Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Kas Krobei-Prei Nokor Theo Dòng Thời Gian P2


Đến năm 1660 thì con trai của công chúa Ngọc Vạn lên ngôi vua lấy hiệu là Batom Reachea, đóng đô ở Udong. Sử Chân Lạp có ghi như sau: “Nhờ người Việt Nam mới được làm vua, quốc vương Batom
Reachea ký hòa ước nhận triều cống cho chúa Nguyễn hàng năm. Cho người Việt Nam được làm chủ phần đất vừa khai hoang. Cho người Việt được định cư trong lãnh thổ Chân Lạp và được hưởng quyền lợi ngang hàng với người Miên.”(28) Từ khoảng năm 1674 đến năm 1690(29), Prei Nokor khởi sự xây dinh thự cho Phó vương Nặc Nộn, và doanh trại cho quân binh của ông tại vùng Cây Mai, thuộc quận 11 ngày nay. Tuy nhiên, khi thấy người Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh tại vùng nầy nên người Chân Lạp bắt đầu đối kháng dữ dội. Năm 1674, Nặc Ong Đài đem quân Xiêm La về đánh Nặc Ong Nộn, đuổi người Việt ra khỏi đất Nông Nại và Prei Nokor, đồng thời ra mặt kình chống với quân đội của chúa Nguyễn. Chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần bèn sai Cai Cơ đạo Nha Trang là Nguyễn Dương Lâm đem quân vào đánh SàiGòn(30), sau đó tiến đánh Gò Bích và Nam Vang.
Nặc Ong Đài thua chạy rồi sau đó chết trong rừng. Một vị hoàng tử thuộc dòng chính thống tên Nặc Ong Thu ra đầu hàng với quân chúa Nguyễn và được phong làm Cao Miên quốc vương, hiệu là Chey Chetta III, tức Nặc Ong Thu đệ tam, đóng đô ở thành Long Úc (Oudong). Còn Nặc Ong Nộn được phong làm Phó vương và tiếp tục đóng đô tại Prei Nokor (Sài Gòn).
Chính công nữ Ngọc Vạn đã nhiều lần mở đường dẫn lối cho người Việt đi về đất phương Nam. Trong số đó chúng ta phải kể đến lần thứ nhất là ngay sau cuộc hôn nhân của bà với Miên vương Chey Chetta II vào năm 1620, và lần thứ nhì quan quân nhà Nguyễn can thiệp sâu rộng vào triều chánh của xứ Chân Lạp sau vụ tranh chấp nội bộ trong vương triều Chân Lạp vào năm 1658. Kể từ đó, xứ Đàng Trong cứ được dâng hết vùng đất này đến vùng đất khác, và mỗi lần được đất như vậy, các chúa cho thiết lập ngay sổ bộ chánh quyền và cho lưu dân đến khẩn đất, để đặt Chân Lạp trước một sự việc đã rồi. Sau này dù cho họ có muốn đòi lại đất đai cũng không đòi lại được, vì dân cư trên những vùng đất này đều toàn là người Việt cả. Năm 1665, một giáo sĩ người Pháp tên Chevreuil tới thăm Colompé, tức Phnom Penh đã ghi lại:
“Hai làng An Nam nằm bên kia sông, tổng số trên 500 người, mà kẻ theo đạo Thiên chúa chỉ có khoảng 4 hay 5 chục mà thôi. Ngoài Nam Vang, tại các nơi khác cũng có nhiều người Việt Nam sinh sống, ở thôn quê thì làm ruộng, gần phố thị thì buôn bán hay làm nghề thủ công nghệ, hay chuyên chở hàng hóa bằng ghe thuyền, kể ra đến hàng mấy ngàn người, như ở các vùng Đất Đỏ, Bà Rịa, Bến Cá, Cù Lao Phố, Mỹ Tho và Hà Tiên...

Đến năm 1679, tức khoảng 56 năm sau ngày chúa Nguyễn lập hai đồn thu thuế ở Kas Krobei và Prei Nokor, chúa Nguyễn cho lập đồn dinh Tân Mỹ. Đây không phải là trạm thu thuế, mà là một đồn binh mang tính quân sự, có giám quân, cai bộ và ký lục cai quản hẳn hòi, với nhiệm vụ bảo vệ Phó vương Nặc Nộn và Việt kiều. Đồn binh nầy cũng có nhiệm vụ tổ chức làng xóm và phố chợ cho lưu dân Việt Nam nào muốn định cư lại đây. Trên thực tế, đây đã là tổ chức chánh quyền một cách bán chánh thức của chúa Nguyễn tại đây. Cùng năm 1679, chúa Nguyễn cho phép di thần nhà Minh là 2 tướng Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình, đem 3.000 quân binh và gia quyến vào khai hoang lập ấp vùng Nông Nại. Từ đó Cù Lao Phố được thành lập, giao thương với các nước ngoài rất sung túc vào hậu bán thế kỷ thứ XVIII tại vùng nầy. Đồng thời, nhóm quan quân của Tướng Dương Ngạn Địch và Phó tướng Hoàng Tiến được chúa Nguyễn cho vào khai phá đất Mỹ Tho. Cùng năm 1679, chúa Nguyễn cho thành lập thêm đồn binh tại Prei Nokor, tại khu vực Tân Mỹ ngày nay(31), chúa Nguyễn đưa ra lý do là đồn binh được lập ra nhằm giúp giải quyết những vấn đề của người Minh Hương tại vùng nầy, nhưng kỳ thật đây là một trong những đồn binh lớn, được dùng cho mục đích quân sự nhiều hơn là để giải quyết những vấn đề dân sự. Đồn binh có hình Bát Quái, tại Prei Nokor, thành có 8 cửa, rất đơn sơ. Dầu đồn binh nầy có qui mô nhỏ so với thành Gia Định sau nầy, nhưng vào thời đó, đồn binh có hình Bát Quái nầy là một trong những thành trì vững chắc tại vùng Thủy Chân Lạp.
Năm Mậu Thìn 1688, Phó tướng Hoàng Tiến làm phản, giết chủ tướng Dương Ngạn Địch, rồi đem quân Long Môn đồn trú ở Nan Khê (có lẽ là vùng Rạch Gầm ngày nay). Hoàng Tiến nỗ lực đóng tàu và đúc thêm súng ống, âm mưu đuổi người Chân Lạp và cả người Việt ra khỏi vùng nầy để lập nên một tiểu vương quốc theo kiểu Tân Gia Ba ở cực Nam bán đảo Mã Lai. Nặc Ong Thu đệ tam cũng đắp lũy xây đồn để chống lại Hoàng Tiến, và chống luôn cả quân đội của chúa Nguyễn. Chúa Nguyễn Phúc Trăn bèn sai Vạn Long Hầu Mai Vạn Long đem quân vào đánh dẹp Hoàng Tiến rồi sau đó kéo sang đánh dẹp luôn Chân Lạp. Mai Vạn Long dẹp được Hoàng Tiến, nhưng không bình định được Chân Lạp. Chúa Nguyễn bèn sai Hào Lương Hầu Nguyễn Hữu Hào vào thay Mai Vạn Long, nhưng Nguyễn Hữu Hào lại mắc phải mỹ nhân kế nên không hoàn thành nhiệm vụ. Chúa Nguyễn Phúc Chu bèn sai Thống Suất Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh vào đánh dẹp. Sau loạn Hoàng Tiến, Phó vương Chân Lạp là Nặc Ong Nộn bèn bỏ vùng Prei Nokor để dời dinh về vùng La Bích(32). Năm 1697, Phó vương Nặc Nộn dời dinh về La Bích, và con trai của ông là Nặc Yêm được Nặc Thu gọi về Oudong và gả con gái để sau nầy Nặc Yêm nối ngôi làm vua Chân Lạp. Từ đó Sài Gòn không còn chức Phó vương nữa.
Từ khi Phó vương Nặc Nộn dời dinh về La Bích, khu Prei Nokor bị lãng quên cho đến năm 1698, tức 75 năm sau ngày chúa Nguyễn lập trạm thu thuế ở Prei Nokor, Nguyễn Hữu Cảnh lại được chúa Nguyễn Phúc Chu cử đi kinh lược vùng đất nầy, lấy đất Nông Nại lập ra phủ Gia Định, lấy xứ Sài Gòn đặt làm huyện Tân Bình, dựng dinh Phiên Trấn(33), lấy xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng nên dinh Trấn Biên, đặc các chức giám quân, cai bạ và ký lục cai quản(34). Kể từ đó đất Gia Định được chính thức khai sanh vì đây là lần đầu tiên trong lịch sử của vùng đất nầy, Gia Định được ghi danh vào sổ bộ của xứ Đàng Trong. Nghĩa là quan Chưởng Cơ Nguyễn Hữu Cảnh đã chính thức tuyên bố xác lập chủ quyền của xứ Đàng Trong trên vùng đất mới nầy(35). Tuy nhiên, trên thực tế, có lẽ nhiều thế kỷ trước đó, người Việt Nam đã tới buôn bán và khẩn hoang lập ấp rải rác ở các vùng miền Đông và vùng đồng bằng sông Cửu Long, cũng như vùng châu thổ sông Mê Nam(36). Sau khi thành lập hai phủ Phước Long và Tân Bình, Nguyễn Hữu Cảnh bèn xây đắp một lũy đất dài khoảng 8 hoặc 9 cây số, từ phía dưới rạch Thị Nghè lên vùng Chí Hòa ở khu Rạch Cát, nhằm bảo vệ vùng phía tây bắc và tây nam Sài Gòn; riêng phía đông bắc và đông nam Sài Gòn đã có rạch Thị Nghè, sông Tân Bình và sông Sài Gòn che chắn. Như vậy Quan Thống Suất Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh đã làm một việc mà chưa có một vị quan Chân Lạp nào đã làm tại vùng Thủy Chân Lạp trước đây. Ông chính là chứng nhân lịch sử, người đã chính thức tuyên bố chủ quyền của Việt Nam trên phần đất Nam Kỳ với đầy đủ những thủ tục hành chánh mà chưa có dân tộc nào đã làm trước đây, như đặt địa danh, kiểm tra dân số và thiết lập bộ máy hành chánh cho đến ngày nay. Thời điểm quan Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh(37) vào kinh lược xứ Nông Nại, thì dân số vùng nầy lúc bấy giờ không vượt quá con số 200.000, nghĩa là dân cư rất thưa thớt. Toàn vùng Sài Gòn và Nông Nại còn chìm trong những khu rừng rậm hoang vu như khu rừng Hóc Môn, Tân Bình, Gò Vấp, Phú Lâm, vân vân. Chính vì vậy mà quan Kinh Lược Nguyễn Hữu Cảnh phải xin phép các chúa Nguyễn cho chiêu mộ cư dân cố cựu từ các phủ Điện Bàn, Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Qui Nhơn đến đây khai hoang lập ấp với quy chế thật dễ dãi(38). Mãi đến thế kỷ thứ XVIII, thì đa phần đất Prei Nokor vẫn còn rất hoang vu. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn: “Ở phủ Gia Định, đất Đồng Nai toàn là rừng rậm hàng ngàn dặm, họ Nguyễn trước kia lấy được đất ấy, rồi chiêu mộ dân từ các phủ Điện Bàn, Quảng Ngãi, Quy Nhơn di cư đến khai hoang lập ấp trên vùng đất mầu mỡ, họ chiếm lấy vườn trồng cau, làm nhà ở. Lại mua con trai con gái người Mọi ở các đầu nguồn đem bán làm nô tỳ... cho chúng lấy nhau, sinh con đẻ cái, nuôi nấng chúng cho lớn lên để làm việc phá rừng cày ruộng, vì lẽ đó mà lúa thóc tại vùng nầy rất nhiều. Tại các địa phương, mỗi nơi có 40, 50 hoặc 20, 30 nhà giàu, mỗi nhà đều có từ 50 đến 60 điền nô, từ 300 đến 400 trâu bò, cày cấy, gặt hái rộn ràng không lúc nào rảnh rỗi, hàng năm đến tháng 11, tháng chạp, giã gạo, sàng gạo, bán lấy tiền để dùng vào lễ chạp, lễ tết, sau tháng giêng trở đi, không làm việc xay giã nữa. Họ đem nông sản bán ra các vùng Phú Xuân để đổi lấy hàng từ miền Bắc như tơ lụa, lãnh, trừu, và áo quần tốt đẹp.” Thật vậy, ngay từ đầu thế kỷ thứ 18, việc mua bán lúa gạo tại vùng Nông nại đã đóng một vai trò hết sức quan trọng cho xứ Đàng Trong. Lúa gạo được chở từ cảng Nông Nại ra Quảng Nam, Phú Xuân, ngay cả các vùng Tân Gia Ba và Malacca nữa. Theo giáo sĩ Halbont tại vùng Thuận Hóa thì mỗi năm từ Đồng Nai, vùng đất phì nhiêu, có hàng ngàn chiếc ghe đến từ vùng nầy mang lại sự đầy đủ và nỗi vui mừng cho dân chúng. Đến thời Gia Long thì đất Nam Kỳ vẫn còn chia làm 3 dinh và 1 trấn là Biên Trấn dinh (Biên Hòa), Phiên Trấn dinh (Gia Định), chia Gia Định làm ba (03) tỉnh gồm các tỉnh Tây Ninh(39), Chợ Lớn(40), và Gia Định(41). Quan Kinh Lược Nguyễn Hữu Cảnh có công rất lớn với dân tộc Việt Nam trong việc mở cõi về phương Nam. Chính ông đã thành lập một vùng cương vực rộng lớn từ Phước Long, Bình Long, Bình Dương, Tây Ninh, Tân Bình, Vũng Tàu, Sài Gòn và xuống tận Long An bây giờ. Mỗi dinh đặt chức lưu thủ, cai bộ và ký lục để cai trị. Nói như vậy không có nghĩa là trước đây vùng đất nầy chưa từng có cư dân nào trú ngụ. Kỳ thật, theo các di chỉ khảo cổ thì vùng Prei Nokor cũng như các vùng phụ cận từ lâu lắm đã có nhiều bộ tộc của các cộng đồng cư dân cổ trú ngụ. Họ là những bộ tộc người Stiêng, Mạ, và Chu Ru, vân vân. Họ chia thành những bộ lạc, gần giống như các tiểu vương bên Mã Lai Á ngày nay. Họ sinh sống rải rác từ vùng Mô Xoài, Bà Rịa, Biên Hòa, Tây Ninh, Bình Dương, xuống tận đến các vùng Meso (Mỹ Tho) và Long Ghor (Long Hồ), kể cả các tiểu vương trên các vùng từ lưu vực sông La Ngà lên đến cao nguyên Di Linh và khu vực Lâm Đồng ngày nay. Tuy họ phải triều cống các vua Chân Lạp, nhưng sinh hoạt trong các bộ lạc nầy vẫn được độc lập tự do. Văn hóa của họ có liên hệ tới văn hóa đá cũ tìm thấy tại các vùng Xuân Lộc, Lộc Ninh, Định Quán; văn hóa Hòa Bình Bắc Sơn tìm thấy tại vùng Suối Chồn; văn hóa đá mới tìm thấy tại vùng Cầu Sắt; văn hóa đồng tìm thấy tại núi Gốm, Bến Đò; văn hóa đồng sắt tìm thấy tại các vùng Suối Chồn, Rạch Núi; văn hóa Đông Sơn tìm thấy tại Bình Phú, Vũng Tàu, Lộc Ninh, Phú Chánh; cũng như nhiều di chỉ tìm thấy trong vùng có liên quan đến văn hóa Óc Eo và hậu óc Eo. Mặc dầu các vương quốc Phù Nam và Chân Lạp đã từng có cư dân trên vùng đất nầy, nhưng về phương diện chánh quyền và xã hội, cả hai vương quốc nầy chưa từng tổ chức thành làng mạc, thôn ấp, cũng chưa từng xác lập lãnh thổ hay cương vực rõ ràng. Chính vì thế mà những cư dân bán du mục của hai vương quốc nầy chỉ đến đây canh tác một thời gian rồi bỏ đi khi đất đai không còn mầu mỡ nữa. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, trước khi người Việt đến vùng Nông Nại khai khẩn thì nơi đây hãy còn là một khu rừng rậm hoang vu, nơi trú ngụ của nhiều nhóm dân tộc thiểu số mà người Việt gọi chung là người “Man” hay “Mọi”. Như vậy vùng Prei Nokor đã có cư dân cổ cư ngụ từ rất lâu đời, như chưa có dân tộc nào xác lập chủ quyền hành chánh của mình trên vùng đất nầy như dân tộc Việt Nam. Mãi đến ngày nay vẫn chưa có tài liệu lịch sử nào xác nhận về những cư dân người Việt đầu tiên đi vào khai khẩn vùng nầy(42).

-----------------------------

Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở
Link bên dưới:

https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html




***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét