Thứ Tư, 28 tháng 8, 2019

Di Tích Lịch Sử Trong Tỉnh Tân An - Đất Phương Nam 1 (TT)


Thật tình mà nói, không riêng gì Tân An, mà cả miền Nam trong thời mở cõi, đi đâu đến đâu chúng ta cũng thấy những di tích của một thời tiền nhân đi khai phá. 
Như vùng Vũng Gù của Tân An chẳng hạn, một thời đã là chiến trường ác liệt giữa quân Cao Miên và quân ta. Năm 1731, một người Cao Miên(34) tên là Sa Tốt (PreaSot) nổi lên tự xưng là ‘Thiên Ứng’ ở đất Banam. Y đã khích động người Cao Miên nổi lên chém giết không biết bao nhiêu người Việt. Chúa Nguyễn sai quan Điều Khiển Trương Phúc Vĩnh đem quân vào chặn đánh Sa Tốt tại vùng phía Nam Sài Gòn, Cai cơ Đạt Thành mang quân xuống vùng Bến Lức tiếp cứu, nhưng bị giặc giết chết tại Bến Lức. Sau đó Cai đội Nguyễn cửu Triêm(35) đem quân tới Vũng Gù đánh tan quân Sa Tốt, tàn quân Sa Tốt chạy về Hóc Môn liền bị quân của tướng Trần Đại Định(36) đánh tan tại đây.
Năm 1861, cũng chính tại vùng Bến Lức nầy đã xảy ra một sự kiện ‘hi hữu’, đó là sự kiện anh hùng Nguyễn Trung Trực, với vũ khí thô sơ, đã dùng những chiếc xuồng câu nhỏ trên sông, lập mưu đốt cháy chiếc tàu Espérance của Pháp ngay trên Vàm sông Nhựt Tảo. Anh hùng Nguyễn trung Trực tên thật là Nguyễn văn Lịch, sau khi Pháp chiếm tỉnh Gia Định và các tỉnh miền Đông, ông đã đứng lên hưởng ứng lời kêu gọi kháng chiến, mộ quân sĩ và đánh chiếm một vùng bưng biền rộng lớn tại Tân An, chạy dài từ Nhựt Tảo, qua Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Giuộc... đã gây cho Pháp nhiều tổn thất đáng kể. Đến tháng 6 năm 1861, thực dân Pháp quyết định tiêu diệt nghĩa quân, nên họ đã đưa chiếc hạm lớn Espérance đến tuần tiễu trên vàm sông Nhựt Tảo. Cuối năm 1861, Nguyễn Trung Trực đã đốt tàu giặc bằng một đám cưới giả đi ngang qua tàu, với 2 chiếc ghe chở khoảng 30 quân cảm tử. Khi lính Pháp trên tàu bắt ghe phải ngừng lại trình giấy, thì bất thần nghĩa quân tấn công làm cho lính Pháp không kịp trở tay, đa số lính Pháp phải nhảy xuống sông tẩu thoát. Quân cảm tử bèn phóng hỏa đốt rụi tàu rồi rút lui vào vùng an toàn. Sau đó người anh hùng Nguyễn Trung Trực còn gây nhiều nỗi bất an cho Pháp khi ông lập chiến khu tại các vùng Hà Tiên, Rạch Giá và Phú Quốc, và hạ được cả thành Rạch Giá nữa. Nhà thơ Phan văn Trị đã cảm tác 2 câu liễn về người anh hùng Nguyễn trung Trực như sau:

“Hỏa hồng Nhật Tảo, oanh thiên địa, 
Kiếm bạc Kiên Giang khấp quỷ thần.”

Ngày nay tại xã Khánh Hậu, cách thị xã Tân An chừng 4 cây số có lăng miếu thờ ông Nguyễn Huỳnh Đức, một công thần thời nhà Nguyễn. Nguyễn Huỳnh Đức người huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường, nguyên họ Huỳnh, nhưng từ khi theo Nguyễn Ánh được ban cho quốc tính ‘Nguyễn’. Thoạt đầu ông theo Đỗ Thành Nhơn, sau khi Nguyễn Ánh sát hại Đỗ Thành Nhơn, ông được Nguyễn Ánh tin dùng. Năm 1782, ông bị quân Tây Sơn bắt làm tù binh, Nguyễn Huệ thấy ông tài giỏi, muốn thu dùng. Năm 1786, khi Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc, ông cho Nguyễn Huỳnh Đức đi theo, sau đó cho Đức đóng quân lại ở Nghệ An. Huỳnh Đức biết viên trấn thủ Nghệ An là Nguyễn văn Duệ, trước là tướng của Nguyễn Nhạc, nên xúi Duệ theo đường thượng đạo về Qui Nhơn theo Nhạc. Duệ nghe lời Huỳnh Đức, bèn sai Đức đem 500 quân đi trước. Huỳnh Đức nhân cơ hội đó đã đi thẳng qua Xiêm. Khi tới Xiêm thì Nguyễn Ánh đã trở về Gia Định. Nguyễn Ánh hay tin, bèn cho người đến Xiêm rước Huỳnh Đức về Gia Định. Huỳnh Đức về tới Việt Nam vào năm 1789, được Nguyễn Ánh phong làm Chưởng cơ giám quân trung dinh. Đến năm 1790 được đổi qua làm Quản hữu quân dinh. Năm 1793 được thăng Chưởng Hữu quân Bình Tây Phó Tướng quân dưới quyền Tướng Tôn Thất Hội. Đến năm 1802, sau khi hạ được thành Qui Nhơn, Huỳnh Đức được phong tước Quận Công, trấn thủ Qui Nhơn. Năm 1808, cùng Lê Chất đáp con đường quan lộ từ Quảng Nam đến Phú Yên. Năm 1810, làm Tổng trấn Bắc Thành. Năm 1812, về kinh giữ chức Khâm Sai Chưởng Cơ Tiền Quân. Năm 1816 thay Lê văn Duyệt làm Tổng trấn Gia Định Thành. Ông mất năm 1819. Hiện lăng mộ, đền thờ và nền nhà cũ của quan Tiền quân Nguyễn Huỳnh Đức hãy còn tương đối nguyên vẹn tại thị xã Long An, vì được dân địa phương và con cháu của ngài bảo quản rất chu đáo.
Nói đến di tích lịch sử trong vùng Long An là phải nói đến ngôi chùa Linh Sơn. Chùa tọa lạc tại vùng Rạch Núi, nằm trong làng Đông Thạnh, khoảng giáp ranh với làng Phước Vĩnh Tây. Tại đây có một đồi đất đỏ, cao khoảng 15 mét, dưới chân có con rạch chảy qua, nên dân trong vùng gọi là ‘Rạch Núi’. Trên đồi có nhiều cây me già. Phía trước hãy còn một cái hồ lạn và miếu ông Thổ Địa(37). Trên đỉnh đồi là chùa Linh Sơn. Chùa do Hòa Thượng Minh Nghĩa khai sáng vào giữa thế kỷ thứ 19. Trong chùa hiện còn trên 100 bức tượng cổ làm bằng gỗ quý.
Ngoài ra, về di tích lịch sử, tại Tân An hiện còn ba ngôi chùa cổ, một là chùa Tôn Thạnh ở ấp Thanh Ba, xã Mỹ Lộc, quận Cần Giuộc, cạnh tỉnh lộ 835. Đây là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Long An, được xây vào năm 1808, chùa do Hòa Thượng Viên Ngộ khai sáng với tên là Lan Nhã(38). Hiện trong chùa hãy còn rất nhiều pho tượng cổ theo nghệ thuật điêu khắc của thế kỷ 18, đặc biệt pho tượng Bồ Tát Địa Tạng được đúc tại chùa. Đại Nam Nhất Thống Chí đã ghi lại về chùa Tôn Thạnh như sau: “Đây là ngôi chùa rường cột tráng lệ, vàng son, huy hoàng, nổi tiếng nhất của vùng đất Gia Định xưa.” Sau khi Thiền sư Viên Ngộ viên tịch, năm 1859, cụ Đồ Chiểu đã về trú ngụ tại chùa Tôn Thạnh. Đây chính là nơi mà nhà thơ nổi tiếng Nguyễn đình Chiểu đã sống và sáng tác những áng thơ tuyệt tác, trong đó có bài Văn Tế Nghĩa Sĩ Cần Giuộc. Cụ Đồ Chiểu cũng đã dùng chùa Tôn Thạnh làm nơi hội họp các nghĩa sĩ, dạy học cho các môn sinh, và hốt thuốc làm phước cho nhân dân trong vùng. Trải qua bao thời đại, chùa Tôn Thạnh vẫn còn nguyên đó, vẫn là chứng nhân của biết bao thế sự thăng trầm. Tuy đã nhiều lần trùng tu, chùa vẫn giữ được nét kiến trúc cổ kín qua nét kiến trúc của hệ thống cột kiểu ‘tứ tượng’ trên chánh điện, và những tượng Phật đã có từ thế kỷ thứ XIX, cùng những câu hoành phi sơn son thếp vàng. Chùa Tôn Thạnh còn là nơi mà nhà thơ nổi tiếng Nguyễn đình Chiểu đã sống và sáng tác những áng thơ tuyệt tác. Hiện bên trái chùa Tôn Thạnh vẫn còn có hai tấm bia kỷ niệm nơi lưu lại dấu tích của cụ ‘Đồ Chiểu’. Ngôi chùa thứ hai là chùa Linh Sơn, nằm trên đỉnh đồi trong vùng Rạch Núi. Chùa do Hòa Thượng Minh Nghĩa khai sáng vào giữa thế kỷ thứ XIX. Trong chùa hiện còn trên 100 bức tượng cổ làm bằng gỗ quý. Đặc biệt trong chùa hiện còn một pho tượng Phật lớn, gọi là Phật Trung Tôn, phía sau lưng pho tượng có khắc hàng chữ: “Công Chúa Lê Triều Phụng Cúng”(39)
