Thứ Tư, 29 tháng 9, 2021

Tán gẫu 2+3=11


Ông Bà ta có câu nói: học 1 biết 10.
Căn bản khi ta đã biết 1 học thêm 1 sẽ có vốn hiểu biết là 2. Nhưng nếu vừa học, vừa mài mò, phân tích suy luận, sẽ biết thêm những cái mới, phạm vi hiểu biết thay vì 1 sẽ mở rộng ra thành 10... nếu diễn tả ý này theo đẳng thức trong phép toán học, chúng ta có thể viết:             1+1=11.
Đó chỉ là gán ghép cho vui, tuy nhiên trên thực tế đã có đẳng thức tương tự:
        2+3=10 ; 2+3=11

Vào ngày 16 tháng 1 năm 2019, sau thời gian áp dụng giảng dạy thử nghiệm ở nhiều nơi, sách Tiếng Việt Lớp 1 công nghệ giáo dục của Hồ Ngọc Đại bị hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa loại từ vòng đầu tiên. Sách Tiếng Việt 1 Công Nghệ Giáo Dục bị 15/15 thành viên hội đồng xếp loại “không đạt” với gần 300 nội dung, chi tiết cần sửa, cần bỏ, mà phần lớn bị đánh giá là “vượt chương trình” hay “quá khó với học sinh lớp 1”. (theo Wikiperia.org)
Giáo sư Hồ Ngọc Đại, một giáo sư tên tuổi và cấp tiến ở Việt Nam. Ông có nhiều ý tưởng hay, cũng như lạ kỳ. Nhưng ở đây, mình chỉ đề cặp về phát biểu của Ông trước Hội Đồng Thẩm Định Sách Giáo Khoa (link bên dưới)
Trong đoạn phát biểu này, G.s Đại cho rằng đối với học trò Lớp 1 của ông có thể nói:
                 2+3 = 10 hay 2+3 = 11
Tại sao G.s Đại phát biểu như thế? Không có gì lạ lẫm, chẳng qua Ông nói về các hệ cơ số tứ phân và ngũ phân, trong khi các hệ cơ số chỉ được dạy ở ban Toán bậc Đại học (trước 1975, còn hiện tại thì mình không biết).

Thế Hệ Cơ Số là gì? Hệ Cơ Số chỉ là một tập hợp các ký hiệu dùng để đếm, các ký hiệu này được gọi là con số. Có thể do nhu cầu về tổng hợp số lượng trong đời sống hằng ngày, nên cách đếm đã xuất hiện từ thuở rất xa xưa cho đến ngày nay.
Như:
- Hệ thập phân gồm có 10 ký hiệu: 0.1.2.3.4.5.6.7.8.9. Đây là hệ cơ số xuất hiện đầu tiên. Khi loài người bắt đầu cuộc sống hợp quần, để có sự ước lượng một cách chính xác, con người đã dùng hai bàn tay để đếm số lượng của đồ vật. Trong cách đếm lúc ban đầu, chưa có khái niệm về số 0. Mãi đến thế kỷ thứ 5 trước Công nguyên, khái niệm về số 0 xuất hiện trong các bó que dùng để làm phép tính của người Trung Hoa.
- Hệ Nhị Phân gồm 2 ký hiệu 0.1. Theo các nhà nghiên cứu, hệ Nhị Phân xuất hiện vào thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên. Trải qua nghiên cứu và phát triển trong nhiều thế kỷ, đến thập niên 30 của thế kỷ 20, hệ Nhị Phân được ứng dụng vào sáng chế các máy thông tin từ máy Điện Báo cho đến máy tính hiện đại.
Ngoài 2 hệ cơ số thông dụng Thập Phận và Nhị Phân, còn có hệ cơ số sử dụng trong phát triển máy vi tính nhưng ít được biết đến như hệ Bát Phân (hệ cơ số 8) và hệ Thập Lục Phân (hệ cơ số 16).
Hệ cơ số Bát Phân gồm 8 con số từ 0 đến 7. Hệ cơ số Thập Lục Phân là hệ cơ số được áp dụng trong khoa học điện toán gồm 10 con số từ 0 đến 9 và 6 mẫu tự từ A đến F, do công ty IBM giới thiệu vào năm 1963. Cả hai hệ cơ số này thường được sử dụng cho máy vi tính và các nhà phát triển phần mềm.
Trở lại vấn đề, G.s Đại nói:
       2+3 = 10
Đó chính là hệ cơ số 5. Trong hệ cơ số này có 5 ký hiệu: 0.1.2.3.4. Trong cách đếm này, khi đạt đến con số cuối cùng là 4, thì phải quay trở lại số đầu tiên là 0 và bên trái số này sẽ tăng 1 thêm 1 giá trị,  2+3 sẽ được ký hiệu là 1 và 0. Tương tự như hệ thập phân 1+ 9 được hiển thị là 1 và 0 tức là 10
       2+3 = 11 đây là hệ cơ số 4 được hiển thị là  10 và 1.
Nếu đem khái niệm về hệ cơ số này xuống dạy cho học sinh Lớp 1, thì quả thật thiếu thực tế, và không cần thiết, đôi khi tạo sự lẫn lộn, đưa trẻ đến mơ hồ. Quyết định của hội đồng Giám Định Sách Khoa bác bỏ không có gì là sai.
Ở đất nước ta có nhiều vị Giáo sư, Tiến sĩ có tâm huyết, muốn cải cách giáo dục nước nhà, muốn truyền đạt những điều mới lạ đến cho giới trẻ,  như Giáo sư Hồ Ngọc Đại, phó Giáo sư Bùi Hiền... nhưng đều bị phản bác. Có thể ý tưởng của các vị đã đi trước chúng ta quá xa chăng?! nên không thể thích nghi trong hiện tại.
 
Huỳnh Hữu Đức



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét