Chủ Nhật, 12 tháng 12, 2021

VÔ ĐỀ - Vua Thành Thái

        Vua Thành Thái 成泰 (1879-1954) tên thật là Nguyễn Phước Bửu Lân, là vị vua thứ 10 của nhà Nguyễn, trị vì từ năm 1889 nhưng vì có khuynh hướng chống Pháp đô hộ nên bị trut phế năm 1907, đưa vào giam lỏng ở Vũng Tàu, đến năm 1916 thì bị đày qua đảo La Réunion (ở châu Phi) cùng một lần với vua Duy Tân. Mãi đến năm 1947, vua Thành Thái mới được về nước, nhưng chỉ được chính quyền thực dân cho phép sống tại Sài Gòn. Năm 1953, vua có ra thăm lại cố đô Huế, rồi mất vào năm sau.

         Năm 1902 nhà Vua được Pháp mời đến Hà Nội dự lễ khánh thành cây  cầu Paul Doumer (Long Biên), trong khi Hoàng Cao Khải đưa ra một danh sách xin nhà vua ban thưởng cho những người có công xây cầu, nhà vua đã cười nhạt mà trả lời rằng :"Ta có biết mặt mũi những đứa nào đâu". Vì nghe đâu xây cầu đã phải mộ hơn ba ngàn dân ta và nhiều người đã phải bỏ mạng khi xây dựng cây cầu đó, như bài vè lưu truyền trong dân gian :

                             Lập mưu xây được cây cầu,
                          Chế ra cái chụp để hầu bơm lên.
                             Bơm hết nước đến bùn đen,
                         Người chết như rạ, phải len mình vào.
                             Vỡ bơm nước lại chảy vào,
                        Chết thì mặc chết, ai nào biết không?!...

       Cám cảnh trước dân tình cơ cực, chết chóc; Mình làm vua mà không nói được gì lại phải giả vui mà dự lễ khánh thành, nên nhà vua đã làm nên bài thơ VÔ ĐỀ dưi đây :

    無題                               VÔ ĐỀ
武武文文著錦袍,     Võ võ văn văn chước cẩm bào,
朕為天子獨艱勞。     Trẫm vi thiên tử độc gian lao.
三杯紅酒群黎血,     Tam bôi hồng tửu quần lê huyết,
一盞青茶百姓膏。     Nhất trản thanh trà bách tính cao.
民淚落何予淚落,     Dân lệ lạc hà dư lệ lạc,
歌聲高也哭聲高。     Ca thanh cao dã khốc thanh cao.
休談此潰干戈靜,     Hưu đàm thử hội can qua tịnh,
禍福將來付爾曹。     Họa phước tương lai phó nhĩ tào !
               成泰                              Thành Thái
            阮福寶嶙                        Nguyễn Phúc Bửu Lân
 
* Chú thích :
  - Gian Lao 艱勞 : là Gian nan lao nhọc; ở đây nhà vua mượn để chỉ cái tâm lý, tâm tình của mình lúc bấy giờ. GIAN LAO về mặt tinh thần chớ không phải thể chất.
  - Quần Lê 群黎 : là Quần chúng Lê dân, chỉ chung tất cả những người dân bình thường trong nước.
  - Bách Tính 百姓 : là Bá tánh, là Trăm họ, cũng chỉ chung tất cả nhân dân trong nước. 
  - Cao 膏 : Trái cây thực vật hay xương cốt động vật đổ nước nấu cho sắt lại thành nhựa, đó là chất CAO, như CAO HỔ CỐT là chất nhựa, thuốc dán được nấu bằng xương cọp... Ở đây BÁCH TÍNH CAO 百姓膏 : là chất nhựa được nấu thành bởi xương cốt của bá tánhl Ý chỉ : Đó là huyết lệ xương máu của nhân dân.
  - Hưu Đàm 休談 : là Nghỉ nói, Thôi nói, không nói nữa; là Đừng bảo là...
  - Hội 潰 : Có 3 chấm thuỷ 氵bên trái, nên có nghĩa là : Vỡ (đê), là Tan vỡ, nghĩa phát sinh là : Thua trận, là Bỏ chạy, là Dân bỏ người cai trị trốn đi...
  - Can Qua 干戈 : CAN là cái mộc để đở; QUA là ngọn giáo để đâm. Nên CAN QUA là Vũ khí dùng để đánh nhau, nghĩa phát sinh là Chiến tranh.
  - Nhĩ Tào 爾曹 : NHĨ là Danh xưng Đại từ Ngôi thứ 2; NHĨ TÀO là số nhiều, có nghĩa : Lũ chúng bây, các ngươi, các người. Ở đây chỉ các quan trong triều.

* Nghĩa Bài thơ :
                            VÔ ĐỀ
   - Tất cả quan văn quan võ đều xôn xao mặc áo gấm để dự lễ hội.
   - Riêng mình Trẫm là thiên tử đây cảm thấy xốn xang trong lòng.
   - Ba ly rượu đỏ (rượu Chát hay rượu Vang) như là máu của quần chúng lê dân.
   - Một chén trà xanh như được sắt từ cao cốt của bách tính trăm họ.
   - Dân rơi lệ nhưng sao lệ của ta cũng rơi theo,
   - Tiếng hát (chúc mừng) cất cao thì tiếng khóc (của dân) cũng cất cao.
   - Đừng bảo là sau lần thua trận bỏ chạy nầy can qua sẽ lặng yên...
   - Cái họa phước về sau trong tương lai sẽ phó thác trông nhờ vào lũ các ngươi đó !

     Sanh năm 1879, lên ngôi năm 1889, lúc mới chỉ có 10 tuổi. Khi dự lễ khánh thành cầu Paul Doumer năm 1902, nhà vua mới chỉ có 23 tuổi đời, còn rất trẻ, nhưng đã có khẩu khí của một đấng minh quân thương nước thương dân. Gian nan khổ hận vì lực bất tòng tâm, có lòng vì dân vì nước nhưng lại không có thực quyền. Đến nỗi thấy cảnh dân tình lao khổ làm thơ cảm thán cũng phải để là VÔ ĐỀ (Sao lại "Vô Đề" ? Chủ đề chẳng đã hiện rõ ràng từng câu từng chữ trong nội dung bài thơ rồi hay sao ?!). Mừng lễ khánh thành cây cầu đã giết hại biết bao con dân của mình, nên chi nhà vua thấy rượu nho màu đỏ như là màu máu của dân đã đổ ra; và chén trà màu xanh như là cao cốt của bá tánh lê dân đã thiệt mạng. Lệ của dân rơi khiến cho lệ của nhà vua cũng rơi theo, và tiếng hát chúc mừng càng cất cao thì tiếng khóc của con dân cũng vút theo lên cao. Đừng bảo rằng sau trận can qua chết chóc nầy rồi sẽ yên đâu, vì tương lai họa phúc biết đâu mà lường, tất cả chỉ còn trông chờ vào lũ các ngươi (là những quan văn quan võ áo mão sum suê kia, chớ ta là thiên tử nhưng lại chẳng có thực quyền gì cả !)
       Đau xót thay cho nhà vua trẻ có lòng vì nước vì dân nhưng đành phải bó tay ! Nhưng nhà vua vẫn không "yên thân" được với Thực dân Pháp, vì họ cũng rất tinh ý, nên chỉ 5 năm sau, 1907 nhà vua trẻ đã bị truất phế và bị đày vào Cap Saint Jacques (Vũng Tàu ngày nay) để ngồi chơi xơi nước. Đến năm 1916 ông bị đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân.

* Diễn Nôm :
                               VÔ ĐỀ  
                Văn võ bá quan mặc cẩm bào,
                  Mình ta thiên tử chịu gian lao.
                  Rượu hồng tựa thể muôn dân huyết,
                  Trà đậm trông như bá tánh cao.
                  Dân lệ ướt mi ta cũng ướt,
                  Tiếng ca cao vút khóc càng cao.
                  Thôi đừng vọng tưởng can qua hết,
                  Họa phước về sau mặc chúng nào !
   Lục bát :
                               Văn văn võ võ cẩm bào,
                    Thân là thiên tử nghẹn ngào riêng ta.
                           Rượu vang máu của dân mà...
                         Trà xanh tựa thể như là cao dân.
                                 Lệ rơi ta cũng như dân,
                     Tiếng ca như tiếng khóc ngân vút trời.
                             Can qua đừng tưởng yên rồi,
                  Tương lai họa phước trông vời các quan !
                                                        Đỗ Chiêu Đức diễn Nôm             
 ***

Đồng Cảm Với Dân

1/
Văn võ rình rang trong áo gấm
Làm vua Trẫm nghĩ thật không đành
Rượu hồng tựa máu bao dân  đổ
Trà biếc giống cao lắm họ thành
Tiếng khóc thầm lòng ta chẳng khác
Câu mừng vang nước mắt vòng quanh
Chiến chinh đã hết bàn chi nữa 
May rủi sau này mặc các khanh.

2/
              Cà triều áo gấm rỡ ràng
Khiến lòng dạ Trẫm xốn xang bao đường
        Rượu hồng tựa máu dân thường  
Trà xanh càng giống cao xương trăm nhà  
           Dân than khóc cũng như Ta   
      Hát vui chi khiến mắt sa hai hàng  
          Chiến tranh đã dứt đừng bàn  
      Mai đây mọi việc các quan lo làm.
                                              Quên Đi 
 ***

 Thơ vô đề

 

Xúng xính võ văn, áo cẩm bào,

Thân vua, ta cũng góp gian lao.

Rượu hồng ba chén, muôn dân huyết,

Trà tía một ly, trăm họ cao.

Dân nhỏ lệ, ta sao chẳng nhỏ;

Ca cao vút, khóc há không cao !

Việc xong, chớ nói là xong chuyện:

Họa phước rồi đây, chẳng chuyện tao !

                         Danh Hữu dịch

           Paris, Sáng thứ bảy 13.11.2021

***
            Vô Đề

Văn võ quan xôn xao áo gấm
Xót xa lòng trẫm nỗi đau nầy
Rượu hồng so máu muôn dân đó
Trà biếc sánh cao trăm họ đây
Cùng thống khổ ta dân bật khóc
Càng mừng vui ngấn lệ đong đầy
Lạm bàn chi nữa tàn chinh chiến
Cơ nghiệp tiền đồ phó thác bây 
                      Kim Phượng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét