Trong
lịch sử Việt Nam, có một khoảng thời gian từ thế kỷ 17 đến nửa thế kỷ
18, dài 148 năm, xuất hiện chiến tranh của 2 dòng họ. Đó là thời kỳ
Trịnh Nguyễn phân tranh, thực tế chiến tranh chỉ xảy ra khoảng 50 năm, thời gian còn lại hai Chúa lo ổn định việc cai trị. Do ngoài Bắc có Vua Lê, nên ở đây chỉ đề cập đến chúa Trịnh.
Người mở đầu sự nghiệp của họ Trịnh là Trịnh Kiểm con rể của Thái sư Nguyễn Kim. Sau khi Nguyễn Kim mất, mọi quyền hành vào tay Trịnh Kiểm. Khi nắm quyền trong triều đình nhà Lê, trước hết Trịnh Kiểm lo đối phó với các con của Nguyễn Kim để củng cố quyền lực. Năm
1556, vua Lê Trung Tông mất sớm không có con nối, Trịnh Kiểm định giành
ngôi nhà Lê, nhưng còn ngại dư luận, bèn sai người tìm đến Trạng Trình
Nguyễn Bỉnh Khiêm bấy giờ đang ẩn dật. Nghe theo lời khuyên của Trạng
Trình "giữ chùa thờ Phật thì ăn oản", Trịnh Kiểm bèn đi tìm được
người trong tôn thất nhà Lê là Lê Duy Bang, cháu 6 đời của Lê Trừ (anh
Lê Thái Tổ), lập làm vua, tức là Lê Anh Tông. Từ đó họ Trịnh nối tiếp
nắm giữ quyền điều hành đất nước, nhưng danh nghĩa vẫn tôn phò, làm bề
tôi cho nhà Lê, nhà Lê cần có họ Trịnh để bảo vệ và chống Mạc, còn họ
Trịnh cần có nhà Lê để việc nắm quyền được danh chính ngôn thuận. Bởi
vậy người đời truyền lại câu: "Lê tồn Trịnh tại, Lê bại Trịnh vong."
Trịnh Kiểm mất, Vua
Lê Anh Tông ủng hộ ngôi con trưởng của Trịnh Cối, cùng mưu với Lê Cập
Đệ định giết Trịnh Tùng, nhưng việc bị lộ. Vua Anh Tông mang 4 người con
lánh đi nơi khác. Trịnh Tùng lập người con út của vua là Đàm lên ngôi,
tức là Lê Thế Tông. Sau đó, Trịnh Tùng lùng bắt được cha con vua Anh
Tông mang về lập mưu giám sát, rồi bức chết. Từ đó vua Lê hoàn toàn nép
trong cung, Trịnh Tùng tự mình xử trí mọi việc trong triều. Các vua Lê
sau có ý định chống lại đều bị bức tử và thay thế bằng một hoàng đế nhỏ
tuổi hoặc dễ bảo hơn.
Sau khi tiêu diệt nhà Mạc, Trịnh
Tùng rước vua Lê Thế Tông trở lại Thăng Long năm 1593. Họ Trịnh đánh
dấu quyền lực bằng cách tiến hành xây Phủ chúa Trịnh ở Thăng Long. Các
chúa Trịnh cai trị khá tốt, luôn giữ danh nghĩa cho vua nhà Lê. Tuy
nhiên họ là người lựa chọn ra vua, họ thay thế vua và họ cũng có quyền
cha truyền con nối để chỉ định nhiều quan chức hàng đầu trong triều
đình.
Các quan đại thần từ nhỏ đến lớn, đều phải đến phủ Chúa chầu. Sự chuyên quyền của chúa Trịnh, được
sử sách ghi lại khá đầy đủ, cũng như những mẫu chuyện tương truyền
trong dân gian. Nhưng vẫn có những chuyện nói về sự chuyên quyền của
chúa Trinh không có ghi trong sử mà lại xuất hiện trong văn chương.
Tương truyền chúa Trịnh Sâm tính thích văn chương, thời bấy giờ có vị quan đại thần là Nguyễn Khản thường được Chúa rủ đi câu những
khi rảnh việc triều đình. Một lần Chúa cho vời ông Nguyễn, nhưng vì đau
ốm hay vì nguyên nhân nào đó, ông xin cáo không vô hầu. Chúa liền cho
người đưa lại một bài thơ rằng:
Đã phạt năm đồng bỏ buổi chầu
Lại phạt năm đồng bỏ buổi câu
Nhắn bảo ông bây về nghĩ đấy
Hãy còn phạt nữa chả thôi đâu.
Ông Khản liền họa nguyên vận gởi lại dâng chúa:
Váng vất cho nên phải cáo chầu
Phiên chầu còn cáo nữa phiên câu
Trông ơn phạt đến là thương đến
Ấy của nhà vua chớ của đâu.
Chúa xem xong khen là phải bèn tha phạt, chúng ta thấy oai quyền của chúa Trịnh lớn thật:
- Các quan dù là đại thần, cũng phải đến chầu tại phủ Chúa,
- Quan nào không đến chầu sẽ bị phạt tiền.
- Đi câu với Chúa cũng quan trọng như một buổi Chầu.
Qua
2 bài thơ này, chúng ta thấy nếu trái ý Chúa là bị phạt dù là quan đại
thần. Và đây cũng là một tài liệu quý cho các nhà làm quốc sử vậy.
Huỳnh Hữu Đức
(Theo Thi Thoại-Vân Hạc)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét