卜算子 Bốc toán tử
李之儀 Lý Chi Nghi
我 住 長 江 頭 Ngã trú Trường Giang đầu
君 住 長 江 尾 Quân trú Trường Giang vĩ.
日 日 思 君 不 見 君 Nhật nhật tư quân bất kiến quân
共 飲 長 江 水 Cộng ẩm Trường Giang thuỷ
此 水 幾 時 休 Thử thuỷ kỷ thời hưu
此 恨 何 時 已 Thử hận hà thời dĩ
只 願 君 心 似 我 心 Chỉ nguyện quân tâm tự ngã tâm
定 不 負 相 思 意。 Định bất phụ tương tư ý.
***
Mộng Tình...
Thiếp nhà cư ngụ đầu sông
Trường Giang chàng ở cuối dòng nhớ ơi
Thầm thương, trộm nhớ mình thôi
Đôi ta cùng uống chung rồi đó sao ?
Sông kia hết chảy lúc nào ?...
Hận này ai biết khi nao lụi tàn
Một lòng chung thủy thiếp chàng
Tỏ tình ai thấu ta đang mộng tình...!
Mai Xuân Thanh
July 30, 2021
***
Góp ý: Bài này với cái tựa Bốc toán tử (chàng thầy bói), dĩ nhiên bài thơ là của chàng gởi thư thăm dò một bóng hồng nào đó đã lọt vào mắt chàng. Chữ Quân trong Hán tự không nhất thiết phải chỉ đấng mày râu, do vậy ở đây là thơ của chàng ghẹo nàng chứ không phải của nàng thả tim tìm ý trung nhân.
Chàng Thầy Bói
Trường Giang, ta đầu sông,
Trường Giang, nàng cuối dòng
Chẳng thấy nàng, ta ngày ngày nhớ.
Trường Giang, nước uống chung.
Trường Giang, bao giờ cạn ?
Hận này, bao giờ xong ?
Chỉ mong lòng ta - nàng tương tự
Mảnh tương tư không phụ lòng.
Danh Hữu
Paris, sáng thứ bảy 31.07.2021
Thưa Thầy Danh Hữu,
Riêng về chữ "Bốc Toán Tử" đúng như Thầy giải nghĩa, nhưng ta cũng có thể hiểu là "bà thầy bói" vì có chữ nữ tử. Bàn chút cho vui, chứ thật ra "Bốc Toán Tử" ở đây có nghĩa là một bài Từ, một khúc hát theo giọng điệu của Thầy bói.
Và có thể coi như Lý Chi Nghi phổ nhạc bài thơ "Trường Tương Tư" của Lương Ý Nương thời Ngũ Đại bên Tàu.
Có chút ý kiến cùng Thầy.
Kính
Quên Đi
***
Tình Vương Vấn
Nàng ở đầu sông, ta cuối sông
Trông vời chẳng thấy, mỏi mòn trông
Hai nơi cách biệt bao nhung nhớ
Một giải trôi hoài mấy đợi mong
Biết đến khi nào sông hết nước ?
Bao giò tới lúc muộn ngưng dòng ?
Xin ai thấu hiểu niềm mơ ước
Thề hẹn cùng nhau thỏa mộng lòng
Phương Hà phỏng dịch
( 31/07/2021 )
***
Nhớ Nhau
Nhà em ở đầu con sông
Nhà anh ở miết cuối dòng mù xa
Ngày nhung ngày nhớ đôi ta
Chung dòng nước uống thiết tha bồi hồi
Bao giờ ngừng chảy sông ơi
Hỏi rằng mấy thuở mới lơi hận tình
Thiếp chàng chung thủy vẹn gìn
Luyến Lưu không phụ đôi mình đeo mang
Kim Oanh
***
Phụ Chú:
Kính thưa Quý Thầy Cô, Tiền Bối và Các bạn trong Vườn Thơ Thẩn,
Theo tôi hiểu (qua Tự Điển) thì chữ TỬ 子 ngoài nghĩa chỉ: Người, chỉ Ông, chỉ Thầy...ra, còn dùng để chỉ Đồ Vật và Sự Việc. Như : Khoái Tử 筷子 là Đôi Đũa (dùng để gắp); Qua Tử 瓜子 là Hạt Dưa; Khúc Tử 曲子 là Một Điệu Hát, Một Khúa Ca Ngắn...
Ở đây, chữ TỬ 子 chính là KHÚC TỬ 曲子 : là Một Điệu Hát, Một Khúc Ca Ngắn...Chớ không phải là Ông, hay Bà Thầy Bói gì cả ! Cứ dán 3 chữ 卜算子 (bốc toán tử) lên google, ta sẽ có vô số tài liệu về "Bốc Toán Tử". Sau đây chỉ dịch một phần tiêu biểu mà thôi.
Theo "Điền Từ Danh Giải 填词名解 của Mao Tiên Thư đời nhà Thanh thì : Lạc Tân Vương, một trong Tứ Kiệt buổi sơ Đường làm thơ hay dùng những chữ số, người đời gọi là BỐC TOÁN TỬ. Lại theo "Từ Luật" từ Thanh Vạn Thụ : Căn cứ vào lời từ như đang cầu cơ, bói toán của Hoàng Đình Kiên đời Bắc Tống mà người đời gọi là BỐC TOÁN còn TỬ là nói gọn lại của Khúc Tử 曲子 hay Tiểu Khúc 小曲; nên "BỐC TOÁN TỬ 卜算子 là một khúc hát ngắn ca ngâm về việc bói toán" Vì TỪ là CA TỪ 歌詞 là những lời ca có nhạc điệu hát được. Nên lại có rất nhiều ĐIỆU Từ dùng để hát mà BỐC TOÁN TỬ chỉ là TÊN của MỘT ĐIỆU TỪ trong rất nhiều ĐIỆU Từ như : Ngu Mỹ Nhân 虞美人, Tây Giang Nguyệt 西江月, Lãng Đào Sa 浪淘沙, Lâm Giang Tiên 临江仙, Điệp Luyến Hoa 蝶恋花, Bốc Toán Tử卜算子... Cũng giống như trong cổ nhạc của ta có các điệu Lý, như Lý Con Sáo, Lý Cây Chanh, Lý Qua Cầu... và các Điệu cổ nhạc Cải Lương Nam Bộ, như Nặng Tình Xưa, Đão Ngũ Cung, Khóc Hoàng Thiên, Lý Giao Duyên, Sơn Đông Hướng Mã, Ú Sang Ú Líu...
Nói chung, tên của một Điệu Từ, Điệu Ca thì không thể lấy tên của cái điệu đó mà giải thích cho lời ca bên dưới được. Ví dụ : Điệu "Lý Con Sáo" thì không phải lời hát nào của điệu nầy đều phải nói đến con sáo cả; cũng như điệu "Khóc Hoàng Thiên" thì không phải lời hát nào cũng "khóc cho ông trời" cả đâu !
Trở lại với Từ Điệu 詞調 BỐC TOÁN TỬ 卜算子. Từ điệu nầy còn có tên là "BỐC TOÁN TỬ LỆNH 卜算子令", là Bách Xích Lâu 百尺樓, Mi Phong Bích 眉峰碧, Sở Thiên Diêu 楚天遥... Lấy bài " Bốc Toán Tử- Hoàng Châu Định Tuệ Viện Ngụ Cư Tác卜算子·黄州定慧院寓居作" của Tô Đông Pha 蘇東坡 làm chính thể gồm 44 chữ. Lại có biến thể Song điệu cũng 44 chữ, 2 khổ trước sau đều có 4 câu, gieo 3 vần trắc; và một Song điệu biến thể nữa gồm có 45 chữ, 4 câu của khổ đầu gieo 2 vận trắc, 4 câu của khổ sau cũng gieo 2 vận trắc như bài BỐC TOÁN TỬ của Lý Chi Nghi 李之儀
mà ta đang nói tới đây.
Đỗ Chiêu Đức
___
Anh Chiêu Đức thân mến,
Rất thích thú với bài phân tích của anh. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ, lúc ban đầu, người đặt ra khúc ca "Bốc Toán Tử" cũng phải có liên quan đến bói toán, cũng như khúc"Tương Tiến Tửu". Sau đó từ từ lời bài hát sẽ ít hoặc không còn liên quan đến cái tựa, mà chỉ giữ lại cái điệu ca và tên của khúc hát mà thôi.
Xin gởi một vài tư liệu mà tôi được biết ngay ở bên dưới
Thân mến
Quên Đi
----
Xét về nhạc phủ đời Ðường, ta thấy có thể chia ra làm bốn loại sau:
1) Những bài ca giao miếu, giống như Tụng trong Kinh Thi, không có giá trị về mặt văn chương. Thí dụ : bài Phong Thái sơn nhạc của Trương Thuyết.
2) Những bài thơ làm theo đề mục cũ của nhạc phủ, tuy có hay về mặt văn chương, nhưng không còn được dùng trong ca nhạc. Thí dụ: các bài Tương tiến tửu, Quan San nguyệt của Lý Bạch.
3) Những bài tân nhạc phủ có ý phúng dụ giống phong cách đời xưa, cũng không thể hợp nhạc. Thí dụ: 50 bài Tân nhạc phủ của Bạch Cư Dị.
Ở thời kỳ đầu, từ là một loại thơ (nhưng khác với thơ ở chỗ nó có quan hệ với âm nhạc), phải đến thời Vãn Đường, từ mới thành một thể độc lập mang đầy đủ những đặc điểm của chúng, và phát triển mạnh ở đời Tống.
Từ có số chữ trong bài cố định, câu dài ngắn, và phối hợp chặt chẽ với âm nhạc. Song, nó khác Nhạc phủ hỗ "cách luật nghiêm nhặt", khác Đường luật ở chỗ "câu dài ngắn", khác thơ Cổ Phong ở chỗ "cách luật nghiêm nhặt và số chữ cố định".
Đời Tống có khoảng 870 điệu từ với những biến thể của chúng. Tên điệu từ thoạt đầu chính là đề tài của tác phẩm, như Dương liễu chi để vịnh liễu, Lăng đạo sa để vịnh cát, Đạp ca từ để tả điệu múa...song về sau chỉ còn là tên gọi đơn thuần.
Mỗi điệu từ có một từ phổ. Điệu ngắn nhất là Trúc chi từ (14 chữ), dài nhất là Oanh đề tự (240 chữ). Những điệu tương đối dài, thường chia làm hai đoạn, công thức có thể giống nhau hoặc hoàn toàn khác nhau. Số chữ trong câu có thể dài trên mười chữ, cũng có thể chỉ là một chữ.
Luật bằng trắc của từ rất chặt chẽ, nhìn chung không có lệ "bất luận" như ở thơ Đường Luật.
Một bài có thể dùng nhiều vần. Vần có trắc hoặc bằng, hoặc cả hai (xen kẽ); song chủ yếu gieo vần bằng ở trong điệu Cán khê sa, Lãng đào sa, Nhất tiễn mai...và chủ yếu gieo vần trắc ở Ức tần nga, Như mộng lệnh, Nguyễn lang quy...
Trình tự gieo vần ở từ cũng rất đa dạng, có thể là vần liền, vần gián cách, vần ôm...
Huỳnh Hữu Đức
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét