Thứ Ba, 27 tháng 10, 2020

Nếu Trong Thơ Vắng Tiếng Nhạc

Nếu trong thơ không có nhạc, thơ sẽ ra sao, thơ có còn là thơ chăng?

Cùng nhìn lại các thể thơ xưa, như Lục Bát hay Thơ Mới của Việt Nam. Cổ Thể, Cận Thể của Trung Hoa... khi đọc lên ta cảm nhận được sự du dương, trầm bổng. Muốn được thế, phải hội đủ hai yếu tố:
Gieo Vần và Bằng Trắc trong các câu thơ phải được sắp xếp sao cho thuận miệng xuôi tai. 
Vì thế nên nhiều người quan niệm "Trong thơ phải có nhạc. Không có nhạc thì không còn là thơ"...
Nói chung, muốn có nhạc trong thơ, phải chăng điều quan trọng chính là gieo vần và bằng trắc ở mỗi câu phải hợp lý.
Rõ hơn Thơ phải có Vần, có Điệu, nếu không, không thể gọi là Thơ.
Đúng thế chăng?
Để tìm câu trả lời, chúng ta thử xem lại một vài bài của dạng thơ "Nổi Loạn", đã phá bỏ mọi luật lệ, từ câu chữ đến gieo vần, xuất hiện vào những năm đầu của hậu bán thế kỷ 20 đó là Thơ Tự Do.
Thanh Tâm Tuyền, Mai Thảo, Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa...có thể coi là những nhà thơ đại diện cho phong trào Thơ Tự Do. Tuy vẫn có những bài thơ có các câu gieo vần với nhau, nhưng các nhà thơ Tự Do sáng tác rất nhiều bài không hề gieo vần. Có lẽ Tiếng Việt vốn đã là nhạc, có đủ Ngũ Âm (do dấu Ngã và Hỏi tương đồng coi như là một), nên các vị ấy bỏ qua vấn đề gieo vần, chỉ sắp xếp Bằng Trắc để giữ chất nhạc trong thơ.

Thơ Thanh Tâm Tuyền:

...Khi tỉnh dậy
Chẳng một ai ôm mình
Ðêm dài tiếng kèn thê thiết
Thổi trên môi ung độc người nhạc sĩ đen
Tội lỗi nhét đầy con mắt ngây ngô
Kể lể toàn truyện tình vô vọng
Với một mình cấu lấy tóc mình...
                    (trích "Tên Người Yêu Dấu")

...Ai xui rằng mùa măng chưa tới
Mà mùa về măng thôi chẳng ngọt
Vườn măng rừng tháng sáu đêm sâu
Muốn làm người học trò mười bảy tuổi
Ðạp xe trên đường đồng
Bông mía trắng những căn nhà ngủ dưới cây
Sẽ thăm những bà con thân thuộc
Một người em hay một bà dì
Trời sẫm...
(trích "Bao Giờ")

hay của "Nguyên Sa"

...Tôi trân trọng mời em dự chuyến tầu tình ái.  
Trong một phút, một giây cuộc hành trình sẽ mở.  
Tôi mời em.  
Trân trọng mời em cùng đi, cùng khai mạc cuộc đời.
Tôi mời em đi ngay không cần lấy vé...  
Còn nếu cần thì tôi sẽ làm người bán vé...  
Vé có thể là những lá thư xanh.  
Tầu là gian nhà rất nhỏ... (trích "Mời" )

hay của Trần Vấn Lệ:

...Phải chi thơ chỉ là hai chữ
Vàng, Đá, cho Tình hóa núi non, chẳng có vai ai kề vác nổi để Tình muôn thuở đứng cô đơn! 
Ta cân nhắc mãi bài thơ mới, hình thức nằm trong chữ với câu?
Ngắn quá, có ai trân trọng nó? Lê thê thì sợ mắt ai đau… 
Chữ Tình, rút lại thành con số.
Thơ, lẽ nào thơ mỗi một dòng?
Thôi, cứ nối chơi, rồi để đó, cất dành làm củi sưởi đêm Đông! 
Biết đâu mai mốt em về nhỉ, nhìn chữ Tình tôi, em viết thêm – hai chữ Tình Yêu, rồi bốn chữ, Tình Yêu Thắm Thiết!
Cảm ơn em! (trích "Bài Thơ Một Chữ")

Đọc qua những bài thơ Tự Do trên, từ trong âm điệu, có gì rất ư quen thuộc, làm tôi nhớ đến một đoạn văn xuôi, đó là truyện ngắn "Tôi Đi Học" của Thanh Tịnh, âm điệu cũng thật nhẹ nhàng êm ái. Nếu đem ngắt đoạn văn xuôi này thành từng câu, cho hình thức giống như một bài thơ:

"Hằng năm cứ vào cuối thu,
lá ngoài đường rụng nhiều
và trên không có những đám mây bàng bạc,
lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường...
...Buổi sáng mai hôm ấy,
một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh.
Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp.
Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ.
Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi,
vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: "Hôm nay tôi đi học"...

Thật du dương với Hình, Ý, Thanh, Sắc đủ cả, độ trầm bổng so với các bài thơ trên không hề kém cạnh. Đây có thể xem là một bài Thơ Tự Do chăng?
Từ câu hỏi này, tôi lại có ý nghĩ "Phải chăng Thơ Tự Do chỉ là những bài văn xuôi được ngắt câu một cách hợp lý?".
Qua những thí dụ trên, chúng ta cũng nhận ra một điều: Sự trầm bổng của Bằng Trắc trong câu thơ chưa đủ, cần phải gieo vần mới có thể đạt được tiếng nhạc trong thơ.

Có thể sẽ có ý kiến cho rằng Thơ Tự Do không phải chỉ phá bỏ các qui luật, mới gọi là Thơ Tự Do, mà còn những yếu tố khác, như sự diễn đạt tư tưởng, đối chọi, ray rức, cuồng loạn, hay chống đối với chính mình trong thơ... đôi lúc dẫn đến sự mù mờ khó hiểu, dẫn dắt người đọc đến cảnh giới trừu tượng... đó mới được gọi là Thơ Tự Do!

Với cá nhân tôi, không quan tâm đến ý thơ sâu sắc, hay khó hiểu. Trước hết thơ phải êm ả như cơn gió làm dịu mát lòng người. Phải líu lo như tiếng hót của Họa Mi vào buổi bình minh. Phải thổn thức như tiếng độc huyền cầm trong đêm vắng. Phải như áng mây tạo nét đẹp cho bầu trời. Phải như những cánh hoa mang hương thơm đến với người...từ đó sẽ đem lại cho người đọc cảm giác lâng lâng sảng khoái.
Thơ không phải là câu đố. Không phải tiếng đàn chỏi nhịp. Không phải là tiếng chim lạc đàn. Không phải là cái gì lạ lẫm từ một tinh cầu nào đó...
Có lẽ chính vì vậy mà Thơ Tự Do ít được giới làm thơ yêu thích, dù đã trải qua khoảng gần 70 năm(*).

Huỳnh Hữu Đức

(*) Năm 1956 đánh dấu sự ra đời của Thơ Tự Do qua tập thơ "Tôi không còn cô độc" của Thanh Tâm Tuyền.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét