Long An nằm giữa 2 vùng châu thổ lớn của miền Nam, đó là châu thổ sông Đồng Nai và châu thổ sông Cửu Long. Vùng Long An tự nó nằm giữa 2 con sông cũng khá lớn của miền Nam, đó là sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây. Đây là vùng tiếp giáp giữa miền Đông và miền Tây. Về phía Tây Bắc, tức là khu vực Đông Bắc của Đồng Tháp Mười ngày nay, là cả một vùng trũng rộng lớn chạy dài từ biên giới Việt-Miên, phía Đông từ vùng Xvay Riêng, xuống Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Thạnh Hóa, Thủ Thừa; phía Tây từ vùng Tân Hưng xuống Tân Thạnh, giáp với Tân Phước của tỉnh Tiền Giang. Đây là một trong những khu rừng tràm lớn nhất cả nước, với những đầm sen bát ngát. Theo các nhà địa chất học thì vào khoảng vài ngàn năm trước, toàn vùng phía Bắc Tân An ngày nay là một cái biển, vì lúc đó mực nước Biển Đông đã dâng lên đến mức rất cao, nên nhiều nơi trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long và sông Vàm Cỏ hoàn toàn bị ngập nước. Sau đó, mực nước biển lại rút dần, và phù sa của những con sông lớn tại đây đã bồi đắp cả miền Nam thành một vùng đồng bằng bao la như ngày nay, ngoại trừ những vùng trũng lớn, như vùng Cà Mau và Đồng Tháp. Tuy nhiên, nếu trong tương lai, mực nước biển lại dâng cao như nó đã từng dâng lên đến mức cao nhất cách nay vài ngàn năm, thì toàn miền sẽ lại bị ngập chìm trong biển nước. Nhưng nếu mực nước Biển Đông tiếp tục rút xuống nữa, thì không bao lâu nữa, vịnh Thái Lan sẽ trở thành một vùng đất với rất nhiều “biển hồ”, giống như tình trạng vùng “Đồng Tháp Mười” ngày nay. Hiện nay, ngay giữa lòng Tháp Mười, thỉnh thoảng người ta vẫn còn tìm thấy vết tích tàu biển như dây lòi tói, cột buồm, mỏ neo, vân vân, của những con tàu biển xưa, có thể những con tàu nầy đã bị chìm trước khi nước biển toàn vùng Đồng Tháp rút xuống. Bên cạnh đó, tại các vùng Gò giữa lòng Đồng Tháp hãy còn chứng tích cát trắng của một cái biển cũ, như Gò Bắc Vung, Gò Da, Gò Bắc Chiên, Gò Đồng Tháp, Gò Động Cát, vân vân. Ngày nay, vùng trũng phía Bắc tỉnh Tân An, thuộc khu Đồng Tháp, vẫn là một vùng trũng, một biển nước mỗi khi nước đổ xuống từ Tonlé Sap (Biển Hồ)
Nhìn chung, địa hình của tỉnh Long An giống như địa hình của toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nó được bồi đắp liên tục và đều đặn để có được một vùng đồng bằng phì nhiêu như ngày nay, với độ cao trung bình từ 1 mét đến 1,16 mét. Tuy nhiên, những giồng cát từ Mỹ Tho lên Tân Hiệp và Lợi Bình Nhơn có độ cao từ 1 mét đến 3 mét. Địa hình toàn tỉnh tương đối thấp, dễ bị tác động của dòng thủy triều cao và lũ lụt tràn về từ miệt Đồng Tháp Mười, nhưng về mùa nắng hạn thì tỉnh Long An lại thiếu nguồn nước ngọt cho sinh hoạt và sản xuất. Riêng trong thị xã Tân An, khoảng 86 phần trăm đất đai thuộc nhóm phù sa ngọt có thể canh tác được, số ít còn lại là đất ủng phèn không canh tác được; tuy nhiên, dân chúng trong những vùng đất nầy cũng không bỏ đất hoang. Họ đang nỗ lực trồng lác hay bàng để dệt chiếu, hoặc trồng những khu rừng dừa nước để làm lá lợp nhà. Ngay từ thời dân Việt Nam mới mở cõi về phương Nam, cha anh chúng ta đã thấy tầm quan trọng của vùng của vùng Tân An. Vào năm 1705, Thống Suất Nguyễn Cửu Vân đã theo lệnh chúa Nguyễn, khởi công đào con kinh chiến lược, đó là kinh Vũng Gù, nối liền sông Tiền với sông Vàm Cỏ Tây. Đây là một trong những con kinh được đào đầu tiên ở miền Nam.
Từ Đất Tầm Bôn Đến Phủ Tân An:
Những ai sanh trưởng trong miền Nam không thể nào không biết đến Tân An vì Tân An là cửa ngỏ của đồng bằng sông Cửu Long, đi về miền Tây trù phú, với những cánh đồng ngút ngàn. Ngày đó khi quan Chưởng cơ Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh thành lập 2 huyện Phước Long và Tân Bình thì ngài không ghi rõ ranh giới. Còn theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, thì nói là ranh giới rất mênh mông, chứ cũng không nói rõ là từ đâu đến đâu, nhưng có lẽ vùng Phước Long lên đến tận Tây Ninh, và vùng Tân Bình xuống dưới tận sông Tiền, vì về sau nầy khi Nguyễn Ánh cho lập Trấn Định, thì lỵ sở của trấn nầy được đặt tại Tân Hiệp, chỉ cách chợ Mỹ Tho ngày nay khoảng 15 cây số mà thôi. Vùng Tân An nằm về phía Nam Đông Nam Sài Gòn Gia Định khoảng 50 cây số, nằm giữa lưu vực hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây nối liền với Đồng Tháp Mười. Đất nầy vốn là của vương quốc Phù Nam từ thế kỷ thứ nhất đến thế kỷ thứ VI sau Tây lịch. Tuy nhiên, vào thời đó vùng Tầm Bôn hãy còn là một dãy đất trũng sình, ngập mặn, hoang vu, không người ở. Sau khi vùng đất nầy bị sáp nhập vào vương quốc Chân Lạp, nó vẫn tiếp tục bị bỏ hoang cho đến khi những lưu dân đầu tiên của người Việt Nam đặt chân đến đây vào thế kỷ thứ XVII.
Năm 1705, quân Xiêm La kéo quân sang đánh Cao Miên, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Cai cơ Nguyễn Cửu Vân đưa quân đánh dẹp. Sau khi dẹp giặc bên Cao Miên trở về, Thống suất Nguyễn Cửu Vân cho đóng quân ở vùng Tân An ngày nay. Ông đã vâng mệnh chúa Nguyễn đắp một bờ lũy từ thôn An Cai đến chợ Phú Lương, ngày nay khoảng từ Tân An đến Bến Tranh, ông đã cho đào kinh Vũng Gù để lấy đất đắp lên lũy. Kinh nầy nối sông Vàm Cỏ Tây với sông Tiền. Làm thế nào mà Thống suất Nguyễn Cửu Vân có thể làm được chuyện nầy, khi dụng cụ đào kinh lúc nầy không có gì? Có thể cư dân tại vùng nầy đã khá đông nên ngài thống suất đã tụ họ lại rồi cùng nhau đào bằng tay. Mặc dầu con kinh ấy ngày nay không mấy quan trọng, nhưng vào thời đó, và mãi đến cuối thế kỷ thứ XIX, nó là huyết mạch trong việc điều động quân đội từ miền Đông qua miền Tây mỗi khi hữu sự, và nó cũng là con đường chính vận chuyển lúa gạo từ các tỉnh miền tây về Sài Gòn. Lúc mới lên ngôi, chính vua Gia Long đã sai trấn thủ Định Tường là ông Lưu văn Phong cho nạo vét lại và đào rộng thêm con rạch Bến Tranh cho đến trước cù lao Rồng tại Mỹ Tho, đặt tên là Bảo Định Hà, nhưng đến năm 1825, phù sa hai sông Tiền và Vàm Cỏ đã bồi cạn lòng sông Bảo Định. Sau khi chiếm miền Nam, người Pháp cho vét lại kinh Bảo Định để chở công văn giấy tờ từ miền Tây về Sài Gòn và ngược lại, nên họ đặt tên cho con kinh là ‘Kinh Bưu Chính’ (Arroyo de poste).
Năm 1752, Nặc Nguyên giành được ngôi quốc vương Cao Miên, thường đem quân đi cướp bóc khắp vùng Thủy Chân Lạp và bắt người Côn Man (người Champa) làm nô lệ. Thêm vào đó, Nặc Nguyên lại sai sứ sang giao hảo với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài âm mưu đánh Đàng Trong để giành lại phần đất Thủy Chân Lạp. Tất cả những diễn biến nầy đã được Trịnh Hoài Đức ghi lại trong Gia Định Thành Thông Chí như sau: “Mùa đông năm quý dậu 1753, Võ Vương sai Thiện Chính và Nguyễn Cư Trinh, Ký Lục Bố Chánh Dinh, làm Tham Mưu điều khiển binh tướng đánh Nặc Nguyên. Mùa hạ năm giáp tuất 1754, quân ta bắt đầu khởi binh. Quan binh của Nguyễn Cư Trinh đi đến đâu giặc đều qui phục; đi qua đất Tần Lê (có lẽ là vùng Tonlé Sap) ra đến sông Lớn, tức sông Vàm Cỏ, để cùng hội quân với Thiện Chính ở đồn Lô Yêm. Từ đây các phủ Tầm Bôn, Lôi Lạp, Cầu Nam và Nam Vinh (Nam Vang ngày nay) đều hàng cả.” Sau đó Nguyễn Cư Trinh chiêu phục người Côn Man để làm thanh thế và tiếp tục truy đuổi Nặc Nguyên vẫn còn lẩn trốn tại vùng Vĩnh Long. Năm 1755, Nặc Nguyên chạy về Hà Tiên nhờ Mạc Thiên Tứ dâng đất Tầm Bôn và Lôi Lạp để chuộc tội, nhưng chúa còn chần chừ không muốn(15). Nguyễn Cư Trinh mới dâng sớ nói rõ về việc nên giữ lấy hai phủ Tầm Bôn và Lôi Lạp: “Từ xưa, sở dĩ dùng đến binh, chẳng qua là muốn trừ đứa kỳ khôi, mở mang bờ cõi mà thôi. Ngay Nặc Nguyên đã biết lỗi, biết nộp đất hiến của. Nếu không cho nó hàng, thì nó sẽ chạy trốn; mà từ Gia Định đến La Bích, đường sá xa xôi, không tiện đánh đuổi. Vậy muốn mở mang bờ cõi, chi bằng lấy hai phủ ấy, giữ chặt hai dinh (Trấn Biên và Phiên Trấn). Năm xưa, đi mở phủ Gia Định, trước phải mở phủ Hưng Phúc (Biên Hòa), rồi sau mở Lộc Dã (Đồng Nai) để quân dân đoàn tụ, rồi sau mới mở đất Sài Côn. Đó là kế “tầm ăn dâu”. Vả lại, từ xứ Sài Gòn đến phủ Tầm Bôn, đường đi phải mất sáu ngày ròng rã, đất đai trống trải, ruộng nương rất nhiều, dân số lên đến muôn người, hạng chính binh đồn trú còn lo không đủ thay. Nay muốn mở mang đất đai, chúng ta cũng nên giữ trước hai phủ Tâm Bôn và Lôi Lạp để củng cố hai dinh Trấn Phiên và Trấn Biên...” Tờ trình của Nguyễn Cư Trinh có kèm theo bức họa đồ chỉ điểm mọi chi tiết phân biệt và đầy đủ, bấy giờ chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát mới thuận và ra lệnh thiết lập châu Định Viễn(16)
Mặc dầu kể từ năm 1756, Nặc Nguyên nhờ Mạc Thiên Tứ dâng đất Tầm Bôn và Lôi Lạp để chuộc tội, nghĩa là kể từ đó vùng đất mang tên Tầm Bôn bị xóa tên trên bản đồ Chân Lạp, nhưng cái tên Tân An vẫn chưa thấy xuất hiện trên bản đồ của xứ Đàng Trong cho đến đời vua Tự Đức. Như vậy, vùng Tầm Bôn đã sớm trở thành một trong những vùng đất cố cựu nhất của miền Nam. Tuy nhiên, vì vùng đất nầy nằm ở bên ngoài thành Phiên An, nên suốt một khoảng thời gian rất dài, nó không được khai khẩn và phát triển đúng mức. Chính vì vậy mà mãi đến đầu thế kỷ thứ XX, vùng nầy vẫn còn là những thôn xã chỉ chuyên canh tác nông nghiệp, chứ không được phát triển về công kỹ nghệ như những vùng khác. Đến đời Gia Long, vào khoảng năm 1803 nhà vua chia Gia Định Thành ra làm 3 dinh và một trấn gồm dinh Biên Trấn, dinh Phiên Trấn, Dinh Long Hồ và Hà Tiên Trấn, và vùng Tân An trực thuộc dinh Phiên Trấn. Năm 1832, vua Minh Mạng cho đổi Bắc Thành và Gia Định Thành ra làm Bắc Kỳ và Nam Kỳ, còn Kinh Thành Huế được đổi ra làm Kinh Kỳ. Nhà vua lại chia Nam Kỳ ra làm sáu tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường, Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên. Từ đó mới có tên Nam Kỳ Lục Lục Tỉnh. Tuy nhiên, cái tên Tân An vẫn chưa được dùng để gọi cho vùng Tầm Bôn, dù vào năm 1779 sau khi chiếm lại thành Gia Định, Nguyễn Ánh đã sáp nhập vùng Tầm Bôn vào châu Định Viễn của dinh Long Hồ với cái tên tổng Tân An, có nghĩa là vùng đất yên ổn mới.
Sông Ngòi Và Kinh Rạch Trong Tỉnh Tân An:
Dân Nam Kỳ lục tỉnh không ai là không biết Tân An vì tỉnh lỵ Tân An nằm ngay trên trục lộ từ Sài Gòn về miền Tây. Từ Sài Gòn về miền Tây phải qua Phú Lâm, Bình Chánh, Bến Lức, và đi ngang qua Tân An bằng cầu Tân An... rồi mới đến ngã ba Trung Lương, Cai Lậy, Cái Bè, Cổ Cò, Mỹ Thuận... Ngày trước khi quốc lộ 4, nay là quốc lộ 1, hãy còn là một con đường nhỏ chưa được tráng đá hay tráng nhựa thì những nhánh sông Tân An và Bến Lức là hai thủy lộ quan trọng cho giới thương hồ từ miền Tây về Sài Gòn. Tân An là giao điểm giữa hai vùng Đông và Tây Nam Bộ nên dù được phù sa bồi đắp, Tân An cũng có những gò đất khá cao như các vùng Biên Hòa và Đồng Nai, chẳng hạn như các vùng Thủ Thừa, Khánh Hậu. Tuy nhiên, đồng ruộng Tân An không phì nhiêu như đồng ruộng miền Tây. Vùng Cần Giuộc nằm sát biển Đông thì nước mặn gần như quanh năm, trong khi vùng Thủ Thừa ở phía Tây thì luôn bị ủng phèn. Toàn tỉnh Long An có hệ thống sông Vàm Cỏ chảy qua, sông Vàm Cỏ Tây đoạn chảy qua Tân An có chiều dài khoảng 15,8 cây số và độ sâu trung bình khoảng 15 mét. Sông Vàm Cỏ Đông chảy ngang qua Bến Lức với nguồn nước rất phong phú. So với hệ thống sông Cửu Long thì hệ thống sông Vàm Cỏ không đáng kể, tuy nhiên, nhờ dòng sông Vàm Cỏ mà cả một vùng đất trũng phèn giữa miền Đông và miền Tây Nam Phần có chỗ xả ra biển. Sông Vàm Cỏ là hệ thống hai con sông: Vàm Cỏ Đông, tức sông Bến Lức; và Vàm Cỏ Tây, tức sông Long An. Sông Vàm Cỏ phát nguyên từ bên đất Cao Miên, khi chảy vào địa phận Việt Nam với nhiều đoạn quanh co uốn khúc. Đây là một trong những hệ thống sông ngắn ở Việt Nam, ngoài địa hình uốn khúc quanh co, độ dốc của lòng sông Vàm Cỏ gần như không có khiến cho sức chảy của sông rất yếu. Phần lớn hai nhánh sông Vàm Cỏ nằm trong địa phận tỉnh Long An(17). Khi đến vùng Cần Đước, hai nhánh Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây nhập lại thành một rồi đổ ra Biển Đông tại cửa Soài Rạp. Tuy hệ thống sông Vàm Cỏ nhỏ và ngắn, và mặc dầu nó quanh co uống khúc, nhưng nó lại là con đường thoát nước duy nhất từ phía Đồng Tháp ra biển Đông vào mùa nước lũ. Sông Vàm Cỏ Đông, phát nguyên từ vùng Kâm Chây Méa, bên đất Cao Miên, xưa có tên là sông Thuận An, người Pháp thì gọi là Vaico Oriental, dài khoảng trên 300 cây số, chảy từ biên giới Việt-Miên xuống quận Hiếu Thiện của tỉnh Tây Ninh, chảy xuống Trảng Bàng, Gò Dầu, ngang qua khu nhà máy đường Hiệp Hòa, rồi ngang qua vùng Bến Lức, rồi chảy ra cửa Soài Rạp. Tuy nhiên, dân địa phương vẫn quen gọi là sông Bến Lức, vì nó chảy ngang qua cầu Bến Lức. Tưởng cũng nên nhắc lại, khi công ty Effel xây xong cầu sắt Bến Lức vào cuối thế kỷ thứ XIX, thì nó là cây cầu dài nhất ở Nam Kỳ thời đó. Lúc đầu cầu Bến Lức chỉ dành cho xe lửa đi về Mỹ Tho mà thôi, còn xe hơi phải qua sông bằng một chiếc phà kéo bằng tay. Về sau nầy khi đã có nhiều xe hơi, thì cầu được mở rộng ra cho xe cộ đi về miền Tây. Tưởng cũng nên nhắc lại, vào khoảng những năm 1883 và 1886, chánh quyền thuộc địa cho xây dựng đường xe lửa Sài Gòn đi Mỹ Tho, đây là tuyến đường xe lửa đầu tiên mà thực dân Pháp xây dựng ở Việt Nam, với kinh phí rất cao, vì tuyến đường phải chạy qua hai cây cầu sắt Bến Lức và Tân An cũng được xây dựng với kinh phí rất cao. Tuyến đường xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho hồi đó ghé lại 12 nhà ga: Chợ Lớn, Phú Lâm, An Lạc, Bình Điền, Bình Chánh, Gò Đen, Bến Lức, Bình Ảnh, Tân An, Tân Hương, Lương Phú thuộc vùng Bến Tranh, và Ngã Ba Trung Lương, trước khi vào chợ Mỹ Tho. Còn sông Vàm Cỏ Tây, người Pháp gọi sông Vàm Cỏ Tây là Vaico Occidental, xưa là sông Hưng Hòa, tục danh là Vũng Gù, cũng phát xuất từ Svay Riêng, phía đông nam lãnh thổ nước Cao Miên. Người Khmer gọi con sông nầy là ‘Stưng Svay Riêng’. Sau khi rời khỏi Svay Riêng, dòng sông nầy chia làm hai nhánh chảy song song theo biên giới Việt-Miên, một trong đất Miên, đó là rạch Khơ Vin; còn nhánh kia là rạch Long Khốt chảy vào vùng Long Khốt. Khi đến Bình Châu, cách Mộc Hóa khoảng 12 cây số về phía tây-bắc, thì hai nhánh sông nầy hợp lưu lại với nhau để chảy về hướng Mộc Hóa, sau đó dòng Vàm Cỏ Tây chảy vào vùng Tuyên Bình, Đồng Tháp Mười, đến Thủ Thừa, rồi chảy về phía Đông qua cầu Tân An(18), tại chỗ mà trước đó người ta gọi là Vũng Gù, sau đó Vàm Cỏ Tây gặp Vàm Cỏ Đông tại vùng Cần Đước, lòng sông mở rộng để nhập vào sông nhà Bè trước khi đổ ra cửa Soài Rạp(19) đến nỗi người ta có thể nhìn thấy thấu tận đáy, đến mùa mưa thì nước sông đục ngầu. Ban đầu tỉnh lỵ Tân An được đặt tại Châu Phê, nằm về hướng Bắc sông Bảo Định. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, Châu Phê nằm về phía Bắc sông Bảo Định, cách huyện Cửu An 11 dặm về phía Tây, trước là đất Cao Miên. Năm 1705, chúa Nguyễn sai Nguyễn Cửu Vân chiêu phủ Cao Miên và sau đó cấp đất Châu Phê cho Vân trường Hầu Nguyễn Cửu Vân vì ông này có công khai khẩn đất quanh vùng Mỹ Tho. Sau đó con của Cửu Vân là Cửu Triêm xin lấy ruộng nầy làm thực ấp riêng, được châu phê chuẩn y, vì thế mới gọi tên ruộng là “Ruộng Châu Phê” và người ta cũng lấy tên Châu Phê để gọi tên con sông ở đây. Sau đó tỉnh lỵ Tân An dời về Nhựt Thạnh, bên tả ngạn sông Vàm Cỏ Tây. Cầu Tân An là cây cầu sắt dài nhất của miền Tây thời đó, được hoàn thành vào năm 1886. Từ năm 1886 đến 1920 thì nó chỉ dành riêng cho xe lửa từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho. Sau năm 1920, người Pháp cho làm cầu lớn ra để cho xe hơi có thể qua lại được. Đến khi tuyến xe lửa Sài Gòn-Mỹ Tho bị bãi bỏ, thì chiếc cầu với đường rầy xe lửa vẫn còn đó như những chứng nhân của một thời nô lệ, dầu có đôi lần bị đánh sập trong thời chiến tranh.
Về kinh rạch, vùng Tân An không có những kinh đào nhiều như các tỉnh miền Tây, nhưng hiện tại trong tỉnh cũng còn những con kinh mà một thời rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế cho toàn miền Nam như kinh Bảo Định, kinh Hồng Ngự, kinh Cái Cỏ, vân vân. Kinh Bảo Định nối sông Vàm Cỏ Tây với sông Tiền. Thời xưa, sông nầy là hai khúc rạch nhỏ, nhờ Vân Trường Hầu Nguyễn Cửu Vân nối liền cả hai làm một thông thương từ Vũng Gù qua Mỹ Tho. Ngoài ra, ngay tại châu thành Tân An còn có một con kinh hình vòng cung, bắt đầu từ sông Vàm Cỏ Tây và đổ ra Bảo Định Hà tại cầu Đội Lai. Dưới thời Pháp thuộc, người ta gọi kinh nầy là kinh “Lính Tập” vì nó chảy bên hông dãy nhà lính ở, người Pháp gọi nó là “Canal de Ceinture”, có lẽ vì nó trông giống sợi dây thắt lưng. Tuy nhiên, về sau nầy người ta đã lấp mất con kinh nầy(20). Đến năm Gia Long thứ 18 (1819), vua sai đào thêm và nới rộng, đặt tên là Bảo Định Hà, ghe tàu đi lại thuận tiện từ Tân An qua Mỹ Tho và các tỉnh miền Hậu Giang. Mặc dầu con kinh ấy ngày nay không mấy quan trọng, nhưng vào thời đó, và mãi đến cuối thế kỷ thứ XIX, nó là huyết mạch trong việc điều động quân đội từ miền Đông qua miền Tây mỗi khi hữu sự, và nó cũng là con đường chính vận chuyển lúa gạo từ các tỉnh miền tây về Sài Gòn. Sau khi chiếm miền Nam, người Pháp cho vét lại kinh Bảo Định để chở công văn giấy tờ từ miền Tây về Sài Gòn và ngược lại, nên họ đặt tên cho con kinh là Arroyo de poste(21). Vùng Thủ Thừa, có kinh Thủ Thừa, nối liền hai con sông Vàm Cỏ. Chính nhờ con kinh nầy mà ghe tàu từ vùng Tân An có thể qua Bến Lức, đến Ba Cụm, rồi ra sông Bình Điền để lên vùng Chợ Lớn rất tiện lợi. Ngoài hệ thống sông-kinh-rạch khá phong phú trong toàn tỉnh Long An, các nhà địa chất học còn đánh giá rất cao nguồn nước ngầm trong vùng Long An, tương đối nhiều và đủ tiêu chuẩn sử dụng cho nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của dân chúng trong tỉnh. Theo số liệu khảo sát và báo cáo của liên đoàn 8 địa chất, vào năm 2008, trữ lượng nước ngầm của vùng Tân An trên 133.000 mét khối cho mỗi ngày đêm. Riêng tại xã Khánh Hậu, trong thị xã Tân An có mỏ nước khoáng ở độ sâu khoảng 400 mét và đang được chánh quyền địa phương khai thác.
Năm 1967, chánh quyền đệ nhị Cộng Hòa cho xây lại hai cây cầu trên hai thủy lộ huyết mạch của tỉnh Long An, đó là cầu Bến Lức và cầu Tân An bằng bê tông cốt sắt rất kiên cố, với hai chiều xe cộ qua lại. Vào thời đó, hai cây cầu nầy là những chiếc cầu dài nhất của miền Tây. Hồi mới xây dựng cầu Tân An, có lẽ người Pháp không có kinh phí xây một chiếc cầu cao để bên dưới sông ghe tàu có thể qua lại dễ dàng, nên họ đã bắt một cây cầu quay tại chỗ sông Vũng Gù gặp sông Bảo Định.
Cây Trái Và Đặc Sản Tân An:
Cho đến hôm nay thì vùng Đồng Tháp thuộc Tân An vẫn còn là một vùng mênh mông bạt ngàn rừng tràm, mùa khô thì đất ủng phèn và trở thành hoang mạc, chỉ còn lại những ốc đảo “tràm” là xanh mát. Còn về mùa nước lũ thì toàn vùng biến thành một biển nước bao la. Cư dân trong vùng đã quen sống với lũ lụt từ gần bốn trăm năm nay, nên họ đã xây đắp những con đê bao quanh những thị trấn trong Đồng Tháp, vừa ngăn lũ vừa làm nơi trú ngụ trong mùa nước nổi như đê Tân Hưng và Vĩnh Hưng. Thật ra, Long An không hẳn là vùng đất bồi của đồng bằng sông Cửu Long, mà chỉ là một cánh đồng nhỏ được bồi đắp bởi hai sông Vàm Cỏ nằm giữa hai hệ thống đồng bằng sông Đồng Nai và Cửu Long. Về trồng trọt, ngoài hai vụ lúa mỗi năm, dân Tân An còn trồng rất nhiều dưa hấu, dưa hấu Tân An chẳng những nổi tiếng trong tỉnh, mà còn biết tiếng ở Sài Gòn và các vùng phụ cận nữa. Từ Sài Gòn, theo quốc lộ 1A đi Thủ Thừa, một thị trấn nhỏ nằm trong cửa ngỏ đồng tháp ra Sài Gòn. Đặc biệt tại Thủ Thừa vẫn còn một chiếc “Cầu Treo” một nhịp giữa sông, được treo bởi những sợi dây cáp lớn, cầu được xây từ thời Pháp thuộc, nhưng đến nay vẫn còn tốt.
Nếu người Tây Ninh thích rượu đế Hòa Long, người Biên Hòa thích rượu Bến Gỗ Long Thành, dân miền Trung thích rượu đế Bàu Đá thì dân nhậu Long An không thể thiếu rượu đế Gò Đen. Từ Sài Gòn về miền Tây, trước khi đến Tân An, đến Gò Đen, thị trấn của xã Phước Lợi, lúc nào chúng ta cũng nghe thoang thoảng mùi men rượu. Trải qua bao đời nay, Gò Đen là vùng sản xuất rượu nổi tiếng nhất của tỉnh Tân An. Theo nhà văn Sơn Nam trong Lịch Sử Khai Khẩn Miền Nam, Gò Đen nằm trong khu vực Ba Giồng, một trong những vùng đất được người Việt khai khẩn sớm nhất tại Nam Bộ. Ngay từ những ngày đầu mở cõi về phương Nam, vùng nầy đã từng là vựa lúa lớn nhất của Nam Kỳ, nơi đã giúp Nguyễn Ánh nuôi quân trong suốt hơn 25 năm đánh phá Tây Sơn. Sở dĩ Gò Đen nổi tiếng về rượu nếp là vì địa thế đất tại đây cao nên chỉ thích hợp với cây lúa nếp mà thôi. Thật vậy, chỉ có những cây nếp Gò Đen, từ nếp mỡ, nếp mù u, nếp hương, nếp thổ địa, nếp than, vân vân, mới cho ra được thứ rượu có hương vị thật đặc biệt mà không chỗ nào có được.
Từ Sài Gòn đi Tân An, vừa qua cầu Bến Lức, nếu rẽ phải thì chúng ta sẽ đi đến thị trấn Đức Hòa. Hai quận Đức Hòa và Đức Huệ, trong thời VNCH trực thuộc tỉnh Hậu Nghĩa, nhưng sau năm 1975, nó được sáp nhập vào Tân An. Hai bên đường từ Bến Lức đi vào Đức Hòa Đức Huệ, ngoài những cánh đồng lúc bạt ngàn còn trùng trùng điệp điệp những rẫy mía. Có thể nói chỉ có vùng đất nầy mới trồng được loại mía làm đường thiệt tốt như đường của nhà máy Hiệp Hòa. Nếu chúng ta đi bằng thuyền ngược dòng Vàm Cỏ Tây vô miệt Thủ Thừa, Thạnh Hóa, và Mộc Hóa, chúng ta sẽ thấy hai bên bờ Vàm Cỏ và những vàm rạch là một rừng ô môi, với những cánh hoa màu hồng đào tươi thắm. Nếu cho thuyền đi thật chậm trên khúc sông nầy chúng ta sẽ được tận hưởng cảnh đẹp tuyệt mỹ của thiên nhiên đất trời tại đây, mà có lẽ không có một bức tranh nào có thể sánh kịp. Ô môi là một loại cây thẳng và cao nên có thể làm cột cất nhà, hoặc làm củi trong việc nấu nướng. Có lẽ đã từ lâu lắm, cư dân ở đây trồng cây ô môi không những để ăn trái, mà còn để làm thuốc trị các chứng tiêu chảy, kiết lị, hoặc ngâm rượu để uống trị đau nhức xương khớp. Người ta còn lấy hột ô môi ngâm nước rồi lột bỏ vỏ và mầm xanh rồi nấu chè với đậu xanh thật ngon. Riêng trái ô môi chín có thể bỏ dưới sàng cả năm trời vẫn không bị hư thúi.
Đất đai Long An luôn được nước mưa tưới tẩm quanh năm với một số nước mưa lượng khá lớn hàng năm gần 1.700 mm. Nhờ lượng nước mưa cao, sông rạch chằng chịt và tựa lưng vào biển Đông nên nhiệt độ trung bình của Long An là 26 độ C, rất lý tưởng cho vùng khí hậu nhiệt đới. Ngoại trừ một số đồi gò và những vùng trũng thấp thuộc Đồng Tháp Mười ở phía Bắc, còn thì đa số đất đai của tỉnh Long An đều bằng phẳng với kinh rạch chằng chịt, chia cắt tỉnh này ra làm nhiều vùng. chỉ là một cánh đồng nhỏ được bồi đắp bởi hai sông Vàm Cỏ với rất nhiều vùng trũng ngập mặn, Tân An cũng có nhiều đặc sản nổi tiếng như ‘gạo Cần Đước’, đây là một trong những loại gạo thơm, ngon và nổi tiếng nhất của miền Nam. Trên vùng đất Nam Bộ, nếu nói về gạo ngon có tên “Nàng” thì rất nhiều, từ Nàng Tri, Nàng Sóc, Nàng Quất, Nàng Minh, Nàng Rừng, Nàng Co, Nàng Rẫy, Nàng Hương, Nàng Thơm, nhưng có lẽ không có nàng nào vượt qua được Nàng Thơm Chợ Đào. Và khi nói đến gạo Cần Đước là người ta liên tưởng ngay đến “Gạo Nàng Thơm Chợ Đào”. Vùng đất chợ Đào thuộc xã Mỹ Lệ, trong huyện Cần Đước, là nơi xuất xứ của những giống lúa có mùi thơm rất đặc biệt, nhất là gạo Nàng Thơm Chợ Đào. Nàng Thơm là loại gạo hạt nhỏ, dài và điểm một chút nhân màu trắng đục, nên dân vùng Mỹ Lệ còn gọi là gạo “hột lựu”. Từ đầu thế kỷ thứ XIX, dưới thời vua Minh Mạng, gạo Nàng Thơm Chợ Đào đã được xếp vào danh mục đặc sản tiến vua (dâng lên cho vua). Gạo Nàng Thơm Chợ Đào không chỉ quý hiếm ở chỗ rất ngon, mà còn ở chỗ nó đòi hỏi nhiều công phu trong tiến trình gieo trồng, kén đất, và cần sự chăm bón thật kỹ, mà năng xuất thường thấp so với các loại lúa khác. Điều đáng lưu ý ở đây là giống Nàng Thơm Chợ Đào nếu được đem đi trồng ở nơi khác thì nó vẫn ngon, nhưng sẽ không còn hương vị nguyên gốc của nó nữa. Ngày nay gạo Nàng Thơm Chợ Đào không những có mặt trên khắp các miền đất nước, mà nó còn phổ biến sâu rộng trong các cộng đồng người Việt ở hải ngoại nữa.
Trước năm 1975, ngành trồng cây thanh long đã xuất hiện tại Tân An, nhưng do chiến tranh nên diện tích canh tác rất hạn hẹp. Sau năm 1975, nhứt là khoảng 10 năm trở lại đây, người dân hồi cư về các vùng Thủ Thừa và Tầm Vu bắt đầu trồng thanh long nên việc buôn bán thanh long ở Tân An rất phồn thịnh. Ngày nay thành long ở Tân An không những chỉ bán trong nước mà còn được xuất cảng ra ngoại quốc nữa. Thanh long là một loại cây ăn trái có độ dinh dưỡng rất cao. Riêng tại 2 huyện Châu Thành (Tầm Vu) và Thủ Thừa có một thời cư dân tại đây đã làm giàu nhanh chóng nhờ trồng loại trái cây nầy. Thanh long là một loại cây cùng họ với cây xương rồng, cho trái có mùa, nhưng ngày nay người ta dùng kỹ thuật “đèn” nên người ta có thể sản xuất thanh long quanh năm. Sở dĩ vùng Thủ Thừa và Tầm Vu là những vùng đất rất thích hợp cho các chủng loại thanh long nhờ có khí hậu nóng và khô hơn các vùng khác trong tỉnh. Nhiệt độ trung bình từ 26 đến 27 độ C. Từ thành phố Tân An theo quốc lộ 62 vô Thủ Thừa, hoặc theo tỉnh lộ 21 về hướng đông nam về Tầm Vu, người ta sẽ thấy những mảnh vườn thanh long được lập lên trong ánh nắng chói chang, tuy không có qui mô lớn như ở Bình Thuận, nhưng ở đây cũng có những khu vườn thanh long rộng đến hàng chục mẫu. Hiện nay trái thanh long Tân An, dầu không so bằng thanh long Bình Thuận nhưng cũng được bán đi các vùng phụ cận và đôi khi còn được xuất cảng ra nước ngoài nữa là khác.
Ngoài ra, với một hệ thống sông ngòi và kinh rạch chằng chịt, cộng thêm những vũng trũng luôn ngập nước, Tân An còn là xứ sở của cá tôm nước ngọt, rắn, rùa, và những loại thủy sản khác, vân vân. Ngoài ra, Tân An còn nổi tiếng với những rẫy dưa hấu trong huyện Châu Thành, như ngay trong thị xã có vườn hoa kiểng Thanh Tâm, nơi mà người ta có thể tìm thấy đủ các loại kiểng bonsai đặc sắc, nhiều cây bonsai đã có trên 100 tuổi. Từ ngày vùng trũng phía đông của Đồng Tháp Mười được sáp nhập vào Long An, thì tỉnh nầy cũng nổi tiếng với khu du lịch sinh thái Đồng Tháp, với những khu rừng tràm bao la bạt ngàn, những đầm sen lúc nào cũng thơm ngát hương sen. Từ Tân An người ta có thể đi vào bên trong những khu rừng sinh thái bằng đường sông Vàm Cỏ Tây, với không biết cơ man nào mà kể cho hết những động vật, từ bình thường đến quí hiếm, như ong mật, rắn, rùa, cò, và cả sếu đầu đỏ vô cùng quí hiếm.
Tân An Dưới Thời Pháp Thuộc:
Sau năm 1862, Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông(11) một phần lớn đất đai của Đồng Tháp Mười, nơi có rất nhiều cuộc kháng chiến chống Pháp ngay từ những ngày đầu họ mới xâm chiếm miền Nam. Vì lý do an ninh, thực dân Pháp quyết định bãi bỏ tỉnh Định Tường để thành lập tỉnh mới là Mỹ Tho, Tân An và Gò Công. Vùng Tân An có lúc thị bị chia ra thành khu Tham Biện, do một viên quan Tham Biện người Pháp cai trị. Đến năm 1868, vì lý do trị an nên người Pháp cho thành lập tỉnh Tân An và lại cho dời phủ đường về vị trí tỉnh lỵ Tân An ngày nay. Vùng sông Vàm Cỏ Tây, nơi có cầu Tân An như chúng ta thấy ngày nay, vào cuối thế kỷ thứ XVIII, nó là một bến đò nối liền các làng bên kia bờ sông như làng Nhơn Thạnh, Nhựt Tảo, Bình Lãng, và Huê Mỹ. Lúc đó ghe thuyền từ miền Tây lên Sài Gòn đều phải đi bằng 2 ngã từ Mỹ Tho qua sông Bảo Định, lên Thủ Thừa, qua Bến Lức... hoặc nếu là ghe lớn thì vô vàm Kỳ Hôn, qua kinh Chợ Gạo, rồi vô sông Vàm Cỏ, sông Bao Ngược, rồi về Cần Giuộc. Về mặt lịch sử thì Tân An là một tỉnh cũng khá lâu đời, nó nằm giữa hai con sông Vàm Cỏ và một phần của vùng Đồng Tháp Mười. Tuy nhiên, ranh giới tỉnh thay đổi theo thời gian vì an ninh lãnh thổ và phân bố hành chánh(22). Về vị trí tỉnh Tân An thời Pháp thuộc, phía Bắc giáp Cao Miên (23), Nam giáp Mỹ Tho, Đông giáp Sài Gòn và Tây giáp Cao Lãnh và Sa Đéc(24). Lúc đó diện tích toàn tỉnh Tân An là 380.000 mẫu Tây, nhưng chỉ có 80.000 mẫu Tây ruộng đất ở phía Nam của tỉnh có đất đai phì nhiêu, còn lại đa phần là những vùng trũng thấp, ủng nước trong nhiều năm, với những đầm lầy đầy cỏ lác, cỏ năng, hoặc những loại sen mọc hoang dại. Đồng bằng sông Vàm Cỏ(25) nằm giữa hai con sông lớn là sông Đồng Nai và sông Cửu Long, nên đất đai của Tân An rất mầu mỡ, phong phú và được thiên nhiên ưu đãi về mọi mặt.
Sau vụ anh hùng Nguyễn Trung Trực tấn công tàu Espérance trên sông Vàm Cỏ, Pháp bèn chia tỉnh Định Tường và một phần của tỉnh Gia Định ra làm ba tỉnh Mỹ Tho, Tân An và Gò Công. Pháp cắt các vùng Bến Lức, Bình Phước, Thủ Thừa, và Mộc Hóa làm 4 quận (26) để thành lập tỉnh Tân An, để có đủ cấp số quân đội, hầu dễ dàng kiểm soát vùng đất mà họ cho là có nhiều quân phiến loạn, tức quân kháng chiến chống Pháp, hoạt động. Đặc biệt khi Pháp mới xâm chiếm miền Nam, Cần Giuộc và Cần Đước là những vùng đất ngập mặn âm u với rừng đước, sú, vẹt, rất ít dân cư, nên nghĩa quân đã dùng những nơi này làm căn cứ địa đánh Pháp và gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề. Ngày đó sự đi lại bằng đường bộ trong tỉnh giữa các quận Châu Thành, Thủ Thừa và Bình Phước rất dễ dàng, nhưng sự đi lại từ Châu Thành Tân An đến Mộc Hóa chỉ có một cách duy nhất là đường thủy, theo lối sông Vàm Cỏ Tây, còn có tên là sông Vũng Gù hay sông Hưng Hòa.
Năm 1868, sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, vì lý do an ninh, họ cho dời tỉnh lỵ về vị trí Châu Thành Tân An ngày nay. Năm 1877, khu tham biện Phước Lộc bị giải thể để được sáp nhập vào Chợ Lớn. Cùng năm đó, tổng An Cựu Thượng thuộc sở Tham Biện Chợ Lớn được sáp nhập vào huyện Tân An(27). Năm 1899, người Pháp lại cắt bớt một phần đất của tỉnh Tân An, gồm 4 quận Đức Hòa, Gò Đen, Cần Giuộc và Cần Đước để thành lập tỉnh Chợ Lớn, nhưng đến năm 1900 thì tỉnh Chợ Lớn bị bãi bỏ, và tất cả 4 quận vừa kể được sáp nhập vào 2 tỉnh Tân An và Gia Định. Năm 1923, chánh quyền thực dân lại cho tái lập tỉnh Chợ Lớn với 4 quận: Cần Giuộc, Cần Đước, Trung Quận và Đức Hòa. Sau năm 1945, tỉnh Long An do chánh quyền thực dân Pháp nắm giữ gồm 3 quận Châu Thành, Thủ Thừa và Mộc Hóa(28). Đến năm 1947, do nhu cầu an ninh, người Pháp lại tách khu rừng Sác, gồm tổng An Thít và Cần Giờ để nhập vào Vũng Tàu để thành lập tỉnh Cap Saint Jacques. Theo các thống kê dân số dưới thời Pháp thuộc, từ năm 1900 đến năm 1930, chỉ trong vòng 30 năm, dân số Long An tăng lên từ 265.000 đến 355.000 người, nghĩa là trung bình mỗi năm tăng hơn 3.000 người. Từ năm 1930 đến năm 1945, trung bình mỗi năm Long An tăng hơn 12.000 người, tức gấp bốn lần của thập niên 1930.
Mãi đến đầu thế kỷ thứ XX, đối với dân thương hồ từ miền Tây đi Sài Gòn lúc nào họ cũng phải đi ngang qua châu thành Tân An, hoặc từ sông Tiền qua Bảo Định,hoặc vàm Kỳ Hôn qua Chợ Gạo để vào sông Vàm Cỏ, rồi qua sông Bao Ngược để đến Cần Giuộc... hay từ Tân An lên Thủ Thừa rồi qua sông Bến Lức, nghĩa là phải đi ngang qua Tân An tại xã Bình Lập (xưa gọi là Vũng Gù). Sau khi Pháp chiếm Nam Kỳ, họ cho đào kinh Chợ Gạo nối liền các tỉnh phía Tây với Sài Gòn, nên Tân An không còn giữ vị trí trọng yếu nữa. Riêng các vùng Châu Đốc, Tân Châu, Hồng Ngự, Cao Lãnh, và Mộc Hóa, các ghe thương hồ phải qua An Long, theo kinh Đồng Tiến lên sông Vàm Cỏ Tây, đi ngang kinh Thủ Thừa để vào sông Vàm Cỏ Đông, còn gọi là sông Bến Lức, trước khi đến Chợ Đệm, Ba Cụm... Chính vì vậy mà cả hai vị trí Tân An và Thủ Thừa vào thời nầy rất quan trọng.
Tân An Mất Tên Dưới Thời Việt Nam Cộng Hòa:
Tưởng cũng nên nhắc lại, hai chữ Tân An đã có kể từ khi quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào kinh lược xứ Đồng Nai vào năm 1698, với những thăng trầm, từ tổng Tân An đến huyện Tân An, và phủ Tân An dưới thời các vua chúa nhà Nguyễn. Năm 1867, sau khi chiếm trọn miền Nam, thực dân Pháp chia Nam Bộ ra làm 20 hạt hành chánh, trong đó Tân An được nâng lên làm một hạt hành chánh. Lúc trước tổng Hưng Long thuộc phủ Kiến An, tỉnh Định Tường, năm 1867 người Pháp sáp nhập vào phủ Tân An để thành lập hạt tham biện Tân An. Đến năm 1899, người Pháp bãi bỏ hạt tham biện và cho đổi ra làm tỉnh Tân An. Sau khi tái chiếm Việt Nam vào năm 1945, tỉnh Tân An do chánh quyền thực dân Pháp nắm giữ gồm 3 quận Châu Thành, Thủ Thừa và Mộc Hóa. Sau khi thu hồi độc lập vào năm 1954, chánh quyền VNCH tạm thời vẫn giữ nguyên tỉnh Tân An. Đến ngày 22 tháng 10 năm 1956, vì lý do chánh trị, chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa bãi bỏ tên Tân An và đổi tên tỉnh Tân An thành tỉnh Long An. Hai chữ Tân An đã tồn tại trong gần 260 năm, nhưng đến năm 1956 đã được thay bằng hai chữ Long An cho mãi đến ngày nay. Riêng đối với tác giả tập sách nầy, có lẽ hai chữ Tân An đã quá thân thương, vì đó là nơi mà tác giả đã từng trải qua những ngày tháng tuyệt vời với cha mẹ và chị em trong thời thơ ấu. Có thể vì thế mà tác giả dùng hai chữ Tân An và Long An gần như không phân biệt dẫu ngày nay không còn cái tỉnh nào mang tên là Tân An nữa. Lãnh thổ tỉnh Long An vào năm 1956 bao gồm toàn bộ lãnh thổ của tỉnh Chợ Lớn trước đây. Đồng thời cắt những quận cũ của Long An ra để đặt thêm 3 quận mới là Bến Lức, Tân Trụ và Rạch Kiến. Như vậy, lúc nầy tỉnh Long An gồm có 7 quận: Cần Giuộc, Cần Đước, Rạch Kiến, Bến Lức, Thủ Thừa, Bình Phước thuộc vùng Tầm Vu, và Tân Trụ. Vì các vùng Cần Đước, Rạch Kiến, Bình Chánh, Chợ Đệm, nằm rất gần Sài Gòn, Chợ Lớn và Tân An, nên tùy theo tình hình an ninh, những vùng nầy có thể thuộc tỉnh Tân An hay Chợ Lớn. Tháng 7 năm 1957, chánh quyền Đệ Nhất Cộng Hòa cho tách Mộc Hóa ra khỏi tỉnh Long An để thành lập tỉnh Kiến Tường, tỉnh lỵ được đặt tại thị xã Mộc Hóa. Ngay sau đó quận Châu Thành tỉnh Long An được đổi tên thành quận Bình Phước, trong đó thị xã Tân An nằm trong xã Bình Lập thuộc quận Bình Phước. Đến tháng 10 năm 1957, vì lý do an ninh lãnh thổ, chánh phủ VNCH ra nghị định số 306-BNV/HC/NĐ, bãi bỏ tổng Phước Điền Thượng, các xã trong tổng nầy sẽ làm việc trực tiếp với Quận trưởng quận Cần Giuộc(29). Đến năm 1958, chánh quyền VNCH cho đổi tên 2 tổng Cầu An Thượng và Cầu An Hạ ra làm Đức An Thượng và Đức An Hạ. Tháng 10 năm 1958, chánh phủ VNCH ra nghị định số 555-BNV/HC/P7/NĐ, đổi tên quận Châu Thành Long An làm quận Bình Phước(30). Đến năm 1963, 2 huyện Cần Giuộc và Cần Đước được đổi thành Thanh Đức và Cần Đức; tuy nhiên, đến cuối năm 1963, hai quận trên được đổi trở về tên cũ là Cần Giuộc và Cần Đước. Cũng trong năm 1963, chánh quyền đệ nhất Cộng Hòa cắt một phần đất của quận Thủ Thừa để lập quận Đức Hòa cho tỉnh Hậu Nghĩa. Năm 1967, theo nghị định số 40-ĐVHC ngày 7 tháng 1 năm 1967, chánh quyền Đệ Nhị Cộng Hòa tách 8 xã của quận Cần Đước, nhập thêm một phần đất của quận Cần Giuộc, bao gồm xã Phước Lý, ấp Thuận Tây của xã Thuận Thành, ấp Long Đức và ấp Phước Thuận của xã Phước Lâm, ấp Long Giêng của xã Phước Hậu để thành lập quận Rạch Kiến, quận lỵ được đặt tại xã Long Hòa(31).
Về đường bộ, Tân An có đường trải đá đi từ Tân An đi Sài Gòn, khoảng 50 cây số, theo quốc lộ 1A, Tân An đi Gò Công, Tân An đi Mỹ Tho, Tân An đi Thủ Thừa, khoảng 7 cây số, Tân An đi Tầm Vu, khoảng 12 cây số, Tân An đi Bình Phước, khoảng 15 cây số, Tân An đi Bình Quới, khoảng 6 cây số, và Tân An đi Nhật Tảo, vân vân. Sau khi chiếm trọn miền Nam thì chính quyền mới cho sáp nhập tỉnh Mộc Hóa vào Tân An. Ngày trước từ Tân An không có đường bộ đi Mộc Hóa, nên phải đi theo quốc lộ 4, nay là quốc lộ 1, qua ngã ba Trung Lương, đến Cai Lậy, rồi từ Cai Lậy mới đi đường 49 vào Ấp Bắc rồi lên Mộc Hóa. Bây giờ thì con lộ 62 chạy dọc theo bờ sông Vàm Cỏ Tây đi từ Tân An vô Mộc Hóa đã được thông thương, nên việc đi lại giữa Tân An và các nơi trong vùng Đồng Tháp Mười cũng dễ dàng hơn. Từ Tân An muốn đi Đức Hòa, Đức Huệ phải theo quốc lộ 1A về hướng Sài Gòn, đến liên tỉnh lộ 10 thì rẽ trái đi thêm khoảng 20 cây số nữa là tới Đức Hòa, rồi đi thêm khoảng 20 cây số nữa là tới Hậu Nghĩa(32). Ngoài ra, từ Sài Gòn người ta có thể theo quốc lộ 1A, rồi rẽ trái theo tỉnh lộ 50 đi về Cần Giuộc và Cần Đước. Cần Đước là một quận của tỉnh Tân An, được thành lập dưới thời đệ nhị Cộng Hòa, nhưng địa danh Cần Đước đã có từ lâu lắm. Dưới thời Pháp thuộc, Cần Đước còn nổi tiếng về nghề đóng ghe chài. Tại đây có một xóm đóng ghe, con cháu của những lưu dân từ vùng Đức Phổ(33) vào đây lập nghiệp từ hồi đầu thế kỷ thứ XIX.
***
Để tiện theo dõi Đất Phương Nam 1, Mời Bạn xem các phàn 1,2,34..ở cột danh mục hai bên.
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét