Cây
cỏ giản đơn nhưng nếu vào tay thầy thuốc giỏi thì cũng nào khác chi linh đan
thần dược. Giai thoại và những bài thuốc từ diếp cá là một ví dụ, thật đáng để
người đời lưu danh.
Dao
sắc không gọt được chuôi
Dân
gian thường bảo “Dao sắc không gọt được chuôi“. Còn trong y giới
thường nói “Y sinh nan trị tự gia bệnh“. Nhận định trong hai thành ngữ
trên quả không sai, nhất là đối với trường hợp danh y Lưu Hoàn Tố.
Lưu
Hoàn Tố (1120-1200), còn có tên là Lưu Hà Gian, tự là Thủ Trân, hiệu Thông
Huyền xử sĩ. Ông xuất thân nghèo khổ, năm 15 tuổi mẹ bị bệnh, ba lần mời thầy
chữa không khỏi và đã bị chết. Từ đó ông quyết chí học y và đã trở thành một
thầy thuốc kiệt xuất, sáng lập ra “Chủ hỏa học phái” và được tôn vinh là
một trong “Kim Nguyên tứ đại gia” (bốn thầy thuốc lớn thời Kim – Nguyên,
Trung Quốc). Ông từng được vua ba lần triệu ra làm quan, nhưng cả ba lần ông
đều từ chối. Ông được triều đình phong danh hiệu “Cao thượng tiên sinh“.
Trong
nhiều thư tịch của Đông y có chép sự việc Lưu Hoàn Tố mắc bệnh thương hàn, phải
nhờ Trương Nguyên Tố mới chữa khỏi được.
Sự
việc cụ thể như sau:
Khi
tuổi đã ngoài 60, có lần Lưu Hoàn Tố vào núi hái thuốc, gặp trời mưa to và đã
bị thương hàn nặng. Ban đầu người ông thấy rét run, đồng thời phát sốt,
họng khô, miệng khát, ho rất nặng và rất nhiều đờm, dần dần thì trong đờm có
lẫn cả máu… Lưu Hoàn Tố cho rằng, đã bị thương hàn nặng, biến thành phế ung
(tương tự áp-xe phổi trong y học hiện đại). Ông đã kê đơn thuốc để tự chữa trị,
nhưng tất cả hoàn toàn vô hiệu. Bệnh kéo dài, ngày càng trầm trọng, cứ liên tục
nôn ra máu mủ, không ăn uống được…
Người
nhà và môn sinh xoay quanh, mà không biết cần phải làm gì. Cuối cùng, môn sinh
đã phải mời một thầy thuốc khác là Trương Nguyên Tố đến để chữa trị. Đương thời
thanh vọng của Lưu Hoàn Tố cao hơn Trương Nguyên Tố rất nhiều. Khi Trương
Nguyên Tố đến thăm bệnh, Lưu Hoàn Tố quay mặt vào tường, nhưng Trương Nguyên Tố
vẫn bình tĩnh, chẩn mạch cẩn thận. Sau khi chẩn bệnh, Trương Nguyên Tố lấy từ
túi ra một bó cỏ, đưa cho môn sinh và nói:
–
Loại thuốc này tôi đã dùng chữa cho nhiều người. Cực kỳ linh nghiệm.
Nói
dứt lời, liền lập tức cáo từ ra về. Sau khi Trương Nguyên Tố đi khỏi, Lưu Hoàn
Tố liền bảo lấy thuốc ra xem. Ông thấy nó có hình dạng tựa như tam bạch thảo và
nói:
–
Tam bạch thảo là thuốc thanh nhiệt, lợi thủy, tiêu thũng, giải độc… Làm sao mà
có thể chữa khỏi được bệnh phế ung của ta!.
Dứt
lời, ông liền bỏ thuốc sang một bên. Môn sinh đã phải van nài và khuyên
nhủ mãi, Lưu Hoàn Tố mới chịu uống thử.
Thuốc
sắc xong, Lưu Hoàn Tố nhìn thấy nước thuốc có màu hồng tựa như hồng trà, vị hơi
chát và có mùi rất giống nhục quế. Ông đưa chén thuốc lên và nói:
–
Thuốc này không phải tam bạch thảo.
Dứt
lời liền một hơi uống cạn chén thuốc. Sau ba ngày, bệnh của Lưu Hoàn Tố đã giảm
đi nhiều. Hơi thở đã đều đặn, ho giảm nhiều và đờm đã sạch.
Lưu
Hoàn Tố rất phục tài dùng thuốc của Trương Nguyên Tố, đang định cho người đi
mời, thì thấy ông đã đến.
Sau
khi hàn huyên, Lưu Hoàn Tố tỏ ra rất cảm phục và hỏi:
–
Không biết tiên sinh đã cho tôi uống loại thuốc gì? Có phải là đặc sản của quê
ngài không?
Trương
Nguyên Tố lấy từ trong giỏ ra một bó thuốc còn tươi. Lập tức có thứ mùi tanh
như cá tràn ngập khắp phòng. Ông nói:
–
Quê tôi gọi nó là trấp thái. Mùi nó tanh như cá, nên có tên là ngư tinh thảo.
Nó sinh trưởng ở nơi ẩm thấp, bên các ao đầm. Hái về, phơi trong bóng râm (âm
can), thì sẽ hết mùi tanh. Sắc lên có mùi thơm rất dễ chịu. Không biết lão tiên
sinh uống có cảm thấy như vậy không?
Lưu
Hoàn Tố đáp:
–
Quả đúng như vậy.
Từ
đó đi đâu Lưu Hoàn Tố cũng hết lời khen ngợi tài chữa bệnh của Trương Nguyên
Tố. Tin Trương Nguyên Tố chữa khỏi bệnh thương hàn cho Lưu Hoàn Tố lan truyền
khắp nơi, khiến thanh danh của ông càng ngày càng tăng.
Trương
Nguyên Tố, tự là Khiết Cổ, người cùng thời với Lưu Hoàn Tố, nhưng trẻ tuổi hơn.
Trương Nguyên Tố từ nhỏ thông minh. Năm 27 tuổi đã đỗ Tiến sĩ, nhưng vì phạm
húy nên đã bị xóa tên. Từ đó, ông quyết chí theo học nghề y và đã trở thành một
thầy thuốc nổi tiếng.
Trương
Nguyên Tố là một người có tư tưởng cách tân, chữa bệnh có nhiều sáng tạo. Ông
chủ trương, chữa bệnh trước hết phải biện biệt rõ tình trạng hư thực của tạng
phủ, căn cứ vào khí hậu lúc đang phát bệnh và đặc điểm thể chất của bệnh nhân,
mà dùng thuốc một cách linh hoạt, không nên câu nệ vào cổ phương. Ông đã sáng
tạo ra rất nhiều phương thuốc rất đơn giản và rất hiệu nghiệm. Sử dụng rau diếp
cá chữa khỏi bệnh cho Lưu Hoàn Tố nói ở trên là một ví dụ. Sau này, rất nhiều
phương thuốc của Trương Nguyên Tố đã được Lý Thời Trân thu thập, đưa vào bộ “Bản
thảo cương mục“, đánh giá rất cao.
Thần dược chữa phế ung:
Diếp
cá, còn có tên là lá giấp, trấp thái. Đông y thường gọi là ngư tinh thảo.
Diếp
cá là một loại cỏ nhỏ, mọc lâu năm, ưa chỗ ẩm ướt, có thân rễ mọc ngầm dưới
đất. Rễ nhỏ mọc ra từ các đốt, thân mọc đứng, cao tới 40cm, có lông hoặc ít
lông. Lá mọc cách, hình tim, đầu lá hơi nhọn hay nhọn hẳn. Hoa nhỏ màu vàng
nhạt, không có bao hoa, mọc thành bông, có 4 lá bắc màu trắng; trông toàn bộ bề
ngoài của cụm hoa và lá bắc giống như một cây hoa đơn độc, toàn cây vò có mùi
tanh như cá. Hoa nở về mùa hạ vào các tháng 5-8.
Nhìn
thoáng qua, cây diếp cá có hình dạng tựa như tam bạch thảo nên Lưu Hoàn Tố đã
có nhận định về tính năng của nó như trong truyện kể trên.
Trong
sách thuốc Đông y hiện đại, diếp cá được xếp được xếp trong loại thuốc “Lương
huyết tiêu độc” (mát máu, tiêu độc).
Theo
Đông y: Ngư tinh thảo có vị cay, tính
lạnh; vào các kinh Phế và Can. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, lợi thủy tiêu
thũng. Dùng chữa chứng ho do phế nhiệt, phế ung, thủy thũng, nhiệt lỵ, bạch
đới, mụn nhọt…
Trong
Đông y truyền thống, rau diếp cá thường được sử dụng để chữa các chứng bệnh
nhiễm trùng đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản, viêm phổi… đặc biệt là
chứng bệnh mà người xưa gọi là “phế ung” (“phế ung” có những triệu chứng giống
như áp-xe phổi trong y học hiện đại).
Để
chữa phế ung và các chứng bệnh đường hô hấp: Thời
xưa người ta thường giã lá diếp cá rồi vắt lấy nước hoặc đem diếp cá sắc với
nước, cho bệnh nhân uống.
Ngoài
ra người xưa còn hay sử dụng diếp cá dưới hình thức một số Món ăn – Bài thuốc
như sau:
(1)
Món ăn – Bài thuốc 1: Dùng diếp cá
tươi 30g, cho vào nồi đất, đổ ngập nước ngâm trong 1 giờ, sau đó đun sôi 1-2
phút (chú ý không được đun lâu), bỏ bã chắt lấy nước, đập một quả trứng gà vào
trộn đều; ăn từ từ từng ít một; mỗi ngày ăn 1 lần, liên tục 20-30 ngày. Có tác
dụng chữa chứng ho ra máu, khạc ra đờm hôi thối ở bệnh nhân bị bệnh lao phổi.
(2)
Món ăn – Bài thuốc 2: Diếp cá tươi
60g, phổi lợn 1 bộ, nấu thành món canh; ăn phổi và uống nước thuốc, cách 2-3
ngày ăn 1 lần, dùng liên tục khoảng 3-5 thang. Có tác dụng chữa chứng ho ra máu
trong bệnh viêm phế quản, viêm phổi.
Những
năm gần đây, kinh nghiệm sử dụng rau diếp cá để chữa các bệnh đường hô hấp của
người xưa đã được chứng thực trên lâm sàng.
Xin phép được giới thiệu hai kết quả nghiên cứu tương đối tiêu biểu:
(3)
Thử nghiệm lâm sàng 1: Dùng
diếp cá tươi 30g, sắc với nước, chia 2-3 lần uống trong ngày. Theo tạp chí “Thượng
Hải Trung y dược“, thầy thuốc Chư Vân Trình đã thử nghiệm dùng đơn thuốc
trên cho 23 ca bệnh phổi (bao gồm 5 ca áp-xe phổi, 2 ca viêm phổi, 2 ca giãn
phế quản, 14 ca viêm phế quản cấp và bán cấp), sau 1 tuần điều trị các chứng
trạng suyễn thở, ho, khạc ra đờm lẫn máu… đều cải thiện rõ rệt.
(4)
Thử nghiệm lâm sàng 2: Dùng
diếp cá 30g, cát cánh 15g; đầu tiên sắc riêng cát cánh, sau khi sôi giữ nhỏ lửa
10-15 phút, tiếp đó cho rau diếp cá vào đun thêm 5 phút là được; chia 3-4
lần uống trong ngày. Theo tạp chí “Trung Hoa Nội khoa“, người ta đã tiến
hành thử nghiệm đơn thuốc trên đối với 120 ca viêm phổi; kết quả rất khả quan,
sau 10 ngày dùng thuốc 92% số bệnh nhân đã khỏi bệnh mà không cần dùng đến một
thứ thuốc nào khác.
Những tác dụng khác:
Các
kết quả nghiên cứu hiện đại cho thấy, rau diếp cá có một số tác dụng chủ yếu
như sau:
- Đối với virus:Kết quả thí nghiệm ngoài cơ thể người cho thấy, diếp các có tác dụng ức chế đối với nhiều loại virus; có khả năng kìm hãm tác dụng gây bệnh của echovirus. Tinh dầu diếp cá, dùng dưới dạng thuốc tiêm, thuốc uống hay thuốc nhỏ mũi, đều có tác dụng phòng ngừa cúm ở mức độ nhất định. Nước cất diếp cá có tác dụng ức chế đối với Herpes simplex virus (HSV).
- Đối với vi khuẩn gây bệnh khác:Thuốc nước chế từ diếp cá tác dụng ức chế đối với nhiều loại vi khuẩn, như tụ cầu vàng, liên cầu khuẩn tan huyết, phế cầu khuẩn, trực khuẩn lao, trực khuẩn bạch hầu, trực khuẩn coli, trực khuẩn lỵ…
- Tác dụng kháng viêm:Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, rau diếp cá có tác dụng kháng viêm đối với động vật thí nghiệm.
- Đối với hệ thống miễn dịch:Nước sắc diếp cá, cũng như thuốc chế từ một số hoạt chất chiết từ diếp cá có tác dụng tăng cường khả năng diệt khuẩn của bạch cầu và của đại thực bào.
- Một số tác dụng khác:Còn có tác dụng lợi niệu, cầm ho (trấn khái) và cầm suyễn (bình suyễn).
- Độc tính:Kết quả thí nghiệm cho thấy, rau diếp các có độc tính rất thấp.
Tuy
nhiên, khi sử dụng cũng nên lưu ý một số cảnh báo của người xưa như sau: Diếp
cá là một thứ có tính hàn (lạnh), nên nếu dùng quá nhiều sẽ hao tổn tinh tủy và
dương khí, có thể sinh ra khí suyễn. Ngoài ra, người thể tạng hư hàn cần kiêng
sử dụng.
Một
số đơn thuốc khác có dùng diếp cá:
(1)
Chữa viêm tai giữa, sưng tắc tia sữa: Dùng
toàn cây diếp cá khô 20g, hồng táo (táo tàu) 10 quả, nước 600ml; sắc còn 200ml,
chia 3 lần uống trong ngày.
(2)
Chữa mắt đỏ đau: Lá diếp cá giã nhỏ, ép vào hai
miếng gạc sạch, đắp lên mắt khi ngủ, làm như vậy 2-3 lần là khỏi.
(3)
Chữa trĩ, lòi rom: Lá diếp cá 6-12g sắc nước
uống; đồng thời sắc nước lấy hơi xông rồi rửa. Nhiều người dùng thấy hiệu
nghiệm.
(4)
Chữa tiêu chảy do nhiễm khuẩn trong mùa hạ: Lá
diếp cá tươi 60g (khô 20g), sắc với nước, thêm chút đường trắng vào uống trong
ngày.
(5)
Chữa viêm đường tiết niệu: Lá
diếp cá tươi 30g, mã đề 15g, kim tiền thảo 15g; sắc với nước, chia thành 2-3
lần uống trong ngày.
(6)
Chữa viêm tiền liệt tuyến cấp tính: Lá
diếp cá tươi 60g, giã nát, đổ ngập nước vo gạo ngâm trong 1 giờ, sau đó bỏ bã,
chia 2 lần uống trong ngày.
Theo
thuocvuonnha.com
Lê Thị Tuyết Sưu Tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét