1822 trở về sau nầy, chính Tả Quân Lê Văn Duyệt là người đã trực tiếp đưa dân binh từ Chân Lạp cũng như từ các trấn khác đến trợ lực và hoàn thành đoạn kinh còn lại từ Tịnh Biên đến sông Giang Thành. Như vậy, trong công cuộc đào kinh Vĩnh Tế, phải công tâm mà nói, chính Lê Văn Duyệt mới là người có công đầu, rồi mới tới Thoại Ngọc Hầu, nhưng tại sao đời sau nầy chỉ nhắc đến Thoại Ngọc Hầu chứ không hề nói gì đến Lê văn Duyệt? Sự việc cũng rõ ràng và không có gì là khó hiểu. Cả hai vị đều có công rất lớn đối với việc phòng thủ và phát triển vùng đất phương Nam cũng như công trình đào kinh Vĩnh Tế, nhưng sau bản án Lê văn Duyệt, người dân đất phương Nam chỉ âm thầm thờ ngài tại vùng Lăng Ông ngày nay, chứ ít ai dám nhắc đến công lao của ngài vì sợ triều đình hành tội. Tưởng cũng nên nhắc lại, ngay sau khi Tả Quân Lê văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng đã trả thù một vị khai quốc công thần một cách nhỏ nhen và hèn mọn, không có tư cách của một ông vua. Do sự hiềm thù cá nhân nhỏ nhen của Minh Mạng, khởi đi từ việc Lê văn Duyệt cương quyết chống lại việc đưa dòng thứ lên ngôi Thái Tử, nhưng vẫn tuân theo di chúc của vua Gia Long đưa Minh Mạng lên ngôi vua. Tuy nhiên, lúc đức Tả Quân còn đương thời, Minh Mạng đã không dám làm gì đức Tả Quân vì công lao và uy quyền quá lớn của ông với triều đình Huế. Thậm chí, khi Minh Mạng đưa Bạch Xuân Nguyên vào làm phó tổng trấn, đã bị Tả quân Lê văn Duyệt thẳng thừng từ chối. Sau đó Lê văn Duyệt đã xử chém cha vợ của vua Minh Mạng là quan Tham tán Huỳnh công Lý, khi ông nầy cậy thế tỏ ra hống hách tham tàn với dân chúng trong thành Gia Định. Qua vụ án Huỳnh công Lý, chúng ta thấy rõ nơi đức Tả Quân một con người cương trực và trung thành, nhiều lần can ngăn và làm trái ý Minh Mạng chỉ vì quyền lợi của đất nước. trong vụ nầy có người cho rằng Tả quân Lê văn Duyệt đã cậy mình có ‘Thượng Phương Bảo Kiếm’ mà chém đầu Huỳnh công Lý trước khi trình nội vụ về triều đình. Điều nầy hoàn toàn sai sự thật, vìnhững sự kiện được ghi lại trong Đại Nam Thực Lục của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn đã nói rất rõ về vụ án nầy(18). Đức Tả quân Lê văn Duyệt dầu có đặc quyền vua ban, nhưng ngài không bao giờ lạm quyền, ngược lại, ngài thi hành luật pháp rất nghiêm minh, ngài làm rất đúng tất cả những nguyên tắc của triều đình về thủ tục tố tụng của tòa án theo truyền thống xét xử của triều đình. Ngoài ra, khi Minh Mạng ra chiếu chỉ bắt và hành tội những người theo đạo Thiên Chúa cũng bị Lê văn Duyệt thẳng thắn phê bình. Nhờ sự phản đối quyết liệt của Tả quân Lê văn Duyệt mà Minh Mạng phải ra lệnh giảm bớt cường độ hành tội người Thiên Chúa. Từ những tỵ hiềm nhỏ nhen nầy mà Minh Mạng và triều thần của ông đã tước công Lê văn Duyệt, từ một khai quốc công thần trở thành một tội đồ của triều đình, và cái triều đình ấy không muốn một ai nhắc đến tên Lê văn Duyệt, chứ đừng nói chi đến những công lao mà đức Tả quân đã mang lại cho đất nước. Ngày nay, khi nhìn lại lịch sử, chúng ta phải tự thành thật với lòng mình như một con dân Việt Nam, nhất là con dân đất phương Nam, chúng ta có thể không thích triều Nguyễn vì những hệ lụy mà cái triều đình ấy đã mang đến cho dân tộc, nhưng chúng ta không thể nào phủ nhận công lao của những bậc tiền hiền đã hết lòng hết dạ với đồng bào và đất nước như đức Tả quân Lê văn Duyệt. Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt Cương Quyết Chống Lại Việc Cấm Đạo Thiên Chúa Của Vua Minh Mạng:
Kể từ năm 1820 khi đức Tả Quân Lê văn Duyệt nhận lệnh vua Minh Mạng vào Nam làm Tổng trấn thành Gia Định lần thứ nhì, ngài đã tỏ ra là một vị quan hết sức đức độ và thanh liêm; luôn hết lòng vì sự an cư lạc nghiệp của con dân trong vùng đất do ngài cai quản. Tháng hai năm 1825, vua Minh Mạng ban một sắc dụ cấm đạo trên toàn quốc, nhưng sắc dụ ấy đã bị đức Tả Quân phản đối kịch liệt và không tuyệt đối thi hành trong vùng Gia Định Thành. Sau khi nhận được chỉ dụ cấm đạo Thiên Chúa, đích thân đức Tả Quân đã về Huế và tâu lên vua Minh Mạng rằng: “Khải bẩm Hoàng Thượng, người Thiên Chúa đã phạm phải lỗi gì để ta phải bắt bớ họ? Tại sao chúng ta lại giam cầm các vị đạo trưởng Âu Châu? Hoàng Thượng có nhớ rằng chính triều đại Tây Sơn đã không được lòng dân vì đã cấm đạo Gia Tô. Hoàng Thượng không còn nhớ trong thời phục quốc chính các vị thừa sai đã cung cấp gạo và lương thực cho binh đội của chúng ta hay sao? Nếu Hoàng Thượng quên thì hạ thần xin nhắc là khi chúng ta đói khát chính các thừa sai đã cho chúng ta gạo; khi chúng ta rét lạnh lại cũng chính vị thừa sai đã cho chúng ta vải. Hoàng Thượng nên biết đạo Thiên Chúa nước nào không có. Người ta đâu có ngăn cấm, sao nước mình lại cấm, gây cảnh nồi da xáo thịt lại mang tội với đời sau. Với sắc dụ cấm đạo nầy, khi hạ thần mất rồi thì Hoàng Thượng muốn làm gì thì làm, nhưng chừng nào hạ thần còn sống, Hoàng Thượng sẽ không làm điều bất nhân nầy được.” Thật vậy, đức Tả Quân là một người thấy xa hiểu rộng và sáng suốt trong việc trị dân. Ngài đã không mù quáng thi hành lệnh cấm đạo của Minh Mạng, hoặc giả cứ làm ngơ cho các giáo sĩ Thiên Chúa được hoạt động ở những vùng quê hẻo lánh trong phạm vi thành Gia Định. Chính vì vậy mà trong suốt thời gian ngài làm Tổng trấn thành Gia Định, nhân dân miền Nam luôn được hưởng cảnh an cư lạc nghiệp trong thanh bình và thịnh vượng của toàn miền. Còn riêng về hoàng đế Minh Mạng, đáng lý qua những lời can ngăn đầy tính nhân bản cũng như lời cảnh báo rõ ràng và mạnh mẽ của đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, nếu Minh Mạng là một ông vua thật sự vì dân vì nước, có lẽ đã rút lại sắc dụ bất nhân thất đức nầy, nhưng Minh Mạng đã làm ngược lại, càng về sau nầy ông vua nầy càng cấm đạo ngặt hơn. Tệ hại hơn nữa, sau lời can ngăn nầy của đức Tả Quân, Minh Mạng càng ôm lòng thù hận nhiều hơn. Chính vì vậy mà ngay khi đức Tả Quân vừa qua đời, nhân vụ Lê văn Khôi nổi lên chống lại triều đình, Minh Mạng đã ra lệnh cho quan quân bày ra vụ án thành Gia Định để xử tội một vị khai quốc công thần của triều Nguyễn.

Sinh Vi Tướng-Tử Vi Thần:
Sống đã vậy mà khi mất đi rồi vẫn tiếp tục bảo bọc phù hộ con dân của mình. Thác rồi Ngài trở thành một vị thần hiển linh mà người dân Gia Định hết lòng tín ngưỡng phụng thờ. Đây là một tín ngưỡng dân gian rất quan trọng về phương diện văn hóa. Người ta đồn Ngài rất linh hiển. Những người làm việc cho chính quyền, có đầu óc vô thần, tỏ vẻ xấc láo với thần linh trước miếu thờ Đức Thượng Công đều bị Ngài trừng phạt nặng nề. Người dân Nam tin rằng Ngài luôn luôn trừng phạt kẻ gian, kẻ trộm cướp, kẻ xấc láo vô lễ, kẻ thề thốt man trá trước lăng miếu của Ngài. Người ta hay nói đến những trường hợp bị “Ông vật”, “Ông bẻ cổ” hay “Ông bắt hộc máu,” để chỉ những trừng phạt đó. Trước đây các cơ quan hay hãng sở có vụ án bí ẩn không tìm ra manh mối thì người ta thường đưa các đương sự đến “Lăng Ông” cho thề trước đền thờ Ngài. Ngược lại, nhiều người thường dân làm ăn lương thiện hay đến cầu xin Ngài giúp cho họ sự bình yên, thành công trong việc làm, thi cử đổ đạt, thành tựu trong việc cưới xin, bệnh hoạn chóng khỏi, v.v...hầu hết đều được Ngài chứng tri giúp đỡ. Tiếng đồn về việc Đức Thượng Công hiển linh thường hay thi ân, giáng họa được truyền tụng mỗi lúc một lan xa trong dân chúng từ xưa đến giờ và mãi mãi về sau này. Tin Đức Thượng Công cũng là một tín ngưỡng dân gian của vùng Đồng Nai Cửu Long quan trọng chẳng kém gì lòng tin của con người trong những tôn giáo khác ở vùng này. Lăng Ông Bà Chiểu rất xứng đáng làm biểu tượng cho vùng Đồng Nai Cửu Long vậy.
Nếu người dân đất phương Nam xưa kia may mắn có được một nhà cai trị khôn ngoan, nhân đức, sáng suốt, biết thương dân thương nước như Đức Thượng Công khi Ngài còn tại thế thì ngày nay dân chúng Miền Nam cũng vô cùng hãnh diện và may mắn có vị thần bảo hộ hết sức hiển linh như Đức Tả Quân. Qua hai lần làm Tổng Trấn Gia Định thành(19), Đức Tả Quân Lê văn Duyệt chẳng những có đủ tài đức trong việc an bang tế thế, làm cho dân chúng miền Nam được an lạc thái bình, mà Ngài còn luôn làm cho ngoại bang phải nể vì. Ngài luôn đối xử bình đẳng với các sắc dân Việt, Hoa, Miên, Chàm... nên dưới thời của Ngài ai nấy đều yên lòng góp công, góp của cho việc phát triển xứ sở. Tiếc rằng dân Việt Nam nói chung không được cái may mắn đó vì triều đình Minh Mạng cũng như đa số các đại thần của triều đình này không có được cái khôn ngoan nhân đức và lòng thương nước thương dân của Ngài Chưởng Tả Quân Bình Tây Tướng Quân Quận Công. Nếu như triều đình và các đại thần của triều đình này cũng khôn ngoan, thấy xa, hết lòng vì dân vì nước, áp dụng chính sách cai trị khôn khéo, cởi mở của Đức Thượng Công đã áp dụng trong Miền Nam thì cả nước Việt Nam đã sớm trở thành một nước tiến bộ hùng cường như Nhật Bản từ đầu thế kỷ XX rồi, và người dân Việt Nam đã được ấm no hạnh phúc như những người dân trong các xã hội tiến bộ khác từ lâu rồi. Người đời sau nếu thật lòng thương dân thương nước, nếu thật lòng muốn cho xã hội tiến bộ, dân chúng ấm no hạnh phúc, thì nên học hỏi chính sách cai trị khôn ngoan sáng suốt và cởi mở của Đức Thượng Công cũng như tấm lòng nhân và tinh thần nhân bản của Ngài. Ngài thật vô cùng xứng đáng được sự nhớ ơn đời đời cũng như sự tin tưởng phụng thờ và sùng bái ngàn năm của người dân Nam Việt.

Sự Trả Thù Hèn Hạ Của Một Ông Vua Triều Nguyễn:

Ngược lại với chánh sách chiêu hiền đãi sĩ trong Nam của đức Tả Quân Lê văn Duyệt, vua Minh Mạng và quần thần tại triều đình Huế thời đó đã áp dụng chính sách đối đãi bạc bẽo với nhân sĩ Nam Hà. Chính vì sự nhỏ nhen, hẹp hòi và ích kỷ của Minh Mạng mà ngay sau khi Lê văn Duyệt mất, Minh Mạng đã bãi bỏ ngay chức Tổng Trấn Gia Định Thành và Bắc Thành, đặt toàn bộ các tỉnh trực thuộc trực tiếp trung ương. Minh Mạng cho đổi Gia Định ra Phiên An và Bắc Thành ra Hà Nội. Sau đó Minh Mạng đưa Nguyễn văn Quế vào làm Tổng Đốc và Bạch Xuân Nguyên(20) vào làm Bố Chánh Gia Định và đảm nhận tra xét vụ Lê văn Duyệt theo “mật chỉ” của Minh Mạng. Bạch Xuân Nguyên là một ông quan tham ô và hà khắc với dân chúng, khi được cử vào làm Bố Chánh Gia Định Thành, Bạch Xuân Nguyên truy tìm các chứng cớ về lỗi lầm trước đây của Lê văn Duyệt với lòng căm tức. Sau đó dù chưa có chứng cớ y vẫn bắt giam tôi tớ cũng như con nuôi của Ngài. Y còn bắt giam ngay cả những người đã từng có quan hệ với Lê văn Duyệt. Phải nói qua hai thời làm Tổng Trấn Gia Định, hầu như Ngài đã quan hệ với tất cả mọi người, nên khi vào Gia Định Bạch Xuân Nguyên có thể bắt giam bất cứ ai. Chính vì vậy mà trong suốt thời gian Bạch xuân Nguyên làm Bố Chánh Gia Định, nhân dân toàn vùng Gia Định nói riêng và toàn thể miền Nam nói chung hầu như lúc nào cũng phập phồng lo sợ vì sự khủng bố tinh thần của Bạch xuân Nguyên. Thời đó đi đâu đến đâu cũng thấy bất ổn và cũng nghe những lời ta thán về Bạch xuân Nguyên. Vì quá uất ức trong tù nên Lê văn Khôi(21) đã nổi lên chống lại sự hà khắc của Bố Chánh Bạch Xuân Nguyên.
Ngày 18 tháng 5 năm Quí Tỵ (1833), Lê văn Khôi cùng 27 tù nhân khác đã phá ngục xông vào dinh giết sạch gia đình Bạch Xuân Nguyên, rồi giết luôn Tổng Trấn Nguyễn văn Quế khi ông này đến tiếp sức cho Bạch Xuân Nguyên. Sau đó Lê văn Khôi chiếm thành Gia Định, tự xưng là Đại Nguyên Soái từ năm Quý Tỵ 1833 đến năm Ất Mùi 1835. Sau khi ổn định thành Gia Định, Khôi mua vũ khí của nước ngoài và cho quân đi chiếm các tỉnh phía Nam. Lê văn Khôi còn chiêu dụ dân chúng bằng chủ trương lật đổ Minh Mạng và đưa con trai của Đông Cung Cảnh là Nguyễn phúc Mỹ Đường(22) lên làm vua. Theo La Cochinchine Religieuse thì ngay khi Minh Mạng hay tin này, nhà vua bèn hạ lệnh giết ngay Nguyễn phúc Mỹ Đường; tuy nhiên, theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên thì Minh Mạng chỉ bắt giam và không cho ông này mang họ vua nữa. Khi quân triều kéo vào thì Thái công Triều, trước đây là Trung Quân của Lê văn Duyệt (sau đó theo Khôi) lén ra đầu hàng triều đình. Lê văn Khôi mất đi một cánh tay đắc lực nhưng vẫn cố thủ đến 1834 thì bị bệnh mất. Các thủ lãnh khác trong thành vẫn tiếp tục kháng cự lính triều mãi đến tháng 7 năm 1835 mới thua. Sau khi hạ xong thành Gia Định, Minh Mạng hạ lệnh giết hết 1831 người(23) trong thành rồi chôn chung vào một mả gọi là “Mả Ngụy”, còn các thủ lãnh thì đưa về Huế trị tội bằng cách “lăng trì”. Trước khi hài tội Lê văn Duyệt, Minh Mạng đã ban hành một đạo dụ gửi cho nội các với lời lẽ mắng nhiếc thậm tệ: “Lê văn Duyệt vốn xuất thân từ một hoạn quan, là đầy tớ trong nhà, nhân buổi trung hưng mà rồng mây gặp hội, đã dự phần dẹp yên Tây Sơn. Đức Hoàng Khảo Thế Tổ Cao Hoàng Đế ta (Nguyễn Ánh), nghĩ hắn trẻ tuổi, hầu hạ trong cung, tin như ruột thịt, nên nhiều lần trao cho cờ tiết và phủ việt. Chẳng ngờ lũ ấy phần nhiều không phải loài lương thiện, ngày càng rông rỡ, dần dần có ý không chịu làm tôi, dông dài làm càng nói năng ngông cuồng, bội nghịch, chỉ vì lòng còn sợ đức thánh minh, lại vì còn nhiều người chen vai thích cánh, nên Duyệt dù có lòng gian cũng chưa dám lộ hình. Hoàng Khảo ta khi có tuổi cũng đã dần dần biết, nhưng lại nghĩ tên đầy tớ ấy tuy mang lòng làm việc trái phép, nhưng thiên hạ đã đại định, tôi con ai chịu theo kẻ thân tài sau khi đã thiến, chắc hắn không làm được gì! Hoàng Khảo ta tuy đối với hắn ngày càng nhạt dần nhưng cứ chịu đựng rồi bỏ qua. Đến khi ta nối ngôi cũng cho rằng các bầy tôi cũ không còn mấy, mà hắn lại già rồi, nên hãy cứ đối đãi tử tế, hoặc giả hắn biết ngầm mà đổi thói xấu, lặng theo đức hóa, để công thần được bảo toàn, cũng là một việc rất tốt. Chẳng ngờ hắn bụng nghĩ như rắn, rết, tính tựa hổ lang, ngông cuồng càng lắm, càn rỡ ngày thêm...chẳng hạn như việc hắn xây thành Gia Định với thành cao, hào sâu và kiên cố hơn cả kinh thành ở Huế, quả là có âm mưu tạo phản. Thậm chí hắn nói với người ta rằng hắn đi trấn thành Gia Định vốn là phong vương để giữ đất ấy, chứ chẳng như các Tổng Trấn tầm thường khác. Bộ hạ của hắn chỉ biết có hắn chứ không hề biết có triều đình. Bởi thế Duyệt chết chưa bao lâu, lũ nghịch Lê văn Khôi đã hùa nhau giết quan giữ thành để làm phản, nói phao là để báo thù cho Duyệt.”
Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, đình thần của Minh Mạng cho rằng sự phiến loạn ở thành Phiên An, chính Lê văn Duyệt là người đứng đầu gây loạn, với bảy trọng tội thứ nhất là sai người sang Diến Điện ngầm kết ngoại giao, thứ hai đưa thuyền Anh Cát Lợi đến Gia Định yết kiến mình để tỏ mình có quyền, thứ ba là tự ý giết thị vệ Trần văn Tình để khóa miệng người khác, thứ tư là dâng sớ chống lại mệnh lệnh nhà vua, cố đưa viên quan mà vua bổ nhậm đến làm việc với mình đi nơi khác để tự mình dễ bề tự tung tự tác, thứ năm là kết bè đảng xin cho Lê Chất được thêm tuổi thọ, thứ sáu là cất giấu riêng những giấy đóng sẵn ấn ngự bảo, thứ bảy là gọi mộ tiên nhân của y là ‘lăng’, và đối với người tự xưng là ‘cô’ tức là lời xưng của vua... Những tội ấy đáng bị lăng trì, nhưng Duyệt đã chết nên xin truy đoạt bằng sắc, bổ áo quan (phá quan tài) và phanh thây ra để tỏ sự vua phép nước rõ ràng. Thu lại tất cả những sắc phong đời cố, đời nội và đời cha mẹ của Duyệt. Mồ mả tiên nhân có chỗ nào tiếm lạm thì hủy bỏ hay san bằng. Phải nói, dưới lòng căm hờn sôi sục của Minh Mạng thời đó thì mồ mả tiên nhân của Lê văn Duyệt có chỗ nào là không tiếm lạm đâu? Các con, em, vợ, và thiếp của Lê văn Duyệt đều bị phân xử, và toàn bộ tài sản đều bị tịch thu. Vì lòng tư thù và hiềm khích nhỏ nhen với Lê văn Duyệt mà Minh Mạng đã xử Lê văn Duyệt tội lăng trì, nhưng vì Lê văn Duyệt đã chết nên xử tội phá hòm phanh thây, vợ lớn của Lê văn Duyệt thì xử chém ngay, em của Lê văn Duyệt là Lê văn Hán, con nuôi là Lê văn Yến, Lê văn Tề đều xử trảm, các con của những người này thì bị giam giữ nghiêm ngặt. Sau vụ án này Minh Mạng cho hội triều thần nghị tội Lê văn Duyệt. Cả triều thần đã hùa theo Minh Mạng kết tội Tả Quân Lê văn Duyệt với 7 trọng tội trên, tuy nhiên, nghĩ Lê văn Duyệt chết đã lâu, nên truyền không phanh thây nắm xương khô mà chỉ truyền lệnh san bằng phần mộ, rồi cho dựng lên tấm bia đề câu “Quyền yêm Lê văn Duyệt phục pháp xứ” có nghĩa là “Tại nơi đây có tên Lê văn Duyệt chịu phép nước.
Cũng theo Đại Nam Thực Lục Chánh Biên, gia quyến gồm vợ, con trai và con gái của những người giữ những viên quan lớn với Lê văn Khôi đều bị xử lăng trì(24) rồi quăng thịt xuống sông, riêng các viên quan của Khôi thì xử lăng trì và bêu đầu 3 ngày rồi quăng xuống sông. Còn lại tất cả những người trong thành Gia Định từ già trẻ bé lớn đều bị chém đầu rồi chôn chung vào một lỗ phía sau thành Gia Định, xong cho lấp đá lại, gọi là mả ngụy. Ngày nay không còn dấu tích gì của ngôi “Mả Ngụy” nữa, người ta đoán có thể khu này nằm khoảng khu chùa Việt Nam Quốc Tự, vì trước khi xây chùa đó là một khu đất trống mà không ai dám xây nhà trên đó. Riêng linh mục Joseph Marchand và con của Lê văn Khôi là Lê văn Viên, mới 7 tuổi bị đưa ra Huế và bị xử lăng trì bằng cách lột da trán cho phủ xuống hai mắt, sau đó lấy kềm xé hai miếng thịt ở ngực, rồi cắt hai miếng thịt ở sau lưng, cắt thịt ở bắp vế, ở ống chân, đầu gối...Sau đó họ cho chặt đầu bỏ vào một cái thúng đựng vôi bột, xong họ lật úp xác chết xuống đất rồi dùng dao phanh thây, hết chặt theo bề dọc đến chặt theo bề ngang. Đầu của nạn nhân được đưa đi các tỉnh bêu trong ba ngày, rồi cho nghiền nát quăng xuống biển. Đây là một trong những hình phạt dã man nhất trong lịch sử loài người, mà hình như trong thời cận đại chỉ có triều đại nhà Nguyễn là còn áp dụng mà thôi. Cũng chính vì chánh sách tỵ hiềm nhỏ nhen này của Minh Mạng mà nhân sĩ Nam Hà không còn mấy ai muốn ra giúp vua giúp nước nữa. Nên ngay sau Đức Tả Quân Lê văn Duyệt vừa qua đời, thì Lê văn Khôi nổi lên chống lại sự áp bức của quan quân triều đình, rồi đến tháng 11 năm 1833, quân Xiêm thừa cơ tiến chiếm Hà Tiên, rồi thành Nam Vang, rồi Châu Đốc, Tiền Giang... Tướng bảo hộ Nam Vang thời đó là Trương Minh Giảng phải vất vả đánh dẹp, nhưng vẫn không xong, rốt rồi phải rút bỏ khỏi Nam Vang để trở về Gia Định, mà giặc giã trong nội địa miền Nam vẫn không dẹp yên được. Đến đời Thiệu Trị và Tự Đức thì giặc giã đã nổi lên khắp xứ. Vua quan thiển cận, quân binh yếu kém, vũ khí lại quá thô sơ. Đây là những nguyên nhân chính đưa đến chuyện đất nước phải rơi về tay của người Pháp sau này.
Chính vì tấm lòng trung liệt và yêu thương dân chúng như vậy, khi Thiệu Trị lên ngôi vào năm 1841, biết vua cha đã làm tội oan cho một vị đại thần, nên Thiệu Trị đã xuống chiếu hủy bỏ việc xiềng mả, nhưng mãi đến đời Tự Đức, Lê văn Duyệt mới được phục xét lại công lao, nên ngôi mộ được xây đắp lại, tấm bia “chịu phép nước” tại phần mộ được tháo bỏ. Đức Tả Quân Lê văn Duyệt được truy phục chức “Vọng Các Công thần Chưởng Tả quân Bình Tây Tướng Quân, Quận Công”. Sắc phong  được thờ trong Trung Hưng Công Thần Miếu. Hiện nay tại xã Bình Hòa, thuộc tỉnh Gia Định, lăng của Đức Tả Quân Lê văn Duyệt được trùng tu đẹp đẻ (Lăng Ông Bà Chiểu). Hàng ngày đồng bào khắp nơi đến chiêm bái và lễ lạy rất đông. Đến ngày lễ giỗ, Hội Thượng Công Quí Tế Lăng Đức Tả Quân tổ chức cúng tế rất trọng thể và có tổ chức hát bội, vì lúc sanh tiền Đức Thượng Công rất thích hát bội. Trong dịp Tết Nguyên Đán, thường thường có đến hàng trăm ngàn đồng bào từ khắp nơi, ngay cả đồng bào ở các tỉnh miền Tây đổ xô về cúng tế và xin xăm, cũng như cầu lộc cầu tài tấp nập từ mồng một đến mồng ba Tết, thường kéo dài đến rằm thượng nguơn.

***

Để tiện theo dõi Đất Phương Nam 1, Mời Bạn xem các phàn 1,2,3,4..ở cột danh mục hai bên.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét