Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Việt Nam Phong Tục: Trong Gia Tộc Phần 02

III.THÂN THUỘC

Danh hiệu: 
Trên cha mẹ thì có ông bà, gọi là tổ phụ mẫu; trên ông bà là cụ, gọi là tằng tổ phụ mẫu;  trên cụ là kị, gọi là cao tổ phụ mẫu; còn nữa thì gọi là cao cao tổ, mãi đến thủy tổ là cùng
Dưới mình là con, dưới con là cháu, dưới cháu chắt, gọi là tằng tôn. Còn ở dưới nữa, tổng chi gọi là viễn tôn. Tự cao tổ cho đến viễn tôn, gọi là cửu tộc. Trong cửu tộc chia ra năm bậc để trở (tang), gọi là ngũ phục. Ngũ phục là:
1-   Trở ba năm, gọi là đại tang
2-   Trở một năm, gọi là cơ niên
3-   Trở chín tháng, gọi là đại công
4-   Trở năm tháng, gọi là tiểu công
5-   Trở ba tháng, gọi là ti ma
Trong ngũ phục, tùy theo tình thân sơ bên nội, bên ngoại mà gia giảm (kể rõ trong các sách gia lễ)

Anh em trai với cha gọi là bácchú, chữ gọi là bá phụ, thúc phụ. Chị em gái với cha gọi là mẫu. Anh em với mẹ gọi là cậu (cữu). Chị em gái với mẹ gọi là . Anh em con chú, con bác, gọi là tùng huynh đệ. Anh em con cô con cậu hay là đôi con dì, tổng chi gọi là biểu huynh đệ
Anh em thúc bá về đàng cha là họ nội. An hem dì cữu về đàng họ mẹ là họ ngoại

Tiếng gọi ông bà…ở về Nam Kỳ có tiếng gọi thế cho khi vắng mặt. Như ông gọi là ổng, bà gọi là bả, cậu gọi là cẩu, mợ gọi là mở, thầy gọi là thẩy, cô gọi là cổ, anh gọi là ảnh, chị gọi chỉ. Tiếng ấy có lẽ tiện hơn là gọi ông ấy, bà ấy…Nhưng là tiếng gọi tình sơ chớ không phải tiếng gọi quí trọng

Luân thường: 

Trong cùng một họ nội không được phép lấy nhau. Nếu lấy nhau thì là loạn luân, luật có phép cấm, mà tục cũng chê cười. Phép này từ ông Châu Công đời nhà Chu (bên Tàu) đặt ra mà tuân giữ rất nghiêm cẩn. Duy về đòi nhà Trần thì trong tôn thất thường có lấy nhau, không biết khi đó nước ta đã có luật cấm chưa, hay là vì cớ gì. Nhưng tiên nho vẫn chê về điều ấy
Họ ngoại thì con cô con cậu hay là đôi con dì cũng không được phép lấy nhau. Từ đời cháu trở đi thì được phép lấy. Có câu rằng” Cháu cậu mà lấy cháu cô, thóc lúa đầy bồ, giống má nhà ta

Một người có thể lấy được hai chị em một nhà, hay là hai cô cháu một nhà. Tục này khác với tục Âu châu đã lấy một người thì không được phép lấy chị em cô cháu người ấy nữa. Nếu lấy nhau là loạn luân, coi như lấy người cùng họ của ta

Tình thân sơ

Trong tình thân dưới bậc cha là chú, dưới bậc mẹ thì là dì. Có câu rằng “Sẩy cha còn chú, sẩy mẹ bú dì”. Thường ở khắc khe với nhau là mẹ chồng với nàng dâu và dì ghẻ với con chồng. Cho nên mới có câu khuyên nàng dâu” Mẹ chồng già thì mẹ chồng chết, nàng dâu có nết thì nàng dâu chừa” và có câu rằng: “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời dì ghẻ mà thương con chồng

Trong thân thuộc là một gia tộc. Góp nhiều gia tộc thành ra một nước, thành ra xã hội. Vậy thì hợp lại mà nói thì là một nước, phân ra mà nói thì là từng gia tộc một. Gia tộc là một đoàn thể nhỏ ở trong đoàn thể lớn vậy. Người ta đối với xã hội có cái nghĩa vụ chung, thì đối gia tộc cũng phải có nghĩa vụ riêng. Nghĩa vụ riêng là gì? Là cách cư xử trong gia đình. Ở trên kính dưới nhường, ở cho trong ấm ngoài êm là đủ. Nghĩa là trong họ hàng chỉ cốt lấy hòa mục làm đầu
Cách dựng gia tộc của ta cũng là một phong tục hay. Vì có nghĩa gia tộc thì người ta mới quí trọng cái thân mình để phụng sự tổ tông và khiến cho người ta phải lo lắng để di truyền cho con cháu. Ai cũng mong cho con cháu khá thì ai cũng gắng làm cho trọn cái nghĩa vụ của mình đem mồ hôi nước mắt ra mà gầy dựng cho kẻ mai sau, rồi thành ra mở núi phá rừng, sinh công nghiệp cũng bởi đó mà ra
Vậy thì do một đoàn thể nhỏ mà gây ra một đoàn thể lớn, do một gia tộc bé mà thành ra một gia tộc to, thực là một cái gốc của xã hội
Nhưng có điều là ta thường cho gia đình được quay quần với nhau là quí thì nghĩa khí hẹp. Người ta phải trọng sự lập thân, dẫu kẻ Nam người Bắc cũng không có hề gì. Nếu quanh năm khư khư bó chân trong nhà, động đi đâu thì sợ xa cha mẹ, xa cửa xa nhà, xa anh xa em, xa vợ xa con thì làm sao cho mở mang được tai mắt mà thêm khôn ngoan ra được. Ta cũng vì tục ấy mà nhiều người kiến thức hẹp hòi, không bằng được người các nước vậy
Thời nay là thời buổi đua ganh, càng đi được nhiều nơi xa thì càng trải biết, càng khôn ngoan. Có khôn ngoan thì mới đứng được với đời. Vậy thì, giá có thể đi đâu được cũng nên đi, chớ không nên quản xa xôi gì hết

  IV.PHỤNG SỰ TỔ TÔNG

Nhà thờ:  
Bao nhiêu con cháu trong một dòng họ lập chung một nhà thờ Thủy Tổ gọi là mỗ tộc ( Trần tộc, Nguyễn tộc v.v) từ đường. Nhà thờ ấy chỉ thờ riêng một Thủy Tổ và khi tế tự thì lấy các tổ tông biệt chi, biệt phái mà phối hưởng. Có họ không có nhà thờ thì xây một cái bàn lộ thiên, dựng bia đá ghi tên thụy hiệu các tổ tiên để khi tế tự thì ra tại đó mà tế. Có họ thì làm nhà thờ để cho chi trưởng nam đời đời giữ hương hỏa, chi trưởng tuyệt thì mới truyền sang chi thứ. Có họ thì con cháu luân lưu thờ tổ ở nhà mình
Những họ về chi khác cũng có nhà thờ tổ tong trong bản chi, gọi là bản chi từ đường
Nhà phú quí có gia từ, phụng thờ cao, tằng, tổ, khảo tại chính bàn giữa nhà, còn đôi bên bàn cạnh nhà thì thờ Thổ công, Táo quân, Nghệ sư.  nhà thì thờ Bà Cô, Ông Mãnh v.v
Nhà thường dân không có nhà thờ riêng thì thờ tại nhà mình ở. Dẫu nghèo cũng có một bàn thờ

Đồ thờ: 

Nhà thờ Thủy Tổ có riêng một thần chủ để thờ mãi mãi, không bao giờ thay đổi gọi là “ bách thể  bất diêu chi chủ”. Còn về gia từ, nhà phú quí có đủ thần chủ bốn đời, để thờ cao, tằng, tổ, khảo. Thần chủ làm bằng gỗ táo, lấy nghĩa rằng gỗ táo sống lâu được nghìn năm. Dài độ một thước, ở giữa đề tên, họ,  chức tước  và hai bên thì đề ngày  tháng sinh tử của tổ tiên, có hộp vuông che kín và để ở trong long khám, khi nào cúng tế mới mở ra. Hể đến năm đời thì đem thần chủ của cao tổ đi mà nhắc dần tằng, tổ, khảo lên bực trên rồi đem ông mới nhất mà thế vào thần chủ ông khảo, gọi là “ngũ đại mai thần chủ”. Nhà thường dân cũng có nhà dùng thần chủ, cũng có nhà thì dùng một bộ ỷ để thờ. Đồ thờ phụng thì đại khái nhà nào cũng một bộ đèn nến, lư hương, bình hoa, mâm quí, mâm bồng, cỗ đài, rượu, hộp trầu, nước v.v. Người thì dùng đồ đồng đồ thiếc,  người thì dùng đồ sơn son thếp vàng thếp bạc. Nhà nào giàu có treo hoành biển khắc ba bốn chữ đại tự và treo kèm đôi liễn hai bên bàn thờ, hoặc khảm trai hoặc sơn thếp. Nhà không có cũng treo hoành biển và đôi liễn dán giấy. Đại ý trong chữ ghi  là ghi tụng công đức tổ tông
Đồ thờ phụng, càng nhà giàu thì càng trang hoàng nhiều đồ quí, nhà nghèo đến đâu cũng có được vài cây đèn nến sơn son và một cái bình hương
Ta coi đồ thờ tự là đồ rất kính trọng, không ai dám đem cầm đem bán bao giờ. Nếu nhà nào nghèo quá phải cầm bán thì ai cũng chê cười

Gia phả:  

Nhà thờ nào cũng có cuốn sổ ghi chép theo thứ tự trước sau và họ tên chức tước, ngày tháng năm sinh tử của tổ tông, và người trong nhà gọi là gia phả. Gia phả thường dùng bằng giấy sắc, viết tinh tả, nghĩa là lấy lòng kính trọng mà thờ tổ tiên vậy
Nhà đại gia thì gia phả ghi chép cả công nghiệp sự  trạng của tổ tông, mả táng tại đâu cũng có ghi vào quyền gia phả, tức như một quyển sử kí trong nhà
Gia phả để tại nhà thờ, cũng có nhà in ra phát cho mỗi nhà một bản để cho con cháu được biết sự tích của tổ tông

Ruộng kỵ: 

Một họ hoặc một chi đã có nhà thờ, thì có ruộng kị. Ruộng kị ấy là hương hỏa của tổ tiên để lại hay là trong họ chung nhau mà tậu, hay là của người trong họ  cũng để lấy hoa lợi mà chi về việc tế tự. Có họ, người con gái đi lấy chồng không có con, cúng tiền cúng ruộng về họ để mai hậu họ nhận ruộng ấy rồi cũng phải thờ phụng người ấy vào trong nhà thờ. Họ nào không có ruộng kị thì mỗi kì cúng tế, phải đóng tiền góp gạo với nhau

Tế Thủy Tổ

Mỗi năm về ngày húy nhật ông Thủy Tổ, cả họ họp mặt tại nhà thờ, dùng lễ tam sinh hoặc tùy vào họ to họ nhỏ mà dung bò hoặc lợn để tế tổ. Tế xong làm cỗ bàn ăn uống vui vẻ với nhau. Mỗ tiết thanh minh thì cả họ rủ nhau đi đắp mả tổ, nhiều họ đắp mả to gần bằng núi. Có họ đắp xong thì tế ngay tại mả tổ, có họ thì đem về nhà
Các tuần các tiết cũng có cúng, nhưng chỉ nhà trưởng nam cúng mà thôi. Đến tháng chạp lại có  một tuần hợp tế các Tổ trong họ, thì họ hợp đông như khi giỗ tổ
Trong ba ngày tết nguyên đán, con cháu trong họ đem trầu cau đến nhà thờ lễ Tổ. chứ không ăn uống gì cả

Cúng vái gia tiên

 Mỗi tuần tiết hoặc ngày kị, hoặc mùa có của mới, gạo mới hoặc khi có việc hiếu hỷ, việc to việc nhỏ, nhà kiệm nhà phong, hoặc dùng bò lợn dê gà, hoặc làm một vài mâm cỗ, hoặc dùng đồ hoa quả bánh trái hoặc thủ lợn mâm xôi, hoặc bát cơm cái trứng, con cá bát canh, tùy thế nào cho tiện thì thôi. Nhưng thế nào cũng có cơi trầu, bát nước trong, một hồ rượu mới là thành lễ. Đốt đèn đốt hương tùy việc mà khấn vái gia tiên
Đồ cúng cấp chưa cúng thì dẫu lưng cơm thừa, bát canh dở cũng không ai dám ăn trước, ấy cũng là một lòng rất thành kính vậy

Xét cái tục phụng sự tổ tiên của ta rất là thành kính, ấy cũng là một lòng bất vong bản, cũng là một việc nghĩa vụ của người. Nhưng cũng nên biết rằng sự cúng cấp là để tỏ cái lòng thành kính, chứ không phải để mà phụng dưỡng tổ tiên, thì làm cách nào cho ngụ được cái lòng ấy cũng đủ
Cúng cấp tuy không tốn kém là bao nhiêu nhưng nhiều nhà vì lấy cớ nay giỗ mai tết mà sinh ra khốn khó, hoặc là vì cúng cấp ăn uống mà anh em thường hay khích bác nhau, nào là trách người này một nén hương chẳng mất, nào là chê trưởng nam kiệt, nào là phàn nàn: bao nhiêu nước xáo đổ đầu trưởng nam, thì ra kính lại chẳng bõ phiền
Giá thử dùng cách nào thanh lịch mà đỡ phiền phí thì có lẽ tiện hơn

V. ĐẠO LÀM CON

Hiếu thảo: 

Ta đọc sách Thánh hiền, lấy sự hiếu với cha mẹ là mối luân thường rất lớn, làm đầu trăm nết hay của người. Mà nhất là ta hay lấy chuyện Nhị thập tứ hiếu làm phương châm cho đạo làm con
Hiếu là biết kính trọng thương mến cha mẹ, biết vâng lời cha mẹ, biết phụng dưỡng cha mẹ
Tục thường cho khi cha mẹ còn không nên đi xa, sợ không được thừa hoan ở dưới gối cha mẹ. Cho nên nhiều người phải bổ đi làm quan xa, hoặc đi làm ăn xa xôi thì thường hay từ rằng ở nhà còn chút cha già hay mẹ già

Cách phụng dưỡng: 

 Nhà nào cha mẹ mạnh khỏe giàu có thì thường ở riêng một mình. Người nào già yếu hoặc không có thì mới ở với con. Con có thì của ngon vật lạ, cơm bưng nước tiến, nhà nghèo cũng biết lưng cơm lành, bát canh ngon để phụng dưỡng cha mẹ. Cũng nhiều người ăn riêng ở riêng cứ tháng đưa tiền cung dưỡng. Hoặc ở xa xôi cách biệt, đôi khi gửi đồng quà tấm bánh về dâng cha mẹ. Nhưng cũng lắm kẻ chỉ biết vợ con, không biết cha mẹ là đâu, cho nên có câu rằng Lúc sống thì chẳng cho ăn, để đến khi chết làm văn tế ruồi

Kiêng tên: 

Tục ta coi tên cha mẹ rất kính trọng, hể đọc đến thì phải kiêng. Ví như tên Kèo thì phải đọc ra thành Cừu, tên Cột thì phải đọc chạnh ra là Kẹt v.v… Nhiều người  tên cha mẹ mình  lại muốn cho ngừoi ta kiêng nể nữa, cho nên có chữ nhập gia vấn húy ( vào đến nhà phải hỏi tên húy để mà kiêng). Lại nhiều người ai mừng hoặc phúng câu đối nhà mình có chữ gì phạm đến tên thì giận mà xé câu đối đi, hoặc bắt người ta phải đổi. Cho nên người cẩn thận, có mừng ai phúng ai câu đối, thường phải hỏi trước chủ nhà để có chữ gì phạm húy thì đổi đi mới dám viết vào vải mà đem đến

Nết hiếu vẫn là nết đầu trong luân lý của người ta, nếu cha mẹ là người rất thân mà cư xử đã không ra gì thì ra đến xã hội còn tử tế với ai được nữa
Tuy vậy, hiếu với cha mẹ chỉ cốt giữ được  lòng kính mến là đủ, tưởng không cần phải giữ lễ phép tỉ mỉ nhỏ nhặt từng tí làm gì. Quí hồ phụng dưỡng đâu vào đấy, đừng để cho cha mẹ phiền lòng. Mình mong cha mẹ vẻ vang thì lại càng phải nghĩ cách lập thân mình. Hoặc học được một khoa gì, hoặc làm được một sự nghiệp gì để có ích cho xã hội, tức là làm thỏa lòng cha mẹ. Mà đừng để tiếng xấu với xã hội, mới là làm cho cha mẹ được vẻ vang
Còn cách kiêng tên, tuy là một lòng kính trọng nhưng mà khí hẹp hòi. Tên là một tiếng chỉ riêng người ấy để phân biệt với người khác, dẫu không kiêng cũng chẳng sao, mà có quen theo thói tục, thì tên nhà mình, mình kiêng, hà tất phải ép người ta kiêng thay cho nhà mình
Với lại, mỗi người một kiêng, mỗi chữ mỗi đọc chạnh thì thành ra chữ này đọc thành chữ nọ, chữ khác đọc ra chữ kia, lâu dần có lẽ lại sai hết tiếng, cách ngôn ngữ không biết thế nào cho cố định được
Tôi thấy có người cữ kiêng quá, nghe ai nói chạm đến tên cha mẹ mình thì không bằng lòng. Hoặc nói chuyện với ai, một câu đọc chạnh đến hai, ba tiếng làm cho người ta chẳng hiểu nghĩa lý gì, ngộ quá. Nực cười quá!

VI.THƯỢNG THỌ

Nhà nào có cha mẹ già đến bảy tám mươi tuổi, mà nhà phong phú, đông con cái thì làm lễ mừng thọ cha mẹ, gọi là lễ thượng thọ
Hôm ăn mừng, trước hết là làm lễ xôi gà, hoặc tam sinh, hoặc lợn bò, đem ra đình lễ thần, gọi là bái tạ thần hưu, nghĩa là tạ ơn thánh thần đã phù hộ cho cha mẹ được sống lâu

Đến lúc lễ, cha, hoặc mẹ ăn mặc lịch sự ngồi ghế đặt chính giũa cho con cái tế tự lễ bái. Con cháu người dâng chén rượu mừng thọ, hoặc dâng quả đào gọi là bàn đào chúc thọ, lấy điển bà Tây Vương Mẫu ngày xưa hiến vua Hán Vũ mấy quả đào tiên, nói rằng ăn quả đào ấy thì được trường thọ
Con cháu lễ bái xong, ăn mừng ăn rỡ, mời làng nước khách khứa, có nhà ăn hai ba ngày, có nhà ăn đến năm bảy ngày
Khách khứa đem đồ lễ vật đến mừng, cũng như mọi việc ăn mừng khác

 

VII.SINH NHẬT 

Tục ta không mấy người ăn mừng sinh nhật, nhưng nhà đại gia cũng có ăn mừng
Ngày sinh nhật, con cái làm lễ tế cha mẹ, rồi làm cỗ làm bàn, khoản đãi khách khứa như lễ mừng thọ
Mừng thọ và mừng sinh nhật của cha mẹ cũng là một việc để tỏ cái lòng yêu kính cha mẹ là việc rất hay, người không có thì chẳng kể gì, nhưng giàu có thì nên lắm, có lẽ hơn là làm giỗ ngày húy nhật. Ta không mấy nhà theo lễ ấy mà chỉ phù hoa sau khi ca mẹ đã mất rồi, thực là một việc sai lắm
  
Hết Phần 2 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét