Góc Việt Cổ Thi Nguyễn Trung Ngạn
黃鶴樓 Hoàng Hạc Lâu
旅懷何處可消憂, Lữ hoài hà xứ khả tiêu ưu ?
黃鶴磯南一倚樓。 Hoàng hạc cơ nam nhất ỷ lâu.
夏口遠帆來別浦, Hạ Khẩu viễn phàm lai biệt phố,
漢陽晴樹隔滄洲。 Hán Dương tình thọ cách thương Châu.
樓前歌管迴翁醉, Lâu tiền ca quản hồi ông túy,
檻外煙波太白愁。 Hạm ngoại yên ba Thái Bạch sầu.
猛拍欗杆還自傲, Mãnh phách lan can hoàn tự ngạo,
江山奇絕我茲遊。 Giang sơn kỳ tuyệt ngã tư du !
阮忠彥 Nguyễn Trung Ngạn
* Chú Thích :
- Lữ Hoài 旅懷 : LỮ là Ở xa nhà, HOÀI là Nỗi lòng, nên LỮ HOÀI là Nỗi lòng của người xa xứ.
- Tiêu Ưu 消憂 : là Tiêu trừ ưu tư, là Làm cho hết buồn lo.
- Hoàng Hạc Cơ 黃鶴磯 : là núi đá nhô lên trên Xà Sơn của thành phố Vũ
Xương tỉnh Hồ Bắc. Tương truyền có tiên nhân Tử An cởi hạc ghé ngang qua
đây, nên mới có tên là HOÀNG HẠC CƠ. Hoàng Hạc Lâu được xây dựng trên
Hoàng Hạc Cơ nầy.
- Hạ Khẩu 夏口 : Nằm trong quận Giang Hạ, là Hán Khẩu của thành phố Vũ
Hán hiện nay, nằm ở phía đông của Hán Thủy và bờ bắc của sông Trường
Giang.
- Hán Dương 漢陽 : Địa danh nằm ở phía tây Hoàng Hạc Lâu và ở bờ bắc của sông Hán Thủy.
- Thương Châu 滄洲 : Phiếm chỉ Đại từ dùng để chỉ những bến nước hay cồn
đảo, nơi mà ngày xưa các ẩn sĩ hay tìm đến để ở. Còn THƯƠNG CHÂU 滄洲 (địa
danh) là thành phố lớn phía đông nam của tỉnh Hà bắc, phía đông giáp
biển Bột Hải, phía bắc giáp thành phố Thiên Tân, cách Hoàng Hạc lâu rất
xa.
- Hồi Ông Túy 迴翁醉 : Chỉ Ông đạo sĩ trở lại uống rượu say sưa lần chót
trên lầu, rồi thổi tiêu cho hạc bay xuống và cởi hạc đi mất.
- Thái Bạch Sầu 太白愁 : Thi tiên Lý Bạch buồn vì không làm thơ được trước
bài thơ qúa hay của Thôi Hiệu.(Mời đọc bài Hoàng Hạc Lâu theo link dưới
đây sẽ rõ :
- Mãnh Phách 猛拍 : là Vỗ mạnh, vỗ đánh đét vào ...cái gì đó.
- Tư 茲 : là Nay, là Nầy. TƯ DU 茲遊 là Nay ta được dạo chơi ở đây.
* Nghĩa Bài Thơ :
LẦU HOÀNG HẠC
Nỗi lòng của người xa xứ biết nơi nào mới có thể tiêu sầu được
đây ? Chỉ có đứng vựa vào lầu để ngắm lầu Hoàng Hạc trên Hoàng Hạc Cơ mà
thôi ! Từ cửa Hạ Khẩu ta thấy những cánh buồm xa xa đến từ những bến bờ
khác, Cách các cồn đảo trên sông nước ta thấy hàng cây xanh bày ra bên
bờ Hán Dương xa xa. Trước lầu tiếng tiêu thiều ca múa như lúc ông đạo sĩ
uống say trở lại, và bên ngoài lầu khói sóng trên sông làm cho Lý Thái
Bạch phải buồn bã vì không làm thơ được. Ta vỗ mạnh vào lan can mà tự
mãn nguyên rằng, ngày hôm nay, tại nơi đây ta cũng đã ngắm được cảnh núi
sông kỳ tuyệt nầy.
Vẫn giữ vần điệu và âm vận bất hủ của bài "Hoàng Hạc Lâu của Thôi Hiệu" với các vần như LÂU, CHÂU, SẦU ... làm người đọc có cảm giác như đây là một tục bản của Hoàng Hạc lâu thuở nào . Sau nầy cụ Nguyễn Du và Phan Thanh Giản khi đi sứ phương bắc cũng có thơ vịnh Hoàng Hạc Lâu, mặc dù không theo các âm vận trên, nhưng cũng có nét độc đáo riêng của Lầu Hoàng Hạc nên thơ và gợi cảm theo cách nhìn và cảm xúc của từng người theo từng thời đại ...
* Diễn Nôm :
HOÀNG HẠC LÂU
Nỗi lòng viễn xứ tỏ nơi đâu ?
Đứng tựa nam cơ Hoàng Hạc Lâu.
Hạ Khẩu buồm xa từ bến lạ,
Hán Dương cây tạnh cách thương châu.
Trước lầu tiêu sáo ông say đến,
Ngoài bãi khói sông Lý Bạch sầu.
Vổ mạnh lan can lòng tự mãn,
Núi sông tuyệt đẹp khỏi tìm đâu!
Lục bát :
Lòng sầu lữ khách khôn khuây,
Lên lầu Hoàng Hạc ngắm mây cuối trời.
Cánh buồm Hạ Khẩu ngoài khơi,
Hán Dương trời tạnh cây phơi bãi cồn.
Trước lầu tiêu sáo dập dồn,
Ngoài hiên Lý Bạch chợt buồn vì thơ.
Lan can vổ mạnh chẳng ngờ,
Núi sông thắng cảnh hiện giờ riêng ta!
Đỗ Chiêu Đức
Quên Đi xin dịch góp vui với anh Chiêu Đức
Dạo Lầu Hoàng Hạc
1/
Nỗi buồn xa xứ gởi về đâu
Ngắm dãy Hoàng xa đứng tựa lầu
Hạ Khẩu buồm giương thuyền khuất bóng
Hán dương cây lặng bến sông sâu
Trước thềm say rượu tiên ông hát
Ngoài quán sương giăng Lý Bạch sầu
Nhịp gõ lan can lòng sảng khoái
Núi sông cảnh đẹp gót dừng lâu.
2/
Thân nơi đất khách sầu lan
Dựa lầu cao ngắm dãy Hoàng Hạc xa
Buồm giương Hạ Khẩu lướt qua
Hán Dương bãi vắng cây già lặng im
Nhạc say chốn cũ lão tìm
Nỗi buồn Lý Bạch đắm chìm trong sương
Theo nhịp vỗ hết chán chường
Núi sông thật đẹp vấn vương khó rời
Quên Đi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét