Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2023

Thế Nào Là Một Thi Sĩ


Trong một lần họp mặt, có người bạn cũ, đã từng học chung thời Đệ Nhị Cấp Ban B, thấy tôi làm khá nhiều thơ nên hỏi:
- Muốn trở thành Thi Sĩ, phải hội đủ những điều kiện nào, Ông bạn Thi Sĩ của tôi?
Không để bạn chờ lâu, tôi trả lời theo giọng điệu của thuở còn đi học:
- Mầy cho Tao xin hai chữ Thi Sĩ đi, chỉ với dăm câu thì làm sao được gọi là Thi Sĩ. Mầy không nghe người ta nói: "Thi Nhân đầu bạc sớm hơn ai", Tao đã quá 70, thế mà tóc hãy còn đen, thì sao được gọi là thi nhân. Vả lại, điều kiện ắt có và đủ để trở thành Thi Sĩ là...Mầy cho Tao suy nghĩ 5 phút...
- Câu hỏi bình thường thế mà Mầy cũng phải suy nghĩ sao?
- Đúng là câu hỏi bình thường, nhưng không hề đơn giản chút nào.
- Sao lại không đơn giản?
- Mầy nghĩ coi, câu hỏi tuy chỉ một, nhưng lại liên quan rất nhiều, muốn giải thích phải viện dẫn đủ thứ. Đã là Thi Sĩ, phải biết thơ là gì, phải nắm vững quy luật thơ một cách chính xác, phải hiểu biết rõ ý nghĩa ngôn từ để sử dụng, đồng thời phải yêu thích hay nói đúng hơn là đam mê thơ ...và...
- Vậy Bạn Mình giải thích những yếu tố chính thôi, còn những vụn vặt thì khỏi.
- Thú thật, Tao không tự tin khi trả lời câu hỏi của Mầy. Chỉ có thể nêu lên những ý kiến đã từng đọc trong sách cùng ý kiến cá nhân. Nhưng Tao nói trước, vì không phải là Học giả hay Nhà nghiên cứu nên không bàn đến đúng sai, mà chỉ nhận xét điều Tao nói có hợp lý hay không mà thôi.
       Thế là tôi cố tìm trong trí nhớ, những gì trong sách mình đã từng đọc.

1 - Thơ Là Gì?
Nếu ta đặt câu hỏi này cho các Nhà Thơ, chắc chắn sẽ được những câu đáp khác nhau nhưng đều có lý cả. Vì sao? Vì Thơ bao gồm tất cả những câu trả lời đó.
Điều này khiến tôi chợt nhớ đến chuyện khá  thú vị của các ngài Viện Sĩ Hàn Lâm  Pháp. Các Vị đã lấy làm hối hận khi nêu lên câu hỏi ngớ ngẩn "Thơ là gì?". Một câu hỏi mà các vị cho rằng không thể trả lời được.
Thơ không thể làm cho mọi người no cơm ấm áo, nhưng Thơ có thể làm người vui hơn, hăng hái hơn. Thơ có thể khiến cho người ta quên đi những phiền toái trong cuộc sống hằng ngày, Thơ có thể làm cho ta yêu đời hơn. Ngoài ra, thơ còn là nơi thố lộ những gì chưa dám nói...

2 - Nghệ Thuật
Làm Thơ bao gồm cách sử dụng ngôn từ, đúng chỗ và đúng lúc. Chúng ta phải có trí thức, phải thành thạo hết các quy luật của từng thể loại Thơ. Ngoài ra, cần hiểu biết sâu sắc về từ ngữ dùng trong câu thơ. Nói rõ hơn, làm thế nào để câu thơ có âm điệu bổng trầm, diễn tả được hết ý mình muốn truyền đạt. Đấy chính là một nghệ thuật.
Muốn được thế, phải học hỏi, luyện tập thường xuyên, cho nhuần nhuyễn đến mức không cần nhớ đến cách làm thơ, không còn quan tâm đến số chữ, câu, vần. Khi đó coi như ta đã đạt đến lằn ranh của nghệ thuật làm thơ, cũng giống trong truyện kiếm hiệp, luyện kiếm đến khi hữu chiêu hóa thành vô chiêu như Độc Cô Cửu Kiếm theo truyện của Kim Dung...
Khi đạt đến nghệ thuật làm thơ được gọi là Thi Sĩ chưa? Thưa rằng chưa. Nghệ thuật chỉ cho ta những câu thơ chải chuốt óng mượt, chỉ thêu hoa dệt gấm, chỉ là vẻ hào nhoáng bên ngoài, ví như hoa có chỉ có nét đẹp.
 
3 - Hồn Thơ
Một bông hoa, có sắc mà thiếu hương thì làm sao quyến rũ được bướm ong. Thơ cũng thế, nếu chỉ làm những bài có vẻ hào nhoáng, ngôn từ thật kêu, câu thơ được trau chuốt bóng bẩy, thì cũng chỉ là Thợ Thơ mà thôi. Nhà Thơ phải có sự say mê, yêu thích thơ, sáng tác bằng cả trái tim. buông cả lòng mình vào câu chữ. Qua câu chữ, Nhà thơ sẽ dẫn dắt người đọc đi dần vào nội tâm, khiến tim họ phải  rung động, mường tượng được những gì trong thơ, nhìn thấy tâm sự tác giả như đang hiện ra trước mắt,  khác nào bướm tìm thấy hương hoa. Muốn có một bài thơ như thế, trước hết nhà thơ phải có tâm hồn.

Muốn trở thành thi sĩ quả không hề đơn giản. Không chỉ câu thơ mượt mà êm ái, hay oai phong, còn phải sâu sắc nữa.
Tóm lại, Thi sĩ là nhà thơ có cả Nghệ Thuật và Tâm hồn. Thi sĩ chính là một đóa hoa có đầy đủ  hương và sắc.  

Huỳnh Hữu Đức

1 nhận xét:

  1. Thi sĩ là nhà thơ có cả Nghệ Thuật và Tâm hồn. Thi sĩ chính là một đóa hoa có đầy đủ hương và sắc

    Trả lờiXóa