Thứ Sáu, 14 tháng 11, 2014

“Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím” Không Còn Nữa


         ...de thuong tiec den mot nguoi nghe si ngheo,nhung giau long nhan ai..annguyen.
On Sunday, November 9, 2014 8:08 AM, Nhan Duong <dnhan2014@gmail.com> wrote:
Phạm Trần -
huy-ha 
 Nhà Thơ, Sọan Gỉa Cải Lương Kiên Giang Hà Huy Hà, một trong số ít bạn làm báo người miền Nam của tôi không còn nữa. Anh ra đi bất ngờ ở tuổi 87 vào rạng sáng ngày 31/10/2014, sau một cơn đột quỵ tại Sài Gòn.
Tên thật của Kiên Giang là Trương Khương Trinh sinh tại làng Đông Thái, huyện An Biên, Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang ngày 17-2-1927. Ông là Tác gỉa của Bài Thơ tình lịch sử có thật của chính ông mang tên “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím”. Bài Thơ này đã được Nhạc sỹ Huỳnh Anh phổ Nhạc và đã được nhiều thế hệ Ca sỹ hát từ trước năm 1975, trong đó có tiếng hát não lòng Hoàng Oanh.
Tôi và Kiên Giang quen nhau thật tình cờ khi tôi được ông Chủ nhiệm báo Tia Sáng, Nguyễn Trung Thành mời cộng tác.
Vào thời kỳ 1960-1970, chuyện một Ký gỉa trẻ gốc Bắc được chen chân vào một báo nổi tiếng lâu năm của người miền Nam như tờ Tia Sáng không phải là chuyện thường xẩy ra. Cũng như chuyện Ký dỉa gốc Nam vào làm cho một tờ báo của chủ nhiệm miền Bắc ở Sài Gòn, tuy không hiếm nhưng cũng không thường xuyên.
Chuyện này thực ra không có một mảy may lý do chính trị hay “kỳ thị Nam-Bắc” nào, nhưng hồi ấy việc thành lập Ban Biên tập thường tập trung vào chỗ bạn bè quen nhau trong làng báo hay làng văn cho nên việc ký giả Bắc “ùa” vào báo Bắc hay Ký giả Nam “tập trung vào báo Nam” cũng là chuyện bình thường không ai thắc mắc.
Tôi và Kiên Giang gặp nhau lần đầu tại qúan cơm-hủ tiếu của chú Ký, người Việt gốc Hoa gần trụ sở báo Tia Sáng vào khoảng giữa 69-70. Anh hỏi tôi: “Làm sao mà Phạm Trần vào được báo của ông Thành?”
Lúc đầu tôi hơi ngạc nhiên nhưng sau mới biết hồi ấy không có ai là người Bắc làm việc tại báo Tia Sáng và tôi là người đầu tiên, cũng như sau này tôi được ông Chủ nhiệm báo Đồng Nai Hùynh Thành Vị, cựu Dân biều thời Đệ nhất VNCH, mời viết cho báo của ông và gặp thêm Ký gỉa kiêm Sọan gỉa Cải Lương Mộc Linh (tên đảo ngược của Minh Lộc), một thời là chồng của cô đào Cải lương chi bảo Bạch Tuyết. Tại Đồng Nai, tôi cũng là Ký giả gốc Bắc duy nhất.
Từ đó về sau 3 đứa chúng tôi thỉnh thỏang khi có giờ thì “đàn đúm” tại qúan này hay qúan khác uống với nhau chai bia để tán gẫu sau khi hết giờ ở Tòa soạn.
Kiên Giang là người miền Nam hiền hậu, ít nói, ăn mặc xềnh xoàng, lúc nào cũng có cái mũ trên đầu và sống trong nội tâm nhiều hơn. Mộc Linh, cũng người miền Nam nhưng “bay bướm, đào hoa” và thường ăn mặc chải chuốt của người thành phố.
“Đặc sản” của Kiên Giang là “chiếc giỏ” lúc nào cùng kè kè bên mình như “bùa hộ mạng”. Trong chiếc giỏ lịch sử này, rất nhiều bài viết về kịch trường, Tác phẩm Thơ và nhiều vở tuồng Cải lương nổi tiếng của Hà Huy Hà (Kiên Giang) đã được khai sinh và dàn dựng.
Anh là người sáng tác rất khỏe và liên tục không ngừng nghỉ nên ngồi ở chỗ nào anh cũng có thể viết được, ngay cả ở quán chú Ký ồn ào như tổ ong!
huyha 1
Trái lại Mộc Linh thì lúc nào trong túi áo trước ngực cũng có vài ba cây bút Bic và một cuộn giấy chữ nghĩa gạch xóa lem nhem. Cứ mỗi lần nghĩ ra điều gì, anh lại kéo giấy ra ghi chép rồi cuộn lại bỏ túi.
Có lần Kiên Giang nói đùa: “Thằng này nó sợ tao cọp-py tuồng của nó nên nó mới cuốn lại đút vô túi!”
Nói xong, Kiên Giang lại rít một hơi thuốc lá rồi ngửa mặt lên trời phì khói cười sằng sặc.
Một hôm tôi thấy Kiên Giang ngồi như bất động một hồi lâu ở quán chú Ký quay mặt qua bên kia đường Trần Hưng Đạo.
Tôi hỏi: “Nhìn em nào bên đó mà mê mệt vậy?
Kiên Giang quay lại nói: “Có thấy em mẹ nào đâu, tự nhiên cái đầu nó khựng lại.”
Theo tự chuyện của Kiên Giang thì ông và Nhà văn Sơn Nam là người cùng quê. Ông tham gia kháng chiến chống Pháp sau khi học hết lớp 12, làm báo cho tờ Tiếng súng chống địch ở chiến khu 9 và được Nhà Thơ nổi tiếng “lục bát” Nguyễn Bính dạy làm Thơ trong thòi gian này.
Sau khi đất nước chia đôi, ông về Sài Gòn khoảng 1955 và xin vào làm “Thày cò” (sửa bài) cho báo Tiếng Chuông của Chủ nhiệm miền Nam Đinh Văn Khai rồi dần dà trở thành Ký giả chuyên viết về kịch trường và Cải lương cho nhiều báo, trong đó có Dân chủ mới của hai cụ Trần Tấn Quốc và Nguyễn Kỳ Nam, Tiếng chuông, Dân ta, Dân tiến,Tia Sáng, Lẽ Sống, Tiếng Dội, Thời Sự Miền Nam, Lập Trường, Điện Tín, Tia Sáng ở Sài-Gòn và Miền Tây ở Cần Thơ; một số tạp chí văn-nghệ như Đời Mới, Bông Lúa, Vui Sống, Nhân Loại , Thế Giới, Phổ Thông v.v..
Báo bên Việt Nam cho biết “Sau 1975, nhà thơ Kiên Giang làm phó đoàn cải lương Thanh Nga, làm việc tại phòng nghệ thuật sân khấu. Ông cũng từng là ủy viên ban chấp hành Hội sân khấu TP.HCM qua ba nhiệm kỳ.
NGUỒN GỐC THƠ VÀ TÌNH
Nói về nguồn gốc của Bài Thơ bất hủ “Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím”, Kiên Giang kể: “Đây là tâm tình người trai ngoại đạo đối với cô gái có đạo. Mối tình học trò tinh khiết, ngây thơ, không nhuốm bụi trần. Năm 1944, tôi ở Cần Thơ học trường tư thục Nam Hưng, dốt toán nhưng giỏi luận chuyên làm bài giùm cho bạn cùng lớp, trong đó có NH. (Nguyễn Thúy Nhiều) – cô bạn dễ thương thường mặc áo bà ba trắng, quần đen, mang guốc mộc. Có những buổi tan học lẽo đẽo đi theo sau NH. đến tận nhà cô ở xóm nhà thờ. Cách mạng nổ ra, không có tiền đi đò về quê, NH. biết ý gửi cho, rồi đi kháng chiến, gặp người quen trong đội quân nhạc nhắn: ‘Con Tám NH. vẫn chờ mày’. Năm 1955 tôi ghé ngang Cần Thơ, xin phép má của NH. tâm tình suốt đêm bên ánh đèn dầu huê kỳ. Sau đó tôi nghe tin NH. lấy chồng có con đầu lòng đặt tên là tên ghép lại của tôi và NH. vì thế chồng cô biết rất ghen tức. Chính vì lý do nầy tôi đổi bốn câu kết bài thơ này, giống như tống tiễn mối tình học trò trinh trắng.” (Trích Bách Khoa Tòan thư mở)
———
Kết trước là:
Xe tang đã khuất nẻo đời
Chuông nhà thờ khóc tiễn người ngàn thu
Từ nay tóc rũ khăn sô
Em cài hoa tím trên mồ người xưa
thành cái kết:
Lạy Chúa! Con là người ngoại đạo
Nhưng tin có chúa ở trên trời
Trong lòng con, giữa màu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con Chúa ơi!
Các bài viết phổ biến trên Internet còn cho biết Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím là: “Một chuyện tình thật của nhà thơ với cô Nguyễn Thúy Nhiều, một cô bạn học cùng lớp đệ nhị tại trường tư thục Nam Hưng, Cần Thơ. Tình trong như đã với cả hai nhưng thật câm nín, chàng trai chỉ biết theo bước chân nàng những hôm nàng đi lễ nhà thờ, nàng thường mặc áo tím và cài hoa trắng. Cho đến ngày kháng chiến tháng 8-1945. Ông về quê tham gia kháng Pháp rồi gia đình ép lấy vợ. Mười năm sau gặp lại, người nữ áo tím ngày nào vẫn chờ. “Hai tháng sau, ông nhận được thư bà Nhiều báo sẽ lấy chồng vì Kiên Giang đã có vợ. Người chồng của bà Nhiều cũng tên Trinh và khi sinh đứa con đầu lòng bà đặt tên tên Triều (gồm một nửa Nhiều và Trinh cộng lại).”
Kiên Giang cho biết thêm: “Năm 1999, hãng phim TFS Đài Truyền hình Thành phố HCM có làm phim “Chiếc giỏ đời người” về sự nghiệp hoạt động văn nghệ của tôi, khi trở về Cần Thơ quay lại cảnh trường cũ, mới hay tin là NH. mất năm 1998. Tôi mua bó huệ trắng, ra thăm mộ NH. ở nghĩa trang Cái Su. Đúng là:
“Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh
Từng cài trên áo tím ngây thơ
Hôm nay vẫn đóa hoa màu trắng
Anh kết tình tang gởi xuống mồ”
NƯỚC MẮT KIÊN GIANG
Trong khỏang thời gian mấy năm quen nhau quanh các tờ báo “của Chủ nhiệm miền Nam”, ít ra cũng tới 4 lần tôi chứng kiến Kiên Giang rưng rưng nước mắt mỗi khi đọc trên báo có tin viết về một tai nạn gây chết người, dù do đạn pháo kích vào thành phố hay chỉ là một tai nạn xe cộ.
Có lần Kiên Giang buột miệng: “Sao dân mình khổ quá chừng a?”
http://cafevannghe.files.wordpress.com/2010/04/kien-giang-hhh-1.jpgAnh là người rất dễ xúc động mỗi khi thấy chuyện người dân cô thế bị tai nạn nên có lần tôi nghe Ngô Tỵ (Tổng Thứ ký Tòan sọan Tia Sáng) bảo: “Thằng Kiên Giang nó yếu xìu à, hơi tí là nó khóc!”
Vì vậy, không ai lạ khi thấy báo Việtnam Express bên Việt Nam kể trong số ra ngày 31/10/2014: “Chị Thùy, con gái thứ ba của nhà thơ, soạn giả Kiên Giang nghẹn ngào cho biết, trước khi ba mất, chị và ông còn trao đổi với nhau được vài câu. Nhà thơ sinh 1926 nhập bệnh viện Nguyễn Tri Phương, TP HCM, từ ngày 28/10 sau một cơn đột quỵ. Từ khi ông nhập viện, dù các bác sĩ tận tình cứu chữa, do tuổi cao sức yếu, khả năng cầm cự của ông ngày càng có chiều hướng xấu đi. Chiều 30/10, gia đình và các bác sĩ bệnh viện Nguyễn Tri Phương thống nhất đến 18h ngày 31/10 rút ống thở oxy để ông ra đi được nhẹ nhàng hơn. “Khi chưa rút ống thở thì 6h30 sáng nay ba tôi qua đời”.
Chị Thùy kể tiếp: Trước ngày 28/10 – thời gian ông bị đột quỵ – nhà thơ Kiên Giang hoàn toàn khỏe khoắn. Khi đọc tin về một sản phụ ở An Giang bị xe tải cán lọt thai nhi ra ngoài, ông xúc động mạnh. Lão nhà thơ quyết định lấy số tiền lương hưu gần 3 triệu đồng của ông để mang đi tặng gia đình người bị nạn. Chị Thùy thấy tấm lòng của ba nên góp cùng ông thêm cho số tiền đủ 5 triệu đồng. Do cha con người bị nạn được chuyển về Sài Gòn điều trị, ông quyết định khăn gói lên Sài Gòn để tận tay trao tiền. Ban đầu gia đình can ngăn vì tuổi ông đã cao, lại di chuyển đường xa nhưng ông quyết định phải đi để trao tiền cho kịp thời.
Nhà thơ một mình bắt xe lên Sài Gòn và ghé nhà người quen ở quận 8 ở, ông còn dành thời gian viết một bài báo trải lòng về tai nạn giao thông thương tâm làm chết đi người mẹ, người vợ trẻ. Ông định khi viết xong bài sẽ gửi đăng báo và vào bệnh viện để trao tiền. Nhưng khi vừa hoàn thành bài viết, ông kêu mệt, tay chân tím. Nhà thơ nhanh chóng được đưa vào bệnh viện Điều dưỡng quận 8 và sau đó chuyển qua bệnh viện Nguyễn Tri Phương.”
Sau khi qua đời, anh Kiên Giang đã để lại:
Thơ
Hoa trắng thôi cài trên áo tím (1962)
Lúa sạ miền Nam (1970)
Quê hương thơ ấu
Cải lương
Người đẹp bán tơ (1956)
Con đò Thủ Thiêm (1957)
Người vợ không bao giờ cưới (1958 – với Phúc – Nguyên)
Ngưu Lang Chức Nữ
Áo cưới trước cổng chùa
Phấn lá men rừng
Từ trường học đến trường làng
Dòng nước ngược
Chia đều hạnh phúc
Trương Chi Mỵ Nương
Mây chiều xuyên nguyệt thôn
Sương phủ nửa chừng xuân
Chén cơm sông núi
Hồi trống trường làng
Lưu Bình – Dương Lễ
Rất nhiều bài tân cổ giao duyên: Trái gùi Bến Cát, Đội gạo đường xa, Tim đá mạ vàng, Ngồi trâu thổi sáo, Ánh đèn soi ếch, Người đẹp bán tơ, Hương cao quê ngoại, Trái tim cò trắng, Vắt sữa nai nuôi mẹ, Hương sắc gái Cà Mau, Lập quán kén chồng, Ni cô và lão ăn mày, Khói lò gạch, Cô gái miền Tây…
Theo Tác giả Nguyễn Vy Khanh bên Việt Nam thì tuyệt tác Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím có 2 văn bản.
Ông Khanh viết: “Trước hết, xin ghi lại văn bản đầu trích từ tuyển tập Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím do nhà Phù Sa xuất bản năm 1962, chúng tôi in nghiêng những câu và chữ sẽ thay đổi ở bản sau. Đầu bài thơ ghi “Tâm-tình người trai ngoại đạo đối với cô gái có đạo”:
Bài 1:
“Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa xóa không gian
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương, nóc giáo đường
Mười năm trước em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

***
Trường anh ngó mặt giáo đường
Gác chuông thương nhớ lầu chuông
U buồn thay! chuông nhạc đạo
Rộn rã thay! chuông nhà trường
Lần lữa anh ghiền nghe tiếng chuông
Làm thơ sầu mộng dệt tình thương
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường
Mỗi lần tan lễ chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thuồng, anh đứng lại không đi
***
Sau mười năm lẻ, anh thôi học
Nức nở chuông trường buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy
Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm khối tuyệt tình
- Hoa trắng thôi cài trên áo tím

Thôi còn đâu nữa tuổi băng trinh
Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông

Anh vẫn yêu người em áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng
***
Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương

Giữ màu áo tím, người yêu cũ
Giữ cả lầu chuông, nóc giáo đường
Mặc dù em chẳng còn xem lễ
Ở giáo đường u-tịch chốn xưa
Anh vẫn giữ lầu chuông gác thánh
Nghe chuông truy niệm mối tình thơ
Màu gạch nhà thờ còn đỏ thắm
Như tình nồng thắm thuở ban đầu
Nhưng rồi sau chuyến vu-qui ấy
Áo tím nàng thơ đã nhạt màu
***
Ba năm sau chiếc xe hoa cũ
Chở áo tím về trong áo quan
Chuông đạo ngân vang hồi vĩnh biệt
Khi anh ngồi kết vòng hoa tang
Anh kết vòng hoa màu trắng lạnh
Từng cài trên áo tím ngây thơ
Hôm nay vẫn đoá hoa màu trắng
Anh kết tình tang gởi xuống mồ
Lâu quá không về thăm xóm đạo
Không còn đứng nép ở lầu chuông
Những khi chuông đổ anh liên tưởng
Người cũ cầu kinh giữa giáo đường
“Lạy Chúa! con là người ngoại đạo
Nhưng tin có Chúa ngự trên trời”
Trong lòng con, giữa màu hoa trắng
Cứu rỗi linh hồn con, Chúa ơi !!”
                 (Bến Tre 14-11-57) (Tr. 25-27)
Nguyễn Vy Khanh giải thích thêm: “Trong bài này, mối tình đam mê của ‘người trai ngoại đạo’ rất nồng nàn và kết thúc lãng mạn. Ngược lại, ở bài sửa lại sau, ghi ngày 28-5-1958, thay vì nhân vật nữ chết và tình tác-giả vẫn nồng cháy, thì ông để người trai “đã chết hiên ngang dưới bóng cờ” khi bảo vệ ngôi thánh đường và như tác giả sau này cho biết vì muốn người yêu sống hạnh phúc bên chồng con, ông đã đổi một số câu trong bài cho hợp tình ý câu chuyện và đoạn kết bài thơ như muốn tống tiễn mối tình học trò trong trắng ấy” . Xin ghi lại nguyên bài thứ hai (trong cùng tập do nhà Phù Sa xuất bản, tác-giả để bài năm 1958 lên đầu tập, trang 9-11 và phụ ghi là bài 1, bài năm 1957 thành bài 2, trang 25-27).
Bài 2:
“Lâu quá không về thăm xóm đạo
Từ ngày binh lửa cháy quê hương
Khói bom che lấp chân trời cũ
Che cả người thương nóc giáo đường
Mười năm trước, em còn đi học
Áo tím điểm tô đời nữ sinh
Hoa trắng cài duyên trên áo tím
Em là cô gái tuổi băng trinh

***
Quen biết nhau qua tình lối xóm
Cổng trường đối diện ngó lầu chuông
Mỗi lần chúa nhựt em xem lễ
Anh học bài ôn trước cổng trường
Thuở ấy anh hiền và nhát quá
Nép mình bên gác thánh lầu chuông
Để nghe khe khẽ lời em nguyện
Thơ thẩn chờ em trước thánh đường
Mỗi lần tan lễ, chuông ngừng đổ
Hai bóng cùng đi một lối về
E lệ, em cầu kinh nho nhỏ
Thẹn thuồng, anh đứng lại không đi
***
Sau mười năm lẻ, anh thôi học
Nức nở chuông trường, buổi biệt ly
Rộn rã từng hồi chuông xóm đạo
Tiễn nàng áo tím bước vu quy
***
Anh nhìn áo cưới mà anh ngỡ
Chiếc áo tang liệm một khối sầu
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Giữ làm chi kỷ-vật ban đầu
Em lên xe cưới về quê chồng
Dù cách đò ngang cách mấy sông
Vẫn nhớ bóng vang thời áo tím
Nên tình thơ ủ kín trong lòng
Từ lúc giặc ruồng vô xóm đạo
Anh làm chiến sĩ giữ quê hương
Giữ tà áo tím màu hoa trắng
Giữ cả trường xưa nóc giáo đường

Giặc chiếm lầu chuông xây gác súng
Súng gầm rung đổ gạch nhà thờ
Anh gom gạch đổ xây tường lũy
Chiếm lại lầu chuông giết kẻ thù
Nhưng rồi người bạn đồng trang lứa
Đã chết hiên ngang dưới bóng cờ
Chuông đổ ban chiều, em nức nở
Tiễn anh ra khỏi cổng nhà thờ
Hoa trắng thôi cài trên áo tím
Mà cài trên nắp cỗ quan tài
Điểm tô công trận bằng hoa trắng
Hoa tuổi học trò mãi thắm tươi
***
Xe tang đã khuất nẻo đời
Chuông nhà thờ khóc …tiễn người ngàn thu
Từ đây, tóc rũ khăn sô
Em cài hoa trắng trên mồ người xưa”
                     (Gia-Định 28-5-58) (Tr. 9-11)
Trước sự ra đi của Kiên Giang, báo Người Lao Động viết hôm 31/10/2014: “Gần bước qua tuổi 86 mà ông vẫn “lang bạt giang hồ”. Vừa chịu về vùng quê Long Xuyên chung sống với con gái chưa được vài tháng, ông đã ba lần khăn gói lên Sài Gòn. Trước đây, với chiếc xe cánh én đã sờn màu, ông vẫn thích tự do đi lại nhiều nơi để tìm cảm hứng sáng tác.
Nghệ sĩ Phượng Liên kể một chi tiết đau lòng: “Là soạn giả nghèo, ký giả kịch trường tàn tạ nhất nhưng ông vẫn giàu nhân nghĩa. Đi đường thấy những đứa trẻ đánh giày đói rách, còn bao nhiêu tiền trong túi ông móc ra cho hết. Có lẽ không chỉ riêng tôi, hầu như mọi người yêu thơ khi nghe qua những bài thơ của ông, đều phải cảm thương người thi sĩ mang kiếp con tằm, đến thác vẫn còn nhả tơ cho đời”.
Báo NLĐ cũng nhắc lại câu chuyện Nghệ sỹ Viễn Châu đã có lần nhận xét về Kiên Giang: “Là con thứ trong gia đình gồm 5 anh em, ông lấy tên quê hương đặt bút danh cho mình: Kiên Giang. Sinh ra trong một gia đình thuần nghề nông của miền sông nước, tuổi thơ nhà thơ Kiên Giang trải qua những nhọc nhằn ở vùng U Minh Thượng. Do vậy, tập thơ cuối cùng ông sáng tác, đang chuẩn bị in để ra mắt bạn yêu thơ, ông đặt tên Theo vết xe trâu. “Bởi, tuổi thơ của Kiên Giang gắn liền với đồng áng, với giếng nước, bờ tre, ruộng lúa nên vết xe trâu chính là những lát cắt thân phận đậm chất nhà quê đi vào thơ ca, sân khấu bằng ngòi bút mẫn cảm của ông. Và trên hết, bàng bạc trong tác phẩm của ông là thân phận con người, tình người, tình yêu quê hương và lòng chung thủy.”
Nghệ sỹ Út Bạch Lan nói: “Vở Người vợ không bao giờ cưới đã mang về cho NSƯT Thanh Nga giải thưởng Thanh Tâm – Nữ nghệ sĩ cải lương xuất sắc nhất từ đó trở thành ngôi sao sáng trên sân khấu cải lương”.
Danh hài Bảo Quốc, em ruột Thanh Nga cho biết: “Vở Người vợ không bao giờ cưới của ông là một di sản lớn đối với Đoàn Thanh Minh – Thanh Nga. “Bút pháp và tài năng của ông đã để lại cho các thế hệ nghệ sĩ chúng tôi sự đồng điệu sâu sắc, đó là tinh thần yêu nước.”
Trước ngày từ giã cõi đời, theo báo NLĐ, Kiên Giang từng mộc mạc:
“Ta về với vết xe trâu
Để bao trĩu nặng u sầu tan đi
Quê hương tuổi ngọt căng tròn
Tình tan một thuở cho đời du ca”
Trong suốt gần 40 năm qua, qua gián tiếp, tôi và Kiên Giang vẫn biết mình còn sống và nhớ đến nhaudù xa nhau nửa quả địa cầu.
Giờ đây người bạn làm báo “người miền Nam” Kiên Giang Hà Huy Hà chân thật và hiền lành của tôi thuở Sài Gòn trước năm 1975 không còn nữa, nhưng làm sao tôi quên anh và những “người bạn làm báo miền Nam” đã một thời từng “làm chung và ngồi cùng bàn với anh nhà báo Bắc kỳ này”?
Tôi đã khóc thương anh, một Nhà Thơ, một Sọan giả Cải Lương đa tài và nghèo nhưng rất giầu với tấm lòng thương người bao la.
Phạm Trần
(11/014)
 
 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét