Thứ Hai, 26 tháng 10, 2015

Đối Tửu Nguyễn Du

          Đối Tửu
                  Nguyễn Du (1765 - 1820)

Phu tọa nhàn song túy nhãn khai
Lạc hoa vô số há thương đài
Sinh tiền bất tận tôn trung tửu
Tử hậu thùy kiêu mộ thượng bôi
Xuân sắc tiệm thiên hoàng điểu khứ
Niên quang ám trục bạch đầu lai
Bách kỳ đản đắc chung triêu túy
Thế sự phù vân chân khả ai

Dịch Xuôi : Đôi Lời Tâm Sự Với Rượu
PKT 09/09/2015


Tỉnh say , ngồi nhàn bên cửa sổ, đưa mắt nhìn quanh
Hoa rụng rơi xuống vương vãi đầy thềm rêu xanh 
Lúc sống , đã không uống cạn được một bầu rượu
Thì sau khi chết , chén rượu ai người tưới trên mồ cho đây
Sắc xuân dần dần thay đổi , con oanh vàng đã bay đi mất
Ngày tháng âm thầm trôi qua , tóc trên đầu bạc đến nơi rồi
Cuộc sống trăm năm chỉ còn ước mong được say như suốt buổi sáng này 
Chuyện đời mây nổi ngẫm thật đáng buồn, còn ngồi than thở ích gì nữa đâu 

Chú Thích : "Phu tọa " nghĩa là ngồi xếp bằng tròn tĩnh tọa , kiểu ngồi thiền của các nhà tu ; "nhàn song" nghĩa là nhàn nhã bên cửa sổ , "túy" nghĩa là say rượu; "nhãn" nghĩa là con mắt ; "khai" nghĩa là mở ; cả câu có thể hiểu một cách giản dị là " ngồi nhàn bên cửa sổ ,rượu say, đưa mắt nhìn cảnh vật bên ngoài " ; nhưng "túy nhãn khai " là "mắt say nhìn" hay còn có ngụ ý gì nữa đây? Ôi chữ với nghĩa của người xưa ! Viết đến đây , xin được phép nói đến Chị Thảo Nguyên , giáo sư Toán,  một thời dạy ở trường Nữ Trung Học Đoàn Thị Điểm , Cần Thơ ,trước 1975 ,tác giả cuốn ĐỌC VÀ DỊCH THƠ CHỮ HÁN CỦA NGUYỄN DU . Đối Tửu là 1 trong số 55 bài được chị lựa chọn từ hơn 200 bài thơ chữ Hán của tác giả Truyên Kiều . Đọc các bài dịch kèm theo phần bình chú , lòng riêng khôn ngăn được xúc động và cảm phục về tính nghiêm cẩn cúa chị ,trong việc tìm hiểu ý nghĩa đến từng con chữ một của nguyên tác. Về phần chuyển dịch, giữ được nguyên ý , cùng lúc với chất thơ , tìm được "nhãn tự" và từ đó khai mở được "phần chìm" cúa bài thơ , để cho người đọc hiểu được phần nào tâm sự u ẩn của tác giả là một điều không dễ . Thiển nghĩ , cho đến nay , về dịch thơ chữ Hán của Nguyễn Du , không mấy người đạt được thành quả tốt đẹp như chị.  Với tấm lòng kính mến, xin được mạn phép chép ra đây bài Trước Chén Rượu của Thảo Nguyên ,bản dịch bài Đối Tửu , để mọi người thân quí trong nhà được biết thêm về một người yêu chuộng chữ nghĩa .
PKT 09/09/2015


Trước Chén Rượu
Thảo Nguyên - Đọc Và Dịch Thơ Chữ Hán Của Nguyễn Du

Ngồi nhàn bên cửa mắt ngà say
Hoa rụng thềm rêu phấp phới bay
Khi sống chẳng nghiêng bầu cạn rượu
Chết đi ai tưới mộ ly đầy?
Sắc xuân dần chuyển oanh bay mất 
Năm tháng ngầm đưa trắng tóc lay
Ước được trăm năm say khướt mãi
Buồn ơi, thế sự khác gì mây!        

            Đối Tửu
       PKT 09/09/2015


Tỉnh say , đưa mắt ngoài song cửa ,
Hoa rụng, thềm rêu , những cảm hoài.
Sống đã chén vơi, ta với bóng ,
Chết rồi mộ tưới, rượu cho ai?
Sắc xuân dần đổi, oanh vàng biệt , 
Ngày tháng lặng trôi , tóc trắng bay.
Nào muốn trăm năm , say suốt sáng,
Chuyện đời mây nổi , nỗi thương vay .

Lời Thêm : Theo Thảo Nguyên , trong Đọc Và Dịch Thơ Chữ Hán Của Nguyễn Du , bài Đối Tửu được làm ra trong thời kỳ ở Hồng Lĩnh (1796 -1802) , tác giả tuy sống ớ quê nhà ,nhưng "vẫn rất nghèo khổ".  Từ nguồn tin này ,tôi lại lẩn thẩn nghĩ đến 2 chữ "túy nhãn" trong câu mở đầu . Rượu uống thiếu , nhìn bầu rượu cạn , nhà nghèo quá, không tiền mua thêm . Cho nên "túy nhãn" mắt say nhưng người uống đã  say đâu. Cho nên mới than lúc sống không đủ rượu uống , mong gì chết rồi ai đổ rượu trên mồ cho. Cho nên mới nghĩ đến tuổi xuân dần qua ,thời gian nghiệt ngã , tóc đã bạc rồi ,chuyện đời mây nổi , không buồn sao được , trăm năm đành thôi , chỉ còn ước được một sáng cùng rượu say vùi. Ôi chao , có thể nào sự thật trần trụi thảm thương đến độ như vậy sao? Cho nên đáng lẽ , 2 câu cuối là : " Chỉ muốn trăm năm say suốt sáng / Nỗi đời mây nổi ngẫm buồn thay " , thật tình không hiểu sao tôi lại đổi thành : "Nào muốn trăm năm say suốt sáng / Chuyện đời mây nổi, nỗi thương vay ".
PKT 09/09/2015
  
***
            Trước  Chén  Rượu 

     Ngồi bên song ngà say mắt thả ,
       Thềm rêu xanh lả tả hoa rơi .
     Chén quỳnh chưa cạn trên đời ,
   Chết rồi ai rưới rượu mời mộ ta !

 Oanh bay mất , phôi pha xuân sắc ,
   Tháng năm dần hiu hắt bạc đầu .
   Trăm năm say khướt mong cầu ,
 Mây trôi thế sự , dàu dàu lòng ai !
                     Mailoc phỏng dịch 
                           Cali 9-9-15
***
        TRƯỚC  CHÉN RƯỢU

Đang tỉnh say, mắt nhìn quanh song cửa
Hoa rụng đầy ,vương tơi tả thềm rêu
Lúc sanh tiền cạn chén được bao nhiêu ??
Đến khi chết mộ ta ai chuốc rượu ?! 

Tuổi Xuân phai như chim oanh bay mất
Tóc bạc màu theo năm tháng trôi qua
Ước được sao say khướt mãi hồn ta
Mặc thế sự nổi chìm...buồn cũng thế !
                             SONG  QUANG 
***
1. Bản chữ Hán cổ của bài thơ :

        對酒








                     阮攸
Đối Tửu
Phu toạ nhàn song tuý nhãn khai
Lạc hoa vô số hạ thương đài
Sinh tiền bất tận tôn trung tửu,
Tử hậu thuỳ kiêu mộ thượng bôi ?
Xuân sắc tiệm thiên hoàng điểu khứ,
Niên quang ám trục bạch đầu lai.
Bách kỳ đãn đắc chung triêu tuý,
Thế sự phù vân chân khả ai.
                                   NGUYỄN DU
2. CHÚ THÍCH :
   * PHU TỌA : Ngồi xếp bằng kiểu nhà Phật .
   * NHÀN SONG : là Caí Cửa Sổ không có trang trí gì cả, không có rèm sáo gì hết. Chớ không phải caí cửa sổ nhàn nhã .
   * BẤT TẬN : là không hết. TÔN TRUNG TỬU : là Rượu trong chai. Câu nầy ý nói Uống không hết rượu trong chai, chớ không phải Trong chai đã hết, không có rượu để uống ! 
   * KIÊU : là Tưới .
   * TIỆM THIÊN : là Dần dần dời đổi . Đổi thay dần .
   * ÁM TRỤC : là Lặng lẽ đi mất. NIÊN QUANG : là Thời gian.
   * BÁCH KỲ : Trong cái kỳ hạn trăm tuổi, ở đây chỉ cuộc đời cuả một đời người .
   * TRIÊU : là Buổi sáng. Ở đây chỉ có nghiã là BUỔI mà thôi. Như trong câu : " Dưỡng quân thiên nhật, dụng tại nhất triêu " là " Nuôi quân ngàn ngày, nhưng chỉ dùng trong một BUỔI ". Trong bài thơ là CHUNG TRIÊU TUÝ, có nghĩa : Say suốt buổi, ý nói là Buổi nào cũng được say, ngày nào cũng được say !
3. DỊCH NGHĨA :
                     ĐỐI TỬU là Đối diện với rượu, nên
                           có nghĩa là UỐNG RƯỢU
        Ngồi xếp bằng trước cửa sổ, mở con mắt say ra mà nhìn, thấy vô số là hoa rụng xuống bãi rêu xanh. ( Hoa rụng có nghĩa là xuân sắp qua đi, nên mới cảm khái rằng... ) Ta còn sống đây mà còn uống không hết rượu ở trong chai  ( vì không có người tri kỷ cùng uống ), không biết rồi khi chết đi còn có ai  ( là người tri kỷ ) tưới lên mộ ta ly rượu tri âm hay chăng ?  ( Ý 2 câu nầy giống như 2 câu : Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như ? vậy !). Xuân sắc đã dần dần thay đổi, chim hoàng oanh hót vào mùa xuân cũng đã bay đi mất rồi ! Thời gian cũng âm thầm lặng lẽ ra đi, đầu cũng đã bạc đến nơi rồi. Trong cuộc sống trăm năm của người đời ước gì mỗi ngày đều được say tuý lúy, vì sự đời như phù vân trôi nổi, thật đáng buồn thay !

4. DIỄN NÔM :
                                 UỐNG RƯỢU
                   Ngồi buồn trước cửa mắt say nhìn,
                   Hoa rụng tơi bời xuống thảm xanh.
                   Còn sống không người cùng cạn chén,
                   Chết rồi ai tưới rượu cho mình  ?
                   Xuân qua lặng lẽ oanh bay mất,
                   Tuế nguyệt âm thầm tóc trắng tinh .
                   Ước được trăm năm say khướt mãi,
                   Chuyện đời mây nổi xót thay tình !
Lục bát :
                   Trước song ngồi nhướng mắt say,
                   Tơi bời hoa rụng nào ai đoái hoài.
                   Sống không có bạn cùng say,
                   Chết rồi biết có còn ai uống cùng  ?
                   Xuân qua lặng lẽ âm thầm,
                   Oanh bay, tóc trắng xóa dần thời gian.
                   Trăm năm ước được say tràn,
                   Chuyện đời mây nổi làm tan nát lòng !
                                                        Đỗ Chiêu Đức
***
            Trước Rượu

Ngồi thiền bên cửa mắt còn say
Lả tả thềm rêu hoa phủ dày
Lúc sống rượu bầu không thể cạn
Chết rồi nấm mộ tế nào hay
Thời xuân dần đổi chim vàng bỏ
Ngày tháng trôi qua tóc bạc phai
Cứ muốn trăm năm say mỗi sáng
Đời như mây nổi thật buồn thay.
                                  Quên Đi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét