Chủ Nhật, 29 tháng 10, 2023

Quan Niêm Về Nước của Lão Tử


Khi Khổng Tử đến bờ sông Hoàng Hà, thấy nước sông cuồn cuộn, sóng cuộn đục ngầu, khí thế như vạn ngựa đang phi, âm thanh như hổ gầm sấm động.
Khổng Tử đứng trên bờ rất lâu, bất giác nói thương cảm: “Cái đã qua là như thế này đây, ngày đêm không ngừng! Nước sông Hoàng Hà cuộn chảy không ngừng, tháng năm của con người qua đi chẳng dừng, nước sông chẳng biết chảy đi đâu, đời người chẳng biết đi về đâu?”.
Nghe thấy Khổng Tử nói mấy câu này, Lão Tử nói: “Con người sống ở giữa trời đất, nên cùng với trời đất là một thể. Trời đất vạn vật là tự nhiên vậy. Con người cũng là thuận theo tự nhiên. Người có thay đổi từ trẻ em, thiếu niên, tráng niên, và già, cũng giống như trời đất có xuân, hạ, thu, đông đổi thay, có gì buồn đâu? Sinh ra trong tự nhiên, chết trong tự nhiên, cứ để nó tự nhiên, thì bản tính không loạn. Không để nó theo tự nhiên, tất bật trong nhân nghĩa, thì bản tính bị trói buộc. Công danh còn trong tâm, thì cái tình lo nghĩ nảy sinh. Lợi dục giữ trong tâm, thì cái tình phiền não càng tăng thêm”.
Khổng Tử giải thích rằng: “Học trò lo đại Đạo không được thực hiện, nhân nghĩa không được thực thi, thì chiến loạn không ngừng, quốc loạn không yên, ví như cuộc đời ngắn ngủi, chẳng có công lao gì cho đời, không thể giúp gì cho dân, vậy thì tiếc lắm thay”.
Một lúc sau Lão Tử chỉ con sông Hoàng Hà mênh mông, nói với Khổng Tử: “Ông sao không học đức của nước?”
Khổng Tử nói: “Nước có đức gì?”.
Lão Tử nói: “Cái thiện cao nhất như nước vậy: Nước thiện, có lợi cho vạn vật mà không tranh, ở nơi mà mọi người đều ghét, đó là đức khiêm nhường vậy. Sông biển sở dĩ có thể làm vua của trăm suối khe, là do nó giỏi ở chỗ thấp. Thiên hạ không có gì mềm mại yếu đuối hơn nước, mà những cái rắn chắc mạnh mẽ lại không cái nào có thể thắng được nước, đó là đức nhu vậy. Do đó nhu thắng cương (mềm thắng cứng), nhược thắng cường (yếu thắng mạnh). Vì nước không có hình thái cố định, nên có thể vào mà không bị ngăn cách, do vậy có thể thấy vô ngôn chi giáo (giáo hóa không cần nói), vô vi chi ích (lợi ích mà không cần phải làm)”. 

(Theo Đại Việt Tàng Thư)

"Thuỷ trầm hoả vọng" là nguyên lý bất di bất dịch của thiên nhiên. Nước luôn từ trên cao đi xuống chỗ thấp, Theo Lão Tử, con người cần phải theo tự nhiện, không nên can thiệp, mà phải dựa vào các quy luật của thiên nhiên mà sinh tồn.
Xã hội càng văn minh, sự can thiệp vào thiên nhiên ngày càng sâu, càng nhiều, với mục đích mang lại sự thịnh vượng và nâng cao mức sống. Tuy nhiên điều gì cũng phải có giới hạn, nếu lợi dụng quá sẽ sinh ra những tai hoạ, mà sức người không thể ngăn cản hay chống lại. Thực tế chứng minh những thảm trạng từ nước thật kinh hoàng mà loài người đã đang và sẽ hứng chịu. .
Đến bao giờ chúng ta mới học được những tư tưởng cao xa của Lão Tử??!!!

Huỳnh Hữu Đức

1 nhận xét: