Lục Thuỷ
Lục thuỷ thanh sơn thường tại,
Cô vân dã hạc đồng phi.
Đoản đĩnh liễu biên khách điếu,
Tiểu kiều nguyệt hạ tăng quy.
Miên Thẩm
Dịch Thơ:
Nước Biếc
Nước biếc non xanh mãi vậy thôi
Mây đơn hạc nội vẫn song đôi.
Thuyền con bờ liễu ai câu cá?
Cầu nhỏ sư về bóng nguyệt trôi!
Mailoc
***
淥水 Lục Thủy
淥水青山常在, Lục thủy thanh sơn thường tại,
孤雲野鶴同飛。 Cô vân dã hạc đồng phi.
短艇柳邊客釣, Đoản đĩnh liễu biên khách điếu,
小橋月下僧歸。 Tiểu kiều nguyệt hạ tăng quy.
Chú Thích:
*
Lục Thủy: là Dòng nước trong. Chữ LỤC 淥 có 3 chấm thủy 氵, có nghĩa là
Trong trẻo. Chữ LỤC 綠 có bộ Mịch 糸 là sợi tơ mới có nghĩa là Màu Xanh.
* Đoản Đĩnh: là chiếc xuồng con.
Diễn Nôm:
Nước biếc núi xanh còn đó,
Mây đơn hạc lẻ cùng bay.
Xuồng con thả câu bờ liễu,
Sư về cầu nhỏ trăng lay!
Lục Bát:
Núi xanh nước biếc còn đây,
Hạc đơn mây lẻ cùng bay ven trời.
Xuồng con bờ liễu câu hời,
Dưới trăng cầu nhỏ sư hồi thiền môn.
Đỗ Chiêu Đức
***
Nước Biếc
(1)
Non xanh nước biếc mãi nơi đây
Mây lẻ hạc đồng đã vút bay
Thuyền khách buông câu bên gốc liễu
Trên cầu sư dạo dưới trăng lay.
(2)
Non xanh nước biếc nơi này
Mây đơn hạc nội cùng bay thuở nào
Dưới thuyền, bên liễu, khách câu
Trên cầu sư bước lẫn vào đêm trăng.
Phương Hà
***
Tùng Thiện vương là
con trai thứ 10 của Minh Mạng, sinh ngày 24 tháng 10 năm Kỷ Mão (tức 11
tháng 12 năm 1819) tại cung Thanh Hòa trong cấm thành Huế. biểu tự Trọng Uyên (仲淵), lại có tự khác là Thận Minh (慎明), hiệu Thương Sơn (倉山), biệt hiệu Bạch Hào Tử (白毫子). Mẹ ông là Thục tần Nguyễn Thị Bửu (阮氏寶), người Bình Chương, Gia Định, con gái của Tư không Nguyễn Khắc Thiệu (阮克紹). Thuở
lọt lòng, ông được ông nội đặt tên là Hiện (晛). Đến năm 1832, khi đã có
Đế hệ thi, ông được cải tên là Nguyễn Phúc Miên Thẩm (阮福绵审).
Ông là một nhà thơ lớn của triều đại nhà Nguyễn, được xếp vào một trong
Nguyễn triều Tam Đường (阮朝三堂) và là một nhà thơ lớn trong hội Mạc Vân
thi xã nổi tiếng.
Năm 1865, ông giữ chức Tả Tôn Nhân phủ, trong thời gian này xảy ra sự
biến giặc Chày vôi. Trước đó, ông đã gả con gái là Thể Cúc cho Đoàn Hữu
Trưng, một thanh niên ở làng An Truyền (tức làng Chuồn). Năm 1866, Hữu
Trưng ngầm làm cuộc nổi dậy nhằm lật đổ Tự Đức. Việc thất bại, Hữu Trưng
và nhiều người bị hành hình. Mặc dù trước đó, Hữu Trưng đã lấy cớ vợ cư
xử trái lễ với mẹ chồng mà trả về để tránh liên lụy cho nhà vợ, Miên
Thẩm cũng trói cả con gái và cháu ngoại, quỳ dâng sớ xin chịu tội. Tự
Đức không kết tội chỉ nói ông: "Chọn rể không cẩn thận để mất thanh
danh, nay trừ bổng trong tám năm". Suốt những năm bị trừ bổng ấy, ông
lên ngôi chùa cổ Từ Lâm hoang tàn ở xã Dương Xuân làm nơi cư ngụ, vợ con
phải canh tác trồng cây quả đem ra chợ bán để có cái ăn hàng ngày. Ông
mất ngày 30 tháng 3 năm Canh Ngọ (tức 30 tháng 4 năm 1870), lúc 51
tuổi. Thụy là Văn Nhã (文雅). Năm 1878, ông được Tự Đức gia tặng là Tùng
Thiện Quận vương (從善郡王). Năm 1936, Bảo Đại mới truy phong ông là
Tùng Thiện vương (從善王), tước vị mà ngày nay người ta quen gọi.
Có thể bài thơ "Lục Thủy" được Ông sáng tác lúc về ở chùa Từ Lâm.
Bài thơ "Lục Thủy" được làm theo thể loại Cổ Phong. Nhưng có điều thú vị ở bài thơ này là từng cặp đối nhau.
淥水
Lục Thủy là nước trong, đúng như anh Chiêu Đức đã giải nghĩa.Tuy nhiên
trong khi dịch thơ hầu hết đều dịch là "nước biếc", đó chẳng qua cho
thanh thoát câu thơ mà thôi.
Dịch Nghĩa: Nước Trong
Núi xanh nước trong vẫn còn tồn tại
Đám mây cô đơn và chim hạc nơi đồng nội đang cùng bay.
Ông câu neo buộc xuồng nhỏ bên bờ liễu
Trên cầu nhỏ dưới ánh trăng nhà sư trở gót quay về.
Dịch Thơ
Lục Thủy
1/
Nước biếc non xanh vẫn chẳng thay
Hạc đồng mây lẻ cặp kè bay
Xuồng câu neo đậu bên bờ liễu
Cầu nhỏ Sư về bóng trăng lay.
2/
Còn đây nước biếc non xanh
Hạc hoang mây lẻ đồng hành về đâu
Thuyền neo cạnh liễu ông câu
Dưới trăng nhẹ bước qua cầu bóng sư.
Quên Đi
***
Nước Trong Veo
Núi xanh nước biếc đó bao ngày
Hạc chiếc mây đơn có bạn bay
Bờ liễu xuồng con câu bắt cá
Dưới trăng cầu nhỏ bóng sư thầy.
Mai Xuân Thanh
***
Nước Biếc
Vẫn còn đây non xanh nước biếc
Hạc lạc đàn, mây lẽ bay đâu?
Thuyền neo gốc liễu buông câu
Dưới trăng Sư bước qua cầu bóng lay
Song Quang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét