Thứ Hai, 2 tháng 9, 2019

Hát Nói và Những Điều Thú Vị


Như chúng ta đều biết, căn bản Hát Nói chỉ có 11 câu chia làm 3 khổ, gồm Khổ Đầu, Khổ Giữa và Khổ Kết (Khổ Kết chỉ 3 câu). Nhưng khi nhìn vào sáng tác của các nhà thơ, chúng ta thấy không hẳn là như thế. Đấy chính là Điều Thú Vị trong Hát Nói.

Điều thú vị đầu tiên là bài Hát Nói có thể dư khổ hay thiếu khổ và việc này đều xuất hiện ở Khổ Giữa.
Như bài "Chú Mán" của Trần Tế Xương thiếu Khổ Giữa :

    Chú Mán                  

Phong lưu nhất ai bằng chú Mán
Trong anh em chúng bạn kém thua xa
Buổi loạn ly bốn bể không nhà
Răng chẳng nhuộm, vợ chẳng lấy, lụa là chẳng mặc
Mán chỉ làm đủ tiền tiêu vặt
Khi cao lâu, khi cà phê, khi nước đá, khi thuốc lá, khi đủng đỉnh ngồi xe
Sự đời Mán chẳng buồn nghe
                      
Riêng về Hát Nói dôi khổ chúng ta thấy rất nhiều của các nhà thơ như Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Tản Đà...
Trong Hát Nói, khổ đáng nói nhiều nhất cũng chính là khổ giữa. Vì sao? Chính là câu đối ở khổ này. Hai câu đầu của Khổ Giữa tức câu 5 và 6, phải là Câu Đối, hoặc Đối Thơ hoặc Đối Phú. Tuy nhiên, Câu Đối trong bài Hát Nói không bắt buộc phải là câu thứ 5 và thứ 6, mà có thể đưa lên thành hai câu khởi đầu. Ngoài ra như đã nêu ở trên, phần Dôi của bài Hát Nói đều là Khổ Giữa, theo Việt Nam Văn Học Sử Yếu của Dương Quảng Hàm ở phần Dôi này có thể không cần đặt theo thể thơ và có số chữ so le cũng được. Như bài "Chữ Nhàn" của Nguyễn Công Trứ:

       Chữ Nhàn

Thị tại môn tiền náo
Nguyệt lai môn hạ nhàn
So lao tâm lao lực cũng một đàn
Người trần thế muốn nhàn sao được
Nên phải giữ lấy nhàn làm trước
Dẫu trời cho có tiếc cũng xin nài
Cuộc nhân sinh chừng bảy tám chín mười mươi
Mười lăm trẻ, năm mươi già, không kể
Thoắt sinh ra thì đà khóc choé
Trần có vui sao chẳng cười khì  
Khi hỷ lạc, khi ái dục, lúc sầu bi
Chứa chi lắm một bầu nhân dục
Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc
Tri nhàn, tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn  
Cầm kỳ thi tửu với giang san
Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế
Ngã kim nhật tại toạ chi địa
Cổ chi nhân tằng tiên ngã toạ chi
Ngàn muôn năm âu cũng thế ni
Ai hay hát mà ai hay nghe hát?
Sông Xích Bích buông thuyền năm Nhâm Tuất
Để ông Tô riêng một thú thanh tao
Chữ nhàn là chữ làm sao?

Riêng về Mưỡu ở bài Hát Nói cũng khá thú vị. Chúng ta cùng nhìn lại các bài Hát Nói vào thế kỷ 18 và 19 sẽ thấy có sự khác biệt ngay.
Ở thế kỷ 18 và tiền bán thế kỷ 19, trong khoảng thời gian này, Hát Nói không có Mưỡu. Điển hình là toàn bộ Hát Nói của Nguyễn Công Trứ không hề có Mưỡu. Sang hậu bán thế kỷ 19, chúng ta mới thấy sự xuất hiện của Mưỡu, như các sáng tác của Nguyễn Khuyến, Chu Mạnh Trinh, Dương Khuê...

Trong Hát Nói, Mưỡu có Mưỡu Đơn là hai câu Lục Bát, Mưỡu Kép là bốn câu Lục Bát, cũng có thể 8 câu như bài "Gặp Chùa Gặp Tiểu" của Dương Khuê. Về vị trí, có Mưỡu Đầu và Mưỡu Hậu, Mưỡu Đầu có thể là Mưỡu Đơn hay Kép đặt ở đầu bài Hát Nói. Như bài "Hỏi Gió" của Tản Đà:

           Hỏi Gió
Mưỡu đầu (kép): 

Cát đâu ai bốc tung giời?
Sóng sông ai vỗ cây đồi ai rung?
Hỏi rằng dì gió hay chăng?
Phong tình đem thói lạ lùng trêu ai? 

Hát nói: 

Khoái tai phong dã!
Giống vô tình gỗ đá cũng mê tơi
Gặp gió đây cho hỏi một đôi nhời
Ta hỏi gió quen ai mà phảng phất?
Thử thị Đà giang phi Xích Bích
Dã vô Gia Cát dữ Chu lang?
Ai cầu phong mà gió tự đâu sang?
Hay mải khách văn chương tìm kết bạn?
Gió hỡi gió phong trần ta đã chán
Cánh chim bằng chín vạn những chờ mong
Nên chăng gió cũng chiều lòng!

Mưỡu Hậu chỉ có 2 câu Lục Bát, hoặc cuối bài hoặc nằm giữa câu Keo và câu Xếp của Khổ Kết.
Thí dụ như bài "Mẹ Mốc" của Nguyễn Khuyến :

          Mẹ Mốc

So danh giá ai bằng mẹ Mốc
Ngoài hình hài, gấm vóc chẳng thêm ra
Tấm hồng nhan đem bôi lấm xoá nhoà
Làm thế để cho qua mắt tục
Ngoại mạo bất cầu như mỹ ngọc
Tâm trung thường thủ tự kiên kim
Nhớ chồng con muôn dặm xa tìm
Giữ son sắt êm đềm một tiết
Sạch như nước, trắng như ngà, trong như tuyết
Mảnh gương trinh vằng vặc quyết không nhơ
Đắp tai ngảnh mặt làm ngơ
Rằng khôn cũng kệ, rằng khờ cũng thây
Khôn kia dễ bán dại này.

Tóm lại, Trong Hát Nói tuy căn bản chỉ 11 câu gồm ba khổ, nhưng do nhu cầu thưởng thức, nên Hát Nói đã mở rộng ra bằng cách Dôi Khổ và thêm Mưỡu Đầu Mưỡu Hậu... hoặc câu Đối ở Khổ Giữa có thể đưa lên làm câu mở dầu. Đây chính là sự thể hiện phong thái phóng khoáng đầy thú vị của thi ca Việt chúng ta.
Huỳnh Hữu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét