Tổng Quan Về Cuộc Mở Cõi Về Phương Nam Của Dân Tộc Việt Nam:
Năm 939, Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán ra khỏi bờ cõi để giành lại nền độc lập vĩnh viễn cho dân tộc Việt Nam. Lúc đó ranh giới Việt Nam về phía Bắc là Ải Nam Quan và về phía Nam là vùng đất giữa Nghệ An và Hà Tĩnh bây giờ. Trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, trước sức ép cực kỳ thô bạo của một đối phương đông gấp hàng chục lần và cũng mạnh gấp hàng chục lần, cha anh chúng ta không có lựa chọn nào khác là cố giữ những phần đất nào mình có thể giữ được và phải mất đi những phần đất nào đã mất. Hai tỉnh lớn hiện nay của Trung Hoa là Quảng Đông và Quảng Tây đã một thời là lãnh địa của Việt Nam với thành Phiên Ngung mà lịch sử đã một thời đậm nét vẫn chưa phai. Thế rồi bắt đầu từ thế kỷ thứ X dân ta cứ âm thầm tìm lối mở cõi về phương Nam. Năm 1069, biên giới phía Nam của chúng ta đã đến vùng Quảng Trị, rồi Thuận Hóa. Năm 1306, ranh giới được chuyển về phía Nam tỉnh Quảng Nam bây giờ. Năm 1402, mốc ranh giới lại được dời đến Sa Huỳnh, phía Nam Quảng Ngãi. Năm 1471, cuộc Nam tiến đã đến gần Bình Định, giữa Bình Định và Phú Yên ngày nay. Năm 1611, vùng Biên Trấn được dời xuống phía Bắc Khánh Hòa. Năm 1623, những lưu dân Việt Nam đã theo lời kêu gọi của hoàng hậu Sam Đát(1), làm một bước nhảy vọt đến các vùng Kas Krobei và Prei Nokor(2). Rồi năm 1653, xứ Đàng Trong làm chủ vùng Phan Rang, năm 1693 làm chủ vùng Phan Thiết. Năm 1698, quan Kinh Lược Nguyễn Hữu Cảnh đã chính thức tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên vùng đất Nam Kỳ. Tuy nhiên, toàn vùng hãy còn là một tấm da beo tranh chấp giữa Việt Nam và Chân Lạp. Lúc đó ở Đồng Nai quan Kinh Lược đã đặt ra huyện Phước Long, lập Trấn Biên Dinh; ở Sài Gòn đặt ra huyện Tân Bình, Gia Định, lập ra Phiên Trấn Dinh, mỗi dinh đều có quan Lưu Thủ trông coi việc hành chánh, quan cai bộ trông coi về ngân khố và thủ quỹ, quan ký lục trông coi việc hình án. Năm 1731 có tên Sa Tốt, người Lào cư ngụ trên đất Chân Lạp, khởi binh tràn xuống Gia Định tàn sát người Việt Nam. Quan chỉ huy toàn bộ binh bị ở miền Nam thời bấy giờ là Trương Phước Vĩnh sai Cai Cơ Đạt Thành mang quân tiễu trừ, nhưng bị giặc giết chết tại chỗ. Thống Binh Trần Đại Định cho đắp lũy Hoa Phong, hiện còn lưu dấu tại vùng Cây Mai, Sài Gòn. Sau đó ông tiến quân tiễu trừ giặc, quân Sa Tốt thua to nên phải bỏ chạy vào khu rừng rậm gần vùng Tây Ninh hiện nay. Ít lâu sau đó chúng lại nổi lên đánh phá Angkor Wat. Miên vương cầu cứu với Trần Đại Định. Trần Đại Định thống lãnh quân binh dẹp tan giặc và giao kinh thành Angkor Wat lại cho Miên vương. Trước khi về nước, Thống Binh Trần Đại Định có phân tích tường tận về hai vùng đất xa xôi Méso và Longhor, tức là vùng Mỹ Tho và Long Hồ. Trần Đại Định có ý khuyên Miên vương nên dâng hai vùng đất ấy cho chúa Nguyễn vì nếu tiếp tục giữ hai phần đất ấy, Miên vương chỉ tốn công tốn sức vô ích chứ không được lợi gì. Nghe lời quan Thống Binh nên năm 1731, Miên vương Nặc Tha (Sotha II) dâng đất Long Hồ và Mỹ Tho cho xứ Đàng Trong. Cùng năm đó chúa Ninh Vương Nguyễn Phúc Chu cho lập đất Định Tường và Long Hồ. Năm 1744, chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát thành lập tại miền Nam 3 dinh 1 trấn(3). Lúc nầy vùng Đồng Tháp trực thuộc đất Định Tường, dưới quyền cai quản của Phiên Trấn Dinh. Năm 1753, chúa Võ Vương cho lập Đạo trường Đồn gồm đất Mỹ Tho, Cao Lãnh và Mộc Hóa chạy dài đến biên giới Việt Miên ngày nay. Sau đó năm 1755, xứ Đàng Trong lại nhận thêm vùng Tầm Bôn và Lôi Lạp, năm 1757 nhận vùng Trà Vang, Ba Thắc, và cuối cùng là phủ Tầm Phong Long.
Lịch Sử Địa Chất Của Vùng Đồng Tháp:
Khu vực hạ lưu sông Cửu Long có hai vùng trũng rất lớn, đó là vùng Biển Hồ (Tonlé Sap) bên đất Cao Miên, và hai là vùng Đồng Tháp nằm trong vùng biên giới hai nước Việt-Miên. Đồng Tháp là một khu lòng chảo rộng mênh mông, diện tích bên phía Việt Nam khoảng 400 ngàn mẫu tây, bao gồm các tỉnh Kiến Phong (Cao Lãnh), Kiến Tường (Mộc Hóa), một phần của vùng tây bắc của tỉnh Long An, và tỉnh Hậu Nghĩa. Toàn bộ vùng trũng mênh mông của Đồng Tháp bên phía Việt Nam có chiều dài khoảng 130 cây số và rộng từ 60 đến 70 cây số, với diện tích khoảng 8.000 cây số vuông. Nghĩa là chỉ riêng diện tích Đồng Tháp đã bằng phân nửa diện tích đồng bằng sông Hồng Hà. Địa thế vùng Đồng Tháp bao gồm một số gò cao nằm rải rác giữa những bãi lầy thấp. Những giồng gò trong Đồng Tháp được cấu tạo bằng cát và đất sét có màu xám lợt, đây là phần đất cao nhất của bậc thềm phù sa cổ. Có những nơi giồng gò cao đến 6 hoặc 7 mét như tại quận Mỹ An, nơi còn phế tích của ngôi tháp cổ mười tầng. Ranh giới thiên nhiên của Đồng Tháp về phía bắc là ranh giới Việt Miên chạy dài từ Châu Đốc đến Mũi Vẹt; về phía tây là sông Tiền, chạy dài từ biên giới Việt Miên đến phía bắc Sa Đéc; phía nam là vùng ranh giới các tỉnh Mỹ Tho và Long An; phía đông chạy dài từ sông Vàm Cỏ Tây lên Hậu Nghĩa, Tuyên Bình, và Long Khốt. Vùng đất nầy có quá trình thành hình và phát triển về địa chất tương tự như các khu vực khác trong vùng đồng bằng Miền Đông và sông Cửu Long. Vào cuối thời Tân Sinh (Kainozoi), vùng Đông Nam châu Á có hai khối được nâng cao lên: khối nâng Nam Trung Phần Việt Nam và Đông Cao Miên. Giữa hai khối nâng nầy là những vùng trũng rộng lớn. Sông Cửu Long và những phục lưu của nó chảy qua những vùng trũng nầy, mang theo bùn, đất sét và cát lấp đầy những vùng trũng nầy và tạo thành lớp trầm tích Plio-Pleistocene cách nay khoảng trên dưới 700.000 năm. Tiếp theo đó là những đợt biển tiến và biển lùi trong nhiều thiên niên kỷ cho đến đợt biển tiến gần nhất cách nay trên 6.000 năm làm cô lập các giồng cao mà điển hình là Giồng Tân Hiệp(4). Từ 5 thiên niên kỷ trở lại đây có hiện tượng biển lùi, mực nước biển rút dần, các cồn cát miền duyên hải lộ hẳn lên khỏi mặt nước. Qua những khai quật mới đây tại vùng Cai Lậy, người ta đã phát hiện những đống vỏ sò điệp, dấu vết của bờ biển xưa tại vùng nầy cách đây trên 4.000 năm. Ngày nay, vào mùa khô người ta có thể đi bộ ngang qua Đồng Tháp tuy không dễ dàng lắm, nhưng vào mùa mưa, tức là vào mùa nước nổi từ tháng 9 trở đi, nước từ các sông Tiền và Vàm Cỏ Tây tràn vô vùng trũng khiến cho có nơi ngập sâu đến 3 hoặc 4 mét, biến toàn vùng Đồng Tháp thành một cái hồ rộng đến 8.000 cây số vuông, với những ốc đảo rải rác đó đây, đó là những khu gò cao, những bụi rậm rừng tràm cổ thụ ngoi lên khỏi mặt nước. Chính vì thế mà việc đi lại trong Đồng Tháp vào mùa mưa thật là vất vả.
Lịch Sử Cư Dân Và Phát Triển Vùng Đồng Tháp:
Khoảng gần 3 ngàn năm trước đây, toàn vùng Tiền Giang ngày nay đi dần vào thế ổn định, nghĩa là những cư dân cổ có thể đi đến sinh sống tại vùng nầy. Những cư dân cổ đầu tiên tại đây là những người gốc Nam Đảo (Indonesien), có cùng nguồn gốc với các bộ tộc thiểu số trên vùng Tây Nguyên Việt Nam ngày nay. Địa bàn cư trú chính của họ là 2 vùng đồng bằng miền Đông và đồng bằng sông Cửu Long. Họ chính là tổ tiên của cư dân Phù Nam vào đầu Tây lịch.
Năm 1679, có nhiều nhóm cựu thần nhà Minh vì không phục Thanh Triều nên dong buồm xuôi Nam tìm nơi tỵ nạn. Trong số những nhóm này, đáng kể nhất là Tổng Binh Trấn Thủ Thủy Lục ở Long Môn là Dương Ngạn Địch và Phó Tướng của ông là Hoàng Tấn, va quan Tổng Binh Trấn Thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thượng Xuyên, còn gọi là Trần Thắng Tài, cùng phó tướng là Trần An Bình, đem gia quyến và tùy tùng trên 3.000 người và 50 chiến thuyền đến cửa Từ Dung và cửa Đà Nẳng, xin yết kiến chúa Hiền Vương để xin tỵ nạn. Chúa Nguyễn bèn cho Dương Ngạn Địch và Huỳnh Tấn theo cửa Tiểu đi lên vùng Meso(5) khẩn đất và lập nên vùng Đại Phố mà bây giờ là Mỹ Tho. Theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, ban đầu ở xứ Mỹ Tho lập ra đạo Trường Đồn, rồi dùng chức thư ký để làm việc.
Dưới thời các chúa Nguyễn, Đồng Tháp là vùng đất nằm trong phạm vi hai trường biệt nạp Trường Đồn và Bả Canh. Đây là hai trong 9 trường biệt nạp đã được chúa Nguyễn Phúc Thuần thành lập vào năm 1772. Dưới thời chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát đây là một vùng đất bao la bạt ngàn nằm về phía hạ lưu sông Tiền. Trường biệt nạp Bả Canh bao gồm các vùng đất cao mà ngày nay là Hồng Ngự, Cao Lãnh, Cái Bè. Trong khi trường biệt nạp Trường Đồn bao gồm các vùng trũng trong Đồng Tháp Mười, từ Mộc Hóa xuống tới Cai Lậy.
Năm 1779, chúa Nguyễn vạch ra địa giới của Trấn Biên, Phiên Trấn, Long Hồ, Hà Tiên, bãi bỏ 9 kho biệt nạp. Lấy dân số của huyện Kiến Khang lập ra đạo Trường Đồn, đặt chức quan lưu thủ, cai bạ và ký lục để cai quản. Lỵ sở đặt tại giồng Kiến Định, có 1 huyện, gồm 4 tổng. Năm 1781, chúa Nguyễn đổi thành dinh Trấn Định, rồi dời lỵ sở qua thôn Mỹ Chánh, thuộc địa phận chợ Mỹ Tho ngày nay.
Năm 1808, vua Gia Long, năm thứ 7, đổi thành trấn Định Tường, có 1 phủ Kiến An, gồm 3 huyện Kiến Đăng, Kiến Hưng, và Kiến Hòa (với 6 tổng). Đây là vùng đất phì nhiêu, đất nước liền bến nhau. Phía đông giáp biển, phía tây giáp Cao Miên, bắt đầu từ Vàm Dừa, Rạch Cỏ, Tuyên Oai, sông Bát Chiên, chuyển quanh qua hướng bắc đến sông Vũng Gù, xuống sông Tra Giang, chảy ra cửa biển Lôi Lạp, còn gọi là cửa Soài Rạp hay cửa Vàm Láng, theo dãy Trường Giang, bờ nam của sông là ranh giới của trấn Định Tường. Phía nam từ thủ sở Hồng Ngự thuộc đạo Tân Châu theo Tiền Giang qua phía bắc, ngoặc về phía đông theo sông Hàm Luông rồi thẳng đến cửa biển Ba Lai; bờ bắc sông ấy là ranh giới của trấn nầy. Đây là một vùng ao chằm chằng chịt hiểm yếu, sông nguồn thông suốt. Huyện Kiến Đăng, trước đây là tổng Kiến Đăng được nâng lên làm huyện, gồm 2 tổng Kiến Hòa và Kiến Phong với 87 xã. Huyện Kiến Hưng, trước đây là tổng Kiến Hưng, nay được nâng lên làm huyện với 2 tổng Kiến Thuận và Hưng Xương, gồm 76 xã. Huyện Kiến Hòa, trước đây là tổng Kiến Hòa, sau được nâng lên làm huyện, với 2 tổng Kiến Thạnh và Hòa Bình, gồm 151 xã.
Kiến Phong, Vùng Đất Trù Phú Nhất Của Tỉnh Đồng Tháp:
Ngay từ thời Pháp thuộc, người Pháp đã nhìn thấy tầm quan trọng của vùng đất Cao Lãnh, nên ngày 10 tháng 12 năm 1913, Toàn quyền Đông Dương đã cho thành lập một trạm hành chánh tại Cao Lãnh trong khu vực Sa Đéc(6). Đến ngày 28 tháng 9 năm 1925, thành lập khu vực hành chánh tại trung tâm Cao Lãnh(7). Ngày 17 tháng 2 năm 1956, vì nhu cầu an ninh lãnh thổ, Tổng Thống VNCH cho cắt huyện Hồng Ngự và Phong Thạnh Thượng, thuộc tỉnh Long Xuyên, nhập với vùng Cao Lãnh, thuộc trước đây thuộc Sa Đéc, và một phần đất của tỉnh Mỹ Tho để thành lập tỉnh Phong Thạnh. Nhưng đến ngày 22 tháng 10 năm 1956, lại đổi tên tỉnh Phong Thạnh ra tỉnh Kiến Phong. Khi mới được thành lập thì ranh giới giữa hai tỉnh Kiến Phong và Kiến Tường chưa được phân định rõ ràng, vì vậy mà đến ngày 18 tháng 12 năm 1958, chánh phủ VNCH đã ký sắc lệnh 567-NV, sửa đổi ranh giới giữa hai tỉnh nầy(8). Năm 1960, chánh phủ cho sáp nhập vào quận Thanh Bình 3 xã An Long, Tân Quới và Tân Long bên quận Hồng Ngự(9). Năm 1967, vì lý do an ninh lãnh thổ, chánh quyền quyết định dời quận lỵ Cao Lãnh từ xã Mỹ Trà đến xã An Bình. Đến sau Tết Mậu Thân 1968, chánh quyền tỉnh Kiến Phong lại xin thành lập thêm một quận mới lấy tên là quận Đồng Tiến(10).
Tỉnh Kiến Phong thời Việt Nam Cộng Hòa nằm về phía bắc đông bắc của vùng Sa Đéc. Về vị trí, Bắc giáp Cao Miên, Nam giáp Sa Đéc, Đông giáp Kiến Tường (tỉnh Mộc Hóa) và Mỹ Tho, Tây giáp Long Xuyên và Châu Đốc. Thị xã Cao Lãnh nằm bên bờ sông Cao Lãnh, một nhánh nhỏ của sông Tiền Giang, cách quốc lộ 4 (nay là quốc lộ 1A) khoảng 40 cây số, và cách Sài Gòn khoảng 160 cây số. Ngay từ thời Pháp thuộc, Cao Lãnh là một đô thị sầm uất và là trung tâm kinh tế của khu Đồng Tháp Mười. Vì lý do trị an, ngày 13 tháng 7 năm 1961, chánh quyền đệ nhất Cộng Hòa cho thành lập trong tỉnh Kiến Phong một quận mới mang tên Kiến Văn, quận lỵ được đặt tại xã Bình Hàng Trung. Theo nghị định số 123-NV, ngày 7 tháng 2 năm 1963, thành lập tại quận Kiến Văn một tổng mới lấy tên là tổng Hảo Điền. Đến ngày 19 tháng 7 năm 1963, chánh phủ lại thành lập tại quận Thanh Bình một tổng mới lấy tên là tổng Vĩnh Kiến(11). Đến ngày 16 tháng 9 năm 1969, vì lý do trị an, chánh phủ VNCH cho thành lập tại tỉnh Kiến Phong một quận mới nữa lấy tên là quận Đồng Tiến(12).
Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, Kiến Phong là một tỉnh nông nghiệp, tuy đất đai có vùng hãy còn ủng phèn, nhưng đa phần là đất màu mỡ do phù sa sông Cửu Long bồi đắp. Những vùng dọc theo bờ sông Tiền Giang bốn mùa cây cối xanh tươi. Cũng như các tỉnh dọc theo biên giới Việt Miên như Châu Đốc và Kiến Tường, Kiến Phong nằm trong vùng lũ lụt hằng năm, nên thiên nhiên đã ưu đãi cho Kiến Phong một loại lúa nước nổi, là một loại lúa mọc tự nhiên từ tháng 4 hay tháng 5 và đến tháng 10 thì thu hoạch mà không cần phải chăm bón hay phân phướn gì cả. Tuy nhiên, về sau này khi Kiến Phong được mở mang và phát triển thì chính phủ thời VNCH đã cho nghiên cứu và trồng thử nghiệm nhiều loại lúa Thần Nông ngắn ngày, và kết quả rất khả quan. Hiện nay thì Kiến Phong là một trong những vựa lúa lớn trên toàn quốc. Ngoài ra, trong hai thời đệ nhất và đệ nhị Cộng Hòa, trừ những vùng nào quá mất an ninh thì thôi, còn những vùng ven thị xã Cao Lãnh và ven bờ sông Tiền Giang thì chính phủ thời VNCH còn khuyến khích nhân dân trồng những loại cây công nghiệp ngắn ngày khác như mía, bông, thuốc lá, các loại đậu, đặc biệt là đậu nành để làm tàu hủ và tương hột. Kiến Phong còn là quê hương của những loài cây ăn trái nổi tiếng như xoài Cao Lãnh, quít Lai Vung, mận, nhãn Châu Thành, ổi và bưởi Phong Hòa, còn chôm chôm, vú sữa, và mãng cầu thì có hầu như quanh năm... Ngoài ra, đất Cao Lãnh còn nổi tiếng với trái xoài cát Chu. Không biết cái tên “Xoài Cát Chu” đã có từ thời nào, nhưng danh tiếng của xoài cát Cao Lãnh đã có từ lâu lắm, chúng ta có thể minh chứng điều nầy qua câu ca dao “Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh, gái nào bãnh bằng gái Nha Mân.” Nếu ở Tiền Giang nổi tiếng với xoài cát Hòa Lộc, thì danh tiếng của xoài Cao Lãnh cũng không kém. Theo các bô lão ở Cao Lãnh, sở dĩ có tên xoài cát Chu vì cuống xoài thường chu ra. Cũng có người cho rằng sở dĩ xoài có tên “Chu” là do khi chín, vỏ xoài có màu vàng ửng đỏ như màu chu sa. Thuyết thứ hai nầy có vẻ hợp lý hơn thuyết trước. Ngày nay người ta đã nhân giống trồng xoài cát Chu khắp nơi vì giống nầy có năng suất cao, dễ trồng và dễ thích hợp với nhiều loại đất khác nhau.
Kiến Phong là một dãy đất gò tương đối cao nằm trong vùng Đồng Tháp Mười. Hiện nay muốn đi đến ngôi tháp cổ trong Đồng Tháp Mười, người ta có thể đi từ ngã Sa Đéc qua Cao Lãnh, hay từ ngã Cái Bè vào, hoặc từ Châu Đốc qua Tân Châu đến chợ Hồng Ngự, qua Tam Nông, đến Mỹ An, gò “tháp cổ” cách chợ Mỹ An chừng 8 hay 9 cây số, và cách chợ Cao Lãnh chừng 43 cây số. Gò Tháp Mười là một khoảng đất cao với diện tích khoảng 100.000 thước vuông, chiều dài nhất khoảng nửa cây số. Vào mùa nước nổi thì xung quanh đều chìm vào biển nước, duy chỉ có gò tháp mười là không bị ngập. Hiện tại trên Gò Tháp có Tháp Mười, Tháp Cổ Tự, mộ và đền thờ Đốc Binh Kiều, Gò Minh Sư và Miếu Bà Chúa Xứ. Theo các bô lão trong vùng kể lại thì ngôi Tháp Cổ Tự cách Tháp Mười chừng 100 mét đã có từ thời vua Thiệu Trị, và được xây ngay trên nền Tháp Cổ của người Phù Nam. Tuy nhiên, cho tới nay chưa ai biết rõ lai lịch của ngôi tháp cổ này, nhưng có nhiều giả thuyết, thứ nhất là ngôi tháp cổ mười tầng là do Thiên Hộ Dương xây để cho nghĩa quân làm trạm canh cho chiến khu Đồng Tháp, giả thuyết này không đứng vững, vì theo dân trong vùng ngôi tháp đã có từ lâu đời lắm rồi, chứ không phải sau thời Pháp chiếm miền Nam. Giả thuyết thứ nhì cho rằng đây là một trong những ngôi cổ mộ của các vì vua chúa của vương quốc Phù Nam, và giả thuyết thứ ba cho rằng đây là một trong những phế tích của một thành phố cổ thuộc vương quốc Phù Nam xưa kia. Hai giả thuyết sau này có phần có lý hơn giả thuyết thứ nhất, vì đất Nam Kỳ xưa kia thuộc vương quốc Phù Nam, và những gạch ngói cổ và một vài khối đá có hoa văn chạm trổ có tính nghệ thuật cao mà thỉnh thoảng dân trong vùng tìm thấy trong những cánh rừng tràm, có khi người ta cũng tìm thấy vàng bạc trên những gò đất cao... cho chúng ta thấy có lẽ vùng Tháp Mười xia kia cũng phồn thịnh, nhưng vì thế đất thấp nên chịu nhiều trận lũ từ miệt đồng bằng sông Cửu Long tràn qua, nên mới lâm vào cảnh “thương hải tang điền” này. Còn một giả thuyết nữa mà nhà khảo cổ học người Pháp tên Parmentier đã tìm thấy một bia đá có ghi chép lại rằng ngôi tháp cổ được xây vào thời vua Jayavarman (1181-1281). Nhà vua bị bệnh phong cùi nên ông rất thương cảm với nhân dân nghèo trong xứ, ông đã cho xây nhiều tháp tương tự như vậy để làm những trạm tế bần. Ngôi tháp ở Đồng Tháp là ngôi tháp thứ mười nên được gọi là “Tháp Mười.” Dù đã có bia đá ghi lại như thế nhưng đâu có chứng cứ xác thực nào chứng nhận ngôi tháp thứ mười ấy là ngôi phế tháp hiện tại, nên theo tôi giả thuyết thứ hai và thứ ba vẫn còn đứng vững. Vào thời Pháp mới xâm chiếm Việt Nam thì Đồng Tháp Mười là căn cứ kháng Pháp của các anh hùng Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương), Thủ Khoa Huân (Nguyễn Hữu Huân), Đốc Binh Kiều (Nguyễn Tấn Kiều). Nhờ những đạo quân “Trời”(13) làm bức chắn, nên nghĩa quân dù thế yếu vẫn được Tháp Mười che chở và nuôi dưỡng để tấn công quấy phá địch. Năm 1957, chính quyền VNCH cho xây lại tháp, có lẽ được dùng để làm một đài quan sát toàn vùng, nhưng tháp ấy cũng bị chiến tranh tàn phá gần hết. Không biết sau chiến tranh người ta có trùng tu lại ngôi tháp hay không? Hiện tại tại gò Tháp Mười(14) có đền thờ Đốc Binh Kiều và Miếu Bà Chúa Xứ, hằng năm dân chúng trong vùng vẫn tổ chức lễ vía bà vào ngày 16 tháng 3 âm lịch và lễ giỗ ngài Đốc Binh vào ngày 15 và 16 tháng 11 âm lịch. Về giao thông đường thủy, người ta có thể đi Cao Lãnh bằng cách đi theo tỉnh lộ từ Giáo Đức đi lên, hay từ Sa Đéc qua bắc Cao Lãnh. Kiến Phong có một hệ thống sông ngòi và kinh rạch chằng chịt, bên cạnh đó còn có những ao, hồ và đầm rộng mênh mông. Sông chính chảy qua Kiến Phong là sông Tiền Giang, một nhánh của sông Cửu Long, chảy qua địa phận tỉnh Kiến Phong trên một thủy lộ dài 132 cây số. Dọc theo hai bên bờ sông là hệ thống kinh rạch xẻ dọc xẻ ngang, tạo cho việc đi lại trong tỉnh bằng đường thủy rất thuận tiện. Trước năm 1975, vì chiến tranh nên đường sá chưa được tái thiết hay mở mang thì sự đi lại chính trong tỉnh Kiến Phong là những chiếc đò nhỏ mà dân trong vùng gọi là “Tắc Rán”.
Riêng vào mùa nước nổi thì không có phương tiện nào có thể đi lại trong tỉnh được ngoài những chiếc “Tắc Rán” này. Chính vì vậy mà có lẽ không nơi nào có nhiều những “bến đò” bằng tỉnh Kiến Phong, xa xa một đỗi trên dòng sông Tiền là có một bến đò, đò đi An Long, đò đi Hồng Ngự, đò đi Đồng Tiến... Về giao thông đường bộ, toàn tỉnh hiện có trên 300 cây số đường bộ. Con đường chính là liên tỉnh lộ 30 nối liền quốc lộ 4 tại quận Giáo Đức(15) với thị xã Cao Lãnh, quận Thanh Bình và quận Hồng Ngự, rồi đi thẳng lên Cao Miên. Thời VNCH, chính phủ muốn xây dựng thêm đường sá đi vào vùng Tháp Mười và Đồng Tiến, nhưng vì tình trạng chiến tranh nên chưa thực hiện được, bây giờ sau gần 30 hết chiến tranh chính quyền Cộng Sản tu sửa được hai con hương lộ 844 nối liền vùng Tam Nông với tỉnh lộ 30 ở khoảng giữa Thanh Bình đi Hồng Ngự, và hương lộ 846 nối liền Mỹ An với tỉnh lộ 30 trên khoảng giữa thị xã Cao Lãnh đi Thanh Bình.
Về phương diện kinh tế, Kiến Phong nói riêng, vùng Đồng Tháp Mười nói chung, hứa hẹn một tương lai tốt đẹp. Vùng này, ngày xưa nổi tiếng hoang vu với những bưng biền, đầm, bàu và bạt ngàn đưng, lác, năng, sen, súng, và lau sậy, nên Đồng Tháp còn là khu an toàn của vô số cá tôm nước ngọt như cá lóc, cá trê, cá rô, và những loại cá trắng khác. Ngoài ra, đây cũng là khu an toàn và nơi sản sanh của vô số rắn, rùa, chuột, ếch, cua đinh, càng đước, cá sấu, và muôn loài chim muông khác...
Nếu khu Đồng Tháp được dẫn thủy nhập điền và khai thác đúng mức thì chắc chắn ngoài lúa mùa ra, người ta sẽ canh tác được lúa ba trăng và các loại lúa “thần nông” khác, và mỗi công ruộng có thể thu hoạch hai hay ba chục giạ lúa. Khác với những vùng phụ cận như Vĩnh Long hay Sa Đéc, trước khi Pháp xâm chiếm Việt Nam, dân vùng Cao Lãnh không có người theo đạo Thiên Chúa, mà đa phần theo đạo Phật. Sau khi Pháp chiếm Việt Nam, họ xây dựng nhà thờ và khuyến khích người dân theo đạo Gia Tô, hiện nay trong toàn tỉnh Kiến Phong có nhiều tôn giáo như Phật giáo, Thiên chúa, Cao đài, Hòa Hảo, Bà Hai... Người dân ở đây cũng mang tính hài hòa và phóng khoáng như những vùng khác của đồng bằng sông Cửu Long.
Tại quận Thanh Bình, cách Cao Lãnh chừng 24 cây số về phía tây bắc hãy còn đền thờ Đốc Binh Vàng(16). Ngoài ra, tại thị xã Cao Lãnh còn có Văn Thánh Miếu, được quan Tri Phủ Hồ trọng Đính đứng ra xây dựng vào năm 1857 để thờ Đức Khổng Phu Tử cùng tứ Thánh(17). Năm 1878, Văn Thánh Miếu được dời đến địa điểm hiện tại trong phạm vi phường 1 thị xã Cao Lãnh. Sau năm 1975, chính quyền mới chiếm Văn Thánh Miếu để biến nơi thờ tự thiêng liêng này thành thư viện của tỉnh Đồng Tháp. Đồng Tháp đất đai bao la thì làm gì thiếu nơi thiếu chốn cho họ xây dựng một thư viện, nhưng họ cố tình làm như vậy để xóa mờ đi truyền thống tôn sư trọng đạo của dân tộc Việt Nam. Tại quận Hồng Ngự hiện còn ngôi đình Long Khánh, được xây trên cù lao Long Khánh, đây là nơi thờ Thành Hoàng Bổn Cảnh và các vị tiền hiền hậu hiền. Ngoài ra, trong vùng An Long Đồng Tiến(18) còn có khu Tràm Chim nằm trong khu rừng tràm các xã Tân Công Sinh, Phú Đức, Phú Thọ, và Phú Thành. Khu tràm chim An Long Hồng Ngự này rất đặc biệt vì trong vùng Đồng Tháp thật đa dạng này, thường mênh mông những nước vào mùa mưa, nhưng trở thành đồng khô cỏ cháy vào mùa nắng. tuy nhiên, khu rừng tràm ủng nước quanh năm này là khu an toàn của các loài chim, cò, sếu, trích, hạc, gà đãy, sếu cổ trụi, ngan cánh trắng, te vàng, bồ nông, diệc, vịt trời, các loại cò... Tại đây có những loài sếu cao đến hơn 2 mét với bộ lông xám mượt và đôi cánh dang ra thật rộng Đây còn là nơi sinh sản của các loài trăn, rắn, rùa, lương, ếch, và nhiều loại cá đồng khác. Đây cũng là một trong những vùng ủng nước còn lại duy nhất của vùng Đồng Tháp, mà bất cứ chính phủ có trách nhiệm nào cũng phải ra sức bảo vệ. Về phía Nam của tràm chim là Vườn Cò Tháp Mười(19). Đây là khu an toàn của hàng vạn loại cò từ các nơi bay về mỗi buổi chiều.
Sông Ngòi và Kinh Rạch Trong Tỉnh Đồng Tháp:
Tỉnh Đồng Tháp ngày nay có một hệ thống sông ngòi và kinh rạch chằng chịt, bên cạnh đó còn có những ao, hồ và đầm rộng mênh mông. Trong địa phận tỉnh Đồng Tháp có đến 339 sông-kinh-rạch với tổng chiều dài hơn 2.800 cây số, trong đó có sông Tiền, sông Sở Hạ, sông Sở Thượng, sông Cái Tàu Thượng, sông Cái Tàu Hạ và sông Sa Đéc; rạch Đốc Vàng Thượng, Đốc Vàng Hạ, Ba Ranh, Cái Sao Thượng, Cái Sao Hạ, Cao Lãnh, Ba Sao, Cả Mát, Nha Mân, cần Lố, Ba Dư, Lai Vung, và Ông Cũng; kinh Nguyễn văn Tiếp A, Nguyễn văn Tiếp B, An Long, Hồng Ngự-Long An, Đồng Tiến, An Phong, Mỹ Hòa, Chơn Thành-Lò Gạch, Phước Xuyên, Kinh Mới, vân vân. Con sông chính chảy qua Đồng Tháp là sông Tiền Giang, một nhánh của sông Cửu Long, chảy qua địa phận tỉnh Đồng Tháp trên một thủy lộ dài 132 cây số. Sông Tiền chảy vào địa phận Việt Nam qua ngã Tân Châu, Hồng Ngự và Cao Lãnh. Cao Lãnh là một trong những thị xã lâu đời nhất của miền Tây Nam Phần, nằm sát cạnh Đồng Tháp Mười, ngày nay được chọn làm trung tâm hành chánh của tỉnh Đồng Tháp. Trong huyện Hồng Ngự, ngoài sông Tiền còn có hai con sông lớn, đó là sông Sở Thượng và sông Sở Hạ. Sông Sở Thượng bắt nguồn từ phía Cao Miên, chảy song song với sông Tiền, rồi đổ vào sông Tiền tại Hồng Ngự. Sông Sở Hạ bắt nguồn từ Ninh Thành bên huyện Tân Hồng, sau đó chảy dọc theo biên giới Cao Miên. Sông Tiền đoạn từ Hồng Ngự đến Cao Lãnh là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Đồng Tháp và An Giang. Từ Cao Lãnh xuống tới An Hiệp, sông Tiền nằm trọn trong tỉnh Đồng Tháp. Giữa Hồng Ngự và Tân Châu là một cù lao khổng lố, đó là cù lao Long Khánh, từ trên phi cơ nhìn xuống, cù lao Long Khánh trông giống như một chiếc lá vĩ đại từ trên trời rơi xuống rồi nổi trên mặt sông.
Dọc theo hai bên bờ sông là hệ thống kinh rạch xẻ dọc xẻ ngang, tạo cho việc đi lại trong tỉnh bằng đường thủy rất thuận tiện. Những kinh xẻ ngang tính từ Bắc xuống Nam gồm có các kinh Thầy Ba Đàn, nối liền sông Sở Hạ với rạch Cái Cỏ bên Vĩnh Hưng, thộc tỉnh Long An; kinh Trung Ương, nối thị trấn Hồng Ngự với thị trấn Vĩnh Hưng (Long An); kinh từ Long Thành qua Tràm Chim nối liền với kinh Đông Điền, đem nước Tiền Giang vào tận đến vùng Tân Thạnh (Long An); kinh từ ấp nhất thuộc huyện Thanh Bình, nối với kinh An Phong, đưa nước Tiền Giang vào vùng Gò Tháp, thuộc huyện Tháp Mười; kinh Tháp Mười đưa nước sông Tiền đến Mỹ An; kinh Hòa Bình chạy từ Tràm Chim theo hướng đông bắc, cắt kinh Phước Xuyên gần chỗ kinh Cả Môn, vân vân. Những kinh xẻ dọc tính từ Tây qua Đông gồm có các kinh Hồng Ngự đi An Phong; kinh An Bình đi Phú Thành A; kinh Thống Nhất chạy từ Bình Phú thuộc huyện Tân Hồng xuống huyện Thanh Bình; kinh Gò Gia chạy từ An Lộc, bên phía kinh Trung Ương, đến Tràm Chim, vân vân. Trước năm 1975, vì chiến tranh nên đường sá chưa được tái thiết hay mở mang thì sự đi lại chính trong tỉnh Đồng Tháp là những chiếc đò nhỏ mà dân trong vùng gọi là “Tắc Rán”. Trong tỉnh Đồng Tháp ngày nay có một địa danh được nhiều người biết đến, đó là Xẻo Quít. Đây là tên của một con rạch nằm trong khu rừng tràm thuộc địa phận Cao Lãnh mà ngày trước đã từng là mật khu của quân đội Việt Cộng. Ngoài những khu rừng tràm ở Cà Mau và Đồng Tháp Mười ra, Xẻo Quít là một trong những khu rừng tràm còn xót lại của miền Tây Nam Phần. Trong thời chiến tranh, vì đây là vùng mật khu nên ít người dám lui tới. Ngày nay muốn tới Xẻo Quít, từ Vĩnh Long qua cầu Mỹ Thuận trên quốc lộ 1A, tới ngả ba An Hữu, quẹo trái; còn nếu từ Sài Gòn đi về miền Tây tới ngả ba An Hữu thì quẹo phải, rẽ vào quốc lộ 30 đi về hướng Cao Lãnh, đi khoảng 10 cây số thì đến cầu Long Hiệp. Tại đây người ta có thể tiếp tục đi vào Xẻo Quít bằng quốc lộ 30, hoặc xuống đường thủy đi bằng tắc rán, khoảng 7 cây số nữa là tới khu rừng tràm Xẻo Quít. Cảnh quang Xẻo Quít thật sự là cảnh quang của một Đồng Tháp Mười thu nhỏ, vì tại đây cũng có rừng tràm, có những lung bông súng, ao sen, đủ màu trắng, vàng, đỏ. Dọc theo những bờ rạch bờ kinh là những hàng điên điển được tô điểm bằng những bông hoa vàng rực khắp cả một vùng. Sau năm 1975, đất nước không còn chiến tranh nữa, nên việc giao thông đường bộ đã được cải thiện; tuy nhiên, kinh rạch trong tỉnh Đồng Tháp vẫn đóng một vai trò quan trọng vì chúng không chỉ là những huyết mạch thủy lộ, mà còn là sinh lộ cho cư dân trong toàn tỉnh Đồng Tháp ngày nay.
Tỉnh Đồng Tháp Ngày Nay:
Sau năm 1975 chính quyền mới sáp nhập Kiến Phong vào Sa Đéc để thành lập tỉnh Đồng Tháp với diện tích là 3.238 cây số vuông, với tổng dân số trên 1.607.800 người, gồm hai thị xã là thị xã Đồng Tháp và thị xã Sa Đéc, và các quận Tân Hồng(20), Hồng Ngự, Tam Nông (21), Thanh Bình, Tháp Mười, Cao Lãnh, Lấp Vò, Lai Vung, Châu Thành(22). Về vị trí của tỉnh mới Đồng Tháp, Bắc giáp Cao Miên, Đông giáp Mộc Hóa(23), Tây giáp Châu Đốc và Long Xuyên, Nam giáp Vĩnh Long và Cần Thơ. Theo Tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam năm 2003, tỉnh Đồng Tháp với tổng diện tích khoảng 3.235 cây số vuông và tổng dân số khoảng 1.568.100 người, gồm hai thị xã Sa Đéc và Cao Lãnh. Tuy nhiên, sau năm 2000, theo thống kê của Tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam, xuất bản năm 2009, chánh quyền đã phân chia lại địa giới giữa các tỉnh và huyện nên tổng diện tích tỉnh Đồng Tháp hiện nay khoảng 3.248,2 cây số vuông và tổng dân số khoảng 1.616.000 người. Thị xã Sa Đéc có diện tích gần 58 cây số vuông và dân số 100.600 người, mật độ trung bình khoảng 1.737 người trên một cây số vuông. Thị xã Cao Lãnh có diện tích hơn 107,2 cây số vuông và dân số 149.800 người, mật độ trung bình khoảng 1.397 người trên một cây số vuông. Huyện Cao Lãnh có diện tích hơn 462 cây số vuông và dân số 204.600 người, mật độ trung bình khoảng 443 người trên một cây số vuông. Huyện Châu Thành có diện tích hơn 234 cây số vuông và dân số 161.400 người, mật độ trung bình khoảng 698 người trên một cây số vuông. Huyện Hồng Ngự có diện tích hơn 325,4 cây số vuông và dân số 201.900 người, mật độ trung bình khoảng 620 người trên một cây số vuông. Huyện Lai Vung có diện tích hơn 219,8 cây số vuông và dân số 160.100 người, mật độ trung bình khoảng 728 người trên một cây số vuông. Huyện Lấp Vò có diện tích hơn 244 cây số vuông và dân số 180.400 người, mật độ trung bình khoảng 740 người trên một cây số vuông. Huyện Tam Nông có diện tích hơn 459,2 cây số vuông và dân số 96.600 người, mật độ trung bình khoảng 210 người trên một cây số vuông. Huyện Tân Hồng có diện tích hơn 291,5 cây số vuông và dân số 79.300 người, mật độ trung bình khoảng 272 người trên một cây số vuông. Huyện Thanh Bình có diện tích hơn 329,5 cây số vuông và dân số 158.200 người, mật độ trung bình khoảng 480 người trên một cây số vuông. Huyện Tháp Mười có diện tích hơn 517,7 cây số vuông và dân số 123.100 người, mật độ trung bình khoảng 238 người trên một cây số vuông.
Về phía đông của huyện Hồng Ngự là huyện Tân Hồng, cũng như Hồng Ngự, Tân Hồng là huyện nằm giáp với biên giới Cao Miên, nhưng đây là huyện mới được thành lập, nên cư dân trong toàn huyện rất ít, ít hơn cư dân của huyện Tam Nông. Đây là một trong những vùng trũng phèn nặng nhất của tỉnh Đồng Tháp, về mùa nắng thì toàn huyện như một sa mạc với bụi đất mịt mùng, đến mùa mưa thì toàn huyện chìm trong biển nước. Duy chỉ có vùng Sa Rài, huyện lỵ của huyện Tân Hồng là tương đối khá cao, vì năm 1996, chính quyền địa phương đã cho đắp một bờ bao ngạn trong thị trấn Sa Rài để chống lũ.
Nơi giao tiếp giữa kinh Hòa Bình và kinh Đông Điền là thị trấn Tràm Chim, thuộc huyện Tam Nông, cách Cao Lãnh khoảng 50 cây số. Địa danh Tràm Chim nghe rất quen thuộc đối với người dân Nam Kỳ vì các vùng Cà Mau và Bạc Liêu cũng có địa danh ‘Tràm Chim’, nhưng Tràm Chim trong huyện Tam Nông của tỉnh Đồng Tháp nổi tiếng với những bầy ‘Sếu Đầu Đỏ’, một trong 15 loài sếu còn tồn tại trên thế giới ngày nay. Hiện tại, người ta dành riêng một khu rừng rộng đến 7.612 mẫu đất trong huyện Tam Nông cho loài sếu nầy đến đây sinh sống vào mùa nước nổi. Khoảng từ tháng 6 đến tháng 11 âm lịch, khi nước bắt đầu dâng cao trong vùng Đồng Tháp, cư dân trong các vùng Lấp Vò, Lai Vung, Cao Lãnh, Thanh Bình, và Tam Nông... thường lợi dụng lúc mực nước dâng cao để trồng ấu, hễ nước dâng lên bao nhiêu thì dây ấu cũng lên cao bấy nhiêu. Thông thường từ lúc cấy ấu giống cho đến khi thu hoạch trái chỉ khoảng 2 tháng mà thôi. Mỗi công ấu cho từ 65 đến 75 giạ trái, trị giá khoảng 25 ngàn đồng Việt Nam một giạ.
Chú Thích:
(1) Công nữ Ngọc Vạn, người con gái thứ chín của chúa Nguyễn Phúc Nguyên, được chúa gả cho vua Chey Chetta II vào năm 1620.
(2) Vùng Sài Gòn-Chợ Lớn ngày nay.
(3) Trấn Biên Dinh (Biên Hòa), Phiên Trấn Dinh (đất Định Tường lúc nầy trực thuộc Phiên Trấn Dinh), Long Hồ Dinh và Hà Tiên Trấn.
(4) Thuộc huyện Châu Thành Tiền Giang ngày nay.
(5) Vùng đất Mỹ Tho, tức tỉnh Tiền Giang ngày nay.
(6) Bulletin Administratif de la Cochinchine, 1913, No 1, p. 14-15.
(7) Bulletin Administratif de la Cochinchine, 1925, No 41, p. 2301-2302.
(8) Công Báo Việt Nam, 1958, tr. 4683.
(9) Theo nghị định số 326-NV, ký ngày 19 tháng 1 năm 1960 trong Công Báo Việt Nam, 1960, tr. 1862.
(10) Theo nghị định số 1940-NĐ/ĐVHC, ký ngày 8 tháng 8 năm 1967 trong Công Báo Việt Nam, 1967, tr. 3120.
(11) Công Báo Việt Nam, 1961, tr. 2697 và 1963, tr. 493.
(12) Công Báo Việt Nam, 1969, tr. 4447.
(13) Dân địa phương gọi nắng, vắt, đỉa, rừng rậm và đầm lầy là những đạo quân “Trời”.
(14) Theo Bửu Ngôn trong “Du Lịch 3 Miền Đất Phương Nam”, NXB Trẻ, TPHCM, 2007, tr. 146-147, từ Mỹ An đi Gò Tháp khoảng 7 cây số. Gò không cao, dài 500 mét, rộng 200 mét. Tên đầy đủ là Gò Tháp Mười, có thể đây là vị trí của ngôi tháp thứ mười, do người Chân Lạp dựng lên vào thế kỷ thứ XII hoặc XIII. Ở đây có đền thờ Đốc Binh Kiều. Đền được dựng lên vào năm 1958, trùng tu năm 1993. Giữa sân có tượng của Thiên Hộ Dương và Đốc Binh Kiều. Thiên Hộ Dương tên thật là Võ Duy Dương, nhà khá giả, quy tụ cả ngàn nghĩa dũng đứng lên chống Pháp. Đốc binh Kiều tên thật là Nguyễn Tấn Kiều, cũng khởi quân chống Pháp, thế yếu nên phải lui về lập căn cứ ở Tháp Mười. Sau đó ông tử trận trong một cuộc tấn công vào Tháp Mười của giặc Pháp.
(15) Trước kia thuộc tỉnh Mỹ Tho, nay thuộc tỉnh Tiền Giang.
(16) Đốc Binh Vàng là một viên tướng thời Minh Mạng.
(17) Tăng Tử, Nhan Hồi, Tử Tu và Mạnh Tử.
(18) Nay là vùng Tam Nông.
(19) Vườn Cò Tháp Mười nằm cách thị xã Cao Lãnh chừng 35 cây số.
(20) Giáp với biên giới Việt Miên.
(21) Vùng Đồng Tiến trước năm 1975.
(22) Một phần của thị xã Sa Đéc cũ và vùng Nha Mân và Cái Tàu Hạ.
(23) Ngày nay thuộc tỉnh Long An.
***
Để tiện theo dõi Đất Phương Nam 1, Mời Bạn xem các phàn 1,2,3,4..ở cột danh mục hai bên.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét