Thứ Sáu, 7 tháng 12, 2018

Kas Krobei-Prei Nokor Theo Dòng Thời Gian P 1



Kas Krobei-Prei Nokor Theo Dòng Thời Gian P 1

Vùng đất mà cha anh chúng ta đã từng làm bàn đạp để mở cõi về phương Nam là một vùng đất nổi tiếng với hào khí Đồng Nai, mà bây giờ là trung tâm chính trị, kinh tế và văn hóa cho cả miền Nam: Kas Krobei-Prei Nokor hay vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là vùng Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định, là một vùng có lịch sử cư dân lâu đời, chứ lưu dân Việt Nam không phải là những cư dân đầu tiên của vùng đất nầy. Khoảng trên 6.000 năm trước đây, vùng đất mà bây giờ là Nam Kỳ của chúng ta vẫn chưa được hoàn toàn ổn định vì những hiện tượng ‘biển tiến’ và ‘biển thoái’ liên tục trong khoảng thời gian vài ngàn năm. Vùng đất nầy chỉ có cư dân từ các đảo phía Nam đến cư trú sau khi những hiện tượng ‘biển tiến’ và ‘biển thoái’ đã ổn định. Kỳ thật, vùng đất nằm về phía Nam bán đảo Đông Dương cũng không phải là của người Chân Lạp, mà là của người Phù Nam từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII. Người Phù Nam đến từ các đảo phía Nam, họ mang theo văn hóa của tổ tiên họ đến đây để thành lập nên vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII. Đây là thời kỳ rực rỡ nhất của văn hóa Óc Eo. Từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ IX, sự tan rã của vương quốc Phù nam đã có tác động và ảnh hưởng đến toàn miền Nam của bán đảo Đông Dương. Đầu thế kỷ thứ IX, vương quốc Chân Lạp thống nhất hai miền Thủy và Lục Chân Lạp, mở đầu cho thời đại Angkor. Tuy nhiên, trong suốt ba thế kỷ, IX, X và XI, vùng đất Prei Nokor hầu như không bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa Angkor. Như vậy, coi như kể từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XVII, người Chân Lạp chỉ mặc nhiên sáp nhập vùng đất nầy vào lãnh thổ của mình khi vương quốc Phù Nam không còn nữa, chứ trên thực tế họ chưa bao giờ xác lập chủ quyền hay thiết lập chánh quyền địa phương tại đây. Thật tình mà nói, trong suốt 10 thế kỷ trôi qua, từ thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XVII, chưa có một vị Miên vương nào tỏ ra bận tâm đến sự mất còn của vùng hoang địa nầy(20). Vào thế kỷ thứ XVII, khi những lưu dân người Việt đầu tiên tới đây, họ chỉ thấy rải rác đó đây một vài Sóc Miên được định cư bởi những người Miên phiêu lưu, hoặc những người Miên cùng khổ, không sống được ở vùng Lục Chân Lạp, nên họ đánh liều đi về vùng Thủy Chân Lạp để tìm lẽ sống cho gia đình. Ngoài vùng Prei Nokor và đồng bằng sông Cửu Long ra, lúc nầy người Việt còn đến làm ăn và định cư rải rác trong đồng bằng sông Mê Nam(21).
Vào khoảng thế kỷ thứ nhất, toàn vùng đất Phù Nam hầu như quanh năm ngập lụt, duy chỉ vùng Prei Nokor tương đối cao hơn, còn các vùng khác thì nước chỉ rút vào mùa khô mà thôi. Ngày nay chúng ta không có nhiều sử liệu về vương quốc Phù Nam nên khó mà biết được họ đã rời bỏ vùng Prei Nokor vì lý do gì, rất có thể họ không thể sống hòa đồng với những người bản địa lâu đời tại đây như những người Mạ, Châu Ro, Chu Ru, Stiêng, vân vân, nên họ bỏ đi giống như bản chất của những người Khmer nối gót họ về sau nầy, mỗi lần có điều gì xích mích với người Việt thì họ chửi rủa rồi bỏ đi. Dầu có bao nhiêu bộ tộc hay dân tộc đã từng sinh sống trên vùng đất nầy đi nữa, thật tình mà nói, chưa có chứng cớ về sự xác lập chủ quyền của bất cứ dân tộc nào khác, ngoại trừ người Việt Nam.
Ngay từ các triều đầu đời vua Lê, các ngài đã biết vùng đất Thủy Chân Lạp nói chung và vùng Kas Krobei-Prei Nokor nói riêng, nguyên là của Chân Lạp (Chenla). Đây là vùng đất đai phì nhiêu mầu mỡ, nhưng chưa được khai phá nên đa phần hãy còn hoang vu. Thời đó các ngài chưa để ý đến việc chinh phục vì mỗi năm vua xứ Chân Lạp (Nam Phiên) đều triều cống. Tuy nhiên, các chúa Nguyễn cho phép người dân được tự nhiên vào đây khai phá và chiếm hữu đất đai, lại còn cho họ có quyền thâu nhận những người mọi để làm đầy tớ. Đến thế kỷ XVII, sau khi chúa Nguyễn Phúc Nguyên gả công nữ Ngọc Vạn cho Miên vương Chey Chetta II (1620), thì lưu dân người Việt từ Thuận Quảng mới bắt đầu đổ xô vào đây khai phá đất mới theo lời kêu gọi của công nữ. Như vậy trước khi những lưu dân người Việt đến đây khai phá đất hoang thì chủ quyền của cả một vùng đất bao la bạt ngàn nầy thuộc về ai? Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quí Đôn, từ các cửa biển như cửa Cần Giờ và Soài Rạp, vân vân, đi vào toàn là rừng rậm hoang vu, đây là vùng cư trú của nhiều nhóm dân tộc thiểu số mà người Việt gọi họ là người “Man”(22). Thời đó, các chúa Nguyễn cho phép người dân được tự nhiên khai phá và chiếm hữu đất đai, lại còn cho họ có quyền thâu nhận những người mọi để làm đầy tớ. Theo các di chỉ khảo cổ từ thời Pháp thuộc đến nay cho thấy văn hóa của các dân tộc cư trú trên vùng đất nầy có liên hệ đến văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo. Như vậy vùng đất nầy đã từng thuộc về người Phù Nam từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ bảy. Về danh nghĩa mà nói thì từ thế kỷ thứ bảy trở về sau nầy nó trực thuộc Chân Lạp. Tuy nhiên, trên thực tế thì mãi đến thế kỷ thứ XIII khi Châu Đạt Quan đi ngang đây và mãi đến thế kỷ thứ XVII khi những lưu dân Việt Nam đầu tiên đến đây, vùng đất nầy vẫn còn là một vùng đất hoang vu vô chủ.
Vào năm 1620, một biến cố lịch sử quan trọng đã xảy ra vào tiền bán thế kỷ thứ XVII, đó là cuộc hôn nhân của công nữ Ngọc Vạn với Miên vương Chey Chetta II. Có nhiều người cho rằng, chính nhờ cuộc hôn nhân nầy mà Miên vương Chey Chetta II đã nhân nhượng cho xứ Đàng Trong rất nhiều thứ, ngay cả những đất đai của vùng Thủy Chân Lạp. Tuy nhiên, nếu chúng ta lật lại những trang sử cũ vào thời kỳ này thì chúng ta sẽ thấy vua Chey Chetta II(23) không phải tự nhiên nhường đất Thủy Chân Lạp cho Việt Nam, mà thời ấy nước Chân Lạp quá suy yếu nên ông muốn tựa vào Việt Nam như một điểm tựa, vì thế trong cuộc hôn nhân ông chỉ cho dân Nam một quy chế dễ dàng trong sinh hoạt ở vùng Đồng Nai và Sài Gòn, chứ không dâng một chút đất nào hết cho Việt Nam, đổi lại ông được nhạc phụ là chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên bao lần đem quân sang giúp đánh đuổi giặc Xiêm ra khỏi bờ cõi.
Trong những năm từ 1621 đến 1623, nhờ sự trợ giúp của chúa Nguyễn mà Chey Chetta II đã đuổi được quân Xiêm ra khỏi bờ cõi. Như vậy phải công tâm mà nói trong cuộc hôn nhân này, nhứt thời nước Miên có lợi nhiều hơn Việt Nam, nhưng về lâu về dài thì ngay từ thời điểm ấy, nước Miên trúng phải kế hoạch “Tầm ăn dâu” của Việt Nam. Chính vì thế mà kể từ sau khi công nữ Ngọc Vạn ra đi làm dâu xứ Chân Lạp, từng thời từng thời, những đất đai của xứ Thủy Chân Lạp lần lượt rơi vào tay Việt Nam một cách ôn hòa, chứ chưa có một cuộc chiến tranh giành đất nào giữa Việt Nam và Miên tại Nam Kỳ.
Năm 1623, sau khi giúp Chân Lạp đánh thắng được quân Xiêm, công nữ Ngọc Vạn đã tâu với Miên vương khi một phái đoàn của triều đình Thuận Hóa đã đến Nam Vang, xin vua Chey Chetta II cho người Việt tự do vào cư ngụ trong Prey Nokor và lập hai cơ quan thu thuế, cũng như đặt đồn binh tại vùng mà bây giờ là Cầu Kho, để phòng khi có việc là kéo quân lên Nam Vang tiếp trợ ngay(24). Vua Miên đã chuẩn thuận ngay vì lợi ích trước mắt là nhà vua có quân tiếp trợ bất cứ lúc nào, vả lại đất Prey Nokor đã thu được từ dân tộc Phù Nam từ sau thế kỷ thứ VII, mà cho tới thời bấy giờ (1623) vẫn chưa có cư dân Chân Lạp trú ngụ, vì vùng này toàn là đầm lầy hoang vu, đất thì thấp hơn mực nước biển nên người Chân Lạp, vốn là dân bán du mục không chịu đến để khai khẩn. Đây là lần đầu tiên người Việt chính thức đặt chân lên đất Chân Lạp, và vùng Mô Xoài (Bà Rịa) và Prei Nokor (Sài Gòn) là những bàn đạp để người Việt tiến dần xuống đồng bằng sông Cửu Long. Đồng thời, xứ Đàng Trong đã đặt hai trạm thu thuế tại đây. Lúc nầy khu vực quan trọng của Bến Nghé nằm ở bờ bên phải sông Sài Gòn, từ vàm rạch Thị Nghè ăn ra Nhà Bè. Đến cuối thế kỷ thứ XVII, xứ Đàng Trong cho phép những di thần nhà Minh tỵ nạn Mãn Thanh đến vùng Nông Nại khẩn hoang lập ấp. Khi những người Minh Hương nầy đến Bến Nghé, họ được các viên chức địa phương tại đây dẫn đường cho họ lên Biên Hòa và về Meso (Mỹ Tho ngày nay). Lúc bấy giờ vùng Bến Nghé đã có đồn Dinh(25) cai quản. 
Đến năm 1625 thì vua Chey Chetta II băng hà (có sách chép là 1626), trong khi triều chính rối loạn, để bảo vệ cho các con nên công nữ Ngọc Vạn đem hai con về vùng Mô Xoài Bà Rịa ẩn thân, vì nơi đây bà đã cho lập xóm làng vào những năm 1620 và 1621. Sử Chân Lạp còn ghi lại: “Khi quốc vương Chey Chetta II băng hà, tất cả vùng thuộc miền Nam từ Prey Nokor đến ranh giới với Chiêm Thành đều do người Việt cai trị.” Trong khi đó ở Nam Vang thì Nặc Ông Chân, con của một bà hoàng hậu người Lào, đã lên ngôi trị vì Chân Lạp. Ông Chân lấy vợ người Mã Lai, theo đạo Hồi nên rất hung hãn muốn tiêu diệt đạo Phật và muốn biến Hồi giáo làm quốc giáo cho Chân Lạp.
Đến năm 1658, tức là 35 năm sau ngày chúa Nguyễn lập hai đồn thu thuế ở Kas Krobei và Prei Nokor, đời vua Lê Thần Tông, niên hiệu Vĩnh Thọ, đời chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần, các chúa Nguyễn gọi vùng Trấn Biên(26) là các vùng Phú Yên và Song Cầu ngày nay, chứ không nhất thiết phải là vùng Biên Hòa ngày nay. 
Thời điểm 1658, Nặc Ông Chân tìm dấu vết của bà Ngọc Vạn đang ẩn náu ở vùng Mô Xoài (Bà Rịa) để tiêu diệt hai vị hoàng tử là con chính thức của bà và vua Chey Chetta II(27). Trước tình thế đó công nữ Ngọc Vạn phải cầu cứu với chúa Hiền Vương. Chúa sai Nguyễn Phúc Yên (có sách viết là Tôn Thất Yến), cùng Phó Tướng quân Yến Vũ, Tham Mưu Minh Lộc Hầu và Tiên Phong Cai Đội Xuân Thắng Hầu, đưa 3.000 quân vào đánh Nặc Ông Chân. Ông Chân thua trận và bị bắt vào cuối năm 1658 tại khu núi Mô Xúy, tức vùng Định Quán, thuộc Long Khánh ngày nay. Năm sau 1659 (Kỷ Hợi), Nặc Ong Chân được tha về nước, Chân Lạp bèn dâng đất Nông Nại (Biên Hòa) để tạ ơn. Về sau, đến đời vua Réam Thip Dei Chan (1642-1659), em vua Chey Chetta II, bà Ngọc Vạn lại xin cho người Việt được quyền khai thác toàn vùng miền Đông Nam Phần ngày nay.

------------
Để tiện theo dõi "Đất Phương Nam 1", kính mời Quí Độc Giả mở Link bên dưới:

https://huynhhuuduc.blogspot.com/p/blog-page_53.html

***

2 nhận xét: