Tổng Quan Về Vùng Thủ Đức:
Nói tới Sài Gòn mà không nói tới Thủ Đức quả là một thiếu sót lớn, vì Thủ Đức không đơn thuần chỉ là một vùng phụ cận của Sài Gòn, mà nó còn là lá phổi, là một mảnh sân sau của thành phố Sài Gòn. Thủ Đức chính là nơi mà người Sài Gòn thường lui tới vui chơi giải trí và nghỉ ngơi trong những ngày cuối tuần, những mong rũ bỏ những áp lực nặng nề trong công việc làm hằng ngày. Ngược dòng lịch sử, năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai quan Lễ Thành Hầu Nguyễn hữu Cảnh làm Kinh Lược vùng đất Thủy Chân Lạp và chia đất Đông Phố ra làm dinh huyện để tiện việc cai trị. Ông lấy đất Đông Phú để lập ra huyện Phước Long, Biên Hòa lập ra dinh Trấn Biên, và đặt Sài Gòn là huyện Tân Bình. Sau đó đặt ra 2 dinh là Trấn Biên (Biên Hòa) và Trấn Phiên (Gia Định). Năm 1808, vua Gia Long đổi dinh Trấn Biên thành trấn Biên Hòa, huyện Phước Long được nâng lên thành phủ Phước Long, gồm 4 huyện là Bình An, Phước Chánh, Long Thành và Phước An. Đến năm 1832, sau khi Lê văn Duyệt qua đời, vua Minh Mạng bãi bỏ thành Gia Định và cho đổi sáu trấn ra làm 6 tỉnh. Từ đó Nam Kỳ có tên là Nam Kỳ Lục Tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Năm 1837, vua Minh Mạng lại cho lập thêm phủ Phước Tuy cùng 2 huyện Ngãi An và Long Khánh. Huyện Ngãi An gồm 4 tổng: An Thổ, An Thủy, An Di và An Bình. Đa phần lãnh thổ của vùng Thủ Đức ngày nay nằm trong địa phận bốn tổng của huyện Ngãi An thời Minh Mạng. Dưới các thời vua Thiệu Trị và Tự Đức, huyện Ngãi An vẫn trực thuộc tỉnh Biên Hòa. Đến thời Pháp thuộc, huyện Ngãi An trực thuộc tỉnh Gia Định. Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, từ năm 1955 đến năm 1975, huyện Ngãi An được đổi thành quận Thủ Đức và vẫn thuộc tỉnh Gia Định. Sau năm 1975, quận Thủ Đức được đổi thành huyện Thủ Đức, trực thuộc thành phố HCM. Tuy nhiên, đến năm 1997, chánh quyền mới lại chia huyện Thủ Đức ra làm 3 quận: quận Thủ Đức, quận 2 và quận 9, trực thuộc TPHCM.
Địa Danh Thủ Đức Do Đâu Mà Có?
Theo lịch sử thì tại đây có một đồn thu thuế, được các chúa Nguyễn xây dựng cách nay trên 300 năm. Năm 1995, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khai quật được tại xã Linh Trung, thuộc quận Thủ Đức, một ngôi mộ cổ. Ngôi mộ nầy có 2 vòng tường bao bọc, bên trong có một tấm bia đá hoa cương, cao 42 phân, rộng 32 phân và dày khoảng 4 phân. Trên tấm bia có khắc 37 chữ Hán, có một hàng ngang và 3 hàng dọc. Nội dung của tấm bia với nguyên văn như sau: “Mộ ông Tạ Huy, hiệu Thủ Đức, tiền hiền thôn Linh Chiểu Đông, nước Đại Nam. Ông chết ngày 16 tháng 6. Hương chức trong thôn lập mộ bia vào ngày lành tháng 2 năm 1890.” Hiện tại, tại thị trấn Thủ Đức vẫn còn nhà từ đường Tạ Dương Minh, theo các bô lão trong vùng thì ngôi nhà từ đường nầy đã được di dời tới đây từ 20 năm trước từ khu chợ Thủ Đức. Trong nhà từ đường có biển ghi khắc “Từ Đường Tạ Dương Minh, tiền hiền họ Tạ, hiệu Thủ Đức, chánh đản ngày 19 tháng 6.” Ông Tạ Dương Minh là bang trưởng của người Hoa trong Hội “Bài Thanh Phục Minh” bị nhà Thanh truy đuổi, nên chạy qua Việt Nam trong thời các chúa Nguyễn đang cho phép mộ dân lập ấp. Ông Tạ Dương Minh đã chiêu mộ rất nhiều người Hoa đến vùng Thủ Đức ngày nay để khai khẩn đất hoang lập nghiệp. Theo chân người Hoa đến Thủ Đức, còn có một số người Việt, người Khmer và người Chăm khác, họ cùng hòa nhập với nhau để khai khẩn đất hoang, mở rộng đất canh tác, xây dựng phố xá, nhà cửa... Chính nhờ công lao tạo dựng những khu phố chợ tại vùng Thủ Đức mà ông Tạ Dương Minh đã được cư dân trong vùng tôn xưng là tiền hiền khai khẩn. Và có lẽ cũng chính vì vậy mà người ta lấy hiệu “Thủ Đức” của ông để gọi chung cho cả vùng đất nầy.
Cư Dân Vùng Thủ Đức:
Ngay từ trước khi vương quốc Phù Nam thành hình, vùng đất Nông Nại nói chung và vùng Thủ Đức nói riêng, đã có nhiều cư dân cổ cư ngụ. Đó là những cư dân thuộc các bộ tộc Stiêng, Mạ, Chu Ru Cơ Ho, vân vân(1). Tuy họ chỉ sống cách vùng Sài Gòn khoảng trên dưới 100 cây số, nhưng hình như cho mãi đến ngày nay họ vẫn chưa thể hòa nhập với cộng đồng người Kinh. Rất nhiều người Việt Nam lầm tưởng những bộ tộc nầy là người Campuchia. Trên thực tế, tuy các chủng tộc Stiêng, Mạ, Chu Ru và Cơ Ho cũng có ngôn ngữ Môn-Khmer, nhưng họ hoàn toàn khác với người Khmer. Họ có tục cà răng căng tai, nên một số người Kinh còn gọi họ là “mọi cà răng căng tai”. Đặc biệt là người Mạ với địa bàn cư trú trải rộng từ Đồng Nai xuống tận đến Mỹ Tho(2). Mãi đến ngày nay người Mạ vẫn còn tập tục “cà răng căng tai”, họ rất giỏi nghề dệt vải với những hoa văn rất đặc sắc. Trước khi những lưu dân Việt Nam tới vùng đất nầy thì người Khmer thường đến đây bắt người Mạ đem đi các nơi khác buôn bán như những nô lệ thời trung cổ(3). Cũng như tại các vùng Tây Ninh, Bình Dương và Biên Hòa, người Stiêng tại vùng Thủ Đức để tóc dài có búi đằng sau, đeo bông tai băng cây hay ngà voi, xăm mặt và mình mẩy. Đàn bà Stiêng mặc váy trong khi đàn ông thì đóng khố. Tiếng nói của họ gần gũi với tiếng Mnông, Cơho và Mạ, thuộc nhóm Môn-Khmer. Hiện tại người Stiêng trong vùng còn khoảng 40 ngàn người, nhưng tại Thủ Đức thì còn rất ít người Stiêng, đa số họ đã tự đồng hóa với người Việt trong cuộc sống hôm nay. Riêng đới với người Khmer, tại các vùng Tây Ninh, Bình Dương, Thủ Đức và Biên Hòa, hầu như người Khmer rất ít nếu không muốn nói là không có. Ngày nay, khai các vùng Sài Gòn-Gia Định-Thủ Đức ngày càng đô thị hóa, thì các chủng tộc Stiêng, Mạ, Chu Ru và Cơ Ho ngày càng rút sâu vào vùng rừng núi tiếp giáp với Campuchia. Nếu họ quyết định ở lại đô thị thì nếp sống của họ cũng phải thay đổi cho phù hợp với cuộc sống tại đây. Một số lớn người Stiêng, Mạ, Chu Ru và Cơ Ho đã rút về hướng Bình Phước. Hiện tại, họ chiếm khoảng 17,9 phần trăm dân số trong tỉnh Bình Phước.
Riêng cư dân Việt Nam đã đến cư ngụ trong vùng Thủ Đức từ trước khi quan Lễ Thành Hầu Nguyễn hữu Cảnh được chúa Nguyễn cử vào Nam làm Kinh Lược vùng đất Thủy Chân Lạp. Tuy nhiên, không có tài liệu đích xác nào ghi lại những tiến trình định cư của cư dân Việt Nam tại đây. Chỉ biết có một số ít người Việt đã đến đây khai phá ngay từ thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng vừa vào trấn thủ miền Thuận Hóa(4). Khi họ đến đây thì vùng Thủ Đức nói riêng và toàn vùng Đồng Nai nói chung hãy còn chìm ngập trong hoang vu(5). Những cư dân người Việt đầu tiên đến đây đa số là những lưu dân cùng khổ của các vùng Thuận Quảng, không sống nổi dưới chế độ phong kiến bất công nên bỏ xứ ra đi tìm đất sống. Sau khi quan Lễ Thành Hầu Nguyễn hữu Cảnh đã phân chia các vùng Phước Long và Tân Bình thành những phủ huyện với đầy đủ cơ quan hành chánh thì cũng có một số không nhỏ những lính tiền đồn nhà Nguyễn sau khi giải ngủ đã quyết định cùng gia quyến ở lại vùng đất nầy lập nghiệp. Đến khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả con gái của mình là công nữ Ngọc Vạn cho vua Miên là Chey Chetta II vào năm 1620 thì lưu dân người Việt mới đổ xô theo chân công nữ vào đây lập nghiệp. Ngay chính phái đoàn đưa dâu công nữ Ngọc Vạn cũng đem hết gia quyến của mình vào sinh sống trong vùng đất nầy(6). Đến năm 1623, phải nói là lưu dân người Việt ở vùng Đồng Nai đã đông lắm rồi nên chúa Nguyễn mới cho sứ thần sang Cao Miên để xin mở hai đồn thâu thuế tại đây, và dĩ nhiên chúa Nguyễn Phúc Nguyên nhận được ngay sự ưng thuận của người con rể Chey Chetta II. Và cũng kể từ đó cho đến năm 1757, người Việt liên tục đi vào khai phá những hoang địa vùng Nam Kỳ với những luật lệ thật dễ dãi của các chúa Nguyễn. Đến trước năm 1975, thì quận Thủ Đức đã có khoảng 184.989 người(7), nhưng đến sau năm 1975, do sự sắp xếp lại địa giới hành chánh nên vào năm 1997, quận Thủ Đức chỉ còn lại có 163.294 người(8).
****
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:
Đất Phương Nam Quyển 1***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét