- Lưỡng Nghi là 2 thành phần Âm và Dương.
* Đạo Đức Kinh
Lão
Tử khi viết Đạo Đức Kinh, không hệ thống tư tưởng theo thứ tự, mà lời lẽ trong Đạo Đức
Kinh lại rất khúc chiết, ý nghĩa rất uyên thâm, luận về hai chữ "Đạo
Đức", nói về cơ tạo hóa, định vị trời đất, hóa sinh vạn vật, gồm Thượng
Kinh nói về "Đạo", Hạ Kinh nói về "Đức"
Thượng Kinh (Đạo Kinh)
Thượng Kinh luận về chữ Đạo nên được gọi là Đạo Kinh. Thượng Kinh gồm 37 chương, bắt đầu bằng câu: "Đạo khả Đạo phi
thường Đạo".
道 可 道 非 常 道. 名 可 名 非 常 名.
Đạo khả đạo phi thường Đạo. Danh khả danh phi thường danh.
(Đạo có thể gọi được, thì Đạo không hợp lẽ thường. Tên mà có thể gọi được, thì tên không hợp lẽ thường).
無 名 天 地 之 始; 有 名 萬 物 之 母.
Vô danh thiên địa chi thủy; Hữu danh vạn vật chi mẫu.
(Không tên là khởi nguồn của trời đất, có tên là mẹ của muôn vật)
Bàn về Đạo cần chi phải nhiều lời, vì:
«Nhất ngôn khả dĩ đại ngộ, 一 言 可 以 大 悟 (một lời cũng đủ biết tất cả)
Bán cú khả dĩ thông huyền.» 半 句 可 以 通 玄 (nửa câu cũng đủ thấu lẽ cao thâm).
道 常 無 為 而 無 不 為.
Đạo thường vô vi nhi vô bất vi.
(đạo thường không làm gì; nhưng không gì không làm).
道 沖 而 用 之 或 不 盈. 淵 兮 似 萬 物 之 宗.
Đạo xung nhi dụng chi hoặc bất doanh. Uyên hề tự vạn vật chi tông.
(Đạo rỗng không mà dùng không hết. Đạo sâu xa man mác tựa hồ như là tổ tông vạn vật).
Trước Lão Tử , các nhà tư tưởng trong
“Bách gia Chư tử” quan niệm: Đạo chỉ là nhân đạo, đạo lý làm người. Đến
Lão Tử, Đạo được hiểu theo nghĩa rộng nhất của khái niệm Triết học,
thông qua Đạo có thể hiểu được quá trình hình thành và phát triển của
thế giới.
Mặc
cho Khổng Tử thừa nhận Trời là đấng tối cao, sinh ra muôn vật, Mạnh Tử
cũng khẳng định điều đó, Mặc tử coi là tất nhiên, không phải bàn luận. Ngược lại, Lão Tử phủ định vai trò tối
cao của Trời, không thừa nhận trời sinh ra muôn loài. Ông nói: Có một
vật trộn lộn mà thành, sinh ra trước trời đất, ta không biết tên nó là
gì, nên mới cho tên riêng là Đạo.
Như vậy, có thể hiểu là: Đạo là cái đầu
tiên, cái có trước, trước cả trời - đất và muôn loài. Đạo là khởi nguồn
của vũ trụ, không có đồng loại, không có gì sánh được. Đạo tồn tại độc
lập tuyệt đối, không có gì chi phối được.
Đạo có trước Trời, Đất; trong Đạo có vật chất. Đạo chính là vật chất, là nguyên tố sinh ra vạn vật.
Đạo là sự vận động và chuyển hoá lẫn nhau của vật chất
Đạo là qui luật hình thành vạn vật.
Ở thời thượng cổ, khi chưa có thuyết
tiến hoá và phép biện chứng duy vật, Lão Tử đã nêu ra lý thuyết: Đạo
sinh ra Một, Một sinh ra Hai, Hai sinh ra Ba, Ba sinh ra vạn vật. Vạn
vật đều cõng âm và ôm dương trong quá trình phát triển. Ông còn nhấn
mạnh: Đạo vừa là không (Vô), vừa là có (Hữu). Không và Có là hai trạng
thái trong hai giai đoạn của Đạo. Khi Đạo ở trạng thái vô thanh vô sắc,
vô hình, vô tướng thì là không, khi Đạo sinh thành Trời đất vạn vật thì
là có. Trong khái niệm Đạo của Lão Tử bao gồm
khái niệm vật chất cùng các thuộc tính của nó là vận động, không gian,
thời gian, sự thống nhất của các mặt đối lập ...
Lão Tử cho rằng Đạo là bản
thể của vũ trụ, là nguồn gốc sinh ra trời đất, vạn vật, là đường lối
muôn vật noi theo. Đạo tồn tại độc lập, bất biến, đạo là vật chất chứ
không phải là tinh thần, là tổng thể những qui luật chi phối sự sinh
thành, biến hoá của vũ trụ.
Đặc tính của Đạo là: Vô cùng, vô tận,
không bao giờ hết, tồn tại khách quan, thuận với tự nhiên, không can
thiệp, chế ngự tự nhiên, luôn luôn vận động, vĩnh cửu, lâu dài, phổ biến
trong mọi vật, có khả năng chuyển hoá, quay trở lại trạng thái ban đầu
và hết sức huyền diệu.
Theo Lão Tử: Đạo mà có thể diễn tả được
bằng lời thì không phải là cái Đạo Vĩnh Cửu, bất biến. Tên mà có thể
gọi ra được thì không phải là tên Vĩnh Cửu, thường hằng. Cái Đạo trường
tồn bất biến ấy thật quả nó ở ngoài vòng ngôn ngữ, nhạt không có mùi,
nhìn không thể thấy, nghe không thể rõ dùng không thể hết. Đạo là một
cái gì lúc ẩn lúc hiện, dù mập mờ thấp thoáng mà ở trong vẫn có hình
tượng, vẫn có vật chất, dù sâu thăm thẳm, tối như bưng mà ở trong vẫn có
tinh tuý.
Lão tử
khuyên chúng ta nên sống giản dị, tự nhiên, tuần tự nhi tiến, đừng lo
lắng làm những chuyện bất thường. Những chuyện bất thường không thể tồn
tại, y thức như những cơn giông cơn gió, những trận mưa lũ, mưa rào,
chỉ chốc lát rồi lại qua đi.
Hạ Kinh (Đức Kinh)
Gồm 44 chương, bắt đầu bằng câu: "Thượng Đức bất Đức thị dĩ hữu Đức". Hạ Kinh luận về chữ Đức nên được gọi là Đức Kinh.
上 德 不 德, 是 以 有 德.
Thượng đức bất đức, thị dĩ hữu đức.
(Đức cao coi thường tục đức, vì thế nên có đức).
上 德 無 為 而 無 以 為. 下 德 為 之而 有 以 為.
Thượng đức vô vi nhi vô dĩ vi. Hạ đức vi chi nhi hữu dĩ vi.
(Bậc đức cao không làm, lại không hệ lụy vì công việc. Người đức thấp có làm, lại hệ lụy vì công việc).
Đức 德 là sự phát huy của Đạo 道 ra bên ngoài.
道 生 之, 德 畜 之, 物 形 之, 勢 成 之. 是 以 萬 物 莫 不 尊 道 而 貴 德.
Đạo sinh chi, đức súc chi, vật hình chi, thế thành chi. Thị dĩ vạn vật mạc bất tôn Đạo nhi quí Đức.
(Đạo sinh, Đức dưỡng, vật chất cho hình, hoàn cảnh tác thành (muôn vật). Cho nên muôn vật đều tôn Đạo, quí Đức).
Như vậy, Đạo sinh ra vũ trụ, vạn vật. Đức nuôi dưỡng và giúp vũ trụ, vạn vật phát triển đến chỗ hoàn mỹ.
道 之 尊, 德 之 貴, 夫 莫 之 命, 而 常 自 然.
Đạo chi tôn, Đức chi quí, phù mạc chi mệnh nhi thường tự nhiên.
( Đạo thì kính, Đức thì quý , mà Đạo Đức tự nhiên vốn đã như vậy)
故 道 生 之, 德 畜 之, 長 之, 育 之, 成 之, 熟 之, 養 之, 覆 之, 生 而 不有, 為 而 不 恃, 長 而 不 宰, 是 謂 玄 德.
Cố Đạo sinh chi, Đức súc chi, trưởng
chi, dục chi, thành chi, thục chi, dưỡng chi, phú chi, sinh nhi bất
hữu, vi nhi bất thị, trưởng nhi bất tể, thị vị huyền đức.
(cho
nên Đạo sinh, Đức dưỡng, làm cho vạn vật lớn lên; dưỡng nuôi vạn vật,
tác thành che chở vạn vật. Sinh vạn vật mà không nhận là của mình; làm
mà không cậy công; làm cho lớn lên mà không đòi làm chủ, thế gọi là Đức
nhiệm mầu).
道 是 德 的 體 . 德 是 道 的 用
Đạo thị Đức đích thể, Đức thị Đạo đích dụng
(Đạo là bản thể của Đức, Đức là ứng dụng của Đạo).
Như
vậy Đạo là một nguyên lý siêu việt, là nguyên lý cấu tạo ra vạn vật.
Còn Đức bao gồm tất cả các ảnh hưởng, các hiệu năng của Đạo để giúp cho
muôn vật được đi tới toàn vẹn.
Vô vi
Nếu tìm hiểu học thuyết vô vi của Lão Tử
một cách toàn diện chúng ta càng thấy ông là một người xuất chúng. Mặc
cho Khổng Tử thừa nhận Trời là đấng tối cao, sinh ra muôn vật, Mạnh Tử
cũng khẳng định điều đó, Mặc tử coi là tất nhiên, không phải bàn luận.
Khái niệm vô vi trong Đạo Đức kinh thường được hiểu lầm là không nên làm gì cả, nhưng thật ra Lão Tử khuyên rằng "Làm mà như không làm, như thế có đặng không".
為 學 日 益, 為 道 日 損. 損 之 又 損, 至 於 無 為.
Vi học nhật ích, vi Đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn dĩ chí vô vi.
(theo học ngày một thêm, theo Đạo ngày một bớt. Bớt rồi lại bớt, đến mức Vô vi).
無 為 而 無 不 為, 取 天 下 常 以 無 事. 及 其 有 事, 不 足 以 取 天 下.
Vô vi nhi vô bất vi, thủ thiên hạ thường dĩ vô sự. Cập kỳ hữu sự bất túc dĩ thủ thiên hạ.
(Không làm mà không gì không làm; muốn được thiên hạ phải dùng vô vi; dùng hữu vi không đủ để được thiên hạ).
Ông
cũng viết rằng: nước tuy mềm mại uyển chuyển nhưng có thể chảy đến bất
cứ nơi nào, và với một khối lượng lớn thì có thể làm lở cả đất đá. Như
vậy vô vi có thể ví von với cách hành xử của nước. Vô vi nhi vô bất
vi(chương 48), vô vi là hành động theo tự nhiên, là làm mà không có tâm
riêng, cũng như đói thì phải ăn, khát thì phải uống".
天 下 之 至 柔, 馳 騁 天 下 之 至 堅. 無 有 入 無 間. 吾 是 以 知 無 為 之 有 益.
Thiên hạ chi chí nhu, trì sính thiên hạ chi trí kiên. Vô hữu nhập vô gián. Ngô thị dĩ tri vô vi chi hữu ích.
(Cái mềm nhất trong trời đất chi phối được cái cứng nhất
trong trời đất. Cái «không có» lọt được vào chỗ «không có kẽ hở». Vì thế
nên ta biết lợi ích của vạn vật).
不 言 之 教, 無 為 之 益, 天 下 希 及 之
Bất ngôn chi giáo vô vi chi ích thiên hạ hi cập chi.
(Cách Dạy mà không dùng đến lời, cũng như ích lợi của «Vô vi», ít người có thể hiểu thấu).
Lão Tử là một đại trí thức, một người ưu
thời mẫn thế, lập nên học thuyết vô vi mong cứu vãn thời thế. Học
thuyết vô vi của Lão Tử nhấn mạnh “Vô dục”, “Vô vi”, “bất tranh”. Ông
cho rằng bản tính tham lam, hiếu thắng là nguồn gốc của mọi cuộc chiến
tranh huynh đệ tương tàn. Muốn cho xã hội thái bình, con người phải sống
thanh cao, không tham lam, không màng danh lợi.
不 尚 賢, 使 民 不 爭. 不 貴 難 得 之 貨, 使 民 不 為 盜. 不 見 可 欲, 使 民 心 不 亂.
Bất thượng hiền, sử dân bất tranh. Bất quí nan đắc chi hóa, sử dân bất vi đạo. Bất kiến khả dục, sử dân tâm bất loạn.
(Không sùng thượng hiền tài, khiến cho dân không
tranh. Không quí của khó được, khiến cho dân không trộm cướp. Không phô
trương những gì kích thích lòng ham muốn, khiến cho lòng dân không loạn).
是以 聖 人 之 治, 虛 其 心, 實 其 腹, 弱 其 志, 強 其 骨. 常 使 民 無 知 無 欲. 使 夫 知 不 敢 為 也.
Thị
dĩ thánh nhân chi trị, hư kỳ tâm, thực kỳ phúc, nhược kỳ chí, cường kỳ
cốt. Thường sử dân vô tri vô dục. Sở phù trí giả bất cảm vi dã.
(Vì vậy phép trị nước của thánh nhân là làm cho dân:
Trống lòng; No dạ; Yếu chí; Mạnh xương. Thường khiến cho dân không biết,
không ham. Khiến cho kẻ trí không dám làm gì cả).
為 無 為, 則 無 不 治
Vi vô vi, tắc vô bất trị.
(Làm theo phép Vô vi, thời không gì là không trị).
為 無 為, 事 無 事, 味 無 味. 大 小 多 少; 報 怨 以 德.
Vi vô vi, sự vô sự, vị vô vị. Đại tiểu, đa thiểu; báo oán dĩ đức.
(Làm hay không làm, có việc hay không việc, có mùi hương hay không mùi hương. Lớn nhỏ, nhiều ít, nên lấy đức báo oán).
Triết lý “vô” - “hữu”, “có” - “không” biểu hiện trong
hành động của con người là “Vô vi nhi vô bất vi”. Đó là điều cuối cùng
Lão Tử muốn vạch ra trong toàn bộ tác phẩm của mình. Ở đây, Lão Tử không
có ý bảo “vô vi” chỉ là “vô vi”, ông nói rõ “vô vi” mà vẫn “hữu vi” và
là làm theo tự nhiên, vì chỉ có theo quy luật tự nhiên thì hoạt động mới
có hiệu quả. Trong Đạo đức kinh, “Vô vi nhi vô bất vi” là tư tưởng khó
hiểu nhất nhưng cũng sâu sắc nhất xuyên suốt nội dung tác phẩm.
4- Kết Luận
Với
Đông Phương, Vô Vi là một Triết lý rất thâm sâu. Tựa mơ hồ, tựa hiện
thực, có đó mà như không có, nhưng bao trùm cả vạn vật.
Như
Phật Giáo phải diệt những dục vọng để trở về vô ngã. Nho Giáo cho vô vi
là bất dịch và biến dịch nên hình thành trật tự của sự sống. Còn Lão
Giáo thì không làm, nhưng lại làm tất cả.
Với
sự hiểu biết thâm sâu của các học giả trên thế giới, từ Đông sang Tây,
khi tìm hiểu về các tư tưởng Tam giáo, nhất là Lão Giáo, mỗi người mỗi
ý. Tuy rằng "Văn dĩ Tải Đạo", nhưng không thể diễn tả được hết ý Đạo.
Đối với các Học Giả còn vậy, thế còn mình?
Chỉ thích tìm hiểu và thích viết, nên cũng đua đòi
chen vào nơi bí hiểm này! Thôi thì cứ coi như :"Có
cũng như không. Viết như không có viết vậy"
Huỳnh Hữu Đức
***
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét