Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2019

Từ Phủ Lôi Lạp Đến Vùng Đất Gò Công - Đất Phương Nam 1 (tt)


Tổng Quan Về Cuộc Nam Tiến Của Dân Tộc Việt Nam:
Trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, trước sức ép cực kỳ thô bạo của một đối phương đông gấp hàng chục lần và cũng mạnh gấp hàng chục lần, cha anh chúng ta không có lựa chọn nào khác là cố giữ những phần đất nào mình có thể giữ được và phải mất đi những phần đất nào đã mất. Hai tỉnh lớn hiện nay của Trung Hoa là Quảng Đông và Quảng Tây đã một thời là lãnh địa của Việt Nam với thành Phiên Ngung mà lịch sử đã một thời đậm nét vẫn chưa phai. Thế rồi từ thế kỷ thứ X dân ta cứ âm thầm tìm lối mở cõi về phương Nam. Năm 1069, biên giới phía Nam của chúng ta đã đến vùng Quảng Trị, rồi Thuận Hóa. Năm 1306, ranh giới được chuyển về phía Nam tỉnh Quảng Nam bây giờ. Năm 1402, mốc ranh giới lại được dời đến Sa Huỳnh(1). Năm 1471, xứ Đàng Trong đã qua khỏi Bình Định. Năm 1611, mốc biên giới lại được dời đến vùng Phú Yên ngày nay, và sau đó vùng Biên Trấn được dời xuống phía bắc của Khánh Hòa. Năm 1623, những lưu dân Việt Nam theo lời kêu gọi của hoàng hậu Sam Đát(2), đã làm một bước nhảy vọt đến các vùng Kas Krobei và Prei Nokor(3). Rồi năm 1653, xứ Đàng Trong làm chủ vùng Phan Rang, năm 1693 làm chủ vùng Phan Thiết. Năm 1698, quan Kinh Lược Nguyễn Hữu Cảnh đã chính thức tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Đồng Nai và Bến Nghé. Lúc đó ở Đồng Nai quan Kinh Lược đã đặt ra huyện Phước Long, lập dinh Trấn Biên. Tại vùng Bến Nghé đặt ra huyện Tân Bình, Gia Định, lập ra dinh Phiên Trấn, mỗi dinh đều có quan Lưu Thủ trông coi việc hành chánh, quan cai bộ trông coi về ngân khố và thủ quỹ, quan ký lục trông coi việc hình án. Tuy nhiên, toàn vùng hãy còn là một tấm da beo tranh chấp giữa xứ Đàng Trong và Chân Lạp. Năm 1731, Miên vương Nặc Tha (Sotha II) dâng đất Meso và Longhor(4) cho xứ Đàng Trong. Cùng năm đó chúa Ninh Vương Nguyễn Phúc Chu cho lập đất Định Tường và Long Hồ. Năm 1744, chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát(5) cho thành lập tại Nam Kỳ 3 dinh và một trấn(6), đó là dinh Trấn Biên, dinh Phiên Trấn, và trấn Hà Tiên. Năm 1753, chúa Võ Vương cho lập Đạo trường Đồn gồm đất Mỹ Tho, Cao Lãnh và Mộc Hóa chạy dài đến biên giới Việt Miên ngày nay. Năm 1756, xứ Đàng Trong lại nhận thêm vùng Tầm Bôn và Lôi Lạp(7). Sau đó vào năm 1757, xứ Đàng Trong lại nhận thêm các vùng Preah Trapeang, Bassac, và Kompong Luông(8).

Cấu Tạo Địa Chất Của Vùng Đất Phương Nam:
Vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long nói chung và vùng đất Gò Công nói riêng, là một vùng đất rất trẻ so với sự thành hình của các châu lục khác. Vùng đất nầy chỉ mới xuất hiện lần cuối cùng vào thời đại đồ đá mới muộn mà thôi, nghĩa là cách nay độ khoảng trên dưới 5.000 năm, do kết quả biển tiến, do sự đổi dòng Cửu Long từ phía Đồng Nai qua Vàm Cỏ, Hà Tiên rồi cuối cùng định vị tại hai nhánh sông lớn là Tiền Giang và Hậu Giang ngày nay. Bên cạnh đó phù sa các sông Cửu Long, Vàm Cỏ và Đồng Nai cũng góp phần không nhỏ trong việc thành hình vùng Tầm Bôn Lôi Lạp nầy. Khoảng 5.000 năm về trước, mực nước biển cao hơn mực nước biển hiện tạikhoảng từ 4 đến 5 mét, và toàn bộ vùng đất Nam Kỳ ngày nay đều chìm trong biển nước. Cách nay khoảng trên 3.000 năm thì mực nước biển rút bớt đi một nửa, rồi lại tiếp tục rút dần cho đến ngày nay. Sau khi nước rút, cả vùng mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Kỳ biến thành một vùng sình lầy cả ngàn năm hoang vu trước khi có những cư dân cổ đến trú ngụ tại đây. Thời cận đại mặc dầu vùng Tầm Bôn và Lôi Lạp hãy còn nhiều vùng trũng nhưng đa phần đã cao hơn mực nước biển từ một đến hai mét. Theo những thư tịch cổ cũng như những khai quật các di chỉ khảo cổ học, con người đã đến vùng phía bắc Tầm Bôn và Lôi Lạp khoảng ba hoặc bốn ngàn năm về trước. Họ là cư dân cổ thuộc những bộ tộc Stiêng, Mạ, Chu Ru, vân vân. Sau đó vào thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch, người Phù Nam đã đến đây và định cư trên các giồng đất cao. Nhờ có nguồn nước ngọt quanh năm trên các giồng cao nên có lẽ họ sinh sống bằng nghề làm rẫy. Ngày nay chúng ta còn thấy những dấu tích cư dân cổ trên các giồng Tre, giồng Cát, thuộc xã Yên Luông, giồng Tháp thuộc xã Niên Tây, giồng Sơn Qui thuộc xã Niên Trung, giồng Nâu thuộc xã An Hòa, giồng Bà Lẫy, Bà Canh, giồng Đình thuộc xã Tân Thành, giồng Ông Đi thuộc xã Thạnh Nhựt, giồng Ông Huê thuộc xã Vĩnh Bình, và giồng Trôm thuộc xã Bình Long, vân vân. Tuy nhiên, sau khi vương quốc Phù Nam bị thuộc quốc Chân Lạp tiêu diệt vào khoảng cuối thế kỷ thứ VI, đầu thế kỷ thứ VII thì hầu như cả vùng mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Phần đã bị bỏ hoang. Vào những thế kỷ thứ XVI và XVII khi hai xứ Đàng Trong và Đàng Ngoài của Đại Việt đang tranh chấp quyết liệt, đã có rất nhiều cư dân xứ Đàng Trong, đa số là lưu dân của các vùng Thuận Quảng, đã âm thầm ra đi đến vùng đồng bằng miền Đông lập nghiệp. Thoạt tiên họ đến các vùng Mô Xoài Bà Rịa để khai khẩn những vùng đất cao, rồi những cư dân kế tiếp lại đi xa hơn về phía Nam đến những vùng kế cận đồng bằng sông Cửu Long ngày nay. Họ đi bằng đường biển vào các cửa Soài Rạp, cửa Tiểu, cửa Đại, tức là địa phận của vùng Lôi Lạp ngày ấy. Thời đó, mặc dầu hãy còn hoang vu nhưng đây là một vùng đất hứa vì nơi nầy có vị thế gần biển rất thuận tiện và đất đai rất phì nhiêu.

Nguồn Gốc Địa Danh Gò Công Và Việc Thu Phục Vùng Đất Nầy:

Địa danh ‘Lôi Lạp’(9) là tên của một cửa biển có nhiều mũi đất, xưa thuộc vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ 6 sau Tây lịch. Sau đó thuộc vương quốc Chân Lạp. Còn tên Gò Công mãi về sau nầy mới có, có lẽ lấy từ tên Gò Khổng Tước, do vua Minh Mạng đổi tên. Có lẽ vì vùng nầy dưới thời vua Minh Mạng có nhiều gò cao, nơi có nhiều chim công trú ngụ, hoặc giả lúc mới bắt đầu có lưu dân Việt Nam di cư vào đây thì theo truyền thuyết có một người đàn bà tên Công, mở quán bán thức ăn trên một cái gò cho dân đến khẩn hoang, nên người ta gọi là quán “Gò Bà Công”, về sau người ta gọi tắc thành “Gò Công”. Từ những thế kỷ thứ 9 và 10, vương quốc Chân Lạp chia thành hai vương quốc: Thủy Chân Lạp(10) và Lục Chân Lạp(11). Khi Miên vương hiến vùng đất nầy cho xứ Đàng Trong thì vùng nầy thì vùng nầy là một vùng rừng rậm hoang vu, đầm lầy, sông ngòi chằng chịt, với nhiều thú dữ trên rừng, và đầy dẫy cá sấu, rắn và trăn dưới nước. Có thể nói lúc đó vùng nầy hầu như không có cư dân. Nếu có, chỉ lác đác vài xóm nhà Miên trên các giồng đất cao. Ngày nay cửa biển nầy thuộc quận Tân Hưng, tỉnh Gò Công. Theo Chân Lạp Phong Thổ Ký vào cuối thế kỷ thứ XIII, đầu thế kỷ thứ XIV, Châu Đạt Quan đã mô tả lại chuyến đi rất sống động: “Rời bến Ôn Châu(12) đi qua Định Vị, Phước Kiến(13), đến biển An Nam, rồi đến xứ Chiêm Thành, 15 ngày sau ông đến Chân Bồ(14). Từ Chân Bồ theo hướng Tây Nam đi ngang qua biển Côn Lôn và vào cửa sông. Sông nầy có hàng chục ngả, nhưng ta chỉ có thể vào được cửa thứ tư(15), các ngả khác có nhiều bãi đất cạn, thuyền lớn không đi vào được. Nhìn lên bờ chúng tôi thấy toàn là cây mây cao vút, cổ thụ, cát vàng, lau sậy trắng, thoáng qua không dễ gì biết được lối vào, thế nên các thủy thủ cho rằng rất khó mà tìm đúng cửa sông.” Như vậy vào thế kỷ thứ 13, vùng Lôi Lạp chỉ là một cửa sông với nhiều bãi đất cạn, thuyền bè không thể ra vào được.
Cuộc hôn nhân giữa công nữ Ngọc Vạn(16) và quốc vương Cao Miên là Chey Chetta II(17) vào năm 1623 đã mở đầu cho những cuộc di dân vào miền Nam của những lưu dân cùng khổ vùng Thuận Quảng. Về sau nầy, người dân miền Trung, nhất là nông dân các vùng Quảng Nam và Quảng Ngãi được các chúa Nguyễn Phúc Tần và Nguyễn Phúc Chu khuyến khích di cư vào vùng Thủy Chân Lạp lập nghiệp. Đa số đã vào đây trên những chuyến ghe bầu vào vùng Mô Xoài(18), Đồng Nai(19), vân vân.
Mặc dầu lúc đó những vùng đất nầy vẫn còn trực thuộc vương quốc Cao Miên, nhưng một số khác vẫn dong buồm đi thẳng vào cửa Soài Rạp, hoặc cửa Tiểu và cửa Đại để lên vùng mà bây giờ là Gò Công hay Mỹ Tho. Họ thường cất nhà trên các gò cát hay những giồng đất cao, nơi có sẵn nhiều nguồn nước ngọt, rất tiện lợi cho sinh hoạt hằng ngày cũng như việc canh tác ruộng rẫy.
Trước khi quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng mệnh chúa Nguyễn vào Nam kinh lược vùng đất Nông Nại, toàn vùng Thủy Chân Lạp, tức miền Nam Việt Nam ngày nay đều trực thuộc vương quốc Chân Lạp. Sau năm 1698, mặc dầu trên mặt hành chánh, xứ Đàng Trong chỉ cai quản hai phủ Phước Long và Tân Bình, nhưng trên thực tế, các chúa Nguyễn đã mặc nhiên xem toàn vùng là lãnh thổ của vương quốc mình. Hồi nầy các vùng Tân An và Gò Công chịu sự cai quản và thâu thuế của phủ Tân Bình, dinh Phiên Trấn, tức vùng Gia Định ngày nay. Đến đời Nguyễn Phúc Chú (1725-1738), vào năm 1731, Nặc Tha dâng đất Long Hồ và Mỹ Tho cho Trần Đại Định, nên chúa cho lập Dinh Long Hồ. Và vào năm 1736, sau khi Mạc Cửu qua đời, Chúa Nguyễn Phúc Chú phong cho con cả của Mạc Cửu là Mạc Thiên Tứ tiếp tục làm Tổng Trấn Hà Tiên. Đây là thời kỳ cực thịnh của vùng Hà Tiên về cả quân sự, kinh tế, lẫn văn học. Về quân sự, Thiên Tứ cho tuyển mộ binh sĩ tinh nhuệ, đắp thành lũy kiên cố; về kinh tế thì mở phố chợ và hải cảng buôn bán với thuyền bè nước ngoài, về văn học mở Chiêu Anh Các, mà hiện vẫn còn quyển “Hà Tiên Thập Vịnh.” Như vậy chỉ trong vòng 5 năm dưới thời chúa Phúc Chú mà tướng quân Trần Đại Định đã giúp đưa cả một vùng đất bao la bạt ngàn về sáp nhập với Việt Nam, và Mạc Thiên Tứ đã giúp chúa Nguyễn một cách đắc lực trong việc phòng thủ về phía cực Nam.
Năm 1756, vua Nặc Nguyên của vương quốc Chân Lạp bị thất trận trước quân đội nhà Nguyễn, bèn dâng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp để chuộc tội. Sau khi thu nhận Tầm Bôn và Lôi Lạp, chúa Nguyễn cho sáp nhập hai phủ nầy vào tổng Kiến Hòa, châu Định Viễn, dinh Long Hồ. Khi Miên vương chính thức dâng 2 phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp cho xứ Đàng Trong, thì vùng Lôi Lạp hầu như không có cư dân bản địa, nếu có thì chỉ là một vài xóm nhà Miên trên các giồng đất cao. Vì vậy khi người Việt bắt đầu đổ xô đến đây để khai hoang lập ấp thì những người Miên nầy bỏ đi nơi khác. 
Hồi nầy vùng Lôi Lạp được sáp nhập vào tổng Kiến Hòa, châu Định Viễn, dinh Long Hồ(20). Đến năm 1779, vùng Lôi Lạp trực thuộc tổng Kiến Hòa, huyện Kiến Khương, dinh Trường Đồn(21). Hồi nầy vùng Lôi Lạp chính thức được đổi tên làm huyện Tân Hòa, thuộc tỉnh Định Tường. Năm 1841, huyện Tân Hòa được nâng lên làm phủ Hòa Thạnh, gồm hai huyện Tân Hòa và Tân Thạnh.
Sau khi thu nhận hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp, chúa Nguyễn vừa phải nỗ lực phát triển vùng Thuận Quảng, mà cũng vừa phải đưa nhân lực vào khai khẩn vùng đất mới thu nhận này. Để nhanh chóng khai thác những vùng đất mới này, chúa Nguyễn cho phép quan lại và địa chủ mộ người đi khẩn hoang và cho phép biến tất cả những ruộng đất vừa mới khai phá thành ruộng tư. Một lực lượng đáng kể được các chúa Nguyễn sử dụng trong công cuộc khai phá đất phương Nam là quân đội. Những lúc tạm ngừng chiến tranh, các chúa Nguyễn chia bớt một số quân sĩ chuyển sang khai hoang lập đồn điền cho chúa. Tuy nhiên, phần lớn đất đai mà quân sĩ khai phá được đều rơi vào tay các tướng tá Nguyễn Triều. Một vấn đề khác cũng khá quan trọng xảy ra dưới thời các chúa Nguyễn là vì muốn nhanh chóng biến xứ Đàng Trong thành một vùng sản xuất phát triển nên các chúa Nguyễn đã cho phép địa chủ và quan lại nuôi nô tỳ trong địa hạt cai quản của mình. Chính vì vậy mà thời này phát triển mạnh việc buôn bán nô tỳ(22). Chính nhờ vậy mà chẳng bao lâu sau đó toàn xứ Đàng trong trở nên giàu có, nhưng đa phần của cải vật chất nằm trong tay địa chủ và quan lại. Nói về cương vực thì Lôi Lạp là một trong 17 cửa biển lớn của thành Gia Định vào đầu thế kỷ thứ XIX. Chính vì vậy mà đa số dân di cư đến khẩn hoang lập ấp tại vùng Gò Công đều đi bằng đường biển vào. Họ đi từ các vùng Ngũ Quảng, một số đến Bà Rịa và ở lại đó khai khẩn miền Đông, một số khác tiếp tục đi vào các cửa Soài Rạp, cửa Tiểu, cửa Đại... tức là vùng Lôi Lạp của Chân Lạp, ở lại các giồng đất cao, rồi từ từ đi sâu vào nội địa để khẩn đất, vì vùng nầy có địa thế gần biển và đất đai lại phì nhiêu và nước ngọt lại có sẵn trên các giồng rất thuận tiện. Ngày nay chúng ta còn thấy chứng tích của các giồng đất cao(23) nầy như giồng Tre, giồng Cát thuộc xã Yên Luông, giồng Tháp thuộc xã Tân Niên Tây, giồng Sơn Qui thuộc xã Tân Niên Trung, giồng Nâu thuộc xã An Hòa, giồng Bà Lẫy, giồng Bà Canh, giồng Đình thuộc xã Tân Thành, giồng Ông Đi thuộc xã Thạnh Nhựt, giồng Ông Huê thuộc xã Vĩnh Bình, và Giồng Trôm thuộc xã Bình Long, vân vân.

Địa Linh Nhân Kiệt Xứ Gò Công:

Gò Công là vùng đất rất đặc biệt của miền Nam, nơi đả sản sanh ra không biết bao nhiêu nhơn kiệt cho đất nước. Ngoài chuyện vùng đất nầy đã từng là nơi dung thân cho rất nhiều anh hùng hào kiệt như Võ Tánh, Trương Công Định, vân vân. Chính Gò Công đã từng là quê hương của dòng họ Phạm Đăng, ngoại tổ của vua Tự Đức, và của những nữ lưu nổi tiếng khắp cả nước như Hoàng Thái Hậu Từ Dũ, Nam Phương Hoàng Hậu...Ngoài ra, Gò Công còn là quê hương của nhà tiểu thuyết tiên phong của miền Nam Hồ Biểu Chánh.
Gò Công là địa bàn hoạt động của quân Đông Sơn do tướng Đỗ Thành Nhơn và Võ Nhàn(24). Sau khi Võ Nhàn và tướng Đỗ Thành Nhơn bị Nguyễn Ánh bức hại, Võ Tánh kéo tàn quân Đông Sơn về cố thủ vùng Mười Tám Thôn Vườn Trầu ở Hóc Môn, nhưng bị quân Tây Sơn truy đuổi. Võ Tánh phải rút toàn bộ tàn quân về Gò Công để lập căn cứ chống lại quân Tây Sơn. Hiện còn di tích Gò Tre, căn cứ địa nơi Võ Tánh đã xây thành đắp lũy kiên cố. Quân Tây Sơn đã nhiều lần kéo đến vây đánh, nhất là trận Đầm Vạn Thắng tại xã Bình Ân ngày nay, nhưng không phá hủy được căn cứ địa nầy. Về sau Võ Tánh theo phò Nguyễn Ánh, được phong làm ‘Tiền Phong Dinh Khâm Sai Tổng Nhung Chưởng Cơ’ và được Nguyễn Ánh gả em gái là công chúa Ngọc Du. Năm 1788, nhân cơ hội đại quân Tây Sơn đang phải đối phó với giặc Thanh ở phương Bắc, Võ Tánh kéo quân Đông Sơn ra chiếm các vùng lân cận thành Gia Định. Sau đó Võ Tánh được Nguyễn Ánh sai đi đánh các vùng Diên Khánh, Bình Khang và Phú Yên. Năm 1793, Võ Tánh được thăng chức Khâm Sai Quán Suất Hậu Quân Dinh Bình Tây Tham Thắng Tướng Quân Hộ Giá, tước Quận Công, và lãnh chức Đại Tướng Quân vào năm 1794. Năm 1797, theo Nguyễn Ánh ra đánh Qui Nhơn và Quảng Nam. Võ Tánh và Ngô Tùng Châu được Nguyễn Ánh cho giữ thành Quy Nhơn, nhưng bị quân Tây Sơn vây hãm liên tiếp trong 3 năm, nên ngày 27 tháng 5 năm 1802 (Tân Dậu), Võ Tánh đã tự thiêu trên lầu thành, và Ngô Tòng Châu đã uống thuốc độc tự sát. Hiện vẫn còn đền thờ của Võ Tánh tại Giồng Tre. Dưới thời Nguyễn Ánh đang thành lập ‘Kinh Gia Định’, tại Bình Luông Tây thuộc Gò Công đã sản sanh ra một bậc kỳ tài, đó là quan Chưởng Cơ Mai Tấn Huệ. Nguyên là sau khi Võ Tánh bị thất trận Mười tám Thôn Vườn Trầu và kéo tàn quân về giồng Tre ở Gò Công, ông Mai Tấn Huệ đã đến gặp Võ Tánh để xin đầu quân. Mai Tấn Huệ đã nhanh chóng trở thành một vị tướng tài trong đội quân Đông Sơn. Về sau ông đã giúp Nguyễn Ánh khôi phục lại nghiệp đế. Năm 1802, ông được vua Gia Long phó thác cho việc xây dựng kinh thành Phú Xuân. Khoảng năm 1805, ông được thăng chức Chưởng Cơ và được vua Gia Long cho làm trấn thủ Bình Định. Ông còn giúp nhà vua bình định giặc cướp Cây Na, giặc cướp Tàu Ô ở cửa biển Kim Bồng, và giặc Mán ở Quảng Ngãi. Sau khi về hưu, ông trở về quê cùng dân chúng Gò Công xây đắp đập nước sông Rạch Già, hiện vẫn còn được dân chúng gọi là ‘Đập Ông Chưởng’.
Nói đến Gò Công là phải nói tới ‘Đám Lá Tối Trời’ tại Cần Giuộc của Phó Quản Trương Định(25). Vào cuối thời vua Tự Đức, ông làm chức Phó Quản Cơ ở Gia Định, vì vậy mà ông còn được gọi là Phó Quản Định. Khi quân Pháp xâm chiếm ba tỉnh miền Đông, vua Tự Đức sai Nguyễn Tri Phương vào Nam xây đồn Kỳ Hòa chống Pháp. Lúc nầy Trương Công Định được sung vào quân thứ. Tuy nhiên, ít lâu sau, đồn Kỳ Hòa thất thủ, ba tỉnh miền Đông rơi vào tay quân Pháp. Triều đình ký hòa ước bãi binh với Pháp và phong cho ông chức Lãnh Binh An Giang. Vì lòng yêu nước thương dân, ông đã không tuân theo lệnh của triều đình, trả lại quan chức và quyết tâm ở lại Gia Định để tổ chức kháng chiến chống Pháp. Ông đã có công chiêu mộ dân đến vùng nầy khai hoang lập ấp và xây dựng chiến khu chống thực dân Pháp. Năm Nhâm Tuất 1862, nghĩa quân của Trương Định đã bắt đầu lập căn cứ ở xã Thuận Thành, quận Cần Giuộc ngày nay. Nghĩa quân bắt đầu tấn công mạnh mẽ các đồn binh Pháp tại các vùng Bà Hom, Phú Lâm, Bến Lức, Tân An, Cái bè, vân vân. Tuy không phải là người gốc Gò Công, nhưng cuộc đời ông đã gắn liền với đất Gò Công qua cuộc khởi nghĩa chống Pháp ngay từ những ngày đầu thực dân đặt gót giày xâm lược lên đất nước thân yêu. Một viên thanh tra người Pháp tên Paulin Vial, người đã từng trông thấy Trương Công Định nhiều lần, đã mô tả Trương Công Định như sau: “Trương Định có vóc dáng người cao, mảnh mai, gương mặt đầy đặn, nước da trắng, có vẻ phong lưu công tử, nhưng tánh tình rất cương nghị, điềm tĩnh, can đảm mà hào phóng, quyết đoán mà đa mưu. Là người am hiểu binh thư, tinh thông võ nghệ và có tài bắn súng, lại là người có lòng yêu nước nồng nàn và tình cảm sâu sắc với nhân dân.” Lúc Pháp mới chiếm Nam Kỳ, nhờ vị thế đặc biệt của Gò Công với những sông rạch chằng chịt, chen lẫn những giồng đất với cây cối rậm rạp, nên Gò Công đã nhanh chóng đóng vai trò tiên phong trong phong trào kháng chiến chống giặc trên cả nước. Riêng phần Trương Công Định, do được nhiều người ngưỡng mộ tài đức của mình, nhứt là các thân hào nhân sĩ và những phú hộ trong vùng, nên ông đã thiết lập được căn cứ kháng chiến vững chắc ngay từ những ngày giặc Pháp vừa cưỡng chiếm miền Nam. Bên cạnh đó, Gò Công còn là quê ngoại của vua Tự Đức, nên Đô Đốc Charner của Pháp chỉ tiến hành tổ chức guồng máy cai trị tại tỉnh Định Tường, chứ không thiết lập guồng máy cai trị ngay tại Gò Công, mà chỉ cho đóng một đồn binh tại đó mà thôi. Chính vì thế mà Trương Công Định đã có thì giờ thiết lập tại vùng nầy một căn cứ địa thật vững chắc, và đã đánh cho Pháp quân nhiều trận thất điên bát đảo. Địa bàn kháng chiến của nghĩa quân Trương Công Định không chỉ giới hạn trong vùng Gò Công, mà lan tỏa ra khắp miền Đông. Trương Công Định đã liên kết với các lãnh tụ khác như Thủ Khoa Huân ở Mỹ Tho, Nguyễn trung Trực ở Tân An, và Bùi Huy Diệu ở Cần Giuộc, vân vân. Tuy nghĩa quân chỉ được trang bị bằng gươm giáo và một ít súng trường tịch thâu được của pháp, trong khi vũ lực của Tây rất mạnh, nhưng với lòng yêu nước nồng nàn, nghĩa quân đã khiến cho Pháp phải lo ngại e dè. Ngày 16 tháng 12 năm 1861, nghĩa quân Cần Giuộc đã đánh đồn Tây tại Cần Giuộc, tuy thất bại, nhưng đã gây được một tiếng vang lớn. Ngày 16 tháng 12 năm 1862, nghĩa quân đã đánh chiếm đồn Rạch Tra, chỉ cách Sài Gòn chừng 15 cây số. Sau đó nghĩa quân lại giao chiến với quân Pháp tại Rạch Lá, ở giồng Sơn Qui, Cửa Khâu. Đâu đâu nghĩa quân cũng thắng Pháp một cách oanh liệt. Ngày hôm sau, 17 tháng 12 năm 1862, nghĩa quân tập kích chiến thuyền của Pháp trên sông Bến Lức và bao vây đồn Phước Hòa. Cùng ngày ấy, nghĩa quân lại đánh đồn Thuộc Nhiêu, cách Mỹ Tho khoảng 20 cây số về phía tây. Đến sáng ngày 18 tháng 12 năm 1862, nghĩa quân bao vây đồn Long Thành(26). Đêm 17 rạng sáng ngày 18 tháng 12 năm 1862, nghĩa quân tập kích pháo thuyền Alarme trong vùng Gò Công và đồng thời tấn công vùng Rạch Kiến, cũng như đẩy lùi cuộc tấn công của Đô Đốc Bonard. Cuối cùng thực dân Pháp phải quyết định bỏ ngỏ Gò Công và rút quân về Gia Định. Nhưng sau những trận đánh quyết liệt của nghĩa quân, thực dân Pháp phải quyết định mở mặt trận lớn ở Gò Công để hành quân càn quét nghĩa binh. Ngày 28 tháng 2 năm 1863, Pháp dùng thủy bộ tấn công, riêng thủy quân Pháp do Đô Đốc Thủy Quân Jaurès đem 10 tàu chiến tới đánh Gò Công. Vì thế cô và thiếu vũ khí nên Pháp quân đã triệt hạ gần hết thành lũy của nghĩa quân vùng Tân Hòa(27). Nghĩa quân phải rút về các vùng Phước Lộc và Lý Nhơn để bảo toàn lực lượng. Đến ngày 25 tháng 9 năm 1863, Pháp lại tiến chiếm luôn vùng Phước Lộc và Lý Nhơn. Trương Công Định phải đưa 1.800 nghĩa quân còn lại về vùng Kiển Phước-Bình Xuân và nương vào địa thế hiểm yếu của đám lá tối trời ở Gia Thuận để củng cố lực lượng. Tại đây, Trương công Định và nghĩa binh vẫn tiếp tục gây dựng lại cơ sở để chiến đấu và gây cho Pháp nhiều thiệt hại nặng nề. Nhưng tháng 8 năm 1864, nghĩa quân bị vây tại ‘Đám Lá Tối Trời’ thuộc vùng Kiển Phước-Gia Thuận, bên bờ sông Soài Rạp, ông bị tên đội Tấn, một cựu nghĩa binh làm phản vì thù Trương Định đã phạt kỷ luật ông năm xưa, nên hắn dẫn Tây vào bao vây Trương Định. Trong trận phục kích này anh hùng Trương Định bị trúng đạn, vì không muốn bị giặc bắt nên ông đã dùng gươm tự sát để đền nợ nước vào năm mới 44 tuổi. Hiện vẫn còn ngôi mộ ông tại khu vực gần chợ Gò Công(28). Mộ ông được xây bằng đá ong với hồ ô dước, luôn được dân chúng vùng Gò Công tu bổ và chăm sóc kỹ lưỡng. Trong khu mộ chỉ có một ngôi miếu nhỏ và lăng mộ cũng rất đơn giản. Bên ngoài có vòng tường và hàng rào cây, phía trên mộ có hai chữ ‘Trung Nghĩa’. Hiện tại lăng mộ của anh hùng Trương Định lúc nào cũng khói hương nghi ngút, dân chúng khắp nơi, hễ có dịp về Gò Công là người ta tìm đến viếng mộ và lễ bái Ngài. Hiện tại trong xã Phú Tân, thuộc quận Gò Công Đông hãy còn di tích Lũy Pháo Đài, mặt Đông xoay ra biển, mặt Bắc trông ra cửa Tiểu, có đập đá phòng ngự, mặt Tây có Rạch Đồn và được áng ngữ bởi một vùng sình lầy rộng lớn, còn mặt Nam là một dãy trại được bao bọc bởi đám rừng chà là đầy gai góc. Bờ lũy được xây đắp bằng đá ong rất vững chắc, cao khoảng 8 mét, chân bờ khoảng 5 mét, trên mặt bờ lũy rộng khoảng từ 2 đến 2,5 mét. Bốn phía có cổng và vọng gác rất kiên cố. Trong đồn có kho vũ khí, đạn dược, và lầu chỉ huy. Đây là một trong những chứng tích oai hùng của dân tộc Việt Nam tại miền Nam, dù cho giặc Pháp muốn phá hủy, chúng cũng không tài nào tiêu hủy hết những chứng tích này được. Ngoài ra, Gò Công tuy hãy còn quá nhiều những mái tranh nghèo lụp xụp, nhưng chính mảnh đất ấy đã sản sanh ra không biết bao nhiêu là nhân kiệt cho đất nước.
Gò Công đã một thời vang bóng là quê hương bên ngoại của những vị vua triều
Nguyễn. Ngoài những anh hùng xả thân vì nước, vùng đất ấy đã hai lần sản sanh ra nhiều vị hoàng hậu cho Nguyễn Triều. Đó là các bà Đinh thị Hạnh(29), Hoàng Thái hậu Từ Dũ(30) và Nam Phương Hoàng Hậu Nguyễn Hữu Thị Lan(31). Cách thị xã Gò

Công chừng 2.5 cây số hiện còn rất nhiều lăng mộ tổ tiên bên ngoại của vua Tự Đức, gồm có mộ của ông Phạm Đăng Hưng là ông ngoại vua Tự Đức, mộ của ông Phạm Đăng Long là cha của Phạm Đăng Hưng(32). Ngoài ra, Gò Công còn là quê hương của giám mục Nguyễn Bá Tòng (1868-1949), luật sư Vương quang Nhường(33), và nhà văn Hồ Biểu Chánh(34), một tiểu thuyết gia nổi tiếng của miền Nam vào khoảng tiền bán thế kỷ thứ XX.

Danh Lam Thắng Cảnh Và Di Tích Lịch Sử Tại Gò Công:
Nói đến Gò Công mà không đề cập đến khu lăng mộ ‘Hoàng Gia’ là một thiếu sót lớn. Lăng được khởi xây từ năm 1826, gồm khu mộ dòng họ Phạm và khu nhà thờ họ Phạm. Toàn khu kiến trúc theo lối cung đình nhà Nguyễn(35). Đây là một quần thể kiến trúc mộ cổ lớn với 14 lăng mộ và một đền thờ trên một diện tích khoảng 5 mẫu đất. Vương triều nhà nguyễn xem đây là khu Thánh địa của bên ngoại, vì ngoài những bà hoàng hậu từ các thời Minh Mạng, Thiệu Trị, đến Thành Thái... dòng họ Phạm ở Gò Công còn là dòng họ của những quan đại thần có công rất lớn đối với triều Nguyễn. Theo hiệp ước năm 1874, người Pháp làm chủ hoàn toàn cả vùng đất Nam Kỳ, nhưng chừa lại 51 mẫu ruộng để dòng họ Phạm làm chủ, lấy huê lợi trùng tu và cúng tế. Tất cả những người trong thân tộc họ Phạm đều được miễn thuế thân và miễn quân dịch. Như vậy, dưới thời pháp thuộc, vùng Lăng Hoàng Gia đã trở thành một vùng đất độc lập duy nhất còn sót lại của Việt Nam “Hoàng Triều Cương Thổ”. Ngoài khu Lăng Hoàng Gia, còn có khu cổ mộ của bà Dương thị Hương, phu nhân của quan Đốc Phủ Sứ Gò Công, chiếm một diện tích khoảng 50 mét vuông. Sau cùng là khu cổ mộ họ Huỳnh, tọa lạc trên một khu đất rộng khoảng một mẫu đất. Đây là khu mộ với những kiến trúc và chạm khắc rất tinh xảo nhất.
Gò Công có ngôi chùa cổ như chùa Phật Linh, được xây từ năm 1826, và năm 1851 Hòa Thượng Chơn Hội đứng ra trùng tu và đổi tên lại là Thanh Trước. Hiện tại chùa hãy còn lưu giữ nhiều di vật quý báu như tượng Đức Bổn Sư và chân dung của Tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi. Ven biển giữa hai xã Kiểng Phước và Vàm Láng, quận Gò Công Đông có ngôi đền thờ cá Ong(36) (cá voi), mỗi năm nhằm ngày 10 tháng 3 âm lịch, người ta tổ chức lễ hội nghinh Ông. Rạng sáng ngày 10 tháng 3 âm lịch, các vị sư bắt đầu tụng kinh, sau đó dân làng dâng lễ vật, rồi thuyền nghênh ông được trang hoàng lộng lẫy đi từ rạch Vàm Láng tiến ra sông Xoài Rạp. Trong lễ rước, người ta khởi tấu nhạc lễ, ca xướng, các thuyền đều kết hoa. Sau đó là lễ cúng vong Ông, và đưa Ông về an vị tại đền. Trong ngày hội này, dân chúng khắp nơi trong vùng ai nấy đều tổ chức ăn uống, vui chơi và trình diễn âm nhạc tưng bừng.
Dù bây giờ người ta có gọi nó là gì đi nữa thì cả nước đều biết đến vùng đất nầy qua quá trình lịch sử của chính nó từ ngày dân ta bắt đầu cuộc Nam Tiến cho đến ngày nay. Phải thành thật mà nói, dầu Gò Công là vùng đất đã sớm được khai thác của miền Nam, và trong suốt thế kỷ thứ XIX, nó đã trở thành vùng đất trù phú và là vựa lúa của miền Nam, nhưng tầm quan trọng của nó đã giảm dần theo thời gian, có lẽ vì sự cạn kiệt của tài nguyên thiên nhiên, nhứt là trong vùng Gò Công Đông từ sau năm 1975, có nhiều thanh niên đã phải rời bỏ quê hương để đi lập nghiệp nơi khác. Hiện nay nếu so sánh với các vùng khác tại miền Nam, thì sự phát triển kinh tế của vùng đất Gò Công hãy còn chậm và tiềm năng kinh tế chưa được khai thác đúng mức. Đáng lý nền kinh tế của Gò Công phải phát triển trội hẳn hơn các vùng khác vì Gò Công có nhiều yếu tố thuận lợi hơn như vị trí nằm sát cạnh Sài Gòn, mặt phía Đông lại tiếp cận với biển, còn mặt Bắc và mặt Nam lại tiếp cận với sông Vàm Cỏ và sông Mỹ Tho, và bên trong lại có con sông Cửa Tiểu chảy xuyên qua. Thêm vào đó, hai tiếng Gò Công luôn hấp dẫn mọi người với những di tích lịch sử nổi tiếng, với thắng cảnh cũng như sự nồng ấm của con người tại đây. Hiện nay, cầu Mỹ Lợi đã được xây dựng để thay thế cho những chiếc phà chậm chạp trước đây, đường bộ từ Sài Gòn về Gò Công trên quốc lộ 50 không còn mất nhiều thì giờ như trước đây nữa. Cửa sông Soài Rạp về phía Bắc của Gò Công ngày càng trở nên quan trọng cho địa bàn kinh tế toàn vùng, nhứt là những khu kinh tế thuộc các huyện Cần Đước và Cần Giuộc của thành phố Sài Gòn hiện nay. Chắn chắn trong một tương lai không xa, với sự nhiệt tình cố gắng của người dân tại đây, mong rằng Gò Công sẽ vươn lên ngang hàng hoặc có thể vượt lên các vùng lân cận về mọi mặt.

Đặc Sản Gò Công:

Hồi còn khẩn hoang, các bậc tiền hiền khai khẩn và hậu hiền khai cơ trên vùng đất Gò Công đã tìm đến những vùng đất gò hoặc đất giồng cao ráo để cất nhà làm rẫy, vì trên những vùng đất nầy lúc nào cũng có nước ngọt quanh năm. Hiện tại vẫn còn di tích trên các giồng như giồng Tre, giồng Cát, thuộc xã Yên Luông, giồng Tháp thuộc xã Tân Niên Tây, giồng Sơn Qui thuộc xã Tân Niên Trung, giồng Nâu thuộc xã An Hòa, giồng Bà Lẫy, giồng Bà Canh và giồng Đình thuộc xã Tân Thành, giồng Ông Đi thuộc xã Thạnh Nhật, giồng Ông Huê thuộc xã Vĩnh Bình, và giồng Trôm thuộc xã Bình Long. Sau khi đã khai phá xong các vùng đất giồng trên cao, lưu dân Việt Nam bắt đầu để ý đến việc canh tác lúa nước tại các vùng đất thấp. Đến khoảng giữa hậu bán thế kỷ thứ XVIII, dân Nam Kỳ đã cấy được hàng chục loại lúa và nếp khác nhau, lúa nếp lại thơm ngon hơn miền Trung và miền Bắc nên bán ra rất được giá. Chính nhờ những chánh sách dễ dãi của các chúa Nguyễn nên chỉ một thế kỷ sau đó, tức là vào khoảng giữa thế kỷ thứ XIX, các vùng đất thấp, đầm lầy và các khu rừng rậm trong vùng Tầm Bôn và Lôi Lạp đều được khai khẩn để làm ruộng lúa nước. Ngoài việc canh tác lúa nếp, dân Gò Công còn trồng dưa hấu và trái sơ ri (cherry). Theo các nhà canh nông thì đất Gò Công chứa nhiều chất kali nên dưa hấu Gò Công có ruột rất đỏ và giòn. Phần lớn dưa hấu Gò Công có giống trái tròn, nặng từ 5 đến 7 kí lô. Về trái sơ ri, có lẽ nó đã được trồng tại Nam Kỳ từ thời còn khẩn hoang. Cây sơ ri cao khoảng từ 3 đến 5 mét, tàng cây không lớn lắm, trái chỉ lớn khoảng bằng ngón tay cái, khi chín có màu đỏ, bóng láng, có 3 múi, có vị chua chua ngọt ngọt, trọng lượng trung bình khoảng từ 4 đến 5 gờ ram mỗi trái. Trái sơ ri chứa nhiều sinh tố C. Người ta nói một ly nước ép sơ ri khoảng 180 mili lít có hàm lượng sinh tố C tương đương với 14 lít nước cam tươi (?).
Nếu bên Bến Tre nổi tiếng về mắm còng Bình Châu thì mắm còng bên cù lao Tân Thới của Gò Công cũng nổi tiếng ngon không kém, mà số lượng mắm còng Tân Thới thì lớn hơn bên Bình Châu rất nhiều. Mắm còng được làm từ con còng lột, cũng như bên Bình Châu (Bến Tre), mỗi năm cứ đến chạng vạng ngày Tết Đoan Ngọ (mồng 5 tháng 5), dân cù lao Tân Thới đổ xô đi soi còng lột. Thường thì bên Bình Châu người ta chỉ làm mắm còng trong gia đình, nhưng bên Tân Thới, người dân ở đây soi còng rồi đem giao cho các lò mắm quanh vùng ngoại ô chợ Gò Công, nên việc làm mắm còng bên Gò Công có qui mô thật lớn. Bên cạnh mắm còng, Gò Công còn nổi tiếng với mắm tôm chà. Gò Công là xứ biển nên trữ lượng hải sản của vùng biển Gò Công không phải là nhỏ. Mỗi ngày ngư dân ở đây đánh bắt một số lượng tôm tép và cá thật lớn, dư dùng cho cả tỉnh. Từ chỗ tôm tép tươi không kịp tiêu thụ, người ta nghĩ ra cách làm mắm tôm chà và từ đó tiếng tăm mắm tôm chà cũng nổi tiếng theo cái tên Gò Công vốn dĩ đã nổi tiếng lắm rồi. Thường thì 4 kí tôm có thể làm được 1 kí mắm tôm chà. Mắm tôm chà là một thứ nước chấm ngon tuyệt khi người ta ăn bánh tráng cuốn thịt, tôm, tép, đủ các loại rau.
Gò Công không lớn nhưng có ba cửa biển lớn, đó là cửa Soài Rạp, Cửa Tiểu và Cửa Đại. Bên cạnh đó đất Gò Công chằng chịt với hệ thống kinh rạch và sông ngòi, nên cá tôm của Gò Công phải nói là rất nhiều, nhất là tôm tép. Đặc biệt tại vùng biển Vàm Láng, cửa Soài Rạp, có một loại hải sản rất quý, đó là con sam. Sam có vỏ cứng như vỏ cua, mình tròn và dẹp, đường kính khoảng một gang tay, có tám chân nhỏ, phần đầu là mũi nhọn ba cạnh dài cỡ 2 tấc, nặng khoảng 1 kí lô. Mùa sam rộ là vào khoảng từ tháng 10 đến tháng 2 âm lịch. Thường người ta chỉ bắt sam để lấy trứng nên không bắt sam đực. Món ăn chính từ sam chỉ là đem nướng sam để lấy trứng cuốn với rau thơm, đậu phộng và nước mắm chanh tỏi ớt. Đây là một món ăn vừa ngon mà vừa bổ vì trứng sam chứa nhiều chất đạm hơn bất cứ loại thịt nào.

Gò Công Dưới Thời Các Vua Chúa Nhà Nguyễn:
Năm 1698, chúa Nguyễn sai quan Chưởng Cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Nông Nại. Nguyễn Hữu Cảnh đặt đất Lôi Lạp dưới quyền cai quản của quận Tân Bình, thuộc dinh Phiên Trấn, vùng Gia Định ngày nay. Nhờ trước đây cả dân Phù Nam lẫn dân Chân Lạp đều là những sắc dân bán du mục, họ canh tác theo lối du canh nên đất đai vùng Tầm Bôn Lôi Lạp(7) nói riêng, và cả vùng Nam Kỳ nói chung đều được xem như là những vùng đất mới, hãy còn mầu mỡ. Bên cạnh đó, thiên tai bão lụt và hạn hán cũng ít hơn so với các vùng Thuận Quảng, và quan trọng hơn hết là các quan lại địa phương hãy còn dễ dãi, chưa thẳng tay bốc lột nên càng ngày dân chúng Thuận Quảng càng đổ xô về đây lập nghiệp. Đa số họ đi theo đường biển từ miền trung vào Nam, rồi vô bằng các cửa Soài Rạp, cửa Tiểu hoặc Cửa Đại để đi sâu vào nội địa vùng đất Gò Công. Một số đi tự túc, số còn lại theo đoàn người đi khẩn hoang. Đến đây họ tìm đến những vùng đất gò hoặc đất giồng cao ráo để cất nhà làm rẫy, vì trên những vùng đất nầy lúc nào cũng có nước ngọt quanh năm. Hiện tại vẫn còn di tích trên các giồng như giồng Tre, giồng Cát, thuộc xã Yên Luông, giồng Tháp thuộc xã Tân Niên Tây, giồng Sơn Qui thuộc xã Tân Niên Trung, giồng Nâu thuộc xã An Hòa, giồng Bà Lẫy, giồng Bà Canh và giồng Đình thuộc xã Tân Thành, giồng Ông Đi thuộc xã Thạnh Nhật, giồng Ông Huê thuộc xã Vĩnh Bình, và giồng Chôm thuộc xã Bình Long. Sau khi đã khai phá xong các vùng đất giồng trên cao, lưu dân Việt Nam bắt đầu để ý đến việc canh tác lúa nước tại các vùng đất thấp. Đến khoảng giữa hậu bán thế kỷ thứ XVIII đến khoảng giữa thế kỷ thứ XIX, dân Nam Kỳ đã cấy được hàng chục loại lúa và nếp khác nhau, lúa nếp lại thơm ngon hơn miền Trung và miền Bắc nên bán ra rất được giá.
Sau khi Miên vương dâng hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp(7) vào năm 1756, xứ Đàng Trong vẫn chưa kịp thiết lập bộ máy hành chánh. Từ ngày đó đến nay, tùy theo mức độ quan trọng chính trị và kinh tế của từng thời kỳ mà vùng Lôi Lạp được đổi tên khác nhau, nhưng với dân chúng miền Nam thì Gò Công vẫn muôn đời vẫn là Gò Công trong trái tim của mọi người. Năm 1756, xứ Đàng Trong vẫn gọi vùng nầy là phủ Lôi Lạp, nhưng được sáp nhập vào tổng Kiến Hòa, châu Định Viễn, trực thuộc dinh Long Hồ. Năm 1779, vùng đất mang tên Gò Công(37) cũng thuộc tổng Kiến Hòa, huyện Kiến Khương, nhưng lại trực thuộc dinh Trường Đồn. Năm 1787, Võ Tánh chiếm cứ vùng đất nầy làm căn cứ địa đánh nhau với quân Tây Sơn. Năm 1808, thời Gia Long, Lôi Lạp thuộc tổng Hòa Bình, huyện Kiến Hòa, phủ Kiến An, trấn Định Tường. Năm 1831, vua Minh Mạng đặt Lôi Lạp trực thuộc huyện Tân Hòa, tỉnh Định Tường. Đến năm 1841, huyện Tân Hòa được nâng lên làm phủ Hòa Thạnh, gồm hai huyện: Tân Hòa và Tân Thạnh. Cùng năm đó, tức là năm đầu đời vua Thiệu Trị, Gò Công trực thuộc tỉnh Gia Định. Khoảng năm 1850, vùng đất Tầm Bôn và Lôi Lạp(7) đã sớm trở thành trung tâm sản xuất lúa gạo lớn nhất của vùng Gia Định Thành, dư thừa cho nhu cầu của toàn vùng đất Nam Kỳ. Nghĩa là hai vùng đất Tầm Bôn và Lôi Lạp là hai vùng đất được lưu dân khai thác sớm hơn so với các phần đất còn lại của vùng đồng bằng sông Cửu Long. Đến hậu bán thế kỷ thứ XIX, người ta bắt đầu khai khẩn các vùng đất mà bây giờ là miền Tây Nam Phần. Riêng vùng đất Lôi Lạp, tức Gò Công ngày nay, đến mãi cuối thế kỷ thứ XIX, nơi đây vẫn còn là một hoang địa. Dọc theo bờ biển từ Vàm Láng xuống Tân Thành và Cửa Tiểu, nhiều rừng rậm chưa được khai phá. Lúc đó, nơi đây hãy còn là một khu rừng ngập mặn đầy những cây đước, vẹt, xú, giá, mắm, sơn, chà là và dừa nước, vân vân. Nhờ đó mà sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, nghĩa quân mới dùng những ‘Đám Lá Tối Trời’ để làm căn cứ địa chống Pháp.

Gò Công Dưới Thời Pháp Thuộc:
Sau khi lấn chiếm miền Nam, thực dân Pháp đưa Gò Công lên làm hạt do một quan Tham Biện người Pháp cai quản. Lúc đó vùng thị xã Gò Công không có nước ngọt, nên người Pháp đã cho đào một cái ao vuông, mỗi cạnh 100 mét. Họ lấy đất lên để đắp bờ và làm thành một con đường chung quanh ao, có chu vi khoảng 3.000 mét, và mặt đường rộng trên 5 mét, được dùng làm trường đua ngựa. Trong khi nước ngọt trong ao được sử dụng trong sinh hoạt cần thiết hằng ngày của dân chúng trong vùng, vì lúc đó Gò Công chưa có nhà máy nước, và chưa có kinh và trạm bơm Tham Thu. Hiện ‘Ao Trường Đua’(38) vẫn còn nằm cạnh tỉnh lộ 862, đường đi Tân Hòa, Tân Thành. Năm 1999, trong chương trình khuyến khích khách du lịch, chánh quyền mới đã cho lót đá quanh bờ và xây lan can quanh ao. Năm 1993, khối Cộng Đồng Âu Châu đã tài trợ cho huyện Gò Công Đông đào ao trữ nước ngọt tại xã Vàm Láng. Ao có bề dài 200 mét, rộng 100 mét. Hiện tại ao là nguồn cung cấp nước quan trọng cho toàn xã Vàm Láng. Từ năm 1864 đến nay, vùng đất Gò Công luôn bị thay đổi danh xưng hành chánh tùy theo tầm mức quan trọng của Gò Công đối với từng thời đại(39). Dưới thời Minh Mạng, Gò Công(40) là huyện Tân Thành, thuộc tỉnh Định Tường. Năm 1864, sau khi chiếm xong ba tỉnh miền Đông, thực dân Pháp cho đổi huyện Tân Hòa ra làm sở Tham Biện Gò Công. Vào năm 1873, riêng vùng Lôi Lạp, dù diện tích toàn vùng rất nhỏ so với các vùng khác, cũng có đến 28.246 mẫu đất canh tác lúa, trong khi Vĩnh Long cũng chỉ có 28.784 mẫu, Mỹ Tho 34.238 mẫu, và Chợ Lớn bao gồm vùng Cần Đước và Cần Giuộc có 37.340 mẫu. Tuy diện tích canh tác lúa của vùng Lôi Lạp vào hậu bán thế kỷ thứ 19 nhỏ hơn so với các vùng khác, đứng hàng thứ tư sau Chợ Lớn, Mỹ Tho và Vĩnh Long, nhưng Lôi Lạp, lúc bấy giờ đã có tên là Gò Công, vẫn còn giữ vị trí bậc nhất về sản xuất lúa trong Nam Kỳ. Mãi đến đầu thế kỷ thứ XX thì vị trí hàng đầu nầy mới di chuyển về miền Tây. Đây là vùng đất nằm về phía nam huyện Tân Thịnh, ruộng vườn màu mỡ, thóc gạo chứa chan; có giồng Trúc, giồng Bầu, giồng Trâm, giồng Cương, thật là hiểm trở. Năm 1892, Gò Công được Pháp nâng lên làm Sở Tham Biện Gò Công, nhưng đến năm 1900, thực dân Pháp lại bãi bỏ sở Tham Biện Gò Công và đổi Gò Công ra làm huyện, thuộc tỉnh Mỹ Tho. Tuy nhiên, sau đó người Pháp nhìn thấy tầm quan trọng của vùng đất Gò Công, nên ngày 30 tháng 8 năm 1906, chánh quyền thuộc địa đã chỉ định một Ủy Ban hành chánh phụ trách việc phân định ranh giới cho các vùng biển giữa các làng Phú Thạnh Đông của Gò Công và Thừa Đức của Mỹ Tho; để rồi đến năm 1924, người Pháp lấy 2 quận Hòa Đồng và Gò Công để thành lập tỉnh Gò Công; tuy nhiên, lúc bấy giờ tỉnh Gò Công được đặt dưới thẩm quyền của chủ tỉnh Mỹ Tho(41). Theo bản đồ hành chánh Nam Kỳ thời Pháp thuộc, Gò Công có 5 tổng với 40 xã thôn: Hòa Đồng Hạ, Hòa Đồng Trung, Hòa Đồng Thượng, Hòa Lạc Thượng và Hòa Lạc Hạ. Theo thống kê của La Cochinchine vào năm 1899, dân số toàn tỉnh Gò Công là 101.117 người, đa số là người Việt, kế đến là người Hoa, nhưng rất ít người Khmer. Đa số người Việt thì làm ruộng rẫy, còn người Hoa thì làm bánh, mua bán tạp hóa, mua bán tơ lụa, vựa lúa gạo, rau quả, vân vân.

Gò Công Thời Cận Đại:
Chỉ nằm cách Sài Gòn không hơn 50 cây số đường chim bay, nhưng Gò Công là một vùng trũng nước “đồng chua nước mặn” vì nó được ôm trọn về phía Bắc và phía Nam bởi các cửa sông lớn như cửa Soài Rạp, cửa Tiểu và cửa Đại. Đa phần đất đai Gò Công là đất phèn và mặn, chưa sẵn sàng cho việc trồng trọt, nên việc phát triển canh nông trong vùng hãy còn bị hạn chế rất nhiều. Từ những năm 1954 đến năm 1975, dầu chánh quyền thời Cộng Hòa cũng rất ưu tiên cho việc xây dựng và phát triển vùng đất Gò Công, nhưng lúc đó đất nước đang trong tình trạng chiến tranh nên kế hoạch dẫn thủy nhập điền luôn bị trở ngại. Chính vì vậy mà mỗi năm vùng Gò Công Đông chỉ làm được một mùa lúa vào mùa mưa, đến mùa nắng thì toàn bộ cánh đồng bị “phèn lừng” nên không làm gì được. Sau chiến tranh, người dân hồi cư về lại những vùng ven biển, tiếp tục dẫn thủy nhập điền để thuần hóa đất đai, nên hiện tại đất đai khả dĩ canh tác được tại vùng Gò Công Đông đã tăng nhiều so với thời chiến tranh. Theo thống kê mới đây, ruộng canh tác được của Gò Công Đông đã tăng thêm 54.000 mẫu, có thể canh tác từ 2 đến 3 vụ mùa hàng năm. Bên cạnh đó, hiện nayvùng Gò Công Đông đang phát triển trên 7.500 mẫu nuôi thủy sản vùng nước pha chè(42), với nhiều loại có giá trị kinh tế cao như nghêu, sò huyết, tôm sú tại vùng nước lợ; và tôm càng xanh, các loại cá nước ngọt, và cá bè dọc theo sông Tiền. Riêng vùng Gò Công Tây, nhờ nguồn nước ngọt từ sông Tiền nên đất đai phì nhiêu, ruộng vườn xanh tốt. Đây là khu “miệt vườn” sung túc nhất của Gò Công. Miền nầy, chẳng những lúa có thể làm được hai hoặc ba vụ, mà người dân còn lên liếp lập vườn dừa. Hiện vùng Gò Công Tây có trên 3.000 mẫu dừa và khoảng gần 2.500 mẫu vườn cây ăn trái. Khác với các vùng khác ở miền Nam, nhờ có những gò đất cao và sông rạch chằng chịt nên vùng Gò Công Tây không bị lũ lụt hàng năm, vì nước vừa dâng cao lên là thoát ra ngay các cửa sông qua ngả các sông rạch nhỏ. Bên cạnh những khu ruộng vườn xanh mát, dân Gò Công Tây còn phát triển các ngành chăn nuôi thủy hải sản, cũng như những ngành biến chế dầu dừa và sản phẩm làm từ cây dừa như than gáo dừa, thảm xơ dừa, dây xơ dừa, vân vân. Nhờ đó mà kinh tế vùng Gò Công Tây khá phát triển.
Năm 1955, chánh quyền Đệ Nhất Cộng Hòa bãi bỏ tỉnh Gò Công, tái lập quận Gò Công, thuộc tỉnh Định Tường. Đến cuối năm 1963, theo sắc lệnh số 36-TTP, ký ngày 20 tháng 12 năm 1963, chánh quyền Đệ Nhị Cộng Hòa quyết định tái lập tỉnh Gò Công(43). Ngày 31 tháng 12 năm 1963, vì lý do an ninh lãnh thổ, chánh phủ đã ký nghị định số 425-TTP/ĐVHC, dời quận lỵ quận Hòa Đồng đến xã Vĩnh Bình. Tiếp theo đó, để dễ bề kiểm soát an ninh, theo nghị định số 551-NV, ký ngày 6 tháng 4 năm 1965, chánh phủ quyết định chia 2 quận Châu Thành và Hòa Đồng ra làm 4 quận: Hòa Tân, Hòa Lạc, Hòa Đồng và Hòa Bình. Như vậy, lúc đó, Gò Công có 4 quận: Hòa Lạc, Hòa Tân, Hòa Đồng và Hòa Bình. Về phía bắc giáp Long An, nam giáp Bến Tre, tây giáp Định Tường và đông giáp biển Đông(44).
Sau năm 1975, chính quyền mới chia tỉnh Gò Công ra làm hai huyện, đó là Gò Công Đông và Gò Công Tây, rồi sáp nhập vào tỉnh Định Tường để thành lập tỉnh Tiền Giang, Bắc giáp Long An, Tây giáp Đồng Tháp, Đông giáp biển Đông, Nam giáp Bến Tre. Tiền Giang hiện tại có tổng diện tích khoảng 2.367 cây số vuông, gồm thị xã Gò Công và các quận Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành (Mỹ Tho), Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông, và Tân Phước. Dân số của hai tỉnh Mỹ Tho và Gò Công nhập lại khoảng 1.649.300 người. Dầu hiện nay Gò Công trực thuộc tỉnh Tiền Giang, nhưng hầu hết nhân dân vùng Gò Công vẫn tự xem mình đang sống trong tỉnh Gò Công của năm nào. Và dầu dưới hình thức địa danh hành chánh nào, Gò Công vẫn được cả nước biết đến do những âm vang của một thời hoàng kim của vùng đất nầy. Mà thật vậy, vùng đất nầy không những sản sinh ra những nữ lưu nổi tiếng khắp cả nước như Hoàng Thái Hậu Từ Dũ, Nam Phương Hoàng Hậu, mà còn nổi tiếng về tiềm năng cả trên bộ lẫn dưới biển, cả về nông nghiệp, lẫn ngư nghiệp (thủy hải sản), Gò Công xứng đáng được tái lập ranh giới hành chánh của một tỉnh, để nhân dân Gò Công có đầy đủ cơ sở phát triển hết khả năng kinh tế của tỉnh nhà.
Theo Tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam năm 2009, thị xã Gò Công có diện tích là 102 cây số vuông, dân số 55.200 người, mật độ trung bình là 541 người trên một cây số vuông. Huyện Gò Công Đông có diện tích là 267,7 cây số vuông, dân số 143.418 người, mật độ trung bình là 536 người trên một cây số vuông. Huyện Gò Công Tây có diện tích là 180,2 cây số vuông, dân số 134.768, mật độ trung bình là 748 người trên một cây số vuông. Như vậy, hiện nay chỉ riêng tại thị xã Gò Công và 2 huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây, tổng dân số đã lên đến trên 400 ngàn người.

Sông Rạch Và Bờ Biển Gò Công:
Gò Công cũng có biển Tân Thành(45), nhưng nước biển không trong xanh như ở Vũng Tàu hay Nha Trang mà là một màu đỏ xám đục ngầu. Bãi biển Gò Công không có cát vàng cát trắng như các bãi biển miền trung, mà chỉ là một bãi cát bùn màu nâu đen. Vùng biển Gò Công có khu Vàm Láng, cách tỉnh lỵ Gò Công chừng 13 cây số(46). Đây là một trong những địa phương cung cấp thủy hải sản cho toàn vùng Gò Công và cho cả Sài Gòn-Gia Định nữa. Gò Công có 8 con sông lớn, biến Gò Công thành một dãy đất phù sa màu mỡ. Sông Xoài Rạp, nằm về phía Đông Bắc giữa Gò Công và Biên Hòa, đây là cửa sông Đồng Nai. Sông Vàm Cỏ nằm về phía Bắc tỉnh Gò Công và Long An. Sông Cửa Tiểu, một trong 9 cửa của sông Cửu Long, sông này có rất nhiều phụ lưu, bên hữu ngạn thuộc Phú Thạnh Đông có rạch Cạn, rạch Bà Lắm, sông Mã, rạch Nò, rạch Bần Bọng, rạch Quẹo, rạch Ô Kim, rạch Bà Tài và rạch Tán Dù, bên phía Tân Thới có rạch Kinh Nhiếm, rạch Lý Quàn Trên, rạch Lồ Ồ, rạch Vọp, rạch Dứa, bên tả ngạn có rạch Gà, rạch Sáu Thoàn, rạch Vàm Rồng. Sông Cửa Đại có những phụ lưu bên Phú Thạnh Đông như rạch Bà Từ, rạch Thôn Sâm, rạch Gảnh, rạch Lý Quàn Dưới, rạch Cả Thu, rạch Mương, rạch Bãi Bùn, rạch Kinh Nhiếm. Sông Cửa Trung nằm giữa cù lao Lợi Quan và các cù lao Ba Nở và cù lao Cậu. Sông Vàm Rồng bắt nguồn từ sông Cửa Tiểu chảy qua Vĩnh Hựu, bên tả ngạn có rạch Đông, bên hữu ngạn có rạch Cầu Ngang chảy qua hai xã Bình Phục Nhì và Thành Nhựt. Rạch Gò Công, con rạch lớn nhứt của Gò Công chảy qua tỉnh lỵ, kinh Vĩnh Lợi rồi đổ ra sông Cửa Tiểu, bên hữu ngạn có những rạch Qui Sơn nối liền với rạch Tổng Châu, rạch Già, rạch Bằng, bên tả ngạn có rạch Cần Giờ, rạch Gò Dừa. Sông Tra là một phụ lưu lớn của sông Vàm Cỏ khi chảy ngang qua địa phận Gò Công. Theo đường quốc lộ 50 từ Sài Gòn về Gò Công phải vượt qua sông bởi bến phà Mỹ Lợi, xã Phước Đông thuộc quận Cần Đước, tỉnh Long An. Bên kia bờ sông là địa phận xã Mỹ Lợi thuộc huyện Gò Công Đông. Khúc sông tại bến phà nầy rộng khoảng 1.315 mét. Bên phía hữu ngạn, sông Tra chảy vào phía Long An; bên phía tả ngạn, nó chảy vào Đồng Sơn với những phụ lưu như sông Hươu, rạch Kiến, rạch Ô-Kính, rạch Đào, rạch Lá và kinh Chợ Gạo. Tưởng cũng nên nhắc lại, kinh Chợ Gạo mà người Pháp đặt tên là kinh Duperré là một trong những dòng kinh rất quan trọng trong địa phận Gò Công. Chính vì thế mà vào năm 1909 và năm 1913, người Pháp đã ban hành hai nghị định về việc đi lại cũng như kéo xà lan trên dòng kinh nầy. Đến ngày 13 tháng 9, năm 1913, chánh quyền thuộc địa ban hành nghị định về việc nạo vét lại kinh Chợ Gạo(47). Gò Công có biển dài khoảng 23 cây số, có một bãi cát khá tốt ở khúc Tân Thành. Vì phía Đông giáp biển, còn ba phía khác là sông và một hệ thống chằng chịt sông ngòi kinh rạch nên khí hậu Gò Công, dù là khí hậu nhiệt đới, nhưng chỉ nóng từ tháng giêng đến tháng ba tại những vùng đất giồng, còn lại các nơi khác đều mát mẻ dễ chịu. Ngoài hải và thủy sản ra, Gò Công còn trồng lúa, bắp, khoai, mướp, dưa, cải, cà, vân vân. Gò Công không có rừng rậm nhiều nên không có thú rừng mà chỉ có gia súc và gia cầm như trâu, bò, heo, gà, vịt... Nguồn lợi lớn nhất của Gò Công từ xưa đến nay vẫn luôn là lúa gạo, kế đến là thủy sản và hải sản. Tưởng cũng nên nhắc lại là vào thế kỷ thứ XIX, Gò Công đã sớm trở thành cái nôi sản xuất lúa gạo lớn nhất cho Thành Gia Định, vì mặc dầu trực thuộc xứ Đàng Trong sau vùng dinh Long Hồ(48), nhưng cư dân vùng Ngũ Quảng từ miền ngoài vào, đến đây đã phải choáng ngộp với sự mầu mỡ của đất đai, nên đa số họ đã dừng lại định cư tại đây. Chính vì vậy mà vùng đất Gò Công được khai khẩn sớm hơn so với các vùng khác của Đồng Bằng Sông Cửu Long. Ngay từ năm 1873, dầu diện tích toàn vùng rất nhỏ so với các vùng khác, nhưng đất canh tác lúa của Gò Công lúc đó đã lên đến 28.246 mẫu so với Vĩnh Long 28.784 mẫu, Mỹ Tho 34.238 mẫu, và Chợ Lớn(49) 37.340 mẫu. Tuy nhiên, sự mầu mỡ của đất đai nên Gò Công luôn đứng đầu về sản xuất lúa gạo tại Nam Kỳ. Về sau nầy, khi thực dân Pháp đã đào xong những con kinh lớn ở miền Tây như kinh Xáng Xà No, kinh Phụng Hiệp, kinh Quản Lộ và kinh Cán Gáo(50), vân vân, thì các tỉnh miền Tây mới bắt đầu vượt lên Gò Công về lúa gạo.

Giao Thông Đường Bộ Tại Gò Công:
Về giao thông đường bộ, ngay từ giữa thế kỷ thứ XIX, dưới thời vua Tự Đức, nhà vua đã cho đắp ‘con đường sứ’ nối Gia Định với giồng Sơn Quy để tiện việc liên lạc với quê ngoại của mình(51). Gò Công có liên tỉnh lộ nối Gò Công Sài Gòn, dài khoảng 13 cây số. Tỉnh lộ 21, nối Gò Công Long An, dài khoảng 6 cây số. Tỉnh lộ 50 nối Gò Công, Nhà Bè, và cắt quốc lộ 4, nay là quốc lộ 1A, tại Thủ Đức. Từ quốc lộ 1A khúc Bình Chánh, người ta có thể rẽ trái trên hương lộ 826 đi đến tỉnh lộ 50 để về Gò Công. Trên quốc lộ 1A từ Sài Gòn về Bến Lức, trước khi tới Bến Lức người ta có thể rẽ trái trên tỉnh lộ 18 sau đó gặp tỉnh lộ 50 để đi về Gò Công. Tỉnh lộ 24, bây giờ là tỉnh lộ 50, nối Gò Công Mỹ Tho, dài khoảng 33 cây số. Hương lộ 1 dài 11 cây số nối Gò Công đến xã Tân Phước. Hương lộ số 2 dài khoảng 8,5 cây số nối liền Tân Phước đến Vàm Láng. Hương lộ số 3 dài khoảng 9,8 cây số nối liền Gò Công Kiểng Phước. Hương lộ 4 dài khoảng 5 cây số chạy từ quận Hòa Lạc đến sông Cửa Tiểu. Hương lộ 5 dài khoảng 4 cây số chạy từ An Hòa đến Bình Ân. Hương lộ 6 dài khoảng 18 cây số chạy từ Gò Công qua Long Hựu đến quận lỵ Hòa Bình. Hương lộ 7 dài khoảng 18 cây số chạy từ Gò Công qua Vàm Giồng đến quận lỵ Hòa Đồng. Hương lộ 8 dài 7 cây số từ Vĩnh Bình đi Long Hựu. Hương lộ 9 dài 7 cây số nối Bình Luông Đông đến Thạnh Trị. Hương lộ 10 dài 4,5 cây số từ Bình Luông Đông đến Phú Thanh Đông. Hương lộ 11 dài 5 cây số chạy từ Bình Tân đến Bình Long. Hương lộ 12 dài khoảng 8,5 cây số chạy từ Hòa Đồng đến Thạnh Nhựt. Hương lộ 13 dài khoảng 17 cây số chạy từ Tân Niên Tây đến Đồng Sơn. Hương lộ 14 dài khoảng 3 cây số chạy từ Thành Công đến tỉnh lộ 50. Hương lộ 15 dài khoảng 19 cây số nối Đồng Sơn với Bình Thạnh Đông. Hương lộ 16 dài khoảng 25 cây số nối Phú Thạnh Đông và Tân Thới.

Chú Thích:


(1) Sa Huỳnh là vùng biển nằm về phía Nam của Quảng Ngãi.
(2) Công nữ Ngọc Vạn, người được chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả cho vua Chey Chetta II vào năm 1620.
(3) Vùng Sài Gòn-Chợ Lớn ngày nay.
(4) Tức hai vùng Mỹ Tho và Long Hồ.
(5) Có sách viết là nguyễn Phúc Hượt.
(6) Đó là Trấn Biên Dinh (Biên Hòa), Phiên Trấn Dinh (đất Định Tường lúc nầy trực thuộc Phiên Trấn Dinh), Long Hồ Dinh và Hà Tiên Trấn.
(7) Hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp là các vùng Tân An và Gò Công sau nầy. Có sách viết là chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát thâu nhận 2 phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp vào năm 1755. Theo Đại Nam Thực Lục, Tập Một, Viện Khoa Học Xã Hội VN, Viện Sử Học, NXB Giáo Dục, 2006, tr. 155, tại xứ Chân Lạp, năm Mậu Thìn, tháng giêng năm 1748, trước đó Nặc Tha (con của Nặc Yêm) lên vua. Nặc Thâm từ nước Xiêm về, nhưng vua Nặc Tha không nhận, nên Nặc Thâm kéo quân Xiêm La về đánh Nặc Tha. Nặc Tha chạy sang Gia Định. Nặc Thâm bèn lên ngôi vua. Sau khi Nặc Thâm băng hà, ba người con của ông là Nặc Đôn, Nặc Hiên và Nặc Yếm tranh ngôi vua. Lúc đó bề tôi của Nặc Thâm là Sô Liên Tốc nổi lên cướp phá vùng Mỹ Tho. Hữu Doãn nhân đó đem quân tiểu trừ, rồi thừa thắng tiến đánh tận Nam Vang. Chúa Võ Vương sai Hữu Doãn đưa Nặc Tha về nước lên ngôi vua. Tháng 6, năm 1748, Nặc Nguyên (con thứ hai của Nặc Thâm) lại đem quân Xiêm La về đánh đuổi vua Nặc Tha rồi lên ngôi vua. Nặc Tha chạy về Gia Định rồi bệnh chết tại đó. Nặc nguyên bèn lên ngôi vua Chân Lạp. Cũng theo Đại Nam Thực Lục, Tập Một, tr.164, lúc bấy giờ có một số người Chiêm ở trấn Thuận Thành, sau khi đất đai bị người Việt chiếm cứ, đã chạy sang Chân Lạp, gọi là người Côn Man. Nặc Nguyên thường đánh cướp người Côn Man. Được tin nầy, năm 1753, chúa Võ Vương sai Cai Đội Thiện Chính (không rõ họ) và quan Ký Lục Nguyễn Cư trinh đem quân đánh Chân Lạp. Nặc Nguyên chạy đến đất Tầm Phong Thu. Sau đó Nguyễn Cư Trinh đem quân hộ tống 5 ngàn người Côn Man về đóng tại núi Bà Đen. Chúa Võ Vương bèn sai Trương Phúc Du làm thống suất, dùng người Côn Man làm hướng đạo tiến đánh Nam Vang. Nặc Nguyên thua chạy về Hà Tiên, nương tựa với Mạc Thiên Tứ. Năm Cảnh Hưng thứ 17, 1756, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ làm trung gian xin hiến đất hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp cũng như lễ cống còn thiếu 3 năm trước để chuộc tội. Nguyễn Cư Trinh thuyết phục chúa Võ Vương nhận lời. Đại ý tờ trình của Nguyễn Cư Trinh lên chúa Nguyễn: “Trước kia, việc dùng binh chẳng qua là để giết bọn cừ khôi và mở mang thêm đất đai. Nay Nặc Nguyên đã biết ăn năn, nạp đất, xin hàng, nếu truy cho đến cùng lời nói dối ấy thì chắc nó chạy trốn. Nhưng từ đồn binh Gia Định đến La Bích (thủ đô Chân Lạp thời bấy giờ), đường sá xa xôi, nghìn trùng muôn thác, không tiện đuổi đến cùng. Muốn mở mang đất đai cũng nên lấy hai phủ nầy (từ Gia Định ngang qua Mỹ Tho đến Cửu Long), trước để củng cố mặt sau của hai dinh (Trấn Biên và Phiên Trấn). Nếu bỏ gần mưu xa, e rằng hình thế cách trở, binh dân không thể liên tiếp, lấy được tuy dễ mà giữ thì thật khó. Trước kia, mở mang phủ Gia Định, tất phải mở trước đất Hưng Phước, rồi đến đất Đồng Nai, khiến quân dân đông đủ, rồi sau mới mở đến Sài Côn. Đó là cái kế “tầm ăn lá dâu”. Nay đất cũ từ Hưng Phước đến Sài Côn chỉ hai ngày đường, dân cư chưa yên ổn, quân giữ cũng chưa đủ, huống chi từ Sài Côn đến tâm Bôn, xa sáu ngày đường, địa thế rộng rãi, dân số đến vạn người, quân chánh quy đóng giữ thật e không đủ. Thần xem người Côn Man giỏi bộ chiến, người Chân Lạp cũng e sợ. Nếu cho họ ở đất ấy, khiến họ chế ngự người Chân lạp, lấy người Man đánh người Man, cũng là đắc sách. Vậy xin cho Chân Lạp chuộc tội, thu lấy đất đai hai phủ ấy, ủy thần xem xét hình thế, đặt lũy, đóng binh, cấp điền sản cho quân dân, vạch rõ địa giới, cho lệ thuộc châu Định Viễn (dinh Long Hồ) để thu lấy toàn thể vùng ấy.”
(8) Đó là các vùng Trà Vinh, Ba Thắc (Sóc Trăng ngày nay), và phủ Tầm Phong Long (Châu Đốc, An Giang, Sa Đéc, và một phần của Vĩnh Long dọc theo bờ sông Hậu).
(9) Vùng đất Gò Công ngày nay.
(10) Miền Nam Việt Nam ngày nay.
(11) Cao Miên ngày nay.
(12) Thuộc tỉnh Triết Giang bên Trung Quốc.
(13) Miền bắc của tỉnh Quảng Đông ngày nay.
(14) Có lẽ là Vũng Tàu ngày nay, và đây cũng chính là biên giới giữa Chiêm Thành và Chân Lạp thời bấy giờ.
(15) Có thể là cửa Tiểu hay cửa Đại ngày nay.
(16) Con gái của chúa Nguyễn Phúc Nguyên.
(17) Tên theo âm tiếng Việt là Nặc Ông Thu đệ nhị.
(18) Mô Xoài tức vùng Bà Rịa ngày nay.
(19) Đồng Nai tức vùng Biên Hòa ngày nay.
(20) Theo Phạm văn Sơn trong Việt Sử Toàn Thư, từ Thượng Cổ đến Hiện Đại, in tại Taiwan 1960, tr. 738.
(21) Năm 1781, dinh Trường Đồn được đổi thành Trấn Định). Năm 1808, vùng Lôi Lạp trực thuộc tổng Hòa Bình, huyện Kiến Hòa, phủ Kiến An, trấn Định Tường. Đến năm Minh Mạng thứ 12, 1831.
(22) Việc buôn bán nô tỳ của xứ Đàng Trong thời đó cũng gần giống như nô lệ bên Âu châu thời Trung Cổ. Theo Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục (1776), một đứa con trai người Man (da đen tóc quăn) dưới 20 tuổi giá 20 quan tiền; tuy nhiên, một đứa con trai người Hời (Chàm trắng) đồng tuổi chỉ bán được với giá 1 quan tiền mà thôi.
(23) Theo Gia Định Thành Thông Chí, quyển III, Cương Vực Chí.
(24) Võ Nhàn là anh ruột của Võ Tánh. Cả hai đều sanh trưởng tại làng Phước Tỉnh, Bà Rịa, thuộc Trấn Biên. Về sau nầy Võ Tánh là một trong những khai quốc công thần của vua Gia Long.
(25) Anh hùng Trương Công Định, sanh năm 1820 tại thôn Trường Định, xã Tư Cung, huyện Sơn Tịnh (có người nói là thuộc huyện Bình Sơn), Quảng Ngãi, tên thật là Trương Định, nhưng người dân quí mến và tưởng nhớ công lao của ông, nên họ luôn gọi ông là Trương Công Định.
(26) Ngày đó Long Thành thuộc vùng Bà Rịa.
(27) Thuộc vùng Gò Công.
(28) Ngôi mộ ông tọa lạc tại đường Lý Thường Kiệt trong châu thành thị xã Gò Công.
(29) Bà Đinh thị Hạnh, quê quán ở vùng Tân Hòa, thuộc Gò Công, một trong những bà phi vua Thiệu Trị. Sau đó bà tiến cử người cháu mình là Phạm thọ Hằng vào cung.
(30) Theo Thái văn Kiểm trong “Đất Trời Việt Nam”, Sài Gòn: NXB Nguồn Sống, 1960, tr. 544, bà Từ Dũ tên thật là Phạm thị Hằng, sinh ngày 19 tháng 5 năm Gia Long thứ 9 (1810) tại giồng Sơn Qui, Gò Đông Đông. Theo gia phả thì tổ tiên của bà từ Quảng Ngãi vào Gò Công lập nghiệp từ hồi vùng nầy còn mang tên Lôi Lạp với rừng bụi hoang vu. Bà là con gái lớn của quan Thượng Thư Bộ Lễ Phạm Đăng Hưng. Năm 14 tuổi bà được tiến cung và về sau nầy trở thành quý phi của vua Thiệu Trị. Năm 15 tuổi bà sanh Diên Phước công chúa, sau đó là Thứ Trưởng công chúa và Dực Tôn Anh hoàng đế tức là vua Tự Đức. Bà mất năm 1901 tại Huế. Hoàng Thái Hậu Từ Dũ là một người đàn bà hiền đức, làu thông kinh sử và kinh nghiệm trường đời. Bà đã có ảnh hưởng rất lớn đến vua Tự Đức, vì theo sách sử triều Nguyễn thì Tự Đức là một ông vua rất có hiếu với mẹ.
(31) Hoàng hậu Nguyễn Hữu Thị Lan, có tên Pháp là Marie Thérèse, sanh năm 1914 tại Gò Công, con của ông Nguyễn Hữu Hào và bà Lê thị Bình. Năm 1926, bà sang Pháp du học và trở về nước năm 1932 trên cùng một chuyến tàu với vua Bảo Đại. Năm 1934, bà kết hôn với vua Bảo Đại và được phong làm Nam Phương Hoàng Hậu. Cuộc đời Nam Phương Hoàng Hậu đã trải qua nhiều bước thăng trầm. Năm 1945, sau khi Bảo Đại thoái vị, bà và các con đã sang sinh sống bên thủ đô Ba Lê của nước Pháp. Năm 1954, bà nhiệt tình ủng hộ vua Bảo Đại trong việc đưa Ngô Đình Diệm về nước làm Thủ Tướng. Nhưng sau khi Bảo Đại bị Ngô Đình Diệm truất phế và tịch biên toàn bộ tài sản, bà trở nên thống hận và cay đắng với các chánh khách Việt Nam thời đó. Chính vì vậy mà kể từ đó cho đến khi qua đời, bà đã không một lần nào quay trở về thăm Việt Nam, mà cũng chẳng hề liên lạc hay gặp gỡ bất cứ ai, kể cả cựu hoàng Bảo Đại. Năm 1958, nhằm tránh mặt tất cả báo chí, bà và các con đã rời bỏ Ba Lê để về vùng Chabrignac (Làng Chabrignac nằm trong tỉnh Corrèze, khoảng trên 500 cây số về phía Nam Ba Lê). Bà mất ngày 14 tháng 9 năm 1963 tại làng Chabrignac.
(32) Quốc Công Phạm Đăng Hưng sanh năm 1764 và mất năm 1825. Ông là thân phụ của bà Từ Dũ. Quê quán tại xã Tân Niên Đông, thuộc Gò Công Đông ngày nay. Ông thi đậu cống sĩ, tương đương với tú tài trong kỳ thi hương tại Gia Định, được bổ làm quan Lễ Sinh trông coi việc văn thư, dưới quyền của ông Trịnh Hoài Đức. Về sau ông được thăng chức Lại Bộ Tham Tri. Năm 1805, ông được vua Gia Long phong chức Chưởng Trưởng Đà Sự và có nhiều uy thế trong triều. Năm 1813, được thăng chức Hiệp Hậu Đại Học Sĩ, kiêm Lễ Bộ Thượng Thư trông coi việc triều chánh. Ông mất năm 1825, được truy tặng Hàm Vinh Lộc Đại Phu. Đến đời Tự Đức, ông được truy phong Cần Chánh Điện Đại Học Sĩ, tước Đức Quốc Công, được thờ ở miếu Trung Hưng Công Thần và liệt tự vào đền Hiền Lương.
(33) Vương quang Nhường là phò mã của vua Thành Thái.
(34) Hồ Biểu Chánh tên thật là Hồ văn Trung, sanh ngày 1 tháng 10 năm 1885 tại làng Bình Thạnh, Gò Công. Ông học cả chữ Nho lẫn chữ quốc Ngữ và Pháp ngữ. Năm 1905, ông đậu bằng Thành Chung, được bổ đi làm làm thông phán tại các tỉnh miền Nam. Đến năm 1935, ông được thăng chức Đốc Phủ. Ông đã sáng tác hơn 100 quyển tiểu thuyết, với lối văn bình dị mà đi thẳng vào lòng người miền Nam, vì nội dung của hầu hết tiểu thuyết của ông mô tả lại cuộc sống của người dân ở nông thôn. Những quyển nổi tiếng như ‘Ngọn Cỏ Gió Đùa’, ‘Cha Con Nghĩa Nặng’, ‘Cay Đắng Mùi Đời’, ‘Nặng Gánh Cang Thường’, vân vân. Ông mất năm 1958.
(35) Kiến trúc theo lối cung đình nhà Nguyễn phỏng theo lối cung đình nhà Thanh.
(36) Tương truyền khi Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi gắt gao tại đảo Côn Sơn, may nhờ có trận bão lớn thổi qua, nên quân Tây Sơn phải kéo quân về Gia Định. Nhờ đó mà Nguyễn Ánh thoát được vòng vây, nhưng khi thuyền của Nguyễn Ánh vừa ra khỏi Côn Sơn đã bị những cơn sóng lớn dập vùi. Trước cơn sóng dữ, chiếc thuyền lại quá mỏng manh, nên những tay thủy thủ của Nguyễn Ánh gần như buông xuôi chờ chết. May nhờ có hai con cá voi nâng đỡ và đưa thuyền vào đến bãi biển Vàm Láng. Nhớ ơn nầy Nguyễn Ánh phong cho đôi cá voi là ‘Nam Hải Đại Tướng Quân’. Từ đó, cá voi được các ngư dân gọi một cách tôn kính là cá ông, và khi cá ông chết người ta gọi là ‘Ông lụy’, chứ không dùng chữ chết. Mãi đến ngày nay, dân chài lưới ở biển vẫn còn được cá ông giúp đỡ trong các cơn bão biển. Chính vì thế mà mỗi khi gặp cảnh ông lụy, người ta thường tống táng rất chu đáo theo đúng nghi thức của một vị ‘Nam Hải Đại Tướng Quân’.
(37) Tên Gò Công hay Gò Khổng Tước có từ thời vua Minh Mạng. Nguyên vào thời vua Minh Mạng thì vùng đất nầy có nhiều gò cao và hãy còn nhiều chim công trú ngụ, nên nhà vua cho đổi tên là ‘Gò Công’. Cũng có truyền thuyết cho rằng lúc bắt đầu cuộc di dân vào Nam khẩn hoang lập ấp, tại vùng đất Lôi Lạp có một bà tên Công đến lập nghiệp, bà mở quán buôn bán thức ăn cho những người đi khẩn hoang. Nhờ đất đai mầu mỡ tốt tươi nên người ta đến đây lập nên phố phường trên những vùng đất gò nầy ngày càng đông. Người đời sau nhớ ơn bà Công nên đặt tên cho vùng đất là ‘Gò Công’.
(38) Ao nằm cách chợ Vàm Láng về phía tây khoảng 1,4 cây số, ngay phía bắc tỉnh lộ 871.
(39) Dưới thời nhà Nguyễn Gò Công trực thuộc dinh Trấn Định, tức vùng Mỹ Tho ngày nay.
(40) Như trên đã nói(7), năm 1756 khi quốc vương Cao Miên dâng vùng đất nầy cho chúa Nguyễn thì nó có tên là Lôi Lạp. Chúa Nguyễn đã cho giữ tên Lôi Lạp cho đến năm 1832 mới đổi ra làm huyện Tân Thành.
(41) Bulletin Administratif de la Cochinchine, 1906, No 37, p. 2098-2099; et BAC, 1924, No 12, p. 505.
(42) Dân miền biển nói nước pha chè tức là loại nước lợ, nửa mặn nửa ngọt.
(43) Công Báo Việt Nam, 1964, tr. 268.
(44) Công Báo Việt Nam, 1964, tr. 199; và CBVN, 1965, tr. 1548.
(45) Nếu đi theo tỉnh lộ 24 chừng khoảng 15 cây số về phía đông nam thị xã Gò Công có bãi biển Tân Thành. Về mùa nắng, người dân tại các vùng Mỹ Tho và thị xã Gò Công thường đổ xô ra đây để vừa hóng mát vừa thưởng lãm cảnh quang của biển. Vì đây là biển cát đen nên ít có người tới đây để tắm biển, mà họ chỉ tới để thư giãn và thưởng thức những món ngon của biển mà thôi.
(46) Theo Huỳnh Minh trong “Gò Công Xưa Và Nay”, Sài Gòn: NXB Cánh Bằng, 1969, tr. 183-186, Vàm Láng trước đây là một ấp của xã Kiểng Phước, tọa lạc cách tỉnh lỵ Gò Công lối 13 cây số. Từ Gò Công đi Vàm Láng phải qua sân bay, về Tân Niên Tây, rẽ sang Kiểng Phước, khỏi Đôi Ma và Vàm Láng là cuối con đường của dãy đất liền Gò Công, với diện tích hơn 2 cây số vuông. Dân số Vàm Láng thời nầy lối trên 4.000 người. Hầu hết dân chúng sống ở đây làm nghề đi biển và làm muối. Vàm Láng là vựa cá tôm. Số tôm cá đánh được tại đây cung cấp cho nhu cầu toàn tỉnh và một phần cho thủ đô. Chính vì vị trí quan trọng đó mà Vàm Láng được đổi thành xã từ tháng 6 năm 1966, hệ thống an ninh cũng được tăng cường. Đồn Vàm Láng có binh lính đồn trú khá đông. Dưới thời Pháp thuộc, đó là đồn cảnh sát kiểm soát ghe tàu qua lại, bây giờ đồn có tháp canh, đèn rọi về phía vàm sông để những con nước khuya ghe tàu dễ vào cập bến. Ở Vàm Láng nhà nào cũng phơi cá khô, con ruốc để làm nước mắm. Bất kể ngày đêm, mỗi khi có ghe đánh cá đi vào vàm là người ta tranh nhau cân cá, sau đó họ ướp cá với nước đá rồi đưa lên xe chở về thủ đô. Rừng Vàm Láng không có thú dữ, nhưng đây là khu rừng ngập mặn với vô số tôm cá. Trên bờ sông Cần Lộc có Lăng Ông (lăng cá ông), tuy kiến trúc đơn sơ mà rất trang nghiêm. Hằng năm đến rằm tháng 6 âm lịch dân Vàm Láng tổ chức lễ Nghênh Ông rất trọng thể như ngày Tết không khác. Đối diện với đồn canh là Miễu Bà, bên trong có bàn thờ và bài vị của Bà Tư Có, người có công lập nên ngành chài lưới tại Vàm Láng. Theo truyền thuyết, Vàm Láng ngày xưa là đất hoang vu, nhà cửa thưa thớt; đa số dân sống bằng nghề làm củi hay làm rẫy ven rừng. Trong số những người Minh Hương trong thời giao tranh giữa nhà Thanh và Thái Bình Thiên Quốc của Hồng Tú Toàn bên Tàu, đã bỏ xứ giông buồm định đi Hà Tiên tỵ nạn có Bà Tư Có. Tuy nhiên đoàn ghe vừa tới cửa Cần Giờ thì trời nổi cơn giông bão lớn; ghe Bà Tư Có chòng chành muốn chìm, bỗng dưới biển có hai con cá rất lớn nổi lên cặp hai bên mạn thuyền, nhưng không làm hại gì mà còn giúp cho ghe khỏi chìm. Đó là sông Cần Lộc chảy qua Vàm Láng. Từ đó Bà Tư Có cùng những người Minh Hương lập miếu thờ và gọi là cá ông để tỏ lòng kính mến. Sau khi quan sát tại chỗ, Bà Tư Có thấy chỗ nầy có thể sinh sống bằng nghề đánh cá nên đã lập nên làng đánh cá và phát triển cho tới ngày nay. Sau hơn một trăm năm phát triển, ngành ngư nghiệp Vàm Láng đã có đội ghe thuyền đánh cá gắn máy và hệ thống lưới tân tiến và ngư nghiệp Vàm Láng đã phát triển rất mạnh.
(47) Bulletin Administratif de la Cochinchine, 1909, No 12, p. 647-649; et BAC, 1913, No 42, p. 2331; et BAC, 1913, No 40, p. 2160-2161.
(48) Dinh Long Hồ thời đó bao gồm các vùng Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sa Đéc, Châu Đốc, An Giang, và một phần của Cần Thơ ngày nay.
(49) Kể cả các vùng Cần Đước và Cần Giuộc.
(50) Kinh Quản Lộ Phụng Hiệp-Cà Mau. Kinh Cán Gáo nằm trong vùng U Minh Thượng, Kiên Giang, chảy từ Tắc Cậu đến Thái Bình.
(51) Họ ngoại của vua Tự Đức là dòng họ Phạm Đăng ở Gò Công. Hiện nay vẫn còn lăng mộ trong huyện Gò Công Đông. Mãi đến cuối thế kỷ thứ 19, sau khi người Pháp xâm chiếm Việt Nam, di tích ‘Con Đường Sứ’ bằng đất hầm đi từ Gia Định xuống giồng Sơn Quy vẫn còn. Về sau, người Pháp cho trải đá nối liền thị xã Gò Công ra bến bắc Mỹ Lợi để đi Cần Giuộc và Chợ Lớn. Ngày nay con đường sứ nầy đã trở thành quốc lộ 50, nối liền Gò Công với Chợ Lớn qua cầu Mỹ Lợi. Theo các bô lão địa phương kể lại, hồi nhà vua ra lệnh cho đắp con đường nầy, trong hoàn cảnh thiếu thốn về phương tiện vật chất, lại thêm sơn lam chướng khí, nên khi dân chúng bị bắt đi làm dân phu lao dịch phá rừng, đào mương để lấy đất đắp đường rất cực khổ bị bệnh dịch hoành hành chết rất nhiều, mà bị thú dữ xé xác cũng không ít.

***

Để tiện theo dõi Đất Phương Nam 1, Mời Bạn xem các phàn 1,2,34..ở cột danh mục hai bên.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét