Thứ Ba, 31 tháng 8, 2021

Cảm Nghĩ Về Luật Thơ


Trò chơi nào cũng có những luật lệ riêng của chúng. Thơ cũng không ngoại lệ, cũng có Luật thơ.
Thế Luật Thơ là gì? Luật thơ chính là những nguyên tắc, những qui định, những điều mà người làm thơ phải tuân theo. Tùy vào thể loại, mỗi loại thơ có những qui tắc khác nhau.
Từ việc giao thoa văn hóa giữa các nước với nhau, nên Việt Nam chúng ta ngày nay sử dụng khá nhiều dạng thơ, Tây có, Tàu có, cùng với thơ bản địa. 

A - Thơ Tây Phương

Căn bản, thơ của Tây Phương thường gieo vần Độc vận hoặc Liên vận ở cuối câu. Ảnh hưởng của thơ Tây Phương đã mang đến cho chúng ta một dạng vào đầu thế kỷ 20, dạng này được gọi là Thơ Mới.
       Thí dụ:
1/ Trích Đoạn
 Après La Bataille  Tác Giả Victor Hugo

Mon père, ce héros au sourire si doux,
Suivi d’un seul housard qu’il aimait entre tous
Pour sa grande bravoure et pour sa haute taille,
Parcourait à cheval, le soir d’une bataille,
Le champ couvert de morts sur qui tombait la nuit.
Il lui sembla dans l’ombre entendre un faible bruit.
...
Đây là bài thơ Liên Vận, gieo vần từng cặp câu.

2/ Trích Đoạn
Il Pleure Dans Mon Coeur
                           Paul Verlaine
Il pleure dans mon coeur
Comme il pleut sur la ville;
Quelle est cette langueur
Qui pénètre mon coeur

Ô bruit doux de la pluie
Par terre et sur les toits!
Pour un coeur qui s'ennuie
Ô le chant de la pluie
....
Bài thơ này Liên Vận, cứ 4 câu sử dụng Độc Vận, vần được gieo ở các câu 1,3 và 4.
3/
 Trích đoạn: Stances- Tác giả: Puskin

Avez-vous vu la tendre rose,              
L’aimable fille d’un beau jour,          
Quand au printemps à peine éclose,   
Elle est l’image de l’amour ?             
Telle à nos yeux, plus belle encore,
Parut Eudoxie aujourd’hui :
Plus d’un printemps la vit éclore,
Charmante et jeune comme lui.
....
Bài thơ này theo dạng Liên Vận và gieo vần cách câu.

B - Thơ Trung Hoa

1/ Thơ Cổ Phong: lề, thói xưa (Cổ Thể : thể cách xưa)
Đây là thể thơ có trước nhà Đường bên Tàu, không có luật lệ nhất định. Vần gieo có thể Bằng hoặc Trắc.

    關雎              Quan Thư  1

關 關 雎 鳩,  Quan quan thư cưu     
在 河 之 洲。  Tại hà chi châu.    
窈 窕  淑 女, Yểu điệu thục nữ,
君 子  好 逑。 Quân tử hảo cầu

Bài thơ này thuộc dạng Đoản Thiên, Độc Vận và gieo vần ở các câu 1,2 và 3.

長 干 行  其二    Trường Can Hành Kỳ 2
         
家 臨 九 江 水      Gia lâm Cửu Giang thuỷ   
來 去 九 江 側      Lai khứ Cửu Giang trắc.    
同 是 長 干 人      Đồng thị Trường Can nhân   
生 小 不 相 識。  Sinh tiểu bất tương thức. 
                崔顥                       Thôi Hiệu

 Bài thơ này gieo vần Trắc, cách câu. 
   
            Trích Đoạn:
 龍城琴者歌              Long Thành Cầm Giả Ca
             阮攸                                             Nguyễn Du
龍城佳人                       Long thành giai nhân  
不記名字                       Bất ký danh tự      
獨善絃琴                       Ðộc thiện huyền cầm      
舉城之人以琴名           Cử thành chi nhân dĩ cầm danh
學得先朝宮中供奉曲    Học đắc tiên triều cung trung “Cung phụng” khúc
自是天上人間第一聲。Tự thị thiên thượng nhân gian đệ nhất thanh   
 ... 
Bài thơ theo dạng Trường Thiên, số chữ trong câu tùy tác giả, gieo vần Cách Câu, Liên Vận

Qua phần trình bày bên trên, chúng ta thấy, thơ Tây phương và thơ Cổ Phong của Trung Hoa, có một số nét tương đồng như cách gieo vần, số chữ trong câu cũng như số câu trong bài thơ.

2/ Thơ Đường Luật (Cận Thể hay Tân Thể: dạng mới, dạng gần nhất)

Đây là dạng thơ xuất hiện đời Nhà Đường bên Tàu, có những qui định khắc khe nhất: Luật Thanh ( tạo sự trầm bổng), Vần (tạo sự liên tục êm ái xuôi tai), Đối (tạo sự phản biện hay đồng thuận, bổ nghĩa cho nhau, làm rõ hơn ý tưởng của bài thơ), Niêm (Sự liên kết chặt chẽ về âm luật giữa các câu thơ với nhau), và sau cùng là Bố Cục (tạo sự liên tục trong ý thơ, tránh trường hợp đầu Ngô Mình Sở, mỗi câu mỗi ý). Người làm thơ phải tuân theo các luật này.

   曲江 其二           Khúc Giang Kỳ Nhị    
                 杜甫                               Đỗ Phủ 
 
朝回日日典春衣      Triều hồi nhật nhật điển xuân y
 每日江頭盡醉歸     Mỗi nhật giang đầu tận tuý qui
 酒債尋常行處有     Tửu trái tầm thường hành xứ hữu
 人生七十古來稀     Nhân sinh thất thập cổ lai hi
 穿花蛺蝶深深見     Xuyên hoa giáp điệp thâm thâm kiến
 點水蜻蜓款款飛     Điểm thuỷ thanh đình khoản khoản phi
 傳語風光共流轉     Truyền ngữ phong quang cộng lưu chuyển
 暫時相賞莫相違     Tạm thời tương thưởng mạc tương vi.

C- Thơ Việt Nam
 
Do ảnh hưởng văn hóa từ các quốc gia khác, nên chúng ta có nhiều dạng thơ, thơ du nhập từ nước ngoài và thơ bản địa.

1- Thơ Tự Do và Thơ Mới

Thơ Tự Do xuất hiện và phát triển từ những năm đầu của hậu bán thế kỷ 20. Đây là dạng thơ phá bỏ các luật lệ trước Nó. Thơ viết thiếu vần kém điệu, nhiều lúc nghe hơi chói tai, phóng bút rất tùy hứng, đôi khi rất khó hiểu. Hai nhân vật nổi bậc của loại thơ này là Thanh Tâm Tuyền và Quách Thoại.

Thơ Mới phát nguyên từ lối thơ của người Pháp. Các nhà thơ thấy thơ Pháp không hạn định số câu, số chữ, không niêm, không đối, có nhiều cách gieo vần, nên mới đem thể ấy áp dụng vào thơ của chúng ta.

Trích Đoạn: Hổ Nhớ Rừng của Thế Lữ

        ... Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối,
            Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan?
            Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn
            Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới?
            Đâu những bình minh cây xanh nắng gội
            Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng?
            Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng
            Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt
            Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật?
            Than ôi! thời oanh liệt nay còn đâu?...

Trích Đoạn Tiếng Trúc Tuyệt Vời của Thế Lữ

            Tiếng địch thổi đâu đây,
            Cớ sao mà réo rắt?
            Lơ lửng cao đưa tận lưng trời xanh ngắt,
            Mây bay... gió quyến mây bay...
            Tiếng vi vút như khuyên van, như dìu dặt
            Như hắt hiu cùng hơi gió heo may...

2- Thơ Đường Luật
Đây là Dạng thơ mà các triều đại trước của Ta, thường sử dụng trong các kỳ thi chọn nhân tài. Tất cả qui luật đều tuân thủ theo luật của Thơ Đường Luật, có nghĩa là tôn trọng 5 qui tắc bắt buộc.

         Đêm Thu Nghe Tiếng Quạ Kêu
                                        của Quách Tấn

            Từ Ô Y hạng rủ rê sang,
            Bóng lẫn đêm thâu tiếng rộn ràng...
            Trời bến Phong Kiều sương thấp thoáng,
            Thu sông Xích Bích nguyệt mơ màng.
            Bồn chồn thương kẻ nương song bạc,
            Lạnh lẽo sầu ai rụng giếng vàng.
            Tiếng dội lưng mây đồng vọng mãi,
            Tình hoang mang gợi tứ hoang mang.

3- Thơ Truyền Khẩu

Thơ truyền khẩu của nước ta có nhiều dạng như Tục Ngữ, Ca Dao...Nhưng lãng mạn và tình cảm chính là Ca dao. Khác với thơ nước ngoài, Ca dao Việt Nam vừa gieo vần cuối câu, lại còn gieo vần ở giữa câu. Có một điều rất đặc biệt trong Ca Dao của chúng ta, đó là sự phóng khoáng, không cứng nhắc, chủ yếu sao cho có vần có điệu, nghe xuôi tai và dễ nhớ là được.

             Lạy trời mưa xuống
             Lấy nước tôi uống
             Lấy ruộng tôi cày
             Lấy đầy bát cơm.

Trong Ca Dao, có một thể quan trọng, thường có dạng câu 6, câu 8 chữ, được gọi là thơ Lục Bát:

                Trong đầm gì đẹp bằng sen 
       Lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng  
              Nhụy vàng bông trắng lá xanh
        Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.

Tuy nhiên, thơ Lục bát không bắt buộc chỉ có câu 6 và 8, mà có thể thêm bớt số chữ trong câu:

                     Biết thì thưa thốt
         Không biết thì dựa cột mà nghe

             Sơn Bình Kẻ Gốm không xa  
     Cách một cái quán với ba quãng đồng
        Bên dưới có sông bên trên có chợ
           Ta lấy mình làm vợ nên chăng
              Tre già để gốc cho măng.
Hay là:
                     ...Thành Hà-nội năm cửa chàng ơi  
           Sông Lục-đầu sáu khúc nước chảy xuôi một dòng   
                    Nước sông Thương bên đục bên trong  
         Núi đức thánh Tản thắt cổ bồng mà lại có thánh sinh...

Thơ Lục Bát ngoài gieo vần Bằng còn có thể gieo vần Trắc:

                    Tò vò mà nuôi con nhện
             Đến khi nó lớn nó quện nhau đi
                       Tò vò ngồi khóc tỉ ti
            Nhện ơi nhện hỡi mầy đi đàng nào.
Hay là:
                 Tình thương gươm trường không sợ   
            Sét đánh bên mình duyên nợ không buông.

Qua những thí dụ về thơ Lục Bát, chúng ta nhận thấy có một điều rất đặc biệt, đó là sự uyển chuyển, phóng khoáng, dễ dãi, không cứng nhắc trong khi làm thơ. Chính vì thế, khi các nhà nghiên cứu; các học giả tổng hợp về ca dao để tìm qui tắc chung cho Thơ Lục Bát, các vị đưa ra luật thơ Lục Bát chỉ mang tính tương đối mà thôi, bởi vì bản chất thơ Lục Bát giống như những người bình dân lam lũ, không thích những ràng buộc những qui định nghiêm khắc.

D- Kết Luận

Trong môn bóng đá có nhiều hình thức chơi: Bóng đá 11 người, Bóng đá trong nhà, Bóng đá bãi biển. Mặc dù cũng là bóng đá, nhưng mỗi loại đều có một vài luật lệ riêng.
Thơ cũng giống thế, có nhiều loại thơ, mỗi loại có những nguyên tắc và qui luật riêng như trình bày bên trên, chỉ cần nhìn vào các điểm riêng này, chúng ta có thể biết đó là loại thơ gì.
Ngày nay, có một vài nhóm thơ, một số người cho rằng làm thơ chỉ vui chơi giải trí, không cần thiết hay bắt buộc phải theo đúng luật. Đây là quan điểm rất sai lầm, trò chơi nào cũng có những luật riêng, khi chấp nhận chơi, chúng ta phải tôn trọng những qui tắc dù khắc khe, nếu không thể làm thơ theo những điều đã được qui định, chúng ta có thể chọn thể loại khác để chơi, cớ sao lại phải thay đổi hay giảm bớt luật lệ đã có từ trước?
Nói chung, chính những luật đã tạo nên nét độc đáo riêng, sắc thái riêng cho thơ, khiến cuộc chơi càng thêm thú vị và hấp dẫn hơn đối với người chơi.

Huỳnh Hữu Đức

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét