Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2019
Từ Vùng Đất Romdum Ray Đến Tỉnh Tây Ninh : Địa Thế Vùng Đất Tây Ninh:
Địa Thế Vùng Đất Tây Ninh:
Về địa thế, đất đai vùng Tây Ninh khá cao, trung bình là 15 mét trên mặt nước biển. Tây Ninh là vùng đất với cả hai thềm phù sa cũ và mới. Bên dưới lớp phù sa mới của các sông Đồng Nai, sông Sài Gòn và các nhánh sông nhỏ khác của miền Đông Nam Phần... là lớp phù sa cũ của sông Cửu Long trước khi nó đổi dòng về miền Tây, cách nay khoảng 10.000 năm. Vùng thềm nầy không giới hạn trong tỉnh Tây Ninh của Việt Nam, mà nó trải dài lên tỉnh Svey Riêng của Campuchia. Nói chung, ngoài một vài ngọn núi đơn lẻ, Tây Ninh nằm trong một vùng bình nguyên tương đối bằng phẳng, có bề mặt nghiêng về phía Nam do độ cao của thế đất giảm dần, từ 100 mét bên phía Campuchia, chỉ còn khoảng 15 mét ở vùng giáp với Bình Dương. Có lẽ vùng bằng phẳng nhất là vùng Tây Ninh, còn các vùng có độ cao nằm bên kia biên giới Cao Miên quanh vùng Bàu Có. Riêng vùng núi Bà Đen là điểm đặc sắc nhất trong vùng, vì nó là một khối đá hoa cương tương đối lớn nhất trong vùng, và cao đến 986 mét. Núi Bà Đen cũng còn được gọi là “Vân Sơn”, vì đỉnh núi lúc nào cũng được mây bao phủ. Và đây cũng là ngọn núi cuối cùng của dãy Trường Sơn. Các thung lũng quanh vùng chỉ là những thung lũng cạn, chỉ thấp hơn bề mặt bên trên chừng 10 mét. Những lớp đất sét mịn quanh vùng cho thấy dấu tích của những lòng sông cũ. Tuy nhiên, người ta chưa xác định được bề dày của lớp đất sét nầy. Riêng vùng Cà Tum, trên đường từ Tây Ninh đi biên giới, trên một phụ lưu của sông Rạch Sanh Đôi, thì lớp đất nầy chỉ dày khoảng từ 4 đến 5 mét mà thôi. Phía Bắc của thị xã Tây Ninh trở lên có nhiều rừng núi, nhưng phía Nam khá bằng phẳng, gần giống như vùng đồng bằng. Tây Ninh nằm giữa hai con sông Vàm Cỏ Đông và sông Sài Gòn. Riêng sông Sài Gòn có hồ Dầu Tiếng, và công trình thủy lợi tại đây có thể cung cấp nước cho trên 17.000 mẫu tây ruộng đất. Thật ra, Tây Ninh là vùng tiếp giáp giữa dãy Trường Sơn và đồng bằng miền Nam. Hai tầng phù sa mới và cũ(1) rất thuận tiện cho việc trồng nhiều loại cây. Vùng đất đỏ thì thích hợp cho các loại cây công nghiệp như cao su, cà phê, mía, trà, vân vân; trong khi vùng đất xám lại thích hợp cho các loại cây ăn trái, hoa màu, và cây lúa. vân vân.
Không nói chi đến thời các chúa Nguyễn, hoặc dưới thời Pháp thuộc, mà mãi đến giữa thế kỷ thứ XX, phần lớn đất đai của tỉnh Tây Ninh vẫn còn chìm trong hoang vu, nhất là các vùng Tân Biên, Tân Châu, Dương Minh Châu, Gò Dầu Hạ và Trảng Bàng. Từ trên phi cơ nhìn xuống, hầu hết địa phận Tây Ninh là những khu rừng già mênh mông, xen kẽ những ‘trảng’ và ‘truông’, đầm lầy hoang vu với đầy dẫy thú dữ.
Theo những nghiên cứu khảo cổ học mới đây cho thấy trong suốt thời gian vùng đất nầy trực thuộc vương quốc Phù Nam, cũng ít thấy dấu vết của cư dân Phù Nam tại đây, mà chỉ có dấu vết của các bộ tộc bản địa lâu đời tại đây như Stiêng, Mạ, Chu Ru, Cơ Ho, vân vân. Đến khi người Khmer tiêu diệt vương quốc Phù Nam vào thế kỷ thứ VII, họ cũng làm ngơ trước sự hoang vu của cả vùng nầy trong suốt hơn 10 thế kỷ(2). Đến khi công nữ Ngọc Vạn về làm hoàng hậu cho xứ Chân Lạp vào năm 1620, từng đoàn người Việt Nam bắt đầu di cư đến đây khai hoang lập ấp. Sau đó, người Khmer, người Chăm, rồi người Minh Hương cũng kéo đến lập nghiệp. Người Việt đã sống cộng cư trong hòa bình với các dân tộc khác, tùy theo khả năng mà cùng nhau khai phá đất đai để sinh cơ lập nghiệp. Người Khmer thì phá rừng làm rẫy; người Việt và người Champa thì phá rừng để canh tác lúa nước; còn người Minh Hương thì buôn bán hàng tạp hóa và những nhu yếu phẩm cho dân cư trong vùng.
Lịch Sử Thành Lập Vùng Đất Tây Ninh:
Về phía Bắc của Nam Kỳ Lục Tỉnh là vùng mà bây giờ chúng ta gọi là tỉnh Tây Ninh, đã từng là một vùng rừng rậm hoang vu, trực thuộc vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ 1 đến thế kỷ thứ 7. Sau khi vương quốc Phù Nam bị tiêu diệt, trên phương diện lịch sử, vùng đất nầy trực thuộc vương quốc Chân Lạp. Tuy nhiên, trên thực tế, vùng đất nầy bị bỏ hoang gần như vô chủ trong gần cả ngàn năm, từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XVII, vì vương quốc Chân Lạp chưa từng đưa dân đến đây định cư, cũng chưa từng thành lập chánh quyền địa phương tại đây. Người Chân Lạp gọi vùng đất nầy là đất “Chuồng Voi”(3), có lẽ vì hồi đó khu nầy có rất nhiều voi từ Tây Nguyên xuống. Khi những lưu dân Việt Nam đầu tiên đến đây, thì tại đây chỉ có lác đác một vài sóc hay phum của người Khmer. Tây Ninh cách Sài Gòn chừng 100 cây số, bắc giáp Kompong Cham (Cam Bốt), Nam giáp ba tỉnh Gia Định, Chợ Lớn và Tân An(4), đông giáp sông Sài Gòn (về sau này chính quyền VNCH cắt đất bờ tây sông Sài Gòn để thành lập 2 tỉnh Bình Dương và Bình Long), tây và tây bắc giáp 2 tỉnh Prey-Veng và Svay Riêng của Cam Bốt. Vì nằm giữa Sài Gòn và Nam Vang nên Tây Ninh là trục lộ quan trọng giữa hai nơi này. Từ Bình Long theo quốc lộ 13 đến Chơn Thành, rẽ phải theo lộ liên tỉnh 728 đi Tây Ninh, đến Hồ Dầu Tiếng, trước mặt là núi Bà Đen thật hùng vĩ soi bóng xuống mặt hồ. Trên đường từ Dầu Tiếng về Tây Ninh, là chợ Ngã Ba Bàu Năng, một ngôi chợ rộn rịp với những cây trái, khoai, củ, bí, cà và các loại rau quả trong vùng. Tại Tây Ninh có ngôi chợ Long Hoa là lớn nhất, nơi đây tất cả các bạn hàng từ các chợ quận lên bán những đặc sản địa phương và bổ hàng về bán lại. Tây Ninh có đường biên giới dài 240 cây số chung với Cao Miên. Tây Ninh cũng chính là nơi phát sinh ra đạo Cao Đài với số tín đồ hiện nay lên đến hơn hai triệu ở khắp miền Nam và miền Trung. Ngoài ra, Tây Ninh còn nổi tiếng với lễ hội Vía Bà trên núi Bà Đen. Từ trên núi Bà Đen nhìn xuống, Tây Ninh trông giống như một tấm thảm xanh bao la ngút ngàn. Vào thế kỷ thứ XVII, lưu dân Việt Nam từ các tỉnh miền Trung di cư vào Nam lập nghiệp và lập thành dinh Phiên Trấn (Gia Định), từ đó lưu dân tản lên các vùng mạn Bắc Phiên Trấn như Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ, đến tận núi Bà Đen. Lúc đó họ chung đụng với người Miên. Khi Nguyễn Ánh bôn tẩu trốn quân Tây Sơn, có lần ông đã kéo đoàn tùy tùng vượt qua Trảng Bàng rồi lên đến Tây Ninh, nơi đây ông đã họp quần thần lại để mưu tính khôi phục Phiên Trấn nên dân địa phương gọi đó là “Sân Chầu,” địa danh mà người dân Tây Ninh vẫn còn nhắc đến. Thời Gia Long thì Tây Ninh là một phủ của Gia Định. Lúc bấy giờ tỉnh Gia Định rất rộng và bao gồm các tỉnh Tây Ninh, Gia Định, Tân An, Chợ Lớn, và Gò Công. Sau khi Pháp chiếm Nam kỳ họ thành lập tỉnh Tây Ninh để dễ bề kiểm soát với 2 thị trấn là Tây Ninh và Gò Dầu Hạ và 2 quận Thái Bình và Trảng Bàng. Dưới thời các chúa Nguyễn, Tây Ninh là một phủ của tỉnh Phiên An (Gia Định). Thời đó Phủ Tây Ninh có 2 huyện: Tân Ninh và Quang Hóa, do 2 viên tri huyện cai trị, một tại Tây Ninh và một tại Cẩm Giang.
Vào giữa thế kỷ thứ XVII, các tỉnh vùng Ngũ Quảng, Phú Yên, Bình Khương, và Bình Thuận, vân vân, của xứ Đàng Trong đang bị nạn thất mùa, nên dân chúng phải sơ tán đi tìm đất sống. Họ vào Nam bằng ghe bầu, đến cửa Cần Giờ, rồi đi lần lên vùng Prey Nokor, rồi từ đó họ đi lần lên Romdum Ray, khai khẩn các vùng Trảng Bàng, Gò Dầu Hạ, Núi Bà Đen. Đây là một trong những cuộc di dân lớn nhất của người Việt vào đất Thủy Chân Lạp. Ban đầu người Khmer và người Việt sống cộng cư, nhưng về sau nầy hễ người Việt đi đến đâu là người Khmer bỏ đi chỗ khác. Chính vì vậy mà chưa đầy một thế kỷ sau, tức là vào thế kỷ thứ XVIII, hầu như không còn người Khmer sống quanh vùng Prey Nokor nữa.
Từ năm 1776 đến năm 1779, nghĩa quân Tây Sơn chiếm thành Gia Định, nhưng đến năm 1780, sau khi đại quân Tây Sơn rút về Qui Nhơn, Nguyễn Ánh lại đem quân về chiếm lại Gia Định. Tây Sơn lại phải đem quân vào tái chiếm lại Gia Định, và cứ như thế, hai bên đánh nhau đến năm lần. Quân đội của Nguyễn Ánh và Tây Sơn tiếp tục đánh nhau trong thập niên 1770, nhiều lần Nguyễn Ánh và đám quần thần của ông đã phải chạy lên vùng Romdum Ray lẩn trốn sự truy đuổi của đại quân Tây Sơn. Khi Gia Định thất thủ, Nguyễn Ánh đã phải chạy trốn trên vùng Trảng Bàng và Gò Dầu Hạ. Hiện tại ở Tây Ninh hãy còn một di tích lịch sử tên ‘Sân Chầu’, nơi Nguyễn Ánh và quần thần họp trong rừng để tìm cách đánh thành Gia Định. Năm 1789, trong khi Hoàng Đế Quang Trung Nguyễn Huệ đang phải đối phó với giặc Thanh, thì Nguyễn Ánh nhờ viện trợ của Bá Đa Lộc và những người Pháp tình nguyện sang giúp đánh lấy thành Gia Định. Sau khi tái chiếm Gia Định, Nguyễn Ánh sắp đặt lại việc cai trị, củng cố Gia Định và các vùng phụ cận làm hậu cứ cho cuộc chiến tranh với Tây Sơn. Lúc nầy Tây Ninh là một phủ của trấn Phiên An, dưới quyền cai trị của một vị tri phủ. Tuy nói là một phủ, nhưng thời nầy Tây Ninh chỉ là những khu rừng trùng điệp, nhiều truông, nhiều trảng, dân cư rất thưa thớt, nên việc khai khẩn vùng đất mới nầy rất khó khăn.
Sau năm 1802, khi Gia Long lên ngôi, nhà vua cho đổi phủ Gia Định ra làm trấn Gia Định. Đến năm 1808, nhà vua lại cho đổi trấn Gia Định ra làm Thành Gia Định. Lúc nầy Thành Gia Định cai quản tất cả các trấn Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Thanh và Hà Tiên. Hồi nầy Cao Miên là phiên quốc của Việt Nam, nên các sứ thần đem phẩm vật từ Cao Miên qua triều cống cho Việt Nam đều qua ngã Tây Ninh bằng con đường cống sứ, về sau nầy con đường nầy được làm lại thành tỉnh lộ 13. Đến đời vua Minh Mạng, Tây Ninh vẫn là một phủ thuộc tỉnh Gia Định. Qua đời các vua Thiệu Trị và Tự Đức, nhiều lần quân Cao Miên đã xua quân tấn công vùng Tây Ninh tại vùng Trà Vông(5). Năm 1838, vua Minh Mạng đổi trấn Phiên An ra làm tỉnh Gia Định. Hồi nầy tỉnh Gia Định gồm 3 phủ, với 7 huyện: phủ Tân Bình có 3 huyện(6), phủ Tân An có 2 huyện(7), phủ Tây Ninh có 2 huyện(8). Năm 1846, quân Cao Miên tràn sang đánh chiếm phủ đường Tây Ninh, quan Tri phủ Huỳnh công Giản tuẫn tiết. Hiện còn ngôi đình thờ ngài tại Tây Ninh.
****
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét