Năm 1919-1920 giới Thi Văn Việt từng rúng động với "Hạn Mạn Du Ký" bằng Hán Văn, trong đó có Nam Phương Ca Khúc và bản dịch ra chữ Quốc Ngữ là Hồ Trường, đăng trên Nam Phong Tạp Chí. Riêng Hồ Trường, đã có rất nhiều tranh luận về các từ ngữ trong bài dịch. Sự thật thế nào? Chúng Ta cùng nhau nhận định điều này qua các nguyên tác Hán Văn Nam Phương Ca Khúc và Hồ Trường.
1/ Nguyễn Bá Trác và Hồ Trường
Nguyên bản trích từ Nam Phong tạp chí số 41 năm 1920. Trang 400 – 401 :
Trượng phu không hay xé gan bẻ cột phù cương thường;
Hà tất tiêu dao bốn bể, luân lạc tha hương
Trời nam nghìn dặm thẳm, mây nước một mầu sương
Học không thành, danh chẳng lập, trai trẻ bao lâu mà đầu bạc, trăm năm thân thế bóng tà dương.
Vỗ tay mà hát, nghiêng đầu mà hỏi, trời đất mang mang, ai là tri kỷ lại đây cùng ta cạn một hồ trường.
Hồ trường! Hồ trường! ta biết rót về đâu?
Rót về đông phương, nước bể đông chảy xiết sinh cuồng lan;
Rót về tây phương, mưa Tây sơn từng trận chứa chan
Rót về bắc phương, ngọn bắc phong vì vụt, đá chạy cát dương;
Rót về nam phương, trời nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng
Nào ai tỉnh, nào ai say, chí ta ta biết, lòng ta hay
Nam nhi sự nghiệp ở hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây.
Nguyễn Bá Trác
(có sửa các lỗi sai so với chính tả ngày nay và lỗi ấn loát. Huỳnh Hữu Đức)
Nguyễn Bá Trác (1881 – 1945) người làng Bảo An, nay là xã Điện Quang, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Thuở nhỏ ông học chữ Nho ở quê nhà, đến năm 1906 thi đỗ cử nhân ở trường thi Huế. Hưởng ứng lời kêu gọi của các nhà ái quốc trong phong trào Đông Du, ông ra Hà Nội học tiếng Pháp, để tiếp nhận Tân học. Khi phong trào bị đàn áp, ông trốn vào Nam Bộ.
Năm 1908, ông sang Nhật du học, nhưng dưới sức ép của Pháp, chính phủ Nhật đã giải tán phong trào Đông Du. Ông đành sang Trung Hoa rồi trở về Hà Nội năm 1914, làm ở Phòng báo chí Phủ Toàn quyền Đông Dương và chủ bút phần bài chữ Hán tờ Cộng thị cho đến năm 1916.
Năm 1917, ông nhận làm chủ bút phần Hán văn của Nam Phong tạp chí. Năm 1919, sau khi rời Nam Phong tạp chí, ông vào Huế làm Tá lý Bộ Học và lần lượt trải qua các chức vụ: Tuần Vũ Quảng Ngãi, Thị lang Bộ Binh, Tổng đốc Thanh Hóa, Tổng đốc Bình Định.
Nguyễn Bá Trác để lại số lượng tác phẩm lớn, gồm cả chữ Hán và Quốc ngữ, Văn khảo cứu và Sáng tác, kể cả phần tự dịch tác phẩm chữ Hán sang chữ Quốc ngữ. Trong đó, được nhiều người biết đến hơn cả là tập Hạn Mạn Du Ký.
Thiên bút ký ghi lại cuộc hành trình kéo dài 6 năm, từ 1908 đến 1914 của ông qua các nước Thái Lan (ông gọi là Siam), Trung Hoa, Nhật Bản. Đó là một cuộc “xuất ngoại” vô cùng vất vả mà ông phải “nhập vai” để vượt qua nhiều tình huống éo le: lúc phải chui nhủi trong rừng rậm miền Trung, lúc phải giả làm tu sĩ Phật giáo ở Phú Yên, lúc phải nằm trong hầm tối chật hẹp dưới tàu thủy sang Thái Lan, lúc lang thang bị trinh thám Nhật theo dõi sát, lúc đối diện với cái sống cái chết trong chiến tranh ở đất nước Trung Hoa…
Tuy nhiên, ông cũng gặp không ít quý nhân tận tình giúp đỡ, yêu thương, như câu chuyện về một người Việt bị theo dõi tại Nhật Bản, được ông chép lại trong Hạn Mạn Du Ký đăng trên Nam Phong tạp chí số 38, năm 1920.
Hạn Mạn Du Ký gồm 14 chương, ghi lại hành trình gian khổ kéo dài 6 năm qua các nước Thái Lan, Trung Hoa, Nhật Bản, Hồng Kông. Trong thời gian lưu trú tại Nhật Bản, đã để lại cho tác giả nhiều ấn tượng sâu đậm. Tác phẩm khi được dịch ra chữ Quốc ngữ và đăng trên báo Nam Phong đã được độc giả đón nhận nồng nhiệt. Bàn về tác phẩm này, Phạm Thế Ngũ từng viết:
"Câu Việt văn khá mạch lạc suông sẻ, đôi chỗ đăng đối du dương. Những tình tiết ly kỳ của cuộc phiêu lưu nơi đất lạ đã đem lại cho câu chuyện nhiều vẻ hấp dẫn. Nhất là đối với các Nho gia ta khi ấy từng ôm cái mộng Đông du; nếu không thì trí não cũng đầy kỷ niệm văn chương về danh nhân, danh lam thắng cảnh Trung Hoa, đọc Hạn Mạn Du Ký của Nguyễn Bá Trác thật là thú vị."
Khi bàn về Hồ trường, một bài thơ nằm trong tập Hạn Mạn Du Ký, Quách Tấn giải thích thêm:
"Bởi lòng có thể dối được với nhân thế mà không thể dối được với văn chương. Vì sao vậy, vì văn chương phản chiếu tâm sự. Trừ phi tấm gương phản phúc tức văn chương không thành văn chương, thì tâm sự mới bị lệch lạc. Mà bài Hồ trường văn chương chân thực, không có chút giả tạo, nên đáng tin rằng lòng của Nguyễn Bá Trác lúc còn ở Hải ngoại chưa bị bùn danh lợi làm vẩn nhơ. Ít ra lúc làm bài Hồ trường, lòng Nguyễn Bá Trác lắng hết bùn danh lợi xuống dưới đáy sâu, nên văn chương mới được thanh tao thế ấy..."
(Theo Võ Thị Thanh Tùng-Đặng Phan Quỳnh Dao (thanhdiavietnam hoc).- Đà Nẵng Online - Phạm Hoàng Quân Báo Tuổi Trẻ)
2/ Những Dị Biệt Trong Hồ Trường
Huỳnh Hữu Đức Biên Soạn
rất hấp dẫn
Trả lờiXóa