Năm 1890, nhân dân Đông Thạnh xây chợ Rạch Núi, nên đã đắp con lộ ngăn Rạch Núi ra làm đôi, phần Rạch Núi Trên chảy từ xã Long Phụng ra sông Cần Giuộc; phần Rạch Núi Dưới chảy từ Phước Vĩnh Tây qua Phước Vĩnh Đông. Ngôi chùa thứ ba là chùa Kim Cang, tọa lạc trong xã Bình Thạnh, quận Thủ Thừa. Chùa được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ XIX. Ngôi chùa thứ ba là chùa Kim Cang, tọa lạc trong xã Bình Thạnh, quận Thủ Thừa. Chùa được xây dựng vào giữa thế kỷ thứ XIX. Tuy nhiên, công trình kiến trúc có vẻ thu hút nhiều sự chú ý nhất là ngôi nhà 120 cột nằm trong huyện Cần Đước. Ngôi nhà nầy được xây dựng từ hơn 100 năm nay, bằng toàn gỗ quí như gõ đỏ và cẩm lai. Nhà có lối kiến trúc rất độc đáo với mái ngói rêu phong, cổ kính, và tất cả những cây cột cũng như bốn phía vách đều được chạm trổ điêu luyện bởi những nghệ nhân khéo léo từ miền Bắc vào hợp sức với nghệ nhân địa phương. Đây là một kiệt tác mỹ thuật của ngành chạm trổ chim muông, cỏ cây, và hoa lá, vân vân.
Tại chỗ giao nhau của hai sông Vàm Cỏ, có ngôi miễu ‘Thần Tử Nghĩa’ thờ ông Xá Sai(40) Mai Bá Hương. Năm 1705, chúa Nguyễn Phúc Chu sai quan Chánh Thống Cai Cơ Nguyễn Cửu Vân đem quân dẹp loạn Chân Lạp và sai quan Xá Sai Mai Bá Hương vận chuyển lương thực cho quân đội. Khi thuyền lương vừa tới hạ lưu sông Bao Ngược(41), sắp sửa vào rạch Lá thì bị giặc đón đường cướp lương. Một mặt ông cho quân đi cấp báo với Nguyễn Cửu Vân, mặt khác ông cho thuyền lương đi về sông Cù Úc(42) để tránh giặc, nhưng khi đoàn thuyền vừa tới Ngã Ba Bần Quỳ, chỗ giao nhau giữa hai sông Vàm Cỏ thì bị giặc đuổi kịp. Mai Bá Hương bèn ra lệnh đục thuyền, và tất cả đều bị chìm lỉm dưới dòng nước, kể cả ông. Được tin, chúa Nguyễn lấy làm thương xót, phong cho ông làm Tử Nghĩa Thần và sai lập miếu thờ tại khu ‘Ngã Ba Bần Quỳ’, đồng thời đổi tên khúc sông nầy làm sông Xá Hương. Đây là một trong những ngôi đền cổ nhất tại miền Nam. Năm 1958, chánh quyền địa phương trùng tu lại ngôi đền. Trong đền có bức hoành phi đề bốn chữ ‘Hạo Khí Trung Liệt’(43).
Cách châu thành Tân An khoảng 5 cây số có mộ Ông Hống, nằm ngay bên bờ Kinh Ông Hống. Ngoài ra, tại xã Long Hựu Đông, quận Cần Đước, cách thị xã Tân An khoảng 50 cây số, vẫn còn ngôi nhà Trăm Cột. Nhà được xây cất hoàn toàn bằng những loại gỗ quí như cẩm lai, gõ đỏ, gõ mật, vân vân. Mái ngói âm dương, nền cao khoảng 0,9 mét, lót gạch tàu lục giác, được khởi công xây từ năm 1898 đến 1903, với lối kiến trúc thật độc đáo do những tay thợ chạm trổ từ Huế vào xây dựng. Ngôi nhà có 68 cột tròn, 12 cột vuông và 40 cột làm bằng gạch ở ngoài hiên. Mãi cho đến ngày nay hãy còn rất nhiều người tới đây để nghiên cứu về nghệ thuật kiến trúc cũng như chạm trổ những hoa văn tại đây. Theo lời chủ nhân đời thứ ba của ngôi nhà nầy là ông Trần văn Ngộ kể lại thì ngôi nhà nầy do ông nội của ông là cụ Trần văn Hoa xây dựng. Lúc đó cụ Hoa là hương sư của làng Long Hựu, tổng Lộc Thành Hạ, tỉnh Chợ Lớn. Nhà được xây trên một khu đất rộng trên 4.044 mét vuông, và chỉ riêng diện tích của căn nhà rộng khoảng 882 mét vuông. Theo các nhà nghiên cứu, nhà trăm cột có lối kiến trúc đời Nguyễn, phong cách Huế. Đây là một trong những di tích lịch sử quí hiếm của miền Nam.

Chùa Thạnh Hòa cũng là một trong những ngôi chùa cổ nhất trong tỉnh Long An. Chùa tọa lạc tại ấp Tây, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc. Theo các vị tăng trong chùa cho biết, tên Thạnh Hòa được ghép lại bởi tên làng Đông Thạnh và hệ phái Lục Hòa Tăng. Như vậy tên Thạnh Hòa được ghép lại bởi địa danh và tên của hệ phái. Chùa có lối kiến trúc hồi thế kỷ thứ XIX với rất nhiều bức hoành phi, bao lam, câu đối và tượng thờ được chạm trổ rất tinh xảo theo truyền thống điêu khắc của thế kỷ thứ 17. Hiện trong chùa còn lưu giữ những sách Phật giáo được chép tay bằng chữ Hán, như quyển ‘Trai Đàng Phát Nguyện Văn’ và nhiều kinh tụng khác. Đây là một trong những tài liệu Phật giáo vô cùng quí giá của Phật giáo Việt Nam trước thời người Pháp đô hộ Việt Nam.
Trong huyện Cần Giuộc, ấp Phước Thới, xã Phước Lại, tại ngã ba vàm Rạch Dừa, hãy còn ngôi chùa Thới Bình, một trong những ngôi chùa hãy còn sắc phong của triều đình Huế. Theo các bô lão trong vùng kể lại thì chùa Thới Bình là một trong những ngôi chùa đầu tiên được lưu dân Việt Nam xây dựng trên bước đường vào Nam khẩn hoang lập ấp. Ban đầu chùa chỉ là một cái am nhỏ bằng lá, về sau nầy khi lưu dân đến đây định cư ngày càng đông, họ đã trùng tu ngôi chùa thành một ngôi Đại Già Lam như ngày nay.
Ngoài ra, riêng trong huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An hãy còn rất nhiều đình miếu cổ, như Miếu Bà Ngũ Hành trong xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, và đình Chánh Tân Kim trong ấp Tân Xuân, xã Tân Kim, cũng thuộc huyện Cần Giuộc. Điều nầy chứng tỏ Cần Giuộc là nơi dừng chân đầu tiên của những lưu dân từ miền Bắc và miền Trung vào khai khẩn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Họ đã mang truyền thống tín ngưỡng, hình ảnh và kiến trúc của ngôi đình làng từ miền ngoài vào đây để biến thành truyền thống lễ hội đặc thù của vùng đất mới nầy. Lịch sử của những đình miếu nầy cũng gắn liền với lịch sử khẩn hoang của miền Nam. Lưu dân miền ngoài đến đây và họ đã xây dựng nên những đình miếu nơi họ định cư để thờ phụng và tưởng nhớ đến công lao của các bậc tiền hiền khai khẩn cũng như các bậc hậu hiền khai cơ.

Di Tích Khảo Cổ Trong Địa Phận Tỉnh Long An:
Tân An là miền đất chuyển tiếp giữa đồng bằng miền Đông và đồng bằng sông Cửu Long. Theo kết quả của những khai quật khảo cổ cho thấy cư dân cổ trong vùng Long An là những cư dân đã di chuyển từ phía Đồng Nai xuống đồng bằng sông Cửu Long, chính vì thế mà có dấu hiệu cho thấy cư dân cổ đã có mặt tại vùng Long An sớm hơn các vùng khác ở miền Tây. Năm 1978, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy di tích cư dân cổ tại vùng Rạch Núi, thuộc Ấp Tây, xã Đông Thạnh, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đây là một gò đất rộng khoảng một mẫu, cao 6 mét, đường kính trung bình khoảng 100 mét, xung quanh có ao rạch bao bọc, trong đó chủ yếu là Rạch Núi(44). Trên mặt gò có nhiều cây cổ thụ và toàn khu có vẻ thanh u rậm rạp.
Theo truyền thuyết, năm 1867, có Thầy Rau, tục danh là Nguyễn Quới, trên đường làm du tăng khất sĩ, đến đây thấy địa thế tốt nên ông quyết định trụ lại và xây dựng ngôi tam bảo ngay trên đỉnh gò để tiếp tục tu hành độ chúng. Chùa có tên là LinhSơn Tự, nhưng dân chúng trong vùng gọi là Chùa Núi. Sau khi khai quật khu Rạch Núi, người ta thấy độ sâu của tầng di chỉ khoảng 5 mét. Điều nầy chứng tỏ sự hiện diện của cư dân cổ tại đây từ rất sớm và di chỉ đã bị chôn vùi khá sâu. Sau khi khai quật, người ta tìm thấy rất nhiều nguyên liệu chế tác dụng cụ lao động và dụng cụ săn bắt, cũng như nhiều lớp tro than và xương cốt động vật và vỏ sò ốc biển. Đặc biệt, cư dân cổ tại đây đã dùng xương động vật để chế tạo ra nhiều dụng cụ để sử dụng hằng ngày. Tất cả những di chỉ nầy đều có cùng niên đại với những di vật được tìm thấy ở miền Đông Nam Phần, tức cách nay khoảng 3.000 năm(45).
Cũng trong năm 1978, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã khai quật khu di tích Bình Tả cách thị xã Tân An khoảng 40 cây số về phía đông-bắc, tọa lạc trong ấp Bình Tả, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa. Cụm di tích Bình Tả nằm trong phạm vi ba gò đất, đó là Gò Xoài, Gò Đồn và Gò Năm Tước. Đây là khu di tích có lối kiến trúc thời tiền sử đến thời sơ sử, mang phong cách văn hóa Óc Eo, từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII sau Tây lịch. Cụm di tích được phân bố theo các trục lộ cổ và sông Vàm Cỏ Đông. Tại Gò Xoài, người ta phát hiện những ngôi đền thờ các vị thần như Siva và Visnu của tôn giáo Bà La Môn, xuất hiện tại Ấn Độ khoảng 10 thế kỷ trước Tây lịch, được truyền sang miền Nam bán đảo Đông Dương vào đầu Tây lịch. Hiện nay những ngôi đền nầy nằm dưới độ sâu từ 1,7 đến 1,9 mét, đây có thể là một trong những địa điểm hành lễ của các vị Bà La Môn dưới thời vương quốc Phù Nam. Tại Gò Xoài, người ta cũng phát hiện 26 hiện vật bằng vàng, trong đó có một miếng vàng lá mỏng hãy còn rõ những nét khắc bằng chữ Phạn cổ (Sanskrit). Ngoài ra, người ta cũng tìm thấy tại Gò Xoài nhiều hiện vật có giá trị khảo cổ khác như tượng thần Siva, thần Visnu, và các linh vật linga và yoni khác. Bên cạnh đó, còn nhiều mảnh gốm và mảnh kim loại mang phong cách Óc Eo, cùng nhiều đá quí, sa thạch và hàng loạt các di chỉ về những cư dân cổ đã từng sinh sống trong vùng Bình Tả nầy. Những phát hiện nầy cho thấy khu Bình Tả dưới thời Phù Nam đã từng là khu tập trung của các cư dân cổ, nơi có nhiều cơ sở tôn giáo, mà cũng là khu vực hành chánh và chánh trị giữa miền Đông và miền Tây Nam Phần thời đó.

Tân An Sau Năm 1975:
Sau năm 1975, chánh quyền mới phân định lại địa giới của tỉnh Long An, họ cho sáp nhập tỉnh Kiến Tường vào tỉnh Long An. Hồi nầy, thị xã Tân An gồm 4 phường: 1, 2, 3, và 4. Đến cuối năm 1983, vì nhu cầu phát triển, thị xã Tân An gồm 4 phường (1, 2, 3, 4) và 6 xã. Đến năm 1996, chánh quyền địa phương cắt một phần đất của xã Hướng Thọ Phú và xã Nhơn Thạnh Trung để thành lập phường 5 của thị xã Tân An. Năm 1998, chánh quyền địa phương cắt một phần đất của xã Lợi Bình Nhơn, xã Khánh Hậu và phường 4 để thành lập phường 6 của thị xã Tân An. Năm 2007, chánh quyền địa phương lại cắt một phần đất của xã Bình Tâm, xã An Vĩnh Ngãi và phường 3 để thành lập phường 7 của thị xã Tân An. Xã Khánh Hậu lại được tách làm hai để làm hai phường mới, đó là phường Khánh Hậu và phường Tân Khánh. Hiện nay, thị xã Tân An gồm có 9 phường(46) và 5 xã(47). Theo cuộc tổng kiểm tra dân số vào năm 1979, toàn tỉnh Long An có khoảng 949.200 người. Đến năm 1983, chánh quyền mới khuyến khích người dân từ các tỉnh miền Tây đi khai thác vùng Đồng Tháp với nhiều quyền lợi dễ dãi. Chỉ khoảng 6 năm sau đó, người ta đã thấy cả một vùng Đồng Tháp bạt ngàn với lúa và tràm. Theo thống kê dân số vào năm 1989, toàn tỉnh Long An có khoảng 1.120.204 người.
Trước năm 1975, Mộc Hóa là tỉnh lỵ của tỉnh Kiến Tường, và hai quận Đức Hòa và Đức Huệ trựthuộc tỉnh Hậu Nghĩa, nhưng sau năm 1975 chính quyền mới chia cắt lại nên diện tích tỉnh Long An lên tới 4.492 cây số vuông, gồm có thị xã Tân An và 11 huyện: Cần Giuộc, Châu Thành, Cần Đước, Đức Hòa, Đức Huệ, Mộc Hóa, Tân Hưng, Tân Thạnh, Tân Trụ, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, và Vĩnh Hưng, với tổng dân số là 1.363.600 người, đa số là người Việt, một số nhỏ người Khmer sống bằng nghề làm rẫy trong vùng Mộc Hóa, và một số nhỏ người Hoa sống bằng nghề thương mại tại các thị trấn lớn. Về vị trí, tỉnh Long An cách Sài Gòn khoảng 47 cây số về phía tây nam, bắc giáp Tây Ninh và Cao Miên, đông giáp Sài Gòn, tây giáp Đồng Tháp(48), và nam giáp Mỹ Tho(49). Theo Tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam năm 2003, hiện tại thị xã Tân An có diện tích là 81,9 cây số vuông, dân số 114.300 người, mật độ trung bình là 1.395 người trên một cây số vuông. Huyện Bến Lức có diện tích 289,3 cây số vuông, dân số 124.900 người, mật độ trung bình là 432 người trên một cây số vuông. Huyện Cần Giuộc có diện tích là 209,9 cây số vuông, dân số 152.200, mật độ trung bình là 725 người trên một cây số vuông. Huyện Châu Thành có diện tích là 150,5 cây số vuông, dân số 98.200, mật độ trung bình là 652 người trên một cây số vuông. Huyện Cần Đước có diện tích là 218,1 cây số vuông, dân số 159.400, mật độ trung bình là 731 người trên một cây số vuông. Huyện Đức Hòa có diện tích là 426,5 cây số vuông, dân số 189.800, mật độ trung bình là 445 người trên một cây số vuông. Huyện Đức Huệ có diện tích là 430,9 cây số vuông, dân số 61.900, mật độ trung bình là 144 người trên một cây số vuông. Huyện Mộc Hóa có diện tích là 503,3 cây số vuông, dân số 64.200, mật độ trung bình là 128 người trên một cây số vuông. Huyện Tân Hưng có diện tích là 497,4 cây số vuông, dân số 38.300, mật độ trung bình là 77 người trên một cây số vuông. Huyện Tân Thạnh có diện tích là 425,8 cây số vuông, dân số 73.200, mật độ trung bình là 172 người trên một cây số vuông. Huyện Tân Trụ có diện tích là 106,5 cây số vuông, dân số 60.100, mật độ trung bình là 564 người trên một cây số vuông. Huyện Thạnh Hóa có diện tích là 468,3 cây số vuông, dân số 49.000, mật độ trung bình là 105 người trên một cây số vuông. Huyện Thủ Thừa có diện tích là 299 cây số vuông, dân số 84.600, mật độ trung bình là 283 người trên một cây số vuông. Huyện Vĩnh Hưng có diện tích là 384,5 cây số vuông, dân số 40.900, mật độ trung bình là 106 người trên một cây số vuông.
Sau năm 2000, chánh quyền đã phân chia lại địa giới giữa các huyện trong tỉnh như hiện nay. Theo Tập Bản Đồ Hành Chánh Việt Nam, xuất bản vào năm 2009, hiện tại tỉnh Long An vẫn gồm thị xã Tân An và 13 huyện, vẫn với tổng diện tích 4.492 cây số vuông, nhưng dân số đã tăng lên 1.383.900 người. Thị xã Tân An có diện tích là 81,9 cây số vuông, dân số 121.300 người, mật độ trung bình là 1.481 người trên một cây số vuông. Huyện Bến Lức có diện tích 289,3 cây số vuông, dân số 128.900 người, mật độ trung bình là 446 người trên một cây số vuông. Huyện Cần Đước có diện tích là 218,1 cây số vuông, dân số 169.400, mật độ trung bình là 777 người trên một cây số vuông. Huyện Cần Giuộc có diện tích là 209,9 cây số vuông, dân số 161.400, mật độ trung bình là 769 người trên một cây số vuông. Huyện Châu Thành có diện tích là 150,5 cây số vuông, dân số 102.500, mật độ trung bình là 681 người trên một cây số vuông. Huyện Đức Hòa có diện tích là 426,5 cây số vuông, dân số 199.200, mật độ trung bình là 467 người trên một cây số vuông. Huyện Đức Huệ có diện tích là 430,9 cây số vuông, dân số 65.000, mật độ trung bình là 151 người trên một cây số vuông. Huyện Mộc Hóa có diện tích là 503,3 cây số vuông, dân số 67.800, mật độ trung bình là 135 người trên một cây số vuông. Huyện Tân Hưng có diện tích là 497,4 cây số vuông, dân số 41.800, mật độ trung bình là 84 người trên một cây số vuông. Huyện Tân Thạnh có diện tích là 425,8 cây số vuông, dân số 79.000, mật độ trung bình là 186 người trên một cây số vuông. Huyện Tân Trụ có diện tích là 106,5 cây số vuông, dân số 62.600, mật độ trung bình là 588 người trên một cây số vuông. Huyện Thạnh Hóa có diện tích là 468,3 cây số vuông, dân số 52.700, mật độ trung bình là 113 người trên một cây số vuông. Huyện Thủ Thừa có diện tích là 299 cây số vuông, dân số 88.500, mật độ trung bình là 296 người trên một cây số vuông. Huyện Vĩnh Hưng có diện tích là 384,5 cây số vuông, dân số 43.800, mật độ trung bình là 114 người trên một cây số vuông.

Chú Thích:


(1) Lê Quý Đôn, Phủ Biên Tạp Lục, Q.IV, tờ 43a.
(2) Vùng đất Biên Hòa ngày nay.
(3) Gồm các vùng Tây Ninh, Bình Dương, Thủ Đức, Sài Gòn, Chợ Lớn, Tân An ngày nay. Lúc đó vùng đất Định Tường cũng trực thuộc Phiên Trấn Dinh.
(4) Theo Lê Quý Đôn trong Phủ Biên Tạp Lục (1776), một đứa con trai người Man (da đen tóc quăn) dưới 20 tuổi giá 20 quan tiền; tuy nhiên, một đứa con trai người Hời (Chàm trắng) đồng tuổi chỉ bán được với giá 1 quan tiền mà thôi.
(5) Thuộc xã Khánh Hậu, một trong những khu định cư sớm nhất của tỉnh Long An.
(6) Biên Hòa, Phiên An, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên.
(7) Bao gồm các vùng đất từ Bến Lức, lên Thủ Thừa và Đức Hòa, Đức Huệ ngày nay.
(8) Bao gồm các vùng Cần Giuộc và Cần Đước ngày nay.
(9) Bao gồm các vùng Gò Công và Tiền Giang ngày nay.
(10) Bao gồm các vùng thuộc quận châu thành Tân An ngày nay.
(11) Biên Hòa, Gia Định và Định Tường.
(12) Thôn Bình Lập được vua Tự Đức ban xác phong thần vào năm 1852.
(13) Theo các kết quả khảo cổ tại Chùa Núi, trong xã Đông Thạnh, vùng Cần Giuộc cách nay 2000 hay 3000 năm đã có người sinh sống, nhưng do địa thế đất đai chưa ổn định nên đến cuối thế kỷ thứ XVI, hầu hết vùng nầy vẫn còn chìm trong hoang vu.
(14) Họ là những người chạy nạn thiên tai, nạn chiến tranh Trịnh-Nguyễn, nạn cường hào ác bá, những binh lính đào ngũ, và ngay cả những người bị tù tội bị lưu đày biệt xứ, vân vân. Bên cạnh đó, cũng có những địa chủ giàu có ở vùng ngoài, những quan lại hay những người có tiền của và quyền thế, đã mang theo gia nhân cùng rất nhiều nô lệ vào xứ Đồng Nai-Sài Gòn để khẩn hoang lập ấp.
(15) Theo Nguyễn Hữu Hiếu trong “Chúa Nguyễn và Các Giai Thoại Mở Đất Phương Nam”, TPHCM: NXB Trẻ, 2001, tr. 95-99.
(16) Theo Phủ Biên Tạp Lục, Q. II, tờ 89b.
(17) Phần lớn sông Vàm Cỏ chảy trong địa phận tỉnh Long An, riêng đoạn cuối từ vàm sông Tra nó chảy vào địa phận huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang qua các vùng Bình Xuân, Mỹ Lợi, Bình Đông, Tân Phước, Gia Thuận và Vàm Láng, nhưng đoạn sông nầy là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Long An và Tiền Giang.
(18) Khi đi từ Sài Gòn về miền Tây, đến cầu Tân An là cây cầu bắt ngang qua sông Vàm Cỏ Tây. Ngày trước, khi đường giao thông trên bộ đi vào vùng Đồng Tháp chưa được phát triển thì sông Vàm Cỏ Tây là thủy lộ độc nhất từ Tân An đi vào Đồng Tháp. Vào khoảng thập niên 1930, mỗi ngày có hai chuyến tàu đò khứ hồi, chở hành khách và hàng hóa từ Tân An vào Mộc Hóa. Ngược dòng Vàm Cỏ Tây từ phía Tân An, càng đi về hướng Mộc Hóa, hai bên bờ càng vắng vẻ, ít dân cư, mà chỉ rải rác đó đây những khu rừng tràm ngút ngàn.
(19) Cả hai sông Vàm Cỏ gặp nhau ở phía Đông quận Tân Trụ, rồi dòng sông mở rộng ra để chảy vào Nhà Bè và đổ ra cửa Soài Rạp.
(20) Theo Đào Văn Hội trong “Tân An Ngày Xưa”, Phủ Quốc Vụ Khanh Đặc Trách Văn Hóa xuất bản, 1972, tr. 26-27.
(21) ‘Kinh Bưu Chính’.
(22) Vào thời Pháp thuộc, họ tách một phần phía Bắc của tỉnh Tân An để thành lập tỉnh Chợ Lớn.
(23) Bây giờ là tỉnh Xvay Riêng, thuộc Kampuchia.
(24) Bây giờ là tỉnh Đồng Tháp.
(25) Được bồi đắp bởi hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.
(26) Cả 4 vùng ấy có cả thảy 10 tổng và 64 xã, riêng quận Mộc Hóa rộng bằng tổng số diện tích của 3 quận kia.
(27) Bulletin Officiel de la Cochinchine Francaise, 1877, No 1, p. 13.
(28) Về phía chánh quyền Việt Minh, họ thành lập ở miền Nam 3 quân khu: 7, 8, và 9. Tỉnh Long An và huyện Cần Giuộc (thuộc tỉnh Chợ Lớn) trực thuộc quân khu 7.
(29) Công Báo Việt Nam, 1957, tr. 3748.
(30) Công Báo Việt Nam, 1958, tr. 4616; và CBVN, 1958, tr. 4039.
(31) Công Báo Việt Nam, 1967, tr. 215.
(32) Hậu Nghĩa là một tỉnh thời VNCH, ngày nay đa số lãnh thổ của tỉnh Hậu Nghĩa trực thuộc tỉnh Long An.
(33) Một quận ven biển, nằm về phía cực Nam của tỉnh Quảng Ngãi.
(34) Có sách nói là người Lào.
(35) Con của Nguyễn cửu Vân.
(36) Con trai của tướng Trần Thượng Xuyên.
(37) Vùng miếu ông Thổ Địa là dấu vết của cách kiến trúc Khmer, vì trong kiến trúc người Khmer lúc nào cũng xây hồ, đắp gò, trồng me, cất chùa, đào giếng, và lập miễu ông Tà. Người Khmer cũng thường hay chôn báu vật, vì họ tin rằng những người đã chết thế nào cũng được hưởng những báu vật nầy ở cõi âm ty.
(38) Thiền sư Viên Ngộ, thế danh Nguyễn ngọc Dót.
(39) Theo các bậc kỳ lão trong vùng thì bà công chúa trên đây là con gái vua Lê Hiển Tông. Tuy nhiên, không hiểu vì cơ duyên nào mà bà lại phụng cúng pho tượng nầy cho chùa vào thời chúa Nguyễn Phúc Khoát.
(40) Xá Sai là một chức quan nhỏ chuyên lo việc vận chuyển lương thực cho quân đội dưới thời chúa Nguyễn. 
(41) Sông Cần Giuộc ngày nay.
(42) Sông Vàm Cỏ Tây ngày trước còn có tên là sông Cù Úc.
(43) ‘Hạo Khí Trung Liệt’ có nghĩa là khí sáng do lòng trung liệt tạo thành.
(44) Có lẽ thế đất tại đây cao hơn các nơi khác nên người ta đặt tên cho khu di tích nầy là khu Rạch Núi, còn có tên là gò Núi Đất hay Thổ Sơn.
(45) Đó là thời đại đá mới.
(46) 1,2,3,4,5,6,7, Tân Khánh và Khánh Hậu.
(47) An Vĩnh Ngãi, Bình Tâm, Hướng Thọ Phú, Nhơn Thạnh Trung và Lợi Bình Nhơn.
(48) Địa phận vùng Cao Lãnh cũ
(49) Nay là tỉnh Tiền Giang.
***

Để tiện theo dõi Đất Phương Nam 1, Mời Bạn xem các phàn 1,2,34..ở cột danh mục hai bên.

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét