Ngày xưa, có hai vợ chồng một người nghèo khó tên là Thạch Sùng. Họ sống
chui rúc trong một túp lều gần chợ, xin ăn qua ngày. Cuộc sống thật là
vất vả. Nhưng Thạch Sùng là người có chí kinh doanh lớn, lại có nhiều
thủ đoạn. Từ lâu hai vợ chồng ăn nhịn để dành, lần hồi góp nhặt một số
vốn chôn ở góc nhà. Số tiền ấy ngày một lớn mãi lên. Nhưng họ vẫn giả bộ
nghèo khó, làm nghề hành khất như cũ.
Một
hôm Thạch Sùng đi ăn xin về khuya. Dọc theo bờ sông ông trông thấy hai
con trâu từ dưới nước lội lên và húc nhau chí tử. Đoán biết ấy là điềm
trời sẽ mưa lụt to[1], nên từ đó có bao nhiêu tiền chôn, ông đào lên
đong gạo tất cà. Quả nhiên, tháng Tám năm ấy trời làm một trận lụt kinh
khủng, nước lênh láng khắp mọi miền: mùa màng, nhà cửa và súc vật. v.
v... đều trôi nổi. Nạn đói đe dọa khắp mọi nơi. Giá gạo từ một tăng lên
gấp mười rồi dần dà tăng lên gấp trăm. Thế mà vẫn không ai có gạo để
bán. Thạch Sùng chờ đến lúc dân tình cùng kiệt mới ném số gạo tích trữ
của mình ra. Có những nhà giàu phải đổi cho ông ta một thỏi vàng mới
được một đấu gạo.
Từ
khi có vốn, hai vợ chồng Thạch Sùng thôi nghề bị gậy. Họ đem tiền cho
vay một vốn năm bảy lớp lãi. Thế rồi chẳng bao lâu Thạch Sùng nghiễm
nhiên trở thành một phú ông. Ông ta tậu biết bao nhiêu là trâu bò ruộng
vườn, những thứ đó mỗi năm mỗi nhiều lên mãi. Nhưng Thạch Sùng còn có
nhiều mánh khóe làm tiền khác. Ngoài việc thu lúa rẻ, cho vay lãi, ông
ta còn buôn bán lớn. Thuyền buôn của Thạch Sùng dong buồm đi khắp mọi
cửa biển. Rồi hắn thông lưng với bọn cướp trong vùng. Mỗi một chuyến làm
ăn, chẳng những được chia phần mà hắn còn oa tàng và tiêu thụ hộ những
của bất nghĩa. Cứ như thế sau mười năm, Thạch Sùng trở nên một tay cự
phú, tiền của châu báu như nước như non, không ai địch nổi. Những tay
thiên hộ bá hộ so với hắn chỉ bằng cái móng tay. Có tiền trong tay,
Thạch Sùng rất dễ kiếm được địa vị. Hắn dâng vua bao nhiêu là vàng bạc
ngọc ngà, nên được vua phong tước quận công. Hắn ra ở kinh thành, xây
dựng phủ đệ, không khác gì phủ đệ của ông hoàng bà chúa. Trong phủ đệ
của hắn có một trăm nàng hầu vợ lẽ, người nào người ấy ăn mặc toàn lụa
là gấm vóc. Còn hắn và vợ con thì giờ đây sống một cách xa xỉ, đến nỗi
trong nước trừ hoàng đế ra khó có một người nào dám sánh.
Hồi
đó ở kinh đô có một người em hoàng hậu họ Vương. Y cũng là tay cự phú
nổi tiếng tiền rừng biển bạc và xài phí vào bậc nhất. Một hôm, y gặp
Thạch Sùng trong một bữa tiệc đủ các bậc vương công đại thần. Câu chuyện
dần dần chuyển thành một cuộc khoe của giữa hai bên. Họ Vương nói: -
"Bọn nô tỳ nhà tôi đều mặc đồ tơ lụa. Chúng nó đông đến nỗi năm hết tết
đến phải có hàng kho vải lụa để may mặc cho chúng mới tạm đủ". Thạch
đáp: - "Bọn nô tỳ nhà tôi thì phải có lúa gạo của cả một huyện mới đủ
cho chúng ăn". Vương lại khoe: - "Bếp nhà tôi phải dùng đường thay cho
củi". Nhưng Thạch cướp lời: "Để sưởi ấm các phòng trong mùa đông, chúng
tôi phải đốt mỗi ngày hàng hòm nến". Nghe bọn họ không bên nào chịu bên
nào, có một vị quan khách dàn xếp: - "Hai ngài cãi nhau như thế không
ích gì cả. Cần phải có chứng cớ thì chúng tôi mới tin. Âu là một hôm nào
đó, hai ngài hãy trưng của cải ra cho chúng tôi xem. Ai thua phải nộp
cho bên được mười thúng vàng. Chúng tôi sẽ làm chứng cho". Cả hai người
đều khảng khái nhận lời.
Đến
ngày đấu của, có mấy vị đại thần ra làm chứng cho bọn họ. Hai bên ký vào
giấy giao ước. Hoàng hậu lo cho em mình thua cuộc, có phái mấy viên
hoạn quan nhiều mưu trí đi theo để giúp sức. Đầu tiên, Vương sai lấy lụa
căng làm màn trần trong tất cả các dinh thự của mình. Đến lượt Thạch
Sùng, hắn sai lấy gấm căng che và trần trướng tất cả mọi nhà cửa của
hắn. Thấy vậy, Vương sai lấy thuỷ tinh thay ngói lợp tất cả các nhà cửa
phủ đệ của y, khiến chúng trở thành những tòa lầu sáng choang như ngọc.
Nhưng đổi lại, Thạch Sùng sai lấy ngọc thạch cho thợ đá cắt ra từng
phiến lát cái sân ở trước nhà.
Mọi người đều tấm tắc khen ngợi Thạch Sùng.
Cuộc
đấu của lại tiếp tục. Thạch hỏi Vương: - "Nhà ngươi có san hô chăng?".
Vương đưa ra một cây san hô cao mấy thước, và hỏi lại: - "Nhà ngươi có
tê giác không?". Thạch bĩu môi ra hiệu cho một người hầu bưng ra một bộ
đồ trà bằng sừng tê nạm ngọc.
Cà
hai người còn khoe nhiều nữa, chưa ai chịu thua ai. Đến lượt họ bắt đầu
khoe các vật kỳ lạ. Thạch Sùng nói: - "Ta có con thiên lý mã mua từ bên
Thiên-trúc về mỗi ngày chạy được một ngàn dặm". Người ta xúm nhau xem và
tán tụng con ngựa quý. Nhưng Vương lại mời họ về vườn của mình thưởng
thức một con hươu có hai cái đầu.
Lần
này Thạch Sùng yên lặng khá lâu. Tiếng xôn xao nổi lên khắp nơi. Ai cũng
tưởng Thạch Sùng đã hết cả vật quý. Nhưng bất ngờ hắn rút trong bọc ra
một viên ngọc và nói: - "Ta có một viên ngọc, mùa nóng đeo vào thì mát,
mùa rét đeo vào thì ấm. Tôi chắc trong thiên hạ có một không hai".
Thấy
thế họ Vương bắt đâu bối rối. Y toan sai người vào mượn hoàng hậu viên
ngọc như ý để địch lại, nhưng ngay lúc đó một viên hoạn quan ngôi bên
cạnh, nói nhỏ vào tai hắn mấy câu. Thế rồi người ta thấy Vương quay sang
hỏi Thạch Sùng: - "Nhà người tuy rất giàu nhưng có đầy mà không đủ. Ta
thì cho rằng thế nào trong nhà nhà người cũng còn thiếu nhiều đồ vật".
Thạch
Sùng đang cơn đắc ý: - "Nhà ta không thiếu một đồ vật gì cả. Nếu nhà
ngươi chỉ ra được một vật mà ta thiếu ta sẽ mất với nhà ngươi không phải
mười thúng vàng mà còn tất cả gia sản nữa. Trái lại, nếu ta mà có đủ
thì nhà người cũng phải mất cho ta y như vậy!". Thế rồi trong một cơn
kiêu căng đến cực điểm, Thạch bắt Vương cùng mình ký tên vào bản giao
ước mới. Khi ký xong, Vương bảo hắn: - "Nhà ngươi hãy đưa mau ra đây cho
các vị xem mẻ kho của nhà ngươi đi". Nghe đến đó, Thạch Sùng giật mình.
Mẻ kho là thứ gì hắn cũng đã biết. Đó là thứ nồi đất mẻ mà chỉ nhà nào
cùng khổ lắm mới dùng để nấu thức ăn. Ngày xưa hồi còn hàn vi, hắn đã
từng đi nhặt vật đó trong đống rác đưa về đánh chùi để kho cá. Nhưng đã
từ lâu, lâu quá rồi, hắn không còn nhớ đến thứ đồ dùng hèn hạ ấy nữa. Vì
nhà hắn bây giờ toàn dùng đồ đạc bằng vàng bạc, tệ nhất cũng bằng đồng
thau, có bận tâm chứa những thứ của ấy để làm gì. Nhưng hắn cũng cố giục
bọn đầy tớ lục tìm trong xó vườn góc bếp xem sao. Tìm đi kiếm lại khắp
mọi nơi mà vẫn không nhặt được dù chỉ là một mảnh nồi vỡ. Quả là nhà
Thạch Sùng không thể làm gì kiếm được những món ấy.
Thế
rồi sau đó một lúc lâu, những người làm chứng công nhận sự thắng cuộc về
phía em hoàng hậu. Thạch Sùng không ngờ mình bị thua một vố đau như
thế. Hắn cay đắng nhìn thấy tất cả gia sản cho đến vợ con, nàng hầu, nô
tỳ. v. v... đều chạy sang tay họ Vương. Còn lại một mình ngồi trong túp
lều, hắn tặc lưỡi tiếc cho cơ nghiệp tự tay mình gây dựng trong bao năm
đến nay tay trắng lại hoàn tay trắng. Rồi hắn chết, hóa thành con mối
tức là con thằn lằn, cũng gọi là con thạch sùng. Loài mối thỉnh thoảng
lại chắt lưỡi kêu lên mấy tiếng: "Thạch Thạch" là vì thế[2].
Ngày nay người ta còn có câu tục ngữ: Thạch Sùng còn thiếu mẻ kho[3], có ý nói trên đời khó có ai được hoàn toàn đầy đủ.
KHẢO DỊ
Một dị bản kể chuyện Thạch Sùng có khác với truyện trên, nhất là đoạn kết:
Thạch
Sùng, Vương Khải hai bên giao hẹn đấu của trong một tháng, hễ ai thua
thì những của đã đem đấu thuộc về người thắng. Đầu tiên Khải tán hạt
tiêu trát vách (tiêu phòng). Sùng sai trải gấm ra đường để đi (cẩm dạo).
Khải
làm thuyền lớn căng gấm làm mui (cầm hạm), gỗ ngà làm cột buồm (nha
tường) thì Sùng sửa ngôi nhà xâu hạt trân châu làm rèm (châu liêm), treo
gấm thêu làm màn (tú hộ). Khải thắp đuốc bằng sáp ong, thì Sùng nấu cơm
bằng củi quế.
Vua
tưởng nhà Sùng có bao nhiêu trân châu treo rèm hết cả rồi, nên đưa cho
Khải hai đấu để thi. Thạch Sùng đem trân châu còn lại ra đong được một
hộc. Khải lại đem đọ hai hộc vàng ròng. Sùng dẫn đối phương đến nhà để
lấy vàng của mình không hộc nào mà đong cho xiết; đó là chưa nói vàng ở
Kim-cốc chưa lấy lên. Vua lại cho Khải hai cây ngọc san hô dài một
thước. Sùng đập gãy rồi lấy ra 10 cây dài hai thước. Bấy giờ kho vua đã
cạn, nên Khải đành phải thua.
Vừa
thẹn vừa căm, Khải xúi tòa ngự sử bới những điều phi pháp của Sùng để
dằn mặt. Triệu đình bắt Thạch Sùng tội lộng hành, tịch ký hết cả sản
nghiệp. Tuy mất hết của chìm của nổi, nhưng Sùng ỷ có vàng ở hang
Kim-cốc. Nhưng khi đào lên thì chỉ thấy toàn là nước trong, chẳng có
vàng bạc gì cả, nên Sùng tiếc của mà chết. Và cũng hóa thành thằn lằn
như truyện trên[4].
Cả
hai truyện phần nào chịu ảnh hưởng của sự tích Thạch Sùng bên
Trung-quốc: Thạch Sùng sinh ở đời Tây Tấn, là người có nhiều mưu trí.
Người cha lúc gần chết chia cho Thạch Sùng phần gia tài ít nhất, nhưng
lại tin rằng số Thạch Sùng sẽ giàu sang hơn thiên hạ.
Quả
đúng như lời, về sau thấy Thạch Sùng có tài và có công, vua Hán Vũ Đế
cho làm đến thái bộc, phong tước hầu. Thạch Sùng bên ngoài làm quan giúp
vua đánh giặc nhưng bên trong thì thông lưng với cường đạo cướp của
khách buôn nên chằng bao lâu trở thành đại phú.
Ngày
càng giàu có, Thạch Sùng xây dựng nhà cửa, lâu đài, chạm trổ trần trướng
rất công phu. Trong nhà đồ quý không biết bao nhiêu mà kể. Hắn lại có
lầu Kim-cốc cho nàng hầu yêu dấu tên là Lục Châu ở.
trích http://maxreading.com/sach-hay/kho-tang-truyen-co-tich
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